Sống để tiến hoá

Tiến hóa là gì?

Nó giống như vầy:

Ban đầu bạn cứ luôn vô thức phán xét tất thảy mọi người về mọi việc, kể cả khi những việc đó chẳng liên quan tới bạn tí nào. Sau đấy bạn nhận ra rằng không nên phán xét ai vì vẻ bề ngoài. Thêm bước nữa bạn mới biết bạn chẳng là ai để mà phán xét ai, dù về bên trong hay bên ngoài của họ. Và sau cùng bạn chả còn mảy may bận tâm chuyện phán xét ai hay ai phán xét mình.

Ban đầu bạn cứ nghĩ mình ra đời với trách nhiệm gì đó lớn lao mang tầm thế giới. Sau đấy bạn nhận ra bạn chỉ có trách nhiệm với những người xung quanh, những người thân yêu của bạn. Và cuối cùng bạn nhận ra bạn chẳng có trách nhiệm gì với ai cả ngoài bản thân mình.

Ban đầu bạn cho rằng kiến thức/vật chất/danh vọng/thành công… là những thứ tối cần thiết bạn phải đạt được thì bạn mới hạnh phúc. Tới một điểm nào đấy trong đời bạn nhận ra không có chúng thì bạn vẫn có thể hạnh phúc được. Và sau cùng bạn biết rằng bạn chỉ có thể đạt hạnh phúc tuyệt đối khi bạn không còn bận tâm một chút nào đến những thứ đó nữa.

Ban đầu bạn sợ buồn, sợ cô đơn, sợ chết lắm. Sau đấy bạn không sợ buồn nữa, thấy cô đơn cũng có cái tuyệt và chết cũng không có gì quá đáng lo. Rồi cuối cùng một ngày bạn bỗng nhận ra bạn yêu quý và trân trọng mọi thứ, từ nỗi buồn, sự cô đơn và cả sự chết. Bạn bắt đầu yêu quý và trân trọng chúng ngang bằng cách mà bạn trân trọng niềm vui, niềm hạnh phúc và sự sống.

Đấy là những cấp bậc của tiến hóa.
Chúng ta sinh ra trên đời chỉ với một nhiệm vụ duy nhất: tiến hoá.
Nhưng không phải tiến hóa về mặt vật lý hay sinh học, mà là mặt tâm linh. Tiến hoá chính là sự trưởng thành về mặt tâm thức, chứ không chỉ mặt thể chất. Sự trưởng thành này không liên quan đến độ tuổi, vẻ bề ngoài hay hoàn cảnh sinh sống. Người ta có thể trưởng thành trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ nơi nào.

Quan sát sự trưởng thành của bạn qua từng giai đoạn cuộc đời, bạn sẽ thấy bạn đang ở nấc thang nào của sự tiến hoá. Càng tiến hoá lên cao, dấu hiệu càng dễ nhận biết: bạn trở nên yên tĩnh, thanh thản, hết tham vọng, hết phán xét, rất từ bi và luôn tràn ngập yêu thương bên trong trái tim và tâm hồn mình.

Không ai có thể trưởng thành mà không trải qua đau đớn. Đau đớn nhất cho chúng ta không phải là nỗi đau thể chất mà là nỗi đau tinh thần hay nói một cách dễ hiểu là nỗi đau đớn khi bản ngã bị vỡ nát. Khi bạn nhận ra bạn chẳng là ai, chẳng đáng giá gì, chẳng quan trọng gì, chẳng có ý nghĩa gì. Bằng cách nào đó, nếu như bạn có thể chấp nhận và chúc tụng những cơn đau này, những thất bại, những lần đau khổ và kể cả những thương vụ vỡ nát của trái tim, thế thì bạn đang tiến thêm một bước dài trên con đường trưởng thành tâm linh của chính mình.

Chừng nào bạn còn không thể chấp nhận những cơn đau mà cứ né tránh nó, chừng đó bạn khó có thể trưởng thành.

Tiến hoá nói đơn giản là sự trưởng thành của tâm thức, khi người ta phải trải qua những cơn đau đớn vô cùng do bản ngã bị vỡ ra.

Nếu như những cơn đau là điều không thể tránh khỏi, tại sao phải trì hoãn nó và rồi sống trong lo sợ, bất an? Chi bằng, hãy hết mình với những cơn đau ấy, để rồi chứng kiến sau “cơn đau đẻ tâm linh” này, một con người mới, một tâm thức mới được ra đời. Con người mới ấy chính là kết quả sự tiến hoá của bạn.

Nhớ nhé, đừng tránh né những cơn đau, thay vì vậy, hãy hết mình với nó, nó cũng đẹp hệt như một bông hoa vậy, như Trịnh có nói “Đi tới tận cùng của nỗi đau để thấy nó cũng đẹp tựa như một đoá hoa”.

Càng trải qua nhiều cơn đau, bạn sẽ càng nhanh trưởng thành, nhanh tiến hoá. Đó là con đường duy nhất!

Phi Tuyết, 2017-2020

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *