Giá trị của lời khuyên nằm ở sự chân thành, và im lặng là sự chân thành duy nhất

Một trong những lý do khiến lời khuyên miễn phí trở nên vô dụng, ấy là khi nó thiếu sự chân thành, từ cả người hỏi lẫn người cho.

 

Người hỏi thiếu chân thành là khi người đó hỏi ý kiến bạn nhưng không theo cách ngây thơ, mở lòng. Trước khi người đó hỏi bạn, người đó đã có sẵn câu trả lời rồi. Người đó hỏi bạn chỉ để tìm sự đồng tình của bạn, tìm sự ủng hộ của bạn. Nếu bạn không đồng tình, người đó sẽ ném lời khuyên của bạn ngay vào sọt rác.

 

Tôi biết điều này bởi vì tôi cũng đã từng đi tìm lời khuyên và rồi nhận ra, tôi có xu hướng khoái nhất là những lời khuyên… hợp ý mình và tất nhiên, ghét lời khuyên không hợp ý mình. Ví dụ, khi tôi đem tập bản thảo cuốn sách đầu tay đến cho một người thầy tôi quý trọng để xin ý kiến về việc ra sách, không liếc nhìn đến một cái, vị ấy bảo tôi hãy quên ý định đó đi, trải nghiệm nhiều hơn đã. Tôi về, nghe theo lời khuyên, vứt bản thảo vào sọt rác nhưng đồng thời cũng vứt cả sự tôn trọng người ấy nữa. Tôi cảm thấy bị xem thường, tôi giận, giận ghê lắm.

 

Mãi sau này, khi thời điểm đúng tới, chính bản thảo đó đã trở thành sách bestsell và giúp tôi nhận ra một sự thật: việc xin lời khuyên là vô nghĩa, cái gì đến thì sẽ đến, quả chín sẽ tự rụng, không ai ngắn được. Việc tôi tức giận với lời khuyên ấy chẳng có giá trị gì, ngay cả lời khuyên của thầy ấy cũng vậy. Rốt cục mọi thứ đều có ý nghĩa hoặc chẳng cái gì có nghĩa lý gì. Hay làm sao.

 

Đây là điều rất thường xảy ra: Ai đó cho lời khuyên hợp ý bạn, bạn khen người đó hay, hiểu biết, hiểu chuyện. Sự thật là người đó chỉ đang làm mạnh thêm cho điều bạn đã kết luận rồi, người đó làm mạnh bản ngã và ham muốn của bạn. Bạn khoái lời khuyên kiểu này lắm.

 

Bạn đang muốn ăn chay, ai đó nói tốt về ăn chay, bạn khoái lắm. Ai đó nói không nên ăn chay, bạn bực lắm, cho rằng người kia chẳng biết gì. Tương tự với người ăn thịt, cũng thế.

 

Ai đó hỏi tôi rằng họ có nên kết hôn không? Nếu người đó đã muốn kết hôn sẵn rồi, thế thì người đó sẽ khoái nghe những câu chuyện hôn nhân hạnh phúc, sẽ thích tìm cách để giữ hôn nhân hạnh phúc. Người đó nhất định sẽ không thích nghe lời cản trở, kể cả khi người đó biết sự thật rằng bạn trai mình còn trẻ con và chưa đủ chín muồi cho hôn nhân. Người đó vẫn sẽ khoái nghe khuyên kiểu như là, “Cứ cưới về đi, có gia đình là người ta tự có trách nhiệm, anh ta sẽ lớn, sẽ trưởng thành.” Nhưng logic rất đơn giản không ai muốn nghe là: khi một người sống riêng một mình còn không có trách nhiệm, làm sao khi sống cùng người khác lại khiến anh ta thành có trách nhiệm được? Kết hôn, sống hai mình sẽ khiến anh ta nhân hai lần vô trách nhiệm lên chứ? Người ta chỉ có thể nhân cái họ đang có, nhân cái mình không có thì chỉ có thể là Mirad với bàn tay hoá vàng. Anh ta có phải Mirad không? Mọi cô gái đều biết nhưng chẳng ai khiêm tốn để thừa nhận, cô nào cũng cho rằng có mình, anh ta sẽ là Mirad. Ngây thơ!

 

Thường các cô gái ít khi hỏi ý ai trong việc kết hôn, có lẽ vì không ai đủ can đảm lắng nghe lời phản đối. Tôi thường nghe các bạn xin lời khuyên trong việc kinh doanh nhiều hơn.

 

Ngay từ khi ra trường tôi đã bước vào kinh doanh nên trong đám bạn bè cũng được coi như có kinh nghiệm. Tôi mở các cửa hàng thời trang, quà lưu niệm, quán cà phê, tiệm cho thuê đồ chụp ảnh, mô hình chợ mini từ rất sớm nên sau này khi các bạn muốn nghỉ việc làm thuê để mở tiệm gì đó, họ thường xin tôi lời khuyên.

 

Tôi khuyên rất chân thành, rút từ kinh nghiệm trực tiếp của mình, những bài học quan trọng nhất mà vì nó tôi thành công hay thất bại. Tôi có nhiều kinh nghiệm thất bại hơn thành công. Tôi mở 10 cửa hàng thì chỉ hai cái thành công, tám cái thất bại. Thất bại theo nghĩa không sinh lời như tôi mong muốn, chứ chưa từng bị lỗ vốn. Giờ nhìn lại, mở cái gì làm ăn mà không bị lỗ vốn là có thể coi như một loại thành công rồi chứ đùa.

 

Một thời gian bạn bè thường xuyên hỏi tôi lời khuyên về việc mở quán cà phê hay mở shop quần áo. Tôi nói với họ về việc chấp nhận rủi ro, khi không có kinh nghiệm thì mức rủi ro cao nhất là mất toàn bộ vốn, họ có dám nhận mức đó không? Nếu không thì chưa nên làm, một khi đã làm và đã chấp nhận cái tệ nhất, thế thì bạn không thể nào bị thất vọng được nữa. Bạn không thể tệ hơn cái tệ nhất được. Thế thì sẽ đỡ áp lực hơn.

 

Ai mới bắt đầu nghĩ đến kinh doanh cũng tự tin ngời ngời, nhìn đời toàn màu hồng, nhưng sự tự tin này không đến từ thực chất, nó đến từ tưởng tượng, từ hi vọng. Một phần vì những người kinh doanh thường hay PR về mình quá nhiều, tạo vỏ bọc thành công quá nhiều khiến mọi người khác đều ngộ nhận cứ kinh doanh là thành công. Chuyện đâu đơn giản như vậy.

 

Ví dụ ai đó nói, tôi muốn mở cái này ở khu này vì chưa ai mở cả. Nó có thể là ý tưởng tốt, nhưng nó cũng có thể là ý tưởng cực dở – mở một thứ không ai mở, ở nơi chưa ai mở không phải khi nào cũng là ý hay. Rồi ngược lại, họ nói ‘tôi không mở ở khu đó đâu, nhiều quá rồi’. Bạn lại chưa hề biết tí gì về cái lợi của “buôn có bạn, bán có phường” rồi. Người Hoa kinh doanh thành công đôi khi chỉ nhờ bí kíp quan trọng đó đó. Mỗi mặt hàng khác nhau lại cần đặc tính khác nhau về vị trí, về bày biện, về đủ thứ. Người chưa có kinh nghiệm gì lại thường là những người khăng khăng bảo thủ nhất. Lạ lùng! Rốt cục không biết bạn đi hỏi lời khuyên làm gì khi bạn đã biết mọi sự và tin rằng mình luôn đúng, mình sẽ thành công, mình không cần nghe gì thêm nữa?

 

Ai đó bảo, “Tôi muốn sang quán cà phê này vì giá sang rất rẻ, chủ quán bận không quản lý được, mà quán đông khách lắm, tôi xem trên fanpage rồi, sang là vào kinh doanh được ngay…” đây là người dễ mất tiền nhất. Bạn nên nhớ, khi một việc kinh doanh mà ngon nghẻ, không ai muốn bán nó, không ai cả. Nếu họ muốn bán, họ sẽ để cho người thân hoặc họ sẽ tìm thuê người quản lý. Hoặc nếu họ vẫn muốn bán, họ sẽ bán với giá rất cao, chẳng ai cho không ai một mô hình ngon lành cả. Nếu có thì việc nhượng quyền đã chẳng xuất hiện làm gì.

 

Tôi bảo người ấy, “Nếu bạn thực sự muốn lấy lại cửa hàng đó, bỏ thời gian ra, đến đó ngồi đi, hoặc ngồi gần đó và quan sát ít nhất một tuần xem mỗi ngày lượng khách hàng thực tế là bao nhiêu, trung bình khách chi trả bao nhiêu, đừng nhìn trên fanpage, fanpage là thứ tệ nhất để đánh giá một việc kinh doanh vì nó là tự mèo khen mèo dài đuôi, chẳng nghĩa lý gì cả.”

 

Đa phần những người tìm đến tôi để xin lời khuyên về quán cà phê, tôi đều cảnh báo họ rất thật tâm, về việc sẽ mệt mỏi như thế nào, cạnh tranh như thế nào, bỏ tiền chẵn thu tiền lẻ lâu như thế nào… và tất nhiên, họ đều bỏ ngoài tai tất cả. Họ đang muốn mở quán cà phê, họ muốn nghe bạn nói những điều như là “ừ tốt lắm, làm đi, bạn sẽ là chủ, bạn sẽ gặp được những người rất hay, bạn sẽ chỉ vất vả tí thời gian đầu thôi rồi sau đó sẽ chỉ ngồi im thu tiền.”

Người ta không thích nghe lời khuyên nào trái với ý họ, đó là thực tế đau lòng của việc đi xin lời khuyên, nhưng không chân thành.

 

Mỗi khi ai đó xin lời khuyên, ban đầu tôi thường cho nhiều cảnh báo, nhưng rồi tôi nhận ra chẳng ai bận tâm lời khuyên của tôi cả, họ vẫn cứ làm điều họ muốn lúc ban đầu, và rồi họ thất bại, và rồi họ đến nói chuyện với tôi với điệp khúc lặp đi lặp lại: “Biết vậy hồi đó…”

 

Đấy là quán cà phê – thứ tôi nhận là mình đã thất bại, dù rằng trong mắt người khác thì quán của tôi khá thành công, quán rất xinh xắn, thường đông khách. Nhưng không ai hiểu để giữ cho quán đông khách như thế tôi đã phải mệt mỏi đến mức nào, tôi phải kiệt sức chạy theo nhu cầu vốn đổi như chong chóng của các bạn trẻ như thế nào, tôi đã rút kiệt cả thời gian lẫn lợi nhuận ra để tái đầu tư như thế nào. Thị trường nhỏ có cái khó của thị trường nhỏ, lớn có cái khó của lớn. Kinh nghiệm của tôi là với thành phố tí hon này, nơi khác tôi không biết. Rốt cục quán cà phê là một món đầu tư thất bại của tôi, đơn giản vì tôi không còn muốn gồng gánh nữa, tôi không còn hứng thú nữa, tôi chán chạy theo nhu cầu của khách hàng rồi. Khi người chủ không còn đam mê, hứng thú và quan tâm, quán lập tức đi xuống với tốc độ của cầu thang tuột. Tôi từ bỏ nó, và hạnh phúc làm sao sau khi từ bỏ.

 

Tôi thất bại, nhưng tôi thoả mãn, tôi biết nó là như nào, tôi biết người ta sẽ phải đánh đổi gì, tôi biết người ta được gì và mất gì kể cả khi quán thành công chăng nữa. Nên bất cứ ai khi nói muốn mở quán cà phê và xin lời khuyên, đầu tiên tôi sẽ cản, nhưng sau nhận ra cản cũng chẳng ích gì vì người ta cứ nhất định sẽ mở thôi. Có lẽ điều đó cũng tốt, chúng ta đều không đủ thông minh để học từ sai lầm của người khác, chúng ta chỉ có thể học được từ sai lầm của chính bản thân mình. Tôi tin thiết tha vào điều đó và từ đó trở đi, mỗi khi có ai đến xin lời khuyên mở quán cà phê, tôi đều ủng hộ họ. “Ừ, nếu bạn thích thì bạn cứ làm đi, làm cho biết, nhưng đừng kì vọng quá. Cũng đừng hỏi nhiều người quá vì khi hỏi nhiều, mỗi người mỗi ý, bạn sẽ phân vân ngay. Mọi việc kinh doanh mà khởi đầu từ phân vân đều sẽ khó mà thành công được.”

 

Đấy là chuyện về quán cà phê – thứ mà tôi nhận mình đã thất bại. Tôi không tự tin cho lời khuyên về thứ mình thất bại và tôi nghĩ người ta cũng không nên nghe tôi, vì tôi có thành công đâu. Nhưng rồi những người hỏi lời khuyên về thứ tôi thành công là kinh doanh thời trang – thì cũng chẳng khác gì. Họ cũng vẫn cứ nghe theo ý họ.

 

Khi tôi mở những cửa hàng đầu tiên, tôi không có tí chút kinh nghiệm về bất cứ gì cả. Mọi kinh nghiệm đều có từ việc tự làm, tự sửa sai và đúc kết thành. Tôi nhận ra tầm quan trọng vô cùng của “vốn dự phòng” trong kinh doanh thời trang, nếu người ta chuẩn bị nó tốt, nó sẽ giúp việc kinh doanh nhẹ nhàng và dài hơi hơn rất nhiều. Tôi kinh doanh chẳng có vốn dự phòng nào cả, cứ lấy cả lời và vốn để xoay vòng, thành ra bao nhiêu lợi nhuận lại biến thành vốn, chẳng thể nào rút ra được. Cửa hàng thời trang đầu tiên tôi mượn ba mẹ 150 triệu và đã mất tới 1,5 năm mới hoàn được vốn, vì thiếu khoản vốn dự phòng này. Tôi chia sẻ với bạn bè điều đó mỗi khi họ hỏi tôi về kinh nghiệm kinh doanh, nhưng rồi họ cũng chẳng nghe chút nào. Và rồi sau đó, lại là lời tâm sự “hồi đó bạn nói đúng ghê!”

 

Lời khuyên sao mà vô nghĩa thế, kể cả lời khuyên đúng và giá trị. Nó giá trị với bạn vì bạn đã trải qua nó, nhưng với người chưa trải qua, nó chẳng đáng giá gì. Tôi rất tôn trọng điều đó nên dần dà khi ai hỏi kinh nghiệm kinh doanh, xin lời khuyên, tôi từ chối thẳng: thôi đừng hỏi tôi, cứ làm đi, làm rồi quen, rồi có kinh nghiệm, rồi tự biết cái gì nên cái gì không nên à.

 

Nhẹ cả gánh khi không phải cho ai lời khuyên về kinh doanh nữa, có lẽ tôi là người cuối cùng trên đời mọi người nên xin lời khuyên về kinh doanh, bởi vì tôi gần như ghét nó. Tôi ghét mọi thứ liên quan đến việc phát triển kinh doanh: tôi ghét áp lực, tôi ghét sự lo lắng, tôi ghét PR, marketing, tôi ghét quảng cáo, tôi ghét việc luôn phải mỉm cười và ghét luôn cả việc thuyết phục khách. Tôi là kẻ mang định mệnh thất bại trong kinh doanh. Vậy nên khi cửa hàng thời trang đã đến lúc chín muồi, tôi có đủ kinh nghiệm, vốn và ý tưởng để xây dựng hệ thống như ước mơ thời sinh viên – đó là lúc tôi từ bỏ, từ bỏ hẳn con đường kinh doanh kiểu thương nhân, tức là kiểu mua bán kiếm lời, mua đi bán lại, không thực sự tạo ra giá trị cho cuộc sống hay cộng đồng.

 

Hiện tại tôi có bán một số thứ nhưng không còn là kiểu của thương nhân mà là của người sáng tạo. Tôi bán sách chính tôi viết, dịch. Tôi bán bộ tài liệu học Anh văn do chính tôi soạn thảo và nghiên cứu. Tôi bán trang sức đá quý tinh thể do chính tôi sưu tầm đá, thiết kế mẫu và đặt làm thủ công. Việc kinh doanh giờ trở thành niềm vui, thành sở thích, thành việc chia sẻ chứ không còn là việc chạy theo bất cứ ai, kể cả khách hàng hay lợi nhuận. Tự do gì đâu, thích gì đâu.

 

Tôi không còn mấy hứng thú với việc cho lời khuyên miễn phí, vì thấy sự vô nghĩa của nó. Người hỏi chẳng mấy mặn mà với lời khuyên, mà người cho cũng vậy. Thế rồi tôi học theo cách của người phương Tây, rằng khi ai đó phải trả tiền cho lời khuyên, nó hiệu quả hơn rất nhiều. Kiểu như nếu bạn tự tìm hiểu về ăn kiêng và thể dục, bạn chẳng mặn mà mấy, nhưng khi bạn phải trả tiền cho một huấn luyện viên để nói với bạn đích xác những gì bạn có thể đọc miễn phí trên mạng, thì bạn lại nghe và trân trọng hơn rất nhiều.

 

Khi tôi không còn cho lời khuyên miễn phí, những người thật sự cần, thật sự tin rằng tôi là người đúng để xin lời khuyên, họ tìm đến tôi để xin lời khuyên thông qua những buổi tư vấn và đào tạo. Tôi bắt đầu thiết kế những khoá học đầu tư cá nhân, tôi không khuyên miễn phí nữa. Kì lạ chưa, những người là chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh lại là người đến xin tôi lời khuyên mới lạ chứ. Tôi có sự nhạy bén, óc quan sát và nhiều ý tưởng, thông qua những khoá tư vấn và đào tạo, lời khuyên của tôi thể hiện rõ tác dụng và khiến mọi người rất hài lòng.

 

Khi tư vấn, tôi nói rõ với mọi người về điều đó, rằng tôi không có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về việc kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng tôi có những góc nhìn mới, ý tưởng sáng tạo cũng như định hướng mà họ chỉ nên nghe để tham khảo thôi, sau đó việc quyết định là tuỳ ở họ, tôi không thể quyết định thay cho ai cả. Lạ thêm một điểm nữa, là người có kinh nghiệm thương trường rồi, lại là người chịu lắng nghe nhiều hơn, họ rất tiếp thu, rất mở lòng khi nghe lời khuyên dù sau rốt họ vẫn là người ra quyết định.

 

Tiền bạc thật là hay ở chỗ đó. Lời khuyên cũng vậy. Thứ gì miễn phí thường không hiệu quả, không áp phê, không ai trân trọng cả. Cho nên đôi khi việc dùng tiền để cho một lời khuyên không phải vì người kia tham lam đâu, mà bởi vì họ biết tâm lý của bạn: bạn không trân trọng những gì bạn không phải bỏ tiền, cái gì bạn phải bỏ tiền càng nhiều, bạn lại càng trân quý. Bạn phải mở lòng, phải trân quý lời khuyên, phải tin tưởng vào người bạn xin lời khuyên, thì khi đó lời khuyên may ra mới có tác dụng. Bằng không thì nó là vô nghĩa.

 

Điều này không chỉ đúng với việc kinh doanh, mà đúng với mọi mặt của đời sống nữa:

 

Đầu tiên, khi bạn chưa chắc chắn về điều gì, bạn đi xin rất nhiều lời khuyên. Nhưng điểm đáng buồn là, càng có nhiều lời khuyên bao nhiêu, bạn càng không chắn chắn về việc bạn định làm bấy nhiêu.

 

Thế rồi dần dà bạn sẽ nhận ra mọi lời khuyên là vô nghĩa thế, vì chẳng ai thực sự giống ai trên đời này, bối cảnh cuộc sống khác nhau, cách hành xử khác nhau, tư duy khác nhau, mục đích khác nhau… mọi thứ khác nhau này sẽ khiến cho mỗi người đều trong tình huống duy nhất mà không ai có thể quyết định thay cho ai cả, cũng như không ai có thể biết chắc chắn người kia nên làm gì. Khi nhận ra sự vô nghĩa này, bạn sẽ thôi không đi xin lời khuyên nữa.

 

Việc không chỉ dừng ở chỗ người xin lời khuyên không chân thành, mà đôi khi người cho lời khuyên cũng không chân thành nữa. Họ không muốn cho bạn thấy là họ đã thất bại, họ muốn bạn nhìn họ với đôi mắt ngưỡng mộ của người đã thành công vậy nên đôi khi họ sẽ che giấu những sự thật không muốn bạn biết. Giống như cách những người làm đa cấp cổ vũ tinh thần cho nhau vậy. Họ sẽ không nói, “Đừng dính vào ngành này, vất vả lắm, tôi cũng chán lắm rồi mà chưa buông được”, thay vì thế họ sẽ nói “ừ làm đi, cái này hay lắm, ngành này đang hot”.

 

Và cũng đôi khi vì phép lịch sự xã giao không muốn làm bạn cụt hứng nên họ sẽ nói “ý tưởng hay đấy, triển thôi, có gì khó thì gọi anh” và đừng ngạc nhiên khi bạn gặp khó và gọi, họ không xuất hiện hoặc họ xuất hiện và nói, “uầy, ngành nào mà chả có khó khăn, ráng lên, đừng bỏ cuộc.”

 

Nói thật với bạn, đôi khi lời khuyên chân thành nhất là lời khuyên bạn hãy bỏ cuộc đi. Triết lý kinh doanh lúc nào cũng nói, “đừng bỏ cuộc, hãy ráng đến cùng, không bao giờ được phép bỏ cuộc”. Điều này đúng, nhưng chỉ với những người đang bị mệt mỏi tạm thời thôi, họ vẫn còn yêu thích, còn đam mê, còn niềm tin, còn hi vọng, còn nhiều thứ phải làm. Còn đối với bạn, nếu bạn đã kiệt sức rồi, nếu bạn biết thừa mình không còn hi vọng gì nữa, không muốn cố gắng nữa, chẳng còn gì có thể làm được nữa. Khi bạn biết mình đã hết đam mê, hết hứng thú, hết tình yêu với thứ bạn đang làm – thế thì đừng cố gắng nữa, bỏ cuộc đi. Càng bỏ sớm bao nhiêu bạn sẽ càng nhẹ gánh và thanh thản bấy nhiêu, bạn sẽ sớm có lại năng lượng để mà bắt đầu một khởi đầu mới.

 

Bỏ càng sớm, đóng một cánh cửa vô dụng càng sớm, càng nhiều cơ hội cho những cánh cửa khác mở ra.

 

Đừng sợ bị đánh giá là thất bại, là hèn nhát, là ngu ngốc. Thà thế còn hơn cố níu giữ thứ đã không còn thuộc về mình chút nào, không mang lại cho mình niềm vui để mà cố gắng chút nào.

 

Nếu như mục tiêu của bạn là thành công, thế thì hãy nhìn vào những người thành công đi, quan sát cuộc sống của họ, quan sát lời nói của họ, bạn sẽ học được rất nhiều điều và thấy rất nhiều điều. Sẽ có những người khuyên bạn đừng bao giờ từ bỏ, dù chẳng biết bạn kiệt sức thế nào. Sẽ có những người khuyên bạn đừng mơ về cân bằng cuộc sống khi còn trẻ, hãy làm việc tới kiệt sức đi, cống hiến đi, giành nhiều việc về nhà mà làm, để học hỏi lấy kinh nghiệm, thậm chí cả lời khuyên đừng ngủ, ngủ ít thôi, đừng nghỉ ngơi vì nghỉ ngơi là chậm tiến… Thật sự, bạn muốn một cuộc sống như vậy sao? Thành công để làm gì nếu bạn mất giấc ngủ của bạn? Giàu có để làm gì nếu bạn không thể cân bằng được cuộc sống? Vô nghĩa làm sao. Tôi gọi đây là lời khuyên không chân thành.

 

Khi một người chân thành, họ sẽ nói: Khi còn trẻ thì tôi đã làm như thế này, hiện tại thì tôi như thế này, bạn có thể xem đó như một gợi ý, nếu bạn muốn như tôi hiện tại, bạn có thể làm theo tôi, tôi không đảm bảo điều gì nhưng đó là điều duy nhất tôi có thể nói.

 

Xét theo tiêu chuẩn này, chẳng mấy ai có khả năng cho lời khuyên chân thành. Họ chỉ muốn bạn làm theo họ, bất kể bạn muốn gì và khả năng tới đâu.

 

Mới đây một doanh nhân nổi tiếng có phát biểu một câu làm tôi không thể nào không kể lại, ông ấy nói rằng chẳng hiểu tại sao Thượng đế lại tạo ra người ta cần ngủ nhiều thế, ngủ nhiều là phí thời gian, vì khi bạn sống có ích, bạn sẽ thấy bao nhiêu thời gian cũng là không đủ.

 

Thật là… ấu trĩ, xin lỗi khi phải dùng từ này. Nhưng một người không thấy giá trị của thứ bình thường như giấc ngủ, tôi ngạc nhiên khi người đó thấy giá trị của bất cứ thứ gì.

 

Giấc ngủ cũng hệt như thức ăn, như không khí vậy, nó là việc làm hồi sinh lại, làm mới lại cổ máy thân thể và tâm trí khi đã mệt nhoài. Nó là một cái chết nho nhỏ giúp bạn nghỉ ngơi, thanh lọc, khiến bạn hồi sinh tươi mới, khoẻ khoắn. Nó là thứ kết nối bạn với “nguồn”, thứ mang lại cho bạn năng lượng sống. Nghỉ ngơi là cực kì quan trọng, quan trọng hơn cả làm việc quần quật. Chính nghỉ ngơi cho bạn năng lượng để làm việc, không có nghỉ ngơi, bạn chết. Không nghỉ ngơi, bạn không phải con người, bạn chạy bằng pin, bạn là máy. Ngay cả máy móc cũng cần nghỉ ngơi. Cứ cho máy chạy không nghỉ đi, nó cũng sẽ chết.

 

Cho nên lời khuyên của người thành công là nguy hiểm, nó nguy hiểm khi bạn cho rằng lời của họ là chân lý. Nó sẽ đúng trong trường hợp bạn muốn hệt như người đó, bạn muốn đạt đích xác những gì người đó đang có. Vâng, tiện đây xin nhắc lại bài học quan trọng nhất về lời khuyên: Bạn chỉ nên nghe lời khuyên của những ai đang có đích xác thứ bạn muốn có. Nghe theo người đó, làm theo người đó, thế thì may ra, chỉ may ra nhé, bạn cũng có thể trở nên giống người đó. Không cái gì đảm bảo 100% cả. Ngoài ra, cẩn thận với mọi lời khuyên, kể cả khi nghe nó hợp lý.

 

Lời khuyên của vị shark ấy (nếu như chúng ta xem nó như lời khuyên), thì tôi cho rằng đó là lời khuyên không chân thành.

 

Một, nếu vị ấy thực sự không thấy ý nghĩa của giấc ngủ, vị ấy không muốn ngủ nhiều, thế thì vị ấy chưa đủ “muốn” để biết rằng, có những phương pháp ngủ giúp người ta ngủ chỉ một ngày hai tiếng là đủ. Tôi không nhớ chi tiết nhưng đây là phương pháp ngủ của một số thiên tài, khi mà họ thực sự cần nhiều thời gian để nghiên cứu và làm các thí nghiệm. Riêng về thiên tài, tôi cho rằng việc họ ngủ ít thì rất là tốt thôi, còn lại khi chúng ta không phải thiên tài, đừng ép bản thân phải hành xử như thiên tài, bạn sẽ thành thiên tai đấy.

 

Trở lại phương pháp ngủ ấy, nó nói rằng cứ vài tiếng bạn lại đi ngủ một lần, mỗi lần đôi chục phút, đại loại vậy, thế thì một ngày bạn sẽ chỉ ngủ 2-4 tiếng thôi, đủ để cơ thể vẫn hoạt động và tha hồ thời gian làm điều bạn muốn, nhưng nói thực, trừ các nhà nghiên cứu, thiên tài, nhà khoa học – người làm việc một mình – ra thì ai muốn sống như vậy chứ?

 

Cho nên việc vị shark nói là không chân thành ở chỗ, có cách để vị ấy ngủ ít hơn, làm việc nhiều hơn, sao không làm đi?

 

Tất nhiên vị ấy sẽ không hạnh phúc để thức, nếu không có ai thức cùng. Một ông chủ thức trong khi người làm thuê ngủ ư? Ai lại khoái điều đó. Cho nên khi họ nói rằng họ ước gì cần ngủ ít hơn, ý họ là, họ ước bạn ngủ ít hơn, để làm việc cho họ, thế thì họ mới thoả lòng. Thật là kinh khủng cái ý tưởng ai đó mong muốn mọi người cùng thức hết để làm việc, ngủ thật ít, nghỉ ngơi thật ít, để xây dựng vương quốc của người đó. Chứ không lẽ họ muốn bạn thức để làm việc xây dựng vương quốc của riêng bạn? Không, bạn xây dựng cho họ, đó mới thực là điều họ mong mỏi. Hoặc ít nhất, vương quốc của bạn phải là viên gạch xây vương quốc của họ.

 

Người ta cứ nói mà chẳng thật sự bận tâm mình đang nói gì. Người ta cứ cho lời khuyên mà chẳng thật sự ngụ ý cái điều mình khuyên, đây là lý do khiến mọi lời khuyên trở thành vô nghĩa.

 

Chưa kể, lời khuyên còn vô nghĩa khi nó không được đưa vào hành động. Thế thì lời có hay mấy cũng chẳng tác dụng gì.

 

Người đi xin lời khuyên cũng chẳng có đủ ý chí để làm điều được khuyên, thứ họ cần, là cảm giác rằng mình có làm gì đó, có cố gắng, và rồi bỏ qua, trở về lại cuộc sống bình thường của mình. Mọi người chỉ thích những lời khuyên sao cho thật khớp với mong muốn và sở thích cũng như thói quen sinh hoạt của họ.

 

Biết bao nhiêu người hỏi tôi lời khuyên về việc giữ cho cơ thể gọn gàng, mảnh dẻ, khoẻ khoắn. Khi tôi nói về việc tôi làm việc nhiều (dù công việc trí óc nhưng cũng tốn nhiều năng lượng), tôi vận động nhiều qua việc tập yoga, tôi ăn uống thoải mái nhưng không khoái đồ dầu mỡ chiên xào hay đồ ngọt – tất cả đều trông chán nản cho tới khi tôi nói với họ “lời khuyên” sau cùng, rằng thực ra bí kíp gầy của tôi là do tạng người tôi như thế, tôi sinh ra đã gầy rồi. Mọi người nghe tới đây đều khoái chí ghê lắm, họ nói, đúng đúng, nhiều người tạng gầy có muốn mập cũng không được, còn mình, có hít không khí cũng mập.

 

Chẳng ai hít không khí mà mập cả, ai cũng có cái gì đó chưa đúng trong lối sống và sinh hoạt khiến họ dư năng lượng quá nhiều tạo ra mỡ thừa. Ví dụ nhiều người tập yoga nhưng tập rất hời hợt, không biết cách siết cơ lẫn kết hợp hơi thở, thế thì đi tập bao năm cũng chẳng thấy tiến bộ hay gầy đi chút nào. Chưa kể, nhiều người ăn kiêng, không ăn tinh bột nhưng ăn rất nhiều đồ ăn, đồ ăn vặt, đồ chiên và nghĩ rằng vậy cũng là ăn kiêng rồi. Làm sao mà gầy?

 

Chuyện kinh doanh, chuyện sức khoẻ ngoại hình, chuyện tình cảm, lối sống mà ngay cả đến chuyện mà mọi người đều cho rằng tốt-để-hỏi như chuyện đọc sách, cũng là vô nghĩa khi đi xin lời khuyên, thành thật mà nói.

 

Nhiều người hỏi tôi, “Giờ tôi muốn đọc sách, tôi nên đọc sách gì?” Ai mà biết, trời ơi trời. Ai mà biết bạn quan tâm chủ đề gì, bạn đang cần gì trong cuộc sống, bạn yêu thích cái gì, bạn đang yếu điểm gì và cần cái gì, ai mà biết khi chính bản thân bạn còn không biết?

 

Tôi dần dà sợ cho lời khuyên là vì vậy, người hỏi không biết mình muốn gì thì người trả lời cũng không thể biết được. Giữa hai người chưa có mối liên hệ, chưa biết gì về nhau, làm sao cho lời khuyên đúng đắn được? Chưa kể, chẳng có lời khuyên nào là đúng đắn, vì một thứ đúng với bạn, chưa chắc đúng với người khác. Có người đọc tiểu thuyết thấy thích, có người thích sách kĩ năng, có người lại khoái sách dạng tâm sự tâm lý. Cho nên rốt cục lời khuyên chí lý nhất lại là lời khuyên vô nghĩa nhất, khi ai đó hỏi “Tôi nên đọc gì?” “Bạn thích cái gì thì bạn đọc cái đó”, “Nhưng làm sao để tôi biết tôi thích cái gì?” (Lại trời ơi trời) “Thì bạn phải bắt đầu đọc, đọc nhiều lên, đọc mọi thứ mọi thể loại, rồi bạn sẽ biết bạn thích gì”.

 

Thật sự mà nói, lời khuyên chân thành, đúng đắn và giá trị nhất lại thường là những lời khuyên nghe vô duyên nhất. “Tôi nghĩ là tôi nên bỏ người này. Tôi có nên không?” “Ừ, bỏ đi”, “Nhưng tôi không muốn bỏ.” “Thế thì đừng bỏ”. Khi nào bạn muốn gì đó đủ nhiều, bạn mới đi tìm cách, bằng không bạn nhất định tìm lý do.

 

Cách hay nhất để trả lời cho những người không biết mình muốn gì, mà vội đi xin lời khuyên, đó là trả lời họ kiểu triết học, tức là dùng câu hỏi khác làm câu trả lời. Hỏi ngược lại người đó để người đó làm rõ tâm trí họ, ước muốn của họ, nhu cầu của họ.

 

“Tôi có nên bỏ người này không?” “Bạn thử nghĩ coi, bạn có nên bỏ người này không?” “Tôi nghĩ là có?” “Tại sao?” “Vì….” Hoặc “Tôi nghĩ là không nên, vì…”

 

Khi người hỏi tự trả lời được mong muốn của mình, người đó không cần lời khuyên nào khác cả. Thành thực mà nói, người khuyên trí huệ nhất, là người hỏi, chứ không phải trả lời.

 

Chúng ta thực sự phải học cách tự hỏi bản thân mình, tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình đi thôi. Chỉ khi đó ta mới tìm ra được câu trả lời đúng. Câu trả lời đúng là câu trả lời đến từ trái tim của chính bạn, không phải cái đầu bạn, càng không phải cái đầu của ai đó khác.

 

Tình thế của chúng ta hiện nay là, chúng ta dựa vào đầu của một ai đó, một cá mập, một người giàu, một lãnh đạo, một người nổi tiếng – và chúng ta mong cái đầu của người đó giúp tìm câu trả lời cho cả một đám đông. Thế thì lời khuyên này sẽ mang định mệnh thất bại, đó là chắc chắn. Bởi vì cá nhân và đám đông, hai thực thể hoàn toàn khác biệt, không thể có câu trả lời chung cho cả hai được.

 

Câu trả lời của một cá nhân không thể thành câu trả lời cho đám đông, nếu không thì Phật và Jesus đã trả lời tất cả một lần cho xong vấn đề của cả nhân loại luôn rồi, cần gì tới hàng triệu nhà triết học vẫn ngày đêm miệt mài trong mê cung những câu hỏi không hồi đáp từ thế kỉ nọ tới thế kỉ kia như thế?

 

Chuyện kì lạ không nằm ở chỗ không có câu trả lời chung cho tất cả, mà ở chỗ, kể cả khi bạn tìm ra câu trả lời chung cho tất cả, nó lại trở thành thứ không thể nào thực hành được.

 

Nó không thể thực hành, không phải vì nó khó, mà vì nó cực kì dễ, dễ đến mức không ai làm được.

 

Ví dụ, cho tới bây giờ, tôi tìm ra một “phương thuốc” có thể nói là giúp chữa lành mọi vết thương, giúp xoá đi đau khổ muộn phiền, xua tan mọi căng thẳng cho bất cứ ai gặp bất cứ vấn đề nào trên đời – phương thuốc đó là thiền. Thế thì khi tôi khuyên mọi người thiền, sẽ không ai làm cả. Thi thoảng có người muốn thiền, họ hỏi “thiền làm sao?” tôi bảo, “Hiểu đơn giản nhất thì thiền là im lặng, giữ im lặng càng nhiều, càng lâu, càng sâu càng tốt”, họ lại hỏi “Làm sao để im lặng?”

 

Bây giờ, làm sao để im lặng, ngoại trừ phải im lặng?

 

Nhưng im lặng là thứ dễ nhất, cũng là việc khó nhất trên đời. Ngồi một chỗ nhiều người làm được, nếu có điện thoại hay tivi, nhưng bỏ điện thoại và tivi đi, bỏ cả sách luôn, chỉ ngồi im một chỗ không làm gì sao? Nó khó chịu ngang ngửa với bị tra tấn vậy. Chẳng mấy ai làm được cả. Đó là lý do chẳng mấy ai sống cuộc đời thư thái, mãn nguyện, phúc lạc. Đó là lý do chẳng mấy ai thực sự chân thành trong việc xin lời khuyên và cho lời khuyên. Đó là lý do mọi lời khuyên, dù đúng dù sai, dù chân thành hay không chân thành, đều vô nghĩa.

 

Nó vô nghĩa vì lời khuyên duy nhất là đúng đắn trên đời lại là lời khuyên không ai làm được, nó chỉ vỏn vẹn hai từ thôi: IM LẶNG.

 

Trong im lặng này, bạn sẽ thấy tham của mình và của người khác, bạn thấy hèn của mình và của người khác, bạn thấy sợ hãi của mình lẫn của người khác. Trong im lặng này, bạn thấy bạn đang là nô lệ, bạn kém cỏi và ngu ngốc thế nào, hệt như mọi người khác. Trong im lặng này, bạn nhận ra phần lớn những gì bạn đang theo đuổi là vô nghĩa ra sao, bạn nhận ra mình đang kiệt sức và lãng phí năng lượng cuộc đời như thế nào. Trong im lặng này, bạn kết nối với nguồn, với chính bản thể bên trong, cũng là vị thầy bên trong của bạn. Trong im lặng này, bạn lắng nghe tiếng nói bên trong, bạn phân biệt được tiếng nói của trái tim và của cái đầu. Trong im lặng này, bạn tích luỹ sinh lực và thắp sáng ngọn đèn bên trong của mình, bạn trở thành ánh sáng, ánh sáng này cho bạn nhận biết rất sâu. Trong im lặng này, bạn nghe nhiều hơn, thấy nhiều hơn, cảm nhiều hơn và bạn sẽ biết mình phải làm gì.

 

Trong im lặng này, bạn không còn câu hỏi nào, chẳng cần câu trả lời nào, càng không cần ai trả lời câu hỏi của bạn.

 

Trong im lặng này, bạn biết hương vị của phúc lành, của thảnh thơi, của chấp nhận, của buông xuôi, của chân lý.

 

Trong im lặng này, bạn là chân lý.

 

Im lặng chính là chân lý.

 

Chân lý là ánh sáng, giúp bạn mở đôi mắt của mình ra, giúp bạn thấy mọi sự hệt như nó đang là. Như cụ Dumbledore trả lời Harry về chiếc gương ước vọng: “Người hạnh phúc và mãn nguyện nhất trên thế giới, là người soi vào gương ước vọng và chỉ thấy chính mình, như mình đang là, không hơn không kém.”

 

Cho bản thân bạn một cơ hội, lắng nghe nó đi, lắng nghe trực giác của bạn, trái tim và linh hồn bạn. Đó là nơi chân lý đang cư ngụ, cho nó một cơ hội để lên tiếng đi. Và chỉ có một cách duy nhất để lắng nghe được tiếng nói bên trong ấy, bạn phải thật im lặng, rất im lặng.

 

Cách để im lặng à? Dễ lắm: bước một – nói ít nhất có thể vì trong cuộc sống bạn không thể không nói. Nhưng nói ít lại, thật ít thôi, chỉ những điều thật quan trọng. Im lặng miệng nhiều nhất có thể. Bước hai, cái này khá quan trọng: đừng viết gì, đừng đăng status, đừng comment, đừng review, đừng viết gì cả. Viết là cách khác của nói. Bạn im lặng nhưng viết, như tôi đang làm, thì vẫn là một dạng ồn ào. Cho nên, học cách ngậm miệng và khoá tay lại, đừng viết gì lên mạng xã hội, đọc thôi, quan sát, ngẫm nghĩ, nhưng đừng viết.

 

Sẽ tới một lúc, khi bạn chán, chán đến nỗi không buồn đọc buồn xem bất cứ gì luôn, kể cả sách về thiền, về đạo hay xem thuyết giảng về chân lý, giải thoát. Lúc này việc im lặng của bạn đi sâu hơn rồi đấy. Nó không chỉ không có nhu cầu thoát ra, thậm chí không có cả nhu cầu thu nạp vào bất cứ gì.

 

Thế rồi sẽ tới điểm, khi im lặng ngày càng sâu sắc, bạn quan sát bản thân mình, từ quá khứ tới hiện tại, bạn thấy tất cả, tất cả những gì bên trong bạn lẫn trong người khác. Bạn thấy những gì người khác không thấy. Bạn nghe được những thứ người khác không nghe được. Bạn nghe được tương lai, bạn nghe được trực giác, bạn nghe được tiếng của cả tâm trí lẫn trái tim, không hề lẫn lộn.

 

Và khi bạn nghe được âm thanh tuyệt vời của chính sự im lặng, chà chà, bạn chẳng còn muốn nghe gì khác nữa, kể cả những lời khuyên, đặc biệt là những lời khuyên.

 

namaste

28/10/2021

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *