Hương vị của vô trí. Bạn nếm rồi nhưng không nhận ra.

Tâm trí và vô trí

“Có ba hình thái tâm trí:

Một: Tâm trí độc địa, sống theo cách phá hoại, nghĩ tới huỷ diệt, thích tạo ra đau khổ cho mọi người. Đối với tâm trí này, Phật nói, khổ sẽ theo như cái bóng. Nếu bạn gây khổ cho người khác thì cuối cùng bạn sẽ gây khổ cho chính mình.

Hai: Tâm trí thánh thiện là ngược lại: nó sáng tạo, nó thích thấy mọi người hạnh phúc. Nó giúp đỡ, nó phục vụ, nó là người ban tặng hạnh phúc cho người khác. Nó yêu việc thấy mọi người hạnh phúc. Hạnh phúc theo sau tâm trí này như cái bóng.

Nhưng có một việc nữa mà bạn còn chưa nhận biết: Nếu hạnh phúc có đó, thế thì đâu đó sau nó sẽ thấp thoáng cái bất hạnh. Và ngược lại, hạnh phúc luôn lấp ló đâu đó bên rìa cái bất hạnh. Chúng là hai mặt của một đồng xu nên xét theo cách nào, không có hai tâm trí mà chỉ có một tâm trí.

Thánh nhân và tội nhân cùng tồn tại với nhau. Thánh nhân có thể biến thành tội nhân vào bất kì lúc nào và tội nhân cũng có thể biến thành thánh nhân bất cứ khoảnh khắc nào. Hai thứ tâm trí này gần như không biên giới.

Tâm trí thứ ba, là vô trí. Khi không tồn tại thánh nhân lẫn tội nhân, không hạnh phúc lẫn không bất hạnh. Nhị nguyên bị vứt bỏ. Thế thì chỉ còn lại im lặng, thanh thản, yên bình. Thế thì mọi thứ có thể khuấy động bạn đều không còn nữa.

Trạng thái vô trí chẳng phải thánh thiện cũng chẳng phải không thánh thiện. Nó vượt lên trên nhị nguyên. Nó là siêu việt. Tâm trí độc địa có thể trở thành tâm trí thánh thiện nhưng không có chuyển biến thực sự. Bạn chưa vượt ra ngoài tâm trí. Chỉ có vô trí mới có thể giải thoát bạn.

Có gì trong thế giới vô trí? Chẳng gì cả. Không đau khổ. Không thích thú. Không tham, chẳng sợ. Không bất hạnh cũng chẳng hạnh phúc. Chỉ trống rỗng đơn thuần. Phật lặng thinh khi nói tới điểm này. Lí do là không có cách nào để bày tỏ về vô trí. Vô trí là im lặng. Làm sao bạn có thể diễn tả im lặng bằng âm thanh được?”

Osho trong bài nói về Kinh Kim Cương của Phật Gautama

*

Những khoảnh khắc vô trí trong đời sống, bạn đều đã từng nếm qua rồi.

Nói về vô trí như vậy nhiều người sẽ ngán vì thấy xa xăm quá, không hiểu. Nhưng thật ra kể cả khi bạn hiểu hay không, tôi tin là bạn, tất cả các bạn đều đã trải qua nó dù ít hay nhiều. Đó là những khoảnh khắc khi bạn đang làm gì đó, bạn đột nhiên trở nên im lặng hoàn toàn, im lặng cả việc nói lẫn việc nghĩ. Dù là trong bữa ăn, trong cuộc họp, trong lớp tập yoga, trong lúc đi dạo trên đường hay thậm chí cả khi xem tivi nữa, tự dưng bạn rơi vào khoảnh khắc vô trí. Cách dễ nhận ra nhất là khi ai đó gọi và bảo bạn “Ê, mất trí à?” – Đúng vậy, mất trí chính là vô trí đó, nhưng vô trí một cách không ý thức.

Tự dưng bạn rơi vào khoảnh khắc vô trí, bạn trở nên im lặng tuyệt đối đến nỗi người bên cạnh sẽ hỏi “Đang nghĩ về cái gì đấy?” Bạn sực tỉnh ra và cố nhớ lại, nhưng chẳng nhớ được gì. Bạn đáp “Chẳng nghĩ gì cả.” Người kia sẽ bảo “Đang nói tự dưng im lặng mà không nghĩ gì á?”
“Ừ thật mà, chẳng nghĩ gì cả”
Người kia thường không tin nhưng cũng tặc lưỡi cho qua vì biết nói gì bây giờ?

Tôi dám cá bạn trải qua khoảnh khắc vô trí này rất nhiều lần rồi. Thậm chí mỗi ngày luôn. Khoảnh khắc ấy xảy ra rất bất thần, bạn không quản được, không biết trước được. Nó thình lình đến, đưa bạn vào một sự im lặng sâu sắc nơi tâm trí cũng dừng lại. Nơi tâm trí không thể chạm tới.

Vấn đề là bạn chỉ nhận ra nói sau khi khoảnh khắc ấy đã qua rồi. Bởi vì bạn vô trí một cách vô ý thức.

Vô trí có ý thức là khi bạn rơi vào khoảnh khắc im lặng ấy, bạn nhận ra nó. Bạn “biết” mình đang vô trí, đang không suy nghĩ gì. Bạn biết mình đang im lặng từ rất sâu bên trong. Đây là điểm khởi đầu của vô-trí-có-ý-thức.

Vô trí có ya thức là một lúc nào đó, ngay cả khi bạn đang hành động, đang làm gì đó hay nói gì đó, bạn nhận ra mình cũng vô trí nữa. Tay bạn tự làm việc như thói quen, miệng bạn nói như thể ai đó đang nói. Bạn biết mình đang nói nhưng đầu bạn không một chút suy nghĩ hay tính toán sẽ nói gì kế tiếp… Không chút suy nghĩ nào. Chỉ một sự trống rỗng. Một sự trống rỗng nhưng đầy ắp ý thức. Giống như chiếc lọ rỗng nhưng đầy ắp không khí. Bạn không thấy nhưng bạn biết nó là như vậy.

Càng đi sâu và sống sâu trong vô trí này, mọi biên giới bên ngoài càng mờ nhạt đi, trộn lẫn nhau. Thứ mà mọi người cho là tốt đẹp, bạn thấy cả mặt xấu của nó đang lấp ló ngay bên cạnh. Thứ mọi người cho là xấu xí độc hại, bạn thấy cả mặt tốt đẹp tiềm ẩn của nó.

Dần dà mọi phán xét nhị nguyên về đúng-sai, tốt-xấu, nên-không nên, tội lỗi-đức hạnh… cứ tan biến đi. Bạn không còn muốn nói ra một ý kiến chủ quan nào, không phải vì bạn không có ý kiến mà vì bạn biết rằng bạn nói gì ra cũng sai cả, cũng không đúng lắm, cũng chỉ đều là ý kiến. Mọi ý kiến đều chủ quan, đã chủ quan thì chẳng phải chân lý.

Chân lý là thứ vượt lên trên mọi chủ quan của bạn. Tâm trí là thứ thuần chủ quan, đó là lý do tâm trí ngăn bạn chạm vào chân lý. Lời cũng ngăn bạn xa khỏi chân lý theo cùng một cách.

Nghĩ mà xem. Khoảnh khắc lời đang còn trong đầu bạn nó mang sắc thái khác, khoảnh khắc lời ra khỏi miệng bạn nó mang sắc thái khác. Và rồi khoảnh khắc người khác nghe những lời ấy nó lại mang sắc thái khác nữa tuỳ vào bộ lọc tâm trí của họ.

Thấy được tất cả những điều này, cách thức vận hành này của tâm trí, hiểu được trò chơi này của tâm trí – bạn mệt nhưng thở phào, bạn chán ngấy nhưng cười ồ, bạn buông xuôi và chấp nhận rằng mình quả thật ngu, mình chả biết gì cả. Mọi lời mình nói đều ngu và sai, chỉ im lặng mới là câu trả lời đúng cho tất cả.

Im lặng là chân lý nhưng phải là im lặng của cái đầu, chứ không phải chỉ cái miệng.

Ngôn ngữ tồn tại trong thế giới nhị nguyên, nơi bạn giao tiếp với người khác, nơi bạn có ý kiến chủ quan và cần bày tỏ mình, thể hiện mình… Nhưng nếu bạn sống một mình và không có bất cứ nhu cầu thể hiện hay giao tiếp nào thì sao? Nó sẽ là thế giới của im lặng. Vì ai ở đó để mà nói?

Im lặng là nhất nguyên. Im lặng là ngôn ngữ của thế giới nhất nguyên. Nó siêu việt trên nhị nguyên. Im lặng khi đi sâu từ cái miệng sang im lặng cả cái đầu, ấy là vô trí. Vô trí là thế giới của những người đã bỏ qua tham vọng chiến thắng trò chơi của tâm trí.

Tâm trí bày ra trò chơi, những người theo logic là những người rất hung hăng trong việc thắng trò chơi này. Người thảo mai, xuề xoà, gió chiều nào theo chiều ấy là những người thuộc phe yếu của trò chơi. Họ thường bị xem thường. Nhưng họ vẫn trong trò chơi.

Giác ngộ là những khoảnh khắc khi bạn thấy trò chơi của tâm trí, bạn hiểu ra nó. Bạn từ chối tham gia và chỉ ngồi quan sát người khác chơi mà không bận tâm phán xét hay chê cười gì.

Tôi viết những thứ này trong rất nhiều khoảnh khắc vô trí khi quan sát tay mình gõ đều trên màn hình mà chẳng bận tâm cho lắm nó đang gõ gì. Thường chỉ khi dính một lỗi gõ, lỗi chianh tả như thế bày thì tâm trí tôi mới quay lại làm việc của nó!

Đây là trải nghiệm của tôi, tin hay không tuỳ bạn.
Những lời trên nếu bạn có thể đọc trong vô trí sẽ thấy rất dễ hiểu. Nhưng nếu bạn đọc từng câu và cố hiểu nghĩa của nó lẫn tính logic, coi chừng lại chả hiểu gì mấy. Dù không hiểu nhưng nó sẽ “ám ảnh” bạn theo cách nào đó bạn không giải thích được.

Tôi cho rằng, không chỉ những gì từ tim sẽ chạm đến tim. Mà những gì từ vô trí sẽ chạm vào vô trí. Nhiều trái tim, nhiều tâm trí, nhiều lời, nhưng chỉ một vô trí liên kết tất cả chúng ta. Một chân lý liên kết tất cả chúng ta.

Namaste! xin chúc ngày mới an lành vô tư.

Dạo này thức giấc 5:30 đọc sách kinh trong tiếng chim và ánh sáng đèn mây này thấy… tuyệt kinh khủng 😁

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *