Bố tôi có bốn người con gái và cũng như mọi ông bố khác, ông mong muốn các con gái của mình có một công việc ổn định, lấy một người chồng tử tế và sinh ra những đứa bé khỏe mạnh.
Hai chị gái của tôi làm đúng như lời bố, nhưng tôi thì không.
Không may cho bố, tôi không chỉ không giống các chị gái mà gần như còn hoàn toàn ngược lại với họ. Tôi không thích có công việc ổn định vì luôn thích thú theo đuổi những ý tưởng kinh doanh mới lạ. Tôi không thích lấy chồng và cũng không có ý định có con… Bố tôi hẳn lo cho tôi nhiều lắm. Mà thật ra, ông không lo, ông bực mình.
Trở lại chuyện nhiều năm về trước, khi tôi chỉ mới ba tuổi thì mẹ sanh em bé nên mẹ không thể chăm sóc tôi nhiều. Tất cả khoảng thời gian dường như tôi chỉ “dính” với bố. Có lẽ đó là lý do tôi luôn được xem là con gái rượu của bố. Sau này lớn hơn, mỗi lần bố đi nhậu về tôi sẽ là người rót nước cho bố hay mỗi lần bố đau nhức sau ngày làm việc thì tôi sẽ là người đấm lưng cho ông. Tôi yêu quý bố rất nhiều.
Bố tôi là một người tình cảm, bình thường thì ít nói nhưng nếu có chút rượu dô thì nói không bao giờ dứt. Mẹ là người nóng tánh bao nhiêu thì bố lại dịu tính bấy nhiêu. Bố là người thường xuyên tâm sự với chúng tôi về mọi chủ đề trong cuộc sống, mẹ thì gần như chưa bao giờ. Bố luôn bênh vực tôi mỗi khi tôi làm gì đó sai sai, như là lần đầu tiên tôi du lịch ra Bắc khi còn là sinh viên bằng khoản tiền tự kinh doanh của mình. Một sáng nọ bố gọi điện và nói “Bố nằm mơ thấy Sếp đang ở tận Hà Nội, không biết đúng không?” Tôi nói “Haha mơ nữa mới ghê chứ, ai nói bố nghe hả, chị M. kể phải không?” Bố nói “Đâu có ai kể đâu, bố nằm mơ thật mà.” – đấy, lại còn cố bao che cho bà chị nữa vì tôi đã dặn không được để cho họ biết về chuyến đi này. Bố dặn tôi đủ thứ và hỏi thăm tôi về những người họ hàng ngoài ấy, cuối cùng là câu nói “Nếu mẹ có hỏi thì nói là con đi tàu đi xe thôi cho rẻ chứ nói bay hết nhiều tiền mẹ lại la cho.” Tất nhiên tôi vâng và may mắn là mẹ tôi vẫn không hề biết gì về chuyến đi này cả, hay là biết mà không quan tâm tôi cũng không chắc nữa. Nhưng bố tôi là thế, luôn theo dõi từng đường đi nước bước hành động của con cái một cách âm thầm.
Bố hay gọi tôi là “Sếp” như cách các bạn trẻ gọi ST ngày nay vậy, và tôi thấy mình oách hơn ST nhiều. Có điều bố hay viết sai lỗi chính tả nên trong tin nhắn thay vì Sếp, ông thường gọi tôi là Xếp. Cũng không hiểu lý do gì ông lại gọi tôi như vậy, có thể vì bản tính tôi lì lợm ngang tàng như các sếp hay cũng có khi chỉ là thói quen ông gọi mọi người như vậy cho họ vui – thật là một con người khiêm tốn. Tiếc thay tính khiêm tốn không di truyền được nên nay ông mới có đứa con gái như tôi haha.
Nhớ hồi sinh viên, ngoài khoản tiền “trợ cấp tiền cơm” mẹ gửi mỗi tháng thì bố luôn có một khoản “ngoài lề” cho tôi gọi là “tiền ăn bánh”. Khoản ăn bánh đôi khi cũng ngang ngửa với tiền cơm luôn mới tuyệt chứ. Nhờ đó mà thời sinh viên của tôi mới dịu dàng làm sao, chẳng cần phải tất bật đi làm thêm gì cả vẫn sống tốt. Thật cảm ơn bố nhiều. Và bạn biết không, trong suốt 3 năm sinh viên ấy, tôi không nhớ là mẹ có gọi cho tôi bất cứ cuộc gọi nào hay không. Có thể là một vài cuộc? Thật tình không nhớ được. Nhưng bố thì tôi nhớ: ông gọi cho tôi gần như mỗi tuần và nội dung thì tôi vẫn nhớ như in bởi vì luôn rất giống nhau, như thế này: Con có khỏe không? Việc học như thế nào? Ăn uống ra sao? Xe cộ ổn chứ hay có trục trặc gì không? Có bị hết tiền xài không?… đại loại như vậy, những câu hỏi chi tiết tới nỗi “Tới ngày thay nhớt cho xe rồi nhá” cũng được bố nhắc tới. Tuy nhiên có một câu hỏi “tối quan trọng” không bao giờ thiếu trong mỗi cuộc gọi của bố, thậm chí cho tới ngày nay số lượng cuộc gọi ít đi, thời gian ngắn lại, mối quan tâm ít đi thì câu hỏi ấy cũng chưa bao giờ thiếu trong bất cứ cuộc gọi nào. Câu hỏi hay đúng hơn câu dặn dò ấy là “Con nhớ đi nhà thờ mỗi tuần và nhớ đọc kinh sáng tối đấy nhé.” Tôi “Vâng”.
Tôi là một người thành thật, chỉ cần nói dối một chút xíu cũng khiến tôi cảm thấy thật cắn rứt lương tâm làm sao. Nhưng chính tôi cũng không tin được lời “Xin vâng” ấy tuy chỉ là lời nói dối nhưng nó không khiến tôi cắn rứt một chút nào. Đối với tôi đó là lời nói dối vô hại vì nó làm cho cả hai bên hạnh phúc, bố mẹ tôi hạnh phúc và tôi cũng vui. Và tôi biết bạn sẽ không tin đâu, nhưng đó là lời nói dối duy nhất trong đời mà tôi nhớ được cho đến giờ. Tại sao một người không bao giờ nói dối lại có thể nói dối một cách nhẹ bẫng như vậy? Cõ lẽ bởi vì niềm tin của tôi lớn hơn lời nói dối ấy.
Nhưng bất kể niềm tin của tôi có mạnh đến đâu và niềm tin ấy có làm tôi sống vui vẻ hạnh phúc bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể làm cho bố mẹ tôi vui vẻ chút nào. Họ nghĩ tôi là kẻ phản đạo. Ấy là tội nặng nhất trong mọi tội lỗi theo luật Hội Thánh và tất nhiên cha mẹ tôi sợ hãi. Họ lo tôi sẽ phải xuống hỏa ngục cũng như lo rằng họ cũng phải chịu trừng phạt vì tội lỗi của tôi. Vì sợ hãi họ bắt đầu cố gắng kiểm soát tôi và khi thấy rằng không thể kiểm soát được, họ bắt đầu phản đối theo những cách khác.
Tôi muốn hỏi mẹ rằng “Chúa của mẹ có công bằng không? Có trừng phạt người này vì tội lỗi của người khác không?” Nếu mẹ nói không thì tôi sẽ hỏi lại “vậy tại sao bố mẹ lại lo bị trừng phạt vì tội của con?” Nếu mẹ nói có thì tôi sẽ hỏi lại “Vậy công bằng ở đâu khi Chúa trừng phạt bố mẹ vì tội của con dù con đã nói con sẽ nhận hết mọi trách nhiệm cũng như mọi sự trừng phạt?” “Chúa của mẹ có tình yêu thương không? Tại sao Chúa của mẹ lại tàn ác như vậy? Tại sao Ngài ấy lại tạo ra con người có ý chí tự do rồi lại trừng phạt sự tự do ấy?” “Tại sao mẹ lại chọn tin vào một Chúa như vậy trong khi con chọn tin vào một Thượng đế khác hiền lành, nhân từ, yêu thương, vị tha thì lại làm bố mẹ thất vọng? Tại sao con tin Ngài tồn tại ở khắp mọi nơi, không chỉ trong nhà thờ lại làm bố mẹ thất vọng? Tại sao con tin đoàn con Ngài chọn là đoàn con mạnh mẽ chứ không phải đoàn con yếu đuối, tham lam, sợ hãi… thì lại làm bố mẹ thất vọng? Tại sao nhà thờ tồn tại hàng ngàn năm vẫn không làm được cho người ta yêu thương nhau hơn, yêu thương cuộc sống hơn mà con vẫn phải đến đó trong khi con đang sống trong yêu thương đây mà bố mẹ vẫn không vui?” Thật ra những câu hỏi này tôi muốn dành cho nhà thờ hơn là bố mẹ, vì đó cũng chính là lý do tôi không muốn đến nhà thờ nữa.
Nhà thờ được dạy là nơi để tìm kiếm tình yêu của Thượng đế và bình an trong tâm hồn. Tôi đã có được những thứ đó, tôi luôn cảm nhận được tình yêu của Ngài mỗi giây phút sống trên đời và cũng luôn cảm nhận được nguồn bình an lớn lao trong tâm hồn mình. Vậy thì tại sao tôi còn phải đến nhà thờ? Nhà thờ là nơi dành cho những người tôn vinh Thượng đế bằng những lời kinh sáo rỗng trong khi cuộc sống mới là nơi dành cho những người tôn vinh Ngài bằng cả trái tim. Tôi từ chối đến nhà thờ vì tôi không muốn mình là đứa con đau khổ khóc lóc chạy đến bên Chúa để cầu xin thứ này thứ nọ. Tôi từ chối đến nhà thờ vì tôi biết Ngài đã ban cho tôi mọi thứ tôi cần, tôi đang cảm tạ Ngài bằng mọi giây phút trong đời mình không tốt hơn sao?
Ấy thế mà bố mẹ tôi đâu có hiểu, họ vẫn không hài lòng với tôi. Vì không hài lòng chuyện nhà thờ nên họ bắt đầu không hài lòng với tôi về mọi thứ: Họ không hài lòng tôi chuyện kinh doanh, chuyện ăn ở và mọi chuyện khác.
Bố tôi cứ liên tục cằn nhằn với cô em tội nghiệp mỗi khi nó về thăm nhà rằng chúng tôi là những người sống vô tổ chức, vô kỉ luật. Và ý của bố việc sống có tổ chức có kỉ luật là phải sống hệt như mọi người khác, như mọi đứa con gái khác: lấy chồng, sinh con, phấn đấu làm kinh tế chấm hết. Bố còn liên tục so sánh tôi với những cô em họ trong gia đình vì họ có những công việc ngon lànhnhư giáo viên, nhân viên ngân hàng ở thành phố lớn. Họ lại còn cưới những anh chồng thành phố nữa mới oách chứ. Bố tôi muốn chúng tôi cũng “hạnh phúc” như họ. Nhưng họ có thật sự hạnh phúc không? Tôi đọc những tâm sự của họ và thấy rằng cuộc sống của họ nơi thành phố ấy cũng chẳng dễ dàng gì chứ chưa nói đến hạnh phúc, chẳng mấy ai dám tự nhận mình đang sống hạnh phúc cả. Trong khi chúng tôi – những đứa con gái của bố đang có một cuộc sống dễ dàng và dám khẳng định là một cuộc sống hạnh phúc ngay tại đây thì bố lại không chấp nhận. Thật buồn!
Bố mẹ tôi cũng từng tuyên bố rằng sai lầm lớn nhất của họ là cho chúng tôi tự lập sớm quá để rồi giờ đây sống không giống ai. Đối với chúng tôi thì khác: Điều tuyệt vời nhất bố mẹ đã mang lại cho chúng tôi chính là cơ hội tự lập từ sớm để rồi giờ đây chúng tôi đủ sức mạnh và niềm tin để sống cuộc sống của riêng mình, đủ khả năng để quyết định cuộc đời mình theo những lối đi riêng mà không cần phải đi theo lối mòn nào cả.
Tôi biết bố mẹ vẫn rất yêu thương tôi và tôi cũng vậy. Tôi yêu quý họ và tôn trọng họ, nhưng không có nghĩa tôi sẽ vâng lời họ một cách vô điều kiện như mọi nền văn hóa, giáo dục đều dạy mọi người như thế.
Từ khi nhận thức tình yêu của cha mẹ dành cho con cái không vô điều kiện như họ nghĩ. Cha mẹ chỉ mong muốn con cái mình vâng lời hơn là tự do. Và tôi tin rằng chừng nào con người còn vâng lời thì chừng đó họ còn chưa có tự ao, tôi cũng tin chỉ có tự do con người mới có được hạnh phúc thật sự.
Tôi chọn hạnh phúc. Tôi chọn tự do. Và điều đó đã biến tôi là đứa con không vâng lời, đứa con hư trong mắt bố mẹ và xã hội như thế đó.