Và tôi thấy luân hồi…
Bốn mùa cuộc đời: Đông – Xuân – Hạ – Thu
Xã hội chia cuộc đời một người thành các thời kì: thời thơ ấu, thời thanh niên, thời trung niên và thời già lão. Việc phân chia này là không trọn vẹn vì nó chỉ dựa trên độ tuổi và ngoại hình bên ngoài, nó không đếm xỉa đến tâm sinh lý bên trong vì chẳng có cách nào phân chia được tâm sinh lý cả.
Chưa kể nếu một người ở độ tuổi 30-35 thì nên xếp vào thời kì nào? Nếu xếp vào thời thanh niên thì coi bộ không đúng lắm mà xếp vào hàng trung niên thì cũng chẳng phải chút nào.
Việc chia cuộc đời theo những chu kỳ bảy năm như Osho phân tích ở trên là rất hợp lý về mặt toán học. Như chúng ta cũng thấy đó là một quá trình hoàn hảo, khi một người sống cuộc đời tự nhiên một cách hoàn hảo, nhưng thực tế ít khi chúng ta có thể sống được như thế. Điều này dẫn đến việc khi bạn nhìn lại cuộc đời mình và so sánh với các chu kỳ ấy, tự dưng bạn cảm thấy có gì đó… sai sai. Bạn thấy cuộc đời mình đã và đang đi rất sai so với quá trình tự nhiên hoàn hảo ấy. Cảm giác sai sai này không hề dễ chịu, nó dễ dàng đeo bám, ám ảnh và làm bạn cảm thấy mặc cảm. Sự mặc cảm này sẽ chẳng giúp gì trong việc giúp bạn sống đúng quá trình tự nhiên như trên nhưng mặt khác nó sẽ làm hỏng vẻ đẹp của thực tại, nó khiến bạn một lần nữa lại làm rối tung thực tại của bạn lên và khiến cái sai càng thêm trầm trọng.
Thêm một lý do khiến tôi phải tìm cách phân chia khác cho cuộc đời vì khi nhìn lại đời mình và so sánh với những chu kỳ bên trên, tôi nhận thấy mình cũng có gì đó… sai sai. Cái sai là tôi đi nhanh quá. Dù mới đang ở chu kỳ thứ bốn – thứ năm (độ tuổi 30) nhưng tôi lại có tâm thức như những người ở chu kì bảy-tám, thậm chí là chín-mười. Tôi đã chán chường với cuộc sống tranh đấu, tham vọng nơi bãi chợ và đang ngày càng muốn được “đi sâu vào rừng”. Tôi chẳng thấy mình có trách nhiệm hay nghĩa vụ gì với thế giới, tôi chỉ là một người tự do đang tìm cách đi sâu hơn vào bản thể của chính mình. Tôi đã sống, sống đẹp, sống đủ và giờ đây sẵn sàng đón nhận cái chết đến bất cứ lúc nào với đầy hân hoan, biết ơn và cảm tạ.
Có nhiều cách để giải thích chuyện này, một số người sẽ gọi tôi là “linh hồn già” – đây cũng là một cách. Nhưng tôi thích cách lý giải này hơn: rằng vì tôi sinh năm 90, tuổi con ngựa, mà tên tôi lại là “Phi” Tuyết chứ không phải “Đi-bộ” Tuyết, thành ra vì thế tôi đi nhanh hơn, sống nhanh hơn và đạt tới những cột mốc thay đổi tâm sinh lý sớm hơn chăng? Vâng, dạo này tôi bị khoái những cách giải thích lớ ngớ như vậy, vì cuộc đời nhìn vậy chứ ngắn ngủi lắm, làm cho nó phức tạp và nghiêm trọng không phải là chuyên môn của tôi chút nào.
Vậy nên với tư cách một người thích học hỏi, thích tổng hợp, phân tích và tự tìm ra con đường riêng, tôi đã gom những ưu nhược điểm của hai cách phân chia cuộc đời bên trên để tự tạo ra cách chia mới của riêng mình.
Cách của tôi sẽ thơ hơn một chút, ít toán học hơn và đảm bảo khi bạn nhìn vào bạn sẽ biết ngay mình đang ở mùa nào của cuộc đời để từ đó vừa không bỏ lỡ nó, mặt khác vừa chuẩn bị tinh thần cho những gì sắp tới.
Tôi chia cuộc đời một con người như cách tự nhiên chia một năm thành bốn mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông nhưng cách chia của tôi sẽ khác một chút, nó sẽ là: Đông – Xuân – Hạ và rồi tới mùa Thu. Sau Thu này sẽ lại là mùa Đông nhưng một mùa Đông rất khác, rất rất khác.
Mùa Đông hay Mùa Thơ Ấu: Trẻ con được ấp ủ, bảo bọc và học hỏi thông qua việc vui chơi.
Mùa Đông tương ứng với thời thơ ấu của một người, khi người đó là đứa trẻ được gia đình và xã hội ôm ấp, chu cấp và bảo vệ. Mỗi đứa trẻ đều đích xác giống như một hạt mầm được ủ kín dưới lớp đất an toàn và ấm áp. Hạt mầm nằm đó tích luỹ năng lượng của đất trời để chờ ngày bung lên, vươn ra khỏi mẹ đất. Thời điểm này đất đóng vai trò quan trọng, cha mẹ giống như lớp đất này, một đứa trẻ may mắn giống như hạt mầm may mắn rơi vào đất tốt, đất sẽ cấp dưỡng và chăm nom hạt mầm, giúp hạt mầm nảy ra những đoá hoa xinh đẹp độc nhất cho cuộc sống. Hạt mầm chứa sẵn mọi khả năng bên trong nó, đất chỉ giúp thúc đẩy hạt mầm nở hoa, đất không nên kiểm soát và cũng không nên cố thay đổi tính chất hạt mầm dù cho với ý định tốt cỡ nào. Việc duy nhất đất nên làm, là chuẩn bị bản thân nó đủ tốt để cung cấp mọi thứ hạt mầm cần thiết để bung nở. Việc quan trọng nhất mọi cha mẹ nên làm, là chuẩn bị môi trường tốt nhất để đứa trẻ có thể được bảo vệ và tự do khám phá mọi tiềm năng đang ẩn tàng bên trong mình.
Chỉ nhìn vào bề mặt bên ngoài, đa phần mọi người sẽ mường tượng về mùa đông như mùa chết chóc: vạn vật im lìm, băng tuyết phủ kín, cây cối trơ trụi không sức sống, không lá, không hoa, không quả. Động vật ẩn mình chờ đông qua và đến chim cũng ngưng tiếng hót. Nhưng đấy chỉ là vẻ bên ngoài mà thôi, điều bạn không biết là nếu không có mùa Đông, mùa Xuân cũng là không thể. Mùa Đông chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để mùa Xuân ra đời rực rỡ. Mùa Đông là bụng mẹ đang “thai nghén” mùa xuân.
Thực tế mùa Đông không hề chết chóc như bạn nghĩ đâu, nó thực là mùa của sự sống, mùa mà cả thiên nhiên đang tự ươm mầm đấy. Mùa thu quả chín rụng rải hạt mầm vào đất. Những cơn mưa thu lắc rắc làm đất mềm ra giúp hạt mầm đi vào “bụng mẹ mặt đất” dễ dàng hơn. Lá thu rụng là để tiết kiệm sinh lực nuôi cây trong mùa đông. Lá thu cũng là lớp chăn bảo vệ hạt mầm nữa. Thu qua Đông tới. Vào mùa Đông vạn vật đều đi vào trạng thái “thiền” để tích trữ năng lượng, từ động vật đến thực vật. Chúng ta chỉ thấy nguồn năng lượng khổng lồ này đã hữu ích ra sao khi trời vào xuân cây cối nảy mầm xanh mát, cỏ mọc lên tua tủa và hoa nở bùng xoè những cánh đầy màu sắc. Bướm bay rộn ràng, ong vo ve, chim cũng thức giấc hót vang khắp bầu trời. Cứ như thể Thượng đế vừa dậy sau giấc ngủ dài, xỏ đôi dép lê đi ra vườn vẩy chiếc đũa phép và mọi sự sống dậy. Những cảnh tượng tuyệt vời mà bạn thấy trong mùa xuân đó liệu có thể xảy ra không nếu không có một mùa đông dài để cây cối tích trữ sinh lực bên trong bản thân nó?
Vậy nên mùa Đông là mùa của thời ấu thơ, khi một đứa trẻ được sinh ra và được gia đình ấp ủ. Nó chẳng cần làm gì, chỉ cần vui chơi. Tất nhiên nó cũng học chứ nhưng sự học của nó là bị động. Nó học qua vui chơi, qua quan sát, qua khám phá mọi thứ xung quanh. Nó được quyền lười biếng, quyền ngây thơ, quyền vô trách nhiệm, quyền sống không mục đích. Quyền sống một cuộc sống sạch tươm không vấn vương quá khứ và cũng không chút bận lòng về tương lai. Một cuộc sống “thiên đường” đúng nghĩa.
Theo cách chia các chu kỳ bảy năm thì mùa thơ ấu sẽ kéo dài từ khi sinh ra tới khi đứa trẻ đạt khoảng mười bốn tuổi, tuy nhiên bảy năm đầu đời vẫn là những năm quan trọng nhất do nó sẽ quyết định hướng đi của đứa trẻ cả đời sau này. Bảy năm này giống như hạt mầm vẫn nằm nguyên trong lớp vỏ cứng. Bảy năm sau đó là khi hạt mầm bắt đầu phá vỡ lớp vỏ cứng của mình và vươn ra khỏi vỏ, bắt rễ trong đất và chuẩn bị vươn lên khỏi đất. Tuỳ mỗi hoàn cảnh gia đình và phương cách sống mà đứa trẻ sẽ có thời thơ ấu dài hay ngắn.
Thời thơ ấu của tôi, mùa Đông của tôi đã không kéo dài 7 năm cũng không kéo dài 14 năm, nó đã kéo dài 10 năm tròn trịa. Trong suốt mười năm đầu đời tôi đã là một hạt mầm tự do và hạnh phúc. Tôi được hỗ trợ để vươn tiềm năng và sự hứng thú của mình theo mọi hướng có thể. Tôi không có bất cứ nghĩa vụ hay trách nhiệm gì với ai. Tôi không có bổn phận hay tham vọng gì – một tuổi thơ ngây thơ hồn nhiên đúng nghĩa. Trong mười năm ấy tôi cũng đã học những bài học quan trọng thông qua vui chơi, sự quan sát, khả năng suy nghĩ và tự đặt những câu hỏi. Tất cả những điều này đã hình thành nên tính cách của cả cuộc đời tôi. Một lần nữa, tính cách lại là nhân tố quan trọng quyết định bạn sẽ đi nhanh hay chậm trong các mùa của cuộc đời.
Một cuốn sách bình cũ rượu mới: Giải phóng trẻ em ư? Cha mẹ giải phóng mình trước đã.
Cuốn sách này: ‘Cách mạng giải phóng trẻ em’, được viết dựa trên ba nguồn chính: Nguồn một là những triết lý về nuôi dạy con dưới góc nhìn của Osho – một chân sư, thiền sư, một bậc thầy tâm linh mà tôi yêu quý và tôn kính. Tôi gọi ông ấy là guru – thầy tâm linh của mình không chỉ vì ông ấy đã giải phóng cuộc đời tôi mà vì tôi biết thông qua tôi như một phương tiện, ông ấy sẽ giải phóng cuộc đời của nhiều cha mẹ và nhiều đứa trẻ khác nữa khỏi những tư duy, ý thức hệ cũ kĩ vốn dĩ đã nô lệ hoá con người suổt bao ngàn năm nay.
Bằng việc giải phóng những đứa trẻ, chúng ta đang giải phóng những hạt mầm đang bị chôn vùi dưới lớp đất đá khô cằn đầy rác rưới và cho chúng một cơ hội sống cuộc đời mới: một cuộc đời được nảy mầm và nở hoa tự do là chính bản thân chúng.
Những quan điểm về nuôi dạy con cái trong kỷ nguyên tâm linh và những câu chuyện thời thơ ấu “nổi loạn” của Osho trong sách này đều do tôi sưu tầm, chắt lọc, biên dịch và biên tập từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, rồi dùng ngôn ngữ của mình để viết lại cho mạch lạc và dễ hiểu hơn chút. Có một từ chuyên môn cho công việc này gọi là “phóng tác” nhưng dù phóng tác, tôi muốn giữ nguyên “quyền tác giả” cho những quan điểm tuyệt vời này của ông ấy bằng cách dùng lại câu nói mà các đệ tử Phật thường dùng khi chép kinh sách: “Tôi đã nghe…”
Nguồn thứ hai được dùng trong cuốn sách này là những câu chuyện và góc nhìn thực tế của cá nhân tôi với hai tư cách đối lập nhau hoàn toàn. Tư cách một là những câu chuyện khi tôi còn là một đứa trẻ và đã được nuôi dạy như thế nào. Tư cách hai là những câu chuyện khi tôi là một “người mẹ” tuổi ba mươi, đang dùng những gì mình biết và tin tưởng để “dạy” cậu nhóc Minh Anh – bảy tuổi. Cậu bé không phải con ruột tôi nhưng tôi xem nó như con và nó cũng gọi tôi là mẹ: Mẹ Ngầu. Minh Anh thường ở cùng tôi mỗi khi mẹ nó (cũng là em gái tôi) bận rộn, và thời điểm tôi viết cuốn sách này, cậu nhóc sẽ ở cùng tôi trong hai tuần trước khi trở về với mẹ.
Hai tuần là khoảng thời gian không nhiều nhưng cũng đủ để tôi và Minh Anh có khoảng thời gian đáng nhớ cùng nhau. Tôi có điều kiện để trải nghiệm cuộc sống làm mẹ thật sự khi phải lo toan việc đưa đón, ăn uống, tắm rửa, vui chơi, ngủ nghỉ cho cậu bé. Một phép thử hoàn hảo trước khi tôi đi đến quyết định mình có muốn những đứa trẻ “của riêng mình” hay không.
Và cũng đặc biệt làm sao khi cuốn sách này được đặt bút viết vào ngày hôm nay, ngày 10/10 năm 2020, một con số thật đẹp. Hôm nay là sinh nhật của ba tôi – người cha mà tôi vô cùng yêu quý và kính trọng. Ba tôi năm nay 64 tuổi – chu kỳ bảy năm thứ mười. Tôi 30 – chu kỳ thứ năm. Minh Anh 7 tuổi – vừa xong chu kỳ thứ một.
Vòng tròn gần như đến điểm hoàn hảo: ba tôi đã làm mọi thứ để cho tôi một tuổi thơ tuyệt vời. Ông đã trao tôi hai món quà quý giá nhất mà một người cha có thể trao cho con của mình: Tình Yêu và Sự Tự Do. Tôi đã có hai món quà ấy, đã tận hưởng chúng, đã có thành quả từ chúng và giờ tôi muốn trao lại cơ hội có một tuổi thơ tuyệt vời tương tự thế cho Minh Anh – người đại diện cho thế hệ tiếp theo của gia đình và cũng là đại diện cho cả một nhân loại mới đang thành hình trên thế giới. Tôi ước ao mình có thể trao cả Tình Yêu và sự Tự Do cho đứa trẻ đặc biệt này. (tại sao nó đặc biệt sẽ được kể trong cuốn sách, và tất nhiên, mọi đứa trẻ đều đặc biệt cả.)
Mọi hạt mầm đều là một đại diện cho nhân loại mới. Cách chúng ta chăm sóc hạt mầm sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cả nhân loại, bạn có tin vào điều đó không?
Con của bạn có thể trở thành một phiên bản mới của Sạc-lô Chaplin – người làm cả thế giới cười, hay của Hitler – người làm cả thế giới khóc. Bạn có biết hai người này không chỉ có cùng ngoại hình giống nhau mà còn có cùng một ngày sinh nữa? Liệu điều này là ngẫu nhiên hay không? Bạn là con của cha mẹ bạn có phải điều ngẫu nhiên? Con của bạn hiện đang là con của bạn, liệu có phải ngẫu nhiên? Tôi tin trên đời không có gì là ngẫu nhiên cả. Và cũng như Osho nói, “Mọi cha mẹ đều xứng đáng với con cái của họ, bất kể con họ như thế nào.”
Thế giới và nhân loại tương lai sẽ trở thành như thế nào: hoa có nở không, cỏ có mọc xanh tươi không, quả ngọt hay đắng? Điều này tuỳ thuộc rất nhiều vào quá trình chúng ta gieo mầm và bảo vệ hạt mầm trong mùa đông tưởng chừng “chết” này. Thời thơ ấu cũng quan trọng hệt như vậy, nó là những năm tháng khi hạt mầm tích luỹ năng lượng để chờ ngày bung nở. Quá trình tích luỹ năng lượng này sẽ cho ra kết quả hạt mầm là cây lành hay cây độc, cây ấy sẽ nở hoa thơm ngát hay không có hoa, hoa sẽ đậu thành quả ngọt hay quả đắng, quả sẽ cho ra hạt mới hay quả không hề có hạt… Nói tóm lại, những năm thơ ấu là những năm nền tảng sẽ tạo ra hướng đi và tương lai của cả một con người.
“Hạt cải trời là giống hạt nhỏ bé nhất trong các loại hạt, nhưng khi gieo vào đất tốt, nó sẽ mọc cao đến mức chim trời kéo đến làm tổ và muông thú đến trú dưới gốc cây”. Mỗi đứa trẻ là một hạt cải trời như thế đó.
Cuốn sách này tuy nói về Mùa Đông của cuộc đời – Tầm quan trọng của Thời Thơ Ấu nhưng tất nhiên tôi sẽ làm rõ về các mùa khác nữa vì cuộc đời tròn trịa nhất định sẽ phải trải qua cả bốn mùa: Đông – Xuân – Hạ – Thu. Bằng việc chia này bạn sẽ biết mình đang ở mùa nào của cuộc đời, làm cách nào để tận hưởng trọn vẹn mùa của mình và chuẩn bị tâm lý cho những gì xảy tới trong mùa tiếp theo.
Sau mùa Đông luôn là mùa Xuân, mùa của đâm chồi nảy lộc – tự nhiên có trật tự hoàn hảo của nó và không gì là ngẫu nhiên.
Mùa Xuân, Mùa Thanh Xuân: Tuổi trẻ học hỏi qua trải nghiệm, qua việc sống thật rực rỡ và xanh tươi.
Nếu như mùa đông là khoảng thời gian một đứa trẻ được ấp ủ và chăm lo bởi gia đình, bởi xã hội. Nó không có nghĩa vụ gì ngoài tích trữ nhiều năng lượng nhất, nhiều bài học nhất có thể để sẵn sàng cho việc bung nở vào mùa xuân. Việc học của mùa đông là việc học bị động. Đứa trẻ học qua các câu chuyện, qua phim hoạt hình, qua những trò chơi và đặc biệt là qua việc nhìn những người xung quanh nó sống. Nói tóm lại, mùa Đông là mùa đứa trẻ học những bài học cuộc sống, thông qua vui chơi.
Thế rồi tới mùa Xuân: mùa Thanh Xuân, tuổi thanh niên. Khi hạt mầm mạnh dạn đâm ra khỏi khỏi mẹ đất ấm áp và bắt đầu sống cuộc đời của chính nó, hít thở bầu không khí tươi mát của bầu trời, nhận biết về một thế giới khác bên ngoài mẹ đất ấm áp – ấy là thời điểm mùa xuân của cuộc đời bắt đầu.
Mùa Xuân tuổi trẻ có thể kéo dài khoảng hai chu kì, từ năm mười bốn đến năm hai mươi tám tuổi – tuỳ mỗi trường hợp và hoàn cảnh cụ thể mà khoảng thời gian thanh xuân của mỗi người sẽ trải với độ dài ngắn khác nhau.
Mùa Xuân hay Mùa Thanh Xuân, Mùa thanh niên là khoảng thời gian để người ta mơ mộng và trải nghiệm cuộc sống theo mọi cách có thể. Đây là thời điểm để người ta sống đời mình theo cách rực rỡ nhất. Tại giai đoạn này trong cuộc đời, tuổi trẻ học những bài học thông qua hành trình trải nghiệm.
Phải có lý do gì đó mà người ta không gọi thời thanh xuân là thanh đông, thanh thu hay thanh hạ. Lý do đây là khoảng thời gian một người có thể sống tươi tắn nhất, tràn đầy sinh khí nhất, vui vẻ nhất, đầy năng lượng nhưng năng lượng này rất trong lành và dễ chịu hệt như không khí mùa xuân vậy. Ở độ tuổi này người ta sẵn sàng làm mọi thứ, nhào vào cuộc đời trên mọi phương diện, trải nghiệm cuộc sống theo mọi cách và biến cuộc đời mình như một khu vườn rực rỡ.
Mùa xuân hoa cỏ đua nở mạnh mẽ khắp mặt đất, mầm non đâm chồi khắp thân cây và nơi nơi, cuộc sống đều mang vẻ đẹp lạ lùng. Đó là vẻ đẹp trong mắt của những người đang yêu, đầy mơ mộng, đầy khát khao và vẫn còn trong lành. Đây là mùa để một người bắt đầu tự họ đâm chồi nở hoa, mùa của mơ mộng, khát khao trải nghiệm và thưởng thức những hương vị mới mẻ của cuộc đời. Thanh niên mùa xuân vẫn còn chút mơ mộng của thời thơ ấu nhưng vẫn chưa thật sự xem áp lực cuộc sống như gánh nặng, như trách nhiệm nghiêm túc, như động lực thúc đẩy mỗi ngày như con người mùa hạ.
Tôi đã trải qua Mùa Xuân của đời mình từ năm 11 tuổi đến năm 21 tuổi – lại một chu kỳ mười năm tuyệt vời, đầy ắp những trải nghiệm và vô cùng rực rỡ.
Mùa Hạ, mùa của hơi nóng tham vọng, lối sống thực tế và khả năng hành động. Người Mùa Hạ học qua “thực chiến”.
Mùa Hạ là mùa của hơi nóng hừng hực tràn ngập khắp không gian. Hơi nóng này là hơi nóng của tham vọng, của khát khao định hình bản ngã, khát khao khẳng định bản thân. Đây là thời điểm để người ta bùng nổ trong tham vọng, làm việc hăng say và gặt hái những thành công trong cuộc sống vật chất lẫn tâm lý.
Nếu như mùa Xuân là mùa cây nở hoa thì mùa Hạ là thời điểm hoa bắt đầu kết trái, nắng càng nhiều trái sẽ càng ngọt. Một người ở độ tuổi chín muồi của mùa hạ thường được xem như những người thành công, những tấm gương tiêu biểu của giới trẻ, được xã hội tung hô và ca tụng. Nắng càng đượm thì quả càng chín ngọt. Người càng có ý chí quyết tâm sắt đá và tính kỷ luật cao thì càng dễ đạt thành công lớn.
Đặc điểm nổi bật của người mùa Hạ là khả năng sống thực tế, đôi khi là thực dụng. Họ nhìn đời với những đôi mắt của nhà kinh doanh, truy tìm lợi lạc. Họ không ngây thơ, cũng không còn mơ mộng hão huyền. Nếu như người mùa Hạ có ước mơ thì ước mơ ấy cũng sẽ có một mục tiêu cụ thể lẫn kế hoạch rõ ràng. Người ấy không còn ham chơi bạt mạng như tuổi thanh xuân mà xem vui chơi như một cách xả hơi lấy sức cho những kế hoạch mới. Thậm chí, vui chơi của người ấy cũng nhuốm đầy màu thực dụng và tính toán: đi chơi với ai, đi chơi chỗ nào, gặp gỡ những bạn bè nào, tặng ai món quà gì… mọi hành động của người mùa hạ đều mang tính thực dụng và hỗ trợ cho tham vọng của họ. Người mùa Xuân mơ những giấc mơ suông. Họ mơ và thức dậy quên béng giấc mơ của mình. Người mùa hạ thức dậy sau giấc mơ và sẽ tìm cách để biến giấc mơ thành sự thực. Tóm lại, mùa hạ là mùa của tham vọng, tính thực tế, sự lao động miệt mài và gặt hái thành công. Đặc trưng của người mùa hạ là nhiệt lượng, nhiệt lượng này được biểu hiện trong mọi mặt cuộc sống. Họ sống hối hả, sống nhanh, sống gấp gáp vì tham vọng thì nhiều thế mà thời gian thì ít thế. Năng lượng của họ mang tính hung hăng, thậm chí bạo hành. Trong một thế giới nơi người ta xem cuộc đời như một cuộc chiến, thế thì người mùa Hạ là những chiến binh thực thụ. Họ học những bài học qua việc “chiến đấu” trên mọi mặt trận.
Nếu như bạn 30-40 tuổi và vẫn còn rất mơ mộng về cuộc đời, đầy khát khao nhưng không có kế hoạch cũng không chịu lao động để biến giấc mơ thành sự thật. Nếu như bạn 30-40 mà vẫn sống cuộc sống vui tươi hồn nhiên không nghiêm túc, không kỉ luật và không có bất cứ thành quả nào để gặt hái – thế thì bạn vẫn đang trong Mùa Xuân của cuộc đời mà thôi, bất kể bạn ở độ tuổi nào. Khi người Mùa Xuân mơ mộng và vui chơi đủ, họ nhận ra cứ mơ mộng là không ích gì, họ sẽ bắt tay vào hành động để biến những giấc mơ thành hiện thực, họ trở thành những con người mùa Hạ.
Mùa Hạ của tôi bắt đầu từ năm 21 tuổi và kết thúc vào năm 28 tuổi. Trong 7 năm tôi đã lao động hăng say và gặt hái được những thành quả mà bản thân đã mơ ước khi còn thanh xuân. Tiến trình 10 năm giờ đây thu ngắn lại, tôi chỉ mất 7 năm để hoàn thành mùa này, để gặt hái những thành công và chạm đến những tham vọng của mình.
Bắt đầu từ đây tôi cảm thấy cuộc sống trôi qua với tốc độ nhanh hơn và những bài học cũng được học nhanh hơn. Có lý do cho việc Mùa Hạ của tôi trôi qua nhanh chóng, đó là vì mùa Đông và Xuân của tôi đã được sống đúng. Việc sống đúng các mùa trước này hỗ trợ cho các mùa sau rất nhiều. Tôi nhận ra điều này chỉ sau khi tôi đã trải qua tất cả.
Sẽ có nhiều người mất cả đời, hay đôi khi là nhiều đời để học xong những bài học Mùa Hạ – Mùa Gặt Hái. Nhiều người sống cả đời mà không có thành quả gì, và khi chưa có thành quả gì khiến bạn hài lòng, bạn sẽ phải mất thêm nhiều thời gian khác để hoàn thành nó. Đó là lý do nhiều người đã già, lớn tuổi rồi mới bắt đầu gặt hái những thành công cuộc sống và chỉ sau khi gặt hái rồi, họ mới được “tự nhiên” cho phép bước vào mùa tiếp theo: Mùa Thu – Mùa Buông thư, Buông bỏ, Mùa nghỉ ngơi.
Khi đã trải qua mùa hạ rực lửa, người ta thấm mệt. Khi người ta mệt, nghỉ ngơi là việc tất yếu.
Mùa Thu – Mùa Buông Bỏ, Mùa Nghỉ Ngơi, Tĩnh lặng. Người ta học cách buông bỏ mọi thứ họ đã có và đang có. Tận hưởng vẻ đẹp và sự thanh thản của việc cho đi.
Vào giai đoạn mùa Thu của cuộc đời, người ta trở nên thanh dịu mát mẻ như cơn gió thu. Họ sống cuộc sống nhẹ nhàng, bình lặng hơn. Họ tất nhiên không còn mơ mộng như tuổi thanh xuân và cũng không bị tham vọng của mùa hạ thiêu đốt nữa. Người ta đã sống, đã làm việc, đã gặt hái và giờ thì họ bắt đầu thấy nặng gánh. Những gánh nặng vô hình trong tâm trí và tâm hồn khiến người ta học cách cho đi và buông bỏ dần những thứ khiến người ta nặng gáng: trách nhiệm, nghĩa vụ, tham vọng, vật chất. Thậm chí nếu cần thiết người ta sẵn sàng bỏ cả thứ gọi là danh dự hay thể diện – những thứ từng vô cùng quan trọng khi họ còn là chiến binh trong cuộc chiến mùa Hạ.
Mùa thu tới chỉ sau khi người ta đã trải qua mùa hè trọn vẹn, đã đạt được những tham vọng và thành công của cuộc sống, đã trải qua những ngày tháng vui chơi tiệc tùng, đã nếm được mùi “vô vị” của thành công và nhận ra gánh nặng của bản ngã. Đạt được rồi người ta mới thấy được sự vô nghĩa của nó và bắt đầu một quá trình tự thanh lọc cuộc sống của mình. Hệt như cách quả chín rụng khỏi cành và lá rụng khỏi cây.
Mùa Thu là mùa của từ bỏ, của cho đi. Xã hội dùng từ “cống hiến” để nói về những người đạt tới mùa này nhưng trong mắt người đó, họ không xem đó như là cống hiến. Cống hiến là một từ của người mùa Hạ khi cho đi – đầy tính toán. Người mùa thu không xem việc cho đi của mình là cống hiến, họ chỉ xem đó như một việc cần làm và việc cần làm là “trả lại” cho xã hội những gì họ đã gặt hái, bởi vì họ không còn sức để mang chúng thêm nữa. Họ sẵn sàng cho đi mà không có điều kiện gì, chỉ để khiến bản thân thanh thản. Việc cho đi của người mùa thu là rất đẹp.
Có một câu nói về mùa thu mà tôi yêu vô cùng yêu thích: “The autumn shows us how beautiful to let thing go” – mùa thu cho chúng ta thấy việc buông bỏ mới đẹp đẽ làm sao!
Mùa thu khiến người ta sống đôi chút chậm lại, hít thở sâu hơn, để ý những thứ mà trước đây người ta chẳng buồn để ý: vẻ đẹp của ánh trăng, tiếng lá reo xào xạc, mùi thơm của trái chín trên cành, tiếng mưa rơi bên hiên nhà… Mùa Thu, cây không chỉ rụng lá mà cũng rụng luôn cả trái, những trái chín mang đầy hạt mầm đã trưởng thành, chuẩn bị cho một mùa gieo mầm mới.
Cây rụng lá vì nó cần tiết kiệm sinh lực và nhựa sống để nuôi những thứ đang khởi lên bên trong. Người mùa thu tuy buông bỏ những thứ bên ngoài nhưng mặt khác họ lại bắt đầu cảm nhận một sinh linh mới đang hình thành bên trong chính họ. Nhưng sinh linh này dường như rất thiêng liêng, rất thân thiết và cũng rất mạnh khoẻ. Sinh linh này là chính bản thân họ. Họ cảm giác một sự tái sinh sâu sắc từ bên trong sự tồn tại của mình.
Tôi bắt đầu mùa Thu của đời mình từ năm 28 tuổi, năm nay tôi 30 và có thể cảm nhận thời gian đang trôi qua nhanh hơn bao giờ. Tôi đang tận hưởng mùa thu của đời mình một cách chậm rãi mà cũng rất sâu. Dường như càng sống sâu thì lượng thời gian cần để học các bài học của cuộc đời càng ít hơn.
Mùa Thu là mùa của buông thư và từ bỏ. Người mùa thu học những bài học thông qua việc buông bỏ của mình. Để có mùa thu buông bỏ thành công nhanh chóng, người ta cần có những thành quả được bồi đắp chín muồi của mùa hạ. Bằng không, người ta buông bỏ cái gì? Có gì để buông bỏ?
Đó là lý do người độ tuổi trung niên trong xã hội rất nhiều nhưng xem họ là người mùa thu thì không đúng. Họ già và họ nói về buông bỏ nhưng họ vẫn còn tham lam và tính toán lắm. Họ chẳng buông bỏ thực tâm chút nào. Một người thành đạt, giàu có và quyền lực nhưng nếu người ấy vẫn đắm mình trong nó, ham muốn thêm và không muốn bớt, thế thì họ vẫn còn chưa đạt tới mùa thu. Nhiều người thành đạt sẵn sàng làm từ thiện rất nhiều tiền, làm nhiều việc thiện nguyện nhưng mục đích là để đánh bóng tên tuổi và doanh nghiệp của mình, thế thì việc cho đi này đơn thuần vẫn là kinh doanh, và còn mang tâm trí kinh doanh tức là họ vẫn còn đang trong cuộc chiến. Còn trong cuộc chiến là còn trong mùa hạ. Đừng nhầm lẫn tuổi tác và sự thành công nghĩa là họ đã “chín muồi”. Chỉ khi người ta sẵn sàng buông bỏ một cách tự tâm, không toan tính, không mục đích, thế thì việc buông bỏ của họ mới đẹp vẻ đẹp của mùa Thu.
Như lá rời khỏi cây, không nuối tiếc. Cây buông lá, chẳng vấn vương!
Sống đúng và đủ các mùa, cuộc đời chẳng có gì để mà phải nuối tiếc hay sợ hãi.
Một khi người ta được trải qua những năm tháng sống đúng và tận hưởng đủ vẻ đẹp của mọi mùa, người ta sẽ không còn tiếc nuối và cũng không còn phải “hồi quy” trở lại nữa. Một sự hồi quy dễ thấy nhất mà chúng ta hay gọi là “hồi xuân”. Nếu một người trẻ đã sống đủ, sống rực rỡ suốt những năm tháng mùa xuân của mình thế thì khi trưởng thành anh ta sẽ tận hưởng mùa hạ và mùa thu, anh ta sẽ không cần phải tìm lại “mùa xuân” mà mình đã bỏ lỡ. Những người hồi xuân là những người vì nhiều lý do đã bỏ lỡ mất thời thanh xuân của mình. Có lẽ khi họ đương tuổi thanh xuân thì vào thời điểm ấy, chiến tranh và áp lực cơm áo gạo tiền quá mạnh nên họ đã không có điều kiện làm điều mà các thanh niên khác làm: vui chơi, đùa giỡn, theo đuổi những mốt thời trang, những thú vui cuộc sống, những buổi tụ tập bạn bè, đi du lịch… Vào thời điểm tuổi xuân họ đã phải làm lụng vất vả trên cánh đồng hoặc trong nhà máy, họ đã phải gánh trách nhiệm nuôi gia đình với những đứa con nheo nhóc, còn đâu là thanh xuân? Chính vì thanh xuân bị bỏ lỡ này mà khi về già, khi ở độ tuổi đáng lẽ là mùa thu bình thản thì họ bắt đầu có điều kiện và thời gian để làm sống lại, trải nghiệm lại tuổi xuân một lần nữa. Những người trung niên hồi xuân ăn mặc đỏm dáng, rất điệu đà, quan tâm nhiều đến trang phục, các xu hướng sống mới và bắt nhịp rất nhanh, họ không ngại học những thứ của tuổi trẻ mà trước đây họ chê bai: cách dùng những app mới trên điện thoại, cách sử dụng điện thoại thông minh, đi du lịch, tụ tập bạn bè hát hò ăn uống, thậm chí nhiều người sẵn sàng bỏ cả trách nhiệm gia đình hay công việc thường nhật để đi chơi hệt như những người tuổi thanh niên thường làm. Chẳng có gì sai với họ cả. Tuổi xuân đã bị bỏ lỡ giờ họ phải được sống qua chứ, nếu không làm sao người ta có thể mãn nguyện với cuộc sống được?
Chỉ khi người ta đã có thứ gì trong tay rồi, người ta mới có thể vứt bỏ nó. Làm sao bạn có thể nói một người ốm yếu rằng “hãy vứt bỏ sức khoẻ của ông đi”? Làm sao bạn có thể nói một đứa trẻ học rất dở rằng “hãy vứt bỏ giấy khen của con đi”? Làm sao bạn có thể nói với một người nghèo “hãy vứt bỏ tài sản của bạn đi”? Để vứt bỏ, để buông thư người ta phải có cái gì đó đã. Vậy cái gì đó là gì? Là những gì người ta nắm giữ, từ vật chất đến tinh thần. Từ những gánh nặng trách nhiệm cho tới những thú vui vô nghĩa. Từ những tham muốn lộ liễu cho đến những ham muốn tinh vi: ham muốn giàu, ham muốn được tôn trọng… Để bỏ các ham muốn này, người ta phải có nó đã. Bạn phải là người đã được xã hội tôn trọng thì bạn mới hiểu nó để mà vứt bỏ nó, bằng không vứt bỏ của bạn sẽ rất giả. Bạn phải có rất nhiều tiền, dư xài thì mới thấy sự vô nghĩa của tiền, thì mới có thể vứt bỏ sự bám víu và lệ thuộc vào đồng tiền, chứ nếu không thì chẳng cách nào để bạn thôi nghĩ về tiền cả.
Các mùa trong cuộc sống đều có những vẻ đẹp đặc trưng và những bài học khác nhau. Học các bài học này xong bạn sẽ trưởng thành dần và cứ theo mỗi bậc trưởng thành, việc buông bỏ lại tự động xảy ra dễ dàng hơn một chút.
Mầm non nhú ra khỏi cây, mọc thành lá vào mùa xuân. Lá làm việc cật lực biến đổi năng lượng mặt trời chuyển vào trong quả vào mùa hạ, thế thì khi thu đến lá sẽ được nghỉ ngơi, nó không còn phải làm việc cật lực nữa, nó đổi sang màu vàng màu đỏ, khô và rụng xuống, chẳng tốn tí công sức nào vì đây là quá trình tự nhiên. Bất cứ cái gì tự nhiên đều không cần công sức. Nhưng một thứ không tự nhiên nhất định sẽ tốn công. Vặt một chiếc lá xanh khỏi cây, việc đó cần công sức. Gió mạnh đến mấy cũng khó lòng bứt lá xanh khỏi cây, nếu như lá ấy là mạnh khoẻ và cần thiết cho cây. Tự nhiên hoạt động trong một quy luật hài hoà đẹp đẽ vô cùng mà nếu bạn biết khám phá và sống theo quy luật của tự nhiên, cuộc đời bạn dường như không hề tốn tí công sức nào để sống đúng cả, mọi sự đều đúng theo cách riêng của nó, đúng thời vụ của nó.
Khả năng sống đúng các mùa cuộc đời là một may mắn. Nếu bạn biết tận dụng may mắn này, cuộc đời bạn trôi đi dễ dàng một cách đáng ngạc nhiên. Bạn sẽ có khả năng sống trong hiện tại, ở trong khoảnh khắc hiện tại nhiều hơn mà không nuối tiếc gì hay tham muốn gì.
Một người tận hưởng mùa hè và mọi thú vui của mùa hè, thế thì người ấy hài lòng, người ấy sẽ thích thú khi nghĩ đến mùa đông và được chơi các trò chơi mùa đông mà không tham vọng, không hối thúc, không lo sợ vì cần gì? Mùa đông sẽ đến, bạn tham nó đến sớm thì ích gì? Mùa đông nhất định đến, hà cớ gì phải lo sợ?
Tôi sinh ra và lớn lên ở cùng đất Tây Nguyên, nơi được biết đến với chỉ hai mùa mưa nắng chứ chẳng có bốn mùa nào cả. Tôi từng ghen tị với những người sống ở nơi có đầy đủ cả bốn mùa: xuân – hạ – thu – đông vì trong mắt tôi các mùa sao đẹp thế. Nó đẹp từ trong những bài thơ tôi học khi còn thơ bé, đẹp trong những hình ảnh tôi thấy trên tivi và đẹp nhất là trong những trang truyện tranh mà tôi từng đọc.
Bộ truyện tranh tôi yêu thích nhất thời thơ ấu và cũng dạy tôi nhiều điều nhất về cuộc sống là bộ truyện tranh Đô-rê-mon của đất nước Nhật Bản. Giờ nhìn lại mới thấy thật không thể tin nổi khi những chi tiết rất nhỏ trong truyện mà tôi đã đọc và ghi nhớ lại ảnh hưởng tới cả đời tôi sau này nhiều đến vậy. Tôi đã từng trốn trong chăn hàng giờ, bật đèn pin lên chỉ để được đọc truyện. Ba mẹ thường la và nhắc nhở tôi không được đọc sách trong tối nhưng biết sao được, chỉ ở trên chiếc gác xép ấy tôi mới có đủ yên tĩnh để mộng mơ, để tưởng tượng và suy ngẫm về những câu chuyện tuyệt vời.
Bạn biết tôi yêu thích điều gì nhất trong bộ truyện không? Những đứa trẻ khác nhất định sẽ yêu thích những món bảo bối thần kỳ, tôi cũng vậy, nhưng có thứ tôi còn yêu thích hơn: đời sống và văn hoá của trẻ con Nhật, người Nhật.
Tôi thích ý tưởng người mẹ nấu ăn cho các con (mẹ tôi thì không), tôi thích ý tưởng đứa trẻ có phòng riêng của nó. Tôi thích ý tưởng những khu nhà hình vuông ngang dọc đầy quy củ. Và tôi thích nhất những tập nói về các mùa xinh đẹp ở đất nước ấy cùng những thú vui mà bọn trẻ con nơi ấy được hưởng. Mùa xuân bọn trẻ ấy được cha mẹ dẫn đi dã ngoại trong những khu rừng hoa anh đào nở rộ. Chúng sẽ đi hái nấm và nướng nấm ăn. Mùa hè chúng sẽ đi biển, đi thuyền, bơi lội trong làn nước biển xanh hay chơi ném bóng trên bãi cát trắng nắng vàng. Mùa thu chúng được đi cắm trại, đi ngắm lá vàng rơi, đi hái quả hồng chín, đi thả đèn lồng cá chép và ăn những món bánh mùa thu. Rồi mùa đông chúng lại đi nghỉ ở những nơi tuyết rơi trắng xoá, chúng sẽ trượt tuyết, chơi ném bóng tuyết, đắp người tuyết, húp những món súp nóng hổi. Tất cả những điều này mà tôi đã đọc đều đọng lại sâu sắc bên trong tôi, khiến tôi luôn ước ao và chưa bao giờ dừng tưởng tượng. Cảm giác “hưởng xái” bốn mùa cùng bọn trẻ trong bộ truyện đã khiến tôi yêu thích ý tưởng về các mùa kinh khủng. Điều tốt khi làm trẻ con là trẻ con rất nhanh quên, tôi yêu thích và tưởng tượng việc mình được sống trọn vẹn đủ bốn mùa nhưng tôi cũng không lấy nó làm cớ quên đi cuộc sống thực. Thành thực mà nói, nhờ việc thấy cách người khác sống các mùa của họ mà tôi biết sống các mùa mình có một cách trọn vẹn hơn bao giờ.
Nếu như nơi tôi ở chỉ có hai mùa mưa nắng, thế thì tôi sẽ tận hưởng trọn vẹn hai mùa mưa nắng ấy. Tôi và lũ trẻ con trong xóm, mùa nắng thì tắm suối, bắt cá, trèo cây, làm nhà bên bờ suối, hái quả rừng ăn, lang thang khắp các quả đồi đầy cây, chơi đồ hàng, chơi những trò chơi dân gian. Mùa mưa chúng tôi lang thang dằm mưa đi tìm nấm mối, chơi trò “trượt patin” trên những con đường đất đỏ trơn trượt, thử “cảm giác mạnh” khi vẫn đi tắm trên các con suối ngập nước… Từ ngày nhỏ tôi đã biết cách tận hưởng đủ thú vui của các mùa, có lẽ đó là lý do giờ đây tôi không còn bận tâm một chút xíu nào đến mùa màng gì nữa.
Khi bạn chơi đủ ở tuổi thơ ấu, tuổi thanh niên bạn không cần chơi quá nhiều, bạn sẽ thích học.
Khi bạn học đủ ở tuổi thanh-thiếu niên, tuổi thanh-trung niên bạn không thích học nữa, bạn thích làm.
Khi bạn làm đủ ở tuổi trung niên, tự nhiên tuổi già bạn chẳng còn muốn làm gì, chỉ ngồi im quan sát cuộc đời trôi qua với bình an, mãn nguyện, biết ơn và chúc lành cho những thế hệ kế tiếp.
Nếu cuộc đời là sự học khổng lồ, thì chỉ có hai bài học quan trọng: Tích Cóp và Buông Bỏ.
Người trẻ học tích cóp: tích cóp niềm vui, trải nghiệm, bài học, thành tích, thành quả, bản ngã.
Người già học buông bỏ: buông bỏ tất cả, kể cả bản ngã.
Việc buông bỏ sẽ xảy ra từ từ. Ban đầu là bỏ vật chất, quyền lực, danh vọng rồi tới buông bỏ những thứ phi vật chất: sự tiếc nuối, hối hận, tham vọng, sợ hãi, lòng tham. Tất cả những thứ này tạo nên bản ngã của một người. Việc buông bỏ những thứ này chính là buông bỏ bản ngã.
Nó giống như quá trình hồi quy từ một người già trở lại thành ngây thơ trong trắng như đứa trẻ một lần nữa. Hoặc giống như việc một người lắp ráp mô hình khi hoàn thành lại bắt đầu gỡ hết mô hình ra, từng chút một.
Quá trình từ bỏ và hồi quy này như một hành trình đi ngược sẽ dẫn người ta đến mùa Đông một lần nữa – mùa Đông thiêng liêng của thế giới bên trong. Con người mùa thu chín muồi sẽ mang trong mình hạt mầm của điều thiêng liêng. Hạt mầm lại được ươm trong lòng đất nhưng lần này lòng đất không thuộc thế giới này, tự bản thân người ta trở thành lòng đất. Lòng đất này ươm một loại hạt mầm mà cũng không thuộc thế giới vật chất này nữa. Hạt mầm này rồi sẽ nở ra một Phật, một đấng Christ. Con người mới được tái sinh vào cõi thiêng liêng vĩnh hằng.
Chà, khúc này là tôi tưởng tượng vậy thôi chứ bản thân tôi chưa trải qua nó nên cũng chẳng dám khẳng định chút nào. Nhưng một điều có thể chắc chắn ấy là tôi cảm nhận rất rõ cảm giác một sinh linh tươi mới đẹp đẽ, thanh bình an vui, bình yên phúc lạc đang nhen nhóm bên trong chính mình. Sinh linh này dù đang khởi lên trong tôi nhưng tôi không thể gọi nó là “con”. Vì để gọi một thứ là con, nó phải tách rời với bạn, độc lập. Sinh linh mới này không tách rời theo bất cứ nghĩa nào. Nó khởi lên trong bạn và càng ngày bạn càng cảm nhận nó rõ hơn cả thân thể vật lý của chính mình. Thật khó để diễn tả làm sao. Cảm giác thiêng liêng khi mang một sinh linh trong mình – cảm giác của những người mẹ mang thai – tôi đã phần nào hiểu, dù tôi chẳng mang theo em bé nào. Nhưng tôi càng hiểu hơn những lời giảng của Osho khi ông ấy nói, “Việc sinh vĩ đại nhất, là sinh thành ra chính mình như một con người mới.”
Có lẽ đó là lý do những người đi vào con đường tâm linh sâu sắc thường không muốn có con. Họ không chỉ không muốn có thêm gánh nặng trong cuộc sống, không muốn có thêm nghĩa vụ và trách nhiệm – vì họ đã buông bỏ cả những thứ này rồi. Nhưng mặt khác, họ rất mãn nguyện bởi vì họ có thể cảm nhận được vẹn nguyên cảm giác ấy: cảm giác mang trong mình một sinh linh thiêng liêng và cảm nhận nó đang lớn dần lên mỗi ngày.
Điều khác biệt là để nuôi dưỡng sinh linh thiêng liêng này, chỉ hai thứ được cần tới: không phải tiền và tình yêu như việc nuôi một đứa trẻ thông thường mà là hai thứ khác: sự tĩnh lặng và nhận thức. Tĩnh lặng càng sâu, nhận thức càng cao lớn. Nhận thức là chất nuôi dưỡng sinh linh này, hoặc thậm chí người ta còn gọi sinh linh này bằng chính chất nuôi dưỡng nó: Nhận Thức.
Giác ngộ nghĩa là Sự nhận thức hoàn hảo. Nhận thức là ánh sáng, thứ ánh sáng mà Phật đã nói trước khi rời thân thể: “Hãy là ánh sáng lên bản thân ngươi.” Nhận thức này chính là Thánh thần thiêng liêng, là cầu nối con người và Thượng đế.
Một cuộc đời có thể trải qua cả bốn mùa, hoặc chỉ một mùa duy nhất. Các mùa sẽ cứ lặp đi lặp lại cho tới khi bạn học được mọi bài học của cuộc đời. Việc lặp đi lặp lại này chính là những vòng luân hồi của cuộc sống. Việc nâng cao khả năng quan sát, nhận thức sẽ giúp bạn nhìn thấy các vòng luân hồi lặp đi lặp lại này và chỉ khi nhận thức được về luân hồi bạn mới có thể vượt qua nó.
Vượt lên trên luân hồi là cái đích của nhiều tôn giáo cổ đại trên thế giới.
Trên thế giới có hàng ngàn tôn giáo nhưng có thể chia làm hai nhóm: một nhóm tin vào luân hồi vạn kiếp và nhóm còn lại thì chỉ tin vào một kiếp sống duy nhất. Nhưng dẫu vậy thì khi quan sát Ki-tô giáo – đại diện lớn nhất của nhóm các tôn giáo không tin luân hồi – thì ta cũng có thể thấy bản thân nó vốn dĩ cũng chứa đựng những vòng xoay luân hồi bất tận: vòng luân hồi tội lỗi. Bạn phạm tội, bạn ăn năn, bạn lại phạm tội lần nữa… chỉ khi nào bạn nâng nhận thức của mình lên đủ cao đến mức không phạm bất cứ tội nào, không lặp lại bất cứ tội lỗi nào trong đời, thế thì bạn sẽ được lên thiên đàng hưởng phúc ngàn thu cùng Thượng đế.
Cho nên mọi tôn giáo dù khác nhau về luật lệ, câu chuyện, kinh sách hay niềm tin đến đâu, chúng dường như đều có chung một cốt lõi và một mục đích: Nâng cao nhận thức của con người, khai mở thứ ánh sáng đã luôn có bên trong mỗi người. Ánh sáng ấy là Phật tính, Thượng đế tính hay tuỳ mỗi tôn giáo lại có cách gọi khác nhau.
Bản thân cuốn sách này chẳng là gì ngoài một nỗ lực khiêm tốn nhỏ nhoi ước ao nâng cao nhận thức của bất cứ ai đang đọc nó. Kể cả nếu nhận thức ấy là, “đây là một cuốn sách tầm bậy và vô nghĩa” thì nó cũng là một nhận thức được hoan nghênh.
Nhưng khi nhận thức của bạn đạt tới một điểm nào đó, bạn sẽ nhận ra, không có gì trên đời là vô nghĩa cả, kể cả một hạt bụi hay một cọng cỏ mọc dại bên đường. Cuộc sống là hoàn hảo theo cách riêng của nó. Kể cả khi bạn thấy một cuốn sách tầm bậy, hãy học cách nhìn ra sự-tầm-bậy-hòan-hảo của nó và nở một nụ cười. Nếu bạn có thể nở một nụ cười từ bi đối với mọi sự xảy ra trên đời, bạn biết mình đang ở mùa thu, một mùa thu chín muồi thơm lừng đẹp đẽ.
Bạn đang ở mùa nào của cuộc đời?
Bằng việc nhìn thấy bản thân bạn đang ở mùa nào mà bạn có thể điều chỉnh suy nghĩ, tư duy lẫn hành động của bản thân để sao cho không bỏ lỡ thời gian thêm nữa, không bỏ lỡ cơ hội nào nữa trong việc sống cuộc đời mình. Chỉ khi bạn được phép sống đời bạn theo cách bạn muốn thế thì một mùa mới trôi qua theo đúng tiến trình tự nhiên.
Tự bản thân bạn sẽ đánh giá được bản thân mình đang ở mùa nào của cuộc đời. Nên nhớ, người ngoài không có bất cứ nghĩa vụ nào trong việc xác định mùa của bạn, chỉ bạn và mình bạn mới có đủ thẩm quyền để xem mình đang ở đâu, đang ở giai đoạn nào của cuộc đời. Liệu bạn đã đủ trưởng thành để tự lo liệu cho bản thân hay vẫn phụ thuộc vào người khác như một đứa trẻ ủ mình trong lớp đất ấm áp? Liệu bạn đã được phép bung nở rực rỡ, được làm mọi điều mình thích, được tự do mơ mộng đủ trong suốt những năm tháng thanh xuân? Liệu bạn đã và đang gặt hái được những thành quả mà bạn từng mơ ước? Và liệu bạn có đang học những bài học về buông bỏ, về cho đi? Vâng, nhớ nhé, không ai khác có khả năng biết được bạn đang ở mùa nào của cuộc đời, ngoại trừ chính bạn.
Chỉ khi bạn có cơ hội và cho phép bản thân sống trọn vẹn, tận hưởng mọi niềm vui và cái đẹp của các mùa, thì bạn mới biết thế nào là cuộc sống. Và chỉ khi bạn đã thực sự sống, bạn cũng sẽ đón chào cái chết nữa! Như người đã tận hưởng đủ thú vui và ánh nắng mùa hạ, sẽ không sợ hãi gì khi mùa đông đến!
Cô gái mùa thu 30 tuổi
Đông, Xuân, Hạ, Thu- Đấy là cách chia tiến trình một cuộc đời của tôi. Sỡ dĩ tôi chia như vậy vì chính tôi khi nhìn lại cuộc đời mình đã thấy nó xảy ra như thế. Tôi đã sống một mùa thơ ấu trọn vẹn chỉ vui chơi và học hỏi, phát triển bản ngã của mình. Tôi cũng đã sống một thanh xuân trọn vẹn với những hoài bão, ước mơ, mộng tưởng và vô số những trải nghiệm đầy màu sắc. Thế rồi tôi đã trải qua mùa hạ với những nung nấu tham vọng cháy bỏng được hoàn thành, những mục đích được đạt tới. Giờ đây tôi đang ở giai đoạn mùa thu của cuộc đời, nơi tôi học cách buông bỏ và cho đi. Dù đang trong mùa thu nhưng tôi đã cảm nhận được sự tồn tại của những hạt mầm mới đã được gieo và ủ ấp trong bản thể mình, những hạt mầm tâm linh – có thể gọi như vậy.
Và năm nay tôi 30 tuổi. Những “mùa” của tôi trôi qua nhanh hơn người bình thường, không phải vì tôi có phẩm chất gì đặc biệt nhưng vì một lý do duy nhất: tôi đã may mắn được sống một cuộc sống tự do hơn đa phần những người khác. Tự do giống như một chất xúc tác giúp cho các mùa trôi qua nhanh hơn một cách đầy đủ và trọn vẹn.
Một người không có tự do sẽ mất rất lâu để học được những bài học cần thiết. Trong khi đó một người trong tự do trọn vẹn của mình có thể tiếp cận và học được những bài học một cách nhanh chóng hơn nhiều lần. Ví dụ nếu người trẻ được phép kinh doanh, họ sẽ sớm học được những bài học về thành công lẫn thất bại, nhưng nếu người lớn làm mọi cách cản trở người trẻ kinh doanh, thế thì sẽ mất nhiều thời gian hơn để họ học được các bài học về thành công lẫn thất bại.
“Nếu như bạn đủ thông minh, bạn sẽ học được từ sai lầm của người khác.
Nhưng nếu bạn không đủ thông minh, bạn thậm chí sẽ không học được gì từ sai lầm của chính mình.”
Lại thêm một câu “thần chú” của Osho mà tôi cực kì tâm đắc.
Tôi nhận ra đa phần chúng ta đều không đủ thông minh để học từ bài học của người khác, nhưng điều đáng buồn không phải là chuyện ta có thông minh hay không, mà là chúng ta có quá ít tự do để được phạm sai lầm và học từ sai lầm của bản thân mình.
Chúng ta đang sống trong một xã hội không cho phép người ta sai lầm và vì sợ sai lầm mà tự do của chúng ta – từ đứa trẻ tới người già – bị đè nén và bóp nghẹt theo mọi cách. Điều đó không chỉ khiến chúng ta sống vật vờ đau khổ như những tù nhân mà còn làm lãng phí tiềm năng học hỏi của chúng ta một cách vô cùng.
Tôi đã là một đứa trẻ may mắn, may mắn vì tôi có tự do để làm mọi điều mình muốn và nhờ đó mà Mùa Đông của cuộc đời tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Tôi đã tận hưởng trọn vẹn mùa Đông của mình, tôi đã được vui chơi, đã được dạy theo cách đúng và đặc biệt là đã học hỏi rất nhiều từ việc vui chơi của mình. Tôi cũng đã quan sát, không chỉ thời thơ ấu của bản thân mà của những đứa trẻ khác. Thật đau lòng khi thấy chẳng nhiều đứa trẻ có được may mắn giống như tôi. Cuốn sách này với hi vọng rất thành tâm, mong sao có thể giúp mang thêm một chút tự do cho bọn trẻ – những tù nhân nhỏ bé đáng thương đang bị giam hãm trong những nhà tù của định kiến và áp đặt của xã hội. Đã đến lúc để giải phóng chúng rồi.
Cảm tạ bạn đã chấp nhận đồng hành cùng tôi trong cuộc cách mạng này: cuộc cách mạng giải phóng những đứa trẻ khỏi sự nô lệ hoá và độc tài của chính người lớn chúng ta.
Xin gởi bạn lời chào thiêng liêng nhất mà tôi có thể, nghĩa của nó là: “Tôi chắp tay thành kính cúi chào đấng thiêng liêng đang ngự bên trong bạn!” và chỉ một từ đơn giản để thể hiện thông điệp đẹp đẽ này:
Namaste!