Làm sao để không CHÁN NẢN? hay cách bắt bệnh và phương thuốc chữa bệnh chán nản?
Chán nản thường xảy đến khi mình rảnh quá, không có gì làm, nhiều thời gian trống chỉ dùng để suy nghĩ lung tung, ghen tị với người này, so sánh với người khác, nuối tiếc về quá khứ, lo lắng về tương lai… Nói chung là chúng ta chán nản khi cảm thấy những gì mình đang có, đang làm trong hiện tại thật vô nghĩa.
Mà đúng là nó vô nghĩa thật khi chúng ta dùng thời gian của hiện tại để nghĩ về những thứ vô nghĩa như chuyện của người khác, chuyện của ông trời, chuyện quá khứ không thể thay đổi, chuyện tương lai không thể đoán trước.
Câu này là một trong những thần chú hiệu quả cho những ai đang rơi vào cảm giác chán nản. Hãy nghĩ về nó.
Trên đời có ba việc:
– Việc của người khác
– Việc của ông trời
– Việc của bản thân
Chúng ta buồn chán là do:
– Lo việc của người khác
– Buồn chuyện ông trời
– Không lo chuyện của mình
Vậy nên muốn sống vui vẻ rất đơn giản, chỉ cần:
– Không lo chuyện người khác
– Không buồn chuyện ông trời
– Tập trung làm tốt nhất những việc của mình
Tương tự, cảm giác bản thân vô dụng là vì không/chưa làm tốt việc của bản thân mình, thấy ngày trôi qua vô nghĩa.
Để xoá bỏ cảm giác ấy thì ngay lập tức phải lên kế hoạch sử dụng thời gian cho những việc không vô nghĩa, không lãng phí thời gian như:
– Không than trách; Không so sánh; Không đọc tin tức; Không lướt facebook quá nhiều
– Mua sách về đọc, đặc biệt là cuốn *Sống như ngày mai sẽ chết* – cuốn sách về nghệ thuật và kĩ năng sống đã nhận đc rất nhiều phản hồi tích cực của các bạn trẻ về việc lên tinh thần, động lực sống có ích.
– Lập danh sách to-do-list những việc cần làm, muốn làm, nên làm, phải làm và làm các việc ấy.
– Không trì hoãn, không lý do
– Trò chuyện, inbox cho người bạn muốn xin lời khuyên nhưng nhớ kể rõ hoàn cảnh cụ thể thì người ta mới giúp tư vấn sâu hơn được.
Bạn không thể tới nói với bác sĩ “tôi đau bụng” là người ta bán thuốc cho bạn ngay. Cần phải có quá trình thăm khám chẩn đoán siêu âm bắt mạch các kiểu nữa. Bạn nêu tình trạng sơ sài bác sĩ cũng sẽ cho bạn phương thuốc sơ sài thôi, kiểu như “Đau bụng à? Toilet đàng kia”
Sau cùng, tất cả những điều trên đều là lý thuyết.
Về thực tế, chán là căn bệnh nan y không bao giờ khỏi hết được. Nó xuất hiện cho mọi người thuộc mọi độ tuổi, mọi quốc gia, tôn giáo, mọi thời điểm. Tuy nhiên thực tế chứng minh người đã kết hôn, có con cái thường hay thấy chán nhiều hơn người độc thân. Cái này không phải khoa học cao siêu gì nhưng là thực tế ai cũng có thể quan sát và kết luận. Tương tự người kết hôn cũng dễ bị bệnh hơn, dễ stress hơn, dễ trầm cảm hơn. Từ từ hãy kết hôn là một phương cách “phòng tránh” chán hiệu quả. Cái này là lời khuyên cá nhân thôi. Không cần nghe theo cũng được.
Trở lại chuyện làm sao cho hết chán. Không hết được đâu, việc duy nhất ta có thể làm chỉ là giảm tình trạng chán nản xuống, không để nó xảy ra quá thường xuyên mà thôi.
Luôn nhớ quy tắc: không ai giúp được bản thân mình, ngoại trừ chính mình. Hệt như không có ai đi toilet giúp mình được, cho dù được, cũng không ai muốn làm đâu. Phải tự mình làm lấy, tự mình giải quyết lấy.
Phương thuốc chữa trị “chán” dứt điểm, như đã viết trong các bài “chán nản là một phúc lành” “ý nghĩa của sự chán nản” là hãy ngồi thinh lặng nghĩ sâu về nó, thiền định về nó, như Thích Ca vậy. Nó sẽ tự biến mất như những đám mây trên trời bị gió thổi bay. Như cơn đau bụng đột nhiên tan biến sau giây phút “căng thẳng” trên bồn cầu vậy.
Sẽ có người nhầm lẫn, cho rằng nếu mình không lo chuyện người khác, không quan tâm người khác thì tức là mình rất ích kỉ. Không phải vậy. Bạn cần phải học cách phân biệt chuyện bản thân và chuyện người khác một cách tỉnh táo. Giống như một bác sĩ không thể chăm sóc sức khỏe cho người khác được, khi mà bản thân anh ta không khỏe mạnh. Bạn phải lo chuyện bản thân mình trước, làm cho bản thân mình khỏe mạnh trước thì bạn mới chăm sóc được cho người khác chứ.
Bên cạnh đó, có những phương pháp khác để tẩy bớt một chút chán nản mà tôi thường hay sử dụng, xin được chia sẻ luôn lỡ may nó cũng hữu dụng với bạn.
Tôi không phải một cô gái tiệc tùng. Tôi đặc biệt ghét karaoke và quán bar vì những nơi đó thật ồn ào mệt mỏi. Thế nhưng tôi lại thích hát và nhún nhảy một mình. Những bài hát được chọn lọc kĩ như “Where is the love” của The black eyed peas hay “Happy” của Pharrel Wiliams, “Trouble is a friend” của Lenka. Nhạc Việt Nam thì những bài như Cát bụi, Nếu chỉ còn một ngày để sống, Tôi muốn, Những điều nhỏ nhoi, Và tôi cũng yêu em, Và con tim đã vui trở lại… Nói chung là những bài hát với nhạc lẫn lời thật vui vẻ và ý nghĩa. Đặc biệt với những bài vui nhộn, tôi nhún nhảy như không bận tâm bất cứ chuyện gì khác trên đời nữa. Đó là một cảm giác rất tuyệt, bạn nên thử. Có thể coi nó là một dạng thiền động. Bạn tha hồ chuyển động trong lúc tâm trí trống rỗng thanh thản, đó chính là thiền.
Bạn có nhận ra, khi bạn buồn chán, bạn thường nghe những loại nhạc buồn thảm. Nhạc buồn đôi khi có thể khiến bạn thanh thản một chút nhưng chẳng bao giờ giúp bạn quên đi cái buồn cả. Nó cho bạn đi sâu hơn vào cái buồn của mình, qua đó bạn thấy không buồn nhiều nữa. Đó cũng chính là thiền, thiền quan sát. Bạn quan sát cảm xúc của mình và đồng hóa nó với lời bài hát, bạn cảm thấy nó như tan biến đi dù chỉ một chút.
Một điều khác, khi buồn chán người ta có xu hướng giải buồn bằng cách tụ tập bạn bè, đi đến chỗ đông vui, đi vào quán bar. Thật ra đây không phải cách để đập tan buồn, nhưng là cách để bạn trốn tránh cái buồn của mình mà thôi. Cái buồn sẽ mãi còn đó, không phải vì bạn nhắm mắt hay trốn trong chăn mà nó sẽ biến mất. Bạn căng thẳng, bạn đi đến quán nhậu quán bar để uống rượu mạnh, nghe nhạc mạnh là những thứ làm cho bạn còn căng thẳng hơn nữa. Khi bạn cảm thấy cô đơn, bạn muốn đến chỗ đông vui nhưng thâm tâm bạn biết rằng đám đông đó thật ra cũng chẳng ai quan tâm bạn. Ở giữa đám đông, bạn lại cảm thấy cô đơn hơn bao giờ. Dù vậy bạn vẫn quá sợ việc phải ở một mình, sợ đi sâu vào trong cái buồn ấy. Như cách một người trốn tránh việc uống thuốc vì sợ đắng nhưng vẫn mong mình mau khỏe lại. Đấy chỉ là cách nói ví von thôi. Thực chất, cơ thể hoàn toàn có thể tự khỏe lại mà không cần thuốc, nếu chúng ta biết cách vận dụng năng lượng của cơ thể để chữa lành. Nhưng đó là một chủ đề khác. Hiện tại, thuốc đắng dã bệnh vẫn là một điều không sai.
Chán nản không phải thứ để trốn tránh, nhưng nó là cơ hội để chúng ta đối mặt với chính mình, chữa lành chính tâm hồn mình.
Khi sức khỏe bạn tốt, mọi thứ ổn. Nhưng khi có gì đó sai với sức khỏe của bạn, cơ thể sẽ ngay lập tức gửi cho bạn những tín hiệu: một cơn đau ở đâu đó, một sự choáng váng, một cú thót trong bụng… Cơ thể đang cố báo cho bạn rằng sức khỏe đang có vấn đề.
Chán nản, buồn phiền chính là một trong những dấu hiệu của tâm hồn. Nó đang cố báo cho bạn rằng có gì đó sai sai ở đâu đó. Để bạn có thể tìm ra và sửa chữa nó, chứ không phải để trốn tránh hay làm lơ.
Đừng xem thường sự chán nản. Nó có thể giết chết bạn từ từ như mọi căn bệnh nan y khác, nếu bạn không nhận ra và giải quyết nó. Rất nhiều người chết vì chán, đó là bệnh trầm cảm.
Nhưng cũng đừng sợ hãi sự chán nản. Hãy dùng nó như một bậc thang để thêm trân trọng những giây phút hạnh phúc, bình an. Dùng nó như một cơ hội để “bắt mạch chẩn bệnh” cho sức khỏe tâm hồn của mình.
Càng đi sâu vào nó, phân tích nó bao nhiêu thì bạn càng nhận ra mọi sự không tệ như mình nghĩ. Giống như một người trong cơn đau nặng sẽ tưởng mình sắp chết vậy. Mọi sự không tệ như bạn nghĩ. Hãy học cách nhìn mọi việc với con mắt lạc quan nhất, rồi mọi cảm giác chán nản sẽ qua thôi.
Để không chán nản? Hãy sống như trẻ thơ!
Làm sao để sống như trẻ thơ, ấy là cả một nghệ thuật!