Osho nói về danh vọng: Tại sao chúng ta luôn mơ về tương lai?

Chương 2: Không ở đây, không ở đó

Mỗi ham muốn đều được sinh ra từ quá khứ và mỗi ham muốn đều là những dự án trù hoạch cho tương lai. Quá khứ và tương lai tạo thành toàn thể tâm trí của bạn. Phân tách tâm trí, mổ xẻ nó ra và bạn sẽ thấy chỉ hai thứ tồn tại: quá khứ và tương lai. Bạn sẽ không tìm thấy bất cứ mẩu nào của hiện tại, thậm chí không một nguyên tử nào. Và hiện tại là chính thực tại này, thứ duy nhất đang tồn tại, điệu vũ duy nhất.

“Tại sao tôi luôn mơ mộng về tương lai?”

Mọi người đều như vậy cả. Tâm trí con người là thiên tài của việc mơ ngày. Trừ khi bạn vượt lên trên tâm trí, bằng không bạn sẽ cứ tiếp tục mơ ngày: mơ mộng, mơ tưởng, tưởng tượng. Tâm trí không thể tồn tại trong hiện tại. Nó có thể tồn tại chỉ trong quá khứ hoặc tương lai. Không có cách nào để tâm trí tồn tại trong hiện tại. Để ở trong hiện tại, bạn cần vô-trí.

Thử mà xem, nếu như có một khoảnh khắc khi bạn có thể hiện diện tỉnh táo mà không có bất cứ suy nghĩ nào thoáng qua nhận thức của bạn, khi màn hình của nhận thức không một gợn mây, thế thì đột nhiên bạn thấy mình đang ở trong hiện tại. Đó là khoảnh khắc thực của hiện tại, của chân lý. Bạn sẽ thấy tại khoảnh khắc đó không tồn tại quá khứ lẫn tương lai.

Thông thường, thời gian được chia làm ba thì: quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự phân chia này về cơ bản là sai, không khoa học. Bởi vì hiện tại vốn dĩ không phải là một phần của thời gian. Chỉ có quá khứ và tương lai là những phần khác nhau của thời gian. Hiện tại vượt ra ngoài thời gian. Hiện tại là vĩnh hằng.

Chỉ quá khứ và tương lai là những phần của thời gian. Quá khứ là phần không còn nữa và tương lai là phần chưa tồn tại. Cả hai đều không tồn tại trong khoảnh khắc này. Chỉ hiện tại mới là thứ tồn tại ở khoảnh khắc này. Những gì đang hiện hữu thì không thể là một phần của thứ không hiện hữu. Chúng không bao giờ gặp gỡ. Chúng không bao giờ có điểm giao nhau. Và thời gian là tâm trí, quá khứ cứ tích trữ những gì là tâm trí của bạn.

Tâm trí là gì? Phân tách nó, nhìn sâu vào nó bạn sẽ thấy nó chẳng là gì ngoài những kinh nghiệm quá khứ của bạn được chất đống lại. Tâm trí giống như một cái túi có đáy, có biên giới. Nó giữ toàn thể quá khứ của bạn, không gì khác. Nếu từ từ, dần dần, bạn lấy quá khứ ra khỏi cái túi, cái túi sẽ biến mất.

Nếu quá khứ là thực tại của tâm trí thế thì tâm trí có thể làm gì? Một khả năng là nó cứ tiếp tục nhai đi nhai lại quá khứ mãi mãi. Đó là những gì bạn gọi là ký ức, hồi ức, sự hoài cổ. Bạn cứ đi lùi lại mãi vào trong những khoảnh khắc của quá khứ, những khoảnh khắc đẹp, những khoảnh khắc hạnh phúc. Những khoảnh khắc đẹp này không nhiều và thường cách xa nhau nhưng bạn cứ bám vào chúng. Bạn né tránh việc nhớ lại những khoảnh khắc xấu xí, những khoảnh khắc đau khổ.

Nhưng điều này bạn không thể cứ tiếp tục làm mãi vì nó là vô ích, vô nghĩa. Vậy nên tâm trí mới tạo ra một thứ có ý nghĩa hơn, đó là khi bạn bắt đầu mơ ngày, tức là tưởng tượng về tương lai của bạn.

Tâm trí nói, ‘Đúng vậy. Quá khứ thì tốt, nhưng nó xong rồi, không có gì để làm với nó nữa. Nhưng có gì đó để ta làm trong tương lai bởi vì tương lai còn chưa tới’. Vậy nên bạn chọn từ trong những kinh nghiệm quá khứ của bạn những gì mà bạn thích lặp lại trong tương lai, và bạn vứt bỏ những kinh nghiệm đau khổ mà bạn không muốn lặp lại. Những giấc mơ của bạn về tương lai không là gì ngoài quá khứ đã được sửa đổi với một phiên bản tốt hơn, được trang trí đẹp hơn, nhiều thành công hơn, ít đau đớn hơn, nhiều niềm vui hơn. Đây là cách tâm trí bạn cứ tiếp tục làm việc và cách này nữa cũng làm cho bạn bỏ lỡ mất thực tại.

Thiền định đơn giản là những khoảnh khắc khi bạn không còn trong tâm trí. Thiền định là một vài khoảnh khắc khi bạn trượt ra ngoài tâm trí, trượt vào trong thực tại, vào khoảnh khắc lúc này, ngay bây giờ. Những khoảnh khắc thực tại này cực kì ngây ngất đến nỗi một khi bạn đã nếm trải nó, bạn sẽ ngừng hẳn việc mơ ngày.

Mơ ngày sẽ vẫn luôn còn đó trừ khi bạn bắt đầu nếm trải thiền định. Trừ khi bạn được nuôi dưỡng bởi thiền, bằng không bạn sẽ cứ còn đói khát và còn khao khát thực phẩm cho tương lai. Mơ ngày là thực phẩm nuôi dưỡng tương lai – thứ không tồn tại. Bạn đang hi sinh thực tại để nuôi dưỡng thứ không tồn tại.

Bạn cũng biết tương lai sẽ chẳng mang theo chút dưỡng chất nào cả bởi vì ngày hôm nay chính là tương lai của ngày hôm qua. Mới ngày hôm qua bạn còn nhìn hôm nay giống như tương lai. Và khi ấy bạn đã mơ về nó. Bây giờ nó đã ở đây rồi. Có cái gì xảy ra? Bạn có hạnh phúc không? Ngày hôm qua cũng đã từng là tương lai nữa. Quá khứ luôn đã là một phần của tương lai vào ngày nào đó và nó luôn luôn trượt ra xa. Tương lai luôn trượt ra khỏi tay bạn. Bạn đang tự lừa dối chính mình bằng việc mơ ngày. Bạn tự nhủ rằng bằng việc mơ ngày, bạn nắm giữ được tương lai.

Hãy tỉnh táo một chút đi, và cố gắng mang nhận thức của bạn vào trong thực tại nhiều hơn nữa. Nhìn những đoá hoa, đừng nghĩ về đoá hoa. Nghe những lời tôi thốt ra, những lời tôi thốt ra ngay lúc này chứ không phải những từ mà tôi sẽ thốt ra sau đó. Nhìn vào thực tại ngay lúc này. Nếu như bạn trì hoãn dù chỉ một khoảnh khắc, bạn sẽ lỡ mất nó. Và sau đó nó trở thành một thói quen, một thói quen sẽ ăn rất sâu. Bạn đã lỡ mất ngày hôm qua. Bạn lỡ mất ngày hôm nay và ngày mai nữa bạn cũng sẽ bỏ lỡ mất. Rồi ngày kia cũng cùng chung số phận bởi vì bạn vẫn cứ giữ nguyên thói quen đó, cách sống đó. Không chỉ vậy, thói quen mơ ngày của bạn sẽ còn trở nên mạnh dần lên.

 

Tôi đã đọc một câu chuyện dân gian Nhật Bản rất đẹp. Lắng nghe nó.

Có một người đàn ông làm nghề tạc tượng từ những khối đá lớn. Công việc của ông ấy rất nặng nhọc nhưng tiền công thì còm cõi và tất nhiên, ông ấy không hài lòng chút nào.

Ai mà hài lòng chứ? Thậm chí ngay cả những hoàng đế còn không hài lòng nữa chứ nói gì đến người đẽo tượng? Công việc thì vất vả và tiền lương gần như không có gì. Ông ấy thở dài, khóc và cầu nguyện rằng, “Ước gì tôi giàu có đủ để chỉ nằm dài trên tràng kỉ bọc lụa mà nghỉ ngơi.” Và kìa, một thiên thần đã xuất hiện và nói, “Ông sẽ có điều ông ao ước.” Thế rồi điều đó thực sự xảy ra.

Nó xảy ra không chỉ cho truyện ngụ ngôn và các câu chuyện cổ tích nhưng nó xảy ra với đời sống thực nữa. Bất cứ gì bạn nghĩ về chính mình, nó sẽ xảy ra. Bạn có thể tạo ra thế giới của bạn chỉ bằng suy nghĩ của bạn. Bạn có thể tạo ra thế giới của bạn chỉ bằng những khao khát của bạn. Bất cứ gì mà bạn cứ nài nỉ mong cầu, nó sẽ xảy ra. Thực tại luôn sẵn lòng hợp tác với bạn. Nó chờ đợi khoảnh khắc một ngày khi bạn cũng sẵn lòng hợp tác với nó. Cho đến khi đó, nó sẽ hợp tác với bạn trước.

Thiên thần nói, “Ông là thứ ông muốn” và người đàn ông bỗng trở nên giàu có, đang ngồi nghỉ ngơi trên một chiếc tràng kỉ phủ lụa. Cùng lúc vị vua của vùng đất ấy đi ngang qua với cỗ xe ngựa có người điều khiển ở phía trước và rất nhiều người hầu cận ở phía sau giữ những cây dù lọng lớn màu vàng hoàng kim giúp che nắng cho nhà vua.

Khi người đàn ông giàu thấy điều đó, ông ta bực tức rằng không có chiếc dù hoàng kim nào che nắng trên đầu ông ấy cả, ông ấy không hài lòng. Ông ấy lại khóc và nói, “Tôi ước gì mình được làm một vị vua”. Thiên thần lại đến và nói “Ông là những gì ông vừa ao ước.”

Ông ấy trở thành một vị vua với nhiều người hầu cận, kể cả người đánh xe ngựa phía trước và người mang dù lọng che đầu ông ấy phía trên. Mặt trời toả ra những tia nắng nóng bức đến nỗi những cây cỏ cũng muốn khô héo.

Vị vua phàn nàn rằng mặt trời đốt nóng mặt ông ta và rằng mặt trời còn quyền lực hơn cả ông ấy. Ông ấy lại khóc và ước mình là mặt trời. Thiên thần lại xuất hiện biến điều ước ấy thành hiện thực.

Khi là mặt trời, ông ấy chiếu những tia nắng của mình xuống khắp mọi nơi, thiêu cháy những bụi cỏ, đốt nóng khuôn mặt của mọi vị vua trên mặt đất.

Một đám mây kéo đến che lấp mặt trời, bảo vệ mặt đất khỏi sức nóng và thậm chí còn khiến cho những tia nắng của mặt trời bị dội ngược lại. Mặt trời tức giận vì quyền năng của mình bị chống lại, ông ấy không hài lòng. Ông ấy ước được là đám mây, thứ còn quyền lực hơn cả mặt trời. Thiên thần đến và nói, “Ông là những gì ông ao ước.”

Ông ấy trở thành đám mây và hiên ngang đứng chắn giữa mặt trời và mặt đất, chống lại sức nóng của mặt trời và giữ cho cỏ được lên xanh. Thế rồi những đám mây bắt đầu nặng trĩu và mưa những hạt lớn xuống mặt đất, khiến những dòng suối biến thành sông và gây ngập lụt cuốn băng những ngôi nhà, phá hoại những cánh đồng đã từng xanh tốt. Nước chảy tràn qua những tảng đá nằm trên đường đi của nó và dù có cố gắng đến mấy, nước vẫn không thể làm cho những tảng đá dời đi chỗ khác, chúng cứ đứng trơ trơ. Dòng nước giận dữ bởi vì tảng đá không quy phục trước sức mạnh của nó, điều này khiến nó rất không thoả mãn. Nó khóc, “Tảng đá được trao một sức mạnh vượt hơn cả ta. Ta ước gì mình được làm tảng đá.” Thiên thần đến và ông ấy biến thành tảng đá. Tảng đá đứng hiên ngang tự hào vì ánh nắng mặt trời hay kể cả mưa lũ cũng không thể làm mình xoay chuyển.

Và thế rồi có một người đàn ông đi tới với một cái cuốc, một cái đục và một cây búa nặng. Ông dành hàng giờ tỉ mỉ đục đẽo tảng đá, biến tảng đá thành một bức tượng. Tảng đá nói, “Làm sao điều này có thể? Làm sao một người đàn ông nhỏ bé lại có thể có quyền năng vượt lên trên tôi và đục đẽo tôi, biến đổi tôi?” Và rồi tảng đá lại rất không hạnh phúc, nó khóc và cầu xin “Tôi yếu hơn ông ấy. Tôi ước gì tôi là người đàn ông đó.”

Thiên thần lại đến từ thiên đường và nói, “Ông là những gì ông ao ước.”

Thế là ông ấy lại trở thành người thợ tạc đá một lần nữa. Ông ấy đục đẽo những bức tượng bằng rất nhiều công sức kể cả khi thù lao cho công việc là số tiền rất nhỏ bé nhưng dầu vậy ông cảm thấy thật hạnh phúc làm sao.

Đó là một câu chuyện cổ.

Tôi không đồng ý với phần kết, đó là phần duy nhất mà tôi không đồng ý với cả câu chuyện. Nếu không thì câu chuyện là rất đẹp. Tôi không đồng ý với câu chuyện bởi vì tôi biết con người – họ không dễ dàng đạt được hạnh phúc và mãn nguyện như thế. Bánh xe luôn hoàn chỉnh. Câu chuyện đã đi đến một cái kết rất tự nhiên nhưng cái kết này chỉ nằm trong câu chuyện thôi. Còn những tình huống trong thực tế cuộc sống sẽ không có được kết thúc trọn vẹn một cách tự nhiên như vậy. Bánh xe sẽ lại bắt đầu chuyển động.

Đó là lý do tại sao ở Ấn Độ chúng ta gọi nó là ‘bánh xe luân hồi’, nó cứ quay mãi, quay mãi. Như tôi thấy, trừ khi người thợ tạc tượng đá đó trở thành một vị Phật, bằng không thì câu chuyện sẽ còn lặp lại nhiều vòng nữa. Ông ấy sẽ lại sớm bắt đầu cảm thấy bất hạnh, ông ấy sẽ lại ước có chiếc ghế phủ lụa và các thứ. Nếu như người thợ tạc tượng này thật sự có thể biết mãn nguyện, ông ấy đã nhảy ra khỏi bánh xe luân hồi của sinh và tử. Ông ấy đã trở thành vị Phật.

Điều này chính xác là những gì đang xảy ra trong mọi tâm trí. Bạn khao khát thứ gì đó, nó xảy ra nhưng ngay khi nó xảy ra bạn sẽ thấy rằng bạn vẫn cứ không hạnh phúc. Thứ gì đó lại đang tạo ra những đau khổ mới, tham vọng mới, khát khao mới.

Đây là điều cần được hiểu, rằng nếu tham vọng của bạn không được lấp đầy, bạn sẽ còn đau khổ. Nếu nó được lấp đầy, thế nữa, bạn vẫn sẽ không cảm thấy thoả mãn đâu. Đó chính là tình trạng khổ sở của tham vọng và ham muốn. Được thoả mãn, bạn vẫn sẽ không thấy thoả mãn vì ngay lập tức bạn sẽ có nhiều ham muốn mới nảy sinh.

Bạn chưa bao giờ nghĩ rằng, khi bạn là một vị vua có những người đánh ngựa ở phía trước, dù vàng ở phía trên đầu và vậy mà mặt trời vẫn có thể đốt cháy da bạn. Bạn hẳn chưa bao giờ nghĩ về điều đó. Thế rồi bạn mơ về việc trở thành mặt trời và chưa bao giờ nghĩ về những đám mây, những đám mây chứng minh sự bất lực của bạn. Và điều này cứ tiếp tục mãi như những con sóng trên đại dương không bao giờ kết thúc, trừ khi bạn hiểu và đơn giản nhảy ra khỏi vòng quay của bánh xe.

Cuộc sống là ở đây, cuộc sống là bây giờ. Thiên đàng là ở đây là Thượng đế là bây giờ. Nếu bạn tìm kiếm nó trong việc mơ ngày của bạn, bạn tìm kiếm nó trong vô vọng, bởi vì thiên đàng không là gì khác ngoài việc thoả mãn sâu sắc bên trong ở ngay khoảnh khắc này.

Tâm trí cứ liên tục nói với bạn ‘làm điều này, trở thành người kia, hãy sở hữu này, sở hữu nọ…’ nếu không có chúng thì bạn sẽ không thể hạnh phúc được. Tâm trí liên tục dụ dỗ rằng bạn phải có biệt thự, thế thì bạn mới hạnh phúc. Nếu hạnh phúc của bạn là có điều kiện cho nó, bạn sẽ mãi giữ nguyên tình trạng không hạnh phúc. Nếu như bạn không thể hạnh phúc khi chỉ là bản thân mình, dù cho chỉ là một thợ tạc đá… Tôi biết công việc là khó khăn, tiền công bèo bọt và cuộc sống thì khốn khó – tôi biết, nhưng nếu bạn không thể hạnh phúc là chính mình, với tất cả những gì bạn có, bạn sẽ không bao giờ đạt tới hạnh phúc đâu.

Trừ khi bạn hạnh phúc, đơn giản hạnh phúc mà không cần lý do gì. Trừ khi bạn điên đủ để hạnh phúc mà không cần lý do, thế thì bạn sẽ không thể hạnh phúc. Bạn sẽ luôn tìm kiếm thứ gì đó còn thiếu, tìm ai đó vắng mặt. Và thứ còn thiếu đó sẽ trở thành mơ ngày, ảo tưởng của bạn lần nữa rồi lần nữa.

Bạn không thể đạt được trạng thái nơi tất cả mọi thứ đều sẵn có. Thậm chí nếu điều này là có thể, bạn vẫn sẽ không hạnh phúc. Hãy nhìn vào cơ chế làm việc của tâm trí: nếu mọi thứ là sẵn có như bạn muốn, đột nhiên bạn sẽ cảm thấy chán. Giờ thì làm gì đây?

Tôi đã nghe điều này và tôi nghĩ là nó đáng tin cậy: tôi nghe rằng những người đã đạt tới thiên đường cảm thấy rất buồn chán. Họ ngồi dưới gốc cây thoả-nguyện và họ phát chán chết đi được. Bởi vì khoảnh khắc họ muốn thứ gì đó, một thiên thần sẽ xuất hiện và đáp ứng mong muốn của họ ngay lập tức. Bất kể họ muốn một người phụ nữ đẹp, một Cleopatra chẳng hạn, cô ấy sẽ ngay lập tức có mặt. Bây giờ làm gì nữa? Chẳng có gì để mà làm. Họ phát chán.

Trong những câu chuyện Ấn Độ, có rất nhiều truyện cổ tích về những người phát chán thiên đàng đến nỗi họ bắt đầu khao khát trái đất. Họ có mọi thứ trên thiên đàng, nơi mà họ khao khát khi còn ở trên trái đất. Họ có thể là những nhà khổ hạnh vĩ đại, họ đã từ bỏ thế giới, phụ nữ, mọi thứ, để đạt được thiên đàng. Giờ họ đã đạt tới và thế rồi họ lại khao khát được trở về trái đất.

Tôi đã nghe:

Một viên phi công lái chiếc máy bay mới bay xuyên qua vùng thung lũng. Anh ta nói với viên phụ tá trong lúc chỉ tay về hướng thung lũng xinh đẹp: “Cậu thấy vùng đất kia không? Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi thường hay ngồi bên một bờ hồ và câu cá. Cứ mỗi lần máy bay bay ngang qua tôi lại ngước nhìn lên và ước gì mình là một phi công. Bây giờ, khi là một phi công tôi nhìn xuống dưới đó và lại ước mình đang được ngồi câu cá.”

Bởi vì giờ anh ta đã là phi công rồi, trước đây anh ta chỉ là một cậu bé nghèo mà thôi. Mọi cậu bé khi nhìn máy bay bay ngang đều ít nhất một lần tưởng tượng mình được là người lái máy bay, bay xuyên bầu trời rộng lớn, với gió, với mây. Khi còn là cậu bé, người này đã từng ngồi bên bờ hồ câu cá mơ về bầu trời, vậy mà giờ đây, khi đang là một phi công bay khắp bầu trời bao la, anh ta lại nhìn xuống thung lũng và mơ về cái hồ nước nhỏ bé với những hàng cây bao quanh, khao khát về sự thư giãn của việc câu cá. Giờ hẳn anh ta đang mơ về những ngày nghỉ hưu, đang mong muốn được thoát ra khỏi chiếc máy bay mà anh từng ao ước được lái.

Đó là cách mà mọi thứ cứ xảy ra mãi. Khi bạn không nổi tiếng, bạn muốn được nổi tiếng. Bạn cảm thấy buồn khi người khác không biết đến bạn. Bạn đi ngang qua phố và không ai nhìn vào bạn, không ai nhận ra bạn. Bạn cảm thấy như mình không tồn tại.

Thế rồi bạn mơ ước, bạn làm việc chăm chỉ để được nổi tiếng và một ngày khi bạn thành công, bạn nhận ra mình thậm chí không thể bước đi trên phố được nữa vì những đám đông cứ chăm chăm nhòm ngó bạn. Bạn nhận ra đi cùng sự nổi tiếng bạn không còn chút tự do nào. Càng nổi tiếng bạn càng phải nhốt mình trong phòng nhiều hơn vì bên ngoài là nguy hiểm. Không thể ra ngoài, bạn trở thành tù nhân trong chính ngôi nhà của mình. Thế rồi bạn bắt đầu nghĩ về những ngày tháng tươi đẹp khi bạn thường bước đi trên phố một cách tự do như thể không ai thèm bận tâm đến bạn. Bạn lại mong mỏi những ngày tự do trước đây khi không ai biết mình… Không tin cứ hỏi những người nổi tiếng mà xem.

Voltaire viết trong tự truyện của ông ấy về thời ông ấy còn chưa nổi tiếng và cũng như mọi người không nổi tiếng khác, ông ấy đã khát khao và mơ ước. Ông ấy đã làm việc chăm chỉ và trở thành một trong những người đàn ông nổi tiếng nhất tại Pháp thời ấy. Danh tiếng của ông ta lớn đến nỗi việc rời khỏi nhà để đi ra ngoài phố cũng là một điều nguy hiểm. Bởi vì ngày đó có nhiều điều mê tín và một trong số đó là người ta tin rằng nếu như bạn có được một mảnh trang phục của người nổi tiếng, nó sẽ trở thành món đồ vô cùng giá trị. Nó thậm chí có thể giúp bạn chống lại ma quỷ, chống lại những tai nạn và các thứ xấu.

Vậy nên nếu Voltaire có việc phải đi ra nhà ga, ông ấy phải đi cùng với cảnh sát và những người hộ vệ, nếu không thì người hâm mộ sẽ nhào tới mà xé tan quần áo của ông ấy. Không chỉ thế, da của ông ấy cũng có khả năng bị xé rách và đã có lần ông ấy trở về nhà với đầy máu lẫn những vết thương. Ông ấy đã trở nên vô cùng sợ hãi tất cả những danh tiếng này. Ai mà không sợ khi họ không thể ra khỏi nhà với hàng đống người đang chầu chực để xâu xé mình như thể một bầy sói rình mồi? Ông ấy tuyệt vọng đến nỗi đã cầu xin Thượng đế “Làm ơn. Tôi không muốn nổi tiếng nữa. Nếu cứ như thế này, tôi sẽ thành một người sống mà như chết.” Và sau đó nó đã xảy ra. Thượng đế đã cử thiên thần đến và dần dà, danh tiếng của ông ấy biến mất.

Ý kiến của con người thay đổi rất dễ dàng. Họ không có chút chính trực và kiên trung nào cả. Giống hệt như thời trang, mọi thứ cũng thay đổi giống như vậy. Bạn có thể được tôn sùng ngày nay nhưng ngày mai bạn có thể trở thành người bị xỉ vả nhiều nhất. Một ngày bạn có thể ở trên đỉnh danh vọng của mình, ngày kế tiếp mọi người hoàn toàn quên mất bạn. Một ngày bạn là tổng thống, ngày tiếp theo bạn chỉ là một công dân bình thường và không một ai bận tâm tới bạn.

Cũng như Voltaire, việc tâm trí con người thay đổi như thời tiết đã xảy ra và chẳng mấy chốc mọi người hoàn toàn quên béng ông ấy. Ông ấy đi đến nhà ga và mong đợi sẽ có ít nhất vài người nhận ra mình nhưng không một ai cả, chỉ có con chó của ông.

Khi ông ấy chết, chỉ có bốn người đến trao lời tiễn biệt: ba người đàn ông và một con chó. Ông ấy hẳn là chết trong đau khổ, một lần nữa khát khao vớt vát lại một chút vinh danh.

Làm gì đây? Đây là cách mọi thứ cứ tiếp diễn. Tâm trí sẽ không bao giờ cho phép bạn hạnh phúc. Bất kể bạn trong tình thế nào, tâm trí sẽ luôn tìm ra những thứ để khiến bạn không hạnh phúc.

Để tôi nói theo cách này: Tâm trí là xưởng sản xuất bất hạnh. Toàn bộ chức năng của nó là để tạo ra bất hạnh cho cuộc đời bạn.

 

Kẻ điên và Nhà huyền môn

 

Nếu bạn buông bỏ được tâm trí, đột nhiên bạn sẽ hạnh phúc mà chẳng cần lý do nào. Thế thì hạnh phúc trở thành bản tính tự nhiên, hệt như hơi thở. Để hít thở – bạn không cần chút nhận thức nào cả. Quan sát đi bạn sẽ thấy cơ thể bạn cứ tự nó hít thở. Nhận thức, không nhận thức, thức tỉnh hay đang ngủ, bạn vẫn cứ tự động thở. Hạnh phúc có thể vận hành chính xác như thế. Đó là lý do tại sao ở Phương Đông chúng ta nói rằng hạnh phúc là bản tính tự nhiên bên trong nhất của bạn. Nó không cần những điều kiện bên ngoài: nó đơn giản ở đó, nó là bạn. Phúc lạc là trạng thái tự nhiên của bạn, nó không phải một thành tựu để đạt được. Nếu bạn đơn giản thoát ra khỏi nhà xưởng chế tạo bất hạnh của tâm trí, bạn bắt đầu cảm thấy phúc lạc tràn ngập khắp xung quanh.

Đó là lý do tại sao bạn sẽ thấy vài người điên trông có vẻ hạnh phúc hơn những người được xưng là thánh nhân. Điều gì xảy ra cho người điên vậy? Họ đơn giản thoát ra khỏi tâm trí của họ – tất nhiên, theo một cách sai nhưng họ vẫn ở bên ngoài tâm trí. Một người điên là người đã rơi xuống dưới tâm trí. Bên ngoài tâm trí nhưng là bên dưới. Dù bên dưới nhưng họ vẫn trông có vẻ hạnh phúc. Bạn có thể cảm thấy ghen tị rằng tại sao tôi lại không có niềm hạnh phúc như họ. Một người điên là hết hi vọng nhưng anh ta vẫn hạnh phúc – điều gì đã xảy ra cho anh ta? Anh ta không còn nghĩ về quá khứ và cũng không còn nghĩ về tương lai nữa. Anh ra đã bị trôi tuột ra khỏi dòng chảy của thời gian. Anh ta đang sống trong dòng sông của vĩnh hằng.

Điều tương tự cũng xảy ra cho những nhà huyền môn nữa. Nhà huyên môn là những người cũng đã thoát ra ngoài tâm trí, nhưng là vượt lên trên tâm trí. Tôi không bảo bạn hãy trở thành điên, nhưng tôi bảo bạn rằng có một chút tương đồng giữa một người điên và một nhà huyền môn. Đó là lý do tại sao những nhà huyền môn lớn đều trông một chút điên điên và những kẻ điên khùng nhất đều mang một chút gì đó bí ẩn của nhà huyền môn.

Nhìn vào mắt của một người điên bạn sẽ thấy nó chứa những điều bí ẩn, một thứ ánh sáng không thuộc về thế giới này, như thể anh ta có một cửa sổ bên trong kết nối anh ta tới một nguồn cốt lõi nào đó của cuộc sống. Anh ta rất thư gĩan kể cả khi anh ta không có gì, dầu vậy anh ta vẫn hoàn toàn hạnh phúc. Anh ta không có chút tham vọng hay ham muốn nào. Anh ta không định đi đâu hay trở thành ai. Anh ta cứ ở đó, tận hưởng vui vẻ.

Vâng, người điên và nhà huyền môn có những điểm giống nhau. Điểm giống nhau là cả hai đều đã đi ra bên ngoài tâm trí. Điểm khác nhau là: người điên bị tuột xuống phía dưới tâm trí còn nhà huyền môn thì vượt lên trên tâm trí. Nhà huyền môn cũng là người điên nhưng điên với một phương thức, một sự tỉnh táo. Người điên không có phương thức hay sự tỉnh táo nào.

Tôi không bảo bạn trở thành điên, tôi muốn bạn trở thành nhà huyền môn. Nhà huyền môn cũng hạnh phúc như người điên và tỉnh táo như bất cứ người tỉnh táo nào. Nhà huyền môn là người rất lý trí, mặc dầu vậy vẫn rất hạnh phúc. Nhà huyền môn là sự tổ hợp đẹp đẽ nhất. Ông ấy sống trong sự hoà hợp. Ông ấy có tất cả lý trí mà người bình thường có. Ông ấy có cả hai. Ông ấy là toàn bộ. Ông ấy là toàn thể.

 

Học ngôn ngữ của hiện tại đi.

Bạn hỏi “Tại sao tôi luôn mơ tưởng về tương lai?”

Bạn mơ tưởng về tương lai bởi vì bạn chưa từng được nếm trải hương vị của thực tại. Hãy bắt đầu nếm trải hiện tại đi. Tìm ra những khoảnh khắc mà bạn đơn giản hạnh phúc. Nhìn ngắm những tán cây, hoà mình vào ánh nhìn đó. Lắng nghe tiếng chim, trở thành việc nghe đó, để cho chúng chạm vào cốt lõi sâu nhất của bạn. Để cho tiếng chim thấm đẫm vào toàn thể sự tồn tại của bạn. Ngồi bên bờ biển, chỉ đơn giản lắng nghe tiếng gầm gừ của những ngọn sóng, trở thành một trong số chúng. Bởi vì tiếng gầm hoang dại đó của ngọn sóng không mang theo quá khứ lẫn tương lai. Nếu bạn có thể hoà điệu bản thân mình cùng chúng, bạn cũng sẽ trở thành một tiếng sóng gầm gào. Ôm một cái cây và thư giãn cùng cây, cảm nhận những sắc xanh của nó đang tràn ngập bạn. Nằm xuống trên cát, quên hết đi về thế giới, tan vào trong cát, cảm nhận sự mát lạnh thấm vào trong bạn. Đi ra dòng sông, bơi trong dòng nước và để dòng nước cũng bơi trong bạn. Nghịch trong bùn và trở thành bùn.

Làm bất cứ gì bạn cảm thấy thích thú và tận hưởng việc đó một cách toàn bộ. Trong những khoảnh khắc như vậy, quá khứ và tương lai biến mất và bạn có thể ở trong thực tại tại đây bây giờ. Những khoảnh khắc đó sẽ mang theo những mặc khải đầu tiên, hiển lộ đầu tiên, những phúc âm đầu tiên.

Lời phúc âm không nằm trong cuốn Kinh thánh. Lời phúc âm nằm trong những dòng sông và trong tiếng gầm gừ hoang dại của biển cả, trong cả sự tĩnh lặng của những vì sao. Lời khải huyền đang được viết ra, sự mạc khải của Thượng đế đang được hiện lộ trong từng khoảnh khắc. Toàn thể vũ trụ này là thông điệp của Thượng đế. Hãy giải mã nó. Học ngôn ngữ của nó. Ngôn ngữ của nó là ngôn ngữ của thực tại: hiện hữu ở-đây-bây-giờ.

Ngôn ngữ của bạn chỉ là về quá khứ và tương lai. Vậy nên nếu bạn cứ mãi nói chuyện bằng ngôn ngữ của tâm trí, bạn sẽ không bao giờ có thể ở trong hoà điệu trong hoà hợp với sự tồn tại. Và nếu sự hoà hợp này mà còn chưa được nếm qua, làm sao bạn có thể thôi mơ tưởng? Đây chính là cuộc sống, là thứ tạo ra luân hồi: bạn đã đang và sẽ luôn mơ về cuộc sống mà bạn chưa bao giờ nếm qua.

 

Bạn sẽ vứt sỏi ngay khi được thấy kim cương.

Nó giống như một người đàn ông nghèo đang cố mang một túi đầy những viên đá cuội nhưng lại tưởng đó là kim cương, hồng ngọc, ngọc lục bảo. Nếu như bạn bảo ông ấy “Vứt chúng đi. Ông là đồ ngốc. Chúng chỉ là những hòn sỏi và đá cuội” ông ta sẽ không tin bạn đâu. Ông ta sẽ nghĩ rằng bạn đang cố lừa ông ấy. Ông ta sẽ cố bảo vệ túi đá cuội vì đó là toàn bộ những gì ông ta có.

Tôi sẽ không bảo người đàn ông đó từ bỏ cái túi đá cuội của mình nhưng tôi sẽ cố gắng cho ông ấy thấy những viên hồng ngọc thật sự, ngọc lục bảo và kim cương thật sự. Chỉ cần một cái nhìn thoáng qua vào chúng, ông ấy sẽ ngay lập tức vứt bỏ túi sỏi của mình. Thậm chí không chỉ từ bỏ nó, bởi vì chẳng có gì để mà từ bỏ – chỉ là đá cuội. Bạn không “từ bỏ” những viên đá cuội. Ông ấy sẽ đơn giản nhận ra ngay lập tức rằng mình đã sống bằng ảo tưởng, ảo giác. Giờ kim cương thật đang ngay ở đó. Tự nhiên những viên sỏi sẽ tan biến, chúng biến mất. Ông ấy đơn giản trút chúng ra, làm trống cái túi của mình mà không cần bạn phải nhắc, bởi vì bây giờ ông ấy đã có thứ khác để trút vào túi của mình. Ông ấy sẽ cần túi, cần không gian chứa.

Vậy nên tôi không nói với bạn từ bỏ việc mơ tưởng của bạn vào tương lai, từ bỏ việc mơ tưởng về quá khứ. Hơn thế, tôi sẽ nói với bạn, hãy tạo ra nhiều kết nối hơn với thực tại. Khi thực tại có cơ hội nảy nở trong sự hùng vĩ tuyệt hảo của nó, vẻ đẹp hoàn mỹ của nó, mọi thứ khác đều trở nên quá nhợt nhạt để mà có thể so sánh. Sự từ bỏ đơn giản theo sau nhận thức giống như một cái bóng.

Cho nên, hãy tỉnh táo, hãy nhận thức, hãy học cách sống trong khoảnh khắc này, nhìn ra sự vinh quang, an lạc và hoàn hảo của khoảnh khắc này.

25/5/2020

Phi Tuyết, dịch từ cuốn Osho nói về Thành công, danh vọng, quyền lực, đâu là ý nghĩa thực?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *