Tóm tắt cuốn sách ảnh ‘TÂY TẠNG TAN VỠ’ – Michael Buckley

Tại sao Tây Tạng quan trọng?

Tây Tạng vốn là một nơi trữ nước ngọt cho trái đất, hệt như Bắc Cực và Nam Cực. Nó thậm chí còn làm được điều mà hai cực còn lại không làm được: cung cấp nguồn nước ngọt cho hàng chục quốc gia ở vùng hạ lưu (trong đó có Việt Nam) – với lượng dân số hơn 1,5 tỷ người, chiếm 1/5 dân số thế giới. Nước ở Tây Tạng đang nuôi 1/5 dân số thế giới, có thể nói ngắn gọn như vậy.

Trong khi truyền thông thế giới nói rất nhiều đến tình trạng băng tan nhanh chóng ở Bắc Cực và Nam Cực, nhưng lại rất ít khi đề cập đến tình trạng tương tự đang xảy ra ở Tây Tạng. Tây Tạng giống như một vùng đất bị lãng quên trong mọi cuộc đối thoại về khủng hoảng khí hậu, mặc dù bản đồ vệ tinh do thám cho thấy băng ở Tây Tạng đang tan nhanh gấp đôi so với thời điểm 1970.

Ngoài Bắc Cực và Nam Cực, Tây Tạng nằm trên khu vực băng vĩnh cữu lớn nhất trái đất. Khi băng tan nhanh chóng sẽ giải phóng một lượng lớn khí Metane – loại khí nhà kính mạnh gấp 30 lần Cacbonic. Những đồng cỏ rộng lớn của Tây Tạng có chức năng như những bể chứa khí metane tự nhiên thì giờ đây đang bị thu hẹp và xâu xé bởi những liên doanh khai thác mỏ đến từ Trung Quốc – vì những mỏ than đá nằm bên dưới những đồng cỏ này. Từ khi Trung Quốc hoàn thành đường xe lửa từ Bắc Kinh đến Lhasa năm 2006 thì những đồng cỏ của Tây Tạng đang bị sa mạc hoá ngày càng nhanh chóng.

Hậu quả của hai việc này là: trong ngắn hạn, các dòng sông băng tan chảy quá nhanh sẽ tạo ra những trận lũ lụt kèm sạt lở chôn vùi các làng mạc lẫn con người. Về dài hạn, nếu các sông băng tan biến, khu vực hạ lưu (trong đó có Việt Nam, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long) sẽ hạn hán trầm trọng vì không có đủ nước để sinh hoạt, nuôi trồng hay sản xuất.

Đã đến lúc để công bố tình trạng khí hậu khẩn cấp ở Tây Tạng và thời gian để hành động là ngay bây giờ.

Tại sao sông băng Tây Tạng lại tan chảy nhanh chóng đến vậy?

Theo các cuộc điều tra nghiên cứu khoa học thì 50% sự tan chảy các sông băng ở đây là do sự phát thải khí Cacbonic -CO2, trong đó Trung Quốc phải chịu trách nhiệm 30% tổng lượng khí thải và Ấn Độ phải chịu khoảng 7%. Tây Tạng nằm giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới này. 50% còn lại là do những cơn “mưa muội đen” từ cả hai quốc gia này đổ vào những dòng sông băng trên dãy Himallaya.

Muội đen hay còn gọi là Carbon đen, không phải là khí nhà kính. Chúng là những hạt bụi mịn với kích thước siêu nhỏ, chỉ khoảng 2.5 micromet nhưng vô cùng nguy hiểm với sức khoẻ con người lẫn sức khoẻ các dòng sông. Với con người, những hạt bụi mịn bay thẳng vào phổi và bám lại đó gây chết người. Với các dòng sông băng, bụi mịn dù cho với kích thước 2.5 hay 10 micromet đều không khác biệt. Chúng đậu lại trên bề mặt dòng sông, bám ở đó và hút nhiệt mặt trời khiến cho băng tan chảy nhanh chóng. Trong khi đó nếu không bị bám bởi lớp bụi này thì băng và tuyết tự nhiên có khả năng phản chiếu lại ánh mặt trời chứ không hấp thụ nhiệt như bụi carbon. Muội đen được sinh ra trong quá trình đốt lò công nghiệp và gia tăng vào mùa đông khi nhu cầu đốt than, củi để sưởi ấm các toà nhà.

Muội đen ở trên các sông băng Tây tạng là vấn đề có thể được giải quyết nếu như Trung Quốc và Ấn Độ chịu dừng đốt nhiên liệu hoá thạch song song cải tiến các loại bếp dùng củi và than, than đá mà hàng tỷ người Ấn Độ lẫn người Trung Quốc đang dùng để nấu ăn. Nếu hai nước này cùng cam kết hành động, muội đen sẽ biến mất trong một tháng. Vấn đề là họ không làm gì cả dù cho đã kí những cam kết tại thoả thuận khí hậu Paris 2015.

Đã đến lúc để thúc đẩy các nhà lãnh đạo tham gia hành động nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng ở Tây Tạng, nếu không, thế giới sẽ phải đối mặt với sự thật rằng: sự sống còn của nhân loại đang bị đe doạ. Trên khắp Châu Á, các thiên tai như lũ lụt, hạn hán đang xảy ra thường xuyên hơn khiến hàng trăm ngàn người phải di tản để tìm đến nơi an toàn. Họ là những người đã tạo ra một kiểu người tị nạn mới: tị nạn khí hậu.

Những gì xảy ra ở Tây Tạng không chỉ là vấn đề của một quốc gia hay của riêng Châu Á, nó là vần đề có tác động lớn ở mức toàn hành tinh. Chúng ta không còn thời gian để mà trì hoãn và xa xỉ nữa. Đã đến lúc phải hành động.

 

Tây Tạng: Tháp nước của Châu Á: Chúng ta không có nhiều nước để phung phí.

Trái đất có rất nhiều nước, đúng vậy, nhưng 97% nguồn nước là nước biển, không thể dùng được. Trong khi đó các nhà máy khử muối lại rất tốn kém cả về tiền bạc lẫn năng lượng.

Chỉ khoảng 3% nước trên hành tinh là nước ngọt, trong đó 2% lại bị khoá cứng trong băng và tuyết. Chúng ta chỉ có 1% nước nhỏ bé để uống, sinh hoạt, trồng trọt và sản xuất (vận hành các nhà máy, làm mát nhà máy điện và rất nhiều công việc khác đều cần dùng nước).

Chưa kể một phần lớn trong số 1% nhỏ bé này lại là nước đã bị ô nhiễm hoặc đang ô nhiễm không phù hợp để sử dụng.

Các nguồn nước ngầm rất quý giá nhưng lại đang được khai phá vô tội vạ và không thể tái tạo. Một khi nguồn nước ngầm này hết thì nhân loại sẽ phải ban bố tình trạng báo động về nguồn nước. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến căng thẳng lớn giữa các quốc gia trong việc chia sẻ và sử dụng nguồn nước ít ỏi còn lại như thế nào.

Mặc dù còn 2% nước ngọt của trái đất đang bị khoá trong băng và tuyết nhưng hầu hết chúng không thể tự biến thành nước ngọt để con người có thể sử dụng ngay.

Tây Tạng được xem là địa cực thứ ba của hành tinh vì nó cung cấp nước ngọt cho những con sông lớn ở Châu Á, xuyên suốt Tây Tạng qua Trung Quốc và chảy đến để nuôi sống hàng tá quốc gia dưới vùng hạ lưu. Chưa kể nó là nguồn cấp nước cho phụ lưu chính của các con sông khác nữa, như sông Hằng, sông Indus…. Không có trường hợp nào như vậy ở bất kì đâu khác trên hành tinh này. Chúng ta chỉ có một Tây Tạng, không có dự phòng, không có cơ hội thứ hai.

Tây Tạng đi trước phương Tây hàng ngàn năm trong việc phát triển những khu vực bảo tồn thiên nhiên dưới dạng những khu vực hành hương linh thiêng. Công viên quốc gia đầu tiên ở Hoa Kỳ là Yellowstone, thành lập năm 1982 trong khi những ngọn núi thiêng, những hồ nước thiêng ở Tây Tạng đã được xem như nơi bảo tồn thiêng liêng từ hàng ngàn năm nay. Người Tây Tạng thường đi bộ hành hương lên những ngọn núi và vòng quanh các hồ nước lớn như một việc làm công đức tâm linh.

Trong các địa điểm linh thiêng ấy thì núi Kailash được xem như trung tâm của tất cả với rất nhiều địa danh hành hương rải rác. Người Trung Quốc tới Tây Tạng không chỉ để khai khoáng mà còn để du lịch. Ngoài việc tạo những cung đường xe hơi, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng một cáp treo nối tới những ngọn núi cao trên các cung đường hành hương, chỉ để các du khách Trung Quốc có thể tận hưởng chuyến đi một cách dễ dàng. Điều này thật sự đáng buồn đối với người dân Tây Tạng.

Khoảng cuối thế kỉ 19, Tây Tạng được xem là vùng đất bí ẩn, một câu đố thú vị không lời giải rất gây tò mò đối với các nhà thám hiểm và địa lý học phương Tây. Họ đã phải dùng rất nhiều cách, thông qua nhiều con đường để có thể tới được ngọn núi Kailash và dòng sông Tsangpo để tìm hiểu về địa lý của vùng đất bí ẩn này.

Nhưng Trung Quốc, quốc gia láng giềng đã không xem Tây Tạng như vùng đất bí ẩn về địa lý mà là một “mỏ vàng” để khai thác tài nguyên. Năm 1950-1960 (lịch sử gọi là Thời đại của thuỷ triều đỏ, mối đe doạ đỏ), dưới lệnh của Mao Trạch Đông một đội quân thiện chiến hùng hậu đã tràn vào Tây Tạng với sứ mệnh “giải phóng” vùng đất này. Cơn thuỷ triều đỏ đã nhanh chóng xoá sổ các loài động vật hoang dã lẫn rừng của Tây Tạng. Năm 1998, chỉ 40 năm, hơn một nửa số cánh rừng phía đông Tây Tạng đã biến mất.

Người Tây Tạng rất tôn trọng và thậm chí là tôn kính cây và rừng. Cây rừng chỉ bị hạ khi cần cho việc xây dựng những ngôi chùa và để đáp lại, các nhà sư cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và bảo tồn những khu vực rừng xung quanh đền chùa của họ.

Kể từ khi người Trung Quốc bắt đầu khai thác gỗ trong các cánh rừng Tây Tạng năm 1960, ước tính hơn 55 tỷ USD gỗ sồi, thông, tùng la hán, đỗ quyên… đã được chuyển về Trung Quốc đại lục để phục vụ nhu cầu xây dựng, nội thất và kể cả làm… đũa. Việc khai thác rừng Tây Tạng vô tội vạ đã tạo ra hậu quả tàn khốc lên chính Trung Quốc khi những trận lũ lụt, sạt lở đất xảy ra khắp nơi trên đất của chính họ. Sau sự kiện lũ lụt sông Dương Tử 1998, khi các nhà khoa học cảnh báo “Trung Quốc đang tự bắn vào chân mình” thì một lệnh được ban ra: cấm hoàn toàn việc khai thác rừng nguyên sinh ở các tỉnh miền núi phía Tây (tức Đông Tây Tạng). Sau lệnh cấm, tất nhiên, các nhà đầu tư đã chuyển tầm ngắm sang các khu rừng nguyên sinh ở các quốc gia khác như Myanmar, Lào, Papua New Guinea và kết quả là lại bắt đầu một cuộc đại tàn phá khác.

Tại Tây Tạng những ngày khi Trung Quốc chưa tới, một người địa phương có thể dùng súng hoả mai cổ để săn một vài con linh dương trên cánh đồng đầy những loài thú hoang dã sinh sống. Linh dương chân dài là loài có khả năng chạy nhanh hơn mọi loài săn mồi, nhưng tiếc thay chúng lại không nhanh hơn dàn xe jeep được trang bị máy móc, đèn và súng máy của người Trung Quốc. Trong một cuộc săn, họ có thể hạ đến 500 con linh dương ngay tại nơi sinh sản của chúng. Năm 1980, chính phủ lưu vong Tây Tạng cử một số phái bộ đi tìm hiểu tình hình thực tế về sự sống hoang dã tại Tây Tạng. Họ đã bị sốc khi chứng kiến sự im lặng kỳ lạ trên các cánh đồng cỏ: không còn tiếng kêu của ngỗng, của vịt hay tiếng vó chạy của đàn bò hoang, đàn lừa hay linh dương hay âm thanh của bất cứ loài động vật hoang dã nào nữa. Và điều đau lòng này xảy ra chỉ sau ba thập kỷ người Trung Quốc đến chiếm đóng vùng đất này.

Linh dương Tây Tạng bị săn bắt vì bộ lông quý hiếm của nó được cho là loại len tốt nhất thế giới. Chúng được dùng để làm ra loại khăn choàng Shahtoosh cho những diva giàu có với giá từ 5000 đến 20.000 đô-la.

Trâu Yak hoang dã của Tây Tạng cũng sắp bị tuyệt chủng vì người Trung Quốc đã dùng những vũ khí công suất lớn để hạ sát hàng loạt để làm thức ăn hoặc đơn giản chỉ để tiêu khiển.

Theo đức Gyalwang Karmapa, trong văn hoá, tôn giáo và triết học Tây Tạng truyền thống, người Tây Tạng rất tôn trọng thiên nhiên. Họ xem thiên nhiên là thiêng liêng. Người Tây Tạng tin rằng núi và sông suối là nơi cư ngụ của thần linh, con người không được phép phá hoại. Theo đức Dalai Lama: Truyền thống người Tây Tạng coi động vật hoang dã là biểu tượng của sự tự do và sự trọn vẹn. Một cảnh quan dù đẹp đến đâu mà thiếu bóng của những loài động vật hoang dã sống tự do thì cũng không là vẻ đẹp trọn vẹn. Thiên nhiên và động vật hoang dã luôn bổ sung cho nhau. Con người nên sống giữa thiên nhiên và động vật hoang dã một cách hài hoà.

Tiếc là người Trung Quốc khi đến chiếm đóng Tây Tạng đã không nghĩ như vậy. Họ không chỉ triệt hạ động vật, phá hoại cảnh quan mà còn xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nhằm đẩy nhanh quá trình khai thác Tây Tạng một cách triệt để, từ rừng, các mỏ quặng cho đến cả những tuyến nước ngầm. Và họ đang tiếp tục cho xây dựng thêm nhiều tuyến đường sắt cao tốc khác nữa.

Năm 2006, Trung Quốc hoàn thành tuyến đường sắt tới Lhasa với hơn một nửa đoạn đường dài 1.100km từ Golmud tới Lhasa được xây dựng trên địa hình băng vĩnh cửu. Để các tuyến đường sắt khỏi chìm xuống khi băng tan, người ta đã luồn các đường ống vào để giữ cho đất đóng băng, điều này dễ dàng làm hại đến những lớp băng vĩnh cửu.

Để xây dựng các công trình và khai thác mỏ, Trung Quốc đã đưa hàng ngàn công nhân nhập cư theo đường tàu hoả này đến Tây Tạng để làm việc. Với lượng người lao động lớn, họ xây dựng cả các trung tâm đô thị và khu dân cư trên đất Tây Tạng, đồng hoá người Tây Tạng bằng tiếng Hán – một điều đi ngược lại Công ước Geneva và người Tây Tạng đang phải chịu đựng tất cả những điều này. Họ như người tị nạn trên chính đất nước họ.

Không chỉ thế, các quan chức Trung Quốc còn nhanh chóng đổ lỗi mọi vấn đề môi trường ở Tây Tạng là do biến đổi khí hậu, rằng họ không thể làm được gì cả. Nhưng có thật biến đổi khí hậu là thứ nằm ngoài bàn tay con người hay không? Trung Quốc hiện nay là nước gây ô nhiễm lớn nhất hành tinh với lượng khí thải CO2 vượt xa cả Hoa Kỳ lẫn Ấn Độ.

Tình trạng ô nhiễm của Trung Quốc cũng góp phần làm các sông băng ở Himalaya và Tây Tạng tan chảy nhanh hơn. Tây Tạng đang nóng lên gấp hai lần mức trung bình toàn cầu, một phần lớn nguyên nhân là do những cơn mưa muội đen đến từ Trung Quốc và Ấn Độ trút xuống nhiều đến nỗi khiến cho tuyết cũng có màu xám đen. Sông băng trắng phản xạ nhiệt trong khi sông băng đen lại hấp thụ nhiệt khiến băng tan nhanh hơn. Điều này hoàn toàn có thể được giải quyết nếu cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ dừng việc đốt than trong nhiệt điện và cải tiến các loại bếp nấu dùng than.

Không chỉ các sông băng trên bề mặt Tây Tạng tan chảy, có một thứ khác cũng đang tan chảy, đó là những lớp băng vĩnh cửu sâu trong lòng đất. Khi lớp băng vĩnh cửu này tan chảy sẽ giải phóng khí mêtan đã bị giam trong đó nhiều thiên niên kỷ. Khí Metan là cơn ác mộng nhà kính, nó mạnh gấp 20 lần CO2 và có thể lên tới 30 lần. Người ta vẫn chưa biết được việc giải phóng lượng lớn metan như vậy sẽ gây ra tác động gì vì nó việc như vậy hề xảy ra trước đây. 10% lớp băng vĩnh cửu của Tây Tạng đã bị suy thoái và thêm những tuyến đường sắt đã được xây trên các lớp băng vĩnh cửu này, chưa kể sẽ thêm nhiều tuyến đường sắt khác nữa. Điều sẽ xảy ra dù chưa được xác định nhưng chắc chắn không phải điều tốt lành.

Những thiên tai xảy ra trên khắp Châu Á, từ lũ lụt đến hạn hán, triều cường, lở đất, lốc xoáy, sa mạc hoá đất đai trong những năm gần đây là do trùng hợp ngẫu nhiên hay do những yếu tố tự nhiên bị thay đổi trên Cao nguyên Tây Tạng đã góp phần tạo ra những thiên tai này?

Tây Tạng được xem như ngân hàng nước ngọt của Châu Á, do nó có tới 37 ngàn sông băng và chúng đều đang bị thu hẹp lại không chỉ về chiều rộng mà cả chiều sâu.

Số phận của những dòng sông băng đã tệ, số phận của những dòng sông đang tuôn chảy cũng không khá khẩm hơn là bao. Đáng tiếc hơn nữa là Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát dòng nước của những con sông. Họ xây dựng những siêu đập khổng lồ một cách ồ ạt trên khắp các dòng sông để đạt mục tiêu năng lượng cho năm 2020. Điều duy nhất ngăn cản sự bùng phát ồ ạt của những con đập là sự bùng phát mạnh hơn của virus Corona vào cuối 2019.

Trung Quốc đã vươn xa trở thành nước xây dựng đập lớn nhất thế giới với hơn 26.000 con đập lớn trong lãnh thổ của họ, nhiều hơn cả số đập của Mỹ, Canada và Brazil gộp lại. Họ cũng là nước xây con đập lớn nhất thế giới: đập Tam Hiệp với công suất 22GW. Điều mà họ quên nói là lượng năng lượng thuỷ điện này đến từ đâu? Những dòng sông của Trung Quốc đã ngập tràn những con đập lớn, chỉ có một nơi duy nhất nguồn năng lượng khổng lồ này có thể được tạo ra, ấy là từ những con sông nguyên sơ hùng vĩ của Tây Tạng. Mặc dù các kĩ sư Trung Quốc tuyên bố những công trình của họ là những công trình xanh nhưng thực tế chúng không xanh chút nào. Chúng mang lại cái chết và nhuốm màu chết chóc. Việc xây các con đập đã giết chết hệ sinh học đa dạng của địa phương, chưa kể nước tù đọng của hồ chứa làm thải ra lượng khí metan lớn do thảm thực vật thối rữa không thể thoát đi và biến cả hồ nước thành nước độc. Những con đập cũng chặn dòng của phù sa giàu dinh dưỡng khi chúng chảy về hạ lưu. Phù sa này rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp. Thiếu phù sa, đất đai trở nên cằn cỗi và thậm chí không thể gieo trồng. Đập nước cũng ngăn chặn những loài cá di cư ngược dòng do không có cách nào để bơi vượt những khối bê tông khổng lồ ấy để đi về đầu nguồn cả. Tóm lại, đập nước phá huỷ hệ sinh thái ven sông và cả hạ lưu sông nhiều hơn mức người ta có thể hình dung.

Trung Quốc không chừa bất cứ dòng sông nào mà nó có thể chạm tới. Khu vực Tam Giang Tịnh Lưu vốn dĩ được công nhận là Di sản thế giới vào năm 2003, nhưng chỉ vài tháng sau đó, các nhà thầu xây đập đã chuyển đến khu vực này. Khu vực di sản là khu vực có hệ sinh vật phong phú và được bảo vệ nhưng đáng tiếc các dòng sông trong khu di sản thì không được ai bảo vệ cả. Ba dòng sông: Dương Tử, Mekong và Salween. Khi các dòng sông trong khu vực bảo tồn bị hại, tất nhiên hệ sinh vật quanh nó cũng sẽ bị tổn thất nặng nề. Câu nói của Jianguo Liu thật là một câu nói hóc búa hoàn hảo: “Nếu chúng ta không thể bảo vệ đa dạng sinh học ngay trong khu bảo tồn, thì chúng ta còn có thể bảo vệ nó ở đâu?”

Vậy đa dạng sinh học là gì, và tại sao nó quan trọng? Nhà sinh vật học nổi tiếng người Mỹ Edward Wilson, người đã đặt ra khái niệm sinh học, đã nói:

“Nếu không có nấm đúng loại, sẽ không có thuốc kháng sinh. Không có cây dại, hoa quả và hạt giống có sẵn để nhân giống chọn lọc, thì sẽ không có thành phố và không nền văn minh. Không có sói, thì không có chó. Không có gà rừng, thì không có gà nuôi. Không có ngựa và lạc đà, thì đã không có phương tiện trên bộ ngoại trừ phương tiện kéo tay và ba lô. Không có rừng để lọc nước và thoát nước ra đều đặn, thì không có nền nông nghiệp – ngoại trừ các cây trồng kém năng suất trên cạn. Không có thảm thực vật hoang dã và thực vật phù du, sẽ không có đủ không khí để thở. Không có tự nhiên, thì cũng không có loài người. Tác động tiêu cực của con người vào sự đa dạng sinh học, nói ngắn gọn, là đang tự tấn công chính mình”.

Tội ác của những con đập

Giết chết cá: Việc xây đập ngăn các dòng sông đã ảnh hưởng ngay lập tức đến việc sự đa dạng của các loài cá. Đập ngăn cá di cư và nhốt chúng trong các hồ chứa tù đọng. Các nhà khoa học Trung Quốc đã cho rằng 40% các loài cá đã biến mất trong thời gian chỉ vài năm sau khi các con đập được xây dựng kèm tình trạng đánh bắt vô tội vạ.

Chặn phù sa: Phù sa là “ly cocktail” chứa tất cả những chất dinh dưỡng cần thiết cho cây phát triển. Nó được tạo ra từ chất hữu cơ của những thảm thực vật, lớp đất mặt, chất thải động vật, xác cá, vỏ ốc… Những dòng sông bắt nguồn từ Himalaya được biết đến là rất gìau phù sa so với các lưu vực sông khác trên thế giới. Khi sông không mang phù sa thì nông dân sẽ phải sử dụng phân bón hoá học nhân tạo để nuôi cây trồng. Các phân bón này chứa nitro là một hoá chất mà một phần nhỏ sẽ chuyển đổi thành nitrous oxide – một loại khí thải nhà kính được cho là mạnh gấp 300 lần khí CO2. Không chỉ nuôi cây, phù sa còn nuôi cả cá vì ẩn mình trong phù sa là các loài giun và ấu trùng vốn là thức ăn của cá.

Đối với nông nghiệp, phù sa là cứu tinh nhưng đối với các kỹ sư thuỷ điện, phù sa là một sự phiền toái vì nó có thể làm hỏng các tua bin vận hành. Một con đập có thể chặn tới 90% lượng phù sa của dòng sông, một nỗi buồn lớn đối với ngành nông nghiệp.

Những dự án siêu thuỷ điện, siêu đập của Trung Quốc có hai chức năng, một là tạo ra nguồn điện mà từ đó dẫn thẳng về những thành phố, những doanh nghiệp sản xuất đói điện. Hai là những con đập sẽ giúp người Trung Quốc đổi hướng dòng nước sông theo ý của họ. Và hiện nay, Trung Quốc đang nuôi tham vọng về một siêu dự án đổi hướng các dòng sông, từ sông Yarlung Tsang Po, Salween, sông Mekong, sông Dương Tử, sông Yalong và sông Dadu trên cao nguyên Tây Tạng đến khu vực tây bắc Trung Quốc và vùng lưu vực sông Hoàng Hà nhằm tạo ra một hành lang vận chuyển đường sông nhằm phục vụ công cuộc khai thác và sản xuất khoáng sản.

Quá trình khai thác dầu từ cát dầu và dầu mỏ đều cần một lượng nước khổng lồ để hoạt động và nước sau đó được xả trở lại các con sông dưới dạng nước ô nhiễm. Trong khi đó quá trình khai thác than cũng tiêu thụ một lượng lớn nước, chiếm khoảng 15% nước sử dụng trong ngành công nghiệp của Trung Quốc. Vì vậy, để phục vụ các ngành khai khoáng này, các dòng nước tự nhiên sẽ phải chảy theo ý của các kĩ sư Trung Quốc.

Không chỉ các dòng sông mà cả những con thác cũng vậy. Những dòng thác lớn đang dần biến mất và chỉ xuất hiện trong một số thời điểm đặc biệt trong ngày để phục vụ các khách du lịch, dưới sự điều khiển của các kỹ sư Trung Quốc. Họ có thể “bật” và “tắt” dòng thác theo ý của mình. Đây là những gì họ dự định sẽ làm với mọi dòn sông lớn chứ không chỉ những dòng thác.

Các dòng sông của Trung Quốc bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguồn nước ngầm thì đang cạn kiệt, đó là lý do Trung Quốc xem Tây Tạng như kho chứa nước của mình. Khi xây dựng các con đập, họ hứa hẹn sẽ hiện đại hoá cuộc sống của người Tây Tạng nhưng thực tế những tiến bộ công nghệ như nước chảy từ vòi chỉ dành cho những khu vực người Trung Quốc định cư sinh sống trên đất Tây Tạng, trong khi người Tây Tạng vẫn thường phải đi lấy nước từ những máy bơm lắp đặt trong các khu làng, hoặc phải gánh nước sinh hoạt từ những dòng sông hay suối gần đó.

Trung Quốc xây dựng đập trên sông Tây Tạng, làm ra điện và bán điện ngược lại cho người dân nơi đây. Những người du mục Tây Tạng bị cưỡng bức định cư trong các khu ổ chuột, phải trả tiền cho điện và nước – vốn là những tài nguyên của chính họ với cái giá bị thổi lên nhiều lần.

Trung Quốc đẩy mạnh việc khai thác và sản xuất nước đóng chai từ nguồn nước ngầm của Tây Tạng bằng hơn 30 công ty lớn. Nước đóng chai được chuyển đến các siêu đô thị ven biển phía đông Trung Quốc bằng đường sắt. Dù các thương hiệu nước đóng chai này có giá cao gấp ba lần các thương hiệu nội địa Trung Quốc nhưng nó vẫn hấp dẫn những người giàu có. Ngành nước đóng chai nhựa là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất trên trái đất, và cũng là một trong những ngành ít được quản lý nhất. Đây không phải tin tốt cho Tây Tạng vì đến 90% giá thành một chai nước là cho chi phí sản xuất vỏ chai nhựa, những chai nước bày bán dưới mác nước từ Tây Tạng thực tế chỉ là một sự ô nhiễm nhựa khổng lồ. Năm 2016 Trung Quốc sản xuất 73,8 tỷ chai nước và nó chiếm khoảng ¼ lượng nước đóng chai trên toàn thế giới. Cũng cần lưu ý, Trung Quốc được cho là phải chịu trách nhiệm cho 1/3 lượng rác thải nhựa trên khắp hành tinh này.

Không chỉ nước đóng chai, các nhà máy sản xuất bia cũng là một thủ phạm trong việc lấy đi nguồn nước ngầm quý giá của Tây Tạng. Và tại đây, Trung Quốc bán bia có khi còn rẻ hơn cả nước cho người dân Tây Tạng, dẫn tới một sự suy thoái về chất lượng của các thế hệ mới nơi đây.

Rắc rối trên những cánh đồng cỏ

Động vật hoang dã trên các cánh đồng cỏ đang biến mất. Những người du mục đang biến mất. Và ngay cả những cánh đồng cỏ cũng đang biến mất.

Điều này có công lớn bởi người Trung Quốc, họ không chỉ săn bắt động vật hoang dã, xới tung các cánh đồng cỏ để đào mỏ mà còn giới hạn người du mục chỉ được chăn thả trong một phạm vi rất nhỏ hẹp. Chưa hết, những người du mục vốn sống bằng nghề chăn nuôi gia súc cả ngàn năm nay, nay bị mất quyền chăn thả và bị ép sống trong những khu định cư tồi tàn và mất đi sinh kế. Như thể chưa đủ tệ, Trung Quốc còn liên tục đổ lỗi cho những người du mục trong việc biến mất của các cánh đồng cỏ này.

Nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hoang hoá đồng cỏ là do loài dê Cashmere. Dê Cashmere có bộ lông làm ra loại khăn quàng quý giá và đắt đỏ nhất trên thế giới (chỉ sau len của loài linh dương Tây Tạng). Để kiếm lợi từ loại len dê này, Trung Quốc đã tiến hành chăn thả chúng một cách ồ ạt trên diện rộng, bất kể sự thật rằng loài dê này không chỉ gặm cỏ ở cành mà chúng sẽ đào cả rễ cỏ lên khiến cho những cánh đồng cỏ dần biến mất. Khi đàn dê Cashmere này được chăn thả ở khu vực nào, nơi đó sẽ không còn cỏ cho các loài khác, kể cả loài bò yak vốn là con vật thông dụng nhất, với những chế phẩm từ sữa của nó rất gắn bó với đời sống người dân Tây Tạng: bơ sữa trong đồ ăn, trong trà, làm nến…

Trung Quốc dùng rào chắn để ngăn cản và không cho phép người du mục cùng đàn gia súc của họ di chuyển tự do trên đất của chính họ. Những hàng rào này tạo ra cái chết cho các cánh đồng cỏ sau hàng ngàn năm tồn tại.

Không chỉ người du mục, nông dân Tây Tạng cũng bị người Trung Quốc cướp đất và đuổi ra khỏi nơi họ đã sinh sống và canh tác. Trong hàng ngàn năm, nông dân trồng lúa mạch và đại mạch, làm ra bột tsampa rồi trao đổi chúng với người du mục để lấy pho mát và bơ. Nay toàn thể hệ thống trao đổi hàng hoá cơ bản này đã bị gián đoạn. Người du mục không còn bơ và sữa, người nông dân không còn bột để trao đổi – những thực phẩm thiết yếu nhất không còn có sẵn như trước cuộc sống dần trở thành cuộc sinh tồn.

Trà bơ – với bơ làm từ phô mai bò yak, nấu trong ấm được đun nóng bởi việc đốt phân bò yak – loại trà làm nên văn hoá và phong tục người Tây Tạng vốn từng là thứ vô cùng thông dụng. Người Tây Tạng yêu trà bơ đến nỗi họ có thể uống đến 40 cốc trà mỗi ngày. Thế nhưng giờ đây, trà bơ là thứ xa xỉ.

Người du mục đã sống sót qua những điều kiện và hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc sống trên độ cao. Vâng, họ đã vượt qua nhiều trở ngại nhưng giờ đây họ phải đối mặt với thách thức còn lớn hơn: bị mất đi sinh kế và bị nhốt trong những khu nhà định cư mà người Trung Quốc xây dựng.

Bò Yak là con vật tuyệt vời, chúng chỉ bị xẻ thịt khi vì lý do nào đó mà chúng chết đi. Còn không chúng là một tài sản quý báu đối với người Tây Tạng. Bò Yak không chỉ cho sữa làm bơ và pho mát, chúng còn cho phân để sưởi ấm và bón cho cây, chúng cho lông để dệt thành lều, dây thừng và túi. Chưa kể khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt khiến chúng trở thành những phương tiện vận chuyển hữu hiệu nhất. Khi bò yak chết, chúng không chỉ cho thịt mà còn cho da để làm ủng, thậm chí để làm cả thuyền để vượt sông. Người du mục Tây Tạng không nuôi bò yak để giết thịt vì kế sinh nhai của họ phụ thuộc vào những con yak còn sống và sinh sôi. Họ nuôi yak chủ yếu để lấy sữa và lông, hai thứ tối quan trọng để sinh tồn, làm thức ăn và nơi ở. Sau đó tới lấy phân – nguồn nhiên liệu của tổ tiên để sưởi ấm và đun nấu. Người du mục đã sống cuộc đời hoà mình vào tự nhiên, sống cùng tự nhiên như thế nhưng giờ đây họ bị nhét vào các khu định cư giữa chốn đồng không mông quạnh. Họ có rất ít kĩ năng cho việc kiếm sống, họ không có tay nghề, cũng không có khoá học nào dạy họ làm quen kĩ năng mới. Họ không thể đọc viết tiếng Hán hay kể cả tiếng Tây Tạng, vì vậy công việc thích hợp mà họ phải làm trong các khu định cư này chỉ là những việc như xây dựng, rửa chén bát, rửa xe… Kể cả những người du mục tự hào nhất trước đây bên đàn yak của mình, nay có khi phải cúi mình phục vụ trong những nhà hàng cho du khách Trung Quốc hoặc Tây phương những món ăn làm từ bò yak: bánh mì kẹp thịt bò yak, bánh bao nhân thịt yak, thịt yak nướng, mì xào thịt yak… Dường như mọi món từ yak đều có trong thực đơn, ngoại trừ món “tự do cho bò yak và người Tây Tạng”.

Không chỉ bò yak, những thứ độc nhất vô nhị của Tây Tạng cũng đang dần biến mất: Đông trùng hạ thảo Tây Tạng (chỉ xuất hiện trong lớp đất mặt ở độ cao từ hơn 3000 mét, giá trị của chúng được so ngang với vàng) hay chó ngao Tây Tạng, loài chó bảo vệ của những người du mục bị nhân giống để phục vụ nhu cầu ăn chơi xa xỉ của người Trung Quốc và khi họ chán, họ đưa chúng đến lò mổ.

Người du mục Tây Tạng từng là những chiến binh cứng rắn và bền bỉ, họ có thể chống chịu những điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhất, nhưng rồi cũng chẳng thể chịu nổi cuộc sống với những chính sách của người Trung Quốc. Họ mất đất, mất bò, mất nhà, mất văn hoá và thậm chí đang mất gần hết những bản sắc riêng của chính họ. Những người du mục ở Dari thậm chí khốn khó đến mức phải đi ăn xin và cố gắng sinh tồn ở một nơi họ không thuộc về. Trong mắt người Trung Quốc, người du mục bị xem là những kẻ lười biếng và lạc hậu.

Việc cưỡng chế người Tây Tạng bỏ lối sống cũ và theo “con đường mới” đã từng tạo ra những bi kịch khủng khiếp nhưng dường như Trung Quốc không quan tâm.

Vào năm 1958, Trung Quốc thực hiện cuộc cách mạng “Bước nhảy lớn” trên đất Tây Tạng, buộc người Tây Tạng bỏ trồng cây lúa mạch (thức ăn truyền thống) để chuyển sang trồng lúa mì cho phù hợp nhu cầu của Trung Hoa Đại Lục. Kết quả là tới năm 1962, hàng trăm ngàn người Tây Tạng đã chết vì đói, chưa kể hàng triệu (ít nhất 45 triệu) người Hoa đã chết ở Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông và thời điểm ấy, Mao trở thành kẻ sát nhân hàng loạt lớn nhất trong lịch sử loài người. Tổng số các chiến binh chết trong Thế chiến 2 ước tính là 55 triệu người. Nhưng không giống Stalin hay Hitler bị thế giới và lịch sử lên án mạnh mẽ, ngày nay bức chân dung của Mao Trạch Đông vẫn điềm tĩnh nhân từ nhìn xuống từ quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh mà không bị lên án hay phỉ báng chút nào.

Dưới danh nghĩa thiết lập những công viên, khu bảo tồn khổng lồ vào năm 2020, bốn trong số mười công viên quốc gia này được Trung Quốc nhắm vào Tây Tạng. Không ai biết họ sẽ làm gì trong những khu vực này vì Trung Quốc vốn dĩ không có tự do báo chí và thông tin nhưng trước mắt có thể thấy những người du mục Tây Tạng sẽ là những nạn nhân đầu tiên bị bắt ra khỏi vùng đất của họ, bị chuyển đến những khu định cư bê tông dưới lớp vỏ của “bảo tồn”.

Diện tích công viên và khu bảo tồn tăng lên ở Tây Tạng đồng nghĩa với chúng càng ít được bảo tồn. Những chương trình kiến tạo công viên thiên nhiên này chỉ là sự biện hộ chính đáng cho việc trục xuất hơn hai triệu người du mục Tây Tạng khỏi chính vùng đất của họ.

Không chỉ đất đai, văn hoá truyền thống mà tâm linh – nguồn an ủi tinh thần của người dân Tây Tạng cũng đang bị phá vỡ.

Đạo Phật là một trong những đặc trưng của người Tây Tạng với các đời Lạt ma truyền thừa gọi là Ban Thiền Lạt Ma. Nhưng ngày nay không ai trong số những Lạt Ma này sống tại Tây Tạng, họ phải lánh đi xa và nhường chỗ cho những “Lạt Ma” được Trung Quốc chọn lựa. Các nghi thức tôn giáo được các nhà sư thực hiện chỉ để thoả mãn những ống kính máy quay của khách du lịch Trung Quốc. Ban Thiền Lạt Ma do chính người Tây Tạng chọn, là một cậu bé 6 tuổi, đã biến mất cùng với toàn bộ gia đình vào năm 1995 và từ đó không còn xuất hiện nữa. Trung Quốc không đưa ra bất cứ lời giải thích nào về sự việc này.

Trung Quốc thực hiện các biện pháp đàn áp tôn giáo một cách vô cùng tàn bạo trên vùng đất linh thiêng này…

Thôi mệt quá hổng tổng hợp nữa, mời các bạn tải cuốn sách này về đọc miễn phí tại link:

https://drive.google.com/file/d/1PtOkAORLdjXfvNZyaAFEEStb8LEr5LEk/view?usp=sharing

Đọc xong thấy cần chia sẻ thì chia sẻ, và nếu muốn giao lưu trực tuyến với tác giả thì đợi thông tin về buổi ra mắt sách trực tuyến nhé.

Namaste!

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *