Người chơi hệ thiền nhân

12/02

Dấu hiệu khi bạn đi trên con đường thiền và là thiền nhân
Khi đi sâu vào thiền, bạn nhận ra rằng những thứ mà bạn từng cho là quan trọng và bản chất đều trở thành không quan trọng và không bản chất. Nhưng ngược lại những thứ mà bạn từng cho rằng không bản chất và không quan trọng lại đều trở thành quan trọng.
Bạn thậm chí mất cả cảm giác tự tin về việc xác định cái gì là thực và cái gì là ảo, cái gì quan trọng và cái gì không. Bạn mất tự tin đến nỗi thôi kệ mẹ hết, không bận tâm nữa.
Trạng thái không còn bận tâm một cái gì, là trạng thái đơn sơ của thiền. Không bận tâm nhưng không còn thắc mắc, không nghi ngờ, không lăn tăn, không phán xét bận tâm của người khác luôn.
Trước khi thiền bạn cho rằng tiền bạc, vật chất, tài sản, danh tiếng, danh vọng, di sản, lương tâm, đạo đức, trách nhiệm, mối quan hệ… là những thứ quan trọng nhất, thực nhất, ý nghĩa nhất. Và đồng thời bạn cho rằng những thứ nhỏ bé vô dụng như đoá hoa nở rộ, giọt sương long lanh trên lá, ánh hoàng hôn rực rỡ, ánh trăng bạc trên mặt hồ, bầu trời ngàn sao, tiếng gió thổi rì rào trong rặng lá, tiếng chim hót rả rích trên đầu… thì chẳng quan trọng hay nghĩa lý gì.
Nhưng khi bạn đi sâu vào thiền đột nhiên mọi thứ thay đổi. Bỗng nhiên vật chất, danh vọng, đạo đức, lương tâm trách nhiệm, mối quan hệ… đều chẳng còn ý nghĩa gì hoặc chẳng phải là vấn đề bản chất của cuộc sống chút nào. Nhưng ngược lại một tiếng chim bất chợt vang lên, một búi mây bay phản chiếu ánh mặt trời đầy màu sắc, một bông hoa hồng dại nở rộ bên hàng rào, một cơn mưa rả rích, một giọt sương đọng trên lá long lanh, một ngọn gió rì rào rung đám lá, tiếng sóng biển ì ầm tung bọt trắng xoá… Rồi một tràng cười lớn, một món ăn ngon, một giấc ngủ ngon, một câu đùa duyên dáng của ai đó, một khoảnh khắc khi thế giới bỗng trở nên im lặng… Tất cả những thứ bé nhỏ mà trước đây bạn cho là vô dụng ấy bỗng nhiên trở nên xinh đẹp đáng yêu và đáng quý khủng khiếp. Chúng trở thành bản chất mới cho cuộc sống mới của bạn. Chúng giống như là những gia vị của cuộc sống khiến cuộc đời bạn đẹp hơn, ý nghĩa hơn, dịu dàng hơn, thơ hơn và trống rỗng hơn.
Trước khi thiền bạn nghĩ, đầy đủ là dấu hiệu của cuộc sống ý nghĩa. Trong thiền bạn nhận ra trống rỗng mới thực là ý nghĩa của cuộc sống. Trống rỗng là tâm linh. Trống rỗng là thiền. Trống rỗng là tất cả và là vĩnh cữu. Trống rỗng là đầy đủ, là chân lý, là Thượng đế, là an lạc.

Namaste

18/02

Phản ứng của thiền nhân: “Thế à!”
Chuyện kể rằng trong một vùng núi xa xăm có một thiền nhân rất đẹp trai và ngon nghẻ. Thiền nhân sống trong núi rừng bên một dòng suối chảy róc rách, nơi những chiếc lá vàng rụng xuống và trôi đi. Anh sống cuộc sống tĩnh lặng như một búi cây rừng nhưng thỉnh thoảng cũng ghé qua ngôi làng ở chân núi để trao đổi thực phẩm nhu yếu phẩm với người dân trong làng.
Các thiếu nữ trong làng thấy thiền nhân điển trai ngon nghẻ lại hiền lành điềm tĩnh thì lấy làm cảm mến lắm, thường lấy cớ ghé qua am của anh thiền nhân để tặng trái cây bánh kẹo trà sữa các thứ và tiện xin đôi lời bình đạo mục đích chỉ để được ngắm anh lâu hơn. Thì thiền nhân mà, anh cũng vui vẻ hoan hỉ nhận tấm lòng trà sữa của các cô thôi nhưng tuyệt nhiên không có chút tư tình gì với ai cả.
Nhưng trong số các cô gái làng ấy có một cô nọ rất xinh đẹp, nóng bỏng nhưng tính tình không chỉ mê trai mà còn ghê gớm (như ai cũng biêt là ai đấy). Cô thường tìm cách lại gần anh thiền nhân thêm một chút để nhìn vào đôi mắt đẹp của ảnh, rồi muốn lại gần thêm một chút để xoa cái đầu vuốt cái má, mà ảnh vẫn cứ là lạnh lùng hỏng chịu, hỏng bận tâm gì và thậm chí còn làm lơ khiến cô phát điên lên. Cô nuôi mộng phải báo thù con người này vì cái tội làm ngơ mình. Không một cô gái đẹp nào có khả năng tha thứ cho việc bị đàn ông làm ngơ cả. Đời này không mà vạn đời nữa cũng không.
Thế rồi tiếp câu chuyện là tự dưng một ngày nọ dân làng nghe rằng cô gái ấy vừa sinh một em bé. Gay cấn hơn khi cô nói với cả làng rằng đứa bé ấy là con của anh thiền nhân trên núi. Khỏi phải nói, cả làng xôn xao vừa thất vọng vừa tức giận vì họ không ngờ anh thiền nhân lại trở nên dễ dãi thế từ hồi nào (họ ước họ biết sớm hơn). Họ giận lắm. Khi cô gái sinh con, họ kéo nhau lên chỗ anh cùng với đứa trẻ và bắt anh chịu trách nhiệm.
Đứng trước cả đám đông dân làng kéo đến kết tội mình cùng với cả cô gái và đứa trẻ, nghe họ nói rằng đây là con của anh, thiền nhân nhìn vào đứa trẻ và chỉ nói đúng một lời: “Thế à!” Rồi mỉm cười với đứa trẻ đang ngủ ngon trong cuộn vải.
Anh nhận đứa trẻ, nuôi nấng nó, chăm sóc nó. Anh đi vào làng xin sữa cho nó, đi đến đâu cũng bị chửi bới nhục mạ vì trước đây dân làng vốn rất yêu quý và nể trọng anh. Càng yêu mến bao nhiêu thì giờ họ lại càng ghét bấy nhiêu, nhưng ghét thì chửi bới xỉ nhục thế thôi chứ họ không thể từ chối anh được vì họ biết đứa trẻ cần sữa.
Mấy năm trôi qua, đứa trẻ nay đã lớn, càng ngày càng lộ sự khôi ngô thông minh và gắn bó với anh. Nó yêu cuộc sống núi rừng, yêu sự điềm tĩnh và tình yêu thương lặng lẽ của cha rất nhiều. Anh cũng yêu thương đứa trẻ với tất cả trái tim và tâm hồn mình.
Thế rồi một ngày, cô gái năm xưa tìm đến, lại cùng với dân làng tụ lại trước am. Cô ấy nói rằng đứa trẻ không phải con của anh thiền nhân. Cô xin lỗi vì đã nói dối khiến mọi người hiểu lầm anh. Cô nói rằng cô đã rất hối hận và muốn “xin lại” đứa bé.
Anh thiền nhân lại nhìn cô gái và đứa trẻ rồi mỉm cười đáp: “Thế à!”
Cô gái cùng dân làng mang đứa trẻ đi, anh thiền nhân lại trở lại với cuộc sống tĩnh lặng êm đềm bên bờ suối, nơi đám lá rừng vàng rụng và trôi đi theo dòng thảnh thơi như chẳng hề có bất cứ gì xảy ra trên đời này. Mà cũng đúng thật là chẳng có gì xảy ra trên đời cả. Mọi sự xảy ra chỉ là trong tâm trí con người mà thôi.
Thì đấy, câu chuyện đến đây là hết. Chúng ta hãy cùng học theo gương anh thiền nhân bên trên, để trở thành những thiền nhân đẹp trai đẹp gái ngon nghẻ cành me, sống cuộc đời bình thản như dòng suối, cái gì rơi cứ rơi, cái gì trôi cứ trôi, chẳng giữ lại gì cả, chỉ tự nhiên tuôn chảy. Thậm chí chẳng cần nói gì nhiều, nếu cần phải nói, thì “thế à!” là đủ!
Namaste!
***

17/02

Dấu hiệu của thiền nhân: Biết thân biết phận

Người biết thân biết phận là những người rất nhu mì, dễ chấp nhận hoàn cảnh, dễ buông xuôi buông bỏ, dễ xin vâng và dễ hài lòng.
Xưa giờ chữ “biết thân biết phận” thường được dùng theo nghĩa rất hời hợt nông cạn về thân phận bên ngoài, thân phận trong cuộc sống xã hội.
Còn một kiểu “biết thân biết phận” khác của thiền nhân. Tính chất là giống nhau, cùng khiến người ta dễ dàng chấp nhận và buông xuôi, không tranh đấu không tham vọng. Nhưng cốt lõi bản chất là khác nhau.
Cái “biết thân biết phận” của thiền nhân mang tính đạo, tính thuận thiên, sự không tranh đấu của thiền nhân mang tính trống rỗng. Ai có đó để mà tranh đấu? Nghĩa lý gì mục đích gì để mà tranh đấu? Chứ không phải sự “biết thân biết phận” của người yếu đuối bất lực và nhu nhược.
Thiền nhân biết thân biết phận mình là không ai cả, không gì cả cho nên hành xử tương ứng rằng mình chẳng là ai. Khi mình biết mình không là ai tự dưng mình chả còn ham muốn hay tham vọng tranh đấu, chiến thắng, đạt cái này cái nọ. Khi mình biết mình không là ai tự dưng mình đặt mình vào vị trí thấp nhất, đất nền, thế thì mình dễ dàng buông xuôi theo mọi hoàn cảnh và tình huống cuộc đời. Trời muốn nắng tôi xin nhận, trời muốn mưa tôi cũng xin vâng.
Trẻ con dẫm đạp lên đất, con trâu ị một bãi, lá rụng quả chín rụng thối… mọi thứ đều tuyệt vời. Thiền nhân biết thân phận mình không là gì nên rất bao dung đón nhận tất cả mọi tình huống hoàn cảnh cuộc đời: ừ anh muốn to tiếng, thì anh to tiếng đi. Anh muốn tham, thì anh tham đi. Anh muốn hung hăng, thì anh cứ hung hăng đi. Anh muốn kiểm soát, anh cứ kiểm soát đi. Anh muốn lợi dụng tôi, thì lợi dụng đi. Điều tốt là tôi có lợi gì đó để anh dụng, đó là tốt. Rồi thì nếu anh muốn yêu, muốn hạnh phúc, muốn khổ hay gì chăng nữa, thì mời anh. Tôi chẳng là ai để là ý kiến hay xen vào hay cản trở. Ai muốn làm gì thì làm, tôi không bận tâm bởi vì tôi là cái không, tôi không còn tâm (trí) để mà bận nữa.
Thiền nhân sống trong hiện tại, không trong quá khứ và tương lai. Thiền nhân sống trong vĩnh hằng vì hiện tại là vĩnh hằng. Người sống vĩnh hằng có mọi thời gian, hà cớ gì mà phải bận?
Thiền nhân biết thân biết phận mình không là gì cho nên hành xử theo đúng nghĩa không là gì. Khổ cái khi người ta không là gì thì đồng nghĩa chẳng ai làm gì được người đó. Vì ai làm gì được cái không?
Tranh cãi với người sẵn sàng nhận thua thì có nghĩa gì? Tham lam giành giật với một người sẵn sàng cho, thì giành có nghĩa lý gì? Lợi dụng một người sẵn sàng để bị lợi dụng, thì còn có nghĩa gì? Cho nên thiền nhân mặc dù là những người dễ tính nhất nhưng lại thường dễ “chọc điên” người khác nhất. Jesus nói, “Nếu anh tát má phải, ta đưa anh luôn má trái nè” – hỏi coi điên không? Phật nói, “nếu ông nhục mạ chửi bới tôi chưa xong, xin phép để tôi đi lo công việc ở làng bên trước vì họ đang đợi. Xong việc tôi sẽ trở lại đây để ông tiếp tục đến khi ông hài lòng…” – hỏi coi điên không? Osho bị người ta ném giày vào người khi đang thuyết giảng thì nói, “xin hãy ném cho tôi luôn cả chiếc còn lại nữa, vì giày là vô dụng khi chỉ có một chiếc…” – hỏi coi điên nổi nữa hông?
Dấu hiệu của thiền nhân, dấu hiệu của người hành thiền (đúng) là sự tĩnh tại của người ấy. Họ tĩnh tại như mặt hồ không gió nào lay động được. Sự tĩnh tại này đến từ sự nhận biết, nhận biết về thân phận mình, hay biết thân biết phận mình rằng mình không là ai cả, mình là cái không. Và khi bạn là cái không, không ai lay động tới bạn được cả, bạn tĩnh như mặt hồ, mềm như ánh trăng, buông xuôi như dòng suối.
Nếu bạn muốn “thử”, hãy “làm” đi. Từ hôm nay hễ cái gì không vừa mắt hay vừa ý bạn, hễ có xung đột, tranh cãi hay tình huống nào khiến bạn nhận thấy mình đang khó chịu và bắt đầu nổi điên, hãy quan sát và tự nhủ rằng mình không là ai cả, thân phận mình không là gì cả, mình chỉ là cọng cỏ dưới chân đồi, nhánh rơm bên bờ ruộng, hạt cát trên bãi biển… Nhận biết được về thân phận vô nghĩa của bản thân sẽ cho bạn một sự tỉnh thức và tự do lớn lao vô cùng.
Ban đầu sẽ có chút khó khăn nếu bản ngã của bạn quá lớn và bạn luôn tin mình là ai đó quan trọng. Nhưng càng khó lại càng đáng để thử. Phải thử tức phải ‘làm’, bạn mới thấy được sự diệu kì của nó.
Cơ đốc giáo đã có tập trung vào điểm này của con đường tâm linh, nó cố cho bạn những lời lẽ và thuyết phục bạn tin rằng bạn không là ai cả. Nó lặp đi lặp lại những câu từ thôi miên rằng bạn là cát bụi, bạn là kẻ tội nhân, rằng bạn không là gì trước Chúa. Điều này đúng nhưng không đủ. Người Cơ đốc giáo trong nhà thờ dễ dàng lặp đi lặp lại họ không là ai nhưng ra ngoài cuộc sống lại không nghĩ như vậy mà nghĩ rằng mình là rất quan trọng, mình là dân riêng, dân được chọn cơ mà. Cái sự “biết thân biết phận” này là rất giả. Nó cho người ta cảm giác rằng người ta khiêm tốn, rằng người ta không là ai trước Thượng đế nhưng điều này vừa không thực vừa không đủ. Không thực vì biết mình khiêm tốn là không khiêm tốn rồi. Người khiêm cung thực không hề cho rằng mình khiêm tốn chút nào. Và không đủ vì “biết thân biết phận” trước Chúa thôi là không xi-nhê, bạn phải biết thân biết phận cát bụi của mình trong đời sống nữa. Bạn chẳng là ai trước người bạn đời của bạn, trước con cái bạn. Bạn chẳng là ai trước người khách ghé thăm nhà hay trước những người hàng xóm, người đồng nghiệp, người lạ ngoài đường. Bạn chẳng là ai trước bất kì ai cả. Đây mới là sự biết thân biết phận thật sự, loại “biết thân biết phận” sẽ giải phóng bạn, chứ không phải loại biết thân biết phận mỗi trước mặt người chức quyền, người quyền năng (cao nhất là Thượng đế).
Tôn giáo có những thông điệp cốt lõi tuyệt vời, mọi tôn giáo đều có những thông điệp cốt lõi tuyệt vời nhưng cách thức mà họ chọn để hướng người ta đến với thông điệp ấy lại quá oằn tà là vằn, khó hiểu, khó ứng dụng và lôi thôi. Bạn cứ phải cần ai đó dẫn đường cho bạn, ai đó chuộc tội bạn, ai đó cứu rỗi bạn, ai đó thắp ánh sáng cho bạn, ai đó phù hộ bạn, ai đó độ bạn… Bạn cứ phải phụ thuộc mãi và còn phụ thuộc thì làm sao mà tự do, làm sao mà nhận trách nhiệm, làm sao mà tỉnh thức?
Tâm linh là con đường mật kì (bí mật diệu kì) vì nó luôn mang tính chủ quan tuyệt đối. Bạn thực hành. Bạn cảm nghiệm. Bạn nhận ra. Bạn khám phá chân lý. Bạn là chân lý. Không một ai có thể làm thay cho bạn.
Trên con đường tâm linh, không ai có thể bước thay cho ai cả. Trên con đường thiền, không một ai có thể thiền thay ai. Trên con đường tỉnh ngộ, chẳng ai có thể ngộ thay ai. Nhưng bằng việc chia sẻ cái ngộ của tôi, phúc lành thay nếu bạn cũng có thể thoáng nhìn thấy gì đó…
Namaste!

***

19/02

Hai công việc chính của thiền nhân: Làm thinh và Quan sát

Làm thinh
Đối với mọi sự xảy ra trong thế giới bên ngoài, làm thinh được càng nhiều càng tốt. Ai chia tay ai, ai mặc đồ hở đi chùa, ai đó tai nạn, ai làm tổng thống Mỹ… sao bạn bận tâm?
Trên đời đôi khi việc làm dễ nhất là làm tình làm tội còn khó nhất là làm thinh.
Làm thinh là gì, là giữ cho bản thân thinh lặng trước mọi sự việc trong mọi hoàn cảnh. Giữ cho tâm trí tĩnh lặng như mặt hồ mùa thu không gợn sóng.
Thinh lặng gồm hai cấp độ: cấp ngôn từ – miệng lưỡi và cấp tâm trí – suy nghĩ.
Ban đầu làm thinh là miệng không thèm nói, sau đó tự dưng sẽ tới lúc đầu không thèm nghĩ nữa.
Khi đạt tới cấp độ tâm trí trống rỗng không còn suy nghĩ gì rồi thì miệng tự nó tuôn hoa tuôn ngọc. Lúc này có thể nói hay không nói đều được. Nói ít vừa làm cho lời mình giá trị mà vừa tiết kiệm được rất nhiều sinh lực.
Nhưng cấp độ đầu tiên là luyện giữ cho miệng lưỡi làm thinh trước đã nha.
“Im lặng là vàng” là cấp độ đầu tiên của thiền nhân. Tưởng là dễ nhưng không dễ đâu à. Đặc biệt cái thói quen phán xét về mọi sự đã ăn sâu vào tâm trí qua hàng vạn kiếp.
Bạn nào muốn thử thì thử một ngày im lặng toàn bộ xem sao heng. Nếu một ngày khó quá, thử 3 tiếng, 1 tiếng im lặng xem sao. Ngồi im. Không làm gì. Không đụng điện thoại tivi sách vở hay bất cứ gì hết. Đứng ngồi nằm sao cũng được. Chỉ cần im lặng thôi và nhận biết về im lặng của mình.
Quan sát
Quan sát là chỉ nhìn, thấy mà không phán xét, không suy tính. Quan sát cái gì? Nói nôm na là quan sát tất thảy mọi sự nhưng nôm na vầy người mới sẽ thấy khó hiểu. Vậy mình chỉ cho các bạn là hãy quan sát năng lượng.
Quan sát năng lượng của bản thân khi mình đang vui, đang buồn, đang phấn khởi, đang tức giận, đang thất vọng, đang tham, đang sợ, đang yêu… Mỗi một trạng thái đều mang năng lượng khác nhau. Bước một là bạn quan sát năng lượng của bản thân. Khi học được cách “đọc” được năng lượng rồi thì bạn đọc năng lượng của người khác rất dễ dàng: ai đó đang yêu, đang sợ, đang buồn, đang vui, đang chán nản, đang bối rối, đang giận dữ, đang giấu diếm…
Thế rồi đọc năng lượng của mọi sự xung quanh: của bầu trời, của không gian sống, của xóm, của từng đám đông mà bạn đang ở.
Đọc năng lượng tức nhận diện được năng lượng của môi trường quanh mình là bước đầu tiên để học cách chuyển hoá nó. Chuyển hoá được năng lượng bên trong lẫn bên ngoài mình – ấy là bí mật của Giả Kim Thuật.
Người có khả năng chuyển hoá năng lượng như vậy gọi là nhà giả kim.
Thiền nhân là những nhà giả kim đích thực.
Bạn muốn thực hành thuật giả kim? Thiền đi!
Tức là Làm Thinh Sự Đời và Quan Sát Năng Lượng của chính mình từ hôm nay nhé!
Namaste!
***

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *