Đặt mình vào vị thế những chú chim, bạn sẽ bật khóc

Khi đất đủ lành, không chỉ chim mà người cũng sẽ đậu

Chuyện ông anh hai đáng ghét

Tôi không ưa anh hai tôi từ bé. Không phải chỉ bởi vì ổng bạo lực hay đánh đòn tôi, đùa dai, đùa bẩn, khoái bắt nạt, hay sai tôi làm đủ thứ chuyện, chặt đôi con búp bê mà tôi yêu thích, bắt tôi thức dậy mỗi ngày từ sáng sớm vì ổng không có ai chơi cùng… mà còn bởi vì sở thích của ổng làm tôi thấy buồn rất nhiều: bẫy chim.
Nhà tôi khi ấy treo đủ các thể loại lồng chim của ổng, cái to cái nhỏ, cái để nhốt chim, cái để bẫy chim, cái thì được trưng ra bình thường, cái gì bị quây vải cho kín bưng lại. Ngày nào tôi cũng được nghe tiếng hàng chục con chim hót vang ồn ã, nhưng nói thật với bạn, tiếng hót của chúng dù có vẻ vui tai nhưng đối với tôi, nó luôn chứa sự buồn thảm nhiều hơn. Mỗi lần chúng hót vang cùng nhau, chưa bao giờ tôi thấy vui dù cho anh hai tôi thì vui lắm.
Mỗi lần anh hai đi vắng, có thể là đi bẫy thêm chim mới, tôi chỉ ước mình có đủ can đảm để mở bung hết cửa lồng cho lũ chim bay đi. Nhưng tôi không dám, vì tôi sợ. Tôi đã bảo anh hai tôi rất bạo lực rồi mà đúng không. Ổng bợp tai tôi hoài khi tôi làm gì không vừa ý ổng. Hồi ấy tôi thù lắm, vì ngay cả ba mẹ tôi cũng chưa bao giờ đánh đòn tôi dù chỉ một lần.
Ổng có những trò đùa rất tinh quái mà nếu các bạn xem mấy video clip “anh trai-em gái” dạo gần đây có thể hình dung ra. Ví dụ sáng sớm ổng muốn thức tôi dậy cùng nhưng tôi không muốn, ổng sẽ lôi cái chăn cất đi chỗ khác cho tôi bị lạnh không ngủ được khóc um lên mà thức dậy. Rồi cũng cái chăn ấy khi không lấy đi thì ổng sẽ trùm kín lên người tôi sau khi ổng vừa… đánh một quả rắm. Ổng nhốt tôi trong cái chăn với cái thứ mùi tởm lợm ấy không cho tôi thoát ra, cho tới khi tôi lại khóc um lên lần nữa. Chuyện về con búp bê thì lần ấy ổng sai tôi lấy cái gì đó, như cái bào hay tờ báo gì đó, nhưng vì không nghe rõ nên tôi đưa ổng một cái bao, bao bố. Ổng tức điên lên bợp tai tôi một cái rồi giật cái con búp bê tôi đang chơi, mang ra sân và lấy dao chặt nó làm tôi. Sự việc ấy tôi sẽ mãi ghi nhớ, kể cả cho đến bây giờ. Tôi ước ổng cũng chơi búp bê để tôi có thể trả mối thù ấy cho cô búp bê của mình. Tiếc là ổng không thuộc loại chơi búp bê.
Nhớ kỉ niệm đau thương thì tất nhiên tôi cũng nhớ cả kỉ niệm ngọt ngào nữa. Và đáng buồn thay, kỉ niệm ngọt ngào duy nhất chỉ có một mà thôi, ấy là một lần khi ông ấy ra nhà bác cả – nơi tôi ở trọ để học cấp 2 – để đón tôi về thăm nhà vào cuối tuần. Ổng nói “Mẹ mới mua sữa chua hũ về bán. Sữa chua hũ quảng cáo trên tivi ấy. Ngon lắm. Để anh kêu mẹ mỗi ngày đi chợ về ghé vào đây đưa cho Tuyết một hũ nhé”. Vâng, đây điều ngọt ngào duy nhất ông anh hai tôi từng nói với tôi, chỉ có vậy. Tất nhiên sau đấy ổng cũng chẳng nói gì với mẹ vì mẹ chẳng bao giờ dừng đưa cho tôi hũ sữa chua nào cả.
Giờ thì tôi không ghét, không thù anh hai nữa nhưng nói thật tôi vẫn không yêu quý ổng nổi. Ổng vẫn chơi chim, bẫy chim, nhốt chim và vẫn còn những hành động bạo lực, không phải với tôi nhưng với cô con gái tội nghiệp của ổng. Bạn không ngạc nhiên khi tôi chụp hình người thân nhưng chẳng mấy khi chụp hình với ổng đúng không hihi có nguyên do cả.

Nhưng thôi, câu chuyện hôm nay không phải về ông anh hai của tôi, mà về lũ chim yêu quý.

Nếu bạn là một chú chim

Bạn có bao giờ tưởng tượng, nếu bạn được sinh ra là một chú chim thì điều tuyệt vời nhất mà bạn có thể nghĩ tới là gì? Đó là hót? Hay là bay lượn?
Không phải mọi loài chim đều có giọng hót hay như vành khuyên, họa mi gì đấy. Vì nhiều loài chim khác thay vì giọng hót hay chúng lại có những khả năng và lợi ích khác cho cuộc đời, như một bộ lông đẹp hay khả năng bắt sâu… Bất kể loài chim gì thì cũng có một điều không bao giờ thay đổi đó là khả năng bay lượn trên bầu trời bao la rộng lớn. Khả năng bay lượn đi khắp nơi chính là món quà mà Thượng đế đã ưu ái ban tặng cho loài chim, một món quà đáng ghen tị. Hãy tưởng tượng cảnh bạn có thể dùng đôi tay mình mà bay lượn khắp nơi trên thế gian mà xem. Thật tuyệt vời đúng không? Nếu như không có đôi cánh, nếu như không được bay lượn, tôi nghĩ việc làm một con chim thật là vô nghĩa.
Thế nên tôi không chỉ ghét anh hai tôi, mà tôi còn ghét tất cả những ai yêu thích việc bắt những chú chim tội nghiệp rồi đem giam chúng vào trong những chiếc lồng chật chội tù túng. Khác gì ai đó đem chặt mất đôi chân của bạn hoặc nhốt bạn bạn vào một căn phòng kín rồi bắt bạn hát cho họ nghe mỗi ngày? Bạn có thể chấp nhận một cuộc sống như thế không? Bạn có buồn không? Có đau lòng không? Có tìm cách thoát ra không? Và khi bạn quá buồn mà khóc than cho thân phận bất hạnh của mình, cái lũ người ngu xuẩn ấy lại tưởng bạn đang hát cho chúng nghe và rồi thích thú vỗ tay nữa? Tôi từng nhiều lần đặt mình vào vị thế của lũ chim như vậy cả đời mình. Đôi khi nghĩ có lẽ một kiếp nào đó trong quá khứ tôi cũng là một chú chim bị nhốt như vậy không biết chừng. Điều ấy khiến tôi buồn lắm.
Sáng nay khi ngồi café đọc sách trong sân nhà, tôi lặng nghe rất nhiều tiếng chim xung quanh như một bản đồng ca tuyệt vời. Không chỉ có những loại chim hót thành điệu nhạc riêng không trộn lẫn, mà trong đó có rất nhiều những tiếng chíp-chíp thật dung dị của lũ chim sẻ nữa. Có lẽ tại nhà tôi trong hẻm nhỏ, xung quanh còn một ít vườn cây cho nên chim vẫn còn và mỗi buổi sáng là thời điểm chúng kéo về đây hót vang. Nếu bạn có dịp ở Bảo Lộc buổi sáng, bạn có thể ghé thăm nhà tôi để nghe tiếng của lũ chim này. Tuyệt lắm. Không có bài nhạc nào trên các trang xếp hạng có khả năng so sánh với dàn đồng ca ấy. Bản nhạc của tự nhiên, của sự sống, của những cánh chim tự do, của Thượng đế.
Những tiếng chim sáng nay đã khiến tôi suy nghĩ nhiều và nhớ lại nhiều thứ. Tôi nhớ khi còn nhỏ xíu, mỗi lần mùa mưa tới là từng đàn, từng đàn chim sẻ hay chim én lại kéo về làng, đậu đầy trên dây điện. Chim nhiều tới nỗi có nhà còn bẫy được cả đám để nấu cháo nữa. Nhưng sau này chim ngày càng mất dần, mất dần đi. Lúc ấy tôi còn quá nhỏ để hiểu tại sao. Nhưng giờ thì tôi dần hiểu.

Cuộc phóng sinh vĩ đại nhất là hãy ngừng phóng sinh

Mới đây là đại lễ gì đó của Phật giáo, cái lễ mà người ta nhân danh phóng sinh để thỏa mãn nhu cầu “làm việc thiện” của mình, kể cả khi việc thiện ấy về bản chất chỉ là một việc đại ác.
Có tin nói rằng giáo hội Phật giáo Việt Nam đang đề xuất một luật mới là cấm hẳn việc đốt giấy vàng mã trong các ngày lễ lạc. Tất nhiên mọi ý tưởng đều sẽ có người ủng hộ lẫn người phản đối. Tôi nằm trong nhóm những người ủng hộ hành động ấy.
Không chỉ vậy, tôi cũng nằm trong nhóm ủng hộ hội Phật giáo ra thêm luật mới là cấm luôn việc phóng sanh nữa. Chỉ một luật như vậy thôi nếu được thi hành sẽ là một cuộc phóng sinh lớn nhất, thực chất nhất dành cho các loài vật, đặc biệt ở đây là chim và cá.
Bởi vì để phục vụ cho nhu cầu phóng sinh, người ta đã vô tình, thậm chí cố ý lấy đi tự do và sinh mạng của biết bao nhiêu chú chim lẫn những con cá. Những chú chim bị bắt một cách quy mô lớn, gãy cánh, gãy chân sau khi được thả cũng không thể bay nổi mà làm mồi cho chó mèo hoặc bị chèn trên những con đường do xe cộ qua lại. Lũ cá được nuôi, bắt và thả và lại bị bắt lại một cách có tổ chức. Xét cho cùng, đây là phóng sinh hay là sát sinh đây? Sát sinh nhưng lại rất tự hào là mình đang làm điều tốt, sao người ta có thể đạo đức giả thế? Dù tôi không phải một Phật tử nhưng không có nghĩa tôi không được quyền có những suy nghĩ của mình về tôn giáo nói riêng và về hành động của con người nhân danh tôn giáo nói chung. Thế nên tôi đã thật đồng cảm khi đọc được những dòng này của một fb tên Vien Huynh, viết ngày 9/2/2018

“Khi sự vô minh đội lốt lòng từ bi
Đối với Phật giáo, “phóng sinh” là một hành động tốt đẹp xuất phát từ lòng từ bi của người Phật tử trước cái chết của một con vật vô tội nên phát tâm cứu giúp. Tuy nhiên, phóng sinh chỉ có ý nghĩa tốt đẹp khi:
– Người và vật gặp nạn có duyên gặp nhau ngẫu nhiên, không phải do sắp đặt trước.
– Người phóng sinh dốc hết tiền bạc của cải mình có trong người lúc đó chuộc lại mạng sống của con vật gặp nạn.
– Người phóng sinh mang thả con vật bị nạn ở nơi thích hợp đảm bảo con vật được an toàn.
– Người phóng sinh không hề có ước nguyện cá nhân đi kèm với việc phóng sinh.
Nếu so sánh những điều nói trên với hành động “phóng sinh” mà người Việt Nam hiện nay đang làm vào các dịp rằm lớn hoặc lễ Tết, ta sẽ hiểu được tại sao việc phóng sinh ngày nay là một sự tận cùng của độc ác và ngu muội.
1. Chim sống tự do đang ở trên trởi bị đánh bẫy hàng loạt bắt nhốt vào lồng rồi đem bán trước các cổng chùa để mua về thả. Hơn nửa số chim chết trước khi bay ra được khỏi lồng.
2. Cá chép vàng là loại cá kiểng vốn được sinh ra và lớn lên trong môi trường nhân tạo, không thích hợp với môi trường tự nhiên lại bị ô nhiễm quá nhiều của nước ta hiện nay. Đem thả cá ấy vào sông thì chúng sống thế nào?
3. Người phóng sinh bỏ ra vài chục hoặc vài trăm bạc mua chim mua cá phóng sinh, một cái giá rẻ bèo cho những sinh mạng.
4. Chim cá thả ra đều bị ngộp và đuối, không còn sức để bơi hoặc bay. Phần bị chích điện bắt lại, phần bị chó mèo tha, mười phần chết hơn chín.
5. Nhiều người ngu xuẩn đến mức ném cả bịch cá chưa tháo dây cột xuống sông hoặc đổ thùng cá từ trên cao xuống với lực rất mạnh vốn dĩ là để cho xong việc rồi về. Có người tương luôn cả tàn nhang và tro vàng mã xuống cùng. Thử hỏi cá nào sống nổi? Đó là chưa kể việc thả luôn bao nylon xuống sông gây ô nhiễm môi trường.
6. Có một hòa thượng khá nổi tiếng thả hàng chục ngàn con cá chim trắng, loài cá ăn thịt ngoại lai gây hại xuống sông dưới danh nghĩa phóng sinh. Tôi nghĩ nếu xét theo quan điểm khoa học, đây là một điều sai lầm vì sinh vật ngoại lai không rõ nguồn gốc và tập tính sinh hoạt sẽ cạnh tranh nguồn thức ăn thậm chí tiêu diệt các loài sinh vật bản địa. (Hoặc nếu nó không thích hợp với môi trường sống ở đây, chính bản thân chúng cũng sẽ bị tuyệt diệt nữa)
7. Hầu hết những kẻ phóng sinh đều làm qua loa và khi phóng sinh đều với mục đích ước nguyện trần tục của mình thành hiện thực, hoàn toàn không có lòng từ bi.
Nếu hiểu về Phật giáo một cách đúng đắn, một sinh mạng dù lớn hay nhỏ đều có giá trị ngang nhau. Phật giáo nguyên thủy không cấm ăn mặn nhưng nghiêm cấm ăn các loài cá nhỏ hoặc trai sò ốc hến vì nếu một con bò hoặc một con cừu bị làm thịt, thịt của nó có thể làm cứu sống hàng chục người, nhưng một người ăn hàng chục con trai sò vẫn còn chưa thấy no. Hai sự ăn thịt hoàn toàn khác nhau. Một đằng là đổi một mạng nuôi nhiều mạng, một đằng là hi sinh rất nhiều mạng để thỏa mãn dục vọng của một mạng.
Cái trò phóng sinh bây giờ xét ra còn kinh tởm và đáng trách hơn việc ăn những con vật nhỏ để thỏa mãn cái thói thèm ăn của con người vì nó núp bóng từ bi và Phật pháp. Rõ ràng kẻ phóng sinh không hề quan tâm đến việc sống chết của con vật mình thả mà chỉ trục lợi từ nó mà thôi.”

Cô bạn mà share post này cũng nói thêm một điều khác mà tôi cho rằng rất đáng để suy ngẫm “Suy cho cùng, ăn chay mới là cách phóng sinh chân chính”.
Ồ, xin đừng hiểu lầm. Tôi chưa phải một người ăn chay trường để có thể cho bạn lời khuyên về hành động đó. Đối với tôi, ăn mặn cũng không có gì đáng xấu hổ, miễn sao bạn luôn ý thức được những gì mình đang ăn, biết trân trọng đồ ăn, ăn một lượng vừa phải để sao cho đồ ăn trở thành một niềm vui sống, một cơ hội để bạn sống tốt hơn, khỏe mạnh hơn. Nói chung là ăn uống với một tinh thần chủ động, chứ không phải thụ động. Vậy cũng tốt lắm rồi.
Đạo Công giáo mà cụ thể là Chúa Jesus cứ liên tục nhắc nhở người ta điều ấy: Hãy tỉnh thức. Hãy tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi lúc. Tỉnh thức ở đây nghĩa là tỉnh táo, không vô minh, không u mê nhưng là nhận biết mọi thứ đang xảy ra xung quanh mình, bên trong lẫn bên ngoài. Ấy chẳng phải chính là giáo lý của nhà Phật đó sao. Đến một lúc nào đó, khi bạn nhìn ra sự liên quan, sự thống nhất của các thông điệp trong mọi tôn giáo, hiểu và tôn trọng mọi tôn giáo mà không phán xét, không chấp độ, ấy là lúc bạn sẽ sống khác đi như một con người mới. Bạn được tái sinh vào nước trời, trở về với Thượng đế là cha, đạt đến Phật tính bên trong của mình, trở thành một vị Phật. Tên gọi và con đường thì khác nhau, nhưng đích đến cũng chỉ là một.
Uầy, lại quên, tôn giáo không phải chủ đề hôm nay mà là những chú chim bé nhỏ. Quay lại nhé!

Nghệ thuật chơi chim đích thực

Nhìn cách người Việt Nam chơi chim, bẫy chim, nhốt chim vào những cái lồng tôi thấy buồn bao nhiêu, thì khi đọc về cách “chơi chim” của người nước ngoài, tôi lại thấy vui bấy nhiêu.
Ai đó chia sẻ rằng ở nước ngoài, những nước tân tiến, người ta “chơi chim” một cách rất chủ động và rất thuận tự nhiên. Cụ thể là họ sẽ đặt những máng đồ ăn cho chim ở trên những cái cây xung quanh nhà. Mỗi sáng hoặc những khung giờ nhất định trong ngày, lũ chim kéo tới cây ấy, ăn đồ ăn ấy và tất nhiên không quên nhảy nhót hót vang. Người chơi chim chỉ việc vác ghế ra sân ngồi nghe những giai điệu trong trẻo tuyệt vời, ngắm nhìn lũ chim nhảy nhót qua các cành cây kẽ lá trong khi nhâm nhi một ly trà. Trà hết, chim bay đi thì cũng hết giờ “chơi chim”, công việc của họ sẽ là đổ thêm thức ăn vào các máng ấy. Chim có đồ ăn, có cây cối, có tự do để sải cánh bay. Con người có thiên nhiên, có tiếng chim hót và sự bình an trong tâm hồn. Quả thật là một cách chơi chim tuyệt vời mà mọi kẻ tự nhận “chơi chim” ở Việt Nam nên biết mà học hỏi.
Tôi không phải một kẻ cuồng ngoại để cái gì của Tây cũng khen hay khen tốt, nhưng chắc chắn tôi cũng không phải một kẻ cuồng nội để cho rằng cái gì của mình cũng đúng cũng hay. Tôi chỉ là một người biết đặt bản thân mình vào mọi thứ để suy nghĩ, để tìm lời giải thích, tìm câu trả lời cho những điều mình gặp thường ngày, để sống một cuộc sống theo cách riêng của mình mà không bao giờ phải thốt lên lời “hối hận” hay “giá như”.

Đất lành chim sẽ đậu, đất dữ tất nhiên chim sẽ bay đi

Việt Nam mình có một câu rất hay “Đất lành chim đậu”. Tôi tin đất Việt của mình từng là một nơi đất lành như thế, theo đúng nghĩa đen. Nước Việt từng có rất nhiều rừng, rất nhiều chim chóc kể cả loài bình dân cho đến loài quý hiếm. Nhưng rồi sự thể thay đổi khi chiến tranh xảy ra làm cho rừng bị tàn phá nặng nề, tiếp sau đến sự quản lý vô trách nhiệm của chính phủ khiến cho rừng biến mất nhiều hơn. Việt Nam giờ đây không còn nhiều rừng cây nữa, tất nhiên chim chóc cũng theo đó mà biến mất, hoặc bay đi nơi khác để sinh sống. Không chỉ rừng biến mất, đất đai cũng bị nhiễm độc bởi phân hóa học, thuốc trừ sâu, hoa màu cây cỏ ngày càng ít đi, dân số đông lên, lòng tham con người và cái đói cũng góp phần làm cho số lượng chim chóc trên đất Việt giảm đi nhiều hơn nữa. Đất Việt không còn lành, dân Việt cũng không còn lành thì làm sao mà chim có thể đậu?

Bạn hẳn đã biết câu chuyện các nông dân ở Nhật, sau mỗi kì thu hoạch lúa gạo hoa màu, đều sẽ dành một góc ruộng không gặt để làm đồ ăn cho chim chóc? Ấy chính là đất lành. Nơi mà chim chóc không chỉ có đồ ăn, mà còn có sự tôn trọng của con người. Còn ở Việt Nam, người ta không chỉ ghét chim, đuổi chim đi mà còn tận diệt bắt hết chim để bỏ lên bếp than làm món chim nướng nữa, chứ đừng nói gì đến việc chừa lúa gạo nuôi chúng ăn. Ừ thì chúng ta có thể đổ lỗi cho đói nghèo, người còn không có gạo huống gì đến chim. Nhưng sự thật là chúng ta không biết nhìn xa nên hành động của chúng ta cứ tưởng tốt, hóa ra lại làm hại chính mình. Những chú chim đó nếu được nuôi đúng cách sẽ trở thành thiên địch cho các loài sâu bọ trên cây lúa cây rau nữa chứ đâu chỉ mỗi phá phách không đâu? Chúng ta diệt chim nên sâu bọ hoành hành, chúng ta phải dùng thuốc sâu để diệt sâu bọ. Thế rồi chúng ta lại ăn những hạt lúa gạo ngấm đầy chất độc mà chính chúng ta đã tự đầu độc ngay ban đầu. Đó chẳng phải một cái bẫy rất đau thương sao? Chúng ta đã tự bẫy chính mình mà thôi.
Ngày nay đất Việt không còn lành nên cũng không còn nhiều chim chóc nữa, nếu không tin bạn có thể ghé thăm những khu vực gọi là Tràm Chim, nơi bảo tồn và sinh sống của rất nhiều loài chim khác nhau để thấy một sự thật đau lòng: Tràm Chim cũng không còn chim nữa rồi. Chúng bị lén bắt, bẫy và giết chết ngay trên chính vùng đất mà đáng lẽ ra chúng phải được bảo vệ. Tôi cũng từng đọc một bài báo nói rằng giống chim hạc mỏ hồng hay đỏ gì đó, vốn trước đây chỉ sống ở Việt Nam, nay đang sống và được bảo tồn trên đất nước Cambodia láng giềng. Vâng, chim chóc đã bỏ chúng ta mà đi như thế đó.
Nhưng không chỉ chim đâu, con người nữa.

Câu nói đùa mà không đùa, vui mà không vui “Nếu như cột điện có chân, nó cũng sẽ rời bỏ Việt Nam lâu rồi” là một câu nói, theo tôi, thể hiện rõ ràng cái sự thật đớn đau về hiện trạng đất nước “đất lành chim đậu” bên trên.
Bài dài rồi, phần sau tôi sẽ nói nhiều hơn về việc “hãy tạo ra đất lành, không chỉ chim mà con người cũng sẽ đến đậu”
Đó sẽ là một bài viết hơi mang tính xã hội – chính trị một chút nhưng sau cuối tôi sẽ chỉ cho bạn cách để “tự tạo ra một vùng đất lành cho chính mình” thay vì cứ mãi chờ đợi ai đó tạo ra “đất lành” cho bạn. Cũng là câu chuyện cá nhân của tôi về việc tại sao tôi lại chẳng thèm đi đất nước khác để sinh sống định cư, kể cả khi tôi có điều kiện. Quan điểm của tôi là thay vì cứ mãi tìm cách để được “bay đi vùng đất khác”, hãy cùng nhau biến nơi bạn đang ở thành một vùng “đất lành – vùng đất của an lành và hạnh phúc”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *