Câu chuyện lão nông Nhật Bản và cuộc cách mạng một cọng rơm
Ñó là một cuộc cách mạng không liên quan gì đến chính trị, nhưng là liên quan đến một phương thức mới trong công cuộc làm nông nghiệp của thời đại mới: Nông nghiệp thuận theo tự nhiên. Cuộc cách mạng ấy đã thay đổi cách nhìn, cách nghĩ lẫn cách hành động của rất nhiều người trên thế giới. Tất nhiên trong đó có Việt Nam nữa. Nó khiến cho người trẻ không chỉ quan tâm về nông nghiệp nhiều hơn mà còn về bản chất và ý nghĩa của cuộc sống nhiều hơn.
Nhiều người sẽ thầm nghĩ “một cọng rơm” thì làm được gì? Nhưng với những ai đã từng đọc cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm của lão nông Nhật Bản Fukuoka thì đều không thể quên thông điệp rằng: Một cọng rơm mỏng manh nhỏ bé nhưng có quyền năng vô cùng. Nếu người ta biết giá trị thực sự của cọng rơm ấy thì một cuộc cách mạng có thể sẽ được khai mào, thậm chí đủ mạnh để dịch chuyển cả thế giới.
Lời tuyên bố ấy nay đã trở thành sự thật. Triết lý làm nông vô canh của ông ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, không chỉ trong đất nước Nhật mà toàn thế giới, tất nhiên cả Việt Nam nữa. Đặc biệt các bạn trẻ Việt Nam lại càng nên biết về ý tưởng của cuộc cách mạng cọng rơm này. Vì đất nước chúng ta vốn là một đất nước nông nghiệp nên có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng tuổi trẻ chúng ta lại chưa dành sự quan tâm đúng mức đến nông nghiệp chút nào. Đấy là một sự thiệt thòi cho đất nước lẫn cho chính chúng ta. Nếu như ta biết dành nhiều sự quan tâm và đầu tư hơn cho nông nghiệp một cách đúng đắn thì thông qua cọng rơm này ta cũng có thể thay đổi nền nông nghiệp nước nhà, kinh tế nước nhà. Thậm chí là thay đổi chính tư duy, quan điểm sống và cuộc đời của chúng ta nữa.
Vậy một cọng rơm có sức mạnh như thế nào? Làm cách nào nó có thể thay đổi thế giới?
Để hiểu thêm về sức mạnh của rơm trước hết hãy quay ngược thời gian trở về trước đây, khi lão nông Masanobu Fukuoka còn là một chàng trai trẻ nhiệt huyết với công việc nghiên cứu về bệnh cây trồng trong phòng thí nghiệm, nhưng vẫn không quên “cháy” hết mình với những cuộc vui chơi như mọi thanh niên khác.
Kết quả của việc làm quá sức lẫn vui chơi quá sức là những tháng ngày trong bệnh viện điều trị căn bệnh viêm phổi cấp. Ở trong bệnh viện, đối mặt với sự cô độc và nỗi sợ chết cậu trai trẻ đã nghiệm ra nhiều điều về cuộc sống, thậm chí có thể nói không ngoa rằng cậu đã “giác ngộ” chân lý về cuộc sống: “Khi mọi niềm tin đều biến mất, tôi nhận ra thế giới này chẳng có gì sất, tôi chẳng hiểu một tí gì về cuộc sống cả. Mọi thứ đều là những thêu dệt rỗng tuếch, kể cả bản thân sự tồn tại.” Một sự kiện chấn động về tinh thần đã thay đổi chàng trai ấy hoàn toàn. Ra khỏi viện Fukuoka lập tức nộp đơn xin thôi việc và có ý định lang thang khắp nơi để truyền đạt những triết lý về cuộc sống mà anh vừa lĩnh hội. Kết quả là đi tới đâu người ta cũng cho anh là kẻ lập dị, thậm chí một gã điên.
Cảm thấy việc đi lang thang như vậy không hiệu quả, Fukuoka nghĩ ra một cách khác. Anh quay trở lại trang trại của cha mình và bắt đầu sống một cuộc sống giản dị nguyên sơ trong túp lều nhỏ trên núi. Anh muốn đem nhận thức mới của mình về cuộc sống áp dụng vào công việc nhà nông để chứng tỏ cho thế giới về sự đúng đắn của nó. Anh phát chán với việc giải thích và thuyết phục mọi người. Thay vào đó anh cho rằng mình nên thực hành những triết lý của mình trước rồi dùng chính kết quả thu được để thuyết phục mọi ngươi sau. Nghĩ là làm, từ đó phương pháp làm nông vô canh của anh nhen nhóm ra đời.
Sau khi bỏ mặc và làm tàn lụi vườn cây ăn quả vốn rất tươi tốt của cha, Fukuoka đã theo lời cha mình dành 8 năm “kỷ luật bản thân” bằng cách vào làm việc trong mảng khoa học nông nghiệp, nghiên cứu tăng sản lượng lương thực phục vụ cho chiến tranh thời bấy giờ. Nhưng trong suốt khoảng thời gian đó một câu hỏi luôn hiện hữu trong tâm trí anh chàng về chuyện liệu rằng nông nghiệp tự nhiên có thể đứng lên sánh ngang với khoa học hiện đại hay không?
Sau chiến tranh, cảm thấy một luồng gió tươi mới của tự do, ông đã trở về quê và bắt tay vào công cuộc làm nông mới của mình. Phương pháp làm nông không-làm-gì-cả chính thức hình thành và được đưa vào áp dụng.
Trong 30 năm anh chàng Fukuoka chỉ sống trong trang trại và nghĩ cách làm sao để trở thành một lão nông an nhàn không làm gì cả. Kết quả của những năm tháng dài kiên trì ấy đã không phụ lòng mong đợi. Ông đã chứng minh được phương thức làm nông vô canh của mình. Các quy tắc trong việc làm nông của ông đi ngược lại truyền thống cày cấy trồng trọt lâu năm của nông dân cũng như đi ngược mọi sự tiến bộ của khoa học cây trồng, các quy tắc ấy bao gồm: không cày xới đất; không bón phân hóa học; không ủ phân vi sinh; không phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ lẫn thuốc diệt côn trùng. Nói cách khác, cách làm nông của ông hoàn toàn “thuận theo tự nhiên” mà không dùng bất cứ một chất hóa học hay một công nghệ, máy móc khoa học tiên tiến nào.
Ông cải tạo đất đai bằng cách rải rơm khắp mặt ruộng và gieo hạt cho giống cỏ ba lá phủ khắp nơi. Loại cỏ này được gieo nhằm mục đích hạn chế các loại cỏ khác và giúp phục hồi đất đai một cách hiệu quả. Ông cũng tiến hành gieo hạt cho mùa sau trước cả khi thu hoạch mùa này. Mục đích của việc gieo hạt này là để cho hạt giống mới nảy mầm trước cỏ dại và tận dụng tối đa thời gian không để cho cánh đồng bị bỏ hoang một ngày nào. Lúa và ngũ cốc sau khi thu hoạch, gặt, đập lấy hạt xong thì toàn bộ rơm của chúng lại được rải trở lại mặt ruộng. Lớp rơm ấy vừa có tác dụng phủ ấm bảo vệ cho lớp cây mầm vừa mới mọc bên dưới, vừa phân hủy tái tạo độ mùn cho đất thêm màu mỡ. Hạt giống các loại cây ngũ cốc được gieo một cách tự nhiên không cần đào rãnh hay hố nên dễ bị chim chuột ăn mất, để khắc phục điều này ông sàng hạt giống cùng đất sét ẩm tạo ra những viên đất sét nhỏ chứa hạt giống bên trong rất an toàn. Vì không phun thuốc trừ sâu nên trong ruộng của ông luôn đầy rẫy các loài côn trùng tha hồ sinh sống từ sâu bọ, côn trùng, chuột, nhện thậm chí rắn nữa. Chúng là thiên địch nên diệt trừ lẫn nhau tạo một sự cân bằng sinh thái hoàn hảo. Sự đa dạng sinh thái ấy lại giúp cho đất ruộng thêm màu mỡ nhờ các loại phân thải của chúng lẫn hoạt động đào bới của giun dế khiến đất luôn đủ chất dinh dưỡng tự nhiên cho cây trồng mà không cần phân bón một chút nào.
Ông cũng cải tạo những quả đồi bạc màu khô cằn bằng cách trồng cỏ ba lá chen lẫn các gốc cam quýt và các loại cây khác. Tất nhiên vẫn giữ nguyên quan điểm không cày xới, không phân bón, không thuốc trừ sâu và để cho cây cối mọc lên đúng với quy trình tự nhiên của chúng. Những quả đồi ấy hiện nay không chỉ đầy các loại cây ăn quả mà còn muôn vàn giống rau củ lẫn thảo dược mọc khắp nơi. Những quả đồi ấy cũng là nơi cho đàn gà tha hồ chạy nhảy vui đùa và đẻ ra những quả trứng không chỉ sạch mà còn cực kỳ chất lượng.
Nhiều người hồ nghi cách làm nông “phản khoa học” của lão nông ấy cho đến khi tận mắt chứng kiến thành quả của ông sau mỗi mùa thu hoạch. Lúa và các loại ngũ cốc trên cánh đồng của ông luôn trong top những nơi cho sản lượng cao nhất Nhật Bản. Cam quýt đậm vị tự nhiên và cả trứng gà cũng được đánh giá là hoàn toàn khác biệt so với các loại trứng gà thông thường. Vị của “nông nghiệp thuần túy” chứ không phải vị được tạo ra bởi các công thức và thành phần hóa học được cung cấp bởi nền công nghiệp thực phẩm.
Thêm một điều khác biệt, trong khi chúng ta nghĩ để mua thực phẩm sạch và an toàn như thế thì cần nhiều tiền hơn. Fukuoka hoàn toàn phản đối quan điểm này. Ông cho rằng khi làm nông thuận theo tự nhiên, người nông dân tiết kiệm được rất nhiều sức lao động và do đó các nông sản tự nhiên phải được bán với giá phải chăng, thậm chí rẻ hơn cả các loại nông sản thông thường để cho tất cả mọi người đều có cơ hội thưởng thức chúng. Đó là lý do ông đã nổi giận khi phát hiện một thương nhân tăng giá bán các nông sản của ông trong cửa hàng của ông ta và ông cũng ngay lập tức ngưng cung cấp hàng cho họ.
Có thể tóm tắt lại sức mạnh của cây rơm như thế này: cây rơm đại diện cho sức mạnh của tự nhiên –với sự hợp tác hoàn hảo của muôn loài thực/động vật. Nếu ta trả về cho tự nhiên những gì chúng ta không cần đến, như trả cọng rơm về cho đất sau khi ta đã lấy hết các hạt thì tự nhiên sẵn lòng nuôi dưỡng ta và cho ta mọi thứ ta cần. Thế thì không cần phân bón hóa học, không cần thuốc diệt cỏ, diệt sâu bọ, không cần những máy móc, công nghệ hiện đại phức tạp con người sẽ luôn luôn đủ sống, thậm chí sống trong sự dư thừa mà thiên nhiên dành cho con người.
Thuyết vô vi hay còn gọi là đạo Lão của Lão Tử dạy con người cách để sống an lạc tươi vui và cách ấy chính là sống thuận theo tự nhiên, theo luật trời đất. Fukuoka một lần nữa chỉ cho chúng ta con đường để đến với cuộc sống an toàn lành mạnh, một cách cụ thể hơn: làm nông theo phương pháp vô canh, để mọi thứ thuận theo tự nhiên và rồi chúng ta sẽ đạt đến kết quả như mong đợi, không cần nhọc công tốn sức làm gì để chạy theo tham vọng hão huyền của loài người – làm chủ tự nhiên.
Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng lão nông ấy đã mất nhiều năm trời thuyết phục các nhà chức trách trong nông nghiệp Nhật Bản thừa nhận sự hiệu quả của mô hình làm nông vô canh và đưa chúng vào thực hiện theo chiều rộng trên toàn đất nước Nhật Bản. Nhưng hết lần này đến lần khác họ đều từ chối. Vậy lý do vì sao một mô hình nông nghiệp tuyệt vời và tiến bộ như vậy lại không được ủng hộ? Các nguyên do dưới đây sẽ cho bạn cái nhìn toàn cảnh về thế giới này với tất cả ngành nghề chứ không chỉ trong một ngành nông nghiệp Nhật Bản.
Lý do đầu tiên là sự chuyên biệt hóa khiến cho con người ngày càng tách rời mọi thứ khỏi một mối tương quan hoàn chỉnh. Sự tách rời này đưa con người rời xa khỏi các quy luật tự nhiên và không còn nhìn nhận được sự việc ở tầm mức vĩ mô thống nhất nữa. Trong khi làm nông vô cơ là thuận theo tự nhiên, đặt mọi sự trong một mối tương quan tương hỗ cùng nhau tồn tại, từ rau cỏ, ngũ cốc, động vật cho tới đất đai. Những nhà nghiên cứu khi đến tham quan trang trại của Fukuoka đều không thể quan sát những thứ vượt quá phạm vi chuyên môn của họ và điều đó khiến cho sự tham quan ấy trở nên vô nghĩa.
Lý do thứ hai quan trọng và đáng buồn hơn: ý tưởng về phương pháp làm nông vô cơ đi ngược lại những tiến bộ khoa học công nghệ nên nó bị kìm hãm bởi những con người quyền lực đang đầu tư trong ngành nông nghiệp ấy. Bởi vì nếu cây trồng không sử dụng hóa chất nông nghiệp, phân bón hoặc máy móc thì những công ty hóa chất lớn sẽ trở nên không cần thiết và hợp tác xã nông nghiệp (cơ quan thuộc Chính phủ Nhật Bản) sẽ tan rã. Họ, tức các công ty đầu tư phát triển nông nghiệp lẫn các hợp tác xã và những người lập ra chính sách cho nông nghiệp, đều đang đặt nền móng quyền lực của họ trên khoản đầu tư khổng lồ vào phân bón và máy móc nông nghiệp. Việc loại bỏ máy móc và hóa chất sẽ mang lại một sự thay đổi toàn diện cơ cấu xã hội và kinh tế mà không ai trong số những người ấy mong muốn cả. Vì thế không có lý do gì để những người này lên tiếng ủng hộ các giải pháp xóa bỏ ô nhiễm và thực hiện nông nghiệp vô canh. Đấy chính là lý do việc thử nghiệm trồng lúa không dùng hóa chất đã không thể thực hiện trên diện rộng khắp nước Nhật, vì nó không hề nhận được ủng hộ nào từ những người nắm quyền lực.
Một lần nữa chúng ta có thể thấy, thế giới không chỉ được tạo ra bởi các tiến bộ và ý tưởng, nó còn bị kiểm soát và kìm hãm bởi những người nắm giữ quyền lực. Những người này quan tâm về sự phát triển bền vững của loài người hơn hay quyền lực của họ hơn? Có lẽ ai trong chúng ta cũng sẽ có câu trả lời cho riêng mình.
Như đã nói trong phần kỷ nguyên Bảo Bình, càng ngày chúng ta sẽ lại càng khám phá nhiều hơn những miền tri thức mà con người vốn đã lãng quên từ lâu hay chưa từng biết tới. Phương pháp làm nông vô canh thuận theo tự nhiên chính là một trong những “sản phẩm” được sinh ra từ kỷ nguyên của sáng tạo, tâm linh và sự thật. Masanobu Fukuoka không chỉ làm nông, ông còn mang triết học, tâm linh và tôn giáo vào trong chính công việc của mình để giải thích về cuộc sống, để trả lời các câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời và vai trò của con người trong thiên nhiên, trong thế giới.
Nhiều người trong chúng ta mang sẵn một tâm lý “thuần phục Nhật Bản” hay “thần tượng Nhật Bản” rằng mọi thứ từ Nhật đều là tốt nhất, tuyệt vời nhất. Thật may mắn thay hôm nay chúng ta được nhìn sâu vào tâm lý cũng như đời sống của người dân Nhật Bản từ chính góc nhìn của một người Nhật. Để thấy rằng họ cũng không khác chúng ta bao nhiêu hay thậm chí không khác bất cứ một dân tộc nào: Những người nắm giữ quyền lực vẫn không muốn mất đi quyền lực; những người nông dân vẫn bị cuốn theo cơn lốc xoáy của công nghiệp thực phẩm để rồi phải làm việc cật lực theo đuổi lợi nhuận kinh doanh; những người tiêu dùng vẫn cứ thích những sản phẩm trông đẹp mã dù cho để có được cái mã đẹp ấy chúng phải ngâm qua bao nhiêu lần hóa chất và đội giá cả lên biết bao nhiêu lần… Con người dù sống ở đâu hay văn hóa khác nhau thế nào thì chung quy khi đứng trong hàng ngũ “đội quân tiêu dùng” của “chủ nghĩa lợi nhuận” đều chẳng khác gì nhau về nhu cầu lẫn phản ứng.
Vậy ai đã tạo ra nhu cầu và phản ứng cho tất cả chúng ta, cho loài người? Câu trả lời sẽ được làm rõ dần ở những phần sau.
Bài học sâu sắc về cuộc sống từ một cọng rơm
Cọng rơm mà ông lão trao cho những thanh niên sống trong trang trại của mình ngày ấy đã đến tay tôi và qua cuốn sách này tôi mong sao trao lại cọng rơm ấy cho thật nhiều bạn trẻ khác. Đặc biệt là những người chưa từng có chút mối quan tâm nào dành cho nông nghiệp. Biết đâu các bạn có thể suy nghĩ khác đi, biết đâu các bạn có thể nảy ra những ý tưởng mới để rồi chúng ta cùng nhau thay đổi nền nông nghiệp trên chính đất nước thân yêu này. Mỗi chúng ta là một cọng rơm. Một cọng rơm có thể không có tác dụng gì nhưng nhiều cọng rơm hợp lại cùng nhau thì nhất định sẽ làm nên chuyện lớn.
Bạn còn nhớ câu chuyện ban đầu về lão nông Fukuoka, rằng ông ấy muốn đi lang thang khắp nơi để lan truyền những chân lý và thông điệp mà ông ấy đã giác ngộ về cuộc sống nhưng bị thất bại, sau cùng ông mới dùng nông nghiệp để chứng minh cho những triết lý sống và quan điểm sống của mình. Những quan điểm này không chỉ là những quan điểm về nông nghiệp, mà còn là quan điểm về triết học và tâm linh nữa. Hiểu được những gì ông nói ở đây còn quan trọng hơn cả việc bạn hiểu về công việc làm nông của ông.
Tôi sẽ điểm lại những quan điểm của ông ấy ngay sau đây, không chỉ bởi vì nó quan trọng, mà còn bởi vì nó chính là những quan điểm của tôi xuyên suốt cuốn sách này cho hành trình trả lời câu hỏi “Ai đã tạo nên cuộc sống của chúng ta như hôm nay?”
Giờ hãy cùng trút bỏ những quan điểm của riêng bạn để du hành vào tâm trí lão nông già ấy và tìm gợi ý cho câu trả lời của mình bằng việc ngẫm lại những điều mà lão nông Fukuoka đã viết trong cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm.
Khi ngắt dù chỉ một chiếc lá khỏi cái cây, bạn đã tạo ra một sự hỗn loạn vô cùng đến toàn bộ sự sinh trưởng của cái cây ấy rồi. Loài người trong toàn bộ lịch sử cũng làm vô số những điều tồi tệ lên thiên nhiên và để lại không biết bao nhiêu hậu quả. Khi nhận ra hậu quả ấy, chúng ta cố gắng sửa sai nhưng không biết rằng mọi nỗ lực sửa sai ấy chỉ làm cho vấn đề càng trầm trọng hơn mà thôi.
Khoa học không thể thay đổi tự nhiên. Khoa học chỉ cố hiểu tự nhiên và điên cuồng nghĩ cách để thay đổi tự nhiên mà không nhận ra rằng càng cố thay đổi tự nhiên thì vấn đề lại càng trở nên trầm trọng hơn. Tự nhiên không thay đổi vì mong muốn của con người, chỉ có con người phải thay đổi cách nhìn và cách tiếp cận của mình đối với tự nhiên. Ngàn xưa con người phụ thuộc và sợ hãi tự nhiên.
Khoa học xuất hiện giải thích rằng tự nhiên không đáng sợ, rằng con người có thể kiểm soát tự nhiên. Tuy nhiên khoa học càng phát triển bao nhiêu thì sự bí ẩn của tự nhiên càng trở nên nhiệm màu. Một ngày nào đó trong tương lai con người sẽ trở lại như ngày xưa, sẽ sống hòa vào thiên nhiên, thuận tự nhiên thay vì cố thay đổi nó. Khoa học tách biệt con người với tự nhiên. Chỉ khi nào sự tách biệt ấy không còn tồn tại nữa thì con người mới có thể đạt tới đỉnh cao nhất của tiến hóa.
Tự nhiên nuôi sống con người bằng những thực phẩm nguyên gốc đơn giản nhưng đủ đầy bổ dưỡng. Khoa học với khả năng cao siêu của mình đã phân tách những thực phẩm nguyên gốc thành những thành phần riêng rẽ, chiết lọc chúng, kết hợp lại chúng để tạo ra những thực phẩm mới nhằm nuông chiều thói quen ăn uống vô tội vạ của mình và nhằm mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp.
Với sự giúp sức của ngành công nghiệp thực phẩm, dần dà con người quen với những thực phẩm phi tự nhiên và điều này làm sức khỏe con người suy giảm nghiêm trọng.
Năng lực của tự nhiên luôn đủ để nuôi sống toàn bộ nhân loại trên thế giới. Nhưng nạn đói vẫn xảy ra bởi vì cách sống và lòng tham của con người là vô đáy. Ai cũng muốn tích trữ cho bản thân mình hơn là đem chia sẻ cho người khác, kể cả khi biết rằng việc tích trữ chỉ làm cho cuộc sống nặng nề hơn. Mọi người nên thay đổi không chỉ cách ăn uống mà còn cả cách thức sống nữa. Thay vì chủ nghĩa vật chất vinh hoa người ta nên hướng tới tâm linh nhiều hơn. Thay vì tham lam tích trữ, sợ hãi và phung phí thì người ta nên tiết kiệm hơn, chia sẻ nhiều hơn và trân trọng những gì mình đang có.
Nông nghiệp nên đổi hướng từ cơ giới trong trang trại công nghiệp trở lại mô hình trang trại gia đình nhỏ mà ở đó người nông dân có sự kết nối với những thứ mình nuôi trồng, có sự am hiểu về thiên nhiên cuộc sống và sự trân trọng chất lượng thực phẩm thay vì chỉ tập trung vào việc tăng năng suất sản lượng cây trồng. Hơn hết người nông dân cần có thời gian để chăm sóc đời sống tâm linh của mình nữa. Nông nghiệp hiện đại chỉ khiến nông dân vô cùng bận rộn, chẳng còn mấy niềm vui trong cuộc sống. Khi một nông dân không hạnh phúc làm sao thực phẩm ông ta trồng ra có thể đạt chất lượng cao nhất được.
Nếu con người chịu để cho thiên nhiên dẫn dắt thì sẽ sống trong hài hòa đủ đầy một cách dễ dàng. Nhưng nếu con người để cho khoa học dẫn dắt mọi hành động của mình thì dần dà người ta sẽ chỉ sống bằng vài nguyên tố cơ bản như nito, phốt phát, kali. Đó là một cách sống rất không đầy đủ. Việc tin rằng khoa học có thể phát kiến ra thứ gì đó tốt hơn cả tự nhiên, ấy là điều ảo tưởng.
Tự nhiên bao trùm mọi thứ về khoa học nhưng khoa học chỉ nắm giữ được một chút những gì đang xảy ra trong tự nhiên. Ví như việc bắn cung, loài người chẳng biết mình đang nhắm tới điều gì, thỉnh thoảng bắn trúng hồng tâm thì vui mừng mà không nhận ra đã nhắm sai tấm bia ngay từ ban đầu rồi. Khoa học chỉ giống như một cây gậy của kẻ mù là loài người đang miệt mài đi tìm con đường đúng nhưng bản thân người ấy lại chẳng biết mình đang ở đâu và muốn đi đâu.
Khoa học rất vĩ đại. Nó làm ra từ cái cối xay giúp bao tử trở nên lười biếng rồi nó lại tạo ra cả bom nguyên tử – thứ vũ khí hủy diệt tất cả nữa. Lợi ích mà nó mang lại nếu so sánh với những thiệt hại thật không kể sao cho hết. Điều tồi tệ nhất mà khoa học đã làm là nó cứ phân tách mọi thứ thành riêng rẽ ra để nghiên cứu mà không xem xét được cái thống nhất của toàn thể sự tồn tại.
Muôn loài từ thực vật đến động vật và cả con người đều là những thành phần trong vòng tuần hoàn của sự sống. Mọi vật đều cộng sinh hợp tác với nhau để tồn tại. Tâm thế làm chủ tất cả của con người đã mang lại biết bao sự rối loạn và lộn xộn cho tự nhiên, cho muôn loài và tất nhiên cho cả loài người nữa.
Chỉ duy nhất loài người là có cái tôi. Cái tôi ấy phân biệt giữa mình với mọi thứ khác, chừng nào cái tôi ấy còn tồn tại con người sẽ không bao giờ thoát khỏi vòng xoáy của yêu thương – ghét bỏ, giận dữ – từ bi, tấn công – phòng thủ. Hòa bình không được tạo ra bởi những kẻ tay cầm vũ khí nhưng miệng lại nói về phản đối chiến tranh. Hòa bình được tạo ra khi không một ai cầm vũ khí cả, từ vũ khí hữu hình trên tay cho đến vũ khí vô hình trong tâm trí, lời nói, suy nghĩ.
Thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi mọi người cùng hạ vũ khí xuống, biến vũ khí thành những nông cụ lao động. Mọi dân tộc, quốc gia tìm cách chăm lo đời sống của người dân của mình thay vì nhờ vả hoặc cố gắng thuần hóa đô hộ nước khác. Một thế giới mà ai cũng nói về vũ trí, dù cho với mục đích bảo vệ hòa bình, cũng sẽ không bao giờ có hòa bình thật sự.
Người nông dân từ xa xưa vốn rất khoan hòa, nhã nhặn, vui vẻ nhưng giờ đây cũng trở nên hung hăng, buồn bã và cộc cằn. Người Nhật giống như đang sống dưới bóng che của một cây lớn, nhưng trong cơn bão tố thì cây to ấy có thể gãy đổ và tàn phá tất cả.
Con người đã sáng tạo ra phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật để nhằm tăng năng suất cây trồng nhưng vô tình đã xáo trộn toàn bộ sự cân bằng của tự nhiên. Sau đó cũng chính con người phải ăn, phải tiêu hóa những thực phẩm đầy chất độc ấy. Nông dân lại phải cày cấy trên mảnh đất khô cằn ấy. Cây cối từ việc sống tốt trong đất đai tự nhiên, nhờ có phân bón, giờ đây cây cối không thể sống mà không có sự hỗ trợ của chúng.
Tương tự như vậy, con người lệ thuộc vào bệnh viện, thuốc men bởi vì chính chúng ta đã tạo nên một môi trường sống đầy bệnh tật cho mình. Giáo dục cũng vậy. Con người cho rằng mình phải đến trường, phải được giáo dục mới có thể tồn tại bởi vì chính chúng ta đã tạo ra cái tư tưởng ấy. Chúng ta lệ thuộc vào sự giáo dục trong trường học hệt như cách cây cối lệ thuộc vào phân bón vậy.
Động vật sống thuận tự nhiên và tuân theo tự nhiên nên chúng không cần làm việc. Con người thì phải làm việc như điên như cuồng mới đủ kiếm sống mà nào hay biết rằng càng cởi bỏ những áp lực vô hình của cuộc sống: truyền thống, thói quen, giáo dục thì cuộc sống của con người càng trở nên dễ dàng và hạnh phúc hơn.
Nếu con người thôi ý định tích trữ cho tương lai xa vời mà chỉ nghĩ đến chuyện đáp ứng nhu cầu của hôm nay thì cuộc sống của toàn nhân loại sẽ rất nhàn hạ. Mục tiêu của cuộc sống là sống tươi vui ý nghĩa, chứ không phải sống để đau khổ lo lắng chuyện vật chất. Mục đích tối thượng của làm nông cũng vậy. Nó không chỉ là chuyện trồng cây, nó là về sự tu dưỡng và hoàn thiện con người thông qua việc trồng cây ấy.
Nhiều người sẽ phản đối mà cho rằng nếu không làm việc thì thế giới sẽ không vận hành được, không phát triển được. Thế thì câu trả lời là: Tại sao lại phải phát triển? Khi mà sự phát triển ấy chẳng ăn nhập gì với độ hạnh phúc của con người? Thế giới ngày nay nhiều của cải vật chất, nhiều công nghệ cao, nhiều phương cách giải trí đến thế. Vậy mà bao nhiêu người hạnh phúc? Bao nhiêu người có khả năng về thời gian để hoàn thành điều mình muốn? Bao nhiêu người tìm ra ý nghĩa cuộc sống của mình? Chính con người với muôn ngàn câu hỏi sai đã tìm ra những câu trả lời sai và rồi sau cùng phải sống trong hậu quả từ những đáp án sai ấy. Chúng ta đã tự biến cuộc đời thành cuộc đấu vật không ngừng nghỉ và ai cũng mệt mỏi buồn sầu.
Nếu bạn muốn biết cuộc sống không mục tiêu có vô nghĩa không, hãy hỏi đám trẻ con ấy. Kể từ lúc bước chân vào nhà trẻ, cuộc đua, cuộc đấu vật của con người bắt đầu. Tất nhiên cuộc sống sầu khổ cũng bắt đầu từ ấy.
Chúng ta đang cố vùng vẫy tìm cách thoát ra khỏi cuộc sống khổ đau mà chính mình đã tạo ra.
Đây chính là những triết lý mà lão nông Fukuoka đã dành cả cuộc đời để chứng minh tính đúng đắn của nó, qua việc áp dụng chúng vào nông nghiệp. Tất nhiên tôi biết có rất nhiều quan điểm của ông ấy mà bạn sẽ không đồng ý chút nào thậm chí là kịch liệt phản đối. Như việc ông ấy lên án các tiến bộ khoa học hay việc dùng “việc làm” để so sánh niềm vui cuộc sống của con người và con vật… Tôi mong bạn có một tư duy rộng mở hơn để đón nhận những quan điểm rất khác biệt ấy bởi vì đôi khi bạn chỉ thay đổi một góc nhìn, cả cuộc đời của bạn cũng sẽ thay đổi theo. Ví dụ khi ông ấy cho rằng khoa học không hề giúp ích gì cho con người cả, xin hãy nhìn mọi thứ theo góc nhìn của ông. Hạnh phúc của con người nhìn theo cách nào đó hoàn toàn không phụ thuộc chút nào vào các tiến bộ khoa học cả. Như một đứa trẻ luôn sống trong vui đùa vô tư, nó không quan tâm thế giới đã đạt những thành tựu gì và cũng chẳng bận tâm nhân loại có trở nên giàu có văn minh hơn hay không. Tất cả những gì nó quan tâm là những trò chơi trong thực tại đầy màu sắc này. Còn về quan điểm việc làm, tôi sẽ giải thích cho bạn kỹ hơn trong một bài viết sau. Con người đã tự đưa mình vào cái bẫy của cuộc sống, nghĩ rằng mình phải làm việc điên cuồng mới đủ sống. Nhưng sự thật không phải như vậy chút nào. Chúng ta hoàn toàn có thể sống một cuộc đời thanh thản bình an, không điên cuồng làm việc mà vẫn no đủ. Tôi tin điều ấy bởi vì tôi đã và đang thực hiện những triết lý ấy. Bạn hãy tập nhìn sự việc theo góc của những người khác để có thể hiểu được những gì họ cố truyền đạt bạn nhé!
Nhân loại phát triển qua mỗi thời kỳ đều bởi sự ảnh hưởng và tác động của những nhà tư tưởng, nhà triết học. Nếu như trong quá khứ chúng ta có Socrates, Plato, Aristotle, Thánh Augustine, Galileo, Newton, Lev Tolstoy, Albert Einstein, Shakespeare… thì có lẽ cũng không quá khi xếp Fukuoka vào hàng một trong những nhà tư tưởng cho thời đại mới và cho nhân loại mới.
Nhắc lại thêm lần nữa việc đầu cuốn sách này tôi có nói về kỷ nguyên Bảo Bình rằng trong kỷ nguyên ấy nhiều kiến thức, tri thức về tự nhiên, về cuộc sống được hé lộ, được hiển bày. Đó là kỷ nguyên của những ý tưởng mới, tư duy mới đưa con người lại gần nhau hơn và gần với thiên nhiên hơn. Đó cũng là kỷ nguyên của những sự thật tâm linh được hiển lộ. Tâm linh đơn giản chỉ là những gì mà khoa học chưa thể giải thích được, là thứ làm cho con người khác con vật và là đỉnh cao trong sự tiến hóa về mặt nhận thức của con người. Nên đừng ngạc nhiên khi trong thời gian này cho tới tương lai bạn sẽ được thấy vô vàn những ý tưởng hay mới lạ và đột phá làm biến chuyển thế giới, thay đổi hoàn toàn nhận thức của bạn trong suốt bao năm qua.
Câu chuyện của cô gái cao nguyên cà phê
Tôi sống tại một thành phố cao nguyên nhỏ bé, nơi mà cây cà phê và cây trà mang nguồn thu nhập chính cho cả vùng. Tôi không ghét cây cà phê vì nhờ có loại cây ấy mà gia đình tôi mới có cuộc sống đủ đầy như ngày hôm nay và tôi mới có cuộc sống thoải mái ngay lúc này dù chẳng sở hữu một mảnh vườn nào cả. Nhưng mặt khác tôi cũng không thể yêu quý chúng được. Bởi vì mỗi khi chạy xe lang thang nhìn khắp xung quanh và thấy đâu đâu cũng bạt ngàn một màu xanh của cây cà phê phủ kín mọi quả đồi, tôi thấy buồn. Giờ thì đồi cũng là không đủ, người ta khai hoang cả núi nữa để lấy đất trồng giống cây công nghiệp lâu năm ấy. Đây là Tây Nguyên sao? Rừng đâu hết rồi? Cây xanh đâu hết rồi? Toàn bộ khu vực nơi tôi sinh sống, dù mệnh danh là một tỉnh cao nguyên nhưng rừng giờ đây đã trở thành cổ tích, thành thứ xa xỉ. Đến lúc này tôi bắt đầu ghét cây cà phê. Thậm chí có những lúc tôi cho rằng thà mọi người bớt tham lam, bớt giàu lại một chút để cho những rừng cây xanh có cơ hội phủ kín những quả đồi, những ngọn núi thì thật tuyệt biết bao nhiêu. Rừng xanh có thể không mang lại nhiều tiền như cây cà phê nhưng nó sẽ mang lại những thứ khác tuyệt diệu hơn nhiều mà cây cà phê không thể nào mang lại được, đó là bầu không khí trong lành mát mẻ, là lá phổi xanh cho cả nước, là bộ máy lọc nước và giữ nước ngăn ngập lụt cho các vùng đất thấp hơn, là nguồn gỗ và một môi trường sinh thái cho muôn loài chim thú sinh sống mà từ môi trường sinh thái ấy biết đâu những khu du lịch sinh thái có thể mở ra, mang lại tiềm năng kinh doanh du lịch cho cả vùng rộng lớn. Có thể lắm chứ, nhưng rồi cái viễn cảnh tươi đẹp ấy không thể nào thành hiện thực khi cây cà phê cứ ngày càng chiếm giữ mọi khoảng đất trống mà nó có thể tìm ra.
Chưa hết, khi sự độc canh cây cà phê làm cho đất đai bạc màu, tất nhiên người ta sẽ trở nên phụ thuộc vào phân bón, hay dùng từ đúng hơn là “lệ thuộc” vào các chất hóa học bao gồm phân bón và thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Nông dân càng đổ nhiều chất độc vào nông nghiệp thì nông sản càng trở thành mối nguy cho sức khỏe nhưng biết làm sao khi đó là con đường duy nhất cho cách làm nông truyền thống tại nơi này. Tôi đã được chứng kiến nhiều về mối quan hệ giữa nhà nông và phân bón hóa học. Người nông dân rất quý trọng phân bón không chỉ vì chúng giúp cho cây cà phê mùa màng bội thu mà còn vì phân bón rất đắt tiền nhưng lại rất dễ mất.
Tôi vẫn nhớ nhiều lần khi trời bắt đầu mưa và không chỉ gia đình tôi mà các gia đình xung quanh đều tất bật cho việc bón phân vào khu vườn. Nó như là chơi một ván bài vậy. Bạn bỏ nhiều tiền để mua phân bón nhưng không có nghĩa bạn sở hữu nó. Khi bạn bón phân cho cây bạn còn phải rất “đau tim” để mong cho lượng mưa vừa đủ để phân tan ra và thấm xuống đất đủ sâu cho rễ cây hút chất dinh dưỡng trong phân. Nếu mưa quá to phân bón sẽ bị rửa trôi đi theo dòng nước hết nhưng nếu trời không mưa mà nắng thì còn tệ hơn: phân bón sẽ bị bốc hơi vào không khí và tất nhiên khi ấy cây cối lẫn người nông dân không còn lại gì, đôi khi còn là một khoản nợ cho số tiền mua phân bón đó.
Bởi vì phân bón đắt tiền như vậy mà ai cũng cần nên một lẽ dĩ nhiên, các doanh nghiệp bán phân bón, thuốc trừ sâu mà tôi quan sát thấy đều khá giàu có. Họ thậm chí không cần trồng cây cà phê, chỉ lợi nhuận từ phân bón lẫn tiền thưởng cho doanh số từ các hãng sản xuất phân lớn là dư sống. Suy cho cùng, chỉ có người nông dân và người tiêu dùng là gánh tất cả những chi phí ấy.
Tôi vốn không thần tượng cây cà phê nhưng trong tâm trí non nớt của một đứa trẻ ngày đó tôi luôn cho rằng phân bón là cần thiết và tốt cho cây trồng. Tất nhiên cho tới khi được biết về cuộc cách mạng một cọng rơm của lão nông Masanobu Fukuoka thì mọi suy nghĩ về nông nghiệp của tôi hoàn toàn thay đổi. Ông ấy không chỉ mang lại cho chúng ta kho kiến thức tuyệt vời về nông nghiệp vô canh mà hơn thế nữa ông đã để lại cho chúng ta những bài học và triết lý thâm sâu về cuộc sống mà nếu thấm nhuần những bài học ấy, cuộc đời bạn sẽ thay đổi như rất nhiều người đã được thay đổi từ ông.
Con người là thần thánh và cuộc đời là một phép màu kỳ diệu?
Theo góc nhìn của tôi, tôi luôn cho rằng con người vốn dĩ là thần thánh. Bởi chúng ta có khả năng tưởng tượng và sáng tạo phi thường. Theo niềm tin của một số tôn giáo, ý nghĩ này sẽ khiến nhiều người cho rằng tôi ngạo mạn thậm chí là phạm thượng. Vậy tại sao tôi có thể nói con người là thần thánh?
Nếu bạn nhìn thế giới hiện nay theo một góc độ thời gian khác bạn sẽ thấy rằng con người đã tiến xa như thế nào trong việc thay đổi thế giới quanh mình. Chưa nói đến sự thay đổi ấy là tốt hay xấu, chúng ta không thể phủ nhận việc khoa học công nghệ đã khiến cho loài người làm được những việc mà tổ tiên có lẽ chưa từng mơ tới: con người có thể bay trên không trung nhanh hơn mọi loài chim, lặn xuống biển sâu hơn nhiều loài cá, có thể thay hình đổi dạng một cách thần kỳ hay lấy đi một sinh mạng từ rất xa chỉ bằng một mẩu kim loại nhỏ và kinh khủng hơn có thể xóa sổ toàn bộ trái đất xinh đẹp này chỉ trong vòng “vài nốt nhạc” nhờ một thứ gọi là bom hạt nhân… Kể bao nhiêu cho hết những khả năng “tuyệt vời” khoa học đã mang đến cho nhân loại mà bất cứ ai trong chúng ta cũng không thể giấu nổi sự trầm trồ thán phục lẫn kinh sợ, bất an.
Một sự thật đáng buồn là chúng ta càng dễ bị lóa mắt và thần phục bởi những điều tuyệt vời mà khoa học mang lại bao nhiều thì chúng ta lại càng mất đi khả năng nhìn thấy sự thần thánh diệu kỳ của tự nhiên bấy nhiêu.
Nếu bạn chịu khựng lại một giây, thôi đọc những tin tức mới về khoa học công nghệ mà nhìn thẳng vào thiên nhiên vào cuộc sống, bạn sẽ thấy chúng ta đang sống trong một nơi tuyệt vời đến nhường nào, nơi những phép màu có thật hiện hữu khắp mọi nơi. Bạn thử nghĩ mà xem. Thế giới gần 8 tỷ người, 8 tỷ khuôn mặt vậy mà không ai giống hệt ai, điều ấy chẳng phải là một sự kỳ diệu vô cùng? Loài người được thiên nhiên ưu ái ban cho khả năng ăn tạp để rồi từ đó chúng ta có thể thưởng thức hương vị của mọi thứ: từ quả táo chín mọng ngọt nước, mớ rau diếp mát lành cho tới con cá, con gà… Bạn không nhìn thấy sự ưu ái tuyệt vời đó sao? Chưa kể nếu bạn quan sát thiên nhiên kỹ hơn một chút bạn sẽ nhận thấy từng cành cây, bụi cỏ cho tới những bông tuyết, hạt bụi trong tự nhiên đều có chứa những bí mật vĩ đại về vũ trụ bao la này. Chưa kể tới con người – sinh vật tiến hóa bậc cao với bộ não và đôi tay có thể kiến tạo nên cả một thế giới theo đúng như họ mong muốn. Hãy nghĩ về những thứ như vậy và bạn sẽ đồng ý với tôi rằng cuộc sống này thật là một phép màu kỳ diệu. Trong phép màu ấy khoa học dường như chỉ là một trò tinh nghịch trẻ con. Hoặc nếu như bạn có thể nhìn vào cọng rơm và nhận ra sức mạnh kỳ diệu thay đổi thế giới của nó. Làm sao bạn có thể không ngạc nhiên khi chứng kiến một mầm cây bé nhỏ mong manh đâm chồi xuyên qua lớp đá và nhựa đường cứng ngắc để vươn mình về phía ánh sáng. Làm sao bạn lại quên sự hào phóng của mẹ thiên nhiên khi bạn gieo một hạt lúa, người mẹ ấy trả lại cho bạn một trăm hạt; khi bạn gieo một hạt táo người mẹ ấy trả lại cho bạn một trăm quả… Sự hào phóng ấy của mẹ thiên nhiên là miễn phí, chừng nào bạn còn biết tôn trọng những quy luật của thiên nhiên.
Khoa học kỹ thuật dù tiến bộ đến đâu cũng không thể làm ra thịt và sữa từ cỏ nhưng tự nhiên làm được, thông qua loài bò, một ví dụ đơn giản như vậy thôi cũng cho thấy sức mạnh của tự nhiên là thần diệu đến nhường nào.
Về sức mạnh của tự nhiên, nếu như trang trại vô canh của ông Fukuoka là thuận theo tự nhiên vào việc gieo trồng ngũ cốc, cây ăn quả, rau cỏ thì ở bên kia trái đất cũng có những con người với tư tưởng hoàn toàn khác biệt với đám đông, tìm ra chân lý và kiến thức về tự nhiên để rồi áp dụng kiến thức ấy vào công việc chăn nuôi của mình. Sẽ thật thiếu sót nếu giới thiệu cho bạn đỉnh cao nghệ thuật trồng trọt mà lại không giới thiệu cho bạn đỉnh cao nghệ thuật chăn nuôi của thế giới ngày nay. Chắc chắn bạn sẽ kinh ngạc về những điều tưởng chừng rất tầm thường ấy.
Phi Tuyết, 2018
Cuốn “Tại sao chúng ta không hạnh phúc?” một cuốn sách tổng hợp những kiến thức quan trọng nhất!