Phi Tuyết và người Anh Hai từ trên trời rơi xuống
Sau những năm tháng tự lập hồi cấp hai khổ sở quá, lên cấp ba tôi bỗng… khôn ra và bắt đầu biết cách “ăn chơi” hơn – ăn chơi đúng nghĩa là biết ăn và biết chơi. Thay vì tự nấu ăn ở nhà cả tuần chỉ một món như hồi cấp hai thì tôi 18 tuổi toàn đi ăn hàng ngoài quán xá, chẳng mấy khi nấu ăn ở nhà. Thay vì chỉ học ngày học đêm rồi rảnh ra thì chơi với cây cỏ ngoài vườn như hồi cấp hai – tôi 18 tuổi rành rẽ mọi quán cafe, shop quần áo, kể cả các vũ trường ngoài phố. Uầy, vũ trường thời ấy người ta mua vé, vé đổi ra thành một softdrink hay một chai bia rồi nhạc lên tất cả ra ngoài sàn “đu đưa” nhún nhảy cùng nhau rất lịch sự và thân thiện. Vui lắm!
Thời ấy quán càfe tôi yêu thích nhất là quán New York, một quán mới mở mang phong cách hiện đại cá tính và menu có cả đồ ăn lẫn đồ uống. Thêm điều quan trọng khiến tôi quyết định chọn nó làm “địa bàn” của riêng mình để thư giãn và nghỉ ngơi mỗi ngày trước khi vào lớp học thêm, ấy là nó gần sát lớp học thêm toán buổi chiều của tôi.
Tôi quyết định đi học thêm khá xa nhà và học một một thầy dạy toán có tiếng trong phố thay vì cô dạy toán trên lớp vì cô ấy rất ghét tôi. Lý do là tôi học toán rất được nhưng cá tính của tôi mạnh, rất điệu khiến cô – người yêu sự truyền thống- rất ngứa mắt. Cô thường xuyên móc móc mỉa và xỉa xói tôi trong lớp rằng ‘học sinh mà như này như kia, không ra thể thống gì’. Mà nghĩ lại thì đúng là lúc ấy tôi không ra thể thống gì thật: tóc uốn quăn, đeo khuyên tai kiểu cách, quần áo luôn style hơn mức trang phục học đường thông thường. Hình dung lại bản thân mình hồi ấy tôi cũng thấy “ngứa mắt” chính mình nữa cơ, nhưng đó là bản chất của tuổi trẻ nổi loạn mà đúng không? Ở tuổi ấy bọn trẻ đang khao khát thể hiện cá tính và phải thử nhiều phong cách khác nhau để “biết đâu là mình” thì lại xỉa xói người ta bằng những ngôn từ đầy tính lên án, phán xét. Hỏi sao tui và cô giáo ấy ưa nhau cho được?
Vì cô ấy ghét tôi nên tôi phải học thêm xa tít ngoài phố, cách nhà và trường cỡ năm cây số lận. Và cũng vì xa quá nên tôi phải chọn quán cafe New York này làm điểm nghỉ ngơi thường xuyên. Tất nhiên tôi trở thành khách hàng thân thiết và bắt đầu quen mặt với Anh Hai – ‘chủ nhân’ của quán cafe ấy.
Ấn tượng của tôi về Anh Hai là anh rất trẻ, rất hiền, trầm tính, kĩ tính nhưng rất giỏi – mới hai mấy tuổi đầu đã làm chủ quán cafe to đẹp thế. Trong mắt tôi anh ấy quả thực là ‘siêu nhân’ và thật sự ‘bảnh’ quá chừng là ‘bảnh. Việc ai đó làm chủ một cơ ngơi khi tuổi đời mới đôi mươi là thứ tôi chưa bao giờ thấy trước đây, những người tôi biết mà “làm chủ” thì toàn phải ba mươi đổ lên thôi, thế nên tôi “ngưỡng mộ” Anh Hai lắm và… tìm cách tiếp cận.
Gọi là tìm cách tiếp cận cho nó hoa mỹ thôi chứ khi bạn là khách hàng thân thiết của một quán thì việc bạn trở nên thân với chủ quán cũng dễ hiểu thôi. Tánh tôi hồi ấy mà cho tới cả bây giờ đều rất thích trải nghiệm nhưng cũng rất nhát. Thích trải nghiệm việc đi làm thêm kiếm tiền nhưng bảo đùng phát xin việc nơi lạ hoắc thì sẽ không dám đâu, nhưng vì là khách quen ở quán đã lâu, đã quan sát và hiểu sơ cách nó vận hành, lại còn khá thân với anh chủ quán nên tôi đã đánh liều… xin vào làm công việc phục vụ cho quán. Thời điểm ấy tôi “giàu” lắm, tôi không thiếu tiền. Một đứa học sinh cấp ba mà ngày nào cũng ăn quán, uống cafe, tuần nào cũng mua sắm quần áo mới và đi vũ trường khi thích, thì không thể nào mà nghèo được. Tôi xin vào làm thêm chỉ để trải nghiệm cảm giác được đi làm thêm, nếu kiếm ra tiền thì càng tốt chứ không thì cũng không quan trọng.
Anh Hai đồng ý nhận tôi vào làm thêm, chốt ngày ra học việc thì chẳng biết làm sao mà ba mẹ tôi nhận được tin này, họ ra tối hậu thư, “Ủa con có thiếu tiền đâu mà đi làm thêm? Con tính bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ hả? Không được đi làm gì hết, đặc biệt là làm phục vụ quán cafe.” Thế là tôi vừa buồn vừa sợ, ngậm ngùi đi gặp Anh Hai để “cancel” vụ xin việc. Anh Hai nhìn tôi kể lể chắc thấy mắc cười lắm, thấy thương, chúng tôi lại thân nhau thêm một chút.
Tôi vẫn là khách của quán anh nhưng khi đông khách hay khi rảnh tôi vẫn thường phụ các nhân viên làm đủ thứ: quét dọn, order, rửa chén… Dù việc tôi làm thì dở tệ, order lần nào cũng quên nhưng cái tinh thần đó khiến Anh Hai cảm động sao đó. Mà không, giờ nhìn lại mới thấy có khi không phải ảnh cảm động gì, mà là ảnh thấy phiền quá, thấy mệt mỏi quá cho nên mới đề xuất là thôi tôi không cần phụ gì hết, ngồi chơi thôi. :))) Xong sau đó thấy tôi ngồi chơi lâu một chỗ cũng bứt rứt tay chân, Anh Hai bắt đầu dẫn tôi xuống “biệt phòng” của anh ấy chơi. Đó là căn gác lửng chèn giữa các tầng lầu, là nơi Anh Hai ở để quản lý quán và… xem phim. Vâng anh ấy thích xem phim và có một bộ sưu tập các bộ phim Âu Mỹ dễ đến hàng trăm đĩa. Tôi chưa bao giờ thấy ai yêu phim đĩa như Anh Hai. Anh bắt đầu chia sẻ với tôi sở thích xem phim Âu Mỹ và tôi bắt đầu… ghiền nó lúc nào không hay.
Lúc Anh Hai rảnh thì chúng tôi cùng ngồi ăn trưa xem phim với nhau, khi ảnh bận thì tôi ngồi xem một mình. Đa phần thời gian là ảnh bận vì quán rất đông khách và nhiều việc phải làm. Trong nhiều tháng tôi ngồi một mình “luyện” kho phim của Anh Hai và bắt đầu nhận thức về một… thế giới khác: Thế giới Âu Mỹ. Trước đó tôi chỉ biết đến thế giới của Đô-rê-mon, Co-nan, rồi thế giới của Nữ hoàng Ai Cập, chúng đều là truyện tranh nhưng là cách tôi học rất nhiều về văn hoá thế giới. Giờ đây cả một thế giới Âu Mỹ mở ra đối với tôi như là thiên đường vậy. Thật kì diệu cách người ta ở trong những căn nhà xinh đẹp thế, thảm cỏ xanh mượt, những bụi hoa nở rộ bên dưới thùng thư be bé, những chiếc sopha đủ màu êm ái trong gian phòng khách được bài trí tỉ mỉ với đèn bàn, đèn góc nhà, rồi những bộ đĩa ăn xinh đẹp, những tách trà, ly rượu đế cao, những văn hoá về tặng quà cho nhau, đổi nhà với nhau, đọc sách bên ô cửa, ngủ trên những chiếc giường đệm to bành ki nái đầy những gối mềm êm cho tới cách người ta cư xử đầy tử tế, ngọt ngào với nhau… Tất cả những nét đẹp văn hoá Âu Mỹ này đi vào tâm trí và tâm hồn tôi một cách đầy dịu dàng, nhẹ nhàng và đáng yêu như thế. Sau này những văn hoá ấy “ịn” và “ám” vào đời tôi. Tôi thích những ngôi nhà xinh xắn, tôi thích được sống một mình, tôi thích những khu vườn nhỏ xinh, tôi thích cách người ta hành xử trong phim, cách người ta sống cuộc đời tuyệt vời đó và rồi tôi bắt đầu mơ ước mình cũng có cuộc sống như vậy.
Bây giờ bạn có thể thấy cách sống của tôi chẳng khác gì những bộ phim Âu Mỹ đó cả, tôi có nhà xinh, vườn xinh, những ô cửa sổ mở ra khoảng sân đầy cây và đầy nắng. Mỗi ngày đều đau đầu chọn xem ngủ ở phòng nào, ăn trong dĩa nào, uống trà trong chiếc tách nào; rồi đèn bàn ở khắp mọi nơi trong nhà, sopha, tủ sách, bếp, toilet và mọi hoạt động thường ngày của tôi đều có đủ chất… điện ảnh để quay bất cứ bộ phim đời thường xinh xắn nào, tôi tự tin như vậy.
Mọi người không tin mọi thứ trong nhà đều do tôi (góp phần) thiết kế, từ nhà đến cầu thang, tủ sách, kệ bếp cho đến cái vỏ gối hay cái đèn bàn… Chúng không xuất sắc nhưng chúng đều có hồn và có dấu ấn cá nhân. Tôi đã tạo nên cuộc sống như mình mong muốn, tôi đã tạo ra thế giới điện ảnh mà tôi đang sống như ngày hôm nay và chúng bắt nguồn từ những ngày ngồi xem phim Âu Mỹ trong gian phòng tầng lửng của Anh Hai hồi đó – tính ra khoảng 13 năm trước rồi kể từ khi tôi biết đến Anh Hai.
Không chỉ (gián tiếp) gây ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách sống của tôi mà chính tấm gương của Anh Hai về một “anh chủ” trẻ măng đã cho tôi động lực to lớn để… bắt chước anh, để rồi sau khi tốt nghiệp (cao đẳng kinh tế đối ngoại chuyên ngành marketing thương mại), tôi đã dẹp luôn tấm bằng để trở về Bảo Lộc bắt đầu “sự nghiệp kinh doanh” của riêng mình. Và đây lại là một quyết định khiến đời tôi biến đổi sâu sắc mà tôi tin chắc rằng nếu không có Anh Hai, tôi có lẽ đã chọn sống một cuộc đời rất bình thường, rất khác: ra trường – xin việc – đi làm – mắc kẹt vào cuộc sống ồn ào của phố thị…
[mỏi tay qúa, mai viết tiếp]
Một ngày nọ, anh hai kêu tôi xuống căn phòng tầng lửng và khoe tôi một cuốn phim đặc biệt. Đó là lần đầu tiên tôi được biết rằng người ta có thể làm… phim.
Anh Hai làm một video, việc làm phim video rồi chép ra đĩa số bây giờ thì dễ quá chừng nhưng trở lại khoảng mười mấy năm về trước, với một con bé xem phim đĩa và mơ về thế giới khác như tôi thì việc một người có thể tự làm ra đĩa phim của mình sao mà… thần thánh quá.
Mở đầu của đĩa phim ấy là một dòng chữ thôi miên tôi từ khoảnh khắc đầu tiên khiến tôi còn nhớ nguyên xi, nó nói rằng: “Bạn có tin vào thiên thần không? Tôi thì có, bởi vì tôi đang yêu một thiên thần, một thiên thần thật sự…” và sau đó là hình ảnh một cô gái xinh đẹp cùng hình ảnh hạnh phúc của Anh Hai cùng cô gái ấy.
Hoá ra đĩa video hình ảnh kèm nhạc đó là món quà sinh nhật Anh Hai tự làm để tặng người yêu, và đó cũng là lần đầu tiên tôi biết Anh Hai có người yêu. Tôi cảm thấy thế nào nhĩ? Có thể nói là choáng ngợp. Tôi chưa từng thấy một tình yêu nào lãng mạn và… ngôn tình như thế. Họ thật là đẹp đôi, chị ấy thật là xinh đẹp và diễm phúc, ít nhất trong mắt tôi lúc đó. Và đó là lần đầu tiên tôi thấy cách mà “hai người lớn” yêu nhau. Nó đẹp thế, lãng mạn và nghiêm túc thế – y như trên phim – chứ không như cách lũ chúng tôi yêu đương hẹn hò kiểu trẻ con mới lớn.
Bạn thắc mắc tình cảm của tôi với Anh Hai à? Có thể nói đó là một loại tình cảm rất thuần khiết, đúng nghĩa của Anh Hai và Em Gái. Tôi và Anh Hai ở cùng nhau trong căn phòng biết bao nhiêu lần, chưa một lần chúng tôi chạm vào nhau dù là một ngón tay, hay ít nhất là tôi nhớ như vậy hì hì. Cứ vậy tôi có một ông Anh Hai xịn xò cứ như từ trên trời rơi xuống, chúng tôi thoải mái nói với nhau đủ thứ chuyện, chẳng bù cho anh hai ruột của tôi, chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau quá năm câu hay nhìn mặt nhau được nhiều hơn năm phút. Năm cuối cấp ba của tôi trôi qua như một giấc mơ vậy đó, dù cho giấc mơ ấy khá nhiều phần là ác mộng mang tên học, học, học và học. Tôi chán ngán cảnh học hành, thật với các bạn, dẫu cho thành tích của tôi luôn thuộc loại khá và chưa bao giờ là đứa kém cỏi ở bất cứ môn học nào.
Động lực duy nhất của tôi trong những buổi ngồi học tới nửa đêm, là lời hứa với bản thân rằng “sắp thoát rồi”, “sắp qua rồi”, “một chút nữa thôi là cơn ác mộng học hành này sẽ tan biến”. Vâng, không thể tin động lực khiến tôi chăm học lại là vì một ngày thoát khỏi nó. Tôi không tìm thấy bất cứ niềm vui nào trong việc học nữa và trong thành tích thì lại càng không. Có lẽ do những năm cấp hai khi đạt danh hiệu học sinh giỏi nhất khối đã cho tôi biết cảm giác đó là như thế nào, và đó là đủ. Tôi không tham cảm giác ấy thêm một chút nào. Một lần trải nghiệm bất cứ gì một cách trọn vẹn, bạn sẽ không thèm nó thêm nữa. Việc học giỏi của tôi cũng vậy. Đó là lý do những năm cấp ba tôi học khá nhưng không hề màng chuyện thi cử, tôi chọn trường và thi tốt nghiệp lẫn thi đại học một cách rất… sao cũng được. Tôi đủ điểm đậu cả đại học kinh tế và cao đẳng kinh tế đối ngoại nhưng rốt cục chọn học cao đẳng vì suy nghĩ “chắc học đỡ mệt hơn”. Tôi ghét học.
Những năm sinh viên tôi học làng nhàng tất cả các môn, trừ môn về Quảng cáo, tôi yêu thích nó nhưng càng học sâu vào nó, tôi càng chán tợn. Cách mà người ta dùng mọi thủ thuật và chiêu bài tâm lý để lôi kéo khách hàng, để bán hàng khiến tôi mệt mỏi. Tôi thích kinh doanh tự do hơn, tôi thích kiểu kinh doanh nào đó mà không cần quảng cáo hay marketing gì cả, tất nhiên lúc ấy ý tưởng này cũng chỉ mới rất manh nha.
Ngán học những môn chính quy trên trường nhưng tôi vẫn là đứa ham học hỏi và trải nghiệm bên ngoài cuộc sống. Thời sinh viên tôi tập tành kinh doanh rất nhiều thứ, đa phần các mặt hàng về thời trang: áo thun vẽ hình thủ công theo yêu cầu, đồ thể thao mua từ chợ Phạm Văn Hai rồi chụp hình đăng bán trên các trang web thương mại điện tử lúc ấy như 123mua hay gì tôi quên hết tên rồi. Rồi tôi cũng nhập đồ hàng độc từ Bảo Lộc xuống Sài Gòn bán nữa, mặt hàng “quần tụt đủ màu” khi ấy rất hot nhưng cũng rất hiếm. Tôi thích thời trang và rành các shop thời trang nên đã liên hệ đặt may số lượng lớn rồi mang xuống Sài Gòn bán lại. Tôi cũng có lần lấy giỏ xách quần áo từ Thái Lan rồi về bán lại nữa. Những năm tháng sinh viên rực rỡ sắc màu của tôi hoàn toàn không liên quan gì đến giảng đường khô khan chán phèo cả.
Khi tôi còn là sinh viên ở Sài Gòn và trải nghiệm đủ việc kinh doanh trong lĩnh vực thời trang thì ở Bảo Lộc, Anh Hai nghỉ kinh doanh cafe và chuyển sang kinh doanh quán trà sữa và đồ ăn vặt. Anh Hai rất thức thời và nhạy bén kinh doanh nên quán nào cũng đông khách nườm nượp, quán trà sữa của Anh Hai luôn là nơi trai xinh gái đẹp của cả phố tụ tập lại. Có lẽ tính mê trai của tôi bắt nguồn từ khi đó, khi mà tôi hay ghé quán trà sữa của anh và ngắm các anh trai xinh cứ dập dìu ra vào như trẩy hội. À mà không, trước đó tôi cũng mê trai rồi, nếu như bạn có đọc bài “mê trai có gì sai” thì tôi mê trai từ bé lận. Thiệt kì cục!
Khi tôi ra trường và kiên định đi theo con đường tự kinh doanh riêng, Anh Hai có lẽ là người duy nhất ủng hộ tôi vì cha mẹ tôi phản đối ghê lắm. Họ không cho rằng một đứa sinh viên vừa ra trường lại nên về nhà mượn tiền để tự kinh doanh, cha mẹ muốn tôi ở lại Sài Gòn kiếm công việc văn phòng nhàn hạ đầu óc bởi vì tôi luôn là người con mà họ kì vọng rất nhiều. Tôi đành xin lỗi cha mẹ vì cho đến bây giờ, hình như tôi chưa bao giờ đáp ứng được kì vọng ấy của họ. Tôi cứ luôn một mình một đường, kiên quyết làm điều mình muốn và bỏ ngoài tai những lời khuyên. Cha mẹ thuyết phục tôi bỏ ý định không được, tôi cũng thuyết phục cha mẹ không xong, bí quá đành… ấm ức khóc. Khóc mấy ngày liền chẳng thiết ăn uống đến nỗi sau rốt mẹ tôi lên tiếng “Ừ thì cho mượn vốn kinh doanh, nhưng nếu mà thua lỗ thì tự chịu đấy, mai sau trừ vào hồi môn đấy”. Tôi mừng như mở hội, tuổi trẻ đang ngùn ngụt khí thế tự lập tự cường, nhìn đời hồng tươi như mận chín, ai bận tâm chuyện hồi môn? Thế là tôi bắt đầu ‘sự nghiệp’ kinh doanh thời trang của riêng mình với số vốn 150 triệu mượn của ba mẹ. Bỏ qua những giai đoạn trày da tróc vẩy, những mệt mỏi chán nản và 7749 lần mém bỏ cuộc thì sau 1,5 năm tôi cũng đã hồi vốn lại cho cha mẹ và bắt đầu chính thức tự bước trên đôi chân mình theo mọi nghĩa.
Trong khoảng thời gian tôi kinh doanh thời trang thì Anh Hai vẫn ở đó trong phố, anh đóng cửa các quán trà sữa và chuyển qua kinh doanh trà – cafe rang xay. Tôi tiếc hùi hụi các quán trà sữa của anh nhưng sau này khi cũng kinh doanh quán cafe trà sữa thì tôi hiểu, đến một lúc nào đó bạn không còn trẻ trung để theo đuổi nhu cầu thay đổi liên tục của những người trẻ nữa. Đến một lúc nào đó bạn… hết trẻ thì tự dưng bạn sẽ không còn muốn phục vụ nhu cầu của người trẻ, đơn giản thế thôi.
Rồi Anh Hai cưới vợ. Tôi ít khi tham dự đám cưới nhưng tôi tham dự đám cưới của anh. Nó là một đám cưới rất đẹp, anh tự hát và đón cô dâu suốt dọc sân khấu bằng giọng hát mộc mạc đáng yêu vô cùng. Cô dâu hôm ấy không phải cô gái “thiên thần” may mắn khi xưa, nhưng vẫn là một cô nàng may mắn – ít nhất trong mắt tôi.
Anh Hai ổn định cuộc sống, tôi xuống tận nhà thăm anh mấy lần, nó là ngôi nhà kiểu cổ điển truyền thống anh được thừa hưởng từ ông bà với khuôn viên rất rộng đầy cây ăn trái, có dòng suối chạy ngang và trong nhà thì đầy những món đồ hoài niệm thời xa xưa. Anh đóng cửa showroom trà – cà phê và chuyển hẳn công việc về nhà làm. Cuộc sống bận rộn nhưng bình dị xung quanh những món đồ hoài niệm và lối sống truyền thống khiến Anh Hai càng… tôi chẳng biết nữa, có lẽ là càng… Anh Hai hơn.
Vài năm trôi qua, tôi đi trải nghiệm cuộc sống ở những thành phố khác, nước khác, rồi thi thoảng về nhà. Tôi và Anh Hai ít gặp gỡ chuyện trò hơn nhưng mỗi lần gặp lại như chưa hề xa cách, anh em kể nhau nghe về những gì mình đang làm.
Một ngày anh khoe tôi về một ngôi nhà gỗ kiểu trang trại ven hồ mà anh mới dựng, anh rủ tôi cùng vài người bạn vào nhà chơi – đó là lần đầu tiên tôi vào Vườn An Trú – khi ấy trang trại mới chỉ có duy nhất một căn nhà gỗ đơn giản mộc mạc và đang dựng thêm hai lều mái lá cạnh bên. Chúng tôi bơi thuyền trên hồ, trekking xuyên qua những đồi trà để tìm đến thác nước trắng xoá bên kia hồ, rồi trở về nhà đợi nồi cháo gà thật mềm thật thơm, rồi chia nhau húp xì xụp trong ánh đèn dầu và làn không khí lạnh tê tái. Tôi còn nhớ câu nói của mình với Anh Hai khi nhìn ngôi nhà gỗ thấp thoáng từ phía bên kia hồ, tôi nói, “Em sẽ dẫn khách về đây” – dù lúc ấy chẳng biết khách mà tôi sẽ dẫn về là ai và sẽ dẫn về bằng cách nào hay dẫn để làm gì. Lời cứ tự động buột khỏi miệng vậy thôi.
Một năm sau tôi quả có dẫn khách về thật, khách khi ấy là vài người em trong phố, em gái tôi, Rio và một bạn học viên của khoá học Nhà Đầu Tư Thông Minh. Năm đó là 2019.
2020 duyên đủ lớn, tôi tổ chức những khoá Du Thiền đầu tiên và khi còn đang loay hoay chẳng biết tổ chức ở đâu, tôi chợt nhớ về ngôi nhà gỗ bên hồ của Anh Hai. Đó chẳng phải là một địa điểm tuyệt vời để người ta yên lặng, để người ta nghỉ ngơi và đi vào bên trong đó sao? Tôi gọi cho Anh Hai và ngỏ ý thuê trang trại cho một đêm duy nhất. Lần đó vào farm – mới vài tháng trước – tôi gần như bị choáng ngợp. Tôi đã không ngờ trong một năm Anh Hai đã xoay xở biến căn nhà gỗ thành cả một cơ ngơi xinh đẹp, bình dị, đáng yêu, đủ đầy và ‘tiện nghi’ như thế. Trang trại có nhà gỗ, có lều mái lá, có vườn trồng cây ăn trái, trồng xả, trồng hoa và cỏ, lại còn có cả khu bếp vô cùng đáng yêu, nước nóng sôi trong bình tắm, điện và cả internet nữa. Đặc biệt hơn nữa là những món đồ đầy hoài niệm và đầy “chất hồn” Anh Hai bài trí trong nhà sao mà khiến người ta rung động và an yên đến thế. Từng góc nhỏ đều được Anh Hai chăm chút bằng cả tấm lòng và cái tâm bình dị.
Dẫn mọi người vào farm, mọi người Ồ lên một mà không biết rằng chính tôi còn Ồ lên trong lòng tới mười lần. Thật là Anh-Hai-Nhà-Người-Ta không bao giờ làm tôi thất vọng, may mắn hơn đây lại còn là Anh-Hai của tôi chứ không phải của người ta. Tôi như cô em gái may mắn nhất trần đời có người nấu ăn, dọn đồ ăn ngon lên tới mặt mà còn chừa cho mình phần ngon lành nhất với đầy ắp yêu thương.
Những gì Anh Hai thích tôi cũng luôn thích nhưng tôi biết mình không bao giờ có đủ “lực” để mà thực hành chúng, để mà biến chúng thành hiện thực như cách Anh Hai làm. Tôi có thể mua một miếng đất sườn đồi và có 1001 ý tưởng cho miếng đất ấy, nhưng bảo tôi là người đi tìm máy múc, máy ủi đất, máy san đất để biến ý tưởng thành thực tế thì tôi… thua. Tôi lười lắm. Trên đời này đàn ông và phụ nữ có những chức năng và khả năng trong công việc khác nhau. Tôi không nghĩ mình có nhiều khả năng trong những việc quá khó khăn như là hô biến một miếng đất đồi ở nơi xa tít mù khơi thành một căn nhà trang trại xinh xắn (trong phố thì may ra). Anh Hai là người “đúng” cho những công việc kiểu như vậy, anh yêu thích những công việc như vậy và tôi thì yêu thích việc tận hưởng thành quả lắm lắm. Trong mắt tôi, Anh Hai là người luôn biến mọi ước mơ của Anh thành hiện thực và nhờ có anh mà bao ước mơ của tôi cũng “được hưởng xái” biến thành hiện thực. Ước mơ của tôi là mọi người làm sẵn những thứ tuyệt vời nhất, để tôi hưởng thụ nó – ước mơ đơn giản có bấy nhiêu thôi đó. Khôn hê hông?
Bây giờ Anh Hai lại đang có những dự án khác bên cạnh nhà bên hồ, như khu nhà trên đồi (đang san lấp trồng cây) rồi khu nhà ven rừng. Đã đến thời điểm để anh tập trung toàn lực cho những dự án đó và ngôi nhà gỗ bên hồ cũng đủ “trưởng thành” để tự nó vận hành, Anh Hai cần ai đó nắm trọng trách này và đây là điểm… tôi lại tái xuất trong câu chuyện cuộc đời anh.
Sau hai chuyến Du Thiền thành công tốt đẹp, một ngày Anh Hai nhắn cho tôi nói rằng anh bận nhiều công việc quá nên muốn kiếm người thích hợp để cho thuê lại farm lâu dài và Anh Hai thấy tôi là người hợp năng lượng với cả Hai lẫn trang trại nhất nên muốn báo tôi biết đầu tiên, nếu tôi từ chối thì Hai mới nói với người khác. Và chẳng có cơ hội cho Hai nói với người nào khác cả vì tôi… quất luôn.
Tôi nhận farm để làm mà thâm tâm vẫn không tin là mình đã nhận, đây là một cơ hội tuyệt vời để tôi chạy những chương trình Du Thiền lâu dài bài bản thay vì nhỏ lẻ, ngoài ra tôi cũng có nhiều ý tưởng khác cho trang trại nữa, như là nơi nghỉ dưỡng vui chơi lẫn làm việc cho những người anh em cộng sự của mình và một “bản doanh” để cho ra đời những cuốn sách mà tôi cứ lừng khừng mãi không chịu hoàn thành. Thật ra đây chỉ là cái cớ, tính tôi đã lười thì ở đâu mà chả lười nhưng được cái là ngoài câu chuyện “ĐỊA LỢI” này thì câu chuyện “NHÂN HOÀ” cũng quan trọng không kém trong tiến trình ra quyết định thuê farm làm lâu dài.
Địa lợi là khu trang trại xinh đẹp, bình yên thanh tịnh mà Anh Hai đã bỏ bao tâm sức, tình yêu và năng lượng.
Địa lợi cũng là ngôi nhà bé nhỏ màu xanh của tôi ngay trong trung tâm phố với sức chứa thần kì đủ cho cả một binh đoàn hai tá người (đúng là nhà Phù Thuỷ có khác).
Địa lợi là mảnh đất phố núi Bảo Lộc bình yên, mát mẻ, hiền hoà – nơi cây cối xum xuê quả ngọt, khí trời dịu nhẹ và lòng người thì thảnh thơi.
Chỉ một câu chuyện về địa lợi mà đã dài như này, bạn thấy khủng khiếp chưa?
Lần tới tôi sẽ kể câu chuyện về NHÂN HOÀ – yếu tố con người khiến những chuyến Du Thiền trở thành những chuyến đi không thể quên đối với bất cứ ai từng tham gia (ít nhất là tôi mong zậy hì hì)
Bạn sẽ ngạc nhiên: NHÂN HOÀ = Phi Tuyết và câu chuyện BA CÁI CÂY (chụm lại nên hòn núi cao): TÙNG – THÔNG – PHONG
Mong tôi đủ chăm chỉ để viết chứ giờ đang ngồi trong quán càfe nhạc du dương, gió mát rượi, cạnh hồ cá Koi đủ màu bơi loắng quắng và đón chờ hoàng hôn buông xuống… Trong khung cảnh này việc ngồi nhìn vào màn hình máy tính thật sự là một … tội ác chống lại cuộc sống huhu.
Namaste!