Câu chuyện hạt giống: “Ai làm chủ hạt giống, sẽ làm chủ cả thế giới?”

Câu chuyện hạt giống

“Ai làm chủ hạt giống sẽ làm chủ nguồn thực phẩm, ai làm chủ được nguồn thực phẩm sẽ làm chủ thế giới” câu nói của Monsanto – công ty chuyên nghiên cứu, phát triển, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong nông nghiệp hay còn lại là GMO (Genetic Modification Organism – sinh vật biến đổi gen) đã cho bạn nhìn thấy phần nào sự thật về thế giới.

Nhân loại có thể tồn tại mà không cần đến máy móc hiện đại tiên tiến nhưng nhân loại sẽ không thể nào tồn tại nếu không có lương thực, thực phẩm. Chính vì vậy với tham vọng làm chủ thế giới, Mosanto – với tiền thân là công ty chuyên sản xuất hóa chất độc hại trong chiến tranh, tiêu biểu nhất là loại chất độc dioxin, tên dễ nhớ là chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ đã dùng trong cuộc chiến với Việt Nam gây ra biết bao thiệt hại về con người lẫn tài nguyên – đã ngày một lớn mạnh và thâu tóm thị trường khổng lồ của ngành vật tư nông nghiệp trên toàn thế giới.

Quay trở lại với câu chuyện hạt giống. Chẳng cần là nông dân, chẳng cần nghiên cứu lịch sử nhân loại hẳn bạn cũng biết về tiến trình trồng trọt của loài người chúng ta. Tổ tiên loài người đã từng săn bắt hái lượm mang hạt giống họ tìm được từ trong rừng về trồng gần nhà hay những nơi thuận tiện cho việc thu hoạch mùa tới. Dần dần họ tìm ra nhiều loại hạt giống hơn, khám phá ra nhiều cách thức trồng trọt mang lại năng suất cao hơn, sau mỗi vụ mùa họ sẽ giữ lại những hạt giống tốt nhất để gieo trồng cho các mùa sau. Dù cho khí hậu, kỹ thuật trồng trọt và loại hạt giống mà người nông dân trên toàn trái đất trồng trọt canh tác là khác nhau nhưng hành động trữ hạt giống để trồng cho mùa sau thì ở đâu cũng vậy. Người nông dân thậm chí còn trao đổi các loại hạt giống cây trồng cho nhau và cùng nhau cấy ghép ra các loại cây trồng mới làm nên sự đa dạng loài cho trái đất này.

Nhưng những ngày cổ tích ấy không còn nữa khi Chính phủ Mỹ và Canada bắt đầu phát triển các ngành nông nghiệp quy mô lớn để xuất khẩu từ đầu những năm 1990. Đầu tiên họ quyết định chỉ tập trung vào một số ít loại cây trồng và vật nuôi nhất định để tăng tối đa tính đồng nhất và sản lượng. Sau đó công việc nhân giống và trồng trọt bắt đầu chuyển từ trang trại vào các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học mà vốn được cấp đất và tài trợ bởi chính phủ. Không chỉ nhân giống, công nghệ di truyền và công nghệ sinh học là hai trong số những ưu tiên hàng đầu của họ. Rồi từ đó công nghiệp thực phẩm GMO ra đời mà Mosanto là “ông trùm” nổi tiếng nhất.

Mosanto mua lại các công ty hạt giống truyền thống, biến đổi các thành phần trong gen của mọi loại hạt giống có thể như cấy gen kháng thuốc diệt cỏ vào gen của cây ngô để tạo ra giống ngô mới kháng được thuốc ấy, rồi đem bán cho nông dân. Mọi loại hạt giống biến đổi gen thành công đều được đăng ký bảo hộ bản quyền cẩn thận vì họ gọi đó là “sản phẩm trí tuệ”. Sau khi tung hạt giống ra thị trường, Mosanto thành lập một đội quân gọi là “cảnh sát bảo vệ gen” để sẵn sàng kiện bất cứ ai sử dụng hạt giống GMO từ mùa trước cho mùa sau hay không thông qua công ty của họ. Họ còn khuyến khích các nông dân “tố cáo” nhau. Hành động này của Monsanto gây ra nỗi lo sợ cho những cánh đồng trên khắp nước Mỹ, người ta cho đó là phương thức toàn trị của một thế giới bị ngự trị bởi biến đổi gen. Rất nhiều nông dân đã phải phá sản, phải bán trang trại của gia đình cho Mosanto vì không thể cạnh tranh hoặc vì bị thua kiện trong những vụ kiện vô lý. Gọi vô lý bởi vì hạt giống của Mosanto có thể được các loài côn trùng vô tình thụ phấn cho một trang trại sát bên nào đó. Và chỉ trong một thời gian ngắn cả trang trại ấy sẽ đầy những hạt biến đổi gen mà đến chính người nông dân cũng không hề hay biết. Lúc này người nông dan lâm vào tình thế khó khăn vì thua kiện khi các hạt “vô tình” này đã được bảo hộ bản quyền. Họ bị vu cho tội “ăn cắp” sản phẩm trí tuệ, vi phạm bản quyền hay các tội khác đại loại vậy mà kết cục là phần lớn nông dân bị mất mảnh đất sinh nhai của mình.

Monsanto hiện chiếm khoảng 30% thị phần hạt giống biến đổi gen toàn cầu nhưng bán đến 90% hạt giống biến đổi gen cho Mỹ – nơi chiếm hơn một nửa sản lượng GMO thế giới. Sự phổ biến quá nhanh chóng của các thực

118 Phi Tuyết

phẩm biến đổi gen gây ra tranh cãi và mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng, ô nhiễm môi trường. Nhiều người cho rằng Monsanto đã thực hiện một cách có hệ thống việc lũng đoạn chính sách, lũng đoạn thị trường và lừa gạt dân chúng. Điều này không hẳn là vô lý nếu bạn nhìn ra thế giới và xem chuyện gì đã xảy ra.

Tại Ấn Độ, trước cả khi được Chính phủ Ấn Độ chấp thuận đưa cây bông biến đổi gen vào sản xuất, Monsanto đã mua lại công ty hạt giống lớn nhất và kiểm soát gần như toàn bộ thị trường hạt giống bông ở đất nước này và gây bao đau thương cho các gia đình nông dân nghèo tại đây.

Tại México, mặc dù chính phủ nghiêm cấm việc trồng ngô biến đổi gen nhưng phía sau hậu trường, một giáo sư thuộc Đại học California tại Berkeley (Mỹ) đã bị sa thải vì ông phát hiện ra các giống ngô thuần chủng quý giá ở đây đã bị nhiễm gen của GMO.

Tại Paraguay, chính phủ cuối cùng cũng phải cho phép hợp thức hóa việc gieo trồng GMO vì chúng đã bị trồng chui quá nhiều, đây là giải pháp bất đắc dĩ để cứu ngành gieo trồng đậu nành. Câu chuyện tưởng chừng rất phi lý: “Các hạt giống biến đổi gen xâm nhập vào đất nước chúng tôi một cách bất hợp pháp. Chúng không đến từ chợ đen mà chúng đến trong những bao tải màu trắng, không ghi nguồn gốc xuất xứ” – ứ trưởng bộ Nông nghiệp Paraguay, Roberto Franco cho biết – “Một phần tư sản lượng đậu nành của Paraguay được xuất khẩu sang EU (nơi yêu cầu dán nhãn các sản phẩm có nguồn gốc GMO). Chúng tôi không có cách nào biết đâu là đậu nành tự nhiên, đâu là đậu nành biến đổi gen. Để tránh việc mất đi thị trường xuất khẩu đậu nành, chiếm 10% GDP, chúng tôi phải hợp thức hóa các ngũ cốc biến đổi gen trái phép.”

Tại Brazil câu chuyện tương tự cũng xảy ra. Sự hợp thức hóa GMO của chính quyền Paraguay và Brazil đã cho thấy sự bất lực, đầu hàng của chính sách quốc gia đối với ngành kinh tế nông nghiệp sinh học biến đổi gen.

Tuy không có bằng chứng để chỉ ra rằng Monsanto đứng đằng sau sự việc ở Paraguay và Brazil nhưng chúng ta có thể nhận thấy rằng Monsanto là phía có lợi nhất trong các sự việc này. Không chỉ như vậy, ở Paraguay, người ta thấy sự xuất hiện của những cánh đồng chuyên canh cây trồng biến đổi gen. Người ta phá rừng, ép buộc bằng vũ lực các hộ nông dân bỏ lại ruộng đất, nhà cửa cho những cánh đồng chuyên canh đậu nành biến đổi gen.

Nền chuyên canh cây trồng biến đổi gen không thể sống chung với sự canh tác của các hộ nông dân nhỏ, đó là hai mô hình không tương hợp. Nó phá hủy sinh thái và hủy hoại mọi tài nguyên thiên nhiên đã nuôi sống loài người bằng cách biến trái đất thành sa mạc, một sa mạc màu xanh.

Đây là một tác hại khác, có thể đo lường được của việc độc canh cây trồng. Chúng ta đều biết người nông dân truyền thống thường trồng các loại cây đan xen nhau giữa các mùa để đảm bảo tạo độ màu mỡ phì nhiêu cho đất lẫn cân bằng sinh thái. Ví dụ như sau mùa ngô đất bị mất nito nên người nông dân sẽ trồng cây đậu nành – giống cây duy nhất giúp cố định và tái tạo nito cho đất. Nhưng với sự công – nông nghiệp hóa một cách toàn diện, người nông dân buộc chỉ được trồng độc canh một loại cây duy nhất xuyên suốt các mùa và điều này khiến cho đất đai khô cằn xói mòn nghiêm trọng. Trước tình hình ấy, Mosanto lại xuất hiện như một vị cứu tinh khi không chỉ cung cấp hạt giống, thuốc trừ sâu mà còn sản xuất rất nhiều loại phân bón cung cấp cho các loại cây trồng cụ thể khác nhau giúp chúng vẫn sống tốt trên những nền đất bạc màu mà người ta còn gọi là đất chết. Ví dụ, người nông dân mua hạt đậu nành Monsanto sản xuất thì nhất định phải mua thêm Rounup – loại thuốc diệt cỏ chuyên dùng cho cánh đồng đậu nành.

Trở lại với câu chuyện hạt giống. Hạt giống là nền tảng của sự sống, giúp đảm bảo sự sinh tồn của con người. Nông dân vô cùng quý trọng hạt giống vì đó là công việc của họ: công việc bảo vệ di sản cây trồng cho xã hội và cho thế hệ sau, nhưng nay câu chuyện đã khác. Hạt giống từng được coi là tài sản chung giờ đây trở thành tài sản riêng của một vài tập đoàn khổng lồ nhận trách nhiệm kiểm soát việc cung cấp lương thực toàn cầu. Khi một tập đoàn độc quyền việc sản xuất thì có một điều chắc chắn là họ sẽ đưa ra các quyết định kinh doanh dựa trên việc đem lại lợi nhuận cho họ chứ không dựa trên những gì tốt nhất cho khách hàng hoặc cho môi trường. Đây chính là mặt trái tồi tệ nhất của chủ nghĩa tiêu dùng, ngoài lợi nhuận dường như không còn gì khác là đáng quan tâm đối với họ.

Điều kỳ lạ, hay không kỳ lạ lắm là những tập đoàn ấy lại hoàn toàn nhận được sự ủng hộ từ các chính phủ. Nhất là Chính phủ Mỹ đã đề ra một chính sách nhằm ngăn cấm người nông dân trao đổi hạt giống tại các thư viện hạt giống cộng đồng. Họ cho rằng các thư viện vi phạm đạo luật hạt giống trong kinh doanh nên hàng loạt các thư viện đã bị buộc phải đóng cửa. Mặc dù việc trao đổi hạt giống là một trong những cách tốt nhất để giữ gìn các loại hạt gia truyền và bảo vệ nguồn hạt giống “sạch” cho nông dân.

Đối lập với sự bành trướng và phát triển rầm rộ của các công ty này là sự thiệt hại nặng nề và khủng khiếp của nhân loại trong hành trình bảo vệ, đa dạng hóa các loài trên mặt đất. Khi so sánh số giống cây những năm 1900 với số hạt giống ở Phòng thí nghiệm lưu trữ hạt giống quốc gia Mỹ năm 1983, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng 93% hạt giống đã biến mất chỉ trong vòng 8 thập kỷ. Không chỉ giống trái cây và rau quả đang biến mất, Ngân hàng Hạt giống iên niên kỷ ước tính 60 nghìn đến 100 nghìn loài thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Bạn có tin nổi không, vào năm 1903 cải bắp có tới 500 loại thì sau 80 năm chỉ còn 28 loại; 400 giống đậu và cà chua chỉ còn 100 loại; 285 giống dưa chuột chỉ còn lại 16 giống… Có thể nói các công ty sản xuất thực phẩm biến đổi gen chính là thủ phạm trong việc xóa sổ hàng ngàn giống cây trồng của nhân loại, là nhân vật phản diện trong bộ phim “ngày tàn của thực phẩm trái đất.”

Nếu như bạn vẫn thường xem các bộ phim bom tấn và chứng kiến biết bao câu chuyện về những nhân vật phản diện với âm mưu tiêu diệt nhân loại; nếu như bạn vẫn luôn cho rằng mình sẽ đứng về phía “chính nghĩa” khi có những âm mưu như vậy xảy ra thì trên thực tế bạn có thể gia nhập vào “hội những người phản đối GMO” đang thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của quần chúng. Bạn có thể làm những việc sau đây để góp phần chống lại “tập đoàn phản diện” ấy bằng cách thể hiện quan điểm của bạn qua mỗi bữa ăn trong gia đình. Những việc nhỏ này sẽ mang lại sự khác biệt rất lớn và có thể giúp bảo lưu nguồn lương thực của con người trong tương lai: Không mua thực phẩm biến đổi gen đã qua chế biến, dạng tươi sống hay các loại hạt giống để gieo trồng; Tích cực ủng hộ giống cây trồng truyền thống tại địa phương hay các trang trại hữu cơ; Tẩy chay các hóa chất làm vườn đặc biệt hãy nghĩ đến việc tự mình nuôi trồng thực phẩm; Nấu ăn tại nhà bất cứ khi nào có thể. Vì thực tế hiện tại thực phẩm biến đổi gen đã tràn ngập khắp mọi siêu thị và các cửa hàng đồ ăn uống, sẽ rất khó để bạn có thể từ chối những món hàng đó hay đôi khi bạn không hề biết chúng có phải GMO hay không.

“Cuộc chiến hạt giống” vẫn chưa phân định thắng thua và ngày càng quyết liệt giữa một bên là tập đoàn hùng mạnh còn một bên là những người tiêu dùng yếu ớt đang cố tập hợp nhau lại để cùng đấu tranh. Trong cuộc chiến ấy cũng xuất hiện rất nhiều bản báo cáo từ các nhà nghiên cứu khoa học về sản phẩm biến đổi gen, nếu bản báo cáo ấy ủng hộ GMO thì sẽ được cho là họ làm việc cho Mosanto. Điều này cũng không hẳn vô lý khi các công trình nghiên cứu đều được thực hiện dưới sự tài trợ của một mạnh thường quân nên việc kết quả đi theo hướng ủng hộ nhà tài trợ không phải là hiếm. Còn nếu báo cáo nào phản đối GMO thì lại bị cho rằng không đủ bằng cớ thuyết phục. Ai cũng có cái lý của mình khi đưa ra các quan điểm phản đối hay ủng hộ, vậy bạn thì sao? Bạn chọn đứng về phía nào?

Bản thân tôi không đánh giá tệ cho Mosanto và công nghệ biến đổi gen chỉ vì thực phẩm của họ “có thể” độc hại. Nói “có thể” vì điều này vẫn đang gây tranh cãi ở các quốc gia rằng thực phẩm biến đổi gen có hại hay không. Tôi cũng không đánh giá họ chỉ bởi vì họ có một quá khứ “bất hảo” là sản xuất vũ khí và chất độc. Ngày nay họ vẫn kinh doanh vũ khí và chất độc đó thôi, có điều thay vì dùng chúng cho các quốc gia tham chiến mà họ gọi là “quân địch” thì giờ đây họ dùng chúng để tiêu diệt tương lai loài người và tương lai trái đất, bao gồm cả tương lai con cháu họ. Tôi cũng không phải nhà nghiên cứu để có thể đưa ra đánh giá chuẩn xác về GMO. Nhưng tôi có thể cảm nhận và tôi tin vào cảm nhận của mình.

Bạn có thấy ngày trước khi bạn ăn một bắp ngô bạn cảm nhận rõ vị tinh bột trong các hạt bắp nhưng ngày nay khi bạn ăn một bắp ngô biến đổi gen – hay còn gọi là ngô ngọt, ngô Mỹ – thì cảm giác hệt như bạn đang ăn một loại trái cây đầy nước chứ không còn cảm nhận được vị tinh bột nữa. êm một suy nghĩ khác của tôi về GMO liên quan đến việc vô sinh của nhiều người hiện nay: chính vì thực phẩm biến đổi gen là thực phẩm đã bị mất khả năng sinh sản nên đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh nay ngày càng phổ biến hơn ở con người. Tất nhiên tôi không có bằng chứng nào để chứng minh điều đó, tôi chỉ có một niềm tin rằng “thực phẩm tạo ra con người”, bạn ăn thực phẩm gì thì nhất định cơ thể của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi các đặc tính của thực phẩm đó, như dân gian có câu “ăn gì bổ nấy” vậy.

Bạn cũng có thể thuộc phe ủng hộ GMO với lý do rằng nó đã được chứng minh là an toàn, rằng nghiên cứu nói tốt thì nghĩa là nó tốt, rằng đó là một bước tiến lớn của nhân loại, của công nghệ nhờ đó mà loài người mới có đủ thực phẩm nuôi sống gần 9 tỷ người. Vâng, bạn có thể ủng hộ nó nếu muốn. Nhưng có một điều kỳ lạ khiến tôi đứng về phe phản đối GMO và tôi nghĩ bạn cũng nên cảm thấy kỳ lạ: Nếu thực phẩm GMO đủ tốt như họ nói, nếu họ tự tin về thực phẩm của họ là cứu tinh cho nhân loại và an toàn, tại sao họ lại lo sợ và bằng mọi cách cản trở việc dán nhãn thực phẩm GMO tại các cửa hàng đến vậy? Họ sợ bị khách hàng tẩy chay ư? Chẳng phải khách hàng mới là người quyết định mặt hàng họ muốn và có quyền được biết nguồn gốc mặt hàng đó sao? Nền kinh tế thị trường tự do gì mà lại cấm không cho khách hàng biết và sợ hãi khách hàng tẩy chay đến như thế? Hẳn là phải có gì đó khuất tất ở đây. Tôi tin như thế. Cho nên nếu bạn ủng hộ GMO, hãy ủng hộ cả những người đang yêu cầu minh bạch hóa thực phẩm GMO tại các cửa hàng, siêu thị. Vậy mới là công bằng!

Nếu như bạn còn nhớ một điều tôi nói ngay từ khi mở đầu cuốn sách này, rằng tôi thường hay bị ghét vì những ý kiến trái chiều đám đông, hay thích đứng ở phía phản diện trong các câu chuyện thì lần này cũng vậy. Khi xét vấn đề trên một góc độ toàn cục thì tôi lại có những sự thông cảm nhất định với họ. Trái đất này quá đông đúc và con người thì sống vô ý thức, chỉ biết tàn phá chứ không biết xây dựng, chỉ biết phung phí chứ không biết tiết kiệm, chỉ biết đòi hỏi chứ không biết trân trọng những gì cuộc sống mang lại. Cứ đà tàn phá ấy thì một ngày kia loài người sẽ bị diệt vong vì trái đất không còn gì cho họ khai thác nữa. Biết đâu những người đứng đầu các tập đoàn GMO lại chỉ nghĩ rằng họ đang thực hiện một trách nhiệm cao cả lớn lao: giải cứu trái đất khỏi sự tàn phá của loài người. Bước đầu tiên của họ là làm cho dân số sụt giảm về mức mà trái đất có thể chịu đựng thông qua việc làm cho người ta trở nên vô sinh và chết dần bởi các căn bệnh lạ. Để rồi thế hệ con người tiếp theo – những người có thể tồn tại qua “cơn đại hồng thủy thực phẩm” – sẽ có một bộ gen tốt hơn, tiến hóa lên một tầm cao hơn để chống chọi bệnh tật tốt hơn. Hệt như cách người ta đã làm với hạt giống, giờ người ta cũng đang làm thế với con người. Vì con người cũng là một loại hạt giống của sự sống.

Dù nói như thế nhưng xin đừng hiểu lầm, có thể trí tưởng tượng của tôi hơi xa và phong phú nhưng dù phong phú đến đâu và thông cảm đến thế nào thì tôi cũng không thể nào ủng hộ họ được. Không phải bởi những gì họ làm với con người mà còn bởi những gì họ làm với thiên nhiên, với trái đất này. Họ không thể cứu trái đất bằng cách phá hủy nó cũng như không thể cứu loài người bằng cách phá hoại sự sống một cách quy mô như vậy được. Họ cũng không có quyền làm bất cứ điều gì họ đang làm: độc quyền hạt giống, gây tuyệt chủng các loài, kiểm soát nguồn thực phẩm nuôi sống nhân loại và nhất là không thể để họ tự tung tự tác gây đau thương khắp nơi như cách họ đã làm cho các nông dân Mỹ phá sản, nông dân Ấn Độ tự tử hàng loạt.

À tôi chưa đề cập đến câu chuyện ấy, có lẽ đã tới lúc kể cho bạn một thực tế đã xảy ra với những người nông dân nghèo trước khi bạn quyết định sẽ ủng hộ hay phản đối thực phẩm biến đổi gen. Câu chuyện xảy ra tại Ấn Độ. Trong gần 2 thập kỷ qua, khoảng 300 nghìn nông dân Ấn Độ đã tự tử vì cùng quẫn sau những mùa vụ thất bát. Điều đáng nói, nguyên nhân mất mùa được chuyên gia nông nghiệp khẳng định do các giống cây trồng biến đổi gen không phát huy hiệu quả như hứa hẹn. Kinh khủng hơn khi số ca nông dân tự tử (gần 20 nghìn ca/năm) theo thống kê đó còn chưa tính tới các trường hợp tự tử của những người thân, như một hệ lụy kéo dài của bi kịch. Vì nhiều bà vợ sau khi chồng mất phải gánh trên vai khoản nợ để lại, món nợ đó tiếp tục truyền lại cho đời con. Sức ép nợ nần tiếp tục dẫn tới các vụ tự tử đau lòng khác và vòng xoáy nghèo đói cứ thế vận hành không nghỉ.

Chuyện bắt đầu như tôi đã đề cập ở trên rằng Mosanto đã mua hãng cây giống lớn nhất Ấn Độ từ trước khi chính phủ đồng ý cho trồng cây bông GMO. Người nông dân buộc phải mua hạt giống từ Mosanto với giá đắt đỏ bằng tiền vay từ ngân hàng. Lưu ý ngân hàng chỉ cho vay với điều kiện người nông dân phải trồng loại hạt giống cho năng suất cao hơn, nghĩa là nếu họ trồng hạt giống bình thường theo truyền thống thì họ sẽ không được vay vốn ngân hàng. Bất đắc dĩ người nông dân đành phải vay mượn để trồng bông và khi mùa màng thất bát vì nhiều lý do như hạt giống không thích hợp, thiên tai hay hạn hán làm ảnh hưởng đến vụ mùa thì họ không cách nào trả được nợ vay nữa. Họ đành chọn con đường tự tử để giải thoát mình khỏi vòng xoáy nợ nần do chính cơn lốc GMO tạo ra.

Tất nhiên hãng Mosanto phủ nhận việc này, họ phát biểu rằng “Bất kể những cáo buộc đổ lỗi cho hạt giống GMO, các nghiên cứu vẫn cho thấy không có liên hệ nào giữa các vụ tự tử của nông dân Ấn Độ với việc trồng giống bông GMO” và trích dẫn nhiều nghiên cứu khác để bảo vệ quan điểm của mình.

Thật là một câu chuyện đau thương, bài học không chỉ cho nông dân Ấn mà cho nông dân toàn thế giới, đặc biệt là Việt Nam vì Việt Nam vốn là một đất nước nông nghiệp truyền thống, chắc chắn đã và đang là đích ngắm tuyệt vời cho các công ty GMO. Một điều kỳ lạ là nếu bạn tìm hiểu về câu chuyện này bạn sẽ chỉ tìm thấy những bài báo có tựa đề như: nông dân Ấn tự tử vì… biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu làm nông dân tự tử ư? ật điên rồ! Tôi chưa muốn đi sâu vào những cái xấu xí của truyền thông nhưng xin nhắc trước cho bạn chuẩn bị tinh thần rằng truyền thông và quảng cáo chính là một công cụ cực kỳ đắc lực của chủ nghĩa tiêu dùng, tức chủ nghĩa lợi nhuận. Nó chính là thứ vũ khí hữu hiệu mà “các ông chủ” tạo ra “nô lệ” là chúng ta và điều khiển chúng ta hành động như ý họ. Cụ thể vấn đề sẽ được bàn tới ở các chương sau vì tôi không muốn đưa bạn thêm tin buồn nào nữa ngay lúc này. ay vào đó tôi muốn mang cho bạn một vài tin vui, rất nhỏ nhưng rất vui. Vui vì những câu chuyện này sẽ cho bạn thêm một góc nhìn để từ đó bạn có thể định hướng suy nghĩ cho chính mình về những gì bạn muốn làm, bạn có thể làm để ủng hộ quyền làm chủ hạt giống của con người, của nhân loại nói chung chứ không phải chỉ một vài công ty, tập đoàn nào cả. Hay bạn cũng có thể sẽ chọn cho chính mình một sứ mệnh vô cùng to lớn: bảo vệ nguồn hạt giống của nhân loại, bảo vệ sự tồn vong của nhân loại. Thế thì cuộc đời bạn sẽ chính thức trở thành một bộ phim hành động hệt như một bộ phim gay cấn của Hollywood và bộ phim ấy thì có thật chứ không hề viễn tưởng chút nào.

Dù cho ở bất kỳ thời đại nào chúng ta cũng luôn có những vị “anh hùng” âm thầm cố gắng bảo vệ và cứu vớt nhân loại. Các vị anh hùng trong đời sống thực không có khả năng siêu nhiên như trong các bộ phim nhưng mẫu số chung là họ có một ý chí mãnh liệt và lòng quyết tâm theo đuổi những gì họ tin tưởng, cùng một kế hoạch rõ ràng nữa.

Dù cho bạn thuộc tôn giáo nào thì hẳn bạn đã từng được nghe câu chuyện về ông già Noah, người được Thượng Đế chọn để cứu sống muôn loài. Ông đã dành cả đời để đóng một con thuyền khổng lồ đủ sức chứa gia đình ông và muôn thú với niềm tin Thượng Đế sẽ trừng phạt tội lỗi nhân loại bằng cách dâng nước 40 ngày đêm nhấn chìm toàn thế giới. Chính nhờ sự kiện tâm tin tưởng vào điều ấy mà Noah đã cứu và duy trì sự sống cho muôn loài thụ tạo, bảo vệ kỳ công của Thượng Đế.

Ngay lúc này trên thế giới cũng đang có những Noah như thế.

Trích “Tại sao chúng ta không hạnh phúc?” Phi Tuyết 2018, một cuốn sách tổng hợp kiến thức theo cách rất… Phi Tuyết, ờ!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *