Những Noah thời hiện đại và sứ mệnh “Giải cứu hạt giống”

Câu chuyện ông lão Noah và trận đại hồng thủy GMO

Tại trang trại của mình ở Maine (Mỹ), Will Bonsall vừa làm nông vừa lưu giữ lại hàng nghìn loại giống nhằm bảo tồn sự đa dạng của thực vật. Ông luôn cố gắng lưu giữ những loại giống tốt nhất cho mọi người bởi ông biết rằng khoảng 90% loại hạt giống đã biến mất hoàn toàn trên hành tinh này. Hãy nghe câu chuyện của Bonsall trong bộ phim tài liệu Seed: The Untold Story:

Kể từ khi tôi sinh ra, gia đình tôi đã luôn sống ở đây theo hướng hippy tự cung tự cấp mọi thứ. Chúng tôi xem rất nhiều bộ phim về tự nhiên, về săn bắt và chúng tôi cũng luôn cố gắng để làm điều gì đó khác biệt.

Lần đầu tiên khi nhìn thấy những hạt đậu đầy màu sắc, tôi chỉ muốn hét lên “HUWOA” vì cảm tưởng như mình đang ở trong tiệm kim hoàn vậy. Tôi bị lóa mắt về sự đa dạng màu sắc và chủng loại của thực vật. Trên thế giới này không ai giống ai hết, mỗi người một giới tính, một sắc tộc, một tôn giáo… hạt giống cũng vậy, có muôn vàn hạt giống khác nhau. Ông bà cố của tôi cũng là nông dân. Khi tôi nhìn một bức ảnh cũ của bà đứng cạnh một quầy hàng ở chợ nông sản địa phương với cơ man là rau củ, ngũ cốc tôi chỉ muốn bước vào trong bức ảnh và nói “Chào bà, cháu là Willy, cháu có thể lấy vài loại rau củ không?” Bởi vì 90% loại rau củ trong bức ảnh đã biến mất. Chúng đã từng là một phần của gia đình tôi và giờ chúng đã biến mất. Tôi tưởng tượng về một ngày Thượng Đế nhìn tôi rồi nhìn xung quanh và nói “Đây là nơi nào? Những thứ ta đã tạo ra đâu rồi? Tại sao chúng lại biến mất?” Tôi cảm thấy mình hệt như Noah. Noah không có quyền chọn lựa phải cứu cá sấu hay ruồi đen. Noah phải cứu sống tất cả các loài động vật, mỗi loại một đôi và đưa chúng lên tàu. Công việc của tôi cũng vậy. Tôi đang lưu trữ và bảo tồn hàng ngàn loại hạt giống. Tôi không có quyền quyết định hạt giống nào sẽ được người nông dân, người ươm giống lựa chọn. Công việc của tôi là bảo vệ mọi loại hạt giống và giữ chúng tồn tại trong 40 ngày đêm cho tới khi “cơn đại hồng thủy” qua đi. Theo tôi, trong 10 năm nữa nhu cầu về lượng hạt giống mà tôi lưu trữ là rất lớn vì chúng có nguồn gen tốt giúp chống lại nhiều bệnh hại phổ biến hiện nay. Tôi có nhiều loại hạt giống mà không ở đâu còn nữa. Có những năm tôi trồng nhiều loại hạt giống nhưng chúng không nảy mầm, đó thật sự là một tổn thất lớn đối với hành tinh của chúng ta khi ngày càng nhiều loài thực/động vật bị tuyệt chủng.

Ví dụ như khoai tây có đến hàng trăm loại khác nhau: khoai tây vỏ tím, vỏ đen, vỏ ánh vàng kim, vỏ hồng đậm… Vào năm 1830 – 1840 người dân Ailen chỉ trồng giống khoai tây Lumper, giống này cho năng suất cao nhưng lại không hề có chút sức đề kháng nào để chống lại bệnh mốc sương. Khi mất mùa, loại khoai tây này đã khiến hàng triệu người Ailen chết đói. Đa dạng di truyền là hàng rào bảo vệ con người khỏi chết đói.

Sự thật là chúng ta đã mất đi 94% lượng hạt giống rau củ trong thế kỷ 20. Năm 1983 một kết quả nghiên cứu tại Mỹ kết luận rằng bắp cải vốn có 544 loại, nay chỉ còn 28 loại; súp lơ 158 loại nay chỉ còn 9; su hào 55 còn 3; Atiso có 34 còn 2; củ cải 288 còn 17; ớt đã mất biến mất 90%; măng tây mất 98%; bắp mất 66%, hành mất 94%, dưa hấu mất 91%…

Sự đa dạng trong trữ lượng giống đang bị đe dọa nghiêm trọng giống như gấu trúc, đại bàng vàng, gấu Bắc cực… cũng đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nhân loại đang đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng về giống.

Câu chuyện về ông già Noah thời hiện đại với con tàu chứa đầy hạt giống đang ngày đêm nỗ lực cứu vớt sự đa dạng loài cho trái đất khiến chúng ta cảm nhận chân thực hơn bao giờ hết về viễn cảnh sự sống đang dần mất đi khỏi hành tinh này.

Và ông ấy không phải người duy nhất. Tại châu Á cũng có một Noah như thế.

 

Câu chuyện anh chàng nông dân và những hạt giống miễn phí

Ñó là câu chuyện về anh chàng nông dân Jon Jandai ở Thái Lan, người đã trở nên quen thuộc với nhiều người Việt Nam qua bài thuyết trình mang tên “Cuộc sống vốn đơn giản, sao phải làm cho nó phức tạp?” (Tên gốc: “Life is easy. Why do we make it so hard?”) Tôi rất thích bài nói ấy về câu chuyện cuộc đời anh khi anh từ chối đi theo dòng chảy của đám đông mà quay trở lại quê hương tự gây dựng cuộc sống tươi đẹp cho mình. Tôi cũng có một cuộc sống gần tương đồng nên càng trân quý câu chuyện ấy hơn dù cho ý tưởng “về quê sinh sống” đi ngược lại định hướng phấn đấu của nhiều người trong số các bạn. Tôi sẽ không kể lại câu chuyện về “cuộc sống dễ dàng” của tôi lẫn anh ấy ở đây nhưng hứa sẽ kể trong một dịp khác thuận tiện hơn. Hôm nay tôi sẽ chỉ thuật lại cho các bạn một câu chuyện khác anh đã kể. Không phải về cuộc sống dễ dàng nữa mà là một cuộc sống cực kỳ khó khăn của những người nông dân trong làng của anh, về con đường mà các tập đoàn như Mosanto đã biến người nông dân thành nô lệ như thế nào.

Những lời sau này là tâm sự của Jon Jandai trong video có tên Seed saving:

Trong vài thập kỷ gần đây, nhiều nông dân đã đổi từ canh tác truyền thống sang dùng hạt giống lai và phân bón hóa học. Hạt giống lai dùng trong thương mại là hạt giống được tạo ra chỉ để dùng một lần. Do đó nông dân phải mua lại hạt giống khi vào vụ mùa mới từ một số công ty lớn. Hạt giống thương mại được tạo ra để phù hợp với canh tác cơ giới, vận chuyển xa và giữ được lâu. Nó lờ đi các đặc điểm truyền thống của lưu trữ hạt giống như chất lượng dinh dưỡng, hương vị, sức chịu hạn hay sâu bệnh, sự đa dạng sinh học và an ninh lương thực. Những hạt giống truyền thống là những hạt giống tốt, chúng chỉ không phù hợp với những nông trường lớn và công nghiệp chế biến thực phẩm.

Những điều này chúng ta đã biết trong câu chuyện hạt giống bên trên.

Jon Jandai kể câu chuyện về lý do tại sao mình thành lập trung tâm lưu trữ hạt giống ở vùng quê của mình:

Tại sao chúng ta phải lưu trữ hạt giống khi có rất nhiều loại hạt trên thị trường hiện nay? Tại sao chúng ta lại phải lo lắng về thức ăn khi chúng cũng được bán rất nhiều trong chợ? Rất nhiều người đã hỏi tôi câu đó: Tại sao lại phải lưu trữ hạt giống?

Trên thực tế có rất nhiều thực phẩm, nhiều loại hạt giống trên thị trường và có một điều bí ẩn đằng sau những hạt giống đó. Hầu hết mọi người không nghĩ về nó, thậm chí không biết về nó. Bởi lý do đơn giản là người nông dân và người tiêu dùng đã không được kết nối với nhau. Chúng ta không cần biết thực phẩm được trồng như thế nào, chúng ta ăn bất cứ thứ gì đẹp mắt. Còn người nông dân, họ không nghĩ rằng họ trồng cho ai đó ăn. Họ chỉ nghĩ là họ trồng để bán. Đó là tất cả đối với họ. Vì vậy khi hai nhóm này không kết nối được với nhau, có điều gì đó sinh ra ở giữa.

Tôi lớn lên từ nghề nông. Vì vậy tôi quan sát thấy một số thứ xảy ra trong cuộc đời làm nông của tôi. Điều đầu tiên là khi tôi còn bé, gia đình tôi và những người dân làng tôi thường trồng nhiều hơn 5 giống lúa mỗi năm. Vậy nên tôi hỏi mẹ tại sao chúng ta cần phải trồng 5 giống lúa để rồi cuối cùng chúng ta cũng phải trộn tất cả chúng lại để ăn? Mẹ tôi nói rằng: “Chúng ta phải giữ gìn sự đa dạng giống lúa, bởi vì với các loại khác nhau chúng có chất lượng, đặc điểm khác nhau. Một số loại lúa có thể sống trong mùa khô, khi hạn hán trong nhiều tháng chúng vẫn có thể sống sót. Một số loại lúa có thể sống trong lũ lụt, khi lũ lớn chúng có thể dài ra thêm 1 mét trong vài đêm. Một số loại khác thì có thể sống sót ngay cả khi có bệnh, có dịch. Do đó khi trồng nhiều hơn 5 giống lúa, dù cho bất cứ điều gì xảy ra thì chúng ta vẫn luôn còn thực phẩm, còn gạo để ăn.” Điều đó cũng có nghĩa là an ninh của cuộc sống luôn được đảm bảo. Nhưng giờ mọi người chỉ trồng một hoặc hai giống lúa để bán. Nên nếu như có điều gì xảy ra, họ sẽ bị mất tất cả, họ sẽ không còn gì. Điều đó có nghĩa cuộc sống không còn được đảm bảo nữa.

Cũng khi tôi còn nhỏ, hạt giống không hề được bán. Hạt giống là thứ mà bạn có thể cho mọi người, bạn có thể chia sẻ với mọi người hay trao đổi lấy những loại khác. Nhưng khi tôi khoảng 12-13 tuổi có một công ty đến và cho mọi người trong làng hạt giống dưa hấu lai bởi vì làng tôi nổi tiếng với việc trồng dưa hấu trong nhiều năm rồi. Khi công ty này đến, họ đã đưa hạt giống lai cùng với phân bón hóa học. Vì vậy người ta bắt đầu trồng hạt giống lai này, họ rất thích chúng bởi vì chúng lớn rất nhanh, cho rất nhiều quả, quả rất đều và ngon nữa. Năm kế tiếp dân làng muốn trồng hạt giống đó lại nhưng họ phải mua chúng và rồi 3 năm sau tất cả đều trồng giống lai, giống dưa hấu địa phương biến mất. Dần dần sau đó tất cả mọi người đều phải mua hạt giống. Họ không còn sự lựa chọn bởi vì không còn hạt giống địa phương trong khu vực đó hay kể cả các khu vực xung quanh nữa.

Lúc này giá của hạt giống tăng lên rất nhanh, lúc đầu giá của nó rẻ hơn 100 bath/kilôgam, (bath:Đơn vị tiền tệ của Thái Lan, 1 bath tương đương khoảng 700 đồng Việt Nam), sau 4 – 5 năm giá nó tăng thành 1.000 bath/kilôgam, và sau cùng giá của hạt giống dưa hấu lên đến 12.000 bath/kilôgam. Điều này không chỉ xảy ra với hạt giống dưa hấu mà xảy ra với tất cả các loại hạt giống chúng ta trồng để ăn. Nghĩ về điều đó, tôi cảm thấy không bình thường. Tại sao chúng ta cần phải mua những hạt giống đắt tiền như thế? Tại sao giá các hạt giống lại đắt đỏ đến vậy?

1 kilôgam hạt giống dưa hấu hiện nay có giá khoảng 10.000 bath, hay khoảng 300 USD1, trong khi người nông dân ở đây có thu nhập trung bình khoảng 30.000 bath/năm, hay chỉ 900 USD/năm. Vì vậy nếu một người nông dân muốn trồng dưa hấu trên diện tích khoảng 9 mẫu Anh (36.000m2) họ cần phải đầu tư ít nhất 100.000 bath. Vì vậy khi họ bắt đầu suy nghĩ về nó, họ cần phải nghĩ tiền được lấy ở đâu? Và nợ nần bắt đầu từ đấy. Bây giờ 60% tiền mà nông dân đầu tư sẽ đến từ các khoản vay bởi vì thu nhập của họ không thể trang trải cho việc đầu tư khi vụ mùa tới. Đây trở thành một vấn đề lớn ở khắp nơi khi chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng các công ty hạt giống và công ty hóa chất có liên quan đến nợ của nông dân. Điều này đã rõ ràng.

Bây giờ cả làng, 100% đều mắc nợ và hầu hết không biết làm thế nào để trả nợ này. Điều này không chỉ xảy ra ở Thái Lan mà còn ở các nước khác nữa. Tất cả nông dân trở thành nô lệ trên chính mảnh đất của họ. Các công ty sử dụng nợ như một cái xích để trói buộc người nông dân, trói một cách chắc chắn, bắt họ phải làm việc chăm chỉ từ sáng sớm cho tới tối mịt mỗi ngày. Họ làm việc chỉ để trả nợ cho các công ty và sau đó chẳng còn gì để mà ăn nữa.

Nông dân là những người trồng thực phẩm nhưng lại không có gì để ăn. Nông dân là những người làm việc chăm chỉ nhưng lại có cuộc sống rất khó khăn. Làm sao điều này lại có thể xảy ra được?

Như vậy có thể thấy, người ta sử dụng hạt giống như một công cụ để trói người nông dân vào hệ thống nợ và biến họ thành nô lệ. Không có cách nào thoát ra cả, tất cả đều trở thành nô lệ. Đó là điều đáng sợ nhất. Họ thậm chí làm việc còn chăm chỉ hơn người nô lệ bình thường, bởi vì nô lệ bình thường trong quá khứ cũng không phải làm việc 8 tiếng mỗi ngày. Họ làm việc theo mùa và chỉ 2 mùa trong năm: mùa gieo trồng và mùa thu hoạch, phần còn lại của năm là thời gian tự do. Còn bây giờ người nông dân làm việc cả năm, không vì gì cả. Vì vậy, đời sống của chúng ta còn tệ hơn so với bất cứ đời sống nào trong lịch sử. Chuyện nợ nần của nông dân khiến tôi cảm thấy có gì đó rất sai lầm. Tại sao chúng ta phải làm cho cuộc sống của mình trở thành thế này?

Nhìn rộng hơn tôi thấy hạt giống hay thực phẩm là một công cụ, nếu không có hạt giống, chúng ta không có tự do. Nếu chúng ta không có hạt giống, chúng ta không thể hạnh phúc. Tổ tiên đã lựa chọn những loại hạt giống tốt nhất cho chúng ta, những loại cây phát triển tốt, sống lâu, cho nhiều trái và hương vị thơm ngon. Họ lưu giữ những thứ đó và nó trở thành di sản cho tất cả chúng ta hiện nay. Bây giờ chúng ta có rất nhiều thức ăn để thưởng thức, đó là điều tuyệt vời mà tổ tiên chúng ta để lại. Nhưng giờ chúng ta không lưu trữ hạt giống nữa. Chúng ta để cho một vài công ty làm điều đó. Họ thì không hề chọn những hạt giống như cách mà tổ tiên chúng ta làm. Họ chọn những hạt giống xấu và sau đó làm cho chúng yếu đi. Chúng không thể sống dựa vào chính mình được nữa. Chúng cần phải dựa trên thuốc hóa học và phân bón từ các nhà máy. Vậy nên hương vị của chúng không còn tự nhiên, không còn thực phẩm “chất lượng” nữa. Điều nguy hiểm là chúng ta cũng không còn di sản để giữ lại cho thế hệ mai sau. Những gì tự nhiên mà ta ăn lúc này có thể là thức ăn cuối cùng, bữa ăn tự nhiên cuối cùng của thời đại. Chúng ta đã phá hủy thức ăn của mình, cũng là phá hủy chính cuộc sống của mình, chúng ta cũng phá hủy thế hệ mai sau nữa. Chúng ta sẽ không còn lại gì.

Đó là lý do tại sao cần phải lưu trữ hạt giống ngay bây giờ, vì hạt giống là thức ăn, hạt giống là tương lai, hạt giống là tự do và là hạnh phúc. Nếu không có hạt giống, con người sẽ không có gì, chỉ là nô lệ, những nô lệ tốt. Nô lệ tốt cho một vài công ty, ấy là dấu chấm hết cho chúng ta.

Những gì chúng ta có thể làm bây giờ?

Chúng tôi đã quay trở lại nông thôn, quay trở lại nơi ngôi làng mà chúng tôi gọi là Pun Pun, từ 7 năm trước và bắt đầu trồng thực phẩm ở đây. Chúng tôi cũng lưu trữ hạt giống ở đây. Hạt giống từ những cây tốt nhất. Chúng tôi cũng liên kết với các nhóm khác và trao đổi hạt giống với nhau. Chúng tôi cố gắng để giữ cho các hạt giống này không bị biến mất. Chúng tôi cố gắng làm tốt việc này và sau đó khi ngày càng có nhiều người quan tâm hơn về hạt giống, chúng tôi có thể đem hạt giống đi cho tất cả mọi người, rất nhiều mỗi năm, hoàn toàn miễn phí. Trong khi các công ty bán hạt giống với giá đắt đỏ, chúng tôi cho nó miễn phí. Bởi vì thức ăn là sự sống, chúng tôi không thể mua bán sự sống, chúng tôi chỉ cố gắng mang sự sống đến cho mọi người. Và giờ chúng tôi có thể cảm thấy rằng mình có một thiên đường nhỏ ở đây. Chúng tôi sẽ biến nơi này thành thiên đường. Thiên đường nghĩa là có rất nhiều thức ăn, và mọi người có thể đến để ở cùng với nhau, tận hưởng cuộc sống cùng với nhau.

Chúng tôi hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ có đủ hạt giống, đủ thức ăn cho thế hệ tiếp theo. Giờ điều đó không còn quá xa nữa. Tôi tin chúng ta sẽ cùng làm được.

Đó là câu chuyện vừa buồn vừa vui được kể bởi Jon Jandai, nhà sáng lập trang trại hữu cơ và Trung tâm lưu trữ hạt giống Pun Pun, một địa danh gần Mae Taeng, tỉnh Chiang Mai, Thái Lan. Nếu có dịp tới Chiang Mai, tôi nhất định sẽ tìm đến nơi này.

Tôi thường tự hỏi tại sao trái cây Thái Lan lại ngon hơn trái cây Việt Nam như vậy: quýt không hạt, xoài ngọt lịm không chua, mít, sầu riêng, đu đủ… mọi loại trái cây ngon lành đều đến từ Thái Lan và thật tình phải thú tội với bạn, trước đây tôi không hề biết hay đúng hơn là không hề bận tâm chút nào tới cái suy nghĩ trái cây Thái Lan là trái cây biến đổi gen. Giờ thì tôi đã biết. Thật may vì tôi được sống giữa một vùng đất tuyệt vời với đủ loại trái cây suốt bốn mùa. Vùng đất cao nguyên này là nơi trồng ra rất nhiều loại quả giá trị cao: sầu riêng, măng cụt, bơ, ổi xá lị, dứa, hồng giòn, hồng mềm, bưởi, cam… và rất nhiều loại cây ăn quả ngon lành khác.

Một sự thật đáng buồn rằng khi tôi ra chợ và muốn mua vài loại trái cây tôi sẽ không thể nào biết được nguồn gốc của loại trái cây ấy đến từ đâu, ngoại trừ chuối là thứ tôi thường tận mắt thấy người nông dân chở những buồng lớn trên xe máy chứ không phải xe tải. Những người bán hàng thì mãi chỉ nói dối. Như một lần tôi mua táo, tôi hỏi cô bán hàng đây là táo trồng ở đâu, cô ấy khăng khăng rằng táo này trồng ở Việt Nam, ở miền bắc. Tôi nói với cô rằng Việt Nam mình không hề trồng được loại táo này đâu, nó có phải đến từ Trung Quốc không? Và bạn biết đấy, cô ấy đã nổi giận với tôi và không muốn bán cho tôi nữa. Đấy chính là một minh chứng cho tác hại của chủ nghĩa tiêu dùng khi người ta vì lợi nhuận có thể làm mọi thứ, nhẹ thì nói dối, nặng thì đầu độc lẫn nhau và tức giận với những người chỉ muốn biết sự thật!

Tôi đến Philippines, thấy ở đây chỉ có một vài loại trái cây chính: xoài, dứa và chuối; các loại khác đa phần đều là nhập khẩu từ táo, nho cho đến cam quýt. Ở Philippines một thời gian tôi nhớ da diết những ngày tháng ở tại Việt Nam với muôn vàn hoa thơm quả ngọt bày bán khắp nơi với giá vô cùng rẻ. Càng đi nhiều thấy nhiều mới thấy hãnh diện về đất nước mình, thương cho nông dân mình và buồn cho nông nghiệp mình nữa. Trái cây trên đất nước ta vốn rất đa dạng và phong phú, có thể xem như một niềm tự hào mà nếu đầu tư đúng mức sẽ mang lại giá trị kinh tế vô cùng to lớn. Đáng tiếc với công nghệ hiện đại của cây trồng biến đổi gen cùng với công nghệ hóa học ở các nước xung quanh mà trái cây Việt ngày càng bị lép vế và mất hết thị phần. Phải chăng đã đến lúc chúng ta bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc phải tự cứu lấy những giống cây trồng của địa phương và bảo vệ nền nông nghiệp Việt Nam tránh xa khỏi các tập đoàn công nghệ khổng lồ lẫn những kẻ mưu mô chỉ chực chờ phá hoại nền nông nghiệp nước nhà? Câu hỏi xin để dành cho bạn trả lời.

Để tôi nhắc cho bạn nhớ, cuốn sách này không chỉ là nơi tổng hợp kiến thức lý thuyết mà còn là nơi cung cấp cho bạn câu chuyện và góc nhìn từ những con người thực tế đang sinh sống ở khắp nơi trên thế giới. Qua đó gợi cho bạn vài ý tưởng để định hình về thực trạng thế giới này. Nó đang ở vị trí nào, đang vận hành như thế nào? Đời sống của con người trong thế giới ấy ra sao, do ai điều khiển? Sau cùng, có cách nào để con người thoát ra khỏi tình trạng ấy để sống một cuộc sống tốt hơn, ý nghĩa hơn, tỉnh thức hơn hay không?

Cho nên trong phạm vi cuốn sách này bên cạnh cái nhìn toàn cảnh về nguyên nhân và thực trạng của thế giới, thì tôi cũng đan xen luôn vào đây những giải pháp, cách thức thay đổi khả thi và tích cực, đã và đang được thực hiện ở khắp mọi nơi trên bề mặt trái đất này, từ đông sang tây, từ nam ra bắc. Biết đâu qua những câu chuyện này mà bạn lại có những ý tưởng hay đóng góp vào công trình “thay đổi thế giới” của nhân loại cũng như thay đổi chính cuộc đời mình.

Nếu bạn còn nhớ những lý thuyết về kỷ nguyên Bảo Bình thì hẳn bạn sẽ nhận ra chúng ta đang sống trong một thời đại bùng nổ những ý tưởng có thể thay đổi thế giới. Những ý tưởng này giúp đưa con người tiến tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, hiểu biết hơn, sâu sắc hơn và hòa nhập hơn với thiên nhiên, với vũ trụ.

Những ý tưởng mang lại giá trị thay đổi lớn lao xuất hiện trong mọi lĩnh vực: công nghiệp, trí tuệ thông minh, công nghệ, y tế, giáo dục và cả nông nghiệp nữa. Nông nghiệp vốn là ngành “bị” xem thường nhất nhưng lại cũng chính là ngành quan trọng nhất đối với sự tồn vong của nhân loại. Những bước tiến của nông nghiệp trong quá khứ ngày càng thể hiện rõ sự mâu thuẫn và nguy hiểm. Như kỹ thuật biến đổi gen làm tuyệt chủng nhiều loài thực phẩm cũ, chỉ cho ra một vài loại mới nhưng lại gây ảnh hưởng xấu đến bộ gen của chúng ta. Trong bối cảnh những ý tưởng và lối sản xuất mới không ngừng được áp dụng thì ở đâu đó trên đất nước Nhật Bản, một lão nông đã dành trọn đời mình cho một công trình nghiên cứu thực nghiệm công phu và đi đến kết luận rằng: Công việc làm nông hiệu quả và năng suất nhất là khi người nông dân trồng trọt nuôi cấy thuận theo tự nhiên, từ bỏ mọi thành quả nghiên cứu của ngành khoa học nông nghiệp. Hay nói cách khác: Bước tiến lớn nhất trong làm nông nghiệp là không dùng bất cứ một bước tiến nào của khoa học. Thật là một tư tưởng lạ lùng và khó hiểu.

Lão nông ấy đã kiên quyết chỉ ra rằng: “Chỉ bằng một cọng rơm, tôi có thể tạo ra một cuộc cách mạng làm thay đổi thế giới”. Hãy cùng tìm hiểu xem lão nông ấy đã làm cách nào và bí mật về sức mạnh kỳ diệu phía sau cọng rơm khô nhỏ bé ấy là gì nhé!

Trích “Tại sao chúng ta không hạnh phúc?” Phi Tuyết, 2018

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *