Cô Mai Khôi tè vào mặt Trump dưới danh nghĩa tự do ngôn luận. Vậy thì cũng ok nếu tôi tè vào mặt cô ấy dưới danh nghĩa tự do ngôn luận đúng không? Và sau đó rất nhiều người khác ghét tôi cũng sẽ tè vào mặt tôi, có thể lắm chứ. Tự do ngôn luận mà, ai thích nói gì thì nói, làm gì thì làm.
Vậy ra đó là tự do ngôn luận sao?
Tự do ngôn luận là bạn có quyền tè vào mặt bất cứ ai bạn không ưa à? Tự do ngôn luận là mọi người tha hồ xúc phạm và công kích cá nhân như vậy à? Vậy thì tôi thà không có tự do ngôn luận.
Tự do ngôn luận để làm gì? Không phải là để công kích cá nhân, mà là để tạo ra sự khác biệt từ những tiếng nói trái chiều. Từ đó giúp mọi người có cái nhìn đa chiều về mọi sự diễn ra, sau đó có phản ứng thích hợp trước những thay đổi hoặc tạo ra thay đổi cho cộng đồng nơi mình sinh sống.
Trong mắt tôi – có lẽ hơi phiến diện vì tôi đã từng sống trong đất nước tự do ngôn luận bao giờ đâu – thì Mai Khôi không phải đang tự do ngôn luận, cô ấy đang dùng tự do để công kích cá nhân ông Trump thì đúng hơn. Và điều ấy thì đi ngược lại với tính chất của tự do ngôn luận là tính xây dựng. Tôi cảm nhận hành động của cô ấy mang tính phá hủy nhiều hơn.
Tôi thấy lạ. Cô ấy nói rằng cô ấy phản đối ông Trump vì những quyết định của ông ấy không hợp ý cổ. Cô ấy phản đối ông Trump vì ông ấy không quan tâm nhân quyền Việt Nam. Cho tôi hỏi lại cái: Tại sao tổng thống Mỹ lại phải ra quyết định chính trị cho vừa lòng người dân Việt Nam? Ông ấy là tổng thống Mỹ cơ mà, tất nhiên quyết định của ổng là vì lợi ích nước Mỹ. Nhìn cái cảnh người Việt Nam “đòi” tổng thống Mỹ phải vì lợi ích của người Việt Nam tôi thấy sao nực cười quá. Ổng là tổng thống Mỹ thưa quý vị.
Nếu cô Mai Khôi thật tâm muốn chứng tỏ cô ấy có tự do ngôn luận, hay muốn chứng tỏ Việt Nam không có tự do ngôn luận. Nếu cô Mai Khôi thật tâm muốn thế giới biết về tình hình nhân quyền Việt Nam thì theo ngu ý của tôi, đừng tè vào Trump, cũng đừng tè vào Tập, mà đề hẳn một cái bảng tè vào Trần Đại Quang ấy. Thế thì cô ấy sẽ bị dập cho tơi tả và bị hốt ngay, thế thì báo chí thế giới mới có cái mà viết về VN không có tự do ngôn luận. Thế thì cô ấy sẽ tạo được đoàn kết lớn lao trong cái khối người Việt Nam đang tự nhận mình đấu tranh cho dân chủ. Đàng này tè vào Trump để làm gì ngoài gây ra một sự mất mặt và mất đoàn kết lớn lao?
Nước Mỹ có nhân quyền và tự do ngôn luận không phải bởi vì các nước khác đấu tranh cho họ. Nước Mỹ có nhân quyền và tự do bởi chính người đa sắc tộc Mỹ đấu tranh, người phụ nữ Mỹ đấu tranh, người lao động Mỹ đấu tranh cho chính tương lai của họ, con cháu của họ. Họ có tức giận với thế giới vì không giúp đỡ họ không?
Việt Nam nên học bài học ấy. Rằng không ai giúp chúng ta đạt được những gì chúng ta muốn, mà chính chúng ta phải tự đứng trên đôi chân mình để mà tranh đấu, mà giành những thứ chúng ta cho là quyền cơ bản của con người: quyền thể hiện, quyền nói, quyền tụ tập biểu tình… quyền gì cũng được, cũng phải dựa vào thực lực của chính dân tộc mình chứ không phải là dân tộc khác; hãy tìm cách tác động vào lãnh đạo mình chứ không phải lãnh đạo khác. Lãnh đạo nước khác họ là chất xúc tác thôi, chứ không phải chất tham gia phản ứng.
Tôi rất thương mẹ Nấm, tất nhiên. Nhưng nếu tôi là tổng thống Mỹ, thật với các bạn, tôi không có lý do gì để mất ăn mất ngủ hay bận tâm sâu sắc về một người phụ nữ đi tù vì tội danh chống đất nước của cô ấy. Tôi sẽ nói “Ôi dào, chuyện ở đâu chả có. Phong trào dân chủ TQ còn bị đàn áp gấp ngàn lần tao còn chả bận tâm thì thôi. Chúng mày chọn CS thì chúng mày phải học những bài học để mà thoát ra khỏi CS chứ không phải trách nhiệm của tao.” Có thể lắm chứ, chả thế mà ông ấy lại cứ nhắc đi nhắc lại cái điệp khúc “các bạn hãy đặt đất nước của các bạn lên đầu, cũng như Mỹ đặt Mỹ lên đầu”. Đừng chỉ hiểu câu này mỗi mặt “đặt lợi ích” nhưng xin hãy hiểu thêm cả nghĩa “đặt trách nhiệm” nữa. Chính dân tộc VN hãy tự đặt trách nhiệm lên mình trước đi, thay vì toàn đi đòi hỏi người này làm cái này, người kia làm cái kia cho mình. Nếu những người đấu tranh dân chủ cứ đi đòi hỏi như vậy thì về bản chất họ cũng chẳng khác gì Cộng Sản đang ngày ngày đòi sự giúp đỡ, sự hỗ trợ của các quốc gia khác cả.
Còn về nhân quyền và tự do ngôn luận, tất nhiên tôi ủng hộ chứ. Và không chỉ ủng hộ suông, tôi còn đang làm việc hết mình cho nó. Xin lỗi các bạn vì tôi không làm theo cách “tè vào mặt người khác” như Mai Khôi, dù cho cô ấy nói rằng mình chỉ là trêu đùa châm biếm theo văn hóa Mỹ. Tôi không hiểu văn hóa Mỹ, xin lỗi vì điều đó nữa nhưng tôi không cho rằng tè vào mặt nhau là văn hóa của bất cứ quốc gia nào. (Tè vào mặt nhau ở đây ý nói những ngôn từ miệt thị và xúc phạm dành cho người khác)
Tôi không tin Việt Nam sẽ sớm có nhân quyền và tự do ngôn luận đâu. Không thể nào. Chừng nào người ta còn chưa có tự do về tư tưởng, tự do về suy nghĩ trước đã. Và Việt Nam vốn theo truyền thống Nho giáo, Khổng giáo lại thêm Cộng sản giáo đã bóp chết khả năng tự do suy nghĩ lẫn tự do tư tưởng của dân tộc Việt Nam từ lâu rồi. Cô Mai Khôi là một ví dụ, cô ấy cho rằng chửi Trump như vậy là tự do ngôn luận, nhưng theo góc nhìn của tôi, tự do ngôn luận ấy được sinh ra bởi một tư tưởng nô lệ thì cũng không có tác dụng gì. Tại sao là tư tưởng nô lệ? Là đặt trách nhiệm lên người khác, đổ lỗi cho người khác, tức giận khi người khác không hành động theo ý mình, không giúp mình có thứ mình muốn. Cái gì cũng phải nhờ vào người khác, dựa vào người khác ấy chính là tư tưởng nô lệ.
Nên con đường tôi đang chọn để đi, là một con đường chả có ai thèm đi, chả có mấy ai ủng hộ, thậm chí đôi khi bị chửi là hèn yếu nhát gan nữa. Con đường ấy là từng bước thay đổi tư tưởng của thế hệ trẻ của dân tộc này, để không còn mang tư duy nô lệ nữa, để không còn đổ lỗi nữa, không còn đặt trách nhiệm lên người khác nữa, không tìm lý do bao biện nữa mà tập trung tìm ra giải pháp, tìm ra cách thay đổi thực tại xã hội. Tại sao là thế hệ trẻ? Vì họ thoáng hơn, họ dễ tác động hơn và họ là tương lai của đất nước này. Đất nước này sẽ thay đổi dựa vào thế hệ trẻ, một thế hệ trẻ đoàn kết với nhau chứ không phải một thế hệ già chỉ giỏi chửi bới công kích nhau, đỗ lỗi cho nhau, thù hằn nhau. Việc này khó, rất khó, rất mất thời gian nhưng không có nghĩa là không làm được. Tôi vẫn đang làm, đã nhìn thấy một vài thành quả nho nhỏ cũng như tin vào kết quả sau cùng: một sự thay đổi nhất định sẽ đến. Nhanh hay châm, theo hướng tốt hay xấu còn tùy vào nhiều thứ chứ không bao giờ kết quả chỉ đến trong ngày 1, ngày 2. Nếu kết quả mà đến quá sớm thì cũng tệ hệt như không có kết quả vậy. Nhìn vào Philipines là một ví dụ. Họ có tự do ngôn luận nhưng thực tế họ có cuộc sống tốt như họ muốn không? Không. Ông tổng thống vẫn cứ nắm quyền ra cả đống quyết định vớ vẩn và giới đấu tranh cũng chỉ biết lẳng lặng âm thầm tìm cách phản đối lẫn tranh đấu chứ chẳng thế nào mà dùng tự do ngôn luận để thay đổi ông ta được hay ra quyết định cho đất nước được.
Đừng nhảy cóc, chủ nghĩa cộng sản là một bước đi tắt. Nó nhảy cóc khỏi quy trình tự nhiên cho nên nó mới được gọi là quái thai của nhân loại và gây ra bao đau thương. Nhân quyền của Việt Nam cũng vậy, nó đang trong quá trình thai nghén, đủ ngày tháng, đủ lượng đủ chất nó sẽ ra đời, mạnh khỏe và mang lại thay đổi tích cực. Đừng mong nó đến quá sớm có kẻo nó lại là một dạng quái thai khác mà thôi. Lưu ý, “đừng mong” khác với “đừng làm gì”, đừng hiểu lầm tôi!
Quy luật của tự nhiên, lượng đổi thì chất sẽ đổi, nếu chất chưa đổi thì là do lượng thay đổi chưa đủ mạnh. Vậy thì hãy cùng nhau tập trung làm sao để cho lượng tăng lên trước đi, làm cho người ta quan tâm về nhân quyền, về tự do trước đi. Riêng về mặt này hành động của cô Mai Khôi có khi lại tốt, vì nó làm cho một số người chưa từng quan tâm chính trị, nhân quyền sẽ quan tâm hơn một tí. Âu cũng giúp cho phong trào nhân quyền Việt Nam tăng tí chút về lượng. Còn về chất thì chưa biết nhé, biết đâu trong số người lần đầu quan tâm về chính trị ấy lại chỉ toàn người từ bàng quan giờ trở nên ghét giới đấu tranh, ghét tự do ngôn luận vì có nghĩa tự do ngôn luận là mọi người có thể thoải mái tè vào mặt nhau, tránh trường hợp ai cũng có thể tè vào mặt tôi thì thôi ngay bây giờ nên phản đối tự do ngôn luận là vừa…
Tự do ngôn luận cũng có nhiều cái hại, hãy thừa nhận điều đó. Cũng như thừa nhận độc quyền cũng có cái lợi của nó. Khoan chửi tôi. Nghĩ mà xem. Giờ nếu như Cộng sản ra một quyết định độc quyền như ông Park Cung Hee ngày xưa ở Hàn: “ai hối lộ, tham nhũng dù chỉ một đồng tôi cũng bắn” thế thì có khi nó lại tốt cho đất nước lắm chứ. Nhưng chúng ta đều biết điều ấy sẽ không bao giờ xảy ra nên hiển nhiên chúng ta không nghĩ về nó chút nào. Và chính vì không nghĩ về nó thì càng không có cơ hội cho nó xảy ra. Nên theo thiển ý của tôi, mọi người thôi cãi nhau đi mà hãy giúp tôi tìm thêm cách để tác động vào tư tưởng nô lệ, vào văn hóa phụ thuộc của dân tộc này, của đất nước này trước đã.
Khi nào xong việc với tư tưởng nô lệ rồi chúng ta hãy bắt đầu nói đến chuyện làm cách nào để có tự do.
Và việc đầu tiên ai ai cũng có thể làm ngay lúc này: tìm ra tư tưởng nô lệ, tư tưởng lệ thuộc bên trong chính bản thân mình và giết chết nó đi!
Thêm một điều nữa về tự do tư tưởng, là mọi người được quyền có ý kiến khác, tư duy khác và được người khác tôn trọng. Vậy bao nhiêu người trong số những người dám nhận mình có tư tưởng tự do ở đây “tôn trọng” quyền tự do tư tưởng của tôi nếu tôi có “ý kiến” như là: Cộng sản cũng làm được vài điều tốt hơn các nước khác; hoặc việc của dân tộc Việt Nam bây giờ là phải đoàn kết dân tộc và nhìn lại thì chúng ta không có một tí đoàn kết nào, mà chừng nào còn không đoàn kết được vì một tương lai chung thì chừng ấy đừng có mơ tạo ra thay đổi được cho đất nước; người dân Việt Nam ngày càng trở nên ác độc, hung dữ; văn hóa Việt Nam tệ hại, tôi không tự hào là người Việt Nam, tôi xấu hổ vì là người Việt Nam; tôi không muốn chiến đấu gì cả cho cái đất nước này khi mà nhìn quanh chẳng thấy mấy ai có tinh thần xây dựng, yêu thương, ai cũng chỉ ngập tràn tư tưởng hận thù oán ghét… Đấy, giả sử như tôi có những tư tưởng trái chiều như vậy thì bạn có “quý mến” và “tôn trọng” tôi không? Hay bạn cũng chửi bới và muốn “tè” vào mặt tôi vì đó là tự do ngôn luận?
Đừng đòi hỏi tự do ngôn luận khi bạn không có tự do tư tưởng.
Đừng nghĩ bạn đang có tự do tư tưởng rồi khi bạn không cho phép người khác được quyền tự do tư tưởng của chính họ.
Và đừng nhầm lẫn tự do ngôn luận với tự do tư tưởng. Không có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận chỉ càng làm mọi thứ nát bét thêm!
Cảm ơn cô Mai Khôi đã cho tôi cơ hội nhìn ra sự chia rẽ và tư tưởng nô lệ trong đất nước này sâu sắc đến mức nào!