1. Ý nghĩa cuộc sống của bạn (Phi Tuyết) là gì?
– Là sống một cuộc đời chả bận tâm gì về ý nghĩa :)))
Nhưng này, câu hỏi thực sự quan trọng không phải là ý nghĩa cuộc sống của mình đâu, nhưng là của bạn ấy. Thay vì hỏi “ý nghĩa cuộc sống của bạn là gì?” hãy hỏi “ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì?” và tìm kiếm câu trả lời. Khi bạn tìm thấy rồi bạn sẽ nhận ra: đời chẳng có nghĩa gì cả và chính vì vậy mà nó đẹp tuyệt vời, tự do tuyệt vời!
Khoảnh khắc bạn chấp nhận và vui vẻ được với ý tưởng không có ý nghĩa trong cuộc đời, thế thì bạn tự do. Giống như một người không có nơi nào để đi, vô gia cư và lang thang, người đó có thể khóc than và nói “tôi không có nơi nào để đi hết” hoặc người đó cũng có thể cười vang và nói “giờ thì tôi có thể đi đến bất cứ nơi nào”.
Để tìm ra ý nghĩa cuộc đời bạn sẽ phải trải qua ba pha:
– Pha một: đi tìm ý nghĩa nhưng tìm kiểu gì cũng không thấy ý nghĩa đâu cả. (Ví dụ như chạy theo ý tưởng thành công của xã hội của người khác thì khi bạn thành công, bạn vẫn không hạnh phúc)
– Pha hai: phát hiện ra rằng ý nghĩa cuộc đời không phải thứ để “tìm” mà là thứ để ‘sáng tạo’. Bạn sẽ chuyển sang tự mình sáng tạo ý nghĩa cuộc đời mà mình muốn. (Tự bạn định nghĩa thành công là gì và tạo ra nó. Thành công không còn là vật chất nhưng là tinh thần, là tình yêu, là sự sáng tạo, là hạnh phúc…)
– Pha ba: Phát hiện ra cả thành công vật chất hay tinh thần đều chẳng phải ý nghĩa cuộc đời. Bạn phát chán và kệ mẹ ý tưởng về cuộc đời ý nghĩa, bạn thấy sống không ý nghĩa cũng chẳng sao, hoặc ý nghĩa nằm trong tất cả mọi sự đang xảy ra xung quanh bạn: ý nghĩa nằm trong giấc ngủ mỗi tối, trong đồ ăn mỗi ngày, trong hơi thở, trong tiếng cười, trong đoá hoa, trong ánh trăng, trong giọt sương, trong toàn vũ trụ… Bạn bật cười vì sự ngu ngốc của bản thân cả đời đã theo đuổi thứ ngay trước mắt. Đời bỗng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ vì bạn thấy ý nghĩa trong mọi sự tồn tại và đồng thời sự tồn tại ấy lại chả có nghĩa gì. Nói chung cái này chắc phải trải qua mới hiểu chứ mình cũng không biết giải thích sao nữa.
2. Em tính hỏi chị sao thời gian này không thấy đăng gì?
– Vì đăng cái gì cũng thấy ngu ngốc, vớ vẩn, bày đặt và dư thừa quá thành ra không đăng để cho bản thân một cơ hội bớt ngu ngốc, bớt mệt mỏi.
3. Nếu cái chết đến không báo trước, chị sẽ như thế nào?
– Nếu cái chết đến, thì chết thôi chứ còn thế nào nữa :))))
Nhưng ý của bạn là, bạn sợ chết. Có hai lý do khiến bạn sợ chết, một là vì bạn hiểu lầm cái chết là kết thúc, hai là vì bạn chưa bao giờ sống cả. Như một người nếu cả ngày đã làm đủ mọi thứ việc, đã yêu, đã làm việc, đã ăn, đã thưởng thức, đã yêu thương, đã cười, đã khóc, đã giúp đỡ người khác, đã sáng tạo, đã chiêm ngẫm, đã học hỏi, đã vui vẻ, đã từ bi… thế thì khi buổi đêm đến người đó vui vẻ đi vào giấc ngủ một cách bình an và cảm tạ. Người đó thậm chí còn đón chờ màn đêm tới. Nhưng người đã lãng phí cả ngày sống dật dờ không làm được một việc gì, chỉ để thời gian trôi qua lãng phí thế thì người đó rất sợ màn đêm xuống vì người đó sẽ một mình, người đó sẽ cô đơn trằn trọc, sẽ mệt mỏi chán nản vì tại sao giấc ngủ không đến, sẽ hối tiếc về một ngày đã lãng phí của mình, người đó sẽ không thể ngủ được và vì thế mà ghét màn đêm. Người đã thật sự sống, sẽ không còn sợ chết chút nào, người ấy đợi nó trong chúc lành và sẵn sàng bất kì khoảnh khắc nào nó đến.
Du lịch nhiều, yêu đương nhiều, ăn chơi nhiều, danh tiếng và vật chất nhiều không có nghĩa bạn đã sống nhiều chút nào. Nếu có thì cái nhiều này chỉ là chiều rộng thôi, nó không có chiều sâu. Nó giống như bạn mới chỉ đang hít hà hương vị của món ăn trên dĩa mà thôi, bạn chưa thực sự nếm. Người thiền định, người sáng tạo, người sống trong hiện tại mới là những người thực sự nếm món ăn cuộc đời bằng tất cả các giác quan: tay người đó sờ vào cuộc đời, mũi người đó ngửi, mắt người đó thấy, tai người đó nghe, lưỡi người đó nếm và răng người đó nhai, thưởng thức và nuốt và tiêu hoá… Nếu như bạn chưa từng “nếm” cuộc đời mà chỉ “ngửi” hoặc “sờ” hoặc “nghe”, thế thì bạn chưa sống và khi chưa sống, chắc chắn sẽ sợ chết.
Hiểu lầm về cái chết là: chết là hết. Chết không hết đâu. Cơn mưa tồi tạnh, mây đen tan đi bạn có nói là mây đen chết rồi không? Hoa nở rồi tàn, tan vào lòng đất nuôi nụ mới mọc lên, bạn có nói là hoa chết rồi không? Quả chín rữa phần thịt về lại đất, hạt mới mọc lên, bạn có nói là quả chết rồi? Lá xanh rồi vàng và rụng và tan vào mặt đất, bạn có nói là lá chết rồi? Mặt trời biến mất vào buổi đêm, bạn có nói mặt trời chết rồi? Con của bạn lớn lên không còn hình hài cũ, tính cách cũ, con người cũ, bạn có nói con của bạn chết rồi?
“Cái chết” là từ đã bị làm cho hiểu sai và thôi miên để mọi người nghe tới nó là sợ, như sợ ma vậy. Con người sợ ma nhưng bạn có biết thật ra ma mới sợ con người, sợ chết khiếp vì con người ác hơn ma, đông hơn ma, nguy hiểm hơn ma gấp bội?
Khi bạn chết, thân thể bạn tan vào đất nuôi các loài khác từ côn trùng tới cây cối. Thân thể là vật chất nó về với đất – đất là biểu tượng của vật chất, vật chất là phần năng lượng thấy được của sự tồn tại. Còn tâm trí và linh hồn bạn là năng lượng – nó về trời – trời là biểu tượng của phần năng lượng vô hình của sự tồn tại. Đất và trời là một, chỉ là dạng khác nhau của năng lượng. Thân thể và linh hồn cũng vậy. Thân thể tan ra nuôi dưỡng đất, linh hồn (gồm tâm trí và phần năng lượng tinh thuần vô trí) sẽ lơ lửng và sớm đọng lại trong thân thể khác, nó sẽ hoá thân thành bông hoa mới, cây mới, quả mới, con người mới. Năng lượng không tự sinh ra hay mất đi, nó biến đổi. Nhận biết về năng lượng này, rằng bạn là năng lượng, người khác là năng lượng, mọi sự quanh bạn là năng lượng. Tất cả đều đến từ một nguồn và sẽ trở về một nguồn. Tất cả là một. Khoảnh khắc bạn nhận ra vẻ đẹp của “sự thật” ấy thế bạn tự dưng bạn sẽ thôi bận tâm đến khía cạnh vật chất bên ngoài của cuộc sống, nhưng thay vào đó là nhiều bận tâm hơn về khía cạnh làm sao để chuyển hoá năng lượng của bạn lên “mức” cao hơn, “sạch” hơn, “nhẹ” hơn, thanh khiết hơn. Thiền là việc chuyển hoá này, nó là giả kim thuật đích thực, nó biến đổi bạn và đời bạn từ “vật chất” sang “tinh thần” – năng lượng tinh tuý.
Càng sống nhiều trong thiền, tham lam mất đi, sợ hãi mất đi, lo lắng mất đi, nhị nguyên mất đi, kì vọng mất đi… thế thì còn gì mà sợ? Thế thì sợ chết cũng mất.
Nhận ra là mình sợ chết đi, điều đó rất quan trọng, nó cho bạn thấy rằng bạn chưa bao giờ sống cả. Rồi bắt đầu sống đi, đi vào bên trong, đừng chỉ đi bên ngoài nữa. Cứ du lịch, cứ ăn chơi, cứ làm việc nhưng nhanh chóng thấy chán đi, chán đến độ không còn muốn làm bất cứ gì, chỉ ngồi im. Và trong sự ngồi im sâu lặng đó mà xuân tới và cỏ tự nó mọc lên, và hoa sẽ mưa xuống.
4. Em muốn hỏi “Chỉ khi không câu hỏi nào còn lại chúng ta mới biết mình là ai và mình đang làm cái quái gì ở đây?” nghĩa là sao chị?
– Nghĩa là thiền đó, thiền đi!
Gợi ý cho những ai chưa bao giờ thiền, không biết thiền làm sao và thiền như thế nào: hãy thử nhiều lần trong ngày, ngồi im không làm gì, không suy nghĩ thì quá tốt, còn nếu suy nghĩ thì quan sát suy nghĩ của mình – ngồi im không làm gì như vậy chỉ một phút thôi. Chỉ một phút thôi và khoảng 3-5-7 lần – bao nhiêu lần mỗi ngày cũng được, bất kể khi nào bạn có thể: trước khi đi ngủ ngồi im tỉnh táo trong một phút, sau khi ngủ dậy, trước bữa ăn, khi đi toilet, khi đứng trong thang máy… Một phút thôi và rồi nâng dần lên khi bạn đã “nếm” được hương vị tuyệt vời của nó.
Ai “mạnh” hơn có thể thử việc trong một ngày hay một tuần, một tháng: nói ít nhất có thể, tụ tập ít nhất có thể, online ít nhất có thể – thử cảm giác tan biến đi, như thể mình không là ai, mình không tồn tại, mình chả là cái quái gì trên đời này, thấy cuộc đời mình sao mà vô vị, vô nghĩa thế… Thử đi và quan sát bản thân mình trong suốt thời gian này bạn sẽ thấy nhiều thứ mà bạn chưa bao giờ thấy, nghe những thứ bạn chưa bao giờ nghe và nếm những hương vị mới của cuộc đời mà bạn chưa bao giờ nếm. Sẽ có nhiều cô đơn, nhiều sợ hãi, nhiều hoài nghi, nhiều chán nản, nhiều thất vọng, nhiều tranh đấu, nhiều lần bỏ cuộc – nhưng bạn cũng sẽ đồng thời thấy một sự bình an sâu sắc mà bạn chưa bao giờ thấy trước đây. Bình an đó là thiền. Không ai lấy đi khỏi bạn được và hương vị của nó thanh khiết đến độ bạn không muốn để bất cứ tham lam sợ hãi nào vấy bẩn nó, và bạn sẽ nghiện nó ngày một nhiều hơn.
Nói chung là, không có thiền: khoảnh khắc không suy nghĩ, trống rỗng, sống trong hiện tại, thảnh thơi, chấp nhận, tỉnh táo này – bất kể đời bạn làm gì, có gì, đạt được gì, bạn là ai – cũng đều vô nghĩa.
5. Một phút bạn thở bao nhiêu nhịp?
– Hổng biết, mình chưa đếm bao giờ.
Nhưng có thể nói là mình quen với việc thở bụng (thở đan điền) do thói quen từ việc tập yoga lâu năm, thành ra hơi thở của mình đều, chậm và sâu hơn đa phần mọi người thở ngực. Còn cụ thể bao nhiêu nhịp một phút thì thật sự hổng biết mà cũng hổng thấy muốn biết hay cần biết tí nào hihi
Nhưng có quan trọng không? Việc đếm hơi thở này mình thấy giống như một người phải đếm cừu để ngủ. Có quan trọng không khi một người chẳng cần đếm cừu vẫn ngủ và một người thì phải đếm tới cả ngàn mới có thể ngủ? Việc đếm quan trọng hay việc ngủ quan trọng? Đếm là để ngủ, mục đích của đếm là để người ta chán mà đi vào giấc ngủ. Ngủ là tự nhiên, phải đếm cừu để ngủ là không tự nhiên.
Việc đếm hơi thở cũng vậy, nó là cách thức để thiền nhân quan sát bản thân và lờ đi sự hoạt động của tâm trí. Khi bạn có thể lờ tâm trí một cách tự nhiên rồi thì sẽ chẳng bận tâm việc đếm bất cứ gì: đếm cừu, đếm hơi thở, đếm tiền, đếm thời gian, đếm số người quan tâm bạn…
Đếm thở là một cách thức để cho tâm trí ngưng đếm các thứ khác nhưng bản thân nó vẫn là đếm. Hãy ngừng đếm! hãy ngừng làm những việc phi tự nhiên để cho cuộc sống được trôi chảy tự nhiên.
6. Chị ơi, năng lượng tích cực lấy từ đâu?
– Từ các khoá đào tạo bán hàng đa cấp á :)))
Hoặc trong cuốn “Sống như ngày mai sẽ chết” của Phi Tuyết nữa. Đọc xong đảm bảo năng lượng tích cực ngồn ngộn như ngực độn luôn :))
Nhưng vấn đề không phải làm sao để có năng lượng tích cực mà là làm sao để giữ năng lượng đó được lâu. Cách thức giữ nó được lâu là phải chuyển năng lượng tích cực đó vào trong hành động cụ thể, nhìn thấy cái năng lượng đó sinh ra kết quả, ra hoa trái thì mình mới có “nhiên liệu” mà giữ cho nó cháy. Chứ có năng lượng tích cực rồi mặc cho nó tiêu biến luôn thì cũng chẳng có tác dụng gì cả. Hành động chính là nhiên liệu giữ cho ngọn lửa tích cực cháy lâu.
Nhưng sẽ tới một điểm khi bạn nhận ra năng lượng tích cực cũng chẳng tốt vì nó vẫn là một cực, cực đoan, cực bên kia là tiêu cực. (Bản thân mình giờ hổng thích mọi thể loại “cực”, sống mà không cực thì thích hơn hê hê) Hai thứ này luôn luôn song hành như ngày và đêm, việc chỉ bắt bản thân phải “ngày” liên tục sẽ khiến bạn rất mệt mỏi và chán ngán. Cũng chán hệt như quá tiêu cực vậy. Nếu tất cả mọi người đều quá tích cực trong mùa virus và không sợ hãi, thoải mái ôm hôn nhau ở mọi nơi thì có thể thế giới ngỏm củ tỏi hết rồi quá :)) Quá tích cực lẫn quá tiêu cực đều không tự nhiên. Nó giống như cuộc đời chỉ toàn nước mắt hoặc toàn tiếng cười, làm sao có được? Vì trong tận cùng của nước mắt cay đắng người ta thường sẽ cười, cũng như khi cười quá mê say người ta cũng sẽ chảy nước mắt vậy. Nó là song hành, nước mắt và tiếng cười luôn song hành. Tích cực và tiêu cực cũng nên như vậy. Người ta cần nước mắt cũng nhiều như cần tiếng cười. Người ta cần đau khổ cũng nhiều như cần hạnh phúc, vì không có đau khổ sẽ không có khả năng biết hạnh phúc là gì. Chưa từng đói làm sao biết niềm hạnh phúc của cái no?
Sống một cuộc đời không đi về “cực” nào cả là lối sống tự nhiên, rất khó. Nó là con đường trung đạo, là vô vi, là hoàn toàn chấp nhận và tin cậy mọi sự xảy đến mà không phán xét lẫn tranh đấu.
Tập nhìn ra cái tích cực của cái tiêu cực đi, đó là cái tích cực duy nhất cần học. Nó là bài học cuối cùng của “sống tích cực”. Sau bài học này tự dưng sự phân chia tích cực – tiêu cực tan biến đi và bạn sẽ được nếm trải một cảm giác bình an tuyệt vời của cuộc sống.
Cách thức đơn giản nhất để học tích cực: đặt câu hỏi: nếu thì…
– Nếu mai tôi chết, thì sao?
– Nếu mai cả gia đình tôi chết, thì sao?
– Nếu tôi cô đơn cả đời, thì sao?
– Nếu tôi không là ai cả, thì sao?
– Nếu cuộc đời này chẳng có nghĩa gì cả, thì sao?
Đặt những câu hỏi tiêu cực nhất, nếu bạn tìm được câu trả lời tích cực cho nó và khiến bạn không còn sợ hãi gì, thế thì sẽ không còn sợ sự tiêu cực nữa. Thế thì sẽ thấy bình an. Trong bình an này, mọi thứ đều tích cực cả: cái chết là tích cực, nó là cơ hội cho sự hồi sinh. Phá sản là tích cực, nó là cơ hội để học buông bỏ. Bệnh dịch là tích cực, nó là cơ hội để nhìn lại đời mình. Cô đơn là tích cực, nó là cơ hội để sống thiền… Mọi sự đều tích cực, thật luôn. Chỉ cần học cách quan sát sự tích cực ẩn sau những vỏ bọc tiêu cực mà tâm trí bạn đã bị thôi miên cả đời mình.