Cha mẹ tôi đã từng tức giận khi biết tôi nghe nhạc thiền (họ gọi là nhạc Phật)
Ở đâu đó khác một vị hòa thượng đã bị hội đồng Phật giáo chỉ trích kiểm điểm nặng nề vì vị ấy dám… hát thánh ca trong một dịp giao lưu tôn giáo.
Và mọi người không thấy sự vô lý sao?
Tôn giáo đích thực sẽ không chia cắt con người nhưng sẽ mang con người lại gần nhau hơn, tôn trọng nhau hơn, yêu thương nhau hơn, bất kể người đó mang tôn giáo nào hay niềm tin gì.
Tôn giáo hiện tại, tôi không phản đối nó, nhưng tôi cũng không tán thành nhiều điểm của nó. Và điều ấy làm cho mọi người, tất cả mọi người tức giận, dù họ ở tôn giáo nào.
Người tôn giáo này thích thú đọc các tin tức xấu về các tôn giáo khác hơn là các tin tức tốt. Điều đó làm mạnh bản ngã của họ, cho họ cảm giác rằng tôn giáo của họ là đúng đắn hơn. Bạn dám thừa nhận bạn không hề? Tôi không tin. Vì tôi từng là một trong số các bạn.
Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình dù cho cha mẹ tôi tức giận. Tôi nghe nhạc thiền lẫn thánh ca mỗi ngày, nhạc thiền thì nhiều hơn.
Âm nhạc là ngôn ngữ chung cho nhân loại, một giai điệu đẹp sẽ khiến người nghe cảm thấy an bình, tươi vui, thanh thản, thêm yêu cuộc sống. Âm nhạc không chia ra thành nhạc cho người theo Phật hay nhạc cho người theo Chúa nhưng tôn giáo thì chia người ta ra và sẵn sàng tỏ ý không hài lòng khi người theo tôn giáo này dám hát hay dám nghe nhạc của tôn giáo khác.
Nên nay tôi khuyên bạn: đừng chia rẽ như thế nữa. Hãy mở rộng lòng mình ra mà đón cái hay, cái đẹp của mọi người, mọi tôn giáo.
Nếu bạn là một con chiên Công giáo, hãy thử một lần, vào sáng sớm hay tối khuya là tốt nhất – khi bạn không vướng bận gì- mở một bản nhạc thiền và chìm trong giai điệu không lời du dương ấy.
Nếu bạn là Phật tử, hãy thử nghe một vài bản thánh ca Công giáo, mà tôi dám cá bạn cũng nghe không ít lần trong mỗi dịp Giáng sinh rồi. Hay bạn có thể nghe bản nhạc tôi yêu thích nhất “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi” ca khúc do Linh mục Nguyễn Sang thể hiện. Nghe đi để biết cái chết không hề phân định tôn giáo nào cả, sự sống là bất diệt, nó không mất đi, nó chỉ thay đổi hình dạng và tính chất. Nghe đi để cảm nhận khác về cái chết, để không còn sợ hãi và đau buồn nữa.
Nếu như chỉ một vài bản nhạc mà bạn cũng không thể mở lòng mình ra thì làm sao mà bạn có thể mở lòng cho người khác được? Thì làm sao bạn có thể mở lòng ra mà đón Phật, đón Chúa ngự vào trong tâm hồn bạn được?