Ta sống vì ai?

 Em chào chị. Chuyện là em không follow các tài khoản MXH của chị nhưng có đọc sách chị viết từ lâu rồi. Hôm nay e có đọc lại sách chị, thấy cách chị chia s về cuộc sống thì em có suy nghĩ khá nhiều.

Em cũng luôn có mong muốn sống cuộc sống tối giản như chị với vườn cây, thiền, sách và đôi ba chú mèo. Có điều em nghĩ về mẹ, em muốn cho mẹ em biết tất thảy sơn hào hải vị trên đời nên vẫn muốn cố gắng kiếm tiền.

Cũng vì đó mà em có chút lo ngại khi bản thân kiếm được tiền rồi sẽ bị cuốn theo nó, không còn mong muốn đơn thuần như ban đầu nữa.

Và em cũng biết lựa chọn nào cũng phải đánh đổi, có điều em vẫn khá mông lung về cái mà chị gọi là “đất lành” của riêng mình ấy ạ. “Đất lành” của em liệu sẽ như chị, hay là những gì xa xỉ hơn mà nhiều người vẫn luôn hướng tới.

Nếu sống đơn giản liệu có phải em hơi ích kỷ khi không lo cho mẹ đầy đủ vật chất thật tốt không, còn nếu sống vật chất thì liệu em có đủ mạnh mẽ từ bỏ mọi vật chất khi đã đủ đầy để quay về ước muốn ban đầu không.  

Em rất muốn nghe ý kiến của chị, mong nhận được phản hồi ạ.”

25/04/2022

 

 

Phi: Giờ, trước khi đi vào trả lời, chúng ta hãy cùng nhau làm rõ ràng câu hỏi của bạn. Việc làm rõ câu hỏi thường coi như cũng đã giải quyết được một nửa vấn đề.

Vấn đề của em có lẽ cũng là vấn đề của nhiều người, may thay cũng là vấn đề tôi từng trải qua nên có vài điều chia sẻ với em.

 

  1. Tất cả mọi người đều sống một cuộc đời phức tạp và mơ về một cuộc đời đơn giản.

 

Nếu bảo người đó, ‘thay vì ở đó mơ mộng ao ước, hãy đơn giản hoá cuộc sống đi’.

 

Thế thì ngay lập tức người đó sẽ tìm ra một vạn sáu nghìn chín trăm lý do để giải thích tại sao họ không thể.

Trong hàng vạn lý do ấy, rất ít người đủ can đảm để thừa nhận trách nhiệm về bản thân mình. Rằng tôi không làm vì bản thân tôi chưa đủ muốn, muốn chưa đủ nhiều, tôi chưa đủ dũng khí, tôi chưa sẵn sàng, tôi không biết cách…

 

Nếu bạn can đảm thừa nhận trách nhiệm về mình, thế thì chẳng có gì để nói vì chỉ cần bạn nhận trách nhiệm, vấn đề nào cũng có thể được giải quyết ngay lập tức.

 

Nhưng cái hay của mọi người là ở chỗ: lý do khiến họ không làm điều họ muốn – luôn và luôn – là vì người khác.

 

Người khác trở thành một cái cớ đẹp, một lý do hay, một sự trốn tránh trách nhiệm nhanh chóng và dễ dàng nhất. Nó cũng là lý do dễ được thông cảm nhất nữa, bởi vì xung quanh chúng ta ai cũng thế. Ai cũng đang phải sống vì người khác, cố gắng vì người khác, chịu đựng vì người khác… Dường như chẳng ai sống vì bản thân mình một chút nào.

 

Thế thì cũng không khó hiểu khi thế giới bao la thế, chẳng mấy người sống hạnh phúc, mãn nguyện và vui vẻ.

 

Quan sát đi, nhìn rộng thêm chút vào mọi hoàn cảnh trong cuộc sống: khi một người mẹ nói rằng cô ấy đang sống chỉ vì con, cô ấy hi sinh đời mình vì con, thế thì có phải đời người mẹ đã bỏ đi rồi không? Thế thì người con có thể sống vui vẻ không khi mẹ nó sầu khổ bất hạnh?

 

Rồi lớn lên, nó phải đáp trả chứ. Nó sẽ nói – hệt như bạn đang nói – con sẽ làm cái này cái kia, không phải vì con muốn, mà vì mẹ.  Khi một người con phải sống vì người mẹ, thế thì có phải đời người con cũng đã bị hoang phí rồi không? Thế thì cộng lại, có phải cuộc đời của cả hai người đều đã bị hoài phí rồi không?

 

Sống vì người khác hay mỹ từ “hy sinh” là một cái bẫy của xã hội trong nhiều thời đại. Đó là cách xã hội làm cho mọi người sống trong khổ. Nỗi khổ giữ mọi người trong trạng thái nô lệ.  Và càng là nô lệ, người ta càng quên cách nhận trách nhiệm về mình, cách thay đổi số phận mình.

 

  1. Em muốn sống tối giản như chị, nhưng em nghĩ về mẹ, em muốn cho mẹ mọi sơn hào hải vị… Vậy nên em phải kiếm tiền.

 

Những hiểu lầm:

 

  • Xin phép dùng từ “sống đơn giản” thay vì “tối giản” vì tôi là người sống đơn giản, không tối giản – hai cái này khác nhau như sông và biển: cùng là nước nhưng khác nhau hoàn toàn. Tôi cũng từng viết lẫn talk về chủ đề “Sống đơn giản – Sống thông minh” nên xin nhắc lại: Để sống đơn giản sẽ cần nhiều thông minh và nghệ thuật sáng tạo. Để sống tối giản thì bạn chỉ cần kỉ luật để áp dụng các quy tắc thôi. Tôi không phải kiểu kỷ luật, tôi là người sáng tạo nên sống đơn giản mới là lối sống tôi theo đuổi, không phải tối giản. (Sách em đọc là cuộc sống của tôi từ 5-7 năm trước, giờ nhìn lại nó giống như một kiếp khác của tôi vậy. Tôi phải ngồi nhớ lại xem hồi đó mình sống như nào, khó nhớ phết)

 

  • Có hai cách để sống đơn giản: sống đơn giản khi bạn không có gì, chẳng có tiền để sống phức tạp nên buộc phải đơn giản. Hay: bạn có quá nhiều, quá đầy đủ và dư thừa nên bạn muốn đơn giản mọi thứ lại để sống sâu và sống nhẹ hơn. Sống đơn giản kiểu Phi Tuyết thuộc kiểu thứ hai.

 

  • Để sống đơn giản như Phi Tuyết bạn cần nhiều lắm: một cuộc sống tự lập tự do với thu nhập thụ động đủ trang trải mọi chi phí, thi thoảng có những nguồn thu bất ngờ khác, công việc rất tốt mà lại còn tự do thích thì làm không thì nghỉ, tài sản cứng như nhà cửa đất đai, tài sản mềm, kho ý tưởng đầy ắp không bao giờ lo hết việc làm… Đấy, cho nên cần làm rõ, thế nào là “muốn sống đơn giản như chị”.

 

  • Những gì bạn thấy trên mạng xã hội không bao giờ và không khi nào là thực tế 100% cuộc sống của ai cả, cho nên cần tỉnh táo để không xem bất cứ ai trên mạng như hình mẫu cố định. Thay vào đó chúng ta phải linh động để mà thay đổi, thấy người này hay chỗ này, người kia hay chỗ kia, cứ chỗ nào hay thì mình học, cái nào thích hợp thì mình ứng dụng vào đời mình, linh động như thế thì đời mình nó mới không bị đóng khung và nhàm chán.

 

  • Phi Tuyết làm rất nhiều chứ không chỉ có chơi đâu, tuy nhiên vì sống trong thiền nên việc làm cũng như chơi, không khác biệt. Bạn nên đặt mục tiêu về việc tìm một công việc thu nhập đủ, làm như chơi, sống thanh thản như Phi Tuyết thì ok, đừng nói ‘sống tối giản như Phi Tuyết’, bằng không bạn sẽ bị lạc trong chính mong muốn của mình.

 

  • Phi Tuyết sống đơn giản không: một ngày thay chừng ba bộ quần áo, chục chiếc nhẫn cho hợp với quần áo; đồ ăn thì chỉ ăn sushi, sashimi, nếu muốn ăn thịt thì chỉ ăn đùi gà thả vườn nướng, ba chỉ nướng nguyên dải rồi mới cắt ra, bò steak (tất cả thịt đều phải do đúng Chu Chu nấu nữa cơ), bánh mì đen nguyên cám, trái cây, rất nhiều trái cây. Uống thì rượu vang, trà kiểu Anh, cà phê phải đúng loại, bột ca cao phải đắng… Đấy, sơ sơ thế, thì có tính là đơn giản không?

 

Đơn giản chứ, mọi thứ đều đơn giản khi bạn có điều kiện. Phi Tuyết có điều kiện, cô ấy sống đơn giản lắm, chẳng bon chen phiền hà gì ai, chẳng lệ thuộc, chẳng mâu cầu gì ở ai cả.

 

  • Câu hỏi quan trọng cần hỏi là: em có điều kiện để sống đơn giản theo CÁCH EM MUỐN SỐNG hay không, chứ đừng theo Phi Tuyết. Nếu em chỉ muốn ăn uống tại nhà, nuôi mèo, tập yoga, đọc sách, ngồi thiền… thế thì em và bất cứ ai cũng có khả năng sống đơn giản như thế cả, bởi vì mức sống ở VN mình còn rất rẻ, thu nhập trung bình làng nhàng cũng đủ sống rất tốt nếu cuộc sống thực sự đơn giản không mong cầu.

 

Phi Tuyết có thể sống rất tốt với chỉ 5 triệu/tháng mà không cần làm gì, vì cô ấy đã có nhà cửa, thu nhập thụ động trên mức đó, đặc biệt cô ấy không phải nuôi hay chịu trách nhiệm chăm sóc ai. Nhưng em, em còn mẹ.

 

  • Em chưa có khả năng sống đơn giản vì em (có lẽ) chưa có điều kiện để sống như thế đâu, hoặc do em chưa thực sự muốn sống cuộc đời đơn giản như em nói. Tất cả là DO EM. Thừa nhận điều này tuy có hơi khó, nhưng nó lại là chìa khoá để mọi cánh cửa tiếp theo.

 

  • Chị không biết thu nhập hiện tại của em nên chỉ có thể đưa vài gợi ý:

 

  • Em muốn cho mẹ mọi sơn hào hải vị trên đời. Nếu đây là ý muốn theo đúng nghĩa đen thì nó rất dễ, cực kì dễ. Em chỉ cần liệt kê sơn hào hải vị ra xem nó là những thứ gì, giá bao nhiêu/bữa, ăn ở đâu ngon mà giá tốt: Pizza, Mỳ Ý, Sushi Sashimi, Beefsteak bò Úc bò Mỹ, trái cây nhập ngoại, Ramen hay món ăn Việt…

 

Nếu liệt kê ra em sẽ thấy chỉ mười gạch đầu dòng là hết cái gọi là “sơn hào hải vị” trên đời. Thế rồi xem giá cả em sẽ thấy, bất kể thu nhập của em bao nhiêu, chỉ cần một tháng dẫn mẹ em đi ăn một lần, trong một năm mẹ em nếm gần hết sơn hào hải vị trên đời rồi đấy, có cần em đi làm sống chết cả đời kiếm tiền để mai này cho mẹ sơn hào hải vị hay không?

 

  • Tất nhiên sơn hào hải vị còn tuỳ rất nhiều vào khẩu vị nữa. Theo kinh nghiệm cá nhân của Phi Tuyết, người già không thích và cũng không hợp các loại “sơn hào hải vị” của người trẻ đâu. Hãy cẩn thận khi ước một điều như là “cho mẹ mọi sơn hào hải vị”. Một điều ước dễ thương nhưng đôi khi nó không thực tế một chút nào, bởi vì điều em muốn vẫn là điều em muốn, kể cả khi em đem mẹ vào làm lý do chăng nữa.

 

  • Em có hỏi mẹ em chưa, rằng mẹ có thích ăn đồ ăn các nước, mẹ có thích những món sơn hào hải vị như là món này món nọ. Hỏi đi và em sẽ thấy câu trả lời.

 

  • Hoặc đừng hỏi, dẫn mẹ đi ăn vài lần và xem phản ứng của mẹ đi, em sẽ biết mẹ có mong muốn điều đó không, có thích điều đó, có cần điều đó nhiều như em nghĩ không nhé.

 

  • Cho nên hiểu lầm một là phải thật giàu trong tương lai mới cho mẹ sơn hào hải vị được. Hiểu lầm hai, là em đã bao giờ thực sự hỏi xem mẹ em có muốn thứ mà em đang muốn và đang nghĩ mẹ muốn?

 

  • Em muốn kiếm tiền vì cả xã hội đều điên cuồng lên vì việc kiếm tiền, em không thể ra khỏi vòng xoáy đó, sự thôi miên đó. Em muốn kiếm tiền vì em muốn lo cho mình cuộc sống tốt nhất có thể được. Và tất nhiên cuộc sống của em tốt nhất thì em cũng có thể giúp mẹ có cuộc sống tốt hơn. Em muốn kiếm tiền để trở thành người thành công trong mắt xã hội và trong mắt mẹ, thế thì mẹ sẽ tự hào về em, thế thì em cảm thấy mình là đứa con tốt… Theo mọi cách, em muốn kiếm tiền làm giàu vì bản thân mình, mẹ là một lý do rất mờ nhạt, như cái bóng thôi, không phải lý do chính đâu.

 

  • Khi mình làm một thứ vì lý do phụ, mình khó mà hết lòng được, không hết lòng thì khó thành công lắm. Dù cho là việc nhỏ xíu. Lý do là động lực, nó phải khởi nguồn từ nhu cầu thực của bản thân, thì may ra mới cho em năng lượng để theo đuổi. Bất cứ lý do nào không cho em năng lượng, đều chỉ là phụ.

 

Nên cần làm rõ, em thực sự muốn kiếm tiền vì chính mình, hay vì mẹ?

 

  • Thế rồi trường hợp khác, có thể em thực sự muốn kiếm tiền chỉ vì mẹ, chỉ để mẹ có cuộc sống tốt – như lời em nói. Vậy thì vấn đề khác lại lộ ra: Em có thực sự biết cuộc sống tốt – trong mắt mẹ em, theo nhu cầu của mẹ – là gì?

 

  • Mẹ có thực sự cần nhà nhiều phòng, nhà full tiện nghi, xe hơi, ăn đồ ăn tiệm, đi du lịch mọi nơi… hay không? Em muốn cho mẹ những thứ này, nhưng khiêm tốn xem xét lại đi, đây là nhu cầu của em, hay của mẹ?

 

  • Nếu gạt mẹ sang một bên, thì những gì em đang muốn có còn giá trị nào không? Nếu còn, thế thì nó là mong muốn của cá nhân em thôi, đừng mang mẹ vào như một lý do để tự đánh lừa bản thân mình.

 

  • Nếu gạt bỏ nhu cầu của mẹ ra mà những điều em muốn chẳng còn chút giá trị nào, thế thì tốt, em đang thực sự lo cho tương lai của mẹ thôi. Thế thì đừng lo một mình nữa, mang mẹ vào câu chuyện này đi. Ngồi lại với mẹ, nhìn vào mắt mẹ, nắm tay mẹ và hỏi xem cuộc sống mà mẹ thực sự muốn, là gì? Con có thể làm gì để mẹ sống tốt hơn vui vẻ mãn nguyện hơn? Nếu con muốn sống một cuộc đời đơn giản nhưng vui vẻ hạnh phúc, đồng nghĩa không có khả năng cho mẹ mọi sơn hào hải vị, mẹ nghĩ sao? Mẹ có trách con không? Mẹ có yêu thương con không?

 

  • Nếu em thực sự làm mọi thứ chỉ vì mẹ, thế thì mang mẹ vào, nghe mẹ nói đi. Em sẽ ngạc nhiên nhiều đấy về những gì người già muốn và những gì người trẻ nghĩ người già muốn.

 

  • Làm rõ mọi thứ ngay từ đầu sẽ tốt hơn cứ sống trong mây mù của tưởng tượng, suy đoán mông lung.

 

  • Chốt: Em không thể nào cho mẹ thứ mẹ muốn đâu, khi em còn không biết mẹ muốn gì.

 

  • Tuy nhiên nếu em muốn cho mẹ thứ mà bản thân em muốn, thế thì chịu trách nhiệm đi, sáng tạo đi, đừng nói đó là “vì mẹ”. Bất cứ gì em muốn cho mẹ trải nghiệm, thì làm đi, đừng chần chừ nữa. Nó không khó đến vậy đâu. Nếu muốn đưa mẹ du lịch: mua ngay một tour du lịch nước ngoài, Cambodia hay Thái Lan không quá đắt, xem mẹ thích không, xem mẹ phản ứng thế nào. Có thể chỉ sau một chuyến duy nhất mẹ sẽ biết mẹ chẳng bao giờ thích thú gì ý tưởng du lịch đó nữa cả. Nếu mẹ vẫn thích, tốt, em có mục tiêu làm việc tích cóp cho chuyến tiếp theo. Đưa mẹ đi bây giờ chứ đừng đợi khi mẹ 90 tuổi.

 

  • Rất nhiều điều mọi người có thể làm nhưng họ không làm, vì bận suy nghĩ.

 

  • Suy nghĩ luôn làm cho mọi thứ khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều lần.

 

  • Không suy nghĩ, chỉ làm. Cái gì làm mình vui thì làm nhiều lần, cái gì không vui thì ý thức không lặp lại nữa. Đây là đỉnh cao của lối sống đơn giản. Thiền – hài lòng với mọi thứ mình có là đỉnh cao của sống đơn giản. Nó là lối thoát thực duy nhất, giá trị nhất, dễ nhất mà cũng khó nhất. Giống như không suy nghĩ là khó nhất vậy.

 

  • Tất nhiên để làm được điều này (chỉ làm, không cần nghĩ) thì cần một số điều kiện về vật chất lẫn nhận thức nữa, xin phép không nói tới ở đây.

 

  1. “Em sợ một khi em kiếm được tiền rồi em sẽ bị nó cuốn theo, không dừng lại được, không còn mong muốn đơn thuần như ban đầu” => về khoản này thì rõ ràng là em thông minh và rất sáng suốt. Nó đích thị là như thế: một khi em kiếm được tiền và bị lạc trong cơn bão của kiếm tiền, rất rất và rất khó để rút ra.

 

Bởi vì điều này còn chưa xảy ra nên nói về nó là vô ích, có thể em sẽ bị lạc luôn trong cơn bão trước cả khi kiếm được nhiều tiền, có thể em sẽ làm chủ cơn bão và bước ra ngon lành, có thể em bị cuốn vào nó tới chết… ai mà biết được, kịch bản nào cũng có thể xảy ra cả.

 

Cho nên cần hết sức thận trọng khi nói về điều gì đó như là “tôi có nên kiếm tiền không?”. Bạn còn không biết, thì ai biết?

 

Nếu bạn thấy cuộc sống nghèo-tiền mang lại nhiều khó khăn quá, thế thì tập trung 100% sức lực vào kiếm tiền đi, thắc mắc gì nữa? Tới khi bạn thấy cuộc sống nhiều-tiền mang lại nhiều rắc rối quá, thế thì làm ngược lại: tìm mọi cách ra khỏi nó.

 

Chuyện cực đơn giản nếu người ta chỉ có một hướng đi, một hướng nhìn.

 

Sở dĩ chuyện khó khăn là vì người ta bị kẹt giữa các hướng, muốn đi hướng này nhưng thấy bản thân không đủ lực, thấy khó khăn nên nghĩ hay bỏ cuộc cho rồi, chọn hướng khác dễ dàng hơn và cho nó một lý do tốt đẹp gì đó như là: tôi không phải người tham lam, tôi thích vừa đủ vậy thôi.

 

Có hai kiểu không tham: kiểu không có điều kiện để tham và kiểu có điều kiện nhưng vẫn không tham. Kiểu hai cực ít, kiểu một nhiều hơn và không có gì đáng xấu hổ về nó cả.

 

  1. “Đất lành”: mỗi người có một định nghĩa riêng về đất lành, em tự định nghĩa đất lành của em đi rồi xem nó có xứng đáng để theo đuổi hay không.

 

 

  1. Sống đơn giản và sống vật chất thật ra không mâu thuẫn nhau chút nào. Mọi người thấy mâu thuẫn vì mọi người chưa sống nó.

 

Vật chất cho người ta điều kiện để lựa chọn cuộc sống mà mình mong muốn, trong đó có lối sống đơn giản.

 

Ví dụ Phi Tuyết là người đơn giản, cô ấy hài lòng với bất cứ món gì, miễn nó ngon. Cô ấy dễ dàng hài lòng với bất cứ thứ gì, miễn nó là thứ tốt nhất. Đấy, có đơn giản không?

 

Và ai bảo Phi Tuyết không xa xỉ? Xa xỉ lắm ấy chứ. Không chỉ mua đồ đắt tiền mới là xa xì, mua đồ rẻ tiền như một bộ quần áo 300k mà không bao giờ đụng tới thì còn xa xỉ và lãng phí hơn cả việc mua món đồ 3 triệu mà mặc thường xuyên. Rồi mua đá quý về chất đầy đầy tủ nhà tràn cả ra sân – là xa xỉ chứ. Mua bàn me tây nhiều đến nỗi chẳng có chỗ mà để, là xa xỉ chứ. Order món ăn trong nhà hàng đắt tiền chỉ vì muốn biết nó là gì, dù ăn không nổi, là xa xỉ chứ. Sở hữu 700 cái nhẫn khách hỏi không chịu bán, cũng không đeo, là xa xỉ chứ.… Xa xỉ có nhiều cấp độ, cũng hệt như “đất lành – cuộc sống mơ ước” của mọi người cũng có nhiều cấp độ khác nhau.

 

Đừng bao giờ bận tâm nhiều về xa xỉ của người khác, nhưng hãy bận tâm xem thế nào là xa xỉ với mình, mình có muốn nó không. Đừng bận tâm về xa xỉ của người khác nhưng hãy dành thời gian đó để nghĩ xem đất lành, là cuộc sống mơ ước của bản thân mình là gì – rồi theo đuổi và tìm cách biến nó thành hiện thực thôi.

 

Đấy là về khoản vật chất ủng hộ cho lối sống. Kiếm tiền để xây dựng cuộc sống mơ ước là quyền của mọi người, chỉ cần ý thức thật nhiều về điều mình mơ ước là được.

 

Tất nhiên ai mạnh hơn nữa, ngon hơn nữa, bản lĩnh hơn nữa thì hoàn toàn có thể sống cuộc đời đơn giản mà không cần sự mắc mứu của vật chất chút nào. Đây là cấp độ tôi chưa trải qua nhiều nên cũng không có gì nhiều để nói.

 

Ví dụ, tôi có người bạn phát điên về đồng hồ đắt tiền, sưu tầm đồng hồ vài chục triệu, vài trăm triệu và giờ đang mơ về chiếc đồng hồ ba tỷ. Tôi không mê đồng hồ, không có số tiền đó và càng chẳng thấy lý do gì để mà bận tâm về nó. Thế thì xa xỉ của người khác chẳng đụng chạm gì tới cuộc sống của tôi, tốt làm sao. Không-giàu cũng có cái hay của nó. Nếu tôi phát điên về đồ hiệu, chỉ cần nhìn người đang phát điên về đồ hiệu – tôi thấy mình may mắn và biết ơn vì không như họ. Nhưng không có nghĩa tôi không tôn trọng đồ hiệu hay không thấy giá trị của nó. Đơn giản “mảnh đất đồ hiệu” không phải “đất lành” mà tôi muốn sống. Tôi biết ơn vì điều đó.

 

Rồi ví dụ khác về chuyện không cần quá bị mắc mứu vật chất: Tôi thường tự hỏi bản thân mãi về việc có cần một chiếc xe hơi không? Có nên tích cóp tiền để sắm một chiếc? Ý tưởng thì cũng hay nhưng sắm xe về rồi đậu xe ở đâu, dùng xe vào việc gì thì lại chẳng trả lời được, thành ra ý định cứ gác lại đấy.

 

Thi thoảng an ủi bản thân rằng mua chiếc xe rồi tự lái đi khắp cả nước, vừa du lịch, vừa bán sách bán nhẫn, làm talkshow giao lưu kết bạn với mọi người… Nghe cũng hay nhưng sau đấy lại nghĩ ngay: nhưng giờ cũng làm được mà không cần xe hơi đó, sao không làm đi – vì chưa đủ muốn.

 

Rồi ba mẹ có xe hơi ít xài suốt ngày kêu lấy mà chạy đó, sao không lấy mà làm – thì cũng không muốn.

 

Rồi nếu thích tự lái thế, thì thuê xe cũng được, thuê chiếc bán tải ngon lành vài ba tháng, làm một chuyến đi như thế là xong. Vài chục triệu chứ cần gì cả tỉ bạc để tự mua xe cho vất vả?

 

Nói chung là phương án cho mọi vấn đề luôn có sẵn và có rất là nhiều, chẳng qua mình không thèm nghĩ, mình không thèm sáng tạo, mình chỉ thích lấy lý do “tại sao tôi không thể” để kết thúc câu chuyện cho nó nhanh.

 

Dù sao việc có một kế hoạch cất đâu đó trong tủ là thứ giúp nhiều người sống sót mãi cho tới giờ. Một thứ gì đó “giữ” mọi người tiếp tục làm điều họ đang làm, thứ gì đó “lôi” mọi người tiến về phía trước. Đó là lý do mọi người không thực sự ngụ ý điều họ nói, khi họ nói họ muốn thứ này thứ nọ. Họ không muốn nhiều đến thế đâu, vì nếu không, họ đã làm nó rồi chứ chẳng ngồi đó nói mãi về nó.

 

  1. “Em có ích kỉ không khi không lo cho mẹ đầy đủ vật chất” => cái này em nên nói chuyện với mẹ để xem mẹ nghĩ gì, mẹ muốn gì. Đừng đoán mò điều người khác muốn rồi giam mình trong nhà tù ảo giác đó.

 

Cũng như mọi cha mẹ thường hiểu lầm việc con cái muốn gì, con cái cũng thường xuyên hiểu lầm cha mẹ muốn gì, đơn giản vì mọi người chẳng bao giờ chịu ngồi nhìn sâu vào điều mình muốn, cũng chẳng bao giờ thổ lộ nó ra cho người khác cả.

 

Không biết bao nhiêu lần trong đời, Phi Tuyết ngồi trong một nhà hàng ăn một món ngon hay thảnh thơi trong một quán cà phê ở khu resort sang trọng đẹp đẽ và nghĩ về cha mẹ và thương họ, và ước mang họ đến đó tận hưởng…

 

Một lần, bảy năm trước, một người anh cho tôi ăn thử bánh “pizza thảo mộc”, tối đó chúng tôi nghe hát ascoutic nhạc Trịnh trong một quán cà phê sang trọng ấm cúng, tôi nhìn những người trạc tuổi cha mẹ mình sao họ thảnh thơi thưởng thức nghệ thuật thế mà cha mẹ mình cứ mãi ở xó làng với cái tiệm tạp hoá không bao giờ chịu đi đâu. Nghĩ về họ và thêm tác dụng của thảo mộc, tôi vừa nghe nhạc vừa khóc như một dòng sông không thể cầm mình lại. Đến nỗi người anh đi cùng phải nhắc khéo, ‘hết khăn giấy đưa em rồi, em đi vào toilet đi’.

Vâng, tôi đã dành nhiều năm đời mình sống với sự day dứt rằng làm sao để giúp cha mẹ tôi hưởng thụ cuộc sống này nhiều hơn. Có lẽ mọi đứa con đều ít nhiều có lần mang cảm giác ấy.

 

Thật là một việc vô dụng!

 

Mãi sau này, sau biết bao nhiêu tranh luận, thuyết phục và thậm chí cãi nhau to, tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng, cha mẹ biết điều tốt nhất cho họ, cha mẹ biết điều họ muốn và kì lạ chưa, điều họ muốn chẳng dính dáng gì tới đồ ăn ngon trong nhà hàng, khu du lịch đẹp đẽ hay bất cứ thứ gì như vậy hết.

 

Cha mẹ thoải mái và thích nhất là ở nhà, trong không gian thân thuộc của họ. Họ thích mời bạn bè đến nhà cùng nấu ăn, hát karaoke, đôi khi nhà này đôi khi nhà khác loanh quanh trong một khu làng nhỏ, vậy là họ hạnh phúc và mãn nguyện. Tất nhiên cha mẹ khác nhau có sở thích khác nhau, tôi không bận tâm cha mẹ khác, tôi chỉ biết về cha mẹ mình. Việc của bạn là tìm hiểu về nhu cầu và mong muốn của cha mẹ bạn, thế thôi!

 

Cũng đôi lần tôi cố mang “sơn hào hải vị” về nhà cho cha mẹ nhưng lần nào cũng thất bại, vì đó không phải khẩu vị của họ. Họ không thích những thứ đồ ăn đó, họ thậm chí còn chê và giận vì tôi mua đồ mắc tiền nữa. Tiền đó “mua được cả bầy gà luộc ăn còn ngon hơn”.

 

Không biết bao nhiêu lần tôi cố tìm cách mời họ đến nhà hàng Nhật thử món sushi, sashimi nhưng họ đều tìm cách từ chối cả, giống như việc bạn ăn chay và ai đó cố mời bạn ăn thịt vậy, bạn cũng trân trọng chứ nhưng đơn giản là “không thích, không hứng thú, xin cảm ơn”.

 

Không biết bao lần tôi cố thuyết phục cha mẹ cho phép tôi sửa sang lại căn nhà hoang ngay cạnh nhà (đang nuôi gà vịt) thành một căn nhà nghỉ dưỡng xinh xinh với thảm cỏ vườn hoa, họ đều từ chối với đủ lý do: làm làm gì có ai ở đâu, tốn tiền, bày vẽ…

 

Sau rốt, tôi từ bỏ mọi nỗ lực khiến cuộc sống của cha mẹ tốt hơn (theo cách của tôi) và thay vào đó, làm mọi thứ theo cách của họ.

 

Thay vì mời ba đi ăn cá sống kiểu Nhật, tôi mua gỏi cá kiểu Việt và thấy ba cực kì hài lòng. Thay vì mời mẹ đi du lịch đây đó, tự tôi đi chơi và chia sẻ hình ảnh những thứ xinh xinh với mẹ kèm vài câu “mát mẻ”: ‘làm việc kiếm tiền nhưng cũng phải nghĩ đến tiêu tiền chứ, cuộc sống nhiều cái thú vị thế mà mình cứ trốn rịt ở trong làng mãi nó phí đời đi, nó mốc meo con người mình ra, mẹ nhờ’…

 

Tôi nói những điều này không phải để khoe với mẹ, cũng không phải vì muốn rủ mẹ đi đâu nữa, mà để mong mẹ nhìn thấy thế giới nhiều hơn và rồi thông cảm với các anh chị tôi khi họ muốn đi chơi. Tôi nói mát mẻ để mong mẹ không cấm cản họ vì đủ mọi lý do như là ‘chơi bời gì, lo ở nhà đi làm mà kiếm tiền’ này nọ nữa. Tôi đã nghe những câu này cả đời mình, tôi chán ngấy nó rồi. Tôi có thể đi vì tôi tự do, nhưng các anh chị tôi bị ảnh hưởng bởi mẹ rất nhiều, đôi khi họ không dám đi đâu chỉ vì sợ mẹ không thích. Thật kì lạ cách mọi người cố kiểm soát lối sống của nhau và cố ép người khác sống theo cách của mình. Thật vô cùng kì lạ, và đau lòng nữa.

 

Nói tóm lại, cuộc sống và mối quan hệ của tôi và cha mẹ chưa bao giờ tốt đến thế, kể từ khi tôi từ bỏ những ý định, ý tưởng nghe có vẻ rất tốt đẹp như là “giúp họ sống cuộc đời tốt hơn” vì thực tế, họ đang sống cuộc đời mà họ muốn rồi. Tôi là ai mà cố đòi họ thay đổi?

 

Tuy nhiên, nếu họ ngỏ ý muốn tôi làm điều gì đó để thay đổi cuộc đời họ, tôi sẵn sàng chứ. Nếu họ bảo, “Tự dưng bố mẹ muốn đi du lịch, nhờ con lên chương trình dẫn bố mẹ đi” hay “Nhờ con sửa lại căn nhà này cho nó đẹp hơn tí” thế thì tất nhiên tôi sẵn lòng chứ. Nhưng họ chẳng bao giờ đòi hỏi gì, và tôi vô cùng hạnh phúc lẫn biết ơn vì cha mẹ chẳng bao giờ đòi hỏi gì nơi tôi cả.

 

À có, một điều duy nhất có lẽ họ đòi hỏi là việc họ muốn tôi đi nhà thờ trở lại.

 

Tin vui là tôi đã đi nhà thở trở lại (thi thoảng) rồi đây. Họ rất hạnh phúc. Đây là việc nhỏ bé nhất tôi có thể làm để giúp cha mẹ hạnh phúc.

 

Tin buồn là tôi đi nhà thờ không phải vì họ, không phải vì cố làm họ hạnh phúc chút nào.

 

Tôi đi nhà thờ trở lại vì giờ tôi thích đến đó, một nơi tuyệt vời để thiền bằng việc quan sát, lắng nghe và để bản thân mất hút trong năng lượng sùng kính đó.

 

Tôi thích đi nhà thờ nên tôi đi trở lại, tiện làm sao cha mẹ tôi rất vui vì điều đó cho nên mọi người đều vui cả.

 

  1. Thôi trả lời gì dài ớn, tôi xin rút lại bằng lời khuyên cuối cho em: Đừng mang mẹ vào làm lý do nhưng hãy thừa nhận mọi trách nhiệm về mình, quan sát bản thân, thấu hiểu bản thân để hỏi câu hỏi đúng.

 

Chỉ khi câu hỏi đúng thì em mới tìm câu trả lời đúng được. Hiện tại các câu hỏi của em đang khá sai vì em đặt đối tượng hỏi bên ngoài bản thân, và hỏi về việc chưa xảy ra, một việc mà em đoán mò, tưởng tượng, chưa có cơ sở thực tế.

 

Thay đổi câu hỏi đi, bằng việc bắt đầu tự hỏi bản thân mình: Mình có nên theo đuổi việc kiếm tiền không? Tại sao?

 

Nếu em hỏi câu đó, lời khuyên của tôi cho em rất đơn giản rằng:

Em, ntiền bạc làm em bận tâm thế, kiếm nhiều hơn đi. Kiếm tới khi nó không còn làm em bận tâm nữa đi.

 

Nếu em thông minh, nếu em kiếm đủ nhiều và chiêm nghiệm đủ sâu khi kiếm tiền, em sẽ sớm chán việc kiếm tiền và chán theo đuổi lối sống xa xỉ, em sẽ thích sống đơn giản chân phương.

 

Lúc đó câu hỏi duy nhất còn lại sẽ là: Làm sao để em đơn giản hoá cuộc sống của mình đây?

 

Thế thì sẽ không còn mâu thuẫn và tranh đấu việc nên làm gì nữa, chỉ cần làm thôi.

 

Chúc em may mắn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *