Tôi chưa bao giờ chạm trán bất cứ người vô thần nào mà thực sự là vô thần. Tất cả những người vô thần cũng đều đang trong một cuộc truy tìm sâu sắc về một niềm tin và một chân lý nào đó. Cuộc truy tìm dường như quá nguy hiểm và rủi ro đến nỗi họ chấp nhận niềm tin vào sự Vô-Thần, nhưng bản thân niềm tin Vô-Thần này cũng là một niềm tin. Nó là một niềm tin mang tính phủ định, một niềm tin không thể được công bố, một niềm tin không thể trao cho bạn cuộc sống hay sinh lực sống. Nó không thể nuôi dưỡng hay làm mạnh thêm cho sự tồn tại của bạn, nó không thể gíup bạn được định tâm. Nó không có khả năng giúp bạn thấy sự thật hay thấy thực tế bởi vì nó là niềm tin sai – một niềm tin phủ định. Nhưng tôi nói, nó vẫn cứ là một niềm tin.
Những người vô thần đã đến với tôi và hỏi tôi về Thượng đế. Tôi nói, “Hãy quên tất cả về Thượng đế đi. Bạn không tin vào Thượng đế mà đúng không? Điều đó hoàn toàn ổn. Bạn chỉ cần thiền.” Và thiền định thì không cần điều kiện tiên quyết nào, không cần niềm tin vào Thượng đế hay niềm tin vào bất cứ gì cả – nó đơn thuần là một phương pháp khoa học. Nhưng nếu như cuối hành trình của thiền và bạn nhận ra thứ gì đó mà bạn chưa bao giờ từng mơ tới, thế thì đừng trách tôi. Bạn sẽ đi đến điểm nhận biết về thứ gì đó còn tuyệt vời hơn, bao la hơn, vĩ đại hơn cả Thượng đế. Bạn không thể bắt gặp một Thượng đế mà bạn có thể mường tượng bằng linh ảnh hay chụp lại một tấm hình. Bạn không thể gặp một Thượng đế mà bạn có thể bắt tay với ngài ấy. Nhưng bạn sẽ cảm thấy một đại dương năng lượng bao la bao trùm lên bạn, bao trùm lên cả thế giới mà trong đại dương đó, bạn biến mất như một giọt sương. Và đó là kinh nghiệm phúc lạc vĩ đại đến nỗi không gì có thể vượt qua nó được.
Một lần tôi ở trong một làng kia, có hai người đàn ông tìm đến tôi. Một người là người Hindu và người kia thì theo Jaina. Người Jaina không tin vào sự tồn tại của Thượng đế. Cả hai người họ là bạn thân và cả hai khi ấy đã gần bảy mươi. Cả hai người họ đã tranh cãi gần như cả đời về việc liệu Thượng đế có tồn tại hay không? Người Hindu thì nhấn mạnh rằng Thượng đế có tồn tại và anh ta liên tục trích dẫn kinh Vệ đà, kinh Upanishad và kinh Gita trong khi người Jaina thì nhấn mạnh rằng Thượng đế không tồn tại và cũng trích dẫn lời của Mahavir, Neminath và Parshwanath và những vị hoá thân của Thượng đế khác mà anh ta tin tưởng. Và rồi họ đã tranh luận và tranh luận mãi mà chưa bao giờ đến được điểm thống nhất bởi lẽ đơn giản vấn đề mà họ tranh cãi là vô nghĩa, tầm phào, vụn vặt. Bạn có thể tranh cãi về nó mãi và mãi mãi không bao giờ có kết thúc. Một vấn đề là vô nghĩa khi mà không một ai có khả năng chứng minh và tất nhiên, cũng không một ai có khả năng bác bỏ cả. Cho nên câu hỏi về Thượng đế có tồn tại hay không là câu hỏi hoàn toàn vô ích: không gì có thể trả lời theo hướng này hay hướng khác, vấn đề cứ tồn tại mãi mãi.
Nghe tin rằng tôi đang ở nhà trọ ngoại ô ngôi làng, họ đến để gặp tôi. Họ nói, “Cả đời chúng tôi đã tranh cãi với nhau. Chúng tôi là những người bạn tốt của nhau, về mọi mặt thì chúng tôi luôn đồng ý với nhau nhưng về quan niệm Thượng đế thì không. Chúng tôi cứ tranh cãi mãi đã một đời rồi. Giờ anh ở đây, anh hãy cho chúng tôi một câu trả lời rõ ràng để cuộc tranh cãi này có thể kết thúc và chúng tôi ít nhất có thể chết trong an bình.”
Tôi hỏi họ, “Nếu như tôi có thể chứng minh rằng Thượng đế chắc chắn tồn tại, thì nó sẽ thay đổi cuộc đời các ông như thế nào?”
Họ nhún vai, họ nói, “Thì chúng tôi cứ sống như chúng tôi vẫn luôn sống thôi.”
Tôi tiếp, “Vậy, nếu tôi chứng minh được Thượng đế không tồn tại, thì nó sẽ thay đổi đời các ông thế nào?”
Họ nói, “Nó sẽ không thay đổi bất cứ gì trong đời chúng tôi cả, bởi vì chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục sống chính xác cùng cuộc sống như cũ, chúng tôi là bạn, là đối tác trong việc làm ăn. Ông ấy tin vào Thượng đế, tôi thì không, nhưng mặc kệ tin hay không, cuộc sống của chúng tôi đã là những hình mẫu cố định rồi. Thượng đế của anh ta sẽ không tạo ra bất cứ khác biệt nào và niềm tin vô thần của tôi cũng không tạo ra bất cứ khác biệt nào trong cuộc sống chúng tôi cả.”
Thế rồi tôi nói, “Thế thì đây là một câu hỏi vô nghĩa. Quên nó đi.”
Câu hỏi nào thì được xem là vô nghĩa? Nó là loại câu hỏi mà câu trả lời không tạo ra bất cứ khác biệt nào, bất cứ thay đổi nào trong cuộc đời của bạn. Thế thì câu hỏi lẫn câu trả lời là vô dụng.
Mọi người cứ hỏi, “Ai tạo ra thế giới?” Làm sao điều này lại có liên quan gì đến cuộc đời của bạn? Bất cứ ai, A B C D, bất cứ ai, điều này sẽ tạo ra thay đổi gì cho đời bất cứ ai không? Rồi câu hỏi “Có sự sống đàng sau cái chết hay không?” Ngay cả điều này nữa cũng tạo ra khác biệt gì?
Bạn có thấy người hữu thần hay vô thần đều đang sống chính xác một hình mẫu cuộc sống, chính xác một loại cuộc đời thối rữa hệt nhau hay không? Bạn có thấy người Kito giáo và người Cộng sản đang sống cùng một cuộc đời, cùng những lời dối trá, cùng những mặt nạ, cùng những sự giả dối hay không? Bạn có thấy người Hindu và người Hồi giáo cũng đang sống cùng một cuộc sống mà không có bất cứ khác biệt nào? Và vậy mà họ liên tục tranh cãi về những câu hỏi vô dụng, vô nghĩa đó.
Nhưng tại sao họ lại hỏi những câu hỏi vô nghĩa như thế? Để họ có thể tránh né việc tham gia vào, họ giả vờ rằng họ là những người thăm dò vĩ đại, rằng họ rất hứng thú với Thượng đế, rằng họ hứng thú với cuộc sống đàng sau cái chết, rằng họ hứng thú với thiên đường và địa ngục. Và họ đang tránh né sự thật rằng họ không hứng thú gì với chính bản thân họ cả. Để tránh né điều đó, tránh né việc nhìn vào thực tế rằng ‘tôi đang không hứng thú với sự tồn tại của chính tôi’, họ đã tạo ra tất cả những câu hỏi vô nghĩa khác. Những câu hỏi này là chiến lược của họ để tránh né câu hỏi nền tảng nhất: ‘Tôi là ai?’
Tôn giáo thực sự chỉ nhấn mạnh vào một cuộc thăm dò, một vấn đề duy nhất: ‘Tôi là ai?’. Và không ai có thể trả lời nó cả. Bạn sẽ phải đi và đào sâu thật sâu vào trong bản thể của bạn. Một ngày kia khi bạn chạm tới nguồn mạch, tới cốt lõi của sự sống của mình, bạn sẽ biết. Ngày đó, câu hỏi thực sự và câu trả lời thực sự sẽ xảy ra một cách đồng thời.
Tôi biết một người đàn ông đã từng là người vô thần. Một lần tôi nghe rằng ông ấy đã trở thành người hữu thần, tôi không thể tin vào điều ấy. Vậy nên khi tôi gặp ông ấy tôi đã hỏi, “Làm cách nào mà ông lại quyết định trở thành người hữu thần thế?”
“Chà,” Ông ấy đáp, “Tôi đã từng là một người vô thần nhưng tôi bỏ cuộc rồi.”
“Nhưng tại sao? Tôi muốn biết.”
Ông ấy đáp, “Là người vô thần chán òm vì chẳng có ngày lễ nghỉ nào cả.”
Osho, guru nổi loạn
Phi Tuyết dịch, 5/2/21
Namaste!