Nước mắt và sự nhận biết về khổ

“Bất cứ khi nào bạn nhận biết mình đang làm người khác khổ, bạn bật khóc.”
Hãy thiền và chiêm niệm câu nói ấy.
Khi tôi còn nhỏ, khá nhỏ, khoảng dưới mười tuổi, một trong những lý do khiến tôi khóc nhiều là mỗi lần quan sát cha mẹ mình vất vả. Tôi quan sát kĩ và khóc nhiều đến nỗi nó hằn vào tâm hồn tôi một phản xạ, chỉ cần nghĩ về nó thôi cũng đủ khiến nước mắt tuôn chảy, như lúc này.
Nhà tôi sống trong ngôi làng nhỏ và có một cửa hàng tạp hoá. Cửa hàng cho chúng tôi nhiều phúc lộc, chúng tôi không bao giờ thiếu ăn thiếu uống, cửa hàng cũng đồng thời cho tôi nhiều cơ hội để quan sát cuộc đời. Nơi chúng tôi ở, mùa mưa bão kéo dài gần 6 tháng và không một ngày nào trong suốt thời thơ ấu của tôi mà mẹ tôi không thức dậy từ 2-3 giờ sáng để đi chợ cất hàng. Những ngày mưa bão con đường đất đỏ trơn trượt lầy lội đến nỗi một người đàn ông khoẻ mạnh đi xe không còn khó khăn vất vả, vậy mà mẹ tôi luôn chất hai sọt hàng to đùng trên con xe cà tàng và đi trong làn mưa gió ấy, trên con đường trơn trượt ấy, để lo cái ăn cái mặc cho cả gia đình.
Tôi nhớ những buổi sáng giúp mẹ dỡ hàng ra khỏi xe, những gói hàng dính đầy bùn đất, mẹ tôi cũng đầy bùn đất, tôi đem những gói hàng đi rửa mà nước mắt rơi lã chã, tôi thương mẹ quá, tôi chẳng biết làm gì giúp đỡ được, tôi chỉ biết khóc thôi. Mẹ tôi chưa một lần phàn nàn về những vất vả ấy, tôi cũng chẳng nghĩ gì nhiều khi khóc, tôi chỉ biết là mình thương mẹ quá.
Mẹ tôi vất vả trên đường đi chợ, cha tôi cũng chẳng sung sướng gì hơn vào cái thời buổi ấy. Mẹ đi chợ cất hàng thì cha ở nhà mở cửa hàng từ năm rưỡi sáng, quét tước dọn dẹp trong khi chúng tôi còn say ngủ, rồi nếu đường xá trơn trượt quá thì cha sẽ đi đón mẹ. Khi họ về thì chúng tôi cùng nhau dỡ hàng, phụ cha mẹ bán hàng buổi sáng rất đông khách, rồi chúng tôi đi học, mẹ trông cửa hàng, cha lên vườn chăm rẫy cà phê hoặc đồi trà.
Tôi khóc thương cha nhiều nhất là trong những ngày lén nhìn ông vác những bao phân đi bón cho khu vườn hay những ngày ông phải đeo những bình thuốc trừ sâu nặng trịch trên vai dù chúng tôi đều biết ông thường bị những cơn đau lưng hành hạ. Điều đó cũng đáng buồn nhưng việc làm khiến chạm sâu tâm hồn tôi nhiều nhất, cắt tâm hồn tôi nhiều nhất, là khi tôi len đi theo nhìn ông gánh những thùng phân từ hầm xí của nhà tôi để đi bón vườn. Thời ấy không có hầm xí tự hoại, người ta hay đào những bể, rồi ủ luôn làm phân. Chỉ cần nghĩ đến nó cũng đủ khiến tôi mắc ói, thời ấy cũng vậy mà bây giờ cũng vậy. Cái mùi nồng nặc ấy, cái cảm giác bẩn thỉu ấy khiến cho bất cứ ai cũng chỉ muốn tránh càng xa càng tốt. Vậy mà cha tôi phải làm công việc ấy, vì vườn tược, vì gia đình, vì con cái, vì tôi.
Tôi ghét thấy mình lúc đó, lén đi theo cha vì cha không cho tôi đi theo, nhưng tôi cứ lẳng lặng đi theo, vừa căm ghét cái mùi xú uế, vừa thương cha phải làm cái công việc bẩn thỉu, vừa ghét bản thân mình vì… làm khổ cha.
Thật kì lạ, ngày xưa tôi thường khóc thầm vì thương cha mẹ, nhưng chỉ khóc và thương thôi, không nghĩ được gì nhiều cả. Thậm chí hồi ấy tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng mình khóc là có lý do, hay nếu có lý do thì đó đơn giản là vì tôi thương cha mẹ. Làm sao tôi có thể nhận ra nước mắt đó là tôi đang nhận biết về những nỗi đau của chính mình? Không cách nào biết được.
Cái hay của việc hành xử theo bản năng, theo trực giác, là bạn làm gì đó nhưng không bao giờ biết được nguyên do.
Thế rồi tôi lớn lên, vẫn khóc nhiều như hồi thơ bé và lý do để khóc thì lại càng đa dạng. Tôi là doanh nhân nước mắt bán buôn. Có lẽ Thượng đế lỡ tay trút hết cả bình nước mắt khi ngày tạo ra tôi hồi nào đó.
Nước mắt là thứ thể hiện sự nhạy cảm của con người, khi chỉ điều nhỏ xíu cũng đủ khơi lên trong người đó vô vàn cảm xúc. Và sự nhạy cảm là dấu hiệu của một linh hồn đầy nhận biết. Mãi sau này tôi mới biết điều ấy.
Chuyện tôi thường xuyên khóc thì những người xung quanh tôi chẳng còn lạ gì. Họ thậm chí còn xem nó bình thường hệt như chuyện tôi thường xuyên cười lớn vậy. Cuộc đời tôi số nước mắt và nụ cười luôn ngang nhau, có lẽ đó là lý do tôi luôn sống trong cân bằng hoàn hảo.
Những hôm rồi tôi lại khóc, khóc khá nhiều, và lần đầu tiên, tôi thấy đủ đầy mọi lý do cho những giọt nước mắt của mình, trong từng trường hợp.
Có lần tôi khóc vì bất lực khi bản thân không thể tận hưởng mọi sự một cách toàn bộ, tôi khóc vì nhận ra mình đang sống chia chẻ trong khoảnh khắc đáng lý ra phải rất vẹn toàn.
Có lần tôi nhận ra mình khóc vì ngay khoảnh khắc đó, tôi toàn bộ. Không chỉ tôi toàn bộ, mà người ở cùng tôi cũng đang trong toàn bộ hoàn hảo. Cái toàn bộ bao la ấy đột nhiên xuất hiện trở lại, tôi nhận ra nó, tôi vui mừng quá mà khóc nấc lên.
Lại một lần khác, tôi khóc và nhận ra mình khóc vì mình giận bản thân quá, tôi khóc vì tôi làm khổ tâm những người mà yêu thương tôi nhiều thế.
Thật là hay. Từ hôm ấy, tôi thiền nhiều về nước mắt. Tôi thường ngồi chiêm niệm, để cho luân hồi chạy lại trong đầu mọi tình huống mà tôi thường khóc, từ nhỏ đến lớn và tôi ngạc nhiên hết sức khi nhận ra một sự thật bất ngờ: Tôi đã khóc nhiều, mỗi khi tâm thức tôi biết rằng tôi đang làm khổ người khác.
Tôi biết vì mình, vì con cái là mình, mà cha mẹ tôi phải sống khổ thế. Nó làm tôi khóc.
Tôi biết vì mình, vì mình không làm đúng điều mình hứa, mà người tôi yêu thương đã sống nhiều khoảnh khắc trong khổ tâm thế. Nó làm tôi khóc.
Tôi biết vì mình, vì những kỳ vọng vô lý của mình áp lên người xung quanh, áp lên cả Rio nữa, khiến họ sống chia chẻ, không hạnh phúc. Nó làm tôi bật khóc.
Hoá ra có một sự thật kì lạ như thế, đây là sự thật của tôi, tôi không biết nó có phải sự thật của bạn hay không, nhưng tôi biết nó là sự thật của tôi, rằng: có lẽ đến 70% nước mắt của tôi đến từ nhận thức của linh hồn khi nó biết rằng nó đang hành xử theo cách mà khiến người khác khổ, dù vô tình hay hữu ý.
Tạo ra khổ, là có tội.
Mỗi khi tôi nhận biết mình làm ai khổ, tôi khóc, đó là giọt nước mắt ăn năn của linh hồn. Đôi khi cũng là giọt nước mắt bất lực nữa. 30% nước mắt đến từ thiêng liêng, khi tôi toàn bộ trong hiện tại, hiện hữu trọn vẹn và cảm nhận Thượng đế tràn ngập bên trong mình. Mỗi lần đầy ắp hồng ân như vậy, nước mắt cũng chảy ra.
Thật tuyệt vời khi nhận biết về điều này, về sự thật này. Thật nhẹ nhõm!
Tại sao tôi gọi nó là sự thật à, vì nó giải phóng tôi…
***
Hôm ấy viết vội tới đây thì đi yoga nên không kịp viết hết ý. Lúc yoga về mở máy lên thì không còn mood viết nữa, thành ra quẹt đại mấy cái gạch đầu dòng này để cho bạn, nếu có quan tâm chủ đề này, thì chiêm ngẫm về nó nhiều hơn:
1. Người khác là tấm gương để bạn soi rọi chính mình. Nếu như người khác là một tấm gương sáng trong tinh khiết, như một đứa trẻ chẳng hạn, thì bạn càng dễ soi được “tội” của bạn hơn. Rất nhiều cha mẹ rớt nước mắt khi thấy con mình khổ, và ý thức được luôn rằng khổ này do họ tạo ra, thế là họ khóc. Dễ khóc trước một đứa trẻ hơn nhiều so với khóc trước một người lớn khác. Vì đứa trẻ ngây thơ tinh khiết, nó soi “tội” của bạn ngay tức thì, không chối cãi được. Nhưng mọi người thường không nhận ra nước mắt này của họ là nước mắt đến từ ý thức tạo khổ của chính họ.
2. Nước mắt cực kì tốt. Nó là cách thể hiện những cảm xúc không thể diễn đạt bằng lời. Trẻ em là vô hạn cảm xúc và rất ít lời, cho nên chúng cực kì dễ khóc. Người lớn nhiều lời và nhiều đè nén nên khó có thể khóc, đó là lý do họ mất đi sự tươi mới, ngây thơ khi họ lớn dần lên.
3. Phán xét nước mắt của đứa trẻ bằng việc nói những câu như “có thế mà cũng khóc”, “con trai không được khóc”… cũng gần như một tội ác vậy. Nó sẽ làm đứa trẻ kìm nén cảm xúc lại và chai sạn hơn. Điều này gây hại về tâm lý rất nhiều cho gần như tất cả mọi người.
4. Mọi nước mắt đều có nội dung và lý do, kể cả nước mắt phúc lạc – loại nước mắt rơi chỉ vì toàn bộ và đầy tràn ân sủng – nếu bạn có thể nhận diện được lý do những giọt nước mắt của bạn lẫn của người khác, bạn sẽ thấy chúng thực là những món quà vô giá.
5. Dễ tìm người để cười cùng nhau, nhưng nếu bạn có thể tìm được những người mà bạn có thể khóc cùng – thật phước lành cho bạn!
gì nữa nhờ, sơ sơ vậy thôi!
à.
6. Khi nói, “bạn làm người khác khổ, bạn khóc” – điều này cũng đúng khi “người khác =. bản thân bạn”
Tức là “Khi bạn nhận biết bạn làm mình khổ, bạn khóc” – đây là nước mắt của nhận biết, của bước ngoặt tâm linh. Bởi vì phải nhận ra việc mình đang làm mình khổ, thì bạn mới bắt đầu lau nước mắt để mà tìm cách thoát ra khỏi vòng luân hồi của khổ. Còn cho rằng khổ của mình là do người khác tạo ra, bạn sẽ còn khổ dài dài.
Namaste!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *