“Em ước mơ được làm phục vụ” – “I wish I would be a waiter”

À, nhân đây kể thêm, tối qua tôi vội vàng vì có hẹn đi ăn tối với William, một anh chàng làm phim tài liệu freelancer. Tôi đi gặp anh vì quá ấn tượng với bộ phim mà anh chia sẻ, bạn có thể coi ở đây

https://www.youtube.com/watch?v=zz_eZ_-V_oA

Anh mất một năm để làm xong đoạn phóng sự gần nửa tiếng này, nói về cuộc sống của những người bán hàng rong khu Bùi Viện, suy nghĩ, ước mơ của họ và cả suy nghĩ của những vị khách tây ở đó nữa. 27 phút đầy cảm xúc khiến tôi suýt bật khóc mấy lần, nhất là khoảnh khắc cậu bé làm xiếc phun lửa xin tiền và cậu bé bán sing-gum nói về ước mơ của mình “Em ước mơ được làm phục vụ” – viết tới đây tôi lại không kìm được cảm xúc về một ước mơ được đi làm nhân viên phục vụ… Cũng phải thôi, khi cha bạn đi tù, mẹ bạn bỏ đi lấy người khác, bạn ở với bà chăm em gái nhỏ, bạn còn ước mơ gì? Mọi ước mơ đều thật xa xỉ quá. Đất nước này có lỗi với em. Xã hội này có lỗi với em. Tôi cũng cảm thấy có lỗi với em nữa. Vậy mà các bạn vẫn cứ muốn sinh con sao? Trái đất này không cần thêm con nít nhưng mọi con nít đang sống đều cần thêm tình yêu thương từ bạn, bạn không nhận ra sao? Hãy mang tình thương của bạn đến với chúng, thay vì gom hết tình yêu trên đời cho mỗi đứa con của mình.

Một lần cách đây vài tháng tôi ra phố tây cùng anh bạn, lúc đang chờ taxi về thì có một cậu nhóc mập mạp nhưng dạn dĩ đến bắt chuyện với bạn tôi và ngỏ ý nói chuyện để học tiếng Anh với bạn tôi. Anh ấy cũng nói qua nói lại cho vui. Mẹ của cậu bé đến gần tôi và cho biết hai vợ chồng mãi muộn mới có đứa con cho nên rất quý, cuối tuần hai vợ chồng lái xe từ Bình Chánh lên phố tây để cậu con trai được dịp uyện tiếng Anh với người nước ngoài. Tôi thầm nghĩ nếu cha mẹ nào cũng được như vậy thì thật tốt quá. Họ sao mà trách nhiệm và đầy yêu thương con cái bao nhiêu. Đáng lẽ ra mọi cha mẹ đều nên như thế – trách nhiệm hơn, quan tâm hơn tới con cái mình thay vì đi làm cực khổ kiếm tiền ném nó vào một lớp học nào đấy. Đây chẳng phải là câu chuyện minh chứng tuyệt vời cho câu nói “Khi muốn ta sẽ tìm cách” hay sao? Đứa trẻ ý thức được tình yêu thương của cha mẹ sẽ trở nên rất trách nhiệm cùng nhờ đó. Quả là một đứa trẻ may mắn, có khi ước mơ của nó là trở thành một doanh nhân thành đạt, du lịch khắp thế giới không biết chừng. Còn cậu bé trong clip trên thì sao? Cùng ra phố tây, cùng độ tuổi vậy mà ước mơ của nó chỉ là được làm nhân viên phục vụ trong một quán nhậu, bởi vì “nó ngầu”. Tôi nhìn em cười bẽn lẽn mà rơi nước mắt.

Thôi bạn nên xem bộ phim này đi thì hơn, để thấy những mảnh đời khác nhau nữa trong phim, tuy họ khổ thật đấy, nghèo thật đấy nhưng sao ai cũng luôn mỉm miệng cười, từ cụ bà móm răng, anh chàng cười tít không thấy mắt, cô gái bán thuốc lá dạo cho đến cậu bé với ước mơ làm phục vụ… Nhìn nụ cười của họ, tôi không biết nên vui hay buồn, đó là một cảm xúc không rõ ràng nhưng rất man mác, rất chân thực.

Người Việt cười vì tính lạc quan, quen với cái khổ, cười trên cái khổ và cười trên chính những nối đau của mình. Sống ở trong một đất nước mà ngoài “cười” ra người ta không thể làm gì, thì có thể làm gì đây?

Phương tây cười vì họ lịch sự, họ tử tế, họ được giáo dục. Nhưng đôi khi sự cười ấy cũng mang lại nhiều rắc rối, như anh chàng trong clip chia sẻ “Chúng tôi cười với họ và nói chúng tôi không muốn mua gì, ngay lập tức họ thấy chúng tôi tử tế và cứ đeo bám mãi không buông. Thật là mệt mỏi. Thật là phiền phức. Dần dà chúng tôi học cách không cười nữa, không nói nữa, cứ im lặng và lờ đi là tốt nhất.” Sau anh chàng này tới một anh chàng bán hàng rong bị dị tật chia sẻ: “Họ không chỉ không cười, họ còn lờ đi như thể chúng tôi không tồn tại. Cũng đau lắm” – riêng chuyện này tôi ở phe những anh chàng tây. Vì chính tôi cũng mệt mỏi với những cái cười kinh doanh, cười chèo kéo khách, cười nhếch mép của những người kinh doanh nụ cười và lòng thương hại. Họ rất hung dữ. Đôi khi họ sẵn sàng quạu với bạn chỉ vì bạn lờ họ đi. Mà trong nhiều trường hợp, chúng ta buộc phải “lờ” nếu không muốn gặp rắc rối. Đấy đơn giản là kĩ năng sinh tồn của thời hiện đại mà thôi – cái thời vật chất lên ngôi thay cho lòng tử tế, nụ cười giả tạo thay cho nụ cười thật tâm, lòng tốt bị đem ra mua bán trao đổi và tệ hơn, nụ cười thật tâm của bạn đôi khi chả một ai cần tới.

“Cười không giúp tao no bụng. Thay vì cười mày cho tao mấy ngàn được không?”

Câu nói này không ai nói với tôi, chỉ là tôi tự vẽ ra trong đầu mình. Nếu có ai đó hỏi tôi câu như vậy, thật bẽ mặt – tôi không biết trả lời như thế nào vì chính bản thân tôi là một kẻ như thế – tôi hào phóng nụ cười, tôi không hào phóng tiền bạc. Tôi không mua vé số cho những ông cụ bà lão hay những em bé lang thang, thứ duy nhất tôi cho đi là một nụ cười tử tế “dạ – con không mua. Dạ – chị không mua”. Đôi lúc cũng thấy có lỗi nhưng rồi tôi rèn cho mình quen với nó, bởi lẽ lòng tử tế của bạn không cần ai đem ra đánh giá hay đong đếm. Tôi thường an ủi mình rằng “Tôi không mua vé số nhưng ít nhất tôi sẽ cười với tất cả những người tôi từ chối” và cho tới nay tôi vẫn làm thế. Lý do tôi không mua vé số là vì đó là hình thức cờ bạc đỏ đen một cách hợp pháp. Người nào nói ghét cờ bạc nhưng lại ủng hộ vé số, ấy là người đạo đức giả. Tôi không ủng hộ vé số vì nó làm cho người ta tham lam, si mê vào may rủi. Nó khiến bao ngôi nhà tan nát vì những thứ ăn theo như lô đề vay mượn các thứ. (Trong đôi mắt ngu si của tôi: Vé số -> Lô đề -> Cờ bạc -> tan cửa nát nhà không xa). Có thể nó giúp một số người có thêm thu nhập/việc làm, nhưng tôi tin chúng ta, nhất là nhà nước cần tìm cách để cho người ta có việc làm tốt hơn, thu nhập tốt hơn, giáo dục bọn trẻ tốt hơn để chúng không phải đi bán vé số – ấy mới là điều đáng làm – điều tuyệt nhất. Hệt như một người đau chân sẽ cảm ơn cây nạng của mình vì nó giúp anh ta di chuyển, nhưng không vì thế mà anh ta mặc kệ cho đôi chân bị thối rữa và lãng quên chỉ vì đôi nạng tốt quá, bỏ uổng. Vé số là một cái nạng như vậy đối với xã hội – trong mắt tôi – đôi mắt vẫn mờ đục và ngu si lắm.

Trưa qua tôi có hẹn với vài anh bạn đi ăn trưa. Chúng tôi hẹn nhau ở một quán ăn Nhật không xa văn phòng. Tôi muốn đi bộ vừa khỏe vừa tiết kiệm nhưng anh bạn lại muốn bắt taxi. Chuyến taxi khá ngắn nên chỉ hết 15k, tôi trả cho tài xế 20k và đang đợi tiền thối thì anh bạn vừa kéo tôi đi vừa nói “Khỏi thối anh ơi” – Khỏi nói tôi ức và bực như thế nào. Tôi nói “Tiền của tôi mà, sao không cho tôi lấy?”
– Coi như bo đi, đi đoạn đường ngắn xíu mà.
– Tôi không muốn, bạn muốn bo sao không bo bằng tiền của bạn? Tôi trả đúng giá trên bảng điện tử chứ có ăn bớt của họ đâu?
– Thôi bớt nóng tính đi, tí cho 5k chịu chưa?
– Không, tôi không cần 5k ấy của bạn. Tôi chỉ muốn xài tiền của tôi theo cách của tôi. Bạn có biết bạn làm vậy sẽ khiến cho những tài xế taxi luôn mặc định rằng bạn phải bo tiền lẻ không? Nó khiến cho họ bực mình với cả những người trả đúng giá và họ không xem trọng mấy ngàn lẻ đấy tí nào cả. 5k đó nếu tôi muốn, tôi sẽ đem cho những đứa bé bán vé số hay một cậu tài xế grab nghèo nào đó. Đối với họ, 5k như một món quà, còn đối với những tài xế này, 5k chả là gì với họ cả. Họ chỉ nói cảm ơn một cách lạnh lùng như thể cười nhạo lòng tốt của bạn vậy.

Mỗi người có cách xài tiền khác nhau và cách của tôi không phải là cách tốt nhất, cũng chả phải cách tử tế nhất. Chính cậu bạn ấy đã kể tôi nghe câu chuyện về một lần nọ cậu từ chối mua kẹo từ một thằng nhóc, nó mời cậu không mua thì nó liền toét miệng cười thật tươi rồi bỏ chạy. Nụ cười ấy khiến cậu bạn khựng lại và lần đầu tiên trong đời, cậu hối hận vì đã không mua ủng hộ nó thứ gì đó. Câu chuyện này chẳng hiểu sao cũng làm tôi bứt rứt rất nhiều. Tôi muốn gom thật nhiều 5k rồi đem cho tụi nó, thay vì phải mua kẹo hay mua vé số.

Nhưng thành thật mà nói, cho tiền chẳng bao giờ là giải pháp đúng đắn để giải quyết một vấn đề. Chúng ta cần những phương cách khác và hành động khác để góp phần thay đổi những thực tại đau thương. Mỗi người khi muốn sẽ tự tìm cách của mình. Tôi có những cách của tôi, bạn cũng nên có những cách của bạn. Chúng ta không phải trong cuộc thi đua làm việc tốt cũng chẳng phải cuộc đua tích đức tích phúc gì cả. Không cần tranh cãi về việc làm gì thì tốt hơn cho những người khác. Điều quan trọng là mỗi chúng ta phải ý thức được những sự thật của cuộc sống, ý thức được thực tại, thấy được nguyên nhân lẫn kết quả trong mỗi hành động của mình. Điều chỉnh hành động ấy sao cho nó mang lại nhiều năng lượng tích cực hơn, kết quả lâu dài hơn.

Nhắc đến lâu dài, những người trong clip trên đều có những ước mơ “lâu dài” cho riêng mình:
– cậu bé kia thì ước khi lớn lên được làm công việc phục vụ
– cụ bà ước sống đủ lâu đủ khỏe để nuôi con cháu mình tới khi chúng trưởng thành
– cậu thanh niên kia thì ước có thể về quê mua được mảnh vườn nhỏ có căn nhà nhỏ, nuôi bầy vịt, bầy chó, bầy mèo.

Ai cũng có những ước mơ, không ước mơ nào là thấp kém và đáng cười. Tôi cũng có rất nhiều những ước mơ và tôi tin bạn cũng vậy. Nhưng sự khác biệt là tôi không chỉ mơ ước, tôi ngày đêm tìm cách để biến ước mơ thành hiện thực.

Từ hồi còn nhỏ xíu cho tới vài năm trước đây, tôi có thói quen cầu nguyện và tôi đã cầu nguyện mỗi ngày như thế này: “Con cầu xin Chúa cho thế giới này không còn những người nghèo khổ, bất hạnh. Mọi người biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Xin cho gia đình con luôn khỏe mạnh, hạnh phúc, bình an. Xin cho con tìm ra sứ mệnh mà Ngài giao phó và sống xứng đáng là con cái của Ngài” – Vâng, tôi biết bạn có thể không tin những điều này nhưng quả thật tôi đã cầu nguyện những lời đó, nhiều lần mỗi ngày, trong nhiều năm trời. Đấy là lý do tôi vẫn thuộc lòng nó dù cho đã ngưng cầu nguyện từ lâu.

Giờ đây trưởng thành hơn, tôi không cầu nguyện nữa, thay vì vậy tôi hành động để những lời cầu nguyện ấy thành hiện thực và bạn biết đấy – tôi tự đánh giá thấy mình khá thành công! – Đó là một trong những lý do khiến tôi hạnh phúc. Còn gì tuyệt hơn khi thấy lời cầu nguyện của mình trở thành hiện thực chứ?

Còn bạn, bạn ước mơ gì? Bạn cầu nguyện gì?

À mà thật ra tôi vẫn cầu nguyện, nhưng lời nguyện giờ đây thật đơn giản”Con cảm tạ Ngài vì tất cả” – đây là lời cầu nguyện của tôi tại thời điểm hiện tại. Ngài ở đây không phải là Chúa, mà là Thượng đế, là Cuộc đời, là thực tại này.

P/s: Cuộc hẹn tối qua với William khá vui, chúng tôi đã ăn rất hiều sushi nói chuyện cũng rất nhiều. Quán sushi tên Nhí ở trên đường Nguyễn Công Trứ – Bình Thạnh khá ngon lại rẻ ơi là rẻ. Ai muốn thử thì đến đây. Đấy, tử tế đôi khi đơn giản là chia sẻ mấy thứ nhỏ xíu xìu xiu vậy thôi á mà!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *