Đứa trẻ nổi loạn: Osho và chuyện tôn giáo

Tôn giáo nên là thứ riêng tư

Nana theo một nhánh của đạo Jaina, Jaina là một tôn giáo nhỏ, chỉ khoảng 3 triệu người theo nó. Ông thường đi đến ngôi đền mỗi sáng nhưng ông chưa bao giờ nói: “Hãy đi với ta”. Ông không bao giờ cố hướng đạo cho tôi cả. Thật là một điều vĩ đại khi ông không cố truyền đạo cho tôi. Người ta luôn cố hướng những đứa trẻ đi theo niềm tin của họ. Nhưng ông thì không hề cố thuyết phục hay cám dỗ tôi chút nào. Vâng, tôi gọi nó là sự cám dỗ vĩ đại nhất. Khoảnh khắc bạn thấy ai đó phụ thuộc vào bạn theo bất cứ cách nào, bạn bắt đầu hướng đạo người đó. Ông tôi thậm chí không bao giờ nói với tôi: “Con là một người Jaina.”
Tôi còn nhớ rõ cái lần mà xảy ra một cuộc điều tra về dân số, vài người công chức đến nhà chúng tôi để làm một bảng khảo sát về nhiều thứ. Họ hỏi tôn giáo của ông ngoại, ông nói “Jaina”. Họ hỏi tiếp ông về tôn giáo của bà ngoại. Nana nói: “Ông tự đi mà hỏi bà ấy. Tôn giáo là một vấn đề riêng tư. Chính tôi cũng còn chưa bao giờ hỏi bà ấy theo tôn giáo nào nữa.” Thật là một người đàn ông hiếm có.
Bà ngoại tôi trả lời: “Tôi không tin vào bất cứ điều gì ở bất cứ tôn giáo nào.Tất cả mọi tôn giáo đều chỉ dường như là trò trẻ con đối với tôi”. Những người công chức đó bị sốc. Cần quay ngược trở lại một chút. Bà tôi không tin vào bất cứ tôn giáo nào cả. Ở Ấn Độ, để tìm một người phụ nữ không tin vào bất cứ tôn giáo nào thật là điều bất khả. Nhưng bà được sinh ra ở Khajuraho, có lẽ trong một gia đình thuộc Tantrikas, những người không bao giờ tin vào bất cứ tôn giáo nào. Họ vẫn thực hành thiền định nhưng họ không bao giờ tin vào tôn giáo. Điều đó nghe thật phi lý với tâm trí phương Tây: thiền định mà không tôn giáo ư? Vâng, trên thực tế nếu bạn tin bào bất cứ tôn giáo nào, bạn cũng không thể thiền định. Tôn giáo gây cản trở cho việc thiền định. Thiền định vốn không cần tới Thượng đế, không thiên đàng, không địa ngục, không sợ hãi bị trừng phạt và không cố dẫn dụ người ta bằng sự thỏa mãn. Trong khi tôn giáo chỉ làm việc với tâm trí, nó đi sâu vào trong tâm trí con người thì thiền định không có gì để làm với tâm trí; thiền định vượt ra ngoài tâm trí.

Tôi biết Nani không bao giờ đi đến đền chùa, nhưng bà dạy tôi một mantra –một bài mật chú  rất đẹp. Nó được bà trao cho tôi, bởi một đêm tôi nọ đã hỏi bà.
Một đêm đó bà nói: “Con dường như vẫn còn thức. Con không ngủ được sao? Hay con đang lên kế hoạch cho những trò nghịch ngợm ngày mai?”
Tôi nói: “Không, nhưng có một câu hỏi đã nảy lên trong con. Mọi người đều có một tôn giáo và khi họ hỏi con ‘Cháu theo tôn giáo nào?’ Con chỉ biết nhún vai. Giờ, tất nhiên cái nhún vai không phải là một tôn giáo, vậy nên con muốn hỏi bà, con nên nói gì với họ đây?”
Bà nói: “Chính ta đây cũng không thuộc một tôn giáo nào, nhưng ta yêu một bài mantra này, và đây là tất cả những gì ta có thể trao cho con, bởi vì ta biết nó rất đẹp. Ta đã lặp lại nó hàng triệu lần và luôn luôn tìm thấy trong nó sự bình an lớn lao, cảm giác như được chạm vào chân của tất cả những người đã trở nên nhận biết, tỉnh thức. Ta có thể trao cho con chỉ bài mantra này, ta không có gì để trao nhiều hơn nữa.”

“Tôi cúi đầu tạ lễ trước bàn chân của Arihantas.
Tôi chạm vào bàn chân của người trở nên nhận biết chính mình.
Tôi chạm vào chân của những vị thầy, những Uvajjhaya.
Tôi chạm vào chân của những thầy thừa sai.
Tôi chạm vào chân của tất cả những ai biết về chính họ.”

Đặc biệt nhất là câu này:
Tôi chạm vào chân của tất cả những ai biết về chính họ.
Tỏ lòng tôn kính với bất cứ ai đã nhận biết chính họ, không có bất cứ sự phân biệt nào, kể cả họ có là người Hindus, Jainas, đạo Phật, Công giáo, đạo Hồi… Bài mantra này là bài mật chú đi được xa nhất tới cốt lõi. Nó xóa bỏ hoàn toàn những rào cản và phân biệt, nó là tôn giáo duy nhất – nếu bạn có thể gọi nó là tôn giáo. Những đứa trẻ đã bị khai thác trong hàng thế kỉ chỉ bởi vì chúng sẵn sàng tin tưởng. Bạn có thể nói dối chúng một cách dễ dàng và chúng sẽ tin bạn. Nếu bạn là một người cha, người mẹ, chúng hẳn sẽ nghĩ bạn luôn phải đúng. Đó là cách toàn bộ nhân loại sống trong sự mục nát, trong một lớp bùn dày, rất trơn trượt, một lớp bùn dày của sự dối trá được trao cho những đứa trẻ qua hàng thế kỉ.

Nếu bạn có thể làm chỉ một điều, hãy làm điều đơn giản nhất: đừng nói dối một đứa trẻ, và hãy thú nhận với chúng sự dốt nát của bạn, sau đó chúng ta sẽ có thể trở nên tôn giáo hơn nữa. Những đứa trẻ rất ngây thơ, đừng nhồi vào chúng thứ gọi là kiến thức của bạn. Nhưng chính bạn trước tiên phải trở nên ngây thơ đã, không dối trá, nhưng thành thật, thậm chí nếu sự thành thật làm tan vỡ bản ngã của bạn và nó nhất định sẽ tan vỡ. Nó được tạo ra chỉ để lúc nào đó vỡ tan tành.

Ông ngoại không bao giờ bảo tôi đi đến ngôi đền nào, hay bảo tôi đi theo ông ấy. Tôi vẫn cứ đi theo ông rất nhiều lần nhưng lần nào ông cũng sẽ nói: “Con về đi. Nếu con muốn đi đến ngôi đền, hãy đi một mình. Đừng theo ta.”
ông ấy không phải một người đàn ông cứng rắn nhưng riêng điểm này ông ấy lại hoàn toàn cứng rắn. Tôi hỏi ông, hỏi đi hỏi lại: “Ông có thể dạy cho con thứ gì đó mà ông đã kinh qua không?” Và ông luôn luôn tránh né.

 

Tượng đá và Thượng đế

Gia đình tôi – bởi vì tôi đã tin tưởng họ quá nhiều và tất nhiên, với rất nhiều “cố gắng” khác nữa nên dần dà họ không thể làm bất cứ gì hay nói bất cứ gì làm ảnh hưởng lòng tin của tôi nơi họ. Họ không bao giờ đưa tôi đến đền thờ nào, họ không bao giờ áp đặt tôi phải theo một tôn giáo nào nữa.

Tôi sẵn sàng đi đến ngôi đền với họ – nếu như họ có thể giải thích cho tôi về cách mọi thứ xảy ra ở đó. Nhưng họ không bao giờ có bất cứ lời giải thích nào, ngoại trừ “Mọi thứ đều xảy ra theo cách này từ ngàn xưa rồi, tốt hơn hết con nên làm theo những người lớn, cứ đi theo những thế hệ trước, và cứ vậy mà tiến hành các nghi thức truyền thống. Nó là tốt.”

Đây là kiểu giải thích gì chứ? Nó không phải lời giải thích hợp lý chút nào.

Tôi nói với họ: “Con không hỏi nó là tốt hay xấu, con chỉ đang hỏi nó là gì, con không thấy bất cứ Thượng đế nào ở đó cả, chỉ có những bức tượng bằng đá. Và mọi người cũng biết điều đó, thậm chí còn chắc chắn hơn con vì chính mọi người đã mua bức tượng này từ chợ về. Vậy Thượng đế là thứ có thể mua được từ chợ sao? Rồi sau đó mọi người mang bức tượng về nhà, đặt nó vào một ngôi đền rồi bắt đầu thờ lạy, làm sao việc đó lại biến bức tượng đá thành Thượng đế được? Bởi vì khi còn nằm ở trong cửa hàng của người khắc tượng, nó không hề được thờ lạy chút nào. Mọi người đã trả giá để mua nó, không ai cầu nguyện với nó cả. Ở cửa hàng không ai nghĩ những bức tượng đó là Thượng đế vì có quá nhiều tượng ở đó. Công việc của mọi người chỉ là chọn ra bức tượng yêu thích nhất.

“Mọi người đã trả giá, rồi mua bức tượng và con đã quan sát rất nhiều lần, chờ đợi rất nhiều lần để xem cái khoảnh khắc mà bức tượng đá trở thành Thượng đế; Cái khoảnh khắc mà một thứ hàng hóa được mua và bán trở thành một vị thần được tôn thờ nhưng con không bao giờ thấy bất cứ điều gì xảy cả.”

Và họ không thể giải thích, mà cũng chẳng có gì để giải thích vì trên thực tế bức tượng luôn là bức tượng, không bao giờ có thể trở thành cái gì khác. Sự khác biệt duy nhất là nó được mang từ cửa hàng đến ngôi đền. Mà ngôi đền là gì ngoài một ngôi nhà khác?

 

Vậy nên tôi bỏ họ: “Con cũng muốn được tham gia vào buổi cầu nguyện với mọi người, con không muốn cứ đứng bên ngoài mãi. Nhưng con không thể làm điều đó được vì nó chống lại sự hiểu biết của con. Con chỉ muốn được thỏa mãn, được giải thích nhưng mọi người không ai có thể đưa ra bất cứ câu trả lời nào có thể làm thỏa mãn được con cả.

“Sau nữa, mọi người nói gì trong buổi cầu nguyện? ’Xin hãy cho chúng con thứ này’, ‘xin hãy cho chúng con thứ kia’ – vậy mà mọi người vẫn không nhìn thấy toàn bộ cái cảnh tượng buồn cười đó sao? Đầu tiên mua một cục đá về, đặt nó vào trong một ngôi nhà và cầu nguyện cục đá ấy cho mình thứ này thứ nọ: ‘xin cho chúng con giàu có’, ‘xin cho chúng con khỏe mạnh’… Mọi người không nhận thấy cách hành xử của mọi người là rất lạ lùng, rất ngớ ngẩn sao? Con không thể nào tham gia cùng mọi người được.

“Không phải là con đang cố cãi lại hay không vâng lời, con sẵn sàng vâng lời nếu mọi người có thể giải thích rõ ràng cho con những điều ấy, nhưng chẳng ai có thể cả. Mọi người chưa bao giờ hỏi cha mẹ của mọi người tại sao họ lại làm vậy. Thế hệ trước đã sống trong sự ngu dốt, thế hệ của mọi người cũng sống trong  cùng sự ngu dốt ấy và giờ mọi người lại muốn con cũng phải sống trong sự ngu dốt đó hay sao?”

 

Bản vẽ Thiên đường

Một lần tôi theo chân cha đến thăm một ngôi đền mà ông thường hay tới, tôi đã rất ngạc nhiên: ở đó treo một tấm bản đồ về thiên đàng và địa ngục và moksha: sự giải phóng tối thượng. Tôi bảo cha tôi: “Nếu tấm bản đồ đó thật sự tồn tại thế thì con không hứng thú về thiên đàng và địa ngục nữa.”

Cha tôi nói: “Tại sao?” Tôi nói: “Nếu tấm bản đồ ấy là thật, thì thiên đường bị hư nát cả rồi. Quá nhiều người đã tới đó thậm chí cả người làm bản đồ cũng đã tới được đó rồi. Mọi thứ đều đã được đo đạc lại và mọi người đều biết từng ngóc ngách của nó, đều đã đặt tên và còn đóng bảng hiệu nữa. Nó giống như việc mở rộng ra của một thế giới cũ nát mà thôi. Con không hứng thú với nó. Nó không có gì mới cả. Con muốn đi đến một thế giới nơi mà chưa có bản đồ. Con muốn trở thành một người thám hiểm.”

Từ ngày đó tôi dừng việc đi đến ngôi đền đó. Cha tôi hỏi: “Tại sao con không đến nữa?”

Tôi nói: “Cha hãy vứt bỏ những tấm bản đồ ấy đi. Con không thể nào chấp nhận nổi việc nhìn thấy chúng. Quá phản cảm. Chỉ cần nghĩ về nó mà xem: người ta thậm chí đo đạc cho cả moksha – thứ vô giới hạn. Chả lẽ không có gì mà không thể đo đạc sao? Thật quá đáng. Ai có thể đo đạc sự thật, ai có thể đo chân lý? Vậy mà họ muốn đo luôn cả chúng. Con không thể tha thứ cho tấm bản đồ ngu ngốc được.”

Dần dần sau đó họ nghĩ rằng tôi đã trở nên dễ dãi hơn, bị thuần phục nhiều hơn – họ đưa tôi cùng đến ngôi đền khác. Trong khi tất cả mọi người cùng cúi rạp người quỳ lạy, tôi vẫn chỉ đứng đó ngay bên cạnh. Cha tôi nói: “Con đang làm gì vậy, làm theo mọi người đi. Tại sao con lại đứng, như thế trông thật kì cục trong khi tất cả mọi người đều đang quỳ lạy đầy thành kính.”

Tôi nói: “Con không thấy bất cứ sự thành kính nào cả, con chỉ thấy mọi người giống như đang làm bài tập, đang tập thể dục. Và nếu như mọi người hứng thú với những bài tập nhiều như vậy thì mọi người nên đến các phòng tập thể dục, nơi đó tốt hơn cho sức khỏe. Hãy đến các phòng tập mà tập những bài thể dục thật sự, thế thì mọi người sẽ có sức khỏe, có sức mạnh. Hà cớ gì mà quỳ ở đây và ‘xin cho chúng con sức khỏe’, ‘xin cho chúng con sức mạnh’ chứ? Những gì xảy ra ở đây thật nhảm nhí. Và cha đúng khi nói ‘trông thật kì cục’ nhưng không phải việc đứng của con kì cục mà là việc tuân theo những nghi thức ngớ ngẩn này của mọi người mới là kì cục. Cha mới là người kì cục, con có thể là người thiểu số ở đây nhưng con không kì cục chút nào.”

Sau cùng cha tôi nói: “Tốt hơn hết là con không nên đến đây, bởi vì những người khác sẽ tới và họ sẽ thấy con, mà con thì cứ luôn luôn làm những trò báng bổ.”

Tôi nói: “Sao cơ?” Bởi vì tôi đang ngồi quay lưng lại với bàn thờ Thượng đế, điều đó không được cho phép, nó là việc “báng bổ”.

Tôi nói : “Nếu Thượng đế thật sự quyền năng, Ngài ấy nên thay đổi vị trí của Ngài ấy. Tại sao con lại phải bận tâm về việc Thượng đế đang ngồi ở đâu? Trong khi Ngài ấy thì cứ luôn đứng một chỗ duy nhất. Nếu Ngài ấy không muốn thấy lưng của con, Ngài ấy có thể di chuyển, hoặc đơn giản là quay mặt đi chỗ khác cũng được. Con còn sống động và quyền năng hơn cả Thượng đế của cha, đó là  lý do tại sao cha muốn con thay đổi hướng ngồi, bởi vì cha không thể nào nói Thượng đế của cha làm gì được. Ông ấy chết rồi.”

Và mọi người cùng đồng loạt nói: “Đừng nói những điều như vậy”

Tôi nói: “Con làm gì được đây? Ngài ấy không thở, không nói, con cũng không nghĩ Ngài ấy có thể nghe, mà một người không thở, không nói, không nhìn thấy gì, không thể dịch chuyển, không thể nghe – tất cả những điều đó đều là bằng chứng để cho thấy một cơ thể sống. Bức tượng này không hề có dấu hiệu nào của sự sống mà nếu nó không sống, tức là đã chết, vậy mọi người đang cầu nguyện tới ai?”

Và dần dần sau đó tôi thuyết phục cả nhà tôi rời bỏ ngôi đền. Họ đã xây dựng ngôi đền đó nhưng rồi họ quyên góp nó và không đến đó nữa.

Tôi bảo họ: “Trừ khi mọi người có thể giải thích cho con, bằng không việc đi đến ngôi đền chỉ chứng tỏ mọi người hành động mà không có một chút ý thức hay thông minh nào trong đó cả.”

 

Những câu hỏi

Tôn giáo có thể khai thác con người vì một lý do đơn giản: con người cảm thấy có một sự không hài lòng bên trong khi có những câu hỏi mà họ không thể tìm ra câu trả lời. Câu hỏi luôn tồn tại, con người sinh ra với những câu hỏi, với một dấu hỏi lớn trong trái tim của người đó – điều đó là tốt.

Thật là một phúc lành khi con người được sinh ra với một dấu hỏi lớn nếu không thì con người có khác gì các loài động vật khác đâu.

Tôi gợi nhớ nhiều về thời thơ ấu của tôi vì trong đó có nhiều thứ sẽ giúp bạn hiểu về vẻ đẹp của những câu hỏi. Trừ khi bạn hiểu và chấp nhận những câu hỏi của tôi như là chính nội tại của bạn, bạn sẽ không hiểu được những điều thần bí.

Bí ấn thì không phải là thần bí.

Bí ẩn là những gì mà các tu sĩ đang cố giải, họ lấy mất những câu hỏi thật sự của bạn.

Từ thời thơ ấu của tôi, họ đã luôn cố gắng trao cho tôi những câu trả lời.

Có một lớp học đặc biệt cho những đứa trẻ gia đình Jaina trong những ngôi đền và mọi đứa trẻ đều phải tham dự, một giờ đồng hồ mỗi tối. Tôi từ chối tham gia.

Tôi bảo cha tôi: “Ngay chỗ đầu tiên con không hỏi những câu mà họ đang cố trả lời. Đây hoàn toàn là ngu ngốc. Khi con có câu hỏi con sẽ đi và học những câu trả lời của họ và tìm hiểu liệu những câu trả lời ấy có đúng hay không. Ngay lúc này con không hứng thú chút nào những câu hỏi ấy cả. Ai đã tạo ra thế giới?– con hoàn toàn không hứng thú kiểu câu hỏi như vậy. Để làm gì? Con biết một điều là chắc chắn: con đã không tạo ra nó – thế là đủ.”

Cha tôi nói: “Con thật là một đứa trẻ lạ lùng. Tất cả mọi đứa trẻ từ mọi gia đình đều đến đó. Tất cả những đứa trẻ hàng xóm cũng đều đến đó” – người Jaina có xu hướng sống cùng với láng giềng hàng xóm, một cộng đồng kín, dân thiểu số thường sợ số đông cho nên họ thường ở gần nhau để dễ bảo vệ nhau hơn. Cho nên tất cả những đứa trẻ láng giềng đều đến ngôi đền và ngôi đền nằm ngay chính giữa, điều đó nữa cũng nhằm bảo vệ nếu không thì những người Hindu hay Hồi giáo có thể lẻn đến và đốt nó. Điều đó trở nên khó khăn: nếu có bạo loạn bạn thậm chí không thể đến ngôi đền của bạn và đó là những người mà thậm chí sẽ tuyệt thực nếu không được đến với ngôi đền. Nghi thức bắt buộc của họ là phải đến ngôi đền để thờ lạy sau đó họ mới có thể ăn. Cho nên người Jaina sống trong một khu vực nhỏ của thị trấn, thành phố với một ngôi đền ở ngay trung tâm và bao quanh là cả cộng đồng của họ.

“Mọi người đều đến đó” cha tôi nói.

Tôi bảo: “Có lẽ do họ có câu hỏi, hoặc là do họ ngu ngốc. Con không phải đồ ngốc và con cũng không có những câu hỏi đó cho nên con đơn giản không cần đến đó. Và con biết người ta giảng gì ở đó, toàn rác rưởi.”

Cha tôi nói: “Làm sao con có thể chứng minh được? Con luôn luôn hỏi ta phải chứng minh mọi thứ, giờ ta hỏi con, làm sao con có thể chứng minh những gì họ nói là rác rưởi?”

Tôi nói: “Đi với con”

Chúng tôi đến lớp học đó, vị thầy đang giảng về Mahavira có ba tính chất: toàn năng – đầy sức mạnh, toàn trí – biết mọi thứ, và toàn tại – có mặt ở mọi nơi. Tôi nói: “Cha hãy lắng nghe và rồi hãy theo con đến ngôi đền.” Lớp học ngay bên cạnh ngôi đền. Ông ấy nói: “Để làm gì?”

Tôi nói “Đi, con sẽ chứng minh”

Tôi dẫn ông ra chỗ  bức tượng Mahavira và đặt lên đó một cái laddoo – một thứ bánh ngọt của Ấn Độ, như một quả bóng nhỏ bằng đường- tôi đặt một cái laddoo lên đầubức tượng Mahavira, một cách tự nhiên hai con chuột trèo lên đầu của Mahavira và ngồi trên đó để ăn cái laddoo. Tôi nói: “Đây là Mahavira toàn năng của cha sao? Con thậm chí còn thấy những con chuột này tè lên đầu ông ấy.”

Cha tôi nói: “Con thật là quá thể. Chỉ để chứng minh với ta mà con làm tất cả những chuyện này!”

Tôi nói: “Con làm gì được nữa đây? Cha còn muốn con chứng minh gì? Bởi vì con không thể tìm ra nơi nào có Mahavira thật cả. Đây chỉ là một bức tượng. Đây là Mahavira duy nhất mà con biết, cha biết, và ông thầy kia biết. Bởi vì ông ấy toàn tại – có mặt ở khắp nơi nên chắc chắn ông ấy có thấy cảnh hai con chuột này tè lên đầu ổng. Sao ổng không khiến cho hai con chuột đó biến đi hoặc làm cho cái bánh biến đi cũng được. Giờ cha hãy chứng minh cho con rằng ông ấy toàn tại đi. Con thậm chí còn chả bận tâm ổng có toàn tại hay không. Tại sao con phải bận tâm chứ?”

Nhưng trước khi một đứa trẻ thậm chí hỏi một câu hỏi, bạn đã vội vàng nhồi vào đầu nó đủ thể loại câu trả lời.

Đó là một tội căn bản và lớn nhất của mọi tôn giáo.

Đây chính là nghĩa của từ thiết lập, áp đặt, nô lệ hóa.

 

Kẻ chất vấn

Có những buổi đàm luận trong các ngôi đền thời ấy và rất nhiều người tham dự, tôi thường đứng lên và nhắc nhiều lần một điều duy nhất: “Xin đừng đề cập đến những thứ huyễn hoặc huyền bí. Nếu các ông còn đề cập đến nó, cháu sẽ chứng minh rằng chúng không huyền bí tí nào. Các ông biết cháu rồi đấy. Cháu biết cách để chứng minh.”

Dần dà những vị tu sĩ thích thuyết giảng ấy thường từ chối đến làng tôi. Họ nói: “Chúng tôi sẽ không tới nữa bởi vì thật là cấu hổ khi trước hàng ngàn người đang lắng nghe mà thằng bé đó cứ đứng lên và nói rằng nó có thể chứng minh nhiều thứ. Và đúng là nó có thể chứng minh nhiều thứ mà chúng tôi không thể.”

Tôi luôn thích hỏi những câu chất vấn kiến thức những người tự nhận là mình biết mọi thứ. Nhà của cha tôi là nơi thường xuyên đón tiếp đủ các thể loại tu sĩ Jaina, Hindu, Sufi… bởi vì ông nội rất hứng thú với những người này, dù cho ông không là tín đồ của tôn giáo nào cả. Ông chỉ thích nhìn tôi quấy rầy những vị ấy với những câu hỏi của mình.

Một lần tôi hỏi ông: “Ông thật sự hứng thú với những người này sao? Ông mời họ tới ở trong nhà rồi ông kêu con hãy quấy rầy họ, làm khó họ. Ông đang hứng thú chuyện gì thế?”

Ông nói: “Ta nói thật với con là ta rất thích cách con làm khó họ, lật tẩy họ. Họ luôn giả vờ mình biết mọi thứ nhưng thật ra họ chẳng biết gì cả. Ở những nơi khác khi mà con làm khó họ, người ta sẽ cản con, cho nên ta mời họ đến đây để cho con có thể hỏi mọi thứ con muốn. Con có sự hỗ trợ của ta hoàn toàn, hãy hỏi mọi thứ con muốn.”

Và tôi hỏi những người đó những câu rất đơn giản: “Hãy thành thật mà trả lời cho cháu, các vị đã được thấy Thượng đế chưa? Nó là kinh nghiệm của chính các vị hay chỉ là những gì các vị được nghe lại? Các vị có thể học và trích dẫn kinh sách, nhưng cháu không hỏi về kinh sách. Cháu đang hỏi về chính các vị, các vị có thể trích dẫn kinh nghiệm thực của chính mình không?”

Tôi đã ngạc nhiên vì không một ai có bất cứ kinh nghiệm nào về Thượng đế hay về chính họ cả. Và họ lại được xem là những vị tu sĩ vĩ đại nhất Ấn Độ, được tôn thờ bởi hàng ngàn người. Họ đã lừa dối chính họ và họ cũng lừa dối hàng ngàn người khác nữa. Đó là lý do tôi luôn nói rằng kiến thức, kinh sách là thứ có hại, nó là vật cản.

 

Bản sao

Trong thị trấn của tôi chỉ có một nhà thờ. Có rất ít người Kito giáo, có lẽ bốn, năm gia đình, và tôi là người phi Kito duy nhất thường viếng thăm nhà thờ đó. Nhưng đó không phải là (trường hợp) đặc biệt; tôi có thói quen viếng thăm những đền thờ Hồi giáo, Gurudwara, những ngôi đền Hindu, những ngôi đền Jaina…

Tôi luôn có ý tưởng rằng, mọi thứ đều thuộc về tôi. Tôi không thuộc về nhà thờ nào, tôi không thuộc về bất cứ ngôi đền nào, nhưng bất cứ ngôi đền, nhà thờ nào hiện hữu trên trái đất, đều thuộc về tôi.

Thấy một người phi Kito chủ nhật nào cũng đến, ông linh mục trở nên quan tâm đến tôi. Ông nói với tôi: “Con có vẻ rất quan tâm. Thật ra, trong toàn cộng đồng của ta – nó là một cộng đồng quá bé nhỏ – con là người quan tâm nhất. Những người khác thì đang ngủ, đang ngáy, nhưng mà con thì quá tỉnh táo và chú ý lắng nghe và quan sát mọi sự. Con có muốn trở nên giống như Jesus Christ không?”

Và ông cho tôi xem hình Chúa Jesus – người đang bị treo trên thánh giá.

Tôi nói: “Không, tuyệt đối không! Cháu không có ước vọng bị đóng đinh. Và một người bị đóng đinh, hẳn có một cái gì đó không ổn với người đó; nếu không thế, thì ai quan tâm đến việc đóng đinh ông ấy chứ? Nếu toàn đất nước ông ta, nhân dân ông ta quyết định đóng đinh ông ta, thì điều đó có nghĩa là, trong người đàn ông này phải có một cái gì đó không ổn. Ông ấy có thể là một người dễ mến, có thể là người tốt, nhưng hẳn một cái gì đó đã dẫn ông đến việc bị đóng đinh. Có lẽ trong ông ấy có một bản năng tự vẫn. Những người có bản năng tự vẫn thường không đủ can đảm để tự vẫn; nhưng họ có thể xoay xở thành công để người khác mưu sát họ. Và rồi ta sẽ không bao giờ phát hiện ra rằng họ có một bản năng tự vẫn, rằng họ xúi giục ta giết họ, để cho trách nhiệm đổ xuống ta.”

Tôi nói, “Cháu không có bản năng tự vẫn nào trong người cháu cả. Có lẽ ông ta không muốn tự vẫn, nhưng chắc chắn ông ta là một người mắc một chứng bệnh về tâm lý. Chỉ đơn giản nhìn vào khuôn mặt ông ấy mà xem – và cháu đã thấy nhiều bức hình ông ấy rồi – cháu thấy ông ấy trông đến là khốn khổ, vô cùng khổ sở. Đến nỗi cháu đã thử đứng trước một tấm gương soi và làm ra vẻ khổ sở như ông ấy, nhưng cháu đã thất bại. Cháu đã gắng sức nhiều lần, nhưng vẫn không thể nào thậm chí bắt chước được khuôn mặt khốn khổ ấy; làm thế nào cháu có thể trở thành Jesus Christ được? Cái đó dường như không thể được. Và tại sao cháu lại phải trở thành Jesus Christ chứ?”

Ông linh mục bị sốc. Ông nói: “Ta nghĩ rằng con quan tâm đến Chúa Jesus.”

Tôi nói: “Cháu chắc chắn có quan tâm, quan tâm hơn ông, bởi vì ông chỉ là một giảng sư, được trả lương. Nếu ông không nhận lương trong ba tháng, ông sẽ bỏ đi, và tất cả lời giảng của ông sẽ biến mất.”

Và sau cùng, đó là điều đã xảy ra, bởi vì những gia đình Kytô giáo đó không phải là cư dân thường trú của thị trấn – tất cả họ đều là những công nhân đường sắt, nên chẳng sớm thì muộn họ sẽ bị thuyên chuyển. Vị linh mục bị bỏ lại một mình với một nhà thờ nhỏ mà những giáo dân cũ đã xây lên. Bây giờ, không có ai để tài trợ, để chu cấp cho ông ấy, không có ai để lắng nghe ông ấy, trừ tôi.

Vào ngày chủ nhật, ông thường nói: “Các bạn thân mến.”

Tôi nói: “Khoan đã! Xin ông đừng dùng số nhiều. Không có “những” người bạn nào ở đây cả, chỉ một “bạn thân mến” cũng đủ rồi. Nơi này chỉ có hai người chúng ta, hãy làm cho nó đáng yêu và thân thiện như hai người yêu mến nhau đang tâm tình với nhau thôi được rồi; nơi đây không phải là một cộng đồng. Ông có thể ngồi xuống – không có ai ở đây nữa cả. Chúng ta có thể có một cuộc tán gẫu vui vẻ. Tại sao lại cứ đứng một cách không cần thiết trong một giờ và nói cho thật to và…”

Và đó là chuyện đã xảy ra. Trong vòng ba tháng, ông bỏ đi, bởi vì nếu bạn không trả lương cho ông thì ông ấy lấy gì để sống? Mặc dù Jesus nói, “Con người không chỉ sống bằng bánh mì” nhưng con người cũng không thể sống mà không có bánh mì. Ông linh mục ấy vẫn cần bánh mì. Mà đôi khi bánh mì không thôi vẫn là không đủ; ông cần nhiều thứ khác nữa, nhưng nhiều thứ khác là chuyện sau này,  trước nhất – phải có bánh mì. Con người có thể chỉ sống bằng bánh mì – người đó có thể sẽ chưa thành ra một con người thực sự – nhưng mà  người như thế nào mới ra một con người thật sự? Điều ấy hơi khó nhận ra, nhưng điều dễ nhận ra trước tiên là không ai có thể sống mà không có bánh mì, ngay cả Jesus.

*

Tôi thường đi vào trong đền thờ Hồi giáo, và họ cho phép tôi. Những người Kito, Hồi giáo – những người này đang cải đạo người khác; họ muốn những người từ những tôn giáo khác đến với tôn giáo của họ. Họ rất hạnh phúc thấy tôi ở đó – nhưng lại vẫn câu hỏi tương tự. “Con có muốn trở nên giống như Hazrat Mohammed?” Tôi ngạc nhiên khi biết rằng không ai quan tâm đến việc chỉ đơn giản là chính mình, giúp tôi trở thành chính mình.

Mọi người quan tâm đến một ai đó khác, lý tưởng của ai đó khác và bảo tôi có muốn trở nên như người khác không? Tại sao tôi phải trở thành người khác? Chẳng lẽ Thượng đế không tạo ra cho tôi một lý tưởng nào? Chẳng lẽ tôi chỉ phải là một bản copy? Phải chăng Thượng đế đã không cho tôi một khuôn mặt gốc? Tôi phải sống với một khuôn mặt vay mượn, với một mặt nạ khi biết rằng tôi không có khuôn mặt nào cả? Như vậy, làm thế nào đời bạn là một niềm vui được? Ngay cả khuôn mặt bạn cũng không phải là của bạn?

Nếu bạn không là chính mình, làm sao hạnh phúc được?

Toàn bộ sự hiện hữu thì đầy phúc lạc, bởi vì tảng đá là tảng đá, cây là cây, sông là sông, đại đương là đại dương. Không cái nào đang bận tâm muốn trở nên một cái khác; nếu không, tất cả chúng đều sẽ phát khùng. Và đó là cái đã xảy ra với con người.

Ngay từ thơ ấu, bạn đã được dạy để không là chính mình, nhưng cái cách mà nó được nói ra thì rất khôn khéo, tinh ranh. Họ nói: “Con phải trở nên giống như Krishna, Buddha” và họ vẽ Buddha và Krishna trong một cách thức sao cho nó khơi dậy trong bạn ước muốn trở thành một Buddha, một Jesus, một Krishna… Ước vọng này là nguyên nhân gốc rễ của sự khốn khổ của bạn. Tôi cũng đã được dạy bảo cùng một điều như bạn được dạy bảo, nhưng ngay từ thơ ấu, tôi đã nhấn mạnh rằng, dù bất cứ hậu quả nào xảy ra, tôi sẽ không để cho mình đi chệch khỏi chính mình. Đúng hay sai, tôi sẽ vẫn cứ là chính mình. Cho dù tôi kết thúc tại địa ngục, tôi sẽ ít nhất có sự thỏa mãn rằng tôi đi theo dòng chảy của đời tôi. Nếu nó dẫn về địa ngục, thì nó cứ về địa ngục. Theo lời khuyên của người khác, lý tưởng của người khác, thì cho dù kết thúc tại thiên đường, tôi sẽ không hạnh phúc ở đó, bởi vì tôi bị cưỡng bách chống lại ý muốn của mình.

Hãy cố hiểu cái điểm then chốt đó. Nếu nó trái với ý muốn của bạn, thì ngay cả khi ở trên thiên đường, bạn cũng sẽ thấy đó là địa ngục. Nhưng đi theo dòng chảy tự nhiên của bạn, thì ngay cả khi bạn ở địa ngục, bạn vẫn thấy như ở trên thiên đường.

Thiên đường là nơi mà sự tồn tại đích thực của bạn nở hoa.

Địa ngục là nơi mà bạn bị chà đạp và một cái gì khác bị áp đặt lên bạn.

 

Nữ thần phù thủy

Một trong những em gái của tôi bị mất vì bệnh đậu mùa, tôi đã rất tức giận bởi vì tôi yêu quý em ấy hơn những anh em khác trong nhà. Tôi bảo với cả nhà: “Mọi người đã giết chết em ấy. Con đã luôn cố thuyết phục mọi người rằng em ấy cần được tiêm phòng Vaccin cơ mà.”

“Con đã từng phải chịu đau đớn vì bệnh đậu mùa nhưng ở thời điểm ấy con không thể nói gì với mọi người cả. Con thậm chí còn không nhớ vì quá lâu rồi và mọi đứa trẻ đều chịu cùng thứ bệnh đó. Khi cha mẹ sinh em, con đã cố thuyết phục hãy đi tiêm vaccin cho em, nhưng các người lại không nghe con, các người chỉ nghe theo Mahatma Gandhi rằng vaccin là chống lại tự nhiên. Các người nói rằng nếu tiêm vaccin thì Nữ thần của các người sẽ nổi giận và sẽ trừng phạt.”

Khi em ấy bị bệnh họ đã làm hai việc: họ vừa mua thuốc từ bác sĩ, vừa cầu xin Nữ thần của họ. Tôi nói: “Làm ơn hãy làm một việc thôi nếu các người thật sự tin tưởng. Mọi người đang xảo trá, đang gian lận, mọi người đang lừa Nữ thần của mọi người. Con là người duy nhất chân thật ở đây, con đã nhổ vào nữ thần của mọi người mỗi ngày. Con thường đi ra sông và ngôi đền nằm trên đường đi cho nên con thường đi ngang qua và nhổ vào cái đền nữ thần vô tri ấy. Nhưng mọi người không thấy lạ sao? Con mới nên là người bị trừng phạt, con mới nên là người phải chịu đau đớn chứ? Tại sao lại là em ấy? Con không thể hiểu loại Nữ thần gì lại đi nổi giận với lại một đứa trẻ như em ấy, người mà không làm bất cứ điều hại gì, người chỉ vừa mới được sinh ra, người mà chưa thể làm bất cứ gì, không có dịp làm bất cứ gì chứ đừng nói làm hại tới ai. Những người xứng đáng bị trừng phạt tại sao họ lại không bị trừng phạt, tại sao là em ấy?”

“Mọi người nên gọi vị Nữ thần ấy là phù thủy thì đúng hơn bởi vì kiểu mẹ nào lại bắt trẻ em đau đớn? Các người có thật sự tin vào bà ta không? Nếu có thì tại sao các người lại cho em ấy uống thuốc, hãy để mọi sự vào tay bà thần ấy luôn đi. Mọi người đang sợ hãi, mọi người đang cố để cưỡi hai con ngựa một lúc. Thật là ngu ngốc. Hoặc là chỉ dựa vào vị nữ thần ấy và mặc cho em ấy chết, hoặc là hãy tin tưởng vào y học và quên vị thần ấy đi.”

Họ nói: “Chúng ta biết nó là điều mâu thuẫn nhưng con làm ơn đừng nói nữa vì những lời của con thật sự làm tổn thương mọi người.”

Tôi nói: “Mọi người tưởng chỉ mỗi mọi người bị tổn thương sao? Mỗi mọi người bị đau đớn sao? Con cũng bị đau đớn vậy, khi mà thấy cha mẹ mình làm những điều ngu ngốc. Nó không làm tổn thương con sao? Nó làm tổn thương con còn nhiều hơn nữa. Vẫn còn thời gian, mọi người có thể thay đổi nhưng thay vào đó, mọi người lại chỉ cố để thay đổi con và gọi đó là giúp đỡ. Mọi người nghĩ rằng nếu mọi người không giúp thì con sẽ lạc lối sao? Thế thì làm ơn cứ để cho con lạc lối. Ít nhất con sẽ có sự thỏa mãn rằng không ai khác phải chịu trách nhiệm cho sự lạc lối ấy, nó là lỗi của con, con sẽ tự hào về  nó.”

Gandhi chống lại mọi phát minh khoa học công nghệ, kể cả Vaccine và ông ấy được xem là một thánh nhân vĩ đại. Tôi không chống lại Gandhi, tôi chống lại những suy nghĩ lạc hậu ngu ngốc của ông ấy.

 

Quyền lực mềm

Mọi đứa trẻ đều nhận thức được rằng những gì nó thấy về thế giới là rất khác so với cách cha mẹ nó thấy. Không phải cái nhìn mà là cách  nhìn. Nó có những giá trị khác biệt lớn lao. Đứa trẻ có thể nhặt nhạnh vỏ sò trên bãi biển và cha mẹ nó sẽ nói “Vứt hết đi, tại sao con phải phí thời gian?” và đối với đứa trẻ thì vỏ sò thật đẹp làm sao. Đứa trẻ rất nhạy cảm và tinh tế, chúng dễ dàng nhìn ra những khác biệt trong cách nhìn, cách nghĩ của mọi người. Cha mẹ thì đang chạy theo đồng tiền còn nó thì muốn chạy theo những cánh bướm. Nó không thể hiểu tại sao người ta lại quan tâm đến tiền nhiều thế? Cha mẹ thì không thể thấy tại sao bọn trẻ lại hứng thú thế với những cánh bướm hay những bông hoa.

Mỗi đứa trẻ đều sớm nhận ra rằng có những khác biệt về cách nhìn nhận. Vấn đề là chúng quá sợ việc khẳng định rằng chúng là đúng. Cho nên cần rất nhiều dũng cảm để cho đứa trẻ được một mình, phát triển cách nhìn của chúng nhưng toàn thể xã hội đã xoay xở để một đức tính tốt đẹp như lòng can đảm đã dần bị mai một đi, trong cả người lớn lẫn con trẻ.

Tôi đã không chịu cúi đầu trong đền thờ trước một pho tượng đá, tôi bảo với mọi người: “Nếu muốn, cha mẹ có thể cưỡng ép con vì cha mẹ mạnh hơn con. Con thì nhỏ bé thế này. Cha mẹ hoàn toàn có thể bắt ép nhưng nhớ rằng đó là một hành động rất xấu. Nó không phải lời cầu nguyện của con, và nó sẽ phá hủy cả lời cầu nguyện của cha mẹ nữa vì cha mẹ đang thực hiện một hành vi bạo lực với một đứa trẻ nhỏ không thể kháng cự.”

Một ngày trong khi họ đang cầu nguyện bên trong, tôi trèo lên mái của ngôi đền – điều ấy là rất nguy hiểm. Một năm chỉ một lần, một người thợ sơn sẽ trèo lên trên mái để sơn lại ngôi đền. Tôi đã quan sát anh ta và học được cách dùng những cái mấu để trèo lên trên đó – không ai  khác biết cách này cả, nhưng tôi đã xoay xở để leo lên đó. Khi họ rời ngôi đền, trông thấy tôi trên mái họ đã hét lên: “Con đang làm gì trên đó? Con định tự tử sao?”

Tôi nói: “Không, con chỉ muốn giúp mọi người nhìn ra một điều đơn giản, nếu mọi người cứ bắt ép con làm những điều con không muốn, con sẽ làm cái gì đó mà mọi người không muốn và cũng không can thiệp được. Đây là câu trả lời của con cho mọi người, hãy nhớ rằng mọi người không nên ép con làm bất cứ gì cả.”

Họ van nài tôi: “Hãy yên lặng. Chúng ta sẽ tìm cách đưa con xuống”

Tôi nói: “Đừng lo lắng. Con có thể lên thì cũng có thể xuống được” và rồi tôi trèo trở xuống.

Họ nói: “Chúng ta sẽ không bao giờ bắt ép con làm điều gì nữa, nhưng đừng làm điều gì dại dột, con có thể bị nguy hiểm.”

Tôi nói: “Nếu vậy, mọi người sẽ phải chịu trách nhiệm đó.”

Sau đó việc tôi leo lên mái ngôi đền để tỏ sự cương quyết của mình đến tai mọi người khác trong làng. Tất cả họ đều đến và ngỏ ý lên án gia đình tôi vì cho rằng họ đã xúc phạm Thượng đế trong ngôi đền. Gia đình tôi đã phải họp lại – toàn bộ gia đình.

Họ nói “Hãy để cho thằng bé một mình là tốt nhất. Nó thật sự là đứa nguy hiểm.” Và đó là điều họ đã làm. Sau đó họ không bao giờ bắt ép tôi phải đến ngôi đền nữa và tôi cũng không bao giờ đến. Dần dà họ học được rằng tôi không nguy hiểm nhưng họ không nên dồn tôi vào chân tường – nơi tôi không muốn. Mọi nơi mà tôi không muốn đều là chân tường và khi ở chân tường, tôi sẽ tìm cách thoát ra, kể cả khi phải đập vỡ bức tường ấy.

Mỗi đứa trẻ phải trở nên cương quyết hơn, đó là điều rất quan trọng. Chúng không có gì để mất, chúng quá bị lệ thuộc vào cha mẹ và tôi không thấy chúng phải lệ thuộc như thế chút nào.

Không có sự khác biệt nào về sự thông minh của những đứa trẻ nhưng tôi thấy những khác biệt về sự cương quyết bởi vì trẻ con, đứa nào nghe lời thường sẽ được tôn vinh hơn. Sự tôn vinh đó khiến cho trẻ con không còn giữ được sự cương quyết của chúng.

Nó là một câu hỏi đơn giản về việc bạn có sẵn sàng đứng dậy đấu tranh bảo vệ chính mình trước các sức mạnh khác hay không. Bạn luôn có một sức mạnh tinh tế mà bạn có thể dùng để chống lại những bất công.

Ví dụ, nếu tôi nói “Con sẽ ngồi trên đường” – tôi đang dùng quyền lực của mình. Nếu tôi đang ngồi trên đỉnh ngôi đền, tôi cũng đang dùng quyền lực ấy. Nếu họ có thể hăm dọa tôi, tôi cũng có thể hăm dọa ngược lại. Nhưng trẻ em thì luôn nghe lời vì chúng là những đứa trẻ ngây thơ và yếu mềm, chúng luôn cố làm đúng theo ý cha mẹ chứ không phải ý của chúng.

Tôi học được nghệ thuật sử dụng quyền lực mềm của mình và tôi bắt đầu tinh luyện chúng, mài giũa chúng. Một khi tôi đã biết làm cách nào để đấu lại với những người có quyền lực, tôi ngày càng làm việc ấy tốt hơn. Tôi luôn tìm ra cách. Mọi người cứ luôn kinh ngạc bởi vì họ nghĩ “Giờ thì thằng bé không thể làm bất cứ gì chống lại điều này”. Nhưng họ nhầm.

 

Trích các chương liên quan vấn đề tôn giáo trong cuốn “Đứa trẻ nổi loạn” (thời thơ ấu của Osho)

Phi Tuyết sưu tầm, dịch và biên tập

Để đăng kí mua bộ sách, mời bạn liên hệ Fanpage: Cuộc đời Osho

Để biết thêm nghệ thuật học tiếng Anh hiệu quả và thú vị qua phương pháp dịch thuật, mời bạn tham gia nhóm: Học Viện Anh Ngữ Thần Chú (nhóm kín)

Xin cảm ơn vì đã đọc với cả trái tim.

Namaste – tôi thành kính cúi chào đấng linh thiêng đang ngự bên trong bạn!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *