Review tóm tắt cuốn Osho – Giáo Sư Nổi Loạn

Giáo sư nổi loạn

Sau khi lấy bằng thạc sĩ hạng ưu ngành tâm lý học về tôn giáo và triết học (với màn thi vấn đáp đáng ghi vào sử sách: giám khảo: ‘Triết học là gì?’ Osho đáp: ‘Em không thể tin được sau nhiều năm giảng dạy triết học như vậy mà thầy lại không biết triết học là gì!’ 🤣) Osho mang mớ bằng cấp tới thẳng vị bộ trưởng giáo dục hỏi xin một công việc giảng dạy vì lý do “Nó sẽ cho tôi những kĩ năng cần thiết cho công việc của tôi sau này”. Vị bộ trưởng hỏi về giấy chứng nhận hạnh kiểm còn thiếu trong tập hồ sơ. Osho đáp “Tôi không cần tờ giấy vớ vẩn đó. Vì ai có đủ tư cách để xét hạnh kiểm của tôi? Thầy có muốn tôi được chứng nhận đủ tư cách hạnh kiểm từ những người mà tôi cho rằng họ không đủ tư cách hạnh kiểm?”

Osho nhận được một tờ chỉ định giảng dạy tại một ngôi trường sai, vậy nên ông đã dành cả 6 tháng này để nghỉ ngơi và du hành. Giúp mọi người giải quyết những rắc rối cá nhân của họ từ những đứa trẻ tới người già, những giáo sư cho tới người ăn xin…)

Sau 6 tháng “nghỉ ngơi” đó, Osho được chỉ định dạy triết học tại đại học Jabalpur.

Buổi học đầu tiên, ông nói với đám sinh viên “Các em còn trẻ, các em đang tràn đầy năng lượng. Các em nên làm gì đó với năng lượng này như là ra ngoài kia vui chơi hoặc làm tình. Vậy mà các em lại ngồi đây học triết học. Các em có bị điên không? Chẳng cần trả lời, tôi biết các em nhất định điên rồi.”

Osho trao nhiều tự do cho sinh viên của mình đến nỗi tất cả các lớp khác đều ghen tị và hỏi “chúng em đến lớp của thầy được không?” Và dần dà lớp học cứ đông dần lên đến nỗi sinh viên ngồi kín lớp, ngồi cả lên cửa sổ. Ông giảng quá lôi cuốn đến nỗi lớp học hàng trăm người nhưng mọi người vẫn tuyệt đối im lặng lắng nghe. Ông bảo “Nếu các em muốn đến lớp, cứ đến không cần xin phép. Nếu các em muốn đi, thì biến đi. Tôi không bận tâm chút nào.”

Một buổi giảng của giáo sư Osho chia làm 2 phần: phần 1 giảng theo giáo trình. Phần 2 phản đối lại mọi thứ mình vừa giảng. Sinh viên đến lớp và rời đi mà hoàn toàn không nắm được một quan điểm nào. Lớp học trở thành lớp hùng biện, mọi luận điểm được đưa ra đều sẽ bị thảo luận tới cùng. Tới khi nào tất cả đồng thuận mới thôi. Thế nhưng giáo sư Osho chỉ cần 2 tháng để dạy xong giáo trình 10 tháng, thời gian còn lại “Các em thích làm gì thì làm. Không cần thiết lãng phí thời gian của nhau.”

Các giáo sư khác rất không ưa Osho vì sinh viên của họ đều bỏ lớp mà đi học triết, họ cảm thấy áy náy vì cách dạy của họ quá nhàm chán và lãng phí thời gian. Osho bảo “Đó là việc của quý vị. Quý vị nên thay đổi cách dạy hoặc nên thấy ăn năn vì sự lười biếng tệ hại của quý vị.”

Osho được mời soạn đề và chấm bài thi, ông nói “Không nên mời tôi, vì tôi sẽ ra những câu hỏi mà không có trong sách vở tí nào. Và nếu tôi mà chấm bài thi, tôi sẽ cho những người làm sai được nhiều điểm hơn người làm đúng, vì lý do tôi cảm thấy thương họ. Người làm sai cần được nhiều thông cảm và yêu thương hơn người làm đúng. Vậy nên nếu thầy không muốn rắc rối, đừng mời tôi.”

Ngày lễ nhà giáo, Osho không chịu đựng nổi những lời tâng bốc nhà giáo một cách thái quá lên đã tự xung phong lên phát biểu trước toàn trường và tuyên bố “đây là ngày nhà giáo nên xấu hổ hơn là tự hào.” Những lập luận kèm theo của vị giáo sư nổi loạn này khiến mọi người đều sửng sốt, kinh ngạc không thốt lên lời nhưng sau cùng ai cũng… vỗ tay tán thành.

Osho không bao giờ xin nghỉ phép vì lý do đơn giản: nhà trường chỉ cho phép nghỉ 21 ngày trong một năm trong khi ông ấy lại cần nghỉ tới 21 ngày… mỗi tháng để đi du hành và thuyết giảng. Thế thì xin phép làm gì? Ông được mời đến thuyết giảng ở rất nhiều nơi, thuộc mọi tôn giáo và tổ chức xã hội. Rất nhiều lùm xùm thú vị xảy ra trong khoảng thời gian này.

Osho thường xuyên du hành trên các chuyến tàu hoả và tất nhiên rất nhiều chuyện dở khóc dở cười xảy ra trên những chuyến tàu và không bao giờ thiếu những trò nghịch ngợm khi chờ ở sân ga khiến mọi người tức điên nhưng không làm gì được.

Osho được mời đến một gia đình giàu có, người vợ của gia đình đó mời Osho đến để thuyết phục chồng bà hãy làm từ thiện bớt tiền đi, vì họ quá giàu và ông này qúa keo. Osho đến, chẳng thuyết phục một lời nào vậy mà người đàn ông giàu có này đã tự nguyện dâng tặng mọi tài sản của mình cho Osho. Đây chính là người đàn ông đã mua tặng cho Osho những vật dụng đắt tiền nhất, những chiếc xe hơi xịn nhất, kể cả khi Osho không hề có nhu cầu dùng chúng. Nhưng sau rốt, nhờ những chiếc xe và vật dụng đắt tiền này mà Osho đã học được những cách thức để “chơi” với giới truyền thông trên thế giới sau này và câu nói nổi tiếng “Người nghèo có nhiều người chăm nom rồi. Hãy để tôi chăm nom cho người giàu cũng được vậy.” Đọc sách để biết đường cặn kẽ con đường mà Osho từ một giáo sư không bao giờ đi lãnh lương, thề không bao giờ đụng vào tiền lại trở nên có cuộc sống được cho là “rất xa hoa” như thế nào.

Ngoài việc giảng dạy trên trường (theo cách rất không giống ai), đi thuyết giảng khắp mọi nơi theo những lời mời, Osho cũng thích du lịch, yêu những cảnh đẹp và đặc biệt có năng khướu nghệ thuật với môn thơ và vẽ. Nhưng ông cũng phá huỷ mọi tác phẩm của mình vì lý do “giữ chúng cũng chẳng để làm gì”.

Sau khoảng thời gian gần chục năm đi khắp mọi nơi thuyết giảng về đủ mọi chủ đề, song song tổ chức những khoá thiền, buổi học thiền, giảng dạy về thiền cho sinh viên, các giáo sư cho tới những người lạ thuộc mọi tôn giáo, Osho bắt đầu tách ra khỏi đám đông và quy tụ những “người riêng” của mình thuộc mọi tôn giáo, sắc tộc và tổ chức những kì trại thiền mỗi lúc một nhiều hơn.

Ông quyết định từ chức giáo sư của trường đại học và bắt đầu hành trình của một Guru Nổi Loạn.

Mời bạn đặt mua bộ sách Sinh viên nổi loạn và Giáo sư nổi loạn để đọc chi tiết hơn về hành trình cuộc đời đầy lý thú và bất ngờ của Osho – vị chân sư “ngầu đời” nhất lịch sử loài người.

Dịch giả cảm ơn bạn!

Namaste!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *