Và tôi thấy luân hồi 3
“Người đến, vui đấy, nhưng rồi cũng đi…”
Ngày cuối cùng của tháng một, tôi đã có một ngày làm việc rất tích cực. Tôi hoành thành mọi điều mình cần làm, từ tập yoga buổi sáng, làm clip, đăng clip, đọc sách, viết bài, học ngoại ngữ (cả Anh ngữ lẫn tiếng Tây Ban Nha), đăng trích đoạn sách, đóng sách và tài liệu gửi cho các bạn đọc khắp nơi và cả dịch sách nữa. Vâng, thật khoan khoái làm sao khi chúng ta có thể bận rộn một cách tích cực như vậy, nghĩa là bận rộn làm điều bạn muốn làm, thích làm và cần làm, bận rộn sống cuộc đời bạn theo cách bạn muốn chứ không phải cách bạn bị ép.
Một cái hay khác của bận rộn là nó lấy đi hết những suy nghĩ ngu si trong đầu, nó làm cho ta không còn thời gian để mà nhớ đến những nỗi khổ tâm, những muộn phiền đau đớn trong lòng.
Chào người xa lạ
Sáng nay khi quay xong các clip yoga, Phi Nhung và tôi ghé trạm xăng. Tôi nhìn anh nhân viên đang bơm xăng và nói “Chúc anh năm mới tốt lành” và nhoẻn miệng cười. Ngạc nhiên chưa, anh ấy không chỉ không chúc lại, không cảm ơn mà thậm chí còn không cười nữa. Anh ấy chỉ nhìn tôi chăm chăm vài giây rồi quay mặt đi, tôi ngạc nhiên quá nên hỏi “Em chúc năm mới mà anh thậm chí không nở một nụ cười vậy anh?” Lúc này thì anh ấy mới cười, bẽn lẽn đáp: “Anh cố nhìn xem có quen không mà không thấy quen nên…”
“Mình đâu cần quen biết mới có thể chúc mừng năm mới nhau hả anh?”
Anh cười hì hì “Tại trước giờ chưa được người lạ chúc bao giờ nên chưa quen. Anh cảm ơn em, chúc em năm mới tốt lành nha.”
“Em cảm ơn anh. Năm mới mà, vui vẻ lên chứ.”
“Anh chẳng có năm mới em ạ. Năm nào cũng làm việc từ mùng một đâm ra quên cả tết là gì.”
“Năm sau giận đi anh, nghỉ ngơi lấy vài ngày.”
Anh cười toe toét, tôi cũng cười, vui vì thấy sắc mặt anh đã tươi tắn hẳn. Chúng tôi chào nhau ra về.
Nhiều người chỉ thấy thoải mái khi nói chuyện với người quen, như anh nhân viên trạm xăng bên trên. Còn tôi, tôi lại chỉ thấy thoải mái khi nói chuyện với người lạ. Càng ngày tôi càng không thích nói chuyện với người quen, vì người quen cái gì cũng quen rồi, cái gì cũng biết rồi, chẳng ai có gì mới để mà nói cả. Năm ngoái ai hay than vãn, năm nay vẫn than vãn. Ai năm ngoái buồn khổ, năm nay vẫn buồn khổ. Ai các năm trước hay phán xét so sánh, năm nay chẳng khác gì. Nói chuyện với người quen tôi thấy câu chuyện như luân hồi cứ lặp đi lặp lại, chẳng cái gì là mới đâm ra chẳng có gì nhiều nhặn để mà nói. Chuyện có thể mới, tình tiết có thể mới nhưng cái bản chất vẫn y nguyên. Người năm kia than vãn chuyện sức khoẻ, năm ngoái than chuyện tiền nong thì năm nay lại cũng đẻ ra chuyện khác để mà than, tuyệt đối không thấy bớt than đi tí nào. Ai tọc mạch vẫn tọc mạch, ai soi mói vẫn soi mói, ai tham vẫn tham. Những điều này khi bạn nói chuyện với người quen chắc bạn cũng nhận ra ít nhiều.
Có lẽ vì là người nhanh chán lại chẳng thích nghe chuyện gì lặp đi lặp lại nên tôi ngày càng ít nói chuyện với người thân quen và rồi dần dà dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với những người lạ vô tình.
Người lạ mà nói nhiều quá hay gần gũi quá cũng có nguy cơ biến thành người quen đâm ra tôi cũng hạn chế nói chuyện quá nhiều với người lạ. Tôi chỉ thích nói ít ít, nói những gì vui vẻ, chọc cười, hài hước, quan tâm khiến mọi người cảm thấy cuộc đời nhẹ nhàng hơn một chút, dễ thương hơn một chút, ngọt ngào hơn một chút, thế là đủ.
Người lạ thành quen và người quen lại thành xa lạ
Một năm trước, tôi gặp một “người lạ” đặc biệt, rất nhanh chóng chúng tôi trở thành người thân của nhau, chúng tôi biết mọi ngóc ngách của cuộc đời nhau và trao nhau lời hẹn ở bên nhau muôn đời. Thật sự của nghĩa muôn đời tức là không chỉ đời này kiếp này đâu nhưng cả đời sau, kiếp sau nữa. Cho tới giờ tôi vẫn còn nguyên ý định đó, mong muốn đó.
Bởi vì đã biết quá rõ về nhau, tôi cứ ngây thơ cho rằng anh ấy “biết” mình. Tôi nghĩ rằng đến một điểm khi mà hai người trở nên thân quen và hiểu hết về nhau thế thì sẽ có sự tin tưởng vững chắc, thế thì sẽ không còn hiểu lầm, nghi vấn nào nữa. Tôi cứ tưởng bằng việc chia sẻ mọi chuyện đời mình thì sẽ đến một điểm mà tôi không cần phải kể, anh ấy cũng vẫn sẽ tin tưởng tôi nhiều như tôi biết mình sẽ luôn tin tưởng anh. Nhưng tôi đã nhầm.
Vì chia sẻ với nhau mọi thứ, giây phút mà tôi dừng chia sẻ với anh những gì xảy ra với mình mỗi ngày, anh trở nên… không còn tin tôi nữa. Anh cho rằng tôi dấu diếm, tôi lừa dối gì đó.
Tôi cứ nghĩ rằng bằng việc chia sẻ mọi thứ đã xảy ra trong đời tôi thì anh sẽ biết tôi là người không bao giờ giấu giếm gì, không bao giờ nói dối gì, vậy mà không, anh không tin. Tôi làm gì được đây? Khi người ta bảo rằng “không bao giờ tin tôi được nữa” thì tôi còn có thể nói gì? Tôi chọn cách im lặng và buồn thay, càng im lặng người ta lại càng cho rằng tôi có điều dấu diếm, rằng tôi lạnh lùng và thậm chí là không có trái tim.
Nếu như trái tim dập nát bị xem là không có trái tim thì có lẽ tôi đúng là không có trái tim thật.
Và thế là anh ấy ra đi, giây phút ấy mọi thân quen biến mất, mọi lời hứa hẹn, tất cả biến mất. Ánh mắt yêu thương ngày nào giờ đây trống rỗng, lạnh lùng như một người xa lạ. Tôi cảm thấy anh ấy xem tôi như kẻ thù, chỉ vì một lý do đơn giản: tôi chọn im lặng. Tôi mệt mỏi phải nói xin lỗi cho những hiểu lầm của anh. Tôi mệt mỏi khi phải xin lỗi cho những điều tôi không làm. Mệt mỏi thật sự.
Khoảnh khắc ấy khi người thân quen nhất bỗng dưng biến thành người xa lạ, xa lạ nhất, xa hơn cả khoảng cách của mặt trăng và mặt trời. Kkhoảnh khắc ấy tôi mất mọi niềm tin và hi vọng vào thứ gọi là “người thân quen”. Tôi như người lữ hành trong cơn bão tố không nhà, căn lều trú tạm cũng đã bị lốc xoáy cuốn đi rồi. Tôi như đứa trẻ đi lạc không còn tìm được đường về nữa. Tôi như cây kia bị trốc rễ khỏi mặt đất vững vàng.
Giây phút người thân quen nhất bỗng dưng biến thành người xa lạ nhất, nước mắt tôi dàn dụa, đau đớn không thốt lên lời. Giây phút nhìn anh ấy bước đi nhẹ tênh, tôi ngồi sụp xuống và khóc, khóc nức nở. Nước mắt rơi như từng viên gạch rơi ra khỏi bức tường vốn là nơi tôi từng xem là nhà, ngôi nhà trên mây.
Giây phút ấy một thứ gì đó chết trong tôi, thứ đó là hi vọng, ham muốn về những mối quan hệ, tất cả mọi thể loại mối quan hệ trên đời, kể cả mối quan hệ gia đình, bạn bè, người yêu… mọi niềm tin vài mối quan hệ đều sụp đổ kể từ giây phút đó. Ban đầu nó là cảm giác đáng sợ nhưng dần dà khi bạn quen đi, khi bạn có thể chấp nhận nó, bao dung nó, hiểu nó thế thì một chiều hướng khác mở ra, bạn sẽ thấy mình tự do hơn bao giờ.
Tất cả đều là người lạ
Tôi giờ đây đang trong trạng thái tự do như vậy đấy. Mọi mối quan hệ đều là những sợi dây ở cổ bạn. Khi bạn còn ham muốn, đam mê gắn bó bạn sẽ nhìn những sợi dây ấy như những đồ trang sức. Nhưng khi bạn tỉnh khỏi cơn mê và nhìn vào thực tại bằng đôi mắt trần trụi không tô vẽ, không mơ màng thế thì bạn sẽ thấy tất cả những sợi dây trang sức ấy hoá ra đều là dây thừng, tệ hơn nữa là dây xích, chúng đang xích quanh cổ bạn và kéo ghì bạn lại khiến bạn không thể bay.
Giờ thì tôi đã hiểu tại sao Phật khi xưa lại từ bỏ tất thảy gia đình từ cha mẹ tới vợ con để lên đường tìm đạo. Không phải là Phật không yêu thương gia đình mình nhưng là vì để đi trên con đường đạo người ta chỉ có thể đi một mình mà thôi, gia đình sẽ trở thành gánh nặng. Đó cũng là lý do khi Phật sanh con, ngài đã đặt tên cho con là La-hầu-la, một chướng ngại, một sợi dây thừng. Càng nhiều mối quan hệ thân thiết trên đời, càng nhiều dây thừng người ta đeo vào cổ, càng khó để đi theo con đường đạo khi mà trách nhiệm và nghĩa vụ đè nặng trên vai như đá tảng.
Giờ thì tôi cũng hiểu tại sao Jesus lại nói ra những câu đau lòng như xát muối vào tim mẹ mình là Maria vào trước ngày Ngài đi chịu chết. Ngài nói “Bà không phải là mẹ tôi.” Ngài cần phải làm vậy, cần phải dứt bỏ sự vương vấn của những mối tình thân để có thể thanh thản vào con đường đạo mà mình đã chọn.
Những mối tình thân thật sự là những trở ngại như thế.
Tôi từng thiền nhiều và tận hưởng sự im lặng khá nhiều khi còn một mình, ngày trước ngày tôi gặp anh. Khi bên nhau tôi không có nhiều không gian im lặng cho riêng bản thân mình. Là một người theo văn hoá Tây Phương, anh luôn phải vận động liên tục nếu như không muốn cảm thấy cuộc đời vô nghĩa, vậy nên tôi cũng bị cuốn theo vòng xoáy ấy với biết bao nhiêu hoạt động, dự án. Tôi thật sự kiệt sức, đúng hơn là cạn kiệt sinh lực. Tôi thèm cảm giác được thiền định, được một mình, được im lặng cho nên khi anh đi xa một tháng, tôi đã cố gắng để im lặng và một mình nhiều nhất có thể. Sự im lặng là con dao hai lưỡi, nó làm cho tôi cảm thấy tuyệt vời mãn nguyện bao nhiêu thì lại làm cho anh cảm thấy lo lắng bất an bấy nhiêu. Cũng phải thôi vì sau suốt thời gian quen nhau, đấy là lần đầu tiên chúng tôi xa nhau lâu như thế và việc không liên lạc được với tôi đã thổi bùng trong anh biết bao nhiêu nghi hoặc – điều mà tôi ngây thơ tin rằng không thể nào xảy ra, vì tôi cứ tưởng anh thân quen đủ để biết tôi là người thế nào. Tôi nhầm.
Những lúc như này câu kinh tôi đọc trong sách trở lại rõ nét hơn bao giờ: “Chúng ta sinh ra một mình, chết đi cùng một mình. Chúng ta chỉ một mình trên đời này, kiếp này và mọi kiếp khác nữa. Nhưng giữa sự sinh và chết một mình ấy chúng ta có những mối quan hệ, mối bận tâm, những ràng buộc khiến chúng ta tưởng rằng mình không một mình, rằng mình có người thân, rằng mình không đơn độc. Sự thật thì không có ai thật sự là người thân cả. Người muốn đi trên con đường đạo đặc biệt phải luôn nhớ lấy điều này. Đừng bám víu vào những thứ không thường hằng, những thứ luôn thay đổi nhưng hãy mạnh dạn bước đi một mình trên con đường truy tìm chân lý. Chân lý chưa bao giờ được tìm thấy trong đám đông nhưng luôn và chỉ luôn được tìm thấy trong sự cô độc của con người.”
Giây phút anh bước đi như người xa lạ, mọi ham muốn về gắn bó trong tôi cũng chết đi. Không chỉ ham muốn gắn bó trong tình yêu mà cả tình bạn và tình thân nữa.
Tôi bị ném trở lại với chính mình, với con đường đơn độc của mình.
Nó mất tôi mấy tháng trời để nhận ra sự kiện đau lòng hôm ấy hoá ra lại là một phúc lành. Nhờ ánh mắt sắc như dao của anh đã cắt đứt những sợi dây thừng trên cổ tôi mà tôi trở nên tự do tự tại vô cùng.
Tôi cũng chỉ là một người lạ trong thế giới này
Tôi trở về nhà mà chẳng cảm thấy như mình có nhà. Tôi ở bên gia đình nhưng chẳng cảm giác như mình là một phần của gia đình. Tôi sống trong xóm mà chẳng cảm giác mình là một phần của xóm. Tôi sống trong thế giới này nhưng chẳng cảm giác như mình đang sống trong thế giới này. Xét theo một cách nào đó, tôi đã chết. Đúng hơn là bản ngã chết một cái chết lớn. Tôi không còn gốc rễ, tôi chẳng còn biết mình là ai và cũng chẳng còn muốn trở thành ai. Tôi không còn khát vọng gì, chẳng còn đam mê gì. Tôi không còn tham lam và cũng chẳng còn sợ hãi. Tôi không còn những giấc mơ hão huyền rằng mình sẽ làm nên những điều khác biệt theo bất cứ cách nào. Tôi trở nên tuyệt đối hài lòng với bản thân mình, rằng mình chẳng là gì cả. Tôi cũng không còn lập kế hoạch hay thúc ép bản thân mình làm bất cứ gì. Nếu như cảm hứng tới thì tôi làm, không thì thôi. Tôi bắt đầu sống một cuộc sống tự phát nhưng đầy ý thức. Cứ như thể ai đó khác đang sống trong thân thể này. Cứ như thể thân thể này chỉ là một phương tiện để ai đó tiếp tục tồn tại. Ai đó có thể là tôi mà cũng chẳng phải tôi.
Tết là mùa đoàn viên, mọi người quây quần bên gia đình. Tết năm ngoái tôi không gặp gia đình mình vì dành trọn thời gian chăm sóc anh trong bệnh viện. Tết năm nay chẳng muốn đi đâu nên tôi dành một ngày bên gia đình mình và thấy thế là đủ. Một ngày cũng đủ cho cả một năm, hay một trăm năm. Tôi vẫn yêu quý, tôn trọng, tâm sự với mọi người nhưng bên trong tôi những sợi dây gắn kết đã đứt. Tôi cảm thấy mình cứ như một người xa lạ ngay bên cạnh những người thân của mình. Cảm giác ấy bạn có thể lên án hay phán xét là nó xấu nhưng với tôi, nó là một cảm giác tuyệt vời. Thật sự tuyệt vời khi bạn thấy mình không thuộc về bất cứ tổ chức nào, bất kể là một tôn giáo, một quốc tịch, một câu lạc bộ hay một gia đình chăng nữa. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy và tôi biết mình có thể bay.
Điều tuyệt vời hơn nữa là gia đình tôi dường như chấp nhận điều này còn dễ dàng hơn cả tôi mong đợi. Ba mẹ tôi dù quan tâm nhưng chỉ hỏi “tết này có đi đâu không, nếu không đi thì về nhà chơi”, anh chị tôi người thì hỏi tôi “khi nào đi nữa” và đa phần là chẳng ai còn bận tâm hỏi gì nữa. Họ tôn trọng mọi quyết định của tôi và để tôi tự do quyết định cho cuộc đời mình. Đời tôi may mắn theo nhiều cách nhưng được sinh ra và nuôi nấng trong gia đình này thật sự là một phúc lành, một may mắn lớn lao mà tôi chưa giây phút nào thôi cảm thấy biết ơn và trân trọng.
Osho nói đúng, “Khoảnh khắc không ai còn kì vọng điều gì ở bạn, không ai đặt trách nhiệm hay nghĩa vụ gì lên vai bạn, bạn tự do, tự do vô cùng.” Tôi đang nếm trải hương vị tự do ấy ngay lúc này và nó thật ngon lành, thật ngọt ngào làm sao.
Tất cả bắt đầu kể từ giây phút ấy, giây phút anh ấy: người thân yêu nhất của tôi quyết định trở thành người xa lạ đối với tôi. Hoá ra mọi vết thương đều có thể là phúc lành, nó khiến chúng ta tỉnh táo hơn để bớt bám víu, bớt ham muốn và kì vọng. Vết thương càng sâu càng nặng thì bạn càng có khả năng chết đi nhiều hơn, cái chết của bản ngã tuy đau đớn lúc đầu nhưng sau đó thì ngọt ngào vô cùng. Bạn càng chết sâu thì cơ hội để phục sinh, tái sinh càng lớn hơn, như con phượng hoàng cháy rụi trong lửa để rồi hồi sinh lại từ đống tro tàn. Tất cả chúng ta đều có một con phượng hoàng như thế bên trong sẵn sàng để tái sinh nhưng trước tiên bạn cũng phải sẵn sàng để chết nữa, bạn cần để cho bản ngã được chết đi nếu như muốn tái sinh thành con người của tự do và an lạc.
“Một ngày tồi tệ cho bản ngã chính là một ngày tuyệt vời cho linh hồn.” câu thần chú tôi học mấy nay quả thật là chân lý.
Ai muốn phục sinh đều phải trải qua cái chết
Tôi tới Bali để hoàn thành lời hứa với một người bạn, một chuyến đi chẳng kế hoạch gì cả vậy mà đẹp vô cùng. Cái đẹp của sự đơn độc nhưng bình an, vô hướng mà tự do vô cùng. Từ Ubud tôi tới Canggu cũng chẳng kế hoạch trước và buổi chiều ấy khi tôi ngồi ngắm hoàng hôn vàng rực cùng hàng trăm người khác trên bãi biển, nước mắt tôi lại chảy dài. Tôi nhìn mặt trời khuất bóng sau đường chân trời nhưng toàn thể bầu trời vẫn cứ rực rỡ màu hoàng kim chói lọi. Câu nói trong cuốn sách ban chiều lại vang lên trong đầu tôi, lặp đi lặp lại như thôi miên “đã bao nhiêu lần bạn rơi vào tình yêu rồi lại thất vọng, lại đau đớn. Hàng triệu kiếp bạn đã yêu rồi nhưng kết quả vẫn cứ là một thôi: sự đau khổ kéo dài triền miên. Đến bao giờ bạn mới chịu dừng cái vở kịch vô tích sự này?”
Câu Kinh ấy thụi tôi những cú chí mạng, mỗi lần nó vang lên là mỗi lần tôi như võ sĩ bị nhừ đòn lãnh cú knock-out sau cùng. Tôi nhìn ánh hoàng hôn còn lại, thầm nghĩ “Anh đi rồi, như mặt trời lặn rồi, nhưng sao ánh sáng của nó vẫn cứ còn đây? Sao nỗi đau vẫn cứ tràn ngập khắp từng tế bào tôi như vậy? Tôi còn định ngu mãi như vậy tới bao giờ?”
Đó là một trong những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời tôi khi tôi lại nhìn thấy luân hồi của đời mình, không chỉ kiếp này mà nhiều nhiều kiếp khác. Bất kể đời nào kiếp nào, còn yêu kiểu mối quan hệ, tức là ham muốn gắn bó sở hữu là sẽ còn đau. Chúng như hình với bóng không tách rời. Nếu vậy, còn ham muốn sở hữu để làm gì? Còn ham muốn gắn kết để làm gì? Chỉ để chờ đợi cơn đau khác kéo tới hay sao? Tôi cần chấm dứt tất cả những bi kịch này.
Từ sau ngày đó, tôi ý thức hơn trong việc học những bài học của cuộc đời, tôi không muốn đời mình lặp lại những tình huống cũ, tôi không muốn lặp lại luân hồi theo bất cứ cách nào vậy nên tôi luôn cố gắng để hành xử khác đi.
Tôi không muốn rơi vào bất cứ mối quan hệ nào nữa nên mỗi khi nói chuyện với những người lạ, những người bạn mới, tôi rất ít khi nói về mình, nếu có, tôi luôn rào trước với những người bạn rằng mong họ đừng đặt bất cứ kì vọng nào lên tôi cả. Tôi không ở đây để hoàn thành kì vọng của ai và mong rằng chúng tôi sẽ có những tình bạn thuần khiết, nơi không ham muốn, không trông đợi, không nghĩa vụ nào cần được hoàn thành. Tôi khao khát những mối quan hệ thuần khiết như thế và rồi một lần nữa, tôi lại thất bại. Không phải vì tôi không làm được mà vì không ai làm được cả. Không ai sẵn sàng trải nghiệm một tình bạn thuần khiết, vô ham muốn, vô kì vọng với tôi cả.
Có những người lạ dù cố bao nhiêu cũng hoài còn xa lạ
Người đầu tiên tôi gặp trên chuyến bay trở về từ Bali là một hoạ sĩ người Úc, từ lúc gặp ở sân bay chúng tôi nói chuyện rất ăn ý hàng tiếng đồng hồ và hẹn tối đó sẽ gặp lại nhau tại Sài Gòn để đi ăn hoặc đi uống. Tất cả mọi sự đều trôi chảy tốt đẹp cho tới khi tôi nói với anh chàng rằng tôi không có ham muốn gì và cũng mong anh ấy không có ham muốn gì nơi tôi. Giây phút nghe điều đó, anh ấy quay ngoắt 180 độ, anh ấy nổi giận lôi đình và nhìn tôi với đôi mắt như thể tôi là người ngoài hành tinh vậy. Có lẽ đúng là thế thật. Giây phút anh ấy bước ra khỏi quán bar vô cùng thất vọng vì nhận ra tôi không có cùng ham muốn như anh ấy, bù buồn lòng đau ghê nhưng tôi nở một nụ cười. Bản ngã tôi chết rồi thì còn gì mà đau khổ? Người lạ vẫn mãi là người lạ mà thôi. Khi họ thấy họ không lấy được từ bạn thứ họ muốn thế thì họ sẽ ra đi, nhanh như một cơn lốc xoáy và bạn đừng đau lòng làm gì, tốt hơn cả là để họ ra đi càng sớm càng tốt.
Anh chàng người Úc xa lạ này trở thành “người quen” với tôi trong tổng thời gian vài tiếng đồng hồ, trước khi trở thành người xa lạ một lần nữa.
Người tiếp theo mà tôi gặp, anh ấy là một đại gia, người Pháp, chán vật chất và kinh doanh nên đến Việt Nam theo đuổi một dự án nghệ thuật có tên là “đừng phán xét vội vàng”. Tôi bảo với anh ta “Nó chưa đủ hay. Không chỉ không nên phán xét vội vàng, người ta không nên phán xét chút nào, bất kể vội hay không”. Anh chàng này là một kẻ vô cùng lắm mồm, luôn miệng nói và nói và nói khiến tôi nhức đầu đến nỗi tôi nói thẳng “Anh nói nhiều quá, anh im đi một lát được không?” Anh ta quả thật im một lát và rồi cái lát ấy mỏng hơn cả lát thịt bò Nhật Bản, cái miệng ấy không thể ngừng nói về mọi thứ trên đời. Anh ta nói nhiều qúa nên tất nhiên không có khả năng lắng nghe và vì thế, anh ta chẳng biết gì về tôi cả. Cái gì người ta không biết dễ khiến người ta bị hấp dẫn, anh chàng mê tôi ghê gớm cho đến tận cái giây phút phát hiện ra tôi hút một điếu cỏ. “Cái gì, em hút thuốc sao? Nhưng em ghét thuốc lá lắm cơ mà?” Tôi đáp “Đầu tiên, đây không phải thuốc, đây là cỏ, và tôi hút một hai điếu một năm thì không thể coi là tôi thích nó được. Thứ hai, tôi không ghét thuốc lá, không ghét người hút thuốc, tôi chỉ ghét việc ở quá gần người hút thuốc và không bao giờ muốn hôn một người nghiện thuốc lá (lý do tôi từ chối lại gần anh ta hết lần này tới lần khác). Và thứ ba, anh đang phán xét tôi sao? Ai là người nói ‘đừng phán xét quá sớm’ nào? ” Và từ sau đó, anh chàng không còn liên lạc với tôi nữa, tôi phải cảm ơn trời về điều đó.
Anh chàng Pháp này trở thành “người quen” với tôi trong vài ngày, 3 ngày, trước khi lại trở về làm người lạ.
Thật ra tôi không có ham muốn gặp người quen hay người lạ gì nữa cả nhưng lý do tôi gặp họ là để có chuyện gì đó mà làm trong khi đợi Z. người bạn thân mà tôi từng nghĩ là tình bạn tâm linh hiếm hoi mà tôi tìm thấy. Tôi ở Sài Gòn vài ngày đợi Z lên cùng đi đón ba mẹ nó từ Mỹ qua chơi mà tôi đã hứa – với tư cách một người bạn – là sẽ đón tiếp ba mẹ nó và làm hướng dẫn viên cho họ trong vài ngày họ ở Sài Gòn. Mọi chuyện xảy ra rất êm đẹp. Tôi làm cho gia đình Z cười rất nhiều, họ rất yêu quý tôi và tôi cũng yêu quý họ. Tình bạn của tôi và Z vẫn đẹp cho tới khi tôi phát hiện Z kì vọng ở tôi quá nhiều và tôi không muốn hoàn thành bất cứ kì vọng nào của nó. Tôi không muốn có bất cứ sự gắn kết nào, mối quan hệ thân thiết nào, kế hoạch tương lai nào cả. Tôi chỉ muốn một tình bạn tinh khiết khi hai người chia sẻ, hỗ trợ nhau với trái tim không ham muốn, không trông đợi, không trách nhiệm và nghĩa vụ. Z không làm được. Nó bảo rằng nó từng nghĩ là có thể nhưng sự thật là nó không làm được.
Thành thật mà nói, Z và tôi đã có một tình bạn tâm linh tuyệt đẹp, chúng tôi đã trải qua rất nhiều những khoảnh khắc tình bạn trong sáng tinh khiết, khi mà cả hai chẳng có bất cứ trông đợi kì vọng gì từ nhau. Tôi luôn miệng nhắc nhở Z rằng hãy tận hưởng tình bạn này trong mọi khoảnh khắc khi nó còn đó, trước khi nó tan biến đi. Z nói tôi rằng nó sẽ không bao giờ để tình bạn này biến mất, không bao giờ. Tôi bảo Z “Đừng nói gì về tương lai xa xôi, ngay cả ngày mai chúng ta cũng chẳng biết được chuyện gì sẽ xảy ra cơ mà. Cho nên lo gì việc nó có biến mất hay không, chi bằng hãy tận hưởng nó ngay khoảnh khắc này. Đừng kì vọng bất cứ gì, ngay cả việc kì vọng tình bạn này sẽ tồn tại mãi mãi. Bởi vì, cái gì có bắt đầu thì sẽ có kết thúc thôi.” Từ lúc nghe tôi nói câu “cái gì có bắt đầu sẽ có kết thúc” Z trở nên thay đổi hẳn, nó cho rằng tôi muốn kết thúc tình bạn này cho nên nó hành xử theo cách rất lạ lùng. Cái lạ đỉnh điểm nhất là từ khi cả gia đình nó rời khỏi Bảo Lộc, đang yên đang lành nó bỗng block tôi trên tất cả các mặt trận, vì lý do “Mày muốn mọi thứ chấm dứt, thì tao sẽ làm cho nó dứt ngay bây giờ, trước khi mày làm cho tao đau hơn nữa.” Vậy là tuần trăng mật của tình bạn tâm linh của chúng tôi chấm dứt. Nó chấm dứt như mọi cuộc hôn nhân bình thường khi người ta vỡ mộng về nhau, thất vọng về nhau, biết rằng không còn thu được lợi gì từ nhau nữa. Tôi chấp nhận điều này khá dễ dàng.
Tôi đã từng muốn biết thế nào là một tình yêu tâm linh, và tôi đã có.
Tôi cũng từng muốn biết thế nào là một tình bạn tâm linh, và tôi cũng đã có.
Nó là rất nhiều những khoảnh khắc, vâng, thật sự thì tình bạn tâm linh có tồn tại nhưng nó chỉ tồn tại trong khoảnh khắc mà thôi, giây phút người ta không chấp nhận nó chỉ là khoảnh khắc mà muốn biến khoảnh khắc thành cái thường hằng, cái không bao giờ thay đổi, giây phút ấy tình bạn tâm linh cũng chết.
Nghĩ cũng chán chán thật chứ. Khi không ai thích bạn thì chán rồi nhưng khi ai cũng thích bạn và mong muốn điều gì đó ở bạn thì còn chán hơn nữa. Tôi không còn mong muốn làm hài lòng ai, sống vì ai, gắn kết với ai cho nên cũng hợp lý thôi khi mọi người đều “chán” tôi theo cái cách vô cùng tiêu cực.
Người thân rồi người lạ cứ thế đến rồi đi. Tôi thấm hơn bao giờ câu hát của Đen Vâu “Đường xa quá, lắm lúc thấy mình lẻ loi. Người đã đến, vui đấy, nhưng rồi cũng đi…”
Mỗi lần người đến và đi như vậy tôi lại được ném trở về với chính mình, với sự đơn độc ngọt ngào của mình. Nhưng lần này tôi đã học bài học, tôi không còn kì vọng hay hi vọng cho nên tôi cũng không còn thất vọng, không còn thấy đau chút nào.
Đời ngắn thế, ai cũng sống cuộc sống riêng. May mắn chăng giây phút nào đó có ai đi ngang đời mình mà để lại những kỉ niệm đẹp thì mình nên biết ơn, còn ai để lại toàn đau đớn thế thì mình cũng nên biết ơn vì họ đã rời đi rồi chứ không ở lại để tạo thêm đau đớn nữa. Kiểu gì thì mình cũng chỉ nên biết ơn mà thôi, hay vì trách than hay oán hận. Nghĩ như vậy tự dưng thấy đời thanh thản biết bao nhiêu.
Vòng quay luân hồi của tình thân cứ thế xảy ra mãi.
Người lạ đến bỗng hoá thành người thân.
Người thân ở một lát rồi cũng bước đi như một người xa lạ.
Người lạ đến chóng vánh thì cũng đi chóng vánh như chưa từng tồn tại.
Ta còn lại gì ngoài chính bản thân mình?
Khi không ai còn kì vọng gì ở bạn, bạn tự do nhưng chỉ tự do một nửa, một chiếc cánh.
Khi bạn không còn kì vọng gì ở ai, bạn tự do thêm một , bạn có hai cánh.
Với hai cánh này bạn có thể tung bay trong bầu trời bao la của tình yêu và sự tồn tại,
nơi không dây thừng nào hay dây xích nào có thể trói giữ bạn lại.
Đây là một bước trong hành trình tìm kiếm tự do của người tìm đạo: Tự do khỏi mối quan hệ.
Nó là không dễ dàng đâu, nhưng cực kì xứng đáng.
Tự do là miễn phí nhưng nó chỉ dành cho những người xứng đáng, những người dám mạo hiểm tất cả vì nó, kể cả mạo hiểm cảm giác an toàn.
Tự do là an toàn duy nhất.
Namaste
Phi Tuyết, 31/01/2020
“Bạn không sinh ra để hoàn thành kì vọng của bất kì ai cũng như không ai ở đây kể hoàn thành bất cứ kì vọng nào của bạn.” Tôi đồng ý, thưa thầy Osho!