Đời tôi là những món quà

ĐỜI TÔI LÀ NHỮNG MÓN QUÀ

Sinh ra từ một bông Sen và là chị em với đủ loại hoa (mẹ tôi tên Liên Hoa và đặt tên con mỗi đứa một loài hoa), nhưng tôi quả thực ý thức về tính nữ của mình khá trễ, hay nói đúng hơn, tôi chưa bao giờ ý thức mình là người phái nữ. Từ nhỏ tới tận những năm sinh viên, tôi chỉ chơi thân với bọn con trai và chúng đối xử với tôi cũng như con trai vậy. Tôi chẳng mấy bận tâm những môn của phái nữ như nấu chè, làm bánh, thêu thùa may vá, tôi khoái làm các món con trai hay làm như trèo cây, leo đồi, rượt bắt, chơi đá bóng và đặc biệt khoái làm ra những món đồ thủ công.

Thế nhưng tôi lại ý thức về những món quà và việc nhận quà từ rất sớm.

Lần đầu tiên tôi biết đến văn hoá tặng quà là năm mười tuổi, khi tôi và mấy bạn trong lớp được một cô bạn mời tới nhà dự sinh nhật của nó. Thích thú cảm giác được bóc những món quà như cô bạn, năm ấy tôi cũng đã tự xoay xở tổ chức sinh nhật lần đầu tiên trong đời. Mẹ tôi bán tạp hoá nên chẳng khó khăn gì việc xin mẹ một mớ bánh kẹo trái cây để làm tiệc đãi bạn bè. Mẹ tôi chẳng hứng thú gì với ý tưởng sinh nhật hay tiệc tùng nhưng mẹ cũng đủ bận để mặc kệ tôi thích làm gì thì làm. Lần ấy tôi đã có một sinh nhật tuyệt vời, lý do là tôi đã “tìm cách” để được tặng chính xác những gì tôi muốn được tặng.

Một cô bạn gần nhà được những người anh trai ở xa gởi về cho một đống vỏ sò đủ màu sắc, tôi đã rất thích chúng nhưng không bao giờ thổ lộ ra, cho tới khi quyết định tổ chức sinh nhật tôi đã gợi ý cô bạn về việc tặng tôi những cái vỏ sò ấy thay vì phải mua bất cứ gì đều tốn tiền. Cô bạn đồng ý ngay và đó là lần đầu tiên trong đời tôi được thoả sức mân mê những “bằng chứng” cho thấy biển xanh là thứ thực hiện hữu chứ không chỉ có trên tivi. Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng núi mà.

Một cô bạn khác trong lớp tặng tôi cuốn truyện tranh Đô-rê-mon cũng là thứ mà chính tôi đã gợi ý cho bạn làm quà tặng. Bạn ấy là người đầu tiên trên đời này tặng tôi sách, lại là cuốn sách tôi cực kì yêu thích. Một cô bạn thân khác thì tặng tôi con một con búp bê bằng len, cũng là thứ tôi đã biết trước.

Món quà duy nhất tôi “ghét” trong lần sinh nhật đầu tiên, cũng là một món quà bí mật, tôi không hề biết gì về nó ngoại trừ một thông tin nhỏ “Mẹ mình hôm nay đi ra phố cũng sẽ đi mua quà cho bạn”. Tôi đã kì vọng nhiều vào món quà chưa biết ấy và xem đó như điểm nhấn trong sinh nhật của mình, cho tới khi tôi bóc hộp quà và biết đó là một cái… dây cột tóc. Tôi có mái tóc dài và dày nhất xóm nên người đó đã tặng một món quà thật thiết thực, đáng tiếc là tôi không thích nó tí nào, vì nhiều lý do: một là nó làm tôi “vỡ mộng” về một món quà mua từ phố thị lại chỉ có thế thôi sao? Hai là tôi không thiếu dây cột tóc vì mẹ tôi bán cả tấn rồi, tôi chưa bao giờ quan tâm những thứ như dây cột tóc hay mấy thứ con gái đại loại vậy, đã bảo tôi không ý thức lắm về tính nữ mà.

Nhưng đó quả thực là lần đầu tiên tôi ý thức về những món quà, tôi đã xoay xở theo những cách rất khôn khéo để được tặng chính xác thứ mình muốn. Và có vẻ tôi cũng giỏi khoản này.

Cuối năm ấy, lần đầu tiên, tôi mang thành tích học tập xuất sắc của mình ra để làm “vật trao đổi” yêu cầu mẹ tặng tôi một món quà: một chú gấu bông của riêng tôi. Mẹ chở tôi và em gái ra phố tới cửa hàng quà tặng và nói, nếu chúng tôi lấy gấu nhỏ bằng khoảng cái ca uống nước thì mỗi đứa sẽ được một con gấu riêng, còn nếu chúng tôi chịu chơi cùng nhau thì sẽ được một chú gấu bông to, cỡ bằng hai cái ấm pha trà. Tôi và em gái, mỗi đứa đều có sở thích riêng và không ai nhường ai nên đã ôm khư khư chú gấu của mình, loại gấu to bằng hai ấm trà và chạy biến đi. Mẹ không thuyết phục được nên đành mua cho mỗi đứa một con gấu. Gấu của em tôi màu nâu còn của tôi là gấu trúc.

Đấy là lần thứ hai tôi có ý thức sâu sắc về một món quà – một kỉ niệm buồn, thành thật mà nói – vì ngay buổi tối hôm ấy khi tôi đang vui sướng nâng niu món quà êm mượt thì cha mẹ tôi đã có một trận cãi nhau to, to đến nỗi tôi và em gái ôm hai chú gấu bông khóc nức nở trong góc nhà. Tôi đã khóc đến ướt cả chú gấu mới và xem đó như là “cái giá thực sự” mà tôi phải trả để có món quà này. Tôi đã an ủi bản thân mình như thế – rằng có lẽ người ta luôn phải trả cái gì đó cho những món quà, rằng chẳng ngày vui nào kéo dài mãi mãi, rằng tôi phải chịu một điều không chủ ý là trận cãi nhau của cha mẹ – cho món quà tôi nhận một cách không phải chủ ý – từ mẹ.

Cũng chẳng hiểu tại sao, tôi luôn ý thức đau khổ của mình như một món nợ tôi phải trả mỗi khi chứng kiến cha mẹ mình cãi nhau. Tôi bắt đầu sợ quà. Tôi không còn nghĩ đến việc đòi quà từ bất kì ai nữa. Cái giả phải trả vô hình của chúng dường như hơi quá sức chịu đựng của tôi.

Những năm sau đó tôi không còn tổ chức bất cứ sinh nhật hay nhận bất cứ món quà nào từ ai nữa. Dịp sinh nhật tôi bắt đầu tự tặng quà cho mình và rồi thường xuyên mua tặng bản thân những cuốn sổ tay đủ mọi kích thước thiệt dễ thương. Sổ tay nhật ký là những người bạn của tôi. Đó nơi tôi viết mọi ý tưởng, cảm xúc và suy nghĩ của mình. Đó là nơi tôi viết những ước mơ, những tâm sự và tất cả mọi điều mà tôi chẳng nói được với ai. Tôi viết nhật kí từ rất sớm và chẳng ý thức được đó lại là những hạt mầm quan trọng cho nghiệp viết lách của tôi sau này.

Năm cuối cấp ba, tức khoảng 18 tuổi, tôi lấy lý do cần học môn tin học để xin cha mẹ một món quà, món quà lớn nhất cuộc đời tôi cho đến lúc ấy – một dàn máy tính. Tôi còn nhớ rõ dàn máy đó trông như thế nào: cực xịn xò với màn hình rất mỏng, máy cấu hình cao (dù lúc ấy cho đến cả bây giờ cũng chẳng rõ cấu hình là cái gì), con chuột màu đen nhỏ xíu và dàn máy còn được tặng kèm một bộ loa xịn nữa. Cha mẹ đã phải chi trả gần 10 triệu đồng để tôi có được dàn máy ấy – một số tiền lớn – khỏi nói tôi và em gái đã sống như trên mây vì tự hào và vui sướng.

Niềm vui chưa kéo dài bao lâu, chỉ vài tháng sau, trong kì nghỉ tết chúng tôi về nhà và bọn trộm đã phá cửa phòng trọ của tôi và khuân đi toàn bộ dàn máy, chừa lại hai cái loa và con chuột giờ đã trở nên lẻ loi vô dụng. Tôi khóc dài, hối hận về sự tắc trách của bản thân, thương tiếc cho khoản tiền lớn của cha mẹ và nhất là cảm thấy có lỗi vô cùng. Tôi buồn đến mất ăn mất ngủ, nó lại còn xảy ra vào ngay mùng ba tết nữa chứ. Cha mẹ tôi – những người tuyệt vời làm sao – họ không la mắng tôi một câu nào. Mẹ chỉ thở dài một cái duy nhất còn cha trông thấy tôi đau khổ quá thì chỉ nói duy nhất một câu, “Thôi đừng buồn nữa. Của đi thay người con ạ!” Và điều đó đã khiến tôi nguôi ngoai biết bao nhiêu khi biết cha mẹ không trách mắng mình – dù chắc chắn họ tiếc còn gấp mười lần tôi nữa.

Xui là từ đó trở đi cha tôi phải nói với tôi câu ấy hơi nhiều, vì tính tôi không có được sự cẩn thận như người ta, tôi khá là… lơ đãng. Việc mất điện thoại, mất ví, mất xe đạp, mất laptop xảy ra thường xuyên đến nỗi sau này tôi khôn hơn, tôi không cho cha mẹ biết nữa và không ai còn buồn nữa. Quà tặng cũng vậy, bạn tự tặng mình thì có bị hư hại hay bị mất thì cũng không đến nỗi buồn như khi nó đến từ người khác.

Khi tôi tốt nghiệp cử nhân, cha mẹ tặng tôi chiếc xe máy riêng đầu tiên trong đời, một chiếc Air Blade màu trắng tinh đúng như tôi mơ ước. Sau này khi cần tiền để tham gia khoá học giáo viên Yoga, tôi đã bán lại chiếc xe cho anh hai để đổi lấy tiền đóng cho khoá học. Giờ đây tôi có bằng giáo viên yoga quốc tế, tôi có trường phái yoga của riêng mình với cả triết lý và phương pháp riêng. Với tấm bằng này tôi xem như đó là một “kim bài” kiếm sống rất tốt nếu tôi có muốn ra nước ngoài sinh sống. Cha mẹ tặng tôi chiếc xe cho nên chính cha mẹ cũng tặng tôi tấm kim bài đó, tôi chỉ làm một động tác nhỏ là biến đổi nó. Thật là một món quà vô giá. Giờ tôi tự tin sẽ sống tốt dù cho có bị quăng đến bất cứ quốc gia nào.

Những năm sau khi ra trường, tôi về quê mở các cửa hàng kinh doanh từ thời trang đến cà phê cho đến cả quà lưu niệm. Tôi thử sức nhiều thứ, thành công một số và thất bại thì vô số nhưng bù lại tôi có đầy những bài học, những trải nghiệm vô giá và tất nhiên cả tiền nữa. Tôi sống cuộc sống xinh đẹp tự chủ và đủ điều kiện để thường xuyên tặng bản thân những chuyến du lịch dọc ngang Việt Nam lẫn các tour loanh quanh khu vực: Thái Lan, Singapore, Malaysia…

Vì sớm có điều kiện cả tài chính lẫn thời gian để đọc nhiều sách, du lịch nhiều nơi và kinh doanh nhiều thứ – trải nghiệm và bài học cuộc sống đầy ắp nên tôi bắt đầu chia sẻ chúng qua những bài viết đăng trên Triết Học Đường Phố. Một trong số các bài viết gây tiếng vang khá lớn là bài “Cuộc đời dài bao lâu mà cứ dành những gì ngọt ngào nhất cho giây phút sau cùng?”.

Trong bài viết ấy tôi chia sẻ quan điểm về những món quà, việc tặng quà và những ý nghĩa đi kèm với nó. Tôi viết về việc tôi thích tặng quà cho mọi người xung quanh như thế nào, từ việc tặng quà cho những người trong gia đình, người yêu thương, đến tặng quà cho hàng xóm, bạn bè, kể cả những người bạn mà tôi biết sẽ chỉ gặp một lần. Tôi viết về thú vui tặng quà, không chỉ cho người quen mà cả người lạ, không chỉ cho người khác mà còn cho chính bản thân mình.

Bài viết ấy được bạn đọc yêu quý, họ bắt đầu hưởng ứng tinh thần bằng cách… ào ạt tặng quà cho tôi. Tôi nhận được thư và bưu thiếp quà tặng từ bạn đọc khắp cả nước. Họ tặng tôi sách, thiệp, đồ lưu niệm, đồ thủ công, hoa khô, đồng hồ, đồ chơi và thậm chí cả đồ gia dụng nữa – có những thứ mà tôi còn không biết là có tồn tại trên đời. Thiệt là đáng yêu và cũng có chút… đáng sợ. Bạn biết đấy, tôi có chút nỗi sợ về những món quà đến từ nơi không biết, những món quà bên ngoài “dự tính” của bản thân mình. Tôi sợ “nợ” – nợ ân tình là thứ nợ tôi sợ nhất vì chẳng biết mình phải trả bằng cách nào. Tôi không thích nợ.

Món nợ ân tình đầu tiên mà tôi đã nhận là một chú chó. Một người anh khi biết tôi có ý định nuôi đã tặng tôi luôn một chú chó Nhật nhỏ xíu mà tôi ưu ái đặt tên là Babie. Đó là lần đầu tiên tôi được tặng một con vật sống và cũng là món quà tôi có nhiều tình cảm nhất, nhiều lưu luyến nhất. Đó là đứa con đầu tiên của tôi, là cách tôi học chia sẻ cuộc sống cũng như nhận trách nhiệm chăm sóc một sinh linh bé nhỏ, đáng yêu, nghịch ngợm và tình cảm vô cùng. Sau này tôi ra nước ngoài một thời gian, khi trở về thì Babie đã bỏ nhà đi mất – chỉ một tuần trước khi tôi trở về. Tới giờ tôi vẫn chưa sẵn sàng để nuôi chó mèo trở lại, dù rất yêu quý chúng. Tôi sợ sự gắn bó cảm tình. Tôi sợ mọi sự gắn bó.

Trở lại với những món quà, không chỉ các bạn đọc trong nước, những bạn đọc ở nước ngoài cũng tìm ra cách riêng của họ để tặng quà cho tôi. Có người gởi qua đường bưu điện, có người gởi người thân xách tay về và có người tìm gặp tôi trực tiếp để tặng quà tôi nữa. Tôi còn nhớ chai nước hoa đầu tiên trong đời (cho tới giờ vẫn là lọ duy nhất tôi từng xài) tới từ người chị độc giả sống ở Châu Âu. Chú Thu – người nhắc tôi nhớ nhiều về cha mình – chú sống ở Mỹ và trong lần về thăm Việt Nam, chú hẹn tôi ra quán cà phê và tặng tôi một túi đồ chứa đủ thứ: sữa tắm, nước hoa xịt phòng, chai nước rửa tay, cây lăn nách, vài món đồ ăn vặt và cả một đồng xu kim loại mạ vàng mệnh giá hai đô la người ta đúc để du khách làm kỉ niệm nữa. Thiệt là đáng yêu. Thiệt là đáng nhớ. Buổi cà phê hôm ấy trên sân thượng một toà nhà lớn gần sân bay, tôi đi cùng cô bạn thân tới gặp chú ấy và chúng tôi có một buổi tối ngắm sao, uống cocktail và những câu chuyện thân tình ấm áp làm sao.

Món quà giá trị lớn nhất tôi từng nhận từ một người lạ (không phải gia đình) là từ TN – một anh độc giả người Mỹ – anh ấy đọc vài bài viết (không nhiều) nhưng cũng đủ quý mến tôi đến độ sau một thời gian trò chuyện, anh ấy nằng nặc đòi tặng tôi một số món đồ chỉ để tôi biết thêm về văn hoá và lối sống Mỹ (văn hoá shopping mùa sale off). Anh ấy mua mà không cho tôi biết, chỉ sau khi shopping về mới chụp cho tôi xem và khoe, “hôm nay anh mua cho em mấy thứ này”. Khi gom được kha khá thứ, anh đóng một thùng gởi về cho tôi. Thật là bất ngờ. Khi một người thực yêu quý bạn, người ấy chú ý đến mọi thứ xung quanh bạn.

Anh ấy thấy tôi hay đi tập gym nên mua rất nhiều đồ tập gym đủ loại đủ hãng, tiếc là chúng không phải style của tôi nên tôi nhận quà, thấy biết ơn nhưng cũng chẳng xài đến chút nào. Anh ấy tặng tôi một đống socola từ đắng đến ngọt, từ nhân hạt đến nhân rượu, từ trắng tới đen, chỗ socola ấy tôi để tủ lạnh ăn dần cả hai năm sau cũng chưa hết – đáng sợ. Rồi anh ấy cũng mua cho chú chó Babie của tôi đủ thứ: quần áo, đồ chơi, đồ ăn, snack.

Có hai thứ trong đống quà của anh mà tôi cực khoái: một là ba đôi giày Puma – từ đó về sau tôi bị nhiễm tật “xấu” là chỉ thích đi giày hãng, vì chất lượng của chúng thật tuyệt vời. Đúng như anh ấy nói, “các đồ khác em không cần xịn cũng được nhưng giày thì nên đi giày xịn để bảo vệ đôi chân, điều đó quan trọng.” Tôi không thấy nó quan trọng cho tới khi tôi đi chúng, và tới giờ thì giày là thứ đồ hiệu duy nhất có mặt trong nhà tôi. Tôi có năm đôi, ba đôi Puma do TN tặng và hai đôi Adidas (Justin tặng). Trong năm đôi ấy cũng chỉ có một đôi là tôi yêu thích nhất, một đôi Adidas màu trắng, và cảm giác như cả đời mình chỉ cần đi một loại này, một đôi này cũng đủ.

Món thứ hai trong đống quà của TN mà tôi khoái, là một hũ bột cafe uống liền hiệu Nestle và một hộp bột kem pha uống cùng với cà phê – vì một lần tôi từng thắc mắc với anh không biết vị cà phê người ta hay uống bên ấy như thế nào, chứ cà phê uống liền ở Việt Nam tôi thấy không ngon. Anh ấy tặng tôi loại cà phê ấy, tôi uống thử và rồi ghiền cho tới tận bây giờ, hơn cả cappuccino.

Những món quà này tôi có thể nhận thoải mái không lăn tăn gì, vì tôi biết nó đến từ tấm lòng của anh ấy muốn chia sẻ cuộc sống của mình. Tôi biết cảm giác ấy, khi mà bạn có gì đó quá nhiều và rất muốn chia sẻ, bạn thậm chí cảm thấy biết ơn người đã nhận món quà của bạn. Tôi không nói rằng anh ấy biết ơn khi tôi nhận quà, nhưng tôi luôn làm rõ với anh ấy rằng việc tôi nhận những món quà này, là vì tôi rất quý anh. Chỉ vì rất quý anh nên tôi mới nhận. Anh ấy đồng ý và anh ấy ngỏ lời rằng anh ấy rất hạnh phúc khi biết tôi mang giày anh tặng khi đi tập mỗi ngày. Anh ấy cảm thấy hạnh phúc vì có thể… bảo vệ đôi chân tôi từ xa. Ngọt ngào thế chứ!

Mùa trung thu năm ấy, đó là năm 2015 hay 2016 gì đó, tính bất cẩn của tôi lại được mùa nở hoa, chiếc laptop Waio màu hồng yêu quý mà tôi dùng để viết bao nhiêu bài viết đã bị trộm ghé vào cửa hàng, cưa đứt ổ khoá sắt và thuổng đi mất, hệt như cách tôi bị mất dàn máy tính thời xưa. Khỏi phải nói tôi đã rất buồn, tuy không buồn như trước đây khi mất dàn máy tính, vì cái buồn này có tính chất khác. Tôi không tiếc chiếc laptop cho bằng tiếc một kho bài viết tôi đã lưu trong máy mà chưa đăng. Và cũng khó cho tôi tiếp tục viết và chia sẻ khi không có laptop, tôi muốn tự trừng phạt tính lơ đễnh của mình bằng việc không mua máy mới cho tới khi tôi sẵn sàng hơn, ý thức hơn trong việc bảo vệ tài sản của mình. Cũng phải nói thêm, chiếc laptop Waio ấy tôi đã tự mua lại (đồ secondhand nhưng còn rất mới) sau khi làm mất chiếc laptop Acer cha mẹ mua cho tôi những năm tháng sinh viên. Tôi quả là ông vua mất đồ, bà hoàng bất cẩn, nữ chúa lơ đãng, bạn tốt của lũ trộm… Chán!

Biết tôi mất laptop và ngừng viết, TN năn nỉ tôi đừng ngừng viết, vì những bài viết của tôi thực sự có ảnh hưởng tốt tới nhiều người, anh ấy đề nghị tặng tôi chiếc laptop mới. Tới lượt tôi ngạc nhiên. Việc nhận quà là ít socola, hộp cà phê và vài đôi giày thì tôi có thể chấp nhận dễ dàng nhưng một chiếc laptop sao? Nó quá lớn, quá giá trị và quá… nhiều nợ để có thể nhận. Tôi cảm ơn anh, nhưng từ chối.

Và nói thiệt với bạn, tôi khi ấy khoảng 25, TN khi ấy khoảng 40. Anh ấy là kiểu “người đàn ông mùa thu” đầu tiên mà tôi trò chuyện nhiều đến vậy. Người đàn ông mùa thu có sự chín muồi mà đàn ông mùa xuân (quá trẻ, đầy mộng mơ ảo tưởng) hay đàn ông mùa hè (vẫn trẻ, đầy nhiệt huyết tham vọng) không có. Sự chín muồi của họ thể hiện ở sự kiên nhẫn, trầm tĩnh, dịu dàng và vô cùng tinh tế. Anh ấy mất cả tháng để thuyết phục tôi chấp nhận món quà laptop với đủ mọi lý lẽ: anh không tặng cho em, anh tặng cho những ai đang muốn đọc những gì em chia sẻ; Em hãy xem đây như một món nợ nếu em muốn nợ, để trả nợ cho anh em hãy viết bài mỗi ngày, hay ra một cuốn sách; Tại sao em không tin, trên đời có người chỉ muốn cho đi vô điều kiện thật mà. Như có lần em viết ấy, nếu bạn không tin vào món quà vô điều kiện thì đó là vì bạn chưa bao giờ tặng một món quà nào vô điều kiện. Em nhận đi, để anh được trải nghiệm cảm giác tặng quà vô điều kiện… Anh ấy thật tuyệt vời, thật là tinh tế. Anh ấy không chỉ hiểu mà còn cực kì tôn trọng ý kiến của tôi khi tôi nói với anh: Em sẽ nhận món quà lớn này. Em biết ơn, em sẽ dùng nó thật tốt, nhưng anh nhớ nhé, em không nợ nần gì anh hết.

Và có lẽ Tn cũng yên tâm khi biết rằng với chiếc laptop Dell lật được màn hình 360 độ nhỏ gọn ấy, tôi đã ra không chỉ một, mà tới bốn cuốn sách: ba cuốn tôi viết “Khi ta muốn ta sẽ tìm cách, khi không muốn ta tìm lý do”, “tại sao chúng ta không hạnh phúc”, “nghĩ khác để sống khác” và cả cuốn đầu tiên về thời thơ ấu của Osho mà tôi đã dịch nữa. Tất cả đều được làm với chiếc laptop anh ấy tặng tôi.


Ôi dài quá, lần sau mình sẽ nói về những món quà “khủng” hơn mà mình đã nhận nhé.
Namaste!

 

20/10/2021

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *