Tôi đã nghe…
”Osho, những người giác ngộ sẽ không muốn có con. Những người mắc chứng loạn thần kinh cũng không nên có. Vậy ai mới là người đúng để có con?
Osho: Người giác ngộ sẽ không muốn có con và người loạn thần kinh thì không nên có. Đúng là như thế.
Người loạn thần kinh tức là những người có thần kinh không ổn định, không bình thường, không khoẻ khoắn. Họ là những người không nhận biết được cái đẹp của cuộc sống, không biết mục đích cuộc sống là gì. Họ là những người chỉ thích tranh đua, tranh đấu, tham vọng, thích nô lệ hóa người khác. Họ sẽ là những người thích xem con cái như một món tài sản hay một món đầu tư sinh lời cho bản thân họ… Những người này rất không nên có con vì con họ sẽ khổ.
Chỉ người ở giữa hai trạng thái đó mới là người đúng. Tức là người có tâm trí và thần kinh khỏe mạnh, người không bị các chứng bệnh gì và cũng không giác ngộ, đơn giản là khỏe mạnh, bình thường. Chỉ những người ở khoảng giữa đó là người đúng và trong thời điểm thích hợp để làm cha mẹ, để trở thành một người mẹ hoặc một người cha cho đứa trẻ. Thế thì đứa trẻ sẽ có cơ may được phát triển một cách bình thường, không là nạn nhân cho các chứng loạn thần kinh của họ lẫn của xã hội.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ những người thần kinh lại có khuynh hướng sinh nhiều con cái. Người thần kinh có khuynh hướng – trong sự thần kinh của họ – tạo ra một không gian sở hữu bao quanh những đứa trẻ. Họ biết không nên làm thế nhưng họ vẫn làm, như một cách để trốn tránh thực tại. Họ không thể thay đổi bản chất cuộc đời họ nên họ muốn thay đổi cuộc đời con cái. Những người này nên dũng cảm hơn, khiêm tốn hơn và chân thực hơn. Họ nên đối mặt với sự thật về chứng loạn thần kinh của họ để rồi vượt ra khỏi đó.
Người giác ngộ không cần có con cái. Anh ta được trao một sự sinh vĩnh hằng bởi chính mình. Giờ không cần trao thêm một sự sinh nào cho bất cứ gì khác. Anh ta trở thành một người cha hay một người mẹ cho chính mình. Anh ta trở thành tử cung cho chính mình và anh ta đã được tái sinh.
Nhưng giữa cả hai trạng thái này, khi người giác ngộ lẫn người loạn thần kinh không có đó. Khi nhận thức của bạn là vừa đủ, không bên dưới mức trung bình và không ở tầm siêu thức. Khi bạn đã thiền định, đã trở nên có một chút ánh sáng, một chút tỉnh thức và một chút giác ngộ về thực tại. Khi cuộc đời bạn không chỉ toàn bóng tối, khi bạn đã nhận ra rằng mình có ánh sáng bên trong. Ánh sáng ấy tuy mờ nhạt như ánh sáng một ngọn nến chứ không thấu suốt như ánh sáng của mặt trời, nhưng nó vẫn là ánh sáng. Nhận ra ánh sáng này bên trong bạn, thế thì đó là thời gian đúng để có một đứa trẻ. Thế thì sau đó bạn có thể trao thứ gì đó từ nhận thức của riêng bạn cho đứa trẻ. Nếu không, bạn sẽ trao cho chúng thứ gì ngoài sự loạn thần kinh của bạn, bóng tối của bạn, sự vô nhận thức của bạn?
Bạn sẽ chẳng làm được gì ngoài việc tiếp tục lặp lại, tái tạo lại sự vô thức của chính mình thông qua đứa trẻ. Đây chính là “tội tổ tông truyền” lớn nhất. Khi các thế hệ trước đã sống trong vô thức và rồi cứ truyền lại sự vô thức của mình, áp đặt những vô thức của mình lên đứa trẻ, lên các thế hệ sau. Vậy thì nhân loại làm sao mà khá lên được?
Nếu như bạn đang có ý định mang một đứa trẻ đến thế giới này. Điều đầu tiên cần làm là hãy thiền định và hãy suy tư. Suy tư nghĩa là suy nghĩ cho kỹ xem liệu trong trạng thái của bạn hiện giờ, nếu bạn sinh ra một đứa trẻ thì đó có là phúc lành cho thế giới không, hay là một tai họa? Việc sinh của bạn có phải là phúc lành cho đứa bé không, hay chỉ là phúc lành cho cá nhân bạn? Và sau đó nghĩ tiếp: Bạn sẵn sàng bao nhiêu trong việc làm cha hay làm mẹ của một đứa trẻ? Bạn có sẵn sàng để trao đi một tình yêu vô điều kiện chưa? Bạn đã từng bao giờ trao cho bất cứ ai một tình yêu vô điều kiện chưa? Hãy suy nghĩ thật sâu, thật kỹ và thật nghiêm túc về những câu hỏi như vậy trước đã.
Bởi vì những đứa trẻ đến thông qua bạn, nhưng chúng không thuộc về bạn. Chúng là những tấm vải trắng tinh tuyền, phiến đá trắng, mạch nước tinh khiết. Bạn có thể trao tình yêu của bạn cho chúng, nhưng bạn không nên in những ý tưởng của bạn lên chúng. Bạn không nên trao những cách thức sống thần kinh của bạn vào cuộc sống của chúng. Bạn có phải một người lành mạnh không hay cuộc sống của bạn vẫn đang đầy chất độc? Bạn sẽ chấp nhận chúng nở hoa trong con đường riêng của chúng chứ? Bạn sẽ cho phép chúng tự do trở thành kiểu người mà chúng muốn trở thành chứ? Bạn sẽ luôn ở đó để hỗ trợ chúng khi chúng cần và trao cho chúng cơ hội được sống cuộc đời riêng của mình mà không cần bất cứ sự biết ơn hay báo đáp nào cả?
Nếu bạn hỏi mọi câu hỏi mà câu trả lời luôn chứng minh rằng bạn đã sẵn sàng, vậy thì tốt. Nếu không thì đợi đã, hãy trở nên sẵn sàng trước đi. Sao phải vội vàng thế? Đó là chuyện cuộc đời một con người cơ mà? Chẳng lẽ nó không xứng đáng để được suy tư cẩn trọng ít nhất vài năm, vài tháng, vài tuần hay thậm chí vài giờ hay sao?
Con vật hay con người cũng đều cao quý, nhưng chỉ khi là con người bạn mới được trao cho cơ may để vượt lên trên mọi biên giới, mọi định nghĩa, vượt lên trên tâm trí và trở thành sự tồn tại vô biên giới. Vậy nên khi đang có diễm phúc là con người, hãy nhận lấy trách nhiệm lớn lao là làm mọi thứ để góp phần làm cho cuộc cách mạng nhận thức đi sâu hơn vào thế giới này, nhân loại này. Đừng sống như những loài động vật chỉ lặp lại các hành động bản năng một vô ý thức. Động vật sinh sản đơn giản để duy trì nòi giống – một công việc bản năng chẳng liên quan gì vui thú. Bạn có muốn con bạn sinh ra chỉ như một kết quả từ hành động bản năng hay một trò vui thú? Nếu không thì hãy suy nghĩ cho kỹ và hãy trở nên sẵn sàng trước khi bạn quyết định mang một đứa trẻ đến thế giới này.
Việc bạn có thể làm để xem mình có xứng đáng được trao thiên chức làm cha mẹ hay không, là hãy trở nên thiền định hơn đi, trở nên yên lặng hơn và bình an hơn. Hãy thoát khỏi mọi sự loạn thần kinh mà bạn đang mang trong mình: tất cả những tranh đấu, định kiến, áp đặt mà bạn từng bị nhồi nhét; hãy trút hết mọi sợ hãi, thù ghét, tham lam, sân si mà bạn đang mang. Trút hết những rác rưởi này ra khỏi bạn trước đi. Đợi thời khắc khi bạn đủ trong sạch và đủ chỗ trống tinh khiết trong tâm đã rồi hãy nghĩ đến chuyện sinh một đứa trẻ. Và rồi khi đã mang một đứa trẻ đến thế giới này, hãy mang sự tinh khiết, sự khoẻ mạnh và tình yêu thương của bạn đến cho đứa trẻ ấy. Bạn sẽ giúp tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, một nhân loại mới chất lượng hơn.
Tại Ấn Độ trong hàng thế kỉ vừa qua, cha mẹ thậm chí có quyền giết chết chính con cái họ nếu họ muốn, chỉ bởi vì một lập luận vô cùng vớ vẩn rằng họ đã sinh ra đứa trẻ thì họ có thể làm bất cứ gì. Không. Bạn không có quyền gì với những đứa trẻ cả. Chúng thậm chí không phải con bạn, chúng là con của Thượng đế, của sự tồn tại. Bạn chỉ là một công cụ mà Thượng đế dùng để mang những đứa trẻ tới mà thôi. Bạn đích xác chỉ là công cụ, một bầu đất để Thượng đế gửi gắm những hạt mầm độc nhất vô nhị vào trong thế giới này. Đừng đầu độc hạt mầm của Thượng đế chỉ bằng sự vô ý thức của bạn.
Nhìn lại lịch sử loài người đi, nó không gì khác hơn một chứng loạn thần kinh khổng lồ và dai dẳng. Con người cứ tranh đấu, cứ gây ra những cuộc chiến để giết hại lẫn nhau, hết lần này tới lần khác. Đôi khi những cuộc chiến lớn xảy ra còn chẳng vì lý do gì đặc biệt: một người phụ nữ thay đổi tình yêu, một câu nói khiêu khích, một đồ vật bị mất… Dù lý do là vớ vẩn nhưng hậu quả của mọi cuộc chiến thì luôn thảm khốc cho chính bản thân nhân loại lẫn sự tiến hoá tâm thức loài người. Con người đã không tôn trọng sự sống một chút nào, đừng nói gì đến yêu mến sự sống. Chiến tranh không còn là vấn đề của nhân loại, nó thành vấn đề của mọi cá nhân, kể cả hai cá nhân trong cùng một gia đình. Đây thực sự là một điều tha hoá.
Giờ đây những cuộc chiến tranh lớn vẫn đang xảy ra, lý do rằng mỗi quốc gia đều có bản ngã của riêng mình. Ai cũng cho rằng miếng đất này thuộc về mình, tài nguyên này là của mình, tôn giáo của mình thì tốt hơn, đúng đắn hơn, thánh thiện hơn. Đây chính là ví dụ tiêu biểu của chứng loạn thần kinh. Và rồi các cuộc chiến tuy nhìn trên bề mặt có vẻ ít lại nhưng thật ra thì không. Cuộc sống hiện đại đã khiến cho mỗi con người đều tự biến đời mình thành một cuộc chiến nhỏ. Cả thế giới biến thành chiến trường khổng lồ mà mọi cá nhân đều là các chiến binh, tranh đấu đến chết cho lợi ích của bản thân mình – những lợi ích mà nếu họ cùng nhau san sẻ thì sẽ luôn có đủ cho tất cả. Đấy không phải là loạn thần kinh, thì là gì?
Trong chính trị có những cuộc chiến, trong tôn giáo có những cuộc chiến, trong kinh tế, trong giải trí, trong giáo dục… mọi nơi đều đầy ắp những cuộc chiến. Và tất nhiên, trong mọi gia đình đều có những cuộc chiến – nơi mà những đứa trẻ luôn là nạn nhân bị động bất đắc dĩ: không sức mạnh, không tiếng nói, không quyền hạn, không một chút khả năng bảo vệ bản thân mình.
Mọi đứa trẻ đều muốn lớn thật nhanh bởi vì dường như chẳng có gì vui thú khi được làm con trẻ cả. Suốt ngày bị sai bảo làm điều này điều khác bởi cha mẹ, bởi giáo viên, bởi mọi người lớn, rồi bị họ kiểm soát, chửi bới, thậm chí đánh đập. Mọi đứa trẻ nhỏ đều có chung ước muốn được lớn nhanh nhất có thể, hãy hỏi những đứa trẻ xung quanh bạn hay thử nghĩ về thời thơ ấu của bạn mà xem.
Ai đó từng hỏi tôi đã bao giờ muốn có con chưa. Câu trả lời là: Không, vì lý do đơn gỉan: tôi không muốn tạo thêm gánh nặng cho trái đất này. Nó đã đủ nặng gánh rồi.”
***
Tôi cũng đã nhiều lần “được” hỏi câu hỏi ấy: Khi nào lấy chồng, phải lập gia đình đi chứ, phải có con đi chứ, khi nào mới tính chuyện con cái? Ôi thật là mệt mỏi. Cứ như thể chồng và con là hai món trang sức mà mọi phụ nữ đều phải sắm để được trao cho tấm bằng: “bằng chị bằng em”.
Sau những lần cười xoà hoặc trả lời nghiêm túc mà vẫn không tránh khỏi việc nghe các câu hỏi này lặp đi lặp lại, tôi đã nghĩ ra một phương án trả lời tuy có hơi cực đoan một chút nhưng rất hiệu quả: tôi từ bỏ mọi buổi tiệc hay những cuộc gặp của dòng họ. Không gặp gỡ ai, không câu hỏi, khỏi cần phải trả lời. Xong!
Mà thật ra bạn phải hiểu, họ hàng của bạn hỏi những câu hỏi này, không phải vì họ quan tâm bạn đâu, họ hỏi chẳng qua vì một là tò mò chút xíu, hai là vì đó là câu cửa miệng mọi người đều hỏi nhau trong các cuộc gặp thôi. Nếu không hỏi những câu về gia đình, lương bổng, công việc thì còn biết hỏi gì? Thật đấy! Và bối rối làm sao nếu chẳng ai có gì để hỏi hay để nói, nên để chống chế sự bối rối ấy, mọi người hỏi nhau những câu rất vô nghĩa, rất bâng quơ. Tôi không tham gia nhiều sự kiện của dòng họ nhưng một vài lần là đủ, tôi quyết định mình không muốn tham gia thêm nữa.
Nếu như bạn đã “có tuổi” và vẫn chưa tính chuyện gia thất, người lo lắng cho bạn không phải hàng xóm hay họ hàng, mà là cha mẹ của bạn. Họ có quyền lo vì thời của họ, chỉ những người ế ẩm, xấu xí hay có vấn đề gì đó thì mới ở một mình. Cha mẹ của bạn lo lắng rằng sẽ không ai chăm sóc bạn khi họ ra đi, lo rằng bạn sẽ bị xã hội đánh giá và tất nhiên, họ còn lo cả việc bạn sẽ cô đơn khi về già nữa. Thật là những người “khéo lo”. Lo lắng dường như luôn là một công việc toàn thời gian của mọi cha mẹ trên thế giới.
Cha mẹ tôi tuy chưa bao giờ hỏi tôi về chuyện chồng con nhưng họ có nói bóng gió với những người khác về sự lo lắng của họ. Tôi làm cho quan điểm của mình trở thành rất rõ ràng với gia đình: Chuyện lập gia đình và có con hay không, khi nào – ấy là chuyện cá nhân của tôi, mọi người nên thôi bận tâm và lo lắng một cách không cần thiết, vì nó quả thực là không cần thiết.
Cha mẹ biết tính tôi rằng khi tôi đã quyết thì họ chẳng làm được gì vì tôi đã tự lập từ rất lâu, thế nên họ cũng bắt đầu “mặc kệ” tôi và tôi luôn biết ơn sự mặc kệ này rất nhiều. Biết ơn hơn mọi sự lo lắng khác.
Điều lạ là suốt 28 năm đầu cuộc đời, tôi chưa bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về chuyện lập gia đình cả, thậm chí tôi còn có ý định sống độc thân, không con cái, không chồng, tất nhiên vẫn hẹn hò và có người yêu nhưng không cần kết hôn hay con cái tới tận cuối đời. Và đời tôi cứ trôi qua như thế cho đến khi những sự việc xảy ra đã khiến tôi thay đổi một nửa số ý định của mình.
Năm 29 tuổi, tôi gặp người khiến tôi muốn kết hôn và có con – một lần và mãi mãi.
Năm 30 tuổi, tôi thấy việc kết hôn và có con tuyệt đối không phải việc một lần và mãi mãi. Tôi vượt qua những bức tường định kiến đến nỗi thấy rằng nếu cuộc đời này không kết hôn cũng được, một lần mà mãi mãi được thì quá tốt, còn không thì một đời kết hôn ba lần, năm lần, một trăm lần… thì cũng có làm sao nếu điều ấy khiến người ta hạnh phúc? Rồi chuyện có con, không có con cũng được, có một đứa thôi cũng được mà lỡ có năm đứa, mười đứa một lúc cũng tuyệt đối tốt, chẳng vấn đề gì. Vâng, tự dưng đến một độ tuổi nào đó khi bạn ném bỏ đi mọi định kiến và lại gặp thêm nhiều người có cùng suy nghĩ như bạn thì tôi thật với bạn, chuyện gì cũng có thể xảy ra cả.
Tôi đã sẵn sàng để làm mẹ nhưng tất nhiên chỉ với một đối tác đúng, một người nào đó cũng có suy nghĩ và nhận thức giống như tôi, tìm ra người này sẽ không dễ nhưng cũng không phải là không thể.
Nói ra điều này nhiều bạn khó tính sẽ nghĩ rằng tôi mạo phạm và đáng tội, nếu vậy tôi mong bạn chỉ xem nó như một câu đùa vui, đừng nặng nề quá. Còn nếu bạn biết và hiểu tôi, bạn sẽ không phiền các trò đùa của tôi chút nào. Vâng, điều tôi muốn nói là: Tôi đang ở một điểm của nhận thức và sẵn sàng tới nỗi, nếu như có một “thiên thần” nào đó xuất hiện từ trời và nói với tôi rằng, “Bà sẽ mang thai và sinh hạ một người con. Nhưng con của bà được thụ thai không phải do việc làm tình bình thường đâu, mà bởi thánh thần của Thượng đế. Bà có sẵn lòng không?” Thế thì tôi sẽ vui sướng chắp tay cảm tạ mà đáp lời thiên thần ấy rằng, “Namaste! Vâng. Tuyệt vời! Con đồng ý. Xin tuân theo lời thánh thiên thần truyền. Xin vâng theo mọi ý chỉ của Thượng đế. Amen!”
Nếu nhận được một thông điệp như thế, tôi sẽ mở tiệc ăn mừng và tất nhiên tôi sẽ không bao giờ đặt tên con mình là Jesus! Không bao giờ!
Theo Osho, một người là tốt để làm cha mẹ khi người đó có nhận thức khoẻ khoắn bình thường, không bệnh tâm lý, không ốm yếu tâm trí. Nhưng đó vẫn là một câu trả lời khá chung chung. Trong thời buổi hiện đại con người có những mối lo và nhu cầu khác nhau, để xét một người có nên làm mẹ hay không, hay một cặp đôi có nên làm cha mẹ hay không, bản thân tôi cho rằng người đó/cặp đôi đó sẽ phải chuẩn bị sức khoẻ thật tốt trên cả ba phương diện: Vật lý, tâm lý (gồm cả tâm trí + tâm linh) và cả sức khoẻ về tài chính nữa.
Người ta không nên làm cha mẹ khi họ ốm yếu về: sức khoẻ, tâm lý lẫn tài chính.
Câu chuyện về một người chưa nên làm mẹ
Đây là chuyện có thật, khi vào buổi tối một ngày tháng 5 năm 2018, một cô bạn học cũ bỗng nhiên nhắn tin cho tôi, dù trước đây chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện cả. Cô ấy nhắn rằng:
“Nếu như một người vừa bị chẩn đoán bị u xơ tử cung. Bác sĩ nói nếu muốn có con thì phải có ngay lúc này vì sau này sẽ không thể có con được nữa. Người đó muốn có con nên thuyết phục bạn trai cưới và sinh con nhưng người bạn trai không chịu cưới, cũng không muốn chia tay. Mới đây cô ấy còn phát hiện ra người bạn trai của mình đang có mối quan hệ thân thiết với một người khác nữa. Thì giờ cô ấy nên làm gì?”
Vốn tính thẳng và thật lại không thích an ủi lòng vòng, tôi nói thẳng luôn những điều mà có lẽ cô bạn chưa bao giờ nghĩ tới:
“Nếu cô ấy rất muốn có con, kiểu như khao khát cháy bỏng được làm mẹ thì có thể nghĩ ngay đến chuyện kiếm một đứa con và rồi chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc làm mẹ đơn thân. Còn nếu cô ấy không khao khát làm mẹ mà chỉ tiếc nuối việc mất đi khả năng làm mẹ, thì thôi, tốt hơn là đừng nên có con. Sống trên đời đâu phải ai cũng phải có con. Không có con cũng chẳng sao cả nếu bạn vẫn sống khỏe mạnh hạnh phúc.”
Bạn ấy đáp, “Tôi không thể kiếm ở đâu khác một đứa con được. Tôi không làm được. Bạn trai tôi lại không muốn. Tôi không cam tâm. Tôi có quyền được làm mẹ. Tại sao người ta lại lấy mất thiên chức ấy của tôi?”
“Thế thì có lẽ bạn nên bỏ ý định có con đi và làm ơn bỏ luôn cả suy nghĩ về ‘thiên chức làm mẹ’ đó nữa. Bạn có quyền chọn ‘thiên chức làm mẹ’ thì bạn cũng nên tôn trọng người cha cái quyền chọn việc làm cha hay không chứ? Nếu ‘thiên chức làm mẹ’ là một quyền thì ‘thiên chức làm cha’ cũng nên là một quyền và nếu là quyền, người kia phải được quyền nói ‘có’ hoặc ‘không’ chứ.
Với lại ai đã lấy đi thiên chức ấy của bạn? Nên nhìn thấu suốt chỗ này trước khi dùng nó để đổ lỗi cho bạn trai của bạn nhé. Nếu bạn cho rằng trời cho bạn cái chức ấy thì rõ ràng trời cũng có quyền lấy nó đi chứ.”
“Ừ biết vậy nhưng vẫn khó chấp nhận. Giờ tôi sẽ học cách không đổ lỗi nữa, tôi chấp nhận rồi.”
“Mà tôi nói thật bạn đừng giận nhé. Tôi nghĩ bạn không nên có con. Ngay tại thời điểm này, bạn là người cuối cùng trên đời nên có con”
“Tại sao?”
“Làm mẹ là một công việc cực kỳ khó khăn vất vả. Một người chỉ nên làm mẹ khi người đó đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, hay ít nhất ba thứ: một là sức khỏe tốt, hai là tinh thần tốt, ba là tài chính đủ ổn định. Mà theo tôi thấy, bạn không có cả ba thứ đó.
Bạn đang mang bệnh tật thì sinh con ra bạn sẽ chăm con kiểu gì, ai sẽ chăm đứa trẻ khi nó không có cha? Chẳng lẽ bạn lại để cho ba mẹ của bạn chăm con à?
Rồi thì bạn đang không hề hạnh phúc. Trong bạn chỉ đang chất chứa toàn hận thù, căm ghét vì ý nghĩ mình bị phản bội từ người đàn ông kia. Chưa kể nỗi đau đớn thể xác vì bệnh tật và cả những áp lực cuộc sống trong thời điểm này.
Sau cùng là bạn cũng chẳng hề có tài chính ổn định nữa chứ.
Bạn đang yếu cả sức khỏe thể chất, tinh thần lẫn tài chính. Bạn sinh con sẽ không chỉ làm con khổ, bạn khổ mà gia đình bạn cũng khổ theo nữa.”
“Đúng vậy. Hiện giờ tôi chỉ thấy căm phẫn và tức giận cái kẻ khốn nạn, cái con quỷ đội lốt người ấy”
“Lại nói thật thêm một điều khác bạn đừng giận nhé. Cái viễn cảnh một tình yêu cùng nhau vượt qua mọi gian khổ – hiếm lắm. Con người ngày nay đủ mọi áp lực quay cuồng, gánh một đời mình đã không đủ sức thì làm sao sẵn sàng gánh thêm người khác nữa. Nếu tôi là một người đàn ông bình thường, nghe bạn bệnh tật như vậy tôi đã đủ lo sợ chán nản rồi, bảo tôi cưới bạn tôi còn phân vân, huống gì lại còn có con cùng nhau. Đó không phải việc chăm sóc một con chó con mèo, không thích thì thả đi đâu thì đi. Bạn trai bạn tuy đi với người khác là không đúng nhưng việc anh ta từ chối chuyện cưới gấp và có con gấp, bạn không trách được đâu. Tôi chỉ ước bạn học được cách chấp nhận suy nghĩ rằng không có con cũng không sao cả. Mà thật sự là chả sao cả. Đừng ép ai đến đường khó khăn chỉ vì mình đang bị rơi vào đường khó khăn bạn ạ. Tôi nghĩ thế.
Bạn phải mạnh khỏe trước, phải thanh thản tâm hồn trước thì sau đấy hãy nghĩ tới mấy việc như là làm mẹ này nọ. Đừng quá lo chuyện đó sớm rồi lại căng thẳng áp lực bệnh nặng thêm. Không có lợi cho ai một chút nào cả.
Bạn hãy chia tay người đàn ông đó sớm đi, nhưng đừng trách ổng, ổng không phải là người “tước quyền làm mẹ” của bạn, ổng cũng không phải là người nên gánh chịu những đau khổ của bạn. Không ai trên đời nên gánh chịu sự đau khổ của người khác. Một từ khác của việc này là “hi sinh” – từ việc hi sinh mà cuộc đời của bao nhiêu người phải khổ sở. Bạn nên chia tay xong rồi dành toàn bộ thời gian để chăm sóc bản thân đi, từ cơ thể, sức khỏe cho tới tinh thần. Tập trung đi làm kiếm tiền và học thêm thứ gì đấy bạn yêu thích. Học vừa để bận rộn quên đi những chuyện buồn vừa mở rộng thêm các cơ hội việc làm sau này tự lo cho bản thân.
Nói về công việc, bạn cũng có thể nhận giữ trẻ con cho người khác chẳng hạn. Dùng tình yêu thương con trẻ của bạn để yêu thương những đứa trẻ của người khác, vừa thêm thu nhập vừa thỏa mãn nhu cầu làm mẹ sâu thẳm bên trong. Xã hội này cần lắm những người bảo mẫu đầy tình yêu thương con trẻ.
Cuộc sống này ngắn lắm, bạn cứ đau buồn bệnh cũng không khỏi được, có khi còn nặng hơn. Chi bằng nghĩ về những gì mình đang có và có thể làm. Nghĩ về những gì mình muốn làm trong cái cuộc đời ngắn ngủi này. Cái gì không làm được thì tìm cách thay thế. Phải nghĩ khác đi thì mới sống khác đi được.
Bạn cứ nghĩ kiểu truyền thống rằng đời bất công, rằng ai cũng phải làm mẹ bằng mọi giá, rằng người khác phải chịu trách nhiệm cho đời mình thì tin tôi đi, bạn sẽ còn đau buồn khổ sở dài dài.
Sống như vậy phung phí cuộc đời hơn chuyện vô sinh nhiều.
Đừng quên lời tôi nhé: khi bạn không khỏe mạnh về cơ thể vật lý, không hạnh phúc về tinh thần, không đủ tài chính vật chất. Thì tốt hơn hết vẫn là đừng có con.”
*
Đại loại sau cuộc tâm sự ấy thì tâm trạng cô bạn cũng khá lên nhiều nhưng rồi chúng tôi không trò chuyện với nhau một thời gian. Tôi quên bẵng đi cô bạn cho tới khi cũng một ngày tháng 5 năm nay, 2020, facebook cập nhật tin cô bạn ấy đổi ảnh đại diện khiến tôi bất ngờ. Ảnh đại diện mới là hình cô ấy cùng người chồng mới cưới trong trang phục cưới xinh đẹp và lộng lẫy. Điều gây ấn tượng mạnh cho tôi là nụ cười của cô ấy rất mãn nguyện và hạnh phúc. Thế rồi tôi nhấn vào trang cá nhân để xem tình hình cô bạn ra sao và ngạc nhiên chưa, cô ấy đã kết hôn và vừa hạ sinh một em bé rồi. Đứa trẻ trông khoẻ mạnh, bụ bẫm. Người đàn ông trông có vẻ thành đạt và rất yêu thương cô. Một post khác cô ấy viết những dòng cảm ơn con đã đến bên mình, đã ngoan ngoãn trong những ngày tháng thai kỳ khổ sở. Cô ấy cũng cảm ơn người chồng hiện tại đã đến bên cô ấy. Tôi chợt thấy mình nổi da gà vì vui mừng cùng cô bạn. Tôi không biết người đàn ông này có phải cùng người cũ hay không và bệnh tình cô ấy ra sao nhưng chỉ cần nhìn nụ cười viên mãn hạnh phúc của cô ấy bên chồng con khiến tôi tin cô ấy đã vượt qua giai đoạn khó khăn trước đây rồi. Cô ấy đã là một con người khác rồi và con người này có lẽ đã sẵn sàng để làm mẹ.
Cuộc đời là như thế, khi chuyện xảy đến, đặc biệt những chuyện như thất vọng, phản bội, đau đớn đổ xuống đầu người ta, người ta cảm tưởng như thế giới đổ sụp dưới chân mình. Nhưng rồi cứ để nó sụp đi, ngồi xuống một lát nghỉ ngơi đi, mọi chuyện sẽ lại đâu vào đó. Một cánh cửa đóng lại luôn có những cánh cửa khác mở ra. Đôi khi nhiều quá khiến bạn không thể tin được chỉ mới hôm qua bạn còn đang khóc thương một cánh cửa cũ nát vừa đóng lại trước mặt, kể cả khi bạn biết đó là cánh cửa của một buồng giam bằng đá lạnh lẽo chứ không gì hơn. Nhìn lại tất cả bạn sẽ thấy bản thân thật ngu ngốc và cả buồn cười.
Tôi mừng vì tin rằng cô bạn có con trong một hoàn cảnh đúng hơn trước đây. Đứa trẻ này có thể là một phúc lành cho cuộc đời cô ấy và cho thế giới, chứ không chỉ là một công cụ để trả thù cuộc đời và giành giật cái thiên chức vốn dĩ chỉ là tự phong tự nhận.
*
Tôi không cho rằng mình có đủ thẩm quyền để đánh giá bất cứ rằng họ đã sẵn sàng hay có đủ tư cách làm mẹ hay chưa. Đó không nên và không phải việc của ai cả. Đó là một việc cá nhân mà mỗi người, mỗi cặp đôi nên tự xem xét và đánh giá.
Mỗi người có tư duy khác nhau sẽ có những tiêu chuẩn khác nhau về việc thế nào là đủ khoẻ mạnh, đủ sẵn sàng để đón chào một sinh linh mới.
Có những người muốn sinh con cách nhau nhiều năm để đảm bảo bản thân đủ khoẻ mạnh trong việc chăm sóc từng đứa. Nhưng cũng có những người muốn sinh liền hai đứa cách nhau thật ít, để “tiện thể một công chăm sóc”. Chúng ta chẳng là ai để phán xét những quyết định này. Có người chỉ muốn sinh con khi khoẻ mạnh nhưng cũng có người muốn sinh con để “chạy bệnh” như cô bạn bên trên. Rồi thì có người cho rằng chỉ khi lương tháng của họ hàng trăm triệu một tháng thế thì họ mới nên có con, trong khi những người khác lại cho rằng “trời sinh voi ắt sẽ sinh cỏ”.
Chuyện tài chính như thế nào là đủ thì mọi người nên tự suy xét, trước khi nghĩ chuyện con cái bạn nên có bảng kế toán dự liệu và tham vấn từ những bà mẹ khác để liệu chừng việc có con sẽ tốn kém như thế nào, tránh tình trạng thất vọng hay hoảng hốt khi đối diện thực tại tốn kém một cách phũ phàng và gây quá nhiều áp lực lên cuộc sống gia đình sau khi có con.
Còn những người cho rằng “trời sinh voi trời sẽ sinh cỏ”, ấy là những người của thời quá khứ, như cha mẹ của tôi. Tôi dám tin rằng họ chẳng bận tâm chuyện nuôi một đứa trẻ tốn kém bao nhiêu cả vì thời ấy rất khác bây giờ. Ngày xưa trẻ con không có được nhiều tiện nghi vật chất tốt như bây giờ nhưng một điều là chắc chắn: chúng có nhiều tự do hơn.
Cái nghèo của ngày xưa có cái hay của nó. Ấy là khi cha mẹ nghèo phải đi làm cả ngày, bỏ lại con cái cho người già ở nhà chăm sóc và đứa trẻ được tự do vui chơi và phát triển mà không bị ép buộc phải học hành hay bị áp đặt những tư duy hệ thống cứng nhắc của người lớn.
Tôi là một người may mắn khi gia đình tôi không nghèo nhưng cha mẹ tôi vẫn phải làm việc đồng áng nương rẫy cả ngày và bỏ lại chúng tôi cho bà nội chăm sóc. Nói chăm sóc cũng hơi quá. Bà phải chăm lo cửa hàng tạp hoá nhỏ, phải nấu cơm cho lũ cháu, nuôi đàn heo đàn gà và vì bận rộn thế nên chúng tôi hoàn toàn tự do vui chơi quanh nhà, quanh xóm. Điều này hoá ra là một diễm phúc lớn lao mãi sau này tôi mới biết.
Người ngày xưa đơn giản nên cái nghèo không phải vấn đề. Đứa trẻ không uống sữa thì uống nước gạo, bột sắn vậy mà cứ lớn khoẻ vù vù. Người em mặc lại đồ của các chị mình và chẳng ai lấy làm phiền lòng cả. Nhưng vấn đề của người ngày nay là… ngày nay không phải ngày xưa.
Cái nghèo ngày nay bị xem như một loại mặc cảm, một thứ “tội lỗi tinh thần”. Chẳng mấy ai là quá nghèo đến mức không thể nuôi con mình nhưng quá nhiều “người giàu” xung quanh liên tục khoe những tiện nghi mới nhất, loại sữa tốt nhất cho con của họ sẽ khiến những người nghèo này mặc cảm và xấu hổ. Những cha mẹ sợ con mình thua thiệt thường làm mọi thứ “vì con” nhưng thực chất cũng chỉ vì bản thân họ. Họ không muốn mình là người thua cuộc trong cuộc chiến khoe con. Và cuộc chiến giữa những người lớn xem con mình như công cụ thường dẫn đến kết cục hiển nhiên rằng những đứa trẻ sẽ phải “ngấm” đủ mọi thể loại bản ngã, tham vọng, tranh đấu, hung hăng, so sánh hơn thua với người khác. Cuộc đời nó chính thức trở thành “loạn thần kinh” từ điểm này.
Cho nên nếu bạn không khoẻ về tài chính, điều đó cũng tốt thôi nhưng chỉ với một điều kiện, đây là điều kiện quan trọng nhất: Bạn phải khoẻ mạnh về Tinh Thần, Tâm Lý.
Nếu bạn chấp nhận được việc con mình nghèo thế thì chỉ cần sống vui sống đủ với cái nghèo của mình, không bận tâm đua tranh với những người khác. Nếu bạn chấp nhận được rằng nếu nhà không có thịt, thì con có thể chỉ ăn cơm rau, ăn chay cũng tốt. Nếu bạn có thể chấp nhận được rằng bạn sẽ cố gắng cho con một cuộc đời tốt nhưng tốt ở đây không chỉ có nghĩa vật chất. Thế thì bạn rất khoẻ về tâm lý, bạn hoàn toàn sẵn sàng có con bất cứ lúc nào.
Cha mẹ tôi từng nghèo nhưng họ là người đúng để có con và cái đúng ấy được thể hiện qua việc họ đã cho chúng tôi tất cả những gì một đứa trẻ cần nhất: tình yêu và sự tự do.
Tôi hiện tại không nghèo và tôi cũng cho rằng mình là người đúng để có con, chỉ có điều thời điểm đúng chưa tới và tôi cũng không bận tâm khi nào nó tới.
Trời sinh voi sinh cỏ, trời cũng sinh ra tôi rất thích tự trồng bãi cỏ của riêng mình để nhẩn nha nhâm nhi tách cafe buổi sáng nghe tiếng chim hót líu lo, thay vì hối hả thúc bầy con thức dậy, bắt chúng nhồi bữa sáng và đưa cả đám đi học ở các trường khác nhau như nhà hàng xóm đối diện.
Mỗi người nên được quyền tự chọn phong cách sống của riêng mình và chịu trách nhiệm cho nó. Nếu có quyền, tôi muốn viết điều này thành một quyền trong hiến pháp, cho tất cả mọi người.
Quyền tự chọn phong cách sống không dành cho con trẻ?
Cũng buổi sáng hôm ấy khi tôi đang viết những dòng về cô bạn thì một cặp mẹ con: mẹ và con gái tầm cấp hai – tuổi mới lớn – vừa rời khỏi quán café sau một cuộc trò chuyện dài. Họ ngồi ngay cạnh bàn tôi. Cuộc trò chuyện tâm sự giữa mẹ và cô con gái tuổi teen tuy không ồn ào nhưng vẫn đầy nước mắt- nước mắt của cả hai người. Họ thậm chí đã phải lấy thêm khăn giấy từ bàn của tôi nữa. Điều đó khiến tôi chú ý và đã “vô tình” nghe lỏm một chút cuộc trò chuyện của hai mẹ con.
Tôi thấy mừng cho người mẹ trẻ này (khoảng U40) vì ít nhất cô ấy tôn trọng đứa con của mình. Chắc chắn phải có sự tôn trọng con như một người bạn thì cô ấy mới dẫn con ra quán café ngồi tâm sự truyện trò – bao gồm cả giải thích, thuyết phục con – chứ không chỉ như các bậc cha mẹ khác quát nạt và áp đặt con cái một cách truyền thống theo tư duy “cá không ăn muối cá ươn”.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa cô ấy cho con mình tự do và thấu hiểu nó chút nào. Vì quán cafe nhỏ nên các bàn được đặt khá gần nhau, và thế nên tôi dễ dàng nghe được cuộc trò chuyện của họ. Điểm tích cực của buổi đối thoại là họ lắng nghe nhau, nhưng điều đáng buồn là người mẹ tuy nghe nhưng sau cùng vẫn kiên quyết với ý định của mình. Trong khi cô con gái tất nhiên không thể nào đủ sức để bảo vệ ý kiến của mình hay phản bác lại lập luận vô cùng hợp lý của mẹ, thành ra cô bé chỉ khóc. Có vẻ như cô bé sắp đi cắm trại, đi chơi cùng lớp. Có vẻ như rất khó khăn mẹ cô mới đồng ý cho đi. Người mẹ xem đây như một sự hi sinh hay một chiến tích hay thứ gì đó tương tự. Cô ấy thể hiện với con rằng bằng việc cho người con đi cắm trại, cô ấy là một người mẹ khá tốt rồi. Buổi cafe có vẻ như để cô ấy dạy con cách tham gia buổi đi chơi cùng bạn như thế nào cho đúng.
Cô nói: “Con đi chơi, con mang nhiều quần áo thì con mặc nhiều, con mang ít thì sẽ mặc ít, vậy tại sao phải mang nhiều? Mang một – hai bộ được rồi, rồi mặc thay phiên nhau, mặc cái này thì giặt cái kia. Như vậy chẳng cần mang nhiều làm gì cả.”
Đây có vẻ như là một lời khuyên rất hợp lý kiểu, “Con hãy sống đơn giản thôi, tối giản càng tốt vì đó mới là đúng đắn”. Một lời khuyên cho người tuổi già thì đúng là… rất sâu sắc, nhưng sự thật là khi một đứa trẻ hãy còn… teen – tuổi mới lớn, tuổi định hình cá tính – mấy ai muốn sống tối giản? Đấy là độ tuổi khi bọn trẻ rất thích phô diễn và chứng tỏ với bạn bè. Nếu bắt nó chỉ mặc đi mặc lại một hai bộ trang phục mãi sẽ làm cho nó rất xấu hổ với bạn bè, cảm giác thua kém và mặc cảm. Điều này không tốt cho sự phát triển bình thường của một đứa trẻ tuổi mới lớn chút nào đâu. Không kể tuổi mới lớn, ở bất cứ độ tuổi nào chăng nữa thì sự mặc cảm đều không tốt. Khi đứa trẻ mặc cảm với bạn bè, nó sẽ cảm thấy uất ức, tức giận và thậm chí sinh ra cả sự ghét bỏ mẹ nó – người không cho phép nó được quản một điều rất bình thường thuộc về cuộc đời nó: cách ăn mặc.
Một đứa trẻ được mặc thứ mình muốn sẽ tự tin hơn và dần trở nên độc lập hơn. Thông qua nhiều phong cách ăn mặc và hành xử khác nhau mà đứa trẻ sẽ tìm được phong cách sống của riêng mình, phù hợp với bản thân mình. Việc tìm được thứ phù hợp với bản thân giúp đứa trẻ hiểu về chính mình hơn. Và sự hiểu về chính mình sẽ lại giúp nó trở nên tự tin và bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Một người có phong cách sống riêng mà không bị chung chung đại trà, ấy là điều tốt chứ? Mọi đứa trẻ đều biết nó thích gì, thứ gì là phù hợp với nó nhưng cha mẹ thường rất hay cho bản thân quyền quyết định cái gì là hợp với con mình. Tôi học được điều này sâu sắc trong những ngày tháng kinh doanh thời trang và phải tư vấn cho rất nhiều người mẹ độc tài chỉ cho phép con mình mặc thứ mình muốn. Chẳng phải chỉ trẻ con mới được mẹ mua quần áo, nhiều thanh niên đôi mươi nhưng không thể quyết định điều gì nếu không có mẹ, kể cả việc mua một chiếc quần jeans. Với tôi đây là điều đáng buồn nhưng tin tôi đi, trong mắt các bà mẹ ấy, họ tự hào lắm.
Sự trưởng thành sau này của một con người được bắt rễ, bắt nguồn từ những thứ rất bé nhỏ như vậy, nhưng đâu phải cha mẹ nào cũng hiểu và thông cảm cho con cái.
Trở lại cặp mẹ con trong quán cafe, lúc ấy nghe những điều này tôi thấy buồn nhưng chẳng có quyền gì lên tiếng. Bản thân còn đang xấu hổ về sự nhiều chuyện của mình nhưng chủ đề “ai nên làm mẹ” đang choán đầy tâm trí nên sự xấu hổ cũng không có chỗ mà ở lâu. Tôi thử đặt mình vào trường hợp của người mẹ và ra một “đề bài” cho bản thân, rằng nếu tôi gặp trường hợp tương tự như thế thì tôi sẽ làm gì? À, thay vì áp đặt con gái chỉ được mang hai bộ quần áo, tôi sẽ “cho phép” nó mang nhiều hơn nhưng tôi cũng sẽ dành thời gian giúp con phối đồ, sắp xếp đồ mang theo sao cho không quá nhiều và cũng không quá “lố lăng kệch cỡm” – dù bản thân tôi chẳng biết đâu mới là giới hạn của cụm từ “lố lăng kịch cỡm”. Một đứa trẻ tuổi teen mặc quần sooc siêu ngắn và áo croptop thì rõ là hơi quá, nhưng nếu đó là buổi chơi trên bãi biển thì sao? Ôi làm mẹ thật khó, may quá tôi đang không làm mẹ. Vì nếu tôi làm mẹ, nhất định tôi sẽ ủng hộ con gái mình ăn mặc mọi thứ nó muốn. Chẳng phải bởi tôi vĩ đại gì nhưng vì tôi nhớ lại chính mình những ngày mới lớn ấy. Thời cấp hai tôi không quan tâm thời trang mà toàn tâm toàn ý cho học hành nên tôi học rất giỏi. Lên cấp ba tôi toàn tâm toàn ý cho… thời trang và vui chơi, dù rằng việc học vẫn rất tốt. Tôi thích khác biệt và thường hay là người khác biệt trong lớp, thậm chí cả trong trường. Tôi mặc những thứ đồ chẳng một ai mặc. Khi không tìm mua được món đồ đúng ý tôi thậm chí còn tự “chế” nó nữa. Và chuyện này “gây ngứa mắt” cho các cô giáo truyền thống của tôi rất nhiều. Cha mẹ tôi không biết gì về chuyện tôi thích ăn mặc khác người vì tôi đi học nội trú xa nhà. Vài vị giáo viên khó chịu ra mặt với sở thích mặc đồ lạ lùng của tôi, dù là đồng phục nhưng luôn có gì đó cải biên, cải tiến. Ví dụ cũng là quần tây nhưng quần tây của các bạn thì dài phủ cả đôi xăng-đan nhưng quần tây của tôi thì lại chỉ ngắn tới mắt cá và để lộ ra đôi giày thể thao đẹp. Các bạn khác đao khuyên tai vàng nhỏ bé, tôi đeo khuyên tai bằng đồng đầy màu sắc… Vâng, thời cấp ba của tôi rất là rực rỡ. Trường học như thể sân khấu riêng của tôi vậy, dù tôi đã phải kìm nén bản thân rất nhiều vì sự chú ý không mong muốn của những cô giáo “mẹ hiền”.
Chính sự quan tâm thời trang từ sớm và có điều kiện để tự mình khám phá mọi phong cách nên đời tôi đã rẽ hướng từ khá sớm. Ngay sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, tôi cất tấm bằng để về kinh doanh thời trang. Sau những ngày tháng đắm mình trong thời trang, tôi thấy đủ và tự động hình thành một phong cách ăn mặc lẫn phong cách sống của riêng mình. Thời trang trở thành một thứ gia vị cho cuộc sống, không quá quan trọng mà cũng chẳng nên xem thường. Nó tạo ra cá tính cho người ta và làm mạnh cá tính ấy đến thời điểm quan trọng khi mọi cá tính sẽ tan vỡ, để lại người ta với một phong cách tự do mà bất cứ cá tính nào cũng đều thích hợp cả. Việc xây dựng cá tính là cần thiết để một ngày đập vỡ nó đi hệt như bản ngã vậy. Điều này tôi chỉ nghiệm ra sau khi đã trải qua tất cả. Cá tính là một thứ cực quan trọng trong đời nếu bạn không muốn chỉ sống lờ nhờ như một bản sao mờ nhạt.
Ở độ tuổi nào thì một đứa trẻ sẽ bộc lộ khao khát thể hiện cá tính nhất: xin thưa đó là độ tuổi teen, tuổi mới lớn – giai đoạn chuyển tiếp khi đứa trẻ sắp rời mùa ấu thơ để bước vào mùa thanh xuân. Nói với đứa trẻ tuổi này phải sống đơn giản giống như nói với mùa xuân rằng đừng nên nở hoa quá nhiều màu. Vô nghĩa làm sao!
Mặt khác, thứ làm cho lời khuyên của người mẹ trở thành vô nghĩa không chỉ là những lời nói mà là ở hành động. Cô ấy đang cố dạy con cách sống đơn giản nhưng bản thân cô ấy lại là người trông rất cầu kỳ về cách ăn mặc từ trang phục đến trang sức, phụ kiện trên người. Nếu người mẹ vốn dĩ không hề “đơn giản” tại sao lại yêu cầu con cái phải đơn giản? Rốt cục khi cha mẹ muốn dạy con điều gì, họ phải có căn cứ để thuyết phục chúng chứ? Đâu thể nào chỉ dùng mỗi lời nói trống rỗng mà đòi hỏi con cái nghe mình, thế chẳng phải là tự tin và xem thường con cái quá sao?
Bạn có biết nguyên nhân chính của việc con cái không nghe lời cha mẹ không? Thật tiếc khi phải nói điều này có thể làm bạn bực mình. Con cái không nghe lời cha mẹ vì lời của cha mẹ là trống rỗng, không mang chút nghĩa nào cả. Cha mẹ nói điều họ không làm được và mong con cái nghe theo mình, đó là lý do tại sao việc dạy con chỉ bằng lời nói suông lại là việc vô nghĩa thế.
Sẽ dễ cho cha mẹ rất nhiều nếu như chỉ cần cấm con cái không được làm cái này cái nọ. Nhưng để trở thành một người cha hay một người mẹ thấu hiểu con cái, giúp chúng nở hoa trong sự tự do và trách nhiệm, trưởng thành và hiểu biết thì lại là việc khó khăn vô cùng. Sẽ thật dễ cho cha mẹ nếu như họ chỉ phải nói và nói mà không làm, rồi yêu cầu con cái làm mà không nói. Nhưng như thế toàn bộ ý nghĩa của việc làm cha mẹ đều là vô dụng. Cha mẹ chỉ là thùng rỗng kêu oang oang thì làm sao bắt con cái phải tôn trọng mình, nghe lời mình trong mọi hoàn cảnh được? Ngay cả một cái cây cũng sẽ chết nếu bạn liên tục làm ồn bên tai nó, huống gì con người.
Hầu như mọi cha mẹ đều chỉ muốn đi làm kiếm nhiều tiền để mua cho con thứ đồ tốt nhất, thay vì bỏ công dạy chúng thế nào để tự mình kiếm được thứ mình muốn bằng mồ hôi, sự sáng tạo và sức lao động chân chính. Hầu như mọi cha mẹ đều muốn quản lý con cái từ cách nói năng, hành xử cho tới cả chuyện ăn mặc hay cách tư duy, suy nghĩ. Thật là độc tài làm sao. Và điều này không chỉ đúng với những đứa trẻ tuổi teen thích khác biệt đâu, nó đúng với cả trẻ con tuổi nhỏ nữa.
Mọi bộ đồng phục đều xấu xí và đáng bị kiện vì tội giết chết sự khác biệt và tính cá nhân của con người
Em gái tôi có một đứa con trai năm nay bảy tuổi, tên Minh Anh (tạm gọi là Mon vì thằng bé cực kì thích tên Đô-rê-mon và muốn được gọi là Đô-rê-mon, trong khi tôi thích gọi nó là Little-Man – người đàn ông bé nhỏ hơn). Mon ở cùng tôi và gọi tôi là “Mẹ Ngầu”. Sau nhiều năm ở cùng, mới đây cô em gái chuyển ra ở riêng chuẩn bị xây nhà riêng, Mon cũng chuyển đi cùng mẹ. Thời điểm này cô em tôi không khoẻ nên nhờ tôi chăm sóc Mon hai tuần. Chăm sóc bao gồm lo chuyện cơm nước, đưa đón và nhắc nhở cậ bé chuyện bài vở, tivi, tắm rửa. Tôi thường để Mon tự đi bộ về nhà vì nhà khá gần, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng đi đón khi trời mưa hoặc khi… nổi hứng và bạn tin nổi không? Lần nào đi đón con, tôi cũng cảm thấy đau lòng vô cùng. Tại sao ư? Vì khi cố tìm con mình giữa hàng trăm đứa trẻ giống y hệt nhau trong bộ đồng phục học đường, tôi nhận ra những đứa trẻ đáng thương này đã và đang bị hệ thống xoá mờ cá tính một cách không thương tiếc như thế nào.
Những đứa trẻ túa ra từ cổng trường tiểu học dường như đều có chung sở thích cho nên ngoài chuyện quần áo giống nhau, đến cặp và giày của chúng cũng na ná nữa. Thật không thể nào nhận ra ai là ai, nhất là với đôi mắt cận thị không bao giờ thèm đeo kiếng của tôi.
Bọn trẻ đều mang mũ quần áo, áo khoác đồng phục vì trường không cho mặc đồ khác, đến cái cặp bọn chúng đeo cũng giống nhau nữa vì em gái nào cũng thích màu hồng, thích búp bê babie, công chúa Elsa trong khi bọn con trai thì tuyệt đối trung thành với các anh hùng siêu nhân của chúng. Tất cả những đặc điểm nhận dạng một đứa trẻ đều bị xoá mờ hết thảy và thứ duy nhất chúng còn khác nhau là gương mặt nhỏ tí cười hớn hở vì được tan trường. Thế nên việc nhận ra đâu là con mình trong một đám đông những đứa trẻ hệt nhau ấy gần như là bất khả đối với tôi. Mon luôn tìm thấy tôi trước khi tôi tìm ra nó.
Là một người học nhiều từ quan sát và suy ngẫm, nhìn sự thật đó khiến tôi rất đau lòng. Có khi chính vì sự đau lòng này mà tôi thường thích tránh xa mọi trường học trong phố. Tôi không muốn chứng kiến bọn trẻ bị mất dần đi mọi cá tính riêng và bị nhồi vào vừa khít những bộ đồng phục xấu xí. Đối với tôi mọi đồng phục đều xấu xí! Đồng phục là dành cho ngành công nghiệp, nơi những công nhân phải quên đi cá tính và làm việc như những cái máy để nuôi hệ thống. Đồng phục không nên là thứ dành cho trẻ con một chút nào. Điều này nữa tôi cũng muốn đưa vào “hiến pháp cho nhân loại mới”: Không Đồng Phục.
Mọi đứa trẻ đều khác biệt và chính sự khác biệt này tạo nên cá tính của từng đứa nói riêng và sự phong phú sắc màu cho nhân loại nói riêng. Nhưng bằng việc bắt ép trẻ con mặc đồng phục và phạt chúng khi chúng không mặc đã dẫn đến một thực tế vô cùng đáng tiếc: bọn trẻ dần mất đi cá tính riêng, chưa kể đến điều đau lòng hơn nữa: chúng sợ sự khác biệt.
Tôi thường “dụ” Mon Mon mặc đồ đẹp đi học như là, “Con mặc áo khoác này đi, chỉ mặc khi ra khỏi lớp thôi, để mẹ Ngầu còn nhận ra con chứ.” Nhưng thằng bé luôn đáp, “Không được đâu, mặc đồ khác bị cô la đó.” Và nó dần từ chối mặc bất cứ gì trông hơi khác so với những đứa trẻ bình thường, dù cho là một chiếc áo khoác dạng cổ vest hay một chiếc áo pull có thiết kế ngồ ngộ. Nó sợ bị nhìn, sợ bị la, sợ bị khác biệt và gây chú ý không cần thiết (đồng nghĩa với những lời quở trách). Và khi một đứa trẻ trở nên sợ sự khác biệt thì đó thật là… một điều đáng buồn tới mức không nói lên lời.
Tôi đã từng cố giữ mình câm lặng trong nhiều trường hợp và giờ nghĩ lại, tôi hối tiếc.
Ấy là khi cô em gái và Mon Mon còn ở cùng tôi, buổi sáng tôi thường xuyên chứng kiến cảnh la mắng của cô ấy với thằng bé. Khi thì lấy đồ quá lâu, khi thì cài nút áo quá chậm, khi thì nút áo cài lệch, khi thì quần áo xộc xệch. Quan điểm của chúng tôi là dạy thằng bé tự làm mọi thứ và tôi “không nên xem vào” việc dạy thằng bé vì dù sao tôi cũng không phải người chịu trách nhiệm về nó. Nhưng kể cả như vậy, thử nghĩ mà xem: bạn mới chỉ 6-7 tuổi, đang buồn ngủ đến không mở được mắt ra thì đã bị dựng dậy đi học từ sáu giờ sáng, rồi bị hối thúc liên tục và phải tự mặc quần áo trong khi bị mẹ lải nhải la mắng bên tai. Một ngày có thể nào bắt đầu theo cách tệ hơn nữa?
Sau khi chứng kiến nhiều lần cảnh thằng bé cài nút áo quá lâu và gần như ngày nào cũng bị la, tôi không thể im lặng lâu hơn được nữa. Một lần tôi đã lại gần và phát hiện ra sự thật: lỗ cài cúc áo quá nhỏ khiến cho ngay cả người lớn như tôi cũng gặp khó khăn khi cài chứ huống hồ một đứa trẻ hãy còn đang ngái ngủ?
Phát hiện ra điều đó tôi bỗng thấy giận và cả thương cậu bé vô cùng. Nó đã bị chửi trong một thời gian dài về điều vô lý thế. Một đứa trẻ 6-7 tuổi luôn mặc áo trong lúc buồn ngủ liệu có thể phát hiện ra việc cài nút áo khó khăn không phải lỗi của nó? Làm sao nó biết rằng có thể sửa cái lỗ cài nút cho bự ra và dễ hơn? Thế là nó cứ im lặng chịu trận nghe chửi suốt nhiều ngày ròng trong cam chịu. Thế là nó chấp nhận bản thân là một người chậm chạp, lề mề, không làm gì ra hồn… Chỉ nghĩ đến đây tôi lại thấy cay cay nơi khoé mắt, tôi thương đứa trẻ bao nhiêu thì cũng giận mẹ nó và giận cả bản thân mình bấy nhiêu. Tôi giận bản thân mình nhiều hơn vì đã để cho sự việc xảy ra lâu như vậy trước khi can thiệp. Nhưng tôi đã im lặng nhiều vì tôi muốn giữ hoà khí.
Tôi và em gái vốn sống với nhau rất hoà thuận. Cô ấy là người nhanh nhẹn tháo vát, cô ấy giúp tôi quản lý công việc kinh doanh rất hiệu quả trong nhiều năm khi tôi còn nhiều việc kinh doanh. Tôi luôn rất biết ơn cô ấy. Chúng tôi sống cùng trong năm năm mà chẳng mấy khi cãi nhau một lời. Thế nhưng từ ngày Mon Mon đi học thì giữa chúng tôi bắt đầu xảy ra nhiều bất đồng và tranh cãi. Ban đầu còn ít nhưng càng về sau càng tăng dần về cả số lượng lẫn “chất lượng” cuộc cãi vã. Chúng tôi bắt đầu “tức” nhau ra mặt và ai cũng có lý của riêng mình. Tôi thiên về trao tự do cho đứa trẻ và bất bạo động, nhưng nói thì dễ vì tôi người giặt giũ tắm rửa cho nó khi nó làm bẩn quần áo? Tôi đâu phải người nghe phàn nàn của giáo viên khi nó không ngoan trên trường? Tôi đâu phải người chịu trách nhiệm cuộc đời nó sau này? Nhưng như thế không có nghĩa tôi không quan tâm, chỉ là cách quan tâm của chúng tôi khác nhau.
Trong một trận cãi vã lớn tiếng, cô em gái tôi tuyên bố, “Nó là con tôi. Tôi thích làm gì thì làm. Bà muốn dạy nó theo cách của bà thì tự có con đi rồi muốn làm gì thì làm.” Và từ sau lời nói đó tôi đã im lặng một thời gian dài, cố gắng không can thiệp chuyện cô em gái dạy con nữa nhưng thật sự mà nói, tôi không thể chịu đựng được. Tôi thương đứa trẻ vì không chỉ tôi không làm được gì mà nó cũng không làm được gì cả, chỉ biết chịu đựng và chịu đựng. Tôi thường xuyên thấy nó rơm rớm nước mắt, khi mặc đồ, khi ăn cơm, khi đi học. Ấy vậy mà ngay cả đến quyền khóc cũng bị mẹ nó chửi nữa, vì “Con trai mà động tới là khóc, không được khóc.” Cứ như thể nước mắt cũng phải theo ý người mẹ.
Kể ra những điều này không phải là tôi đang kể tội, vì làm gì có ai hoàn hảo hay tốt đẹp ngay từ đầu? Mọi người đều phải học hỏi và thay đổi để mà tiến lên. Bản thân tôi cũng biết mình chả phải người mẫu mực hay tốt lành gì nhưng khoảnh khắc khi tôi nghe chính cô em gái nói ra câu đó, khi chúng tôi đang tranh luận việc nuôi dạy con, thì giọt nước tràn ly, tôi không muốn nói gì thêm nữa. Sự việc đã đi quá xa, đã trở thành cuộc chiến cá nhân rồi chứ không còn là cuộc chiến nuôi dạy trẻ nữa. Tôi dừng lại và chỉ còn biết… cầu nguyện cho Mon Mon đủ sức để chịu đựng cuộc hành trình này. Tôi không giúp nó được nữa.
Có lẽ mọi gia đình đều vướng vào tình trạng này, khi quan điểm dạy con của mọi người trong nhà khác nhau và ai cũng muốn giành phần thắng. Việc tranh đấu này tạo không khí căng thẳng trong cả nhà và bạn biết ai phải gánh chịu mọi căng thẳng, tức tối của bạn không? Con của bạn chứ không ai cả. Nếu như bạn có thể khiêm tốn một chút, đừng mang thẩm quyền cha mẹ ra để mặc sức la hét đứa trẻ. Nếu như bạn có thể từ bi một chút, ngồi quan sát kĩ những cảm xúc, hành động của chính bạn đối với con cái mình. Bạn sẽ ngạc nhiên. Bạn sẽ bật khóc. Cứ thử nghĩ xem nếu như một người lạ chửi mắng con bạn như cách bạn chửi mắng nó mỗi ngày. Nếu một người lạ đang áp đặt con bạn cùng cách mà bạn đang làm với nó mọi ngày – nghĩ về điều đó đi – làm sao mà bạn có thể nuốt trôi cơm cho được?
Mọi người đều không mấy khi nghĩ đến hành động của mình, cho tới khi thấy người khác làm cùng điều đó.
Tôi đúng là không phải kiểu người “toàn tốt” đâu, xin đừng hiểu lầm, tôi chưa bao giờ nhận mình là người tốt đẹp gì hơn ai cả. Và tôi cũng không giỏi nhiều thứ nhưng tôi biết bản thân giỏi ở ít nhất một việc là: đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Tôi làm điều này khá thường xuyên và mỗi lần làm như vậy tôi đều học được rất nhiều điều. Trong cuộc chiến của những người cha mẹ và những đứa trẻ, tôi chọn đứng về phe những đứa trẻ vì tôi thấy chúng sao mà đáng thương và bất lực quá. Thật sự là những nô lệ và những tù nhân. Càng đặt mình trong tư cách bọn trẻ, tôi càng thấy người lớn sao có thể quá đáng và vô ý thức đến vậy.
Chuyện mặc quần áo, Mon Mon đang ở cùng tôi hai tuần nên tôi có dịp thực hành những điều mình tin tưởng. Vẫn quan điểm dạy con cách tự làm mọi thứ nhưng tôi cũng kèm theo đó sự quan tâm và luôn giải thích rõ ràng mọi sự cho thằng bé. Mỗi buổi tối tôi dặn Mon chuẩn bị sẵn quần áo ngày mai sẽ mặc để ngay bên cạnh cặp sách. Việc này đơn giản nhưng tiết kiệm rất nhiều thời gian so với việc buổi sáng vừa buồn ngủ vừa lục tìm quần áo như trước đây. Có những hôm thằng bé đi ngủ trễ, lo lắng việc thức dậy muộn sáng hôm sau tôi còn mạnh dạn gợi ý, “Con có muốn mặc sẵn quần thể dục này đi ngủ để sáng mai khỏi cần thay không?” Nó đồng ý ngay và xin mặc sẵn cả áo. Tốt thôi, nếu đứa trẻ ngủ ngon và thoải mái với bộ trang phục đó, nếu bộ quần áo là sạch sẽ không làm dơ giường, thì lý do gì mà cứ từ chối? Đương nhiên chiêu này chỉ dùng cho vài dịp đặc biệt nào đó chứ nếu biến nó thành thói quen thì sẽ khiến người ta sống rất hời hợt. Tôi cũng không muốn nhìn thằng bé mặc đồng phục quá nhiều như thế.
Hôm nào xét thấy thời gian vội quá, sát giờ quá thì tôi sẽ giúp thằng bé cài nút áo, chỉ 3 phút là xong xuôi và sẵn sàng lên đường, không một lời cằn nhằn, không cần chửi bới giục giã, không tiếng khóc ấm ức. Đấy chẳng phải cách người ta nên bắt đầu ngày mới sao: không tiếng chửi, không nước mắt, không chán nản cuộc đời? Người con không nên bắt đầu buổi sáng với sự chán nản và tất nhiên cha mẹ càng không nên bắt đầu ngày mới với sự chán nản cáu gắt. Điều này lợi gì?
Ban đầu tôi còn chú tâm luôn giúp Mon Mon bỏ thùng trang phục thật chỉnh tề vì chẳng ai muốn thấy con mình lem nhem xộc xệch cả. Nhưng dù buổi sáng có ngay ngắn đến đâu thì trưa về cậu bé vẫn luôn trong tình trạng rất bình thường của trẻ con: xộc xệch. Tôi cũng chỉnh lại vài lần nhưng rồi một lần sau đó tôi chứng kiến cảnh người hàng xóm quát mắng đứa cháu vì tội quần áo xộc xệch một cách thậm tệ và điều đó đã khiến tôi tự hỏi: “Trẻ con thì sẽ luôn xộc xệch, nhưng tại sao người lớn lại luôn muốn con cái mình ăn mặc chỉnh tề nghiêm chỉnh, hay ít nhất là không xộc xệch lôi thôi?”
Thật lạ khi tôi tìm ra một câu trả lời mà bản thân thấy khá đồng tình và tâm đắc: Cha mẹ tất nhiên không muốn thấy con cái xộc xệch lôi thôi vì nhiều lý do nhưng lý do sâu thẳm nhất: họ không muốn bị mọi người nhìn vào và đánh giá họ là cha mẹ không tốt, cha mẹ tồi, bỏ mặc con cái, không chu đáo.
Thật sự! Khi bạn bực mình một đứa trẻ ăn mặc bẩn, thật ra bạn bực mình vì bạn tiếc: tiếc tiền bạn bỏ ra mua quần áo, tiếc công sức bạn phải giặt đồ, lo cho việc người khác đánh giá bạn không là mẹ tốt, và thế rồi với tất cả bực bội này, bạn trút lên đứa trẻ. Con cái ăn mặc dơ dáy nó có cảm thấy mất mặt không? Không, vì nó chưa có bản ngã để cảm thấy mất mặt và cũng chẳng bận tâm những chuyện như là ai sẽ giặt lại áo, tiền quần áo tăng cao… Chuyện con cái bị la rầy vì để quần áo dơ có lẽ không đứa trẻ nào từng thoát được. Nhưng bạn có nhận thấy không? Một đứa trẻ mà không bị dơ dáy chút nào, liệu nó có bình thường không? Hai đứa trẻ cùng thấy một con ếch và đuổi theo, một đứa nhảy vồ con ếch trong khi đứa kia chỉ đứng nhìn xa xa vì ‘bẩn quần áo mẹ la’, bạn cho rằng đứa nào mới là đứa thật vui vẻ ngaỳ hôm đó: đứa bắt được con ếch với quần lấm bẩn hay đứa có quần áo sạch và nhìn con ếch với đôi mắt buồn bã vì nó biết, con ếch sẽ không thể cứu nó khỏi đòn roi của mẹ?
Chuyện quần áo của những đứa trẻ cũng là việc đáng bàn.
Mọi đứa trẻ đều chẳng quan tâm mấy về quần áo nếu quần áo đủ thoải mái, cho tới khi nó bị lây sự quan tâm về quần áo bởi những người khác. Ngày nay quần áo thời trang trẻ con là một ngành rất mạnh, không phải vì nhu cầu của bọn trẻ, mà là nhu cầu của người cha người mẹ.
Ngày đứa trẻ phải mặc bộ đồng phục lần đầu tiên, ấy là ngày buồn trong cuộc đời nó. Đó là ngày đánh dấu nó sẽ phải trở thành một phần của hệ thống, cái hệ thống cũ kĩ ghét sự khác biệt, lên án sự khác biệt và trừng phạt sự khác biệt bằng mọi cách.
Một đứa trẻ không có chút cá tính nào, một đứa trẻ robot sẽ mặc kệ cho cha mẹ quyết định quần áo của nó. Khi đứa trẻ bắt đầu có cá tính riêng và nhận thức, nó bắt đầu tự chọn quần áo của mình. Nếu đứa trẻ là rất mạnh, nó sẽ chọn đồ thể hiện cá tính riêng, biết cách phối đồ theo ý mà nó thích. Nhưng đứa trẻ không nhiều cá tính thì sẽ vẫn tự chọn đồ nhưng là đồ khiến nó thoải mái, không bị khác biệt, không gây chú ý, không bị la rầy. Và đây là lúc nó bắt đầu học cách thoả hiệp để ở trong hệ thống. Đây là lúc thiên đường dần tan biến.
Đồng phục là một phương cách để huấn luyện đứa trẻ. Xã hội không cho phép người ta tự do, nó phải đưa người ta vào khuôn phép và bước đầu tiên để bắt một đứa trẻ từ bỏ lối sống tự do mà đi vào khuôn phép, ấy là bắt nó mặc một bộ đồng phục.
Trong bộ đồng phục, cá tính thú vị của đứa trẻ dần biến mất bởi vì bộ đồng phục đồng nghĩa với những kỷ luật của trường học: lời chửi mắng, tiếng phê bình thậm chí là đòn roi từ giáo viên nữa. Giữ cá tính và bị phạt, hay không có cá tính và an toàn, mọi đứa trẻ sẽ chọn an toàn. Đó là vấn đề bản năng. Và thế là xã hội đã chiến thắng.
Cứ nhìn những đứa trẻ ở cùng độ tuổi nhưng trong trang phục tự do và đồng phục mà xem, chúng luôn vui vẻ hơn, thoải mái hơn, tự do hơn và sống động hơn hẳn khi chúng được mặc trang phục tự do, dù cho là những bộ đồ cũ kĩ nhàu nát, thủng lỗ chỗ hay đôi khi lấm lem, mặt chúng luôn toát lên vẻ hạnh phúc hơn hẳn so với những đứa trẻ luôn có đồng phục sạch sẽ bóng loáng trơn tru.
Một đứa trẻ có khả năng luôn giữ đồng phục sạch bóng và chỉnh tề thì chứng tỏ nó đã đầu hàng rồi, đã chấp nhận đánh đổi cá tính lấy sự an toàn rồi. Và thật đáng buồn khi cha mẹ rất hài lòng về điều đó.
Từ sau khi phát hiện động cơ phía trong của các cha mẹ về việc giữ con mình luôn chỉnh tề đông phục, tôi buông bỏ hẳn thái độ tương tự, dù đối với tôi thì sạch sẽ là một trong những đức tính đứa trẻ phải học từ ban đầu. Tôi nói với Mon Mon, “Mẹ Ngầu rất là lười, mẹ Ngầu không giặt quần áo của con thường xuyên đâu mà chỉ cuối tuần mang đi giặt tiệm một lần. Con có ba bộ đồ thế thì sẽ mặc đủ cho một tuần, một bộ sẽ mặc hai ngày. Nếu con làm bẩn quần áo thì con sẽ mặc bẩn đi học, nếu con có thể giữ sạch thì con sẽ mặc sạch, mọi thứ đều là tuỳ ở con, đồng ý không?” Thằng nhỏ suy nghĩ và đồng ý.
Khi còn ở cùng mẹ, mỗi buổi sáng Mon Mon đều được mặc đồ mới thơm tho sạch sẽ. Người mẹ phải giặt đồ thường xuyên cũng sinh bực bội, gắt gỏng, bắt nó đi lấy móc tự treo phơi quần áo của mình và thường xuyên “kể công” rằng thật là mệt mỏi. Thế nhưng khi ở cùng tôi, ban đầu Mon Mon còn đòi mặc quần áo mới mỗi ngày nhưng sau khi nghe tôi giải thích, nó rất thoải mái. Một phần vì thật thích khi có thể đủng đỉnh xem cho hết bộ phim hoạt hình mà không sợ bị sai đi làm đủ thứ việc: lấy cái chậu, lấy xà-bông, lấy móc treo, lấy thêm móc, treo đồ lên, lấy đồ vào, tự gấp, tự cất… và phần vì trẻ con rất nhanh chóng để thích nghi cho nên Mon Mon bắt đầu khác đi một cách nhanh chóng. Bây giờ, khi tôi nói “Bộ này dường như dơ rồi, bỏ vào túi đồ giặt thôi” thì chính Mon Mon là người thuyết phục tôi, “Chưa, bộ này chưa có dơ mà, còn thơm lắm, con ngửi rồi. Mai mặc tiếp không sao đâu”. Và chúng tôi cười xoà cùng nhau. Ai cũng đều vui vẻ.
Thế là những ngày này, Mon Mon đi học quần áo có xộc xệch hơn một chút hay có vài vết bẩn nào đó trên trang phục, tôi không bận tâm nữa và nó cũng chẳng bận tâm chút nào. Chúng tôi chẳng tốn nhiều thời gian và năng lượng để lo về quần áo, thay vào đó năng lượng được dùng để vui chơi và trò chuyện nhiều hơn. Cậu bé thường xuyên mỉm cười và dường như cũng lâu rồi tôi không thấy nó khóc nữa. Đấy là một điều tốt. Trẻ con không nên khóc vì ấm ức, tuổi thơ nên là thời điểm để chơi cho thật vui chứ không phải để thiết quân luật.
Dù vậy không có nghĩa chúng tôi ở bẩn, Mon Mon có ý thức về chuyện sạch – bẩn khá tốt vì từ sớm đã được dạy cách tự làm vệ sinh, tự tắm rửa, tự dọn bàn lau bàn sau khi ăn xong. Nên khi một món đồ bị bẩn nó sẽ tự động nhờ tôi giặt giúp chứ không cố gắng chịu đựng hay ngại ngùng. Và tất nhiên khi con đề nghị giúp đỡ, tôi sẽ làm với tất cả yêu thương chứ không chỉ xem đó như nghĩa vụ để kể công chút nào. Vì suy cho cùng, tôi có công gì đâu mà kể?
Suốt 28 năm tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ muốn làm mẹ, nhiều người nói tôi ích kỉ. Ngay cả ba mẹ tôi cũng từng nổi giận khi tôi nói “có thể con sẽ đi kiếm con nuôi”. Nhưng một điều là rõ ràng, tôi biết mình chưa sẵn sàng.
Năm nay tôi 30 tuổi và dù chẳng nói với bất kì ai nhưng tôi biết mình đã sẵn sàng.
Tôi là người có đủ điều kiện và khả năng làm mẹ, bất kể mẹ đơn thân hay mẹ không đơn thân. Tôi có sức khoẻ tốt, tâm thần tốt, không loạn thần kinh và tôi cũng có tài chính tốt nữa. Và khi tôi nói tôi đã sẵn sàng cho tất cả, ý tôi thực sự là tôi sẵn sàng cho tất cả.
Nghĩa là nếu như cả đời này tôi sẽ không bao giờ có con – tuyệt. Hay nếu như tôi sẽ có con thì cũng tuyệt luôn. Bất kể một đứa hay một tá đứa, tôi sẵn sàng chấp nhận với tất cả biết ơn không sợ hãi. Một khi bạn đã có hạnh phúc và an bình bên trong, bạn dễ dàng chấp nhận mọi thứ. Khi bạn có thể chấp nhận mọi thứ, bạn đã sẵn sàng. Thậm chí tôi còn thích ý tưởng có nhiều hơn là một. Hai cặp sinh đôi chẳng hạn.
Tại sao tôi muốn có nhiều con? Chẳng biết nữa, có lẽ là vì tôi cảm thấy bản thân mình giàu quá, tràn đầy quá, tôi muốn san sẻ sự đầy tràn này: tình yêu, bình an phúc lạc, tự do, may mắn, ân huệ của cuộc đời này cho chúng. Tôi cần chia sẻ.
Trả lời câu hỏi gợi ý của Osho: Nếu tôi sinh ra một đứa trẻ, liệu nó có phải là phúc lành cho thế giới hay không, hay là một tai hoạ?
Tôi không biết. Thật sự không biết. Làm sao mà tôi biết được?
Nhưng tôi tin, đứa trẻ con tôi sẽ có nhiều tự do hơn bất cứ đứa trẻ nào tôi từng gặp trong đời. Hay ít nhất tôi sẽ cố gắng xoay xở bằng mọi cách để tạo ra điều đó. (Hình xăm duy nhất trên người tôi là một mantra: ‘If you can’t find a way. Create one!’ Và tôi thực sự thích tạo ra những con đường mới.)
Tôi là người may mắn, cả cuộc đời tôi không thể đếm hết số lần thần may mắn ghé thăm. Nhưng may mắn lớn nhất là được sinh ra trong một gia đình mà đã trao cho tôi nhiều tự do nhất có thể. Tự do mà cha mẹ trao cho tôi, họ không hề chủ ý đâu. Nhưng bất kể có chủ ý hay không, tự do vẫn là món quà quý giá nhất mà mọi cha mẹ có thể trao cho con mình, tất nhiên bên cạnh tình yêu thương nữa.
“Tình yêu và tự do, nếu bạn có cả hai, bạn là người may mắn nhất.
Tình yêu cho bạn bộ rễ ăn sâu vào lòng đất. Tự do cho bạn đôi cánh bay vào bầu trời.
Nếu bạn có cả tình yêu và tự do, bạn là nữ hoàng, là hoàng đế.”
Những lời kinh đẹp của Osho mà chỉ đọc một lần cũng đủ làm tôi nhớ mãi.
Tôi đã được trao cả tình yêu và tự do, tôi đã luôn sống như một nữ hoàng. Và nữ hoàng đích thực sẽ là người muốn tạo ra nhiều nữ hoàng hơn, nhiều hoàng đế hơn chứ không phải nhiều nô lệ hơn. Có lẽ đó là lý do tôi muốn sinh nhiều con chăng? Bởi vì tôi muốn trao tình yêu và tự do cho những đứa trẻ, tôi muốn tạo ra nhiều nữ hoàng và hoàng đế cho thế giới này, thế giới đầy những “nô lệ” bé nhỏ với đôi mắt long lanh ướt đẫm và đang mặc đồng phục này!
Namaste! Xin gởi đến bạn lời chào thiêng liêng từ trái tim tôi!
Phi Tuyết, 2020