– Chị chứng ngộ chưa?
– Rồi.
P/s: Mà khoan, chứng ngộ là zì zạ? :)))
1. Nghiêm túc đấy. Đừng hỏi những câu tu từ khó hiểu như vậy. Hoặc nếu hỏi thì đừng quên giải thích thêm chút xíu về theo bạn, chứng ngộ là gì đã. Vì mỗi người có định nghĩa khác nhau, sự cảm và nhìn nhận vấn đề khác nhau cho nên làm sao để đưa ra câu trả lời khi mà người hỏi và người được hỏi còn chưa ở chung trên một bình diện của sự biết? Làm sao để biết hai người có cùng sự biết hay không? Có lẽ bạn tin vào lời, rằng khi hai người cùng biết thì lời sẽ giống nhau. Bản thân mình lại không nghĩ vậy, mình tin rằng khi hai người cùng biết, cùng trên một bình diện thì sự im lặng của họ sẽ là như nhau. Lời chẳng có nghĩa gì cả!
Có thể bạn biết nhiều hơn mình, có thể bạn biết điều mình không biết. Tốt thôi, tốt cho bạn. Mình không có nhu cầu hỏi “bạn chứng ngộ hay chưa” một chút nào. Thật ra, mình nhận ra rằng khi người ta biết thì người ta sẽ không hỏi, càng biết nhiều càng ít hỏi, càng “ngộ ra nhiều” thì mọi câu hỏi càng biến mất nhiều hơn, kể cả những câu hỏi nghe có vẻ rất “cao cấp” như này.
Thực ra sau thời gian quan sát bản thân thì mình đã tự xem đây như dấu hiệu dễ thấy nhất của việc một người đã biết hay chưa. Dấu hiệu là “Người biết sẽ không hỏi.”
Ví dụ nếu bạn thấy và biết về việc mặt trời mọc mỗi sáng, nếu như bạn đang đứng trước khung cảnh mặt trời mọc đẹp huy hoàng diễm lệ, bạn sẽ không có nhu cầu hỏi “mặt trời có đang mọc hay không?”
Bạn đứng trong vườn, ngắm ánh nắng đọng lấp lánh trên đoá hoa hồng đang rung rinh trong gió, bạn sẽ không hỏi “hoa hồng đã nở hay chưa?” Bạn có thấy sự ngớ ngẩn của câu hỏi không? Vì nếu hoa hồng đã nở hay chưa thì bạn thấy và bạn biết, nhu cầu gì mà hỏi hoa hồng nở chưa? Bạn thậm chí không biết có hoa hồng trong vườn nhà mình hay không, chẳng biết nó nở hay chưa, hương thơm của nó như nào nhưng lại bận tâm hỏi hoa hồng của nhà hàng xóm nở chưa cơ. Để làm gì? Bạn đạt được gì từ nó?
Hay ví dụ về cái đói. Nó có thực không? Nó là có thực cho người đã từng đói và biết cái đói. Nếu một người chưa bao giờ đói, làm sao người đó biết cái đói tồn tại? Nếu tương lai khoa học phát minh ra một loại thuốc mà được bơm vào cơ thể bạn tự động đúng giờ giúp bạn không bao giờ thiếu chất dinh dưỡng và cơ thể luôn được cung cấp đủ năng lượng – thế thì làm sao những người này biết về sự tồn tại của cái đói? Thế thì có lý do hay nhu cầu gì để họ nói chuyện về “cái đói”? Cách duy nhất để họ biết về cái đói là họ phải đói, không sự đói nào của người khác có thể giải thích được cả. Đó là lý do mọi câu trả lời đều vô nghĩa thế, tôi đang cố giải thích về cái no của tôi cho người đang đói, hoặc tôi đang giải thích cái đói của tôi cho người vốn chẳng biết đói là gì. Khi sự biết không trên cùng một bình diện, mọi sự hỏi-đáp đều vô nghĩa.
2. Thú thực, chứng ngộ là gì bản thân mình cũng không biết, vì có nhiều thứ mà càng chứng kiến và ngộ ra lại càng chẳng có gì để mà nói về nó, càng nhận ra mình không biết gì. Thật sự không biết nói gì luôn. Giống như có gì để nói về sự trống rỗng và cái không, sự im lặng – có gì để mà nói?
Những hiền nhân mà luôn nói “tôi không biết gì”, có thể dịch thành “tôi không biết phải nói gì” thì sẽ chuẩn hơn. Nhiều thứ người ta chỉ có thể “biết” mà không thể nói về nó.
Nếu quan sát kĩ cuộc đời và bản thân mình, bạn sẽ đi tới điểm nhận ra rằng mọi sự chỉ có thể được biết mà không thể được nói. Thứ càng đơn giản lại càng không có gì để mà nói.
Bạn biết ánh sáng là gì, thử giải thích về ánh sáng đi.
Bạn biết yêu là gì, thử giải thích về yêu đi.
Bạn biết màu đỏ là gì, thử giải thích về màu đỏ cho người mù màu đi.
Bạn biết ngọt là gì, thử giải thích về nó cho người đã mất vị giác đi.
Mọi thứ trên đời mà có thể biết thì dường như đều không thể nói ra được hoặc không có nhu cầu nói ra chút nào.
Khoảnh khắc bạn nhận ra sự vô nghĩa của nói, của lời, của ngôn từ thì bạn sẽ trở nên ngày càng im lặng nhiều hơn. Trong im lặng sâu sắc này mà mọi câu hỏi và câu trả lời đều biến mất. Khi câu hỏi biến mất, bạn nhận ra mình đã biết cái gì đó, nếm cái gì đó mà không thể nào diễn đạt được. Bạn bất lực toàn bộ. Bất lực này là lý do những người chứng ngộ chẳng mấy ai nói ra hay thừa nhận bất cứ gì, trừ khi họ có những công việc cần làm liên quan đến sự thừa nhận đó – như Phật, Jesus, Lão Tử và kể cả Osho họ là những bậc thầy không phải vì họ là những người duy nhất chứng ngộ, nhưng họ được xem là ‘bậc thầy vĩ đại’ bởi vì họ khả năng (theo nhiều cách) mà nói về điều không thể nói, dùng ngôn từ để truyền đạt thông điệp về sự im lặng vĩnh hằng, dùng tâm trí như bậc thang để đi vào vô trí. Dẫu vậy, tất cả họ đều có chung thừa nhận “đạo có thể nói ra thì không còn là đạo nữa”. Đó là lý do Phật im lặng khi người ta hỏi về linh hồn, về Thượng Đế. Đây chính là sự im lặng của Jesus khi quan tổng trấn Philato hỏi ngài trong buổi thẩm cung cuối cùng rằng “thanh minh đi, chứng minh đi, chứng minh được thì tôi sẽ thả ông” và vì chẳng có gì để chứng minh, Jesus nhận án tử. Cùng nhiều người giác ngộ khác đã chọn việc im lặng mãi mãi thay vì nói ra điều họ cảm nghiệm. Ngôn từ là công cụ. Công cụ lớn nhất của nó là để hướng người ta về sự im lặng. Nó là bậc thang để dẫn đến sự im lặng bên trong chứ không phải chỉ trí tuệ bên ngoài.
Giờ ai đó hỏi “Bạn có tồn tại hay không? Chứng minh đi. Hãy chứng minh là bạn tồn tại hoặc bạn không tồn tại đi” thì bạn lấy gì để chứng minh? Hoặc ai đó hỏi “chứng minh bạn vừa tồn tại nhưng cũng không tồn tại đi” – bạn định chứng minh kiểu gì? Nhưng nhất định rất nhiều khoảnh khắc trong đời bạn biết mình tồn tại đấy nhưng đồng thời cũng không tồn tại một chút nào. Hỏi về sự tồn tại mà không tồn tại, thử hỏi những người yêu đơn phương ấy. Họ biết rõ lắm. Hỏi những người đang yêu nhau họ sẽ cho bạn biết cảm giác của tồn tại, nhưng hỏi cùng người đó về người yêu cũ xem, người yêu cũ là thực thể đang tồn tại đó mà cũng chẳng tồn tại chút nào, đã từng tồn tại đó nhưng lại cứ như thể chưa từng tồn tại…
‘Bạn đã chứng ngộ chưa’ hay ‘Bạn có tồn tại không’, ‘Yêu là gì’, ‘im lặng là gì’, ‘màu vàng là gì?’… mọi câu hỏi có thể khác nhau về lời nhưng bản chất đều như nhau cả – rằng bạn không biết. Và khi bạn không biết, mọi câu trả lời đều vô nghĩa. Câu trả lời của người khác không bao giờ có thể tạo ra sự biết bên trong bạn. Không bao giờ.
Cho nên điều quan trọng là tập trung vào sự biết của bản thân, hỏi bản thân mình thay vì hỏi người ngoài. Mọi câu hỏi hướng ra bên ngoài mà có thể được trả lời thì câu trả lời chỉ có duy nhất một tác dụng, là để hướng bạn quay lại vào bên trong.
Khi quay vào trong, điều đầu tiên bạn nhận ra sẽ là sự ồn ào của tâm trí, sự chuyên chế của nó và cả sự vô dụng của nó.
Người mà còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi tâm trí sẽ rất hay hỏi. Vì hay hỏi nên tâm trí bận rộn ồn ào và sẽ không có khả năng nghe, thấy hay nhận biết về vẻ đẹp của sự im lặng. Những câu hỏi là dấu hiệu của một đầu óc bận rộn. Bạn phải thấy được sự bận rộn này thì mới có khả năng để mà buông thư buông bỏ. Bạn phải có khả năng hỏi thì mới có khả năng để nhận ra sự vô nghĩa của câu hỏi – một ngày nào đó.
Cho nên câu hỏi “bạn đã chứng ngộ chưa?” mình thật sự không có câu trả lời.
Tuy nhiên, qua sự quan sát của bản thân thì mình có thể nói như này: Nếu xem chứng ngộ như những khoảnh khắc của nhận biết, tỉnh thức, trống rỗng, vô trí thì câu trả lời là có. Mình đã chứng ngộ và chứng nhiều lần lắm rồi, không thể đếm nỗi bao nhiêu khoảnh khắc mình đã trải qua những dấu hiệu của chứng ngộ đó.
Nhưng nếu ý bạn là chứng ngộ = tỉnh thức, nhận biết, vô trí trong suốt 60 giây/phút, 60 phút/giờ và 24giờ/ngày trong mọi ngày… thì câu trả lời của mình là chưa, mình chưa đạt tới điểm chứng ngộ đó. Và thực ra đó là điểm mà người ta gọi là Phật, là niết bàn, là thiên đường đó. Khi sự nhận thức là hoàn hảo 24/7 thì bạn là Phật, là Christ. Mình chưa!
Hành trình đạo của mình (và có lẽ của mọi người nữa), có thể chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn của việc nhận ra và tìm thấy những khoảnh khắc vàng trong cuộc sống: khoảnh khắc của tỉnh thức, nhận biết, trống rỗng và tĩnh lặng. Và giai đoạn hai là làm sao để duy trì sự tỉnh thức nhận biết đó trong mọi khoảnh khắc sống, 24/7 – và công việc này mới thực sự khó khăn vô cùng.
Cái khó đầu tiên là tìm ra những khoảnh khắc kim cương của nhận biết. Tìm thấy rồi bạn sẽ nhận ra cái khó đó chẳng là gì so với cái khó của việc duy trì nó. Hệt như đầu tiên bạn sẽ nghĩ việc lập một công ty là khó, khi bạn lập công ty rồi bạn mới nhận ra việc lập công ty dễ biết bao nhiêu, cái khó là làm sao để duy trì công ty luôn phát triển ổn định sinh lời bền vững. So với công việc mới này thì việc lập công ty chỉ nhỏ như hạt cát vậy. Mặc dầu thế, đối với người bình thường thì việc lập công ty đã đủ khó rồi.
Đấy, sự vô nghĩa của câu hỏi là vì vậy. Mọi câu hỏi đều đến từ tâm trí và tâm trí thì siêu giỏi trong việc làm phức tạp hoá mọi thứ lên. Mình thề luôn là chỉ để trả lời câu hỏi “bạn đã chứng ngộ chưa?” tâm trí mình có thể viết cả cuốn sách để trả lời luôn ấy, nhưng sau rốt điều đó chẳng có nghĩa gì cả. Nếu bạn đã chứng thì bạn đã chứng. Nếu người khác chưa chứng thì họ chưa chứng. Nhu cầu gì mà hỏi? Việc chứng của người khác đâu có ảnh hưởng chút nào đến việc chứng của bạn?
Và nếu bạn có khả năng sống trong vô trí, tức vứt bỏ sự phức tạp hoá, màu mè hoá của tâm trí thì bạn sẽ nhận ra chẳng có câu hỏi nào thực sự là vấn đề cả. Khi ấy nếu ai đó hỏi bạn rằng bạn đã chứng ngộ chưa, bạn sẽ trả lời bằng một nụ cười, thế là đủ, thay vì câu trả lời dài như vú bà già thế này huhu.
Mình xin nhắc lại một chút điều quan trọng này: câu hỏi của bạn thể hiện tâm trí của bạn, việc biết của bạn. Câu trả lời của mình thể hiện tâm trí của mình, việc biết của mình. Mình chỉ có thể trả lời trên những gì mình biết, nó không có nghĩa những gì mình nói ra đều đúng với bạn hay phải khớp với sự biết của bạn. Chúng ta là những tâm trí khác nhau và từ tâm trí này chúng ta có thể xây dựng ra hai thế giới khác nhau, hai hành tinh, hai vũ trụ khác nhau.
Nhưng khoảnh khắc nếu cả hai chúng ta cùng vứt bỏ tâm trí thì chẳng câu hỏi hay câu trả lời nào cần thiết cả, chúng ta sẽ – lần đầu tiên – ở cùng nhau trong một thực tại duy nhất: thực tại của hiện tại, của sự im lặng, sự trống rỗng, nơi chẳng có gì để mà nói, chẳng có gì để mà làm, chẳng câu hỏi hay câu trả lời nào là vấn đề cả.
Sự thực là khi bạn ấy hỏi câu này, mình đã im lặng. Mình im lặng vì có gì để mà nói đây? Nhưng bạn không chịu được sự im lặng hay sao ấy, bạn hỏi tiếp “tại sao?”, mình đáp “tại sao sáng!” – câu hỏi vô nghĩa sẽ gặp câu trả lời vô nghĩa là tất nhiên thôi. Bạn ấy lại hỏi “Thế nó đang chiếu vào đâu?” Mình đáp “vào đâu thì kệ nó thôi!”
:))) mắc cười gần chết, mà cũng đáng yêu!
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Nó cho mình một dịp tuyệt hay để lại nhìn ra sự vô nghĩa của lời, sự oằn tà là vằn của tâm trí cũng như sự vô dụng của bản thân trong việc trả lời câu hỏi. Mong là bạn khoan dung với toàn bộ câu trả lời vô nghĩa này.
P/s: thực sự viết tới đây chỉ muốn xoá hết những lời vô dụng vô nghĩa này! thấy bản thân càng nói càng ngu ngốc vớ vẩn làm sao :)))