Sinh viên Nổi Loạn: Chương 26: Lạc trong hố đen

(Chương này ngày xưa biên tập dịch giả bị nhầm lẫn nên đã bỏ vào cuốn Đứa trẻ nổi loạn. Lần in này xin rút bài ra khỏi cuốn Đứa trẻ và đặt lại vào cuốn Sinh viên cho đúng trình tự về thời gian. Cảm ơn bạn đọc đã bao dung lỗi lầm này!)

Lạc trong hố đen.

Phật nói: “May mắn thay cho kẻ tìm được một vị thầy”. Tôi không phải là kẻ may mắn đó. Tôi đã phải tự làm mọi việc mà không có vị thầy nào giúp đỡ hay hướng dẫn. Tôi đã truy tìm vị thầy của mình trong nhiều kiếp nhưng không thấy ai cả.

Rất là hiếm khi người ta có thể tìm thấy một vị thầy, hiếm hơn nữa để trở thành một người có thể giác ngộ mà không cần một vị thầy. Anh ta tự thân trở thành cánh cửa dẫn đến điều linh thiêng huyền bí, một cánh cửa mở mà thông qua nó bạn và những người khác có thể bước vào.

Người Sikhs gọi ngôi đền của họ là Gurudrawa, nghĩa là cánh cửa của vị thầy. Đó chính xác là chức năng của một vị thầy. Ông ta trở thành cánh cổng. Đó là điều Jesus cứ lặp đi lặp lại “Ta là cánh cửa, ta là con đường, ta là sự thật. Hãy đến với ta, thông qua ta. Trừ khi bước qua ta, ngươi sẽ không thể vào vương quốc Thượng đế.”

Vâng, điều thỉnh thoảng có thể xảy ra là ai đó trở nên chứng ngộ mà không cần một vị thầy làm cổng. Nếu vị thầy không sẵn có, người ta sẽ phải tự mình đi trên hành trình và đó sẽ là một hành trình rất nguy hiểm.

Trong một năm tôi đã lạc trong hố đen những bí ẩn của sự tồn tại và đã phải rất vất vả để có thể giữ cho mình sống sót. Toàn bộ vị giác đều biến mất, việc ăn uống trở thành tra tấn. Ngày lại ngày trôi qua mà tôi chẳng cảm thấy đói một chút nào, cũng không thấy khát. Tôi đã phải ép bản thân mình ăn uống. Cơ thể cũng mất toàn bộ cảm giác đến nỗi tôi nhiều lần phải tự đánh vào người mình để xem mình có còn ở trong cơ thể hay không, mình có còn sống hay không. Chỉ khi thấy đau, tôi mới cảm thấy chút liên hệ với cơ thể mình.

Mỗi sáng cũng như mỗi tối, tôi chạy bộ từ năm đến tám dặm. Mọi người nghĩ rằng tôi bị điên vì tại sao lại phải chạy nhiều như thế: mười sáu dặm một ngày? Nhưng tôi phải làm để có thể cảm nhận cơ thể của mình, để không bị mất liên lạc với cơ thể mình.

Trong cả một năm tôi gần như không nói chuyện với bất cứ ai bởi vì mọi thứ dường như cứ mâu thuẫn nhau đến mức để hoàn thành một câu nói cũng là điều khó khăn.

Tôi đang nói và ngay giữa câu, tôi quên mất mình đang định nói gì. Tôi đang đọc sách giữa chừng và sực nhận ra mình không nhớ bất cứ điều gì trong những trang sách mình vừa đọc.

Tôi nhốt mình trong phòng sau khi thông báo với mọi người rằng mình không có nhu cầu nói chuyện với ai cũng chẳng có nhu cầu gặp gỡ ai, vì cũng chẳng có gì để nói khi mà tôi không nhớ nổi mình đang nói cái gì.

Cả ngày dài tôi chỉ nằm trên sàn nhà, nhìn lên trần và đếm từ 1 đến 100 rồi ngược trở lại từ 100 về 1 để giữ cho tâm trí vẫn hoạt động vì đó là thứ cuối cùng tôi còn lại. Nó lấy mất của tôi một năm sau đó để có thể học cách tập trung trở lại. Thật là một phép màu nhưng phép màu đó quả thực đã xảy ra cho tôi.

Không có ai ở đó giúp tôi, không có ai ở đó để cho tôi biết tôi đang đi đâu và điều gì đang xảy ra. Trên thực tế mọi người đều chống lại tôi, tất cả giáo viên, bạn bè… Họ biết hoàn cảnh, họ muốn giúp nhưng họ chẳng thể làm được bất cứ gì ngoài việc hỏi tôi đang làm gì.

Tôi chẳng làm gì cả. Mọi thứ chỉ xảy ra một cách tự nhiên.

 

Tôi đã gõ cánh cửa và cánh cửa đã mở ra, tôi cảm thấy trống rỗng, không còn mục tiêu, không đích đến, không tham vọng, dẫu cho tham vọng thức tỉnh.

Tôi đơn giản bị ném về chính mình, hoàn toàn trống rỗng nhưng sự trống rỗng này là cần thiết. Nó là cánh cửa dẫn tới Thượng đế.

Chỉ những ai sẵn sàng hoá điên mới có thể đạt tới cánh cửa ấy.

 

Những người thân quen, gia đình, bạn bè, các giáo sư dần dần đi tới nhận ra một điều rằng tôi không giống những người khác.

Ngay từ thời còn nhỏ tôi đã bị mọi người cho là điên khi tôi không thích chơi những trò chơi của những đứa trẻ cùng tuổi với mình. Cả đời tôi không bao giờ tham gia vào một đội bóng nào dù là đá bóng, bóng rổ hay khúc côn cầu. Đối với tôi những hoạt động ấy là điên rồ và ngớ ngẩn nên tất nhiên trong mắt mọi người, tôi là đứa trẻ kì dị, điên điên.

Nhưng rồi những năm tháng khi tôi thật sự bị điên, gần như mất trí ấy lại khiến họ nhận ra tôi có chút đặc biệt hơn những người khác. Họ hiểu được tại sao tôi lại quá khác biệt từ thời thơ ấu, hiểu tại sao tôi lại chỉ thích ngồi im với đôi mắt nhắm nghiền hàng giờ liền hoặc nằm bên bờ sông lặng yên ngắm nhìn bầu trời hàng giờ không di chuyển.

Tôi thường xuyên biến mất khỏi cuộc sống của họ để được ở một mình với những dòng sông, những ngôi sao, những cái cây và so với những món quà vĩ đại từ Thượng đế đó, vài quả bóng trông sao mà ngớ ngẩn đến đáng thương. Tất nhiên họ có lý khi nghĩ rằng tôi điên.

Một năm bị lạc trong hố đen ấy quả thực vô cùng đáng giá. Ban đầu mọi người quan tâm nhưng khi thấy sự quan tâm ấy cũng chẳng giúp ích gì, chẳng mang lại ý nghĩa gì, họ bắt đầu để tôi yên và tôi thực sự yêu thích khi được xem như hoàn toàn vắng mặt trong thế giới ấy.

 

Năm đó tôi bị bao quanh bởi sự trống rỗng, tôi bị cắt liên lạc hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Tôi thậm chí không nhớ cả việc đi tắm. Ai đó sẽ phải nhắc tôi đi tắm và thế thì tôi đi tắm, và rồi tôi quên cả việc rời khỏi nhà tắm. Tôi cứ ở trong đó hàng giờ đến nỗi họ lại phải gọi cửa để kêu tôi ra ngoài, họ nói: “Con tắm đủ cho một tháng rồi.”

Nếu họ nhắc tôi ăn thì tôi ăn, bằng không thì nhiều ngày trôi qua mà tôi chẳng chút bận tâm chuyện ăn uống gì. Mối bận tâm duy nhất của tôi là làm sao để ngày càng chìm sâu hơn vào chính mình, nơi cánh cửa đang mở ra. Cánh cửa ấy có một lực hút rất mạnh, như thể một hố đen trong vũ trụ đang cố kéo lấy tôi về phía nó và tôi mê say chìm vào lực kéo ấy, muốn biết bên kia hố đen là cái gì.

Những năm tháng ấy tôi bị hố đen bên trong mình kéo đi thật xa, xa khỏi thế giới bên ngoài đến nỗi tôi không nhận ra chính cha mẹ của mình, tôi thậm chí còn không nhớ nổi tên của mình.

 

Cha tôi đưa tôi đến gặp rất nhiều bác sĩ, bất kể tôi nói rằng tôi vẫn ổn nhưng ông ấy không tin, ông ấy đưa tôi đi gặp hết bác sĩ này tới bác sĩ khác và tôi phải uống cả đống thuốc để cho ông được yên lòng.

Một ngày nọ chúng tôi đến thăm một vị bác sĩ già, tên ông ấy là Pundit Bhaghirath Prasad và ông ấy đã nhận ra tôi, đúng hơn là nhận ra tình trạng của tôi.

Ông ấy nói với cha tôi rằng: “Cậu ấy không bị điên. Thật ra cậu ấy là người may mắn. Tôi đã mong chờ để đạt được tình trạng như cậu ấy lúc này. Cậu ấy đã về đến nhà. Đừng mang cậu ấy đi đâu nữa. Hãy để cậu ấy yên.”

Ông ấy vừa nói vừa khóc. Nhưng vì cha tôi không tin nên ông đã phải thuyết phục cha tôi rằng hãy để ông ấy chăm sóc tôi. Và rồi ông ấy cho tôi rất nhiều thuốc, thật ra là những viên kẹo trông như thuốc, để tôi ăn chúng và chúng khiến cha tôi tin tưởng. Nhờ đó cha tôi thôi không mang tôi đến những bác sĩ khác nữa. Tôi biết ơn người đàn ông ấy rất nhiều.

Những ngày tháng đó ở trường đại học tôi cũng bị mọi người cho là điên vì tôi đang bước đi bỗng tự dưng dừng lại và rồi cứ đứng đó, im lặng trong nửa giờ, một giờ cho tới khi có cảm hứng bước đi trở lại.

Khi những kì thi tới, có những vị giáo sư yêu quý tôi và lo sợ tôi không tham gia kì thi nên họ đã đến tận nhà để đón tôi đến trường bằng xe riêng của họ. Sau đó họ dẫn tôi vào tận phòng thi và rồi ngồi bên ngoài chờ đợi.

Cuộc sống bên ngoài trường học cũng thế, nếu tôi đang tắm và cảm thấy mình không tận hưởng việc tắm thế thì tôi dừng lại. Nếu tôi đang ăn và cảm thấy mình không tận hưởng việc ăn, thế thì tôi cũng dừng lại.

Điều đó trở thành một nhận biết mới bên trong tôi.

Tôi nhận ra rằng bất cứ khi nào bạn tận hưởng việc gì đó, bạn là trung tâm. Tận hưởng là từ khác của “trở thành trung tâm”. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình đang không tận hưởng việc gì đó, bạn đang đi xa khỏi trung tâm của mình.

Bạn đang làm hàng trăm, hàng ngàn việc mỗi ngày mà không cảm thấy mình đang tận hưởng chút nào. Thế thì bạn đang phí hoài cuộc đời chỉ vì bạn được dạy phải làm nhiều việc để hoàn thành nghĩa vụ. Nhưng không có nghĩa vụ nào trên đời là đáng giá nếu như bạn không thể tận hưởng cuộc sống này.

*

Nhiều người liên tục làm việc và làm việc và làm việc, cho tới ngày người đó chết. Người đó không thể chết trong mãn nguyện nếu người đó chưa từng làm công việc gì mang tính sáng tạo, bất kể người đó đã làm nhiều việc như thế nào.

Bạn sẽ chẳng bao giờ có ngày nghỉ, sự nghỉ ngơi thực sự nếu như bạn không sáng tạo cái gì. Để có sự nghỉ ngơi thật sự, đầu tiên bạn phải có tính sáng tạo. Bạn phải cảm thấy thoải mái về bản thân bạn, hạnh phúc với việc sáng tạo của bạn đến mức bạn có thể cho phép bản thân nghỉ ngơi hoàn toàn.

Người thường không thể cho phép bản thân họ có ngày nghỉ ngơi thật sự vì họ cảm thấy họ không xứng đáng. Vì họ đã không làm bất cứ gì để chứng tỏ mình xứng đáng. Họ đã không đặt hết tâm sức vào một công việc sáng tạo nào để có thể chứng kiến bản thân nở hoa, mãn nguyện, đầy tràn. Do đó bận bịu liên tục là cần thiết đối với họ.

Người ta có nhiều ngày nghỉ, nhiều cách thức giải trí hơn nhưng họ làm gì trong ngày nghỉ đó? Họ tạo ra nhiều khổ, nhiều mệt mỏi hơn cho bản thân mình và người khác. Điều thường thấy là sau ngày nghỉ, mọi người mệt mỏi tới mức họ cần nghỉ ngơi cả tuần để phục hồi, để khôi phục lại năng lượng đã đánh mất trong kì nghỉ.

Họ làm cả ngàn thứ trong ngày nghỉ để giữ cho mình bận rộn, vì không bận rộn là hiện hữu với bản thân mình và đây là điều bất khả cho tất cả mọi người.

Nghĩa của ngày nghỉ nên là gì? Là khi người ta tràn đầy với Thượng đế, tràn đầy với bản thân mình, tới mức không có nhu cầu làm bất kì cái gì, không có nhu cầu bận rộn. Bận rộn là một lối thoát. Nó là cách để người ta trốn tránh việc chạm trán với bản thể riêng của mình.

Nếu bạn muốn có ngày nghỉ, đầu tiên hãy lao động, thứ lao động sáng tạo. Trở nên sáng tạo hơn đi, nhưng là tính sáng tạo trong cách riêng của bạn, chứ không phải theo ý người khác. Nếu bạn vẽ một bức tranh theo ý người khác, dù nó đẹp, nó vẫn không phải sự sáng tạo thật sự mà tôi đang nói tới. Nhưng nếu bạn vẽ theo ý mình, chẳng vì ý ai, chỉ để thoả mãn khát khao vẽ của mình. Thế thì dù bức tranh có xấu hay vô giá trị, nó vẫn là một sản phẩm của công việc sáng tạo.

Thế nào là công việc sáng tạo? Công việc có tính sáng tạo là khi bạn yêu nó. Công việc có tính sáng tạo khi bạn cảm thấy hoà điệu với nó, thích thú với nó. Nó là có tính sáng tạo khi bạn chọn nó, khi nó khớp với con người bạn và có sự hài hoà hợp nhất giữa bạn với công việc của bạn.

Công việc sáng tạo là bất cứ khi nào bạn làm gì đó, bạn yêu thích nó, thế thì bạn làm nó. Còn bằng không, đừng làm. Cuộc sống rất phong phú, bạn có rất nhiều sự lựa chọn và cơ hội để sáng tạo. Thật ra bạn có thể sáng tạo trong mọi trường hợp, với mọi thứ.

Thời gian là cơ hội linh thiêng. Đó là nghĩa của ngày nghỉ: ngày linh thiêng, ngày không trần tục, ngày không hành xử như cách bạn vẫn hành xử bình thường mỗi ngày. Một khi bạn biết cách có tính sáng tạo, từng khoảnh khắc đều trở thành linh thiêng.

Bất kì khi nào bạn sáng tạo, bạn trở thành một đấng sáng tạo nhỏ theo quyền riêng của bạn.

Người sáng tạo luôn thoái mái với bản thân mình, hài lòng, mãn nguyện. Kể cả khi trong mắt người khác, sáng tạo của bạn chẳng có tí giá trị nào. Ai bận tâm họ nghĩ gì?

 

Trích “Sinh Viên Nổi Loạn” – cuốn sách về thời sinh viên “oanh liệt” của Osho, Phi Tuyết dịch

Thuộc bộ hai cuốn: Sinh Viên Nổi Loạn và Giáo Sư Nổi Loạn, bộ sách giá 500k, mời bạn inbox fanpage Cuộc đời Osho:www.facebook.com/cuocdoiosho/ và để lại địa chỉ để đặt mua bộ sách (số lượng rất có hạn)

Xin cảm ơn và chúc ngày mới an lành!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *