Osho và những đám tang
“Việc đi theo những đám tang dần trở thành một trong những trò tiêu khiển của tôi thời đó.
Cha mẹ tôi rất lo lắng: “Con không quen biết người đàn ông vừa chết, con không có mối quan hệ nào, không tình bạn nào với ông ta cả. Tại sao con lại phải bận tâm và lãng phí thời gian của mình như vậy?” – bởi vì những đám tang ở Ấn Độ thường mất đến ba, bốn hay năm giờ đồng hồ.
Đầu tiên đoàn đưa tang sẽ ra khỏi thành phố, mang theo cái xác đến giàn hỏa thiêu… Và bạn biết người Ấn Độ rồi, họ không thể làm việc gì một cách hiệu quả cả: cái giàn thiêu sẽ không thể bén được ngọn lửa; hoặc ngọn lửa sẽ rất yếu ớt đến nỗi cái xác không thể cháy được. Và mọi người sẽ làm tất cả các loại nỗ lực bởi vì họ muốn rời khỏi nơi đó càng nhanh càng tốt. Nhưng người chết thì cứ như đang đùa cợt, cứ cố làm mọi cách để giữ cho bạn ở đó càng lâu càng tốt.
Tôi nói với cha tôi: “Đó không phải là về mối liên hệ với một con người. Con nhất định có mối liên hệ nào đó với cái chết, thứ mà cha không thể phủ nhận được. Chẳng vấn đề gì việc ai chết cả – nó chỉ là một thứ biểu tượng đối với con. Một ngày nào đó con sẽ chết. Con phải biết người ta hành xử như thế nào với cái chết và cái chết thì ảnh hưởng thế nào đến những người còn sống; hơn nữa, hẳn con có thể học hỏi được gì đó từ nó.”
Họ nói: “Con luôn có những lý lẽ thật lạ lùng.”
“Nhưng”- tôi nói “cha mẹ phải thuyết phục con rằng cái chết không liên quan gì tới con, rằng con sẽ không bao giờ chết. Nếu cha mẹ có thể thuyết phục con điều đó, con sẽ không đi nữa, bằng không xin cứ để con tự khám phá.”
Họ không thể nói với tôi rằng tôi sẽ không chết, nên tôi nói: “Vậy thì cha mẹ hãy giữ yên lặng. Con định nói với cha mẹ rằng con sẽ đi đến đó và thưởng thức mọi thứ xảy ra ở đó
Thứ đầu tiên tôi quan sát được là không ai nói về cái chết, kể cả ngay tại một đám tang. Lửa thì đang thiêu cha ai đó, anh em ai đó, chú bác, bạn bè, kẻ thù của ai đó: người đó hẳn có mối quan hệ thân thuộc với tất nhiều người ở đây theo rất nhiều cách. Người đó đã chết nhưng tất cả những người kia đều thật hờ hững. Họ nói chuyện về những bộ phim, họ nói về chính trị, họ nói về thị trường; họ nói về tất cả mọi thứ thuộc mọi chủ đề, trừ cái chết. Họ chia thành những nhóm nhỏ và ngồi xung quanh cái giàn thiêu. Tôi cứ đi từ nhóm này sang nhóm khác và thấy rằng không ai nói gì về cái chết cả. Tôi biết một cách chắc chắn rằng họ đang nói về mọi thứ khác chỉ để giữ họ không nghĩ đến cái xác đang bị cháy – bởi vì đó sẽ là chính cơ thể họ – một ngày nào đó.
Họ có thể thấy, nếu họ có một tí xíu ánh sáng bên trong, rằng chính là họ đang cháy ở đó trên giàn thiêu – không phải ai khác. Chỉ là câu hỏi về vấn đề thời gian. Ngày mai ai đó khác trong số những người này sẽ được mang đến giàn thiêu. Ngày kia sẽ là một người khác nữa, mỗi ngày người chết đều được mang đến đây.
Một ngày nào đó tôi cũng sẽ được mang đến giàn thiêu và đây là kiểu thái độ mà họ sẽ mang đến với tôi sao? Đây sẽ là lời từ biệt cuối cùng của họ: nói về việc giá cả lên xuống, sự mất giá của đồng rupee – ngay trước sự chết.
Và tất cả bọn họ đều ngồi quay lưng lại với giàn hỏa thiêu.
Họ phải đến đám tang ấy vì nghĩa vụ nên họ sẽ đến, nhưng họ không bao giờ muốn đến. Vậy nên họ đã ở đó với một sự hiện diện hờ hững, chỉ để lấp đầy sự phù hợp của xã hội, chỉ để chỉ ra rằng họ đã có hiện diện. Và nhiêu đó là quá đủ để chắc chắn rằng khi họ chết đi họ sẽ không bị đưa đi bởi những chiếc xe của dịch vụ mai táng công ích. Bởi vì họ đã tham gia vào rất nhiều đám tang của người khác, một cách tự nhiên bắt buộc những người khác nữa sẽ phải đến với họ trong đám tang của họ. Họ biết tại sao họ ở đó. Họ ở đó bởi vì họ muốn mọi người ở đó khi họ nằm trên giàn thiêu.
Nhưng những người này đang làm gì chứ? Tôi hỏi những người mà tôi biết. Thỉnh thoảng một giáo viên của tôi ở đó, nói về những điều ngu ngốc – như là ai đó đang tán tỉnh với vợ ai đó khác.
Tôi nói với họ: “Đây có là phải lúc thích hợp để nói về vợ người khác và những gì bà ta đang làm không? Hãy nghĩ về vợ của người đàn ông đã chết đi. Không ai lo lắng về điều đó, không ai nói về điều đó. Hãy nghĩ về vợ của thầy khi thầy chết đi. Liệu có ai ở đó để tán tỉnh cô ấy không? Cô ấy sẽ làm gì? Thầy đã chuẩn bị chút nào cho việc đó chưa? Thầy không nhìn thấy những điều ngớ ngẩn này à? Cái chết đang hiện diện và thầy lại cố tránh nó bằng mọi cách có thể.”
“Hãy nghĩ về vợ của các bác khi các bác qua đời. Với ai cô ấy sẽ lăng nhăng? Cô ấy sẽ làm gì? Các bác đã chuẩn bị hay có sắp xếp gì cho điều đó chưa? Và các bác không thể thấy cái sự ngu ngốc ấy hay sao? Cái chết đang có mặt, thế mà các bác thì lại đang cố tránh nó trong mọi cách có thể được.”
Nhưng đó là điều tất cả mọi tôn giáo đều đã và đang làm – chỉ cùng một việc: né tránh cái chết và những người này đang đơn giản đại diện cho truyền thống tôn giáo của họ.
Osho, cuốn “Đứa trẻ nổi loạn”
Phi Tuyết và những nấm mồ
Khu nghĩa trang này thật là thơ mộng quá. Những nấm mồ cũ mới đặt cạnh nhau lộn xộn mà trật tự, xen giữa chúng là những đám cỏ xuyến chi nở hoa trắng ngần như cúc dại nổi bật trên nền cỏ xanh mướt của mùa mưa, xa thêm chút xíu là đám cỏ hồng mong manh rực lửa như điểm xuyết chút sắc màu cuộc sống vào giữa chốn tưởng chừng không còn sự sống.
Người ta trồng những cây hoa sứ đây đó, mùa này chúng không có hoa cũng chẳng có lá, chỉ những cành khẳng khiu đâm lên tua tủa đầy duyên dáng hệt như những bụi san hô của mặt đất.
Xa xa sau lưng những nấm mồ là dãy núi Đại Bình xanh thẫm lãng đãng những cụm mây. Tôi đã ngắm nhìn dãy núi ấy trong những ngày mưa bão, sương mù hay nắng vàng, dãy núi cứ đứng đó im lìm tĩnh lặng như nấm mồ vĩ đại làm nền cho những nấm mồ nhỏ bé khu nghĩa trang của giáo xứ.
Một con đường nhỏ màu xám xi măng nhẹ nhàng rẽ đám xuyến chi và đám cỏ hồng như để dẫn người ta chìm sâu vào cõi lặng.
Nhưng vẻ đẹp tuyệt diệu nhất của khu nghĩa trang này không chỉ nằm ở cảnh vật, những đám hoa dại hay quả núi, dù cho quả núi thiệt sự đẹp làm sao.
Vâng, trên tất cả, vẻ đẹp của nghĩa trang nằm ở sự tĩnh mịch cô liêu của nó. Một vẻ đẹp trầm nhưng không buồn, lặng mà không thinh chút nào. Vẻ đẹp của cái chết như tôi đọc ở đâu đó, là vẻ đẹp của sự tĩnh lặng. Người chết rất im lặng. Và cũng hay là họ im lặng. Cả đời họ đã nói rồi và nhìn xem nó dẫn họ tới đâu? Ai rồi cũng vào những nấm mồ và quyện mình vào sự im lặng cô liêu bao la ấy, nhưng người may mắn là người học được cách im lặng trước khi vào những nấm mồ. Người ấy thấy được vẻ đẹp của nó và tha hồ tận hưởng nó, không nuối tiếc.
Nếu như có một điều ai cần biết về tôi, thì tôi là người sợ ma khủng khiếp. Dẫu cho nếu nhìn vào gương thì ít thấy ai giống ma hơn mình. Tôi thích mặc đồ màu trắng và lại có mái tóc rất dài màu đen nữa. Ấy vậy mà tôi vẫn sợ ma. Lẽ tất nhiên, tôi cũng sợ nghĩa trang nữa. Sợ cả đời từ khi tôi còn là đứa rất trẻ. Nếu nhìn nhận đúng hơn thì tôi sợ cảm giác một mình ở nơi lạ, nơi mà năng lượng của tôi chưa kết nối được. Vậy mà mấy nay chẳng hiểu sao tôi lại khoái vào thăm nghĩa trang đến thế. Cứ tập yoga về là tôi lại vào khu nghĩa trang, chẳng làm gì, chỉ ngồi lặng im ngắm nhìn hoa cỏ, nhìn ngọn núi sừng sững và nhìn cả những ngôi mồ.
Giờ tôi đã hiểu tại sao ngày xưa các khất sĩ nhà Phật thường vào các khu mồ để thiền, để chiêm ngẫm về cái chết như một phương pháp tu tập.
Quả thật, người sống tất nhiên dạy ta rất nhiều điều nhưng hoá ta người chết cũng có khả năng dạy ta nhiều không kém. Người sống dạy bằng lời, bằng sự ồn ào. Người chết dạy ta bằng sự im ru tĩnh mịch. Nói đúng hơn, người chết cho ta cơ hội để ta tự dạy mình và cũng để ta tự mình học điều ta cần học.
Khi bạn im lặng đủ sâu, bạn không chỉ nghe được lời không nói của người đương sống, bạn còn nghe được cả lời vô âm của người đã chết nữa.
Tôi đã im lặng đi sâu vào bên trong mình đến điểm mà tôi có khả năng nghe được người chết. Họ gọi tôi. Họ mời tôi đến đây thăm họ. Họ mời tôi ngắm nhìn thế giới của họ, thế giới của tĩnh lặng trùng trùng. Họ muốn tôi nghe họ mà suy ngẫm về cái chết, về cái chết của họ và cái chết của tôi. Họ muốn tôi sống khác với cách mà họ đã sống. Họ mong tôi sẽ chết khác với cách mà họ sẽ chết. Họ mong tôi học cách sống thật im lặng trước khi tôi có thể đạt tới một cái chết im lặng.
Vâng, những linh hồn, họ đang trò chuyện với tôi, hay là tôi đang tự trò chuyện với chính mình, vì suy cho cùng chúng ta đều là một và chúng ta đều sẽ về nguồn để nhập vào cái một.
Chúng ta là chúng ta và chúng ta là nhau.
Chúng ta là cái đương sống và cũng là cái đương chết.
Chúng ta là hoa dại, là cành sứ, là ngọn núi và cũng là những nấm mồ.
Bài toán cuộc đời: Không-ai – Một-ai-đó – Lại-là-Không-ai
Những linh hồn đang trò chuyện với tôi qua ngôn ngữ vô lời, qua im lặng. Chỉ qua im lặng mà chúng ta cảm nhận được tính một cùng nhau. Chỉ qua tính một, chúng ta mới tìm thấy tính không trong mình. Hoá ra cuộc đời này chỉ là cuộc hồi quy vô tận. Ban đầu ta được sinh ra từ số không, rồi ta làm mọi cách phình to mình ra bằng vật chất, danh vọng, quyền lực, ham muốn và bản ngã giúp ta làm phình to mình. Nhưng cái phình này là vô tận và ngu ngốc, vì con số có số nào lớn nhất đâu.
Nỗ lực được làm số lớn sao mà mệt mỏi quá.
Khi ta đủ mệt, ta bắt đầu thu mình lại, ta tìm về số một. Ta muốn được làm một với người ta yêu thương, ta muốn được làm một với công việc ta làm, với những gì ta hi vọng. Ta muốn được làm một cùng bạn đời, cùng con cái, cùng cha mẹ hay bạn bè. Ta bắt đầu truy tìm tính một.
Tôi gọi đây là nòng cốt của Ki-tô giáo. Họ đại diện cho tính một này. Thượng đế là tính một tối thượng. Ngài là tình yêu. Thế thì nhờ yêu mà ta được nếm trải tính một.
Bằng tình yêu mà ta là một với tất cả, thậm chí cả với “kẻ thù” của mình. Ta là một với mọi người quanh ta, với người quá khứ và người tương lai nữa. Ta không chỉ là một với thánh nhân mà với cả tội nhân. Ta không chỉ là một với con người, ta là một với vì sao, với cọng cỏ, với đoá hoa và tiếng chim, với miếng ăn và thức uống, với mặt trăng, mặt trời và là một với bao la vũ trụ.
Chính tình yêu và sự im lặng là bậc thang đưa ta chạm tới tính một này. Và thêm chút nhận thức. Không. Đúng hơn là thêm rất nhiều nhận thức, từ tính một ta sẽ bắt đầu trải nghiệm tính Không – đây là điểm Phật mong muốn bạn sẽ đến.
Một là tuyệt vời, nhưng chưa đủ. Nó vẫn còn đó, ngập tràn nhưng vẫn còn đó. Một phải trở về Không, thế thì ta có được cái bao la của tự do tối thượng.
Số Không là con số đầu tiên và cũng là đáp số sau cùng cho bài toán cuộc đời, nếu bạn muốn xem đời là bài toán.
Kinh thánh Ki-tô giáo có câu “Ta là Alpha và Ta là Omega” Thượng đế là đầu và là cuối. Thượng đế là tình yêu, là nguồn, là khởi đầu và cũng là điểm kết thúc. Thượng đế là tính Không, là điểm Phật. Tất cả là một và chỉ một và thôi, là Không. Thật kì lạ.
Vô cùng kì lạ.
Thật kì diệu.
Vô cùng kì diệu.
Thế thì ta nhìn rõ những giai đoạn cuộc đời:
1. Ta sinh ra là số Không thuần khiết.
2. Ta cố là Một ai đó.
3. Ta cố là cả đống thứ, là con số thật TO.
4. Ta thu lại, chỉ muốn là Một nhưng Một này rất khác Một trước đây. Trước đây ta muốn là Một ai đó xác định. Giờ ta muốn là Một ai đó không xác định. Cái Một bao la bao hàm tất cả. Là Một với bao la vũ trụ.
5. Thế rồi ta lại khao khát về Không. Không gì cả. Không ai cả. Vô hình tướng, vô nội dung, hệt như cơn gió Tathagata- Như Lai. Đến như thế và đi như thế, như cơn gió, không dấu vết nào để lại.
Tôi đang ở đâu đó giữa 4 và 5, những khoảnh khắc tôi im lặng sâu, quan sát và nhận biết sâu, tôi là một với cuộc sống, với tất cả. Những khoảnh khắc toàn bộ mà tôi hay nói, chính là sự hợp nhất vào Một này.
Và cũng có những khoảnh khắc tôi thấy cái đầy tràn, cái phồng căng lên của cái Một. Tôi muốn thành Không.
Phúc lạc quá nhiều cũng khiến người ta mệt mỏi quá. Giống như nước mắt. Nước mắt Phúc Lạc là rất tốt nhưng khóc nhiều quá cũng mệt.
Khi tôi chia chẻ, tôi muốn được làm một – toàn bộ.
Khi tôi toàn bộ, khi tôi quá nhiều phúc lạc, tôi lại càng muốn được về Không, tan biến đi, mất đi, chết quách đi theo cách nào đó.
Viết tới đây trong làn ánh nắng ấm dần lên rực rỡ, vài cánh bướm trắng chao lượn xung quanh, đôi chú chim soải cánh bay trên những nấm mồ, vài người già tảo mộ chậm rãi và làn gió mát vờn quanh, tôi lại nghe tiếng những người chết thì thầm.
Họ nói với tôi qua giai điệu và lời bài hát tôi đang nghe. Thật lạ khi cứ vào đây là tôi lại bật lên bài hát ấy, bài “Khoảnh khắc bình an” của nhóm đồng ca thánh âm nổi tiếng: Gregorian.
Bài hát chính xác là những gì những người chết đang muốn nói với tôi: “Hãy đến đây với chúng tôi, nghỉ ngơi một chút, chúng ta là năng lượng, chúng ta là một, hãy đến đây, tận hưởng khoảnh khắc bình an này…”
“Come now, come by our side
A place where you can hide
We are the sunshine
Rest your soul here and you’ll find
We are the energy
We give the world to thee
Hold up your heart now
We will ease pain from your brow
In a world without dangers,
Where destruction is near
You can come with us here.
Where the people are strangers
You will rest here with me
In a moment of peace.”
Tôi đang tan ra, đang thấm từng câu từ trong bài nhạc bi tráng.
Tôi đang thấm từng giọt nắng rớt vào da, thấm từng cọng gió lùa qua sợi tóc
và tôi cũng đang thấm đẫm sự trầm lặng êm ái ngọt ngào mà những người đã khuất đang dành tặng tôi nơi bình yên này.
Họ cũng bảo tôi, “Đừng viết nữa. Đừng lo quá về những gì đã qua hay sẽ xảy đến. Tan ra đi. Để ánh nắng ấm áp thẩm thấu thật sâu và làm tan chảy nốt những ụ tuyết cứng đầu…”
Phi Tuyết,
8AM 01.10.2021