HỌC ANH VĂN: NGHE Ý THỨC, ĐỪNG NGHE VÔ THỨC
Đừng làm bất cứ điều gì trong vô thức, kể cả việc học Anh Văn
Một trong số những lý do khiến bạn học Anh Văn rất lâu mà vẫn không hiệu quả, là vì bạn học một cách vô thức, không nhận biết và không tập trung nhiều tâm trí vào việc học.
Mantras Academy với Bộ Bảo Bối Thần Chú là phương pháp khiến bạn học một cách đầy nhận thức và tập trung. Bạn sẽ được cảm nhận thế nào là quan sát tâm trí cũng như nâng cao nhận thức trong quá trình học. Bạn cũng sẽ được biết sự khác biệt giữa hai loại thiền: thiền suy tư (meditation – tập trung) và thiền vô trí (zen – nhận biết) ngay trong việc rèn luyện từng kĩ năng mỗi ngày.
Chép là công việc học Anh Văn vô thức và dễ dàng nhất mà khi bạn thực hành bạn sẽ dễ dàng quan sát được vô thức ấy của mình. Tâm trí bạn hỗn loạn, không tập trung thì điều ấy sẽ thể hiện ngay trên trang giấy trong từng dòng chữ của bạn.
Quan sát được vô thức của mình trong lúc học sẽ giúp bạn luyện được khả năng tập trung và mài sắc nhận thức rất hiệu quả.
Hôm nay mình sẽ nói về việc nghe và kĩ năng nghe trong việc học Anh văn, cũng như các quy luật về việc nghe thế nào cho hiệu quả.
Hãy nghĩ về việc đào giếng. Nếu như bạn không thăm dò nơi mạch nước và chỉ đảo một cái hố có miệng thật to bằng một cái xẻng cùn, thế thì bạn cứ đào một chút không thấy nước lại bỏ đi đào chỗ khác. Cái hố dần to như cái ao và miếng đất lỗ chỗ như bề mặt sao hoả nhưng nước vẫn không thấy đâu cả. Bạn kiệt sức và chán nản.
Việc học Anh văn cũng như thế, trên mức độ bao quát lẫn mức độ từng kĩ năng, nếu bạn không tập trung kiên trì vào một phương pháp mà chỉ học dàn trải và hời hợt thì việc học mất rất nhiều thời gian lẫn năng lượng nhưng không đi đến đâu cả, không ứng dụng được.
Khi bạn có một phương pháp đã được kiểm chứng là hiệu quả dựa trên các quy luật của khoa học, sẽ giống như việc bạn đang có một máy khoan chạy điện chứ không còn phải đào giếng bằng cái xẻng cùn nữa. Tuy nhiên máy khoan không thôi chưa đủ, nếu có máy khoan mà bạn cũng chỉ khoan mỗi chỗ một chút thì cũng không ăn thua.
Khi có máy khoan rồi bạn phải kỷ luật với nó và kiên trì theo nó. Sự tập trung vào những điểm nhất định trong những giai đoạn nhất định này ban đầu sẽ hơi chán đấy nhưng nó thật sự tác dụng. Nó sẽ giúp bạn khoan rất sâu vào lòng đất và chẳng mấy chốc sẽ chạm tới túi nước ngầm và nước mát lành sẽ phun lên mạnh mẽ.
Sự tập trung và vận dụng nhận thức của bản thân trong khi học sẽ giúp bạn học nhanh gấp hàng trăm lần khi không học mà không nhận thức thứ mình học hoặc học lan man.
Một tháng học với sự tập trung và nhận thức sẽ cho bạn kết quả học tập vượt xa mong đợi so với một năm học trong vô thức và làng nhàng.
Phương pháp nghe Anh ngữ thụ động, nghe kiểu “tắm tiếng Anh”, nghe khi không hiểu gì, không biết mình đang nghe gì… là những việc học của vô thức – nên tránh – vì sự mất thời gian và mất quá nhiều năng lượng của nó.
Thậm chí cả phương pháp học Anh văn bằng việc xem các chương trình show thực tế, xem phim tuy rất thú vị, không nhàm chán nhưng cũng không hiệu quả. Lý do là bởi vì sự quá thú vị của chúng khiến bạn chăm chú theo dõi nội dung diễn tiến của show (đọc phụ đề) chứ ai hơi đâu mà bận tâm về việc nghe người đó phát âm gì? Nếu bạn để ý các nhân vật phát âm thì bạn sẽ chẳng hiểu được nội dung gì là mấy.
Để ý mà xem. Khi bạn đọc sách tiếng Việt, nếu bạn đọc thầm bằng mắt thì khả năng hiểu của bạn rất tốt, nhưng khi phải đọc to lên thì tự dưng khả năng hiểu sẽ giảm đi một nửa – do năng lượng phải chia ra cho cả việc nhìn-hiểu lẫn việc đọc to.
Hoặc khi bạn đang trong cuộc giao tiếp với một nhóm người, nếu chỉ phải nói với một người và nghe người đó nói, bạn tiếp thu rất tốt nhưng nếu một nhóm nhiều người cùng nói và bạn phải nghe tất cả một lúc, bạn sẽ không thể nào bắt kịp nội dung nữa.
Việc các phương pháp học Anh ngữ thường khuyên bạn nên tắm tiếng Anh trong vô thức và nghe tiếng Anh kể cả khi không hiểu thật ra là một việc tuy không sai, chỉ vô ích.
Khi bạn nghe gì đó mà bạn không hiểu, tâm trí sẽ tự động chia năng lượng thành rất nhiều phần: phần để nghe, phần để cố nhớ lại xem mình vừa nghe gì, nghe có đúng không, phần khác thì để phân tích thứ mình bỏ sót là gì, thứ mình vừa nghe đó nghĩa là gì, câu đó nghĩa gì… Tâm trí phân tán quá nhiều đến nỗi lúc bạn hiểu được câu vừa nghe thì người kia cũng nói thêm được chục câu khác rồi. Bạn lỡ nhịp trò chuyện mất rồi.
Việc nghe mà không thể tập trung, nghe mà không biết người kia đang nói gì sinh ra việc nghe bập bõm, hiểu bập bõm và nói cũng bập bõm. Thật là mất thời gian và năng lượng.
Nhưng nếu bạn nghe một thứ mà bạn đã biết và đã hiểu nghĩa, nếu bạn lại còn nhìn thấy những thứ bạn đang nghe, thì việc học sẽ sâu hơn rất nhiều. Giống như việc bạn hát theo một bài hát tiếng Anh khi bạn đã biết lời, có lời hiển thị và bạn lại còn hiểu lời bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, thế thì rất dễ cho bạn đặt toàn bộ cảm xúc vào bài đó như thể bạn chính là nhân vật trong bài hát.
Việc nghe trong khi bạn đã hiểu nội dung mình đang nghe, sẽ tiết kiệm cho bạn phần sinh lực bị chia nhỏ, giúp bạn dễ tập trung hơn nhiều. Và tâm trí sẽ tự nó liên kết nghĩa bạn hiểu với từ mà bạn nhìn thấy, bỏ qua bước phiên dịch trong đầu.
Cách để bạn bỏ qua bước phiên dịch trong đầu SAU khi nghe và học tiếng Anh, là hãy phiên dịch trong đầu TRƯỚC khi nghe đi. Thế thì bạn có thể nghe với 100% ý thức và nhận biết.
Hoặc là nghe trong khi nhắm mắt để tập trung tối đa năng lượng cho việc nghe, hoặc là nghe trong khi mắt đang thấy thứ mình nghe, thì cách thứ hai sẽ hiệu quả hơn vì thông điệp khi đi qua mọi giác quan cùng một lúc thì nó sẽ đi rất sâu vào tâm trí.
Ai đó nói lời ngọt ngào với bạn là một chuyện nhưng nếu họ vừa nói lời ngọt ngào vừa trao cho bạn bức thư viết lời ngọt ngào, hoặc họ ghi âm đọc thư gửi kèm cùng lá thư, bạn sẽ cảm thấy thông điệp mạnh mẽ hơn và khả năng ghi nhớ của bạn về nội dung thư sẽ lớn hơn rất nhiều.
Việc nghe trong khi bạn có chữ phụ đề tiếng Anh để nhìn thấy luôn những gì bạn đang nghe, sẽ giúp các giác quan hoạt động một cách đồng bộ mà không bị phân tán.
Tưởng tượng bạn nghe một câu, nhìn thấy câu ấy và lại còn hiểu nghĩa câu ấy rồi, thì phần năng lượng cho công việc cố hiểu nghĩa sẽ đươc tiết kiệm, chúng không bị phân tán ra nhưng thay vào đó là tập trung dồn vào các giác quan khác khiến cho các giác quan hoạt động mạnh hơn và bạn sẽ cảm nhận câu ấy nhạy bén hơn rất nhiều.
Giống như khi bạn xem phim thuyết minh nhưng lại có cả phụ đề, bạn sẽ vô thức đọc phụ đề thậm chí còn nhiều hơn cả nghe. Nếu kết hợp cả nghe tiếng Anh và đọc phụ đề tiếng Anh một lúc, việc hiểu thông điệp sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều.
Các quy luật quan trọng trong việc nghe tiếng Anh:
– Nghe lượng ngắn mà hiểu thì tốt hơn là nghe lượng nhiều mà không hiểu gì.
– Nghe với đầy đủ nhận thức và kết hợp đồng thời các giác quan như vừa nghe lời, vừa nhìn chữ, vừa hiểu nghĩa sẽ khiến việc học đi sâu hơn, các kĩ năng nhanh được mài sắc hơn.
– Nghe phải đủ lượng mỗi ngày và trong một số ngày nhất định, theo quy luật đun nước sôi thì mỗi lần nghe phải 1-2 tiếng và trong 28-30 ngày liên tục. Dựa trên quy luật lượng chất: Lượng đủ là chất sẽ đổi. Nghe đủ nhiều, lời khi không có chỗ chứa sẽ tự bật ra qua miệng.
– Các luật lượng-chất trong việc nghe tiếng Anh:
* Nghe 100 lần chỉ một câu liên tục thì hiệu quả hơn việc nghe chỉ một lần nhưng 100 câu khác nhau.
* Nghe một bài dài một phút x100 lần hiệu quả hơn rất nhiều so với nghe một bài một lần 100 phút.
* Nghe thật nhiều đến mức rành rẽ luôn cả các âm nhấn, ngữ điệu, âm gió của bài nghe rồi lúc ấy mới đọc lại, đọc kiểu copy-past y hệt 100% những gì mình đã nghe. Không xấu hổ.
* Chưa nghe đủ khoan hãy nói, đừng vội vàng.
* Khi nghe với sự chăm chú và nhận thức, vừa nghe vừa nhìn chữ, bạn sẽ phát hiện những quy luật phát âm thú vị và lặp đi lặp lại nhiều đến nỗi khi gặp các từ khác bạn cũng có thể đọc được dễ dàng. Ví dụ nghe nhiều âm /th/ trong chữ /the/ bạn có thể hình dung cách đọc âm /th/ trong mọi chữ có /th/ như this, that, there, then, those, thing, thank…
Người ta bảo trong việc nghe, hãy nghe như trẻ con học nói, tức là nghe rất nhiều rồi mới nói. Nhưng vấn đề là chúng ta không phải trẻ con và chúng ta không muốn phải nghe rõng rã 1-3 năm rồi mới bập bẹ nói vài từ, vài câu ngắn.
Chúng ta là những người lớn, người trưởng thành với ý thức và nhận thức. Chúng ta không nên học theo cách vô thức như trẻ con mà phải tìm những phương pháp giúp rút ngắn thời gian nhiều nhất có thể.
Cách duy nhất để rút ngắn thời gian là bạn phải dùng càng nhiều nhận thức và ý thức của mình trong việc học càng tốt.
Dùng càng nhiều giác quan vào trong việc luyện một kĩ năng càng tốt. Điều đó sẽ khiến cho kĩ năng ấy được mài giũa sắc bén hơn.
Khi bạn đã bắt đầu nghe được những từ, những câu cơ bản rồi, việc nghe hiểu đạt ít nhất 50% rồi, lúc ấy hãy nghĩ đến việc sáng tạo thêm nhiều nội dung và cách học khiến bạn hứng thú.
Nghĩa là ban đầu hãy kiên trì nghe theo luật, với sự quyết tâm và tính kỷ luật nhiều nhất có thể. Bước này rất chán luôn nhưng lại quyết định thành bại của cả con đường dài sau này. Tuyệt đối không nên xem thường sức mạnh của việc nghe đi nghe lại những video ngắn.
Sau khi đã qua bước rèn luyện kỉ luật nghe những bài nhàm chán (nhưng hiệu quả) rồi, hãy bắt đầu nghĩ đến việc chọn nghe những nội dung mà mình hứng thú và yêu thích: xem phim, xem show, nghe thời sự nếu muốn. Sáng tạo chỉ nên đến sau thời gian thực hành kỷ luật. Sáng tạo khiến bạn đỡ ngán nhưng kỷ luật mới khiến bạn đạt thành quả chắc chắn. Kỷ luật sẽ chiếm tới 80% thành công và sáng tạo sẽ chiếm 20% còn lại.
Mong ước về việc làm ra những bài nghe theo luật nhưng nội dung thú vị, không nhàm chán của Mantras Academy chưa thành hiện thực như ước muốn nhưng đang rất gần rồi. Mình đã mất rất nhiều thời gian mới tìm và rút ngắn được những câu chuyện thông minh đầy chất thơ, chất hài, chất thiền để làm bài chép-đọc không ngán. Xong lại mất thêm rất nhiều thời gian mới tìm ra đúng người để đọc và đúng giọng đọc mà mình muốn. Nhưng chất lượng video và âm thanh thì chưa đủ tốt để làm thành bài nghe chính thức cho nên mình chưa công bố. Cái này phải đợi thôi vì nóng vội khoai sẽ không nhừ ạ.
Trong khi chờ đợi các video chuẩn bài bản này thì Học viện có sẵn 10 video bài nghe theo phương pháp đun nước sôi sẵn sàng cho các bạn luyện. Đây là video bài nghe số 1 làm mẫu:
Hướng dẫn chi tiết đã đăng trong Học viện online. Tóm gọn các bước như sau:
1. Chép lại đoạn văn bằng tiếng Anh một lần để “làm quen” bài.
2. Dịch đoạn văn sang tiếng Việt để hiểu nghĩa, thẩm thấu nghĩa.
3. Vừa nghe video người ta đọc vừa nhìn theo văn bản x20-50 lần/bài hay 10-20 lần/video (1 video là một bài lặp lại 10 lần)
Nghe và đọc bằng mắt thật chăm chú, với thật nhiều nhận thức để chú ý cách người ta phát âm và lên xuống giọng.
4. Vừa nghe video, vừa nhìn đoạn văn bản trên màn hình và vừa đọc nhại lại theo chính xác những gì mình đã nghe.
Làm việc này x20-50 lần hay tuỳ bạn, nói chung tới khi thấy mình đọc y xì thì thôi. Chuyển qua bài đọc tiếp.
Mỗi lần luyện nghe bạn nên dành ít nhất 1-2 tiếng để đủ thẩm thấu và thấy sự khác biệt.
Bỏ nhiều lượng thì chất càng nhanh đổi. Đây là khúc bạn cần kỷ luật nè, không có kỷ luật ở khúc này là dễ bỏ cuộc ngay ý.
Bạn có thể lên lịch việc học nghe theo hai cách:
Một là cứ một tuần thì sáu ngày chép dịch và cuối tuần luyện nghe.
Hai là chép dịch xong tất cả bộ bảo bối rồi mới chuyển sang kĩ năng nghe, và lúc này thì tập trung toàn bộ chỉ cho việc nghe và đọc, nghe và đọc, trong một tháng liền.
Khi nghe đủ nhiều bạn sẽ đọc và nhại lại tốt.
Đọc tốt, nhại tốt và chuẩn rồi thì bạn sẽ nói tốt và chuẩn.
Trong đó việc viết tốt, khả năng dịch tốt là kĩ năng nền tảng cực kì quan trọng nhưng chưa một ai đề cao cả, có lẽ do chưa có ai tự học Anh Văn thành công nhờ phương pháp dịch thuật, chép dịch này chăng? Mình không biết nữa. Nhưng bạn cũng không cần tin vào điều ấy, tự mình thực nghiệm và kiểm chứng đi!
Link học viện online:
Namaste!