Bạn là cái khuôn của chân lý?

BẠN LÀ CÁI KHUÔN CỦA CHÂN LÝ?
Mình đọc nhiều sách, nhưng nhớ rất ít.
Nhớ đã ít, vận dụng được còn ít hơn.
Nhưng một khi cái gì đã thích, đã nhớ, đã vận dụng thì nó thường thay đổi cả cuộc đời mình, từ trong ra ngoài.
Ví dụ như ý này trong cuốn sách nào đấy, mình đọc lâu lâu rồi và nó như một cú đánh chuông rất mạnh, rất vang không chỉ làm mình thức giấc mà dư âm của nó còn cứ vang vọng mãi không thôi.
“Bất cứ cái gì bạn đồng ý, bạn cho nó là đúng.
Bất cứ cái gì bạn không đồng ý, bạn cho nó là sai.
Cứ như thể, bạn là quan toà của cái sai và cái đúng.
Cứ như thể, chân lý phải được làm ra theo khuôn của bạn, theo nhận thức và ý kiến của bạn.
Bạn có thật là cái khuôn của chân lý không?
Bạn có thật tin rằng những gì bạn cho là đúng – thì nhất định là đúng và những gì bạn cho là sai – thì nhất định sai?
Nếu không thì, hà cớ gì phải luôn mặc định mình là đúng, con đường của mình là đúng, niềm tin của mình là đúng và bất cứ cái gì không hợp ý mình là sai?”
Sự thật thì trên đời không có đúng và sai: ngày là đúng nhưng đêm cũng không sai; bóng tối là đúng và bóng đêm không sai; sống là đúng và chết cũng đúng; hoa nở là đúng và hoa tàn cũng đúng; trời nắng là đúng mà trời mưa cũng đúng; ai đó thích bạn là đúng và ai đó ghét bạn (vì cả đống lý do) cũng chẳng sai chút nào; tình yêu nảy nở hôm nay và chết đi ngày mai – chẳng có gì sai trong đó cả; vấp ngã là đúng, nước mắt là đúng, đau khổ cũng là đúng trong bối cảnh của nó. (Khoảnh khắc bạn quyết định đau khổ là sai, và tìm cách thoát ra khỏi nó, thế thì bạn đã bước đầu trở thành nhà sáng tạo thay vì nạn nhân.)
Đúng hay sai chỉ là cách chúng ta nhìn vào sự vật – hiện tượng thông qua cặp mắt kiếng của tâm trí – nhà phán xử. Bỏ cặp mắt kiếng phán xét của tâm trí này, tự dưng tất cả mọi thứ đều đúng: cái xảy ra là cái đáng phải xảy ra, người ta gặp là đúng người ta phải gặp. Bỏ tâm trí phán xét, tâm trí phân tách nhị nguyên ra, bỗng dưng bạn sẽ nhận ra rằng tất thảy mọi sự xảy ra trên đời (đời bạn hay đời của nhân loại chăng nữa) đều mượt mà, theo quy luật và không một cái gì xảy ra mà vô lý hay vô nghĩa cả. Chỉ là bạn chưa nhìn thấy cái lý lẫn cái nghĩa của nó mà thôi.
Bạn thấy ai đó khó dễ với bạn – bạn không thấy đời sống cá nhân của họ đã tạo ra tính cách đó.
Bạn thấy ai đó “phản bội” ai đó – bạn không thấy tình cảnh người đó đang ở trong.
Hàng ngàn tình huống như vậy trên đời và nếu bình tĩnh, khiêm tốn nhìn lại, bạn sẽ thấy, cả đời bạn đã phán xét trước khi biết toàn bộ câu chuyện, toàn bộ hoàn cảnh của câu chuyện. Và chỉ người không thấy toàn cảnh câu chuyện mới có thể phán xét. Người thấy toàn cảnh câu chuyện/tình huống nơi “cái sai” xảy ra thường sẽ không bao giờ lên tiếng phán xét hay lên án cả. Người đó sẽ hành động theo cách làm sao để tình huống đó sẽ không xảy ra nữa – không xảy ra cho mình lẫn cho người khác.
Vậy làm sao để luôn thấy cái nhìn toàn cảnh, câu chuyện toàn cảnh? Chẳng có cách nào đâu vì chẳng mấy ai sẵn sàng kể cho bạn ngọn nguồn cả, mọi người đều sợ bị lên án và phán xét. Phán xét khi chưa biết rõ toàn cảnh thì dễ hơn việc phải tìm hiểu và lắng nghe toàn thể câu chuyện rất nhiều. Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi ai cũng sẵn sàng phán xét và không ai sẵn sàng phơi bày bản thân mình để cho người khác thấy toàn bộ câu chuyện. Chúng ta giấu câu chuyện của mình và thích nghe chuyện của người khác để có dịp được lên tiếng.
Nhưng việc lên tiếng phán xét, rằng cái này là đúng, cái kia là sai – chẳng làm bạn thành nhà-chân-lý chút nào. Cho nên, chi bằng, đừng nói một cái gì cả, chỉ im lặng quan sát, cố tìm hiểu câu chuyện toàn cảnh trước khi lên tiếng. Nếu không tìm ra được câu chuyện toàn cảnh – tốt hơn đừng phán xét đúng-sai cho bất cứ sự kiện gì nếu không muốn hối tiếc sau này. Vì việc thường rất hay xảy ra là chúng ta nói xấu ai đó, phán xét điều gì đó quá nhanh và sau đó chúng ta hối hận về những gì mình đã nói.
Sẽ tới một ngày, bạn không chỉ hối tiếc về điều xấu mình đã nói, bạn còn tiếc về điều tốt mình đã nói nữa. Vì nói xấu đồng nghĩa với việc cho cái gì là sai còn nói tốt đồng nghĩa cho cái gì là đúng – cả hai cái này đều là hai mặt cùng một đồng xu – vẫn còn phán xét.
Vô phán xét và bạn sẽ nếm một hương vị khác hoàn toàn của cuộc sống, bạn vui vẻ chấp nhận mọi sự trong thanh thản, cảm tạ, biết ơn. Hoa nở – bạn biết ơn; hoa tàn bạn cũng biết ơn. Khi mạnh khoẻ bạn biết ơn – khi đau ốm bạn biết ơn vì mình nhận ra tầm quan trọng của sức khoẻ; ăn thịt – bạn biết ơn và ăn chay bạn cũng biết ơn; khi ở cùng ai đó – bạn biết ơn và khi được ở một mình bạn cũng biết ơn nữa. Không một mảy may phán xét nào, chỉ đơn thuần chấp nhận và biết ơn tất cả. Đấy là tâm thức sống của thiền nhân.
Cấp độ thiền nhân này không dễ đạt tới đâu, nhưng một khi bạn đã đạt tới nó – không có cách nào để bạn hồi lui cả. Kể cả khi người khác kề dao vào cổ bắt bạn phải phán xét, bạn cũng không muốn chút nào, bạn thà rằng chết. Vì bạn không phán xét cái chết là xấu nhưng bạn thậm chí còn dễ dàng chấp nhận nó trong biết ơn và thanh thản.
Trước khi đạt tới cấp độ thiền nhân này, con đường mình gợi ý cho các bạn là hãy cẩn trọng với lời trước nhất. Trước khi biết cách im lặng, bạn nên biết cách dùng lời của bạn một cách thật ý thức, thật cẩn thận, thật thận trọng vào. Nói ít đi – nghe nhiều hơn và đừng để ý tưởng đúng-sai chen vào việc nghe của bạn.
Sáng này mình đăng cái video về chuyện tiếng ồn tivi từ 6h sáng bên nhà hàng xóm khiến mình khổ sở mỗi sáng, chỉ một xíu vậy thôi mà bạn không biết được mình thấy áy náy như nào đâu. Vì khi người ta nói ít, nghe nhiều thì hai trường hợp xảy ra: một là người ta không muốn nói, kể cả nói tốt hay nói xấu; hai là người ta rất cẩn trọng trong cả việc nghe của mình vì biết nghe cũng là một cách nạp năng lượng, và nghe những thứ hổ lốn, ồn ào, xấu xí cũng tác động vào người ta hệt như việc ăn một món ăn dở-ôi-thiu hay việc nghe người khác ném năng lượng xấu của họ vào mặt mình vậy. Mình rất “khó tính” trong việc “nạp năng lượng” mà năng lượng từ âm thanh ồn ào bị động này mình không thể kiểm soát được đâm ra… khó chịu nhân đôi, không biết phải làm sao. Chính cái “không biết phải làm sao” này nó mới thực là thứ khiến mình khó chịu nè. Ấm ức á, kiểu vậy!
Khi bạn “thận trọng” trong việc nói lẫn việc nghe, bạn sẽ nhìn cuộc đời bằng đôi mắt rất khác, cảm nhận nó theo cách rất khác, sống cuộc đời bạn theo cách rất khác. Riêng về việc này mình nghĩ các bạn mà biết mình lâu nay đều hiểu rồi ha, là bất cứ lời khen lời comment nào của các bạn mình mà có đọc thì đều rất biết ơn, rất cảm tạ từ đáy lòng, nhưng mình sẽ rất rất hiếm khi viết ra lời cảm ơn ấy. Khi người ta có sự cảm tạ trong tim – lời không cần đến chút nào. Nên các bạn thông cảm khi mình không tương tác gì trong mục bình luận nha. Năng lượng mới là quan trọng, cái cốt lõi mới là quan trọng, không phải lời, không phải vỏ bọc bên ngoài.
Học cách lắng nghe và cảm nhận năng lượng đi, rồi một ngày bạn sẽ biết cách điều khiển cả năng lượng nữa. Việc điều khiển năng lượng này mình gọi là “Thuật giả kim” của cuộc sống. Là khi bạn có thể biến đổi năng lượng trong từng hành động và tình huống của cuộc sống theo hướng mà bạn muốn. Ví dụ như mình muốn biến từng tin nhắn của bạn đọc mua sách thành một trải nghiệm đem lại niềm vui hoặc như sáng nay sau khi đăng video phàn nàn tiếng ồn mình thấy áy náy quá phải tìm cách biến nó thành cái gì đó vui vui, buồn cười một chút, để các bạn mà có xem thì cũng không thấy cái bực mà chỉ thấy cái gì đó hài hài, vui vui… Mình là một Nhà Giả Kim theo nghĩa như vậy. Các bạn nếu để ý sẽ thấy link của page này là fb.com/Học-Viện-Giả-Kim – mình có mong muốn tất cả chúng ta đều học được nghệ thuật đích thực của việc biến đổi năng lượng trong cuộc sống này. Biến đau khổ thành bài học, biến nỗi đau thành niềm vui, biến tai hoạ thành phúc lành, biến bản thân mỗi người từ nạn nhân thành ra nhà sáng tạo, từ khán giả thành đạo diễn, từ không-ai-cả thành ai-đó và rồi cuối cùng, quan trọng nhất: Từ AI-ĐÓ thành Không-Ai => bước chuyển biến cuối cùng của mỗi sinh mệnh trên đời.
Nói về việc phán xét, hai tôn giáo lớn nhất hiện nay – về cốt lõi- có hai cách tiếp cận khác nhau:
– Phật giáo thiên về im lặng, không phán xét, thảnh thơi – buông bỏ – chấp nhận: đừng phán xét ai vì bạn không là ai cả để mà phán xét, mỗi người có nghiệp quả và con đường riêng, hãy tôn trọng điều đó.
– Ki-tô giáo thật ra thiên về phán xét, nhưng là phán xét bản thân mình chứ không phải người khác. Phán xét bản thân để làm gì? Để thấy cái lỗi của mình, cái sai của mình và ý thức để không lặp lại nó, cho mình lẫn cho người khác.
Kết hợp hai hướng tiếp cận này, theo mình, cách tốt nhất là: chỉ phán xét bản thân, ý thức để không lặp lại những hành động sai (hành động sai đơn giản là hành động khiến bạn tiếc nuối, buồn phiền, đau khổ) – sau đó khi bạn có đủ ý thức để không còn hành động sai (tội lỗi) thế thì bạn bình thản và không còn phán xét bản thân. Chỉ người không còn phán xét bản thân mới không phán xét người khác. Và không chỉ không phán xét người người, bạn sẽ dần không phán xét bất cứ gì. Bạn không nói “hoa đẹp quá” “đồ ăn ngon quá” “đứa trẻ kháu khỉnh quá” … Sau nữa, đỉnh cao của không phán xét là sự Im lặng – bình thản – chấp nhận – cảm tạ rất cả mọi sự. Đỉnh của Phật giáo và Ki-tô giáo là một: chính là sự Im lặng trong phúc lạc, bình an.
Về đúng-sai, mình sẽ kết thúc cái bài dài ngoẵng này bằng một câu chuyện thật vui, coi như thực hành “thuật giả kim” biến một chủ đề khô khốc thành cái gì đó ngập tràn niềm vui nhé.
“Một bà nữ quàng (tên Phi Tuyết chẳng hạn) cai trị vương quốc của mình và luôn tin mình là người luôn đúng, không bao giờ sai. Mọi thần dân không dám hó hé lời nào dù rất nghi ngờ điều ấy, họ sợ bị trừng phạt. Một ngày kia, một chàng đẹp trai du hành tìm tới vương quốc này và xin găp nữ quàng để tìm hiểu thực hư chuyện nữ hoàng này không bao giờ sai cả. (À trong câu chuyện của mình thì các nhân vật nam phải luôn đẹp trai charming nha các bạn, mình hơi mê trai tí hê hê). Trở lại câu chuyện, chàng trai diện kiến nữ quàng và mạnh dạn hỏi, “Quàng ơi quàng, có thật là quàng không bao giờ sai – dù chỉ một lần – trong đời mình không?”
Nữ hoàng, bị mê trai đẹp, đã mở lòng mình ra với chàng trai ấy: “Ồ không phải đâu, sự thật là ta đã từng sai một lần rồi. Ta chỉ nói cho mình ngươi biết thôi đấy.”
Chàng trai kinh ngạc và thích thú: “Thật thế sao? Xin người hãy nói cho tôi nghe kĩ hơn về lần sai ấy.”
Nữ “quàng” bẽn lẽn đáp: “À, thật ra cũng chẳng có gì nhiều để mà kể. Lần ấy ta cứ tưởng mình sai – nhưng hoá ra ta lại đúng.”
_Namaste_ hê hê hê chúc bạn một ngày thật nhẫn nha nhởn nhơ như tui (Khi bạn sống một mình, bạn là nữ hoàng của vương quốc của bạn – điều này chả có gì chối cãi, nhờ)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *