Nghệ thuật là gia vị tâm linh khiến cuộc đời thơm ngon

Nghệ thuật, thứ gia vị khiến cuộc sống đậm đà thơm ngon

Nghệ thuật, hiểu một cách đơn giản là những hoạt động sáng tạo làm cho cuộc sống này, thế giới này đẹp hơn, thơ hơn. Tôi không phải một người hoạt động nghệ thuật nhưng tôi chắc chắn là một người quan tâm nghệ thuật, hoặc cũng có thể cho rằng tôi đang sống một cuộc sống khá “nghệ”.

Một ngày đẹp trời tháng một, năm 2020, tôi ở Sài Gòn làm “nhiệm vụ” mà anh bạn Zac giao phó, đó là đón tiếp và đi chơi cùng gia đình Z. khi ba mẹ nó tới thăm Việt Nam lần đầu tiên. Tôi dẫn họ tới bảo tàng chứng tích chiến tranh, một địa điểm khá nổi tiếng nằm ngay ranh giới quận ba và quận một. Tôi đi ngang bảo tàng ấy rất nhiều lần vì nó nằm trên con đường tôi đi bộ đi làm suốt nhiều tháng hồi hai năm trước, nhưng tôi chưa một lần ghé vào thăm nơi ấy. Lý do thì nhiều nhưng quan trọng nhất là tôi không hứng thú lắm với chứng tích chiến tranh, nếu như có một bảo tàng là chứng tích của tình yêu, của sáng tạo, của nghệ thuật thì có lẽ tôi sẽ tìm đến, còn chiến tranh ư? Tôi không hứng thú với chiến tranh chút nào, bất kể nó là chứng tích hay vết tích Lịch sử có giá trị riêng của nó và giá trị ấy nằm ở các bài học. Nếu bạn có thể học các bài học từ chiến tranh thế thì chẳng cần bận tâm chứng tích về chiến tranh cũng không sao. Tôi luôn nghĩ vậy nên sau khi đưa gia đình Z tới cổng bảo tàng, tôi xin phép đi tìm một quán cafe để ngồi đợi họ.

Bước thêm chỉ vài chục mét dưới những tán lá me xanh mát, tôi tìm đến một quán cafe nhỏ thuộc chuỗi Passio nằm ngay cạnh toà nhà nơi tôi từng làm việc. Thật lạ, suốt nhiều tháng làm việc ở đó tôi luôn ao ước một ngày kia chuỗi cafe P. sẽ mở một cửa hàng ở nơi này vì tôi có thói quen sáng nào cũng phải “bơm” vào người một “liều” cappuccino và cappu của họ thì không chỉ ngon mà còn rẻ nữa. Ở đất Sài Gòn này không dễ kiếm một tách cappu chất lượng với chỉ 35k như thế. Tôi uống cappuccino ở khá nhiều quán sang trọng khắp Sài Gòn nhưng tách cappu tôi yêu thích nhất nằm trong một quán cafe nhỏ bé khiêm tốn trên đường Thảo Điền của cậu bạn Hoàng Hùng, quán tên Bin House Coffee, ai đi lang thang khu đó mà có muốn một tách thì nhớ ghé thưởng thức nhé. Khi không có cappu của Hùng thì Passio luôn là ưu tiên của tôi.

Tôi đến cửa hàng P. và gọi cho mình một tách cappu nóng hổi trong lúc ngắm nhìn những người dân đô thị tất bật xung quanh. Toà nhà này có rất nhiều người nước ngoài làm việc nên cả khu vực quán càfe bé nhỏ đầy ắp những anh chàng, cô nàng da đủ màu, tóc đủ màu nhìn thật thích mắt. Tôi hồi tưởng lại những tháng ngày còn phải tất tưởi đi làm đúng giờ và khoan khoái nhận ra thực tại rằng mình đang là một người tự do. Cả đời tôi chỉ duy nhất một lần đi làm thuê nhận lương đó là lần làm cho hãng phim với chức danh Chuyên viên sáng tạo và đó là một công việc tuyệt vời. Nó dạy tôi biết bao nhiêu điều về thế giới nghệ thuật với góc nhìn từ bên trong. Có thể nói là nó mở ra cho tôi một nhãn quan khác, một cánh cửa khác về nghệ thuật mà kể từ ấy đời tôi cũng khác đi rất nhiều. Tất nhiên theo cách đẹp hơn, sâu hơn, ý nghĩa hơn. Tuy công việc rất tốt nhưng một lần làm thuê và đủ cho cả một đời. Tôi không muốn quay lại làm thuê cho ai nữa vì biết chẳng thể nào tìm được công việc khác tuyệt vời như thế hoặc hơn thế. Vâng, tôi là kẻ “chảnh choẹ” như thế. Biết sao giờ.

Đang nhâm nhi tách càfe ấm nóng, mở laptop định viết vài thứ thì một chàng trai đánh giày tìm đến trước mặt tôi đề nghị đánh giày. Tôi nhìn anh ta rồi nhìn đôi giày của mình: đôi giày cổ cao màu nâu làm từ chất da thật rất mềm. Đây là đôi giày “xịn” nhất tôi từng mua cho bản thân và đã có khá nhiều kỉ niệm với nó như là được rất nhiều người bắt chuyện, hỏi thăm chỉ vì đôi giày. Có lần một anh grab còn bảo tôi “Em sống ở nước ngoài bao lâu rồi?” tôi hỏi “Sao anh hỏi vậy?” Anh đáp “Nhìn đôi giày của em là biết em không sống ở Việt Nam”… thật tình tôi không biết sự liên quan là gì luôn, giày da mà cũng chia quốc tịch nữa sao? Nhưng lần khác những người khác cũng nói điều tương tự cho nên tôi đành chấp nhận sự thật rằng đôi giày da của tôi có ngôn ngữ riêng gì đó mà chính tôi cũng không hiểu. Nghệ thuật cũng vậy, nó cũng có một ngôn ngữ riêng mà không dành cho tất cả mọi người, chỉ những người hiểu được ngôn ngữ của nghệ thuật thì mới thấy được cái hay, cái tinh tuý của nó. Đó là lý do cùng một bức tranh hay một tác phẩm, có người thấy đẹp nhưng có người lại chê xấu mù.

Trở lại chuyện đôi giày của tôi lúc ấy tuy nó không bẩn nhưng cũng đã khá lâu từ lần cuối cùng tôi làm sạch nó. Thành thật mà nói là tôi chẳng nhớ lần cuối mình làm sạch nó là từ khi nào. Tôi chỉ nhớ mình đã đi đôi giày này du lịch khắp nơi trong một tháng cuối năm vừa rồi, có lẽ nó cần được chăm sóc một chút. Nghĩ vậy, tôi gật đầu đồng ý cho anh chàng đánh giày chăm sóc đôi giày cho mình. Tôi vừa gỡ giày ra đưa cho anh ta được vài phút thì có một cậu trai trẻ người nước ngoài, nhìn rất dễ mến, cũng tới ngồi xuống trên chiếc ghế gần đó và gỡ giày ra. Chàng đánh giày cười toe toét vì có thêm khách hàng mới.

Rất nhanh sau đó, anh chàng đánh giày mang trả lại đôi giày đã đánh xong cho… anh chàng điển trai kia. Tôi hơi ngạc nhiên, là tôi đưa giày trước cơ mà, hay là tôi nhớ nhầm?

Tôi nhìn chàng đánh giày, nhìn anh chàng tóc hoe điển trai và nói đùa: “Có chuyện gì với số thứ tự vậy nhĩ? Giày tao đến trước nhưng giày mày lại được xong trước? Chả lẽ vì mày đẹp trai? Ngày nay ai cũng mê trai đẹp hết. Thật không công bằng!” Anh chàng cười toe làm độ dễ mến tăng thêm gấp bội và đáp “Xin lỗi nha. Tao cũng chẳng biết nữa.”

Và đó là cách chúng tôi làm quen với nhau. Anh chàng tên Zak, người Mỹ, còn khá trẻ, trẻ hơn tôi vài tuổi, hiện đang làm giáo viên toán cho một hệ thống trường quốc tế tại Sài Gòn. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện về công việc, về toán, về thơ, về những môn học sáng tạo khác và nói chung là về rất nhiều thứ.

Lần đầu tiên gặp nhưng tôi đã thấy rất mến Zak bởi vì nó không chỉ rất điển trai dễ mến mà còn vì cách nó suy nghĩ nữa. Tôi nói với nó rằng tôi là một “triết gia”, triết lý của tôi đại loại là “đừng sống như đời là bài toán, nhưng hãy sống như đời là một bài thơ”(nói móc nó một tí). Là một “toán gia” may quá Zak không chỉ không phản đối mà còn ủng hộ nữa. Nó bảo rằng khi dạy toán, nó luôn tìm mọi cách sao cho toán học trở thành một môn học thú vị, chứa những yếu tố vui vẻ, bất ngờ, nghệ thuật nữa chứ không phải mỗi những con số khô khan.

Zak yêu công việc này và cũng như mọi người yêu công việc của họ, họ làm nó rất tốt.

Bất kể công việc của bạn là gì, nếu bạn yêu thích nó, hiểu nó và biến đổi nó thành một môn nghệ thuật giúp thế giới này xinh đẹp hơn, nhẹ nhàng hơn, thế thì mọi công việc đều ý nghĩa, đều cao quý và đều đáng được tôn trọng. Bất kể bạn là người viết – như tôi, giáo viên – như Zak hay bạn là anh chàng đánh giày kia chăng nữa, riêng về chàng đánh giày tôi không chắc anh ấy có yêu công việc của mình không, nhưng tôi từng gặp một chàng thanh niên đi bán bánh cam, bánh chiên do anh ấy tự làm và nhìn vào cách anh ấy yêu những chiếc bánh của mình, tôi cảm thấy bánh thật ngon dù cho tôi chẳng phải người thích ăn bánh ngọt. Công việc là một phần quan trọng của đời sống. Đừng sống chỉ để làm những việc bạn ghét phải làm, làm chỉ vì tiền, vì sinh nhai. Nếu bạn chỉ làm việc vì tiền mà không có yêu thích, không đam mê, không thấy ý nghĩa hay cái đẹp trong công việc bạn làm, thế thì cũng chẳng sao cả, thế giới ngoài kia cũng chẳng ảnh hưởng gì, chẳng mất mát gì, nhưng cuộc đời bạn thì có, bạn đã gần như lãng phí cả cuộc đời.

Tiền thì giá trị nhưng nó không đủ xứng đáng để bạn lãng phí cả cuộc đời đâu.

Nếu bạn có đọc những tiểu sử, những câu chuyện về cuộc đời của những vĩ nhân thế giới và đọc được những lời chăng chối của họ trước khi chết. Tin tôi đi, bạn sẽ không tìm được bất cứ ai nói rằng họ tự hào vì đã gầy dựng được tài sản khổng lồ cả. Nhưng đa phần, nếu có, sẽ chỉ tự hào về những di sản vô hình mà họ đã tạo ra và để lại cho nhân loại. Di sản vô hình ấy thường đọng lại dưới dạng “tinh thần”: tinh thần học hỏi, tinh thần sáng tạo, tinh thần chia sẻ, tinh thần cầu thị, tinh thần can đảm, tình thần biết ơn…

Bạn đã bao giờ nghe bất cứ ai nói trong lời chăn chối của họ rằng: “Hãy làm giàu, hãy kiếm thật nhiều tiền” chưa? Chỉ nghĩ về ý tưởng này thôi cũng đủ thấy thật hài hước làm sao. Chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều từ những người xung quanh, đặc biệt những người đã sống xong cuộc đời của họ, nhưng chúng ta có học không? Tất nhiên là không.

“Nếu bạn đủ thông minh, bạn học được từ sai lầm của người khác.

Nếu bạn không đủ thông minh, bạn thậm chí chẳng học được gì từ sai lầm của chính mình.”

Chúng ta ít khi học từ sai lầm của người khác và tất nhiên càng ít khi học từ sai lầm của bản thân. Chúng ta, nếu có nhìn vào sai lầm của người khác thì chỉ là để phán xét, để tự an ủi bản thân rằng mình tốt hơn họ. Còn việc nhìn vào lỗi lầm của bản thân thì thôi để… mai tính vậy. Và cái hay nhất của ngày mai là nó không bao giờ tới cả.

Thỉnh thoảng lắm có những người nhìn vào lỗi của bản thân, họ chia làm hai loại. Loại một là họ sẽ cảm thấy rất tự ti, buồn khổ, hối hận, họ sẽ trách mắng bản thân và căm ghét bản thân nhiều hơn. Loại này không tốt, nó không giúp bạn học từ lỗi lầm để trở thành người tốt hơn nhưng ngược lại, nó làm cho bạn còn dở hơn trước nữa, vì chẳng một ai có thể bừng sáng và nở hoa nếu như họ mang theo gánh nặng tội lỗi như quả núi trên vai mình. Đây là cách Kito giáo đã dùng để kiềm chế con người khỏi khả năng “nở hoa” của họ.

Ki tô giáo nhấn quá mạnh vào tội lỗi đến lỗi ngoài tội lỗi, người ta chẳng còn thấy được gì khác. Họ chẳng còn thấy họ cũng là những người con của Thượng đế nhưng họ chỉ thấy họ như những tội đồ. Mục tiêu của Ki tô giáo là tốt khi nó nhấn vào tội lỗi, để cho người ta ý thức hơn về tội của họ mà sửa sai, mà đứng lên. Nhưng thay vì chấp nhận và sửa sai, các tín đồ Kito giáo lại chỉ than khóc, sợ hãi, van xin tha thứ và quá phụ thuộc vào những người mà họ cho là Đấng Cứu Thế, Đấng Chuộc Tội, Người Hoà Giải. Nếu như tội của bạn mà bạn còn không dám chấp nhận, không dám chịu trách nhiệm thì làm sao bạn có thể sửa sai? Làm sao bạn có thể trưởng thành? Phật giáo lấy đi sự dựa dẫm ấy của con người nên học thuyết về nghiệp quả phần nào khiến người ta trách nhiệm hơn chút xíu, nhưng cũng chỉ là chút xíu. Người ta bắt đầu vin vào thuyết nghiệp quả như một cách để buông xuôi: “Tôi khổ sở như vậy vì đây là nghiệp của tôi rồi, tôi còn làm gì được?” Một lần nữa người ta lại sống trong cam chịu, vô trách nhiệm.

Loại người thứ hai là những người nhìn vào tội lỗi của họ, những điều họ đã làm sai trong quá khứ để rồi học bài học từ chúng, để rồi thay đổi cách hành xử của bản thân mình trong các trường hợp tương tự sao cho lỗi lầm cũ không lặp lại nữa. Đó cũng là ý nghĩa của biểu tượng Cứu thế và hành động Xưng tội trong Kito giáo, nó khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm, cảm thấy bản thân “trong sạch” sau mỗi lần xưng tội để rồi từ đó bạn phải không lặp lại hành động tội lỗi đó. Nhưng hãy nhìn các tín đồ hiện nay, họ xưng tội xong và quay về lại lặp lại đúng những tội đó và đợi lần tới đi xưng tiếp. Thế thì xưng để làm gì, có tác dụng gì?

 

Mọi hành động biểu tượng đều trở thành vô nghĩa vào cái khoảnh khắc bạn không dùng nó như cách thức, mà chỉ như lý do. Bạn không dùng các triết lý của tôn giáo của bạn để giải phóng bản thân, để trưởng thành, để tỉnh thức, nhưng chỉ dùng chúng như một cách an ủi bản thân rằng bạn tuân theo kinh sách nên bạn sẽ được lên thiên đàng, sẽ không bị đày xuống địa ngục hay bị hoá kiếp đầu thai vào kiếp súc sinh.

Tội lỗi là một thứ biểu tượng đắt giá cho thấy bạn đã sống, đã hành động một cách vô thức như thế nào. Tội lỗi giống như một biểu tượng của luân hồi. Bạn cứ lặp đi lặp lại tội lỗi của mình, sự vô ý thức của mình như vòng quay bất tận của bánh xe nghiệp-quả. Luân hồi thật ra cũng chỉ là biểu tượng thôi, nó là biểu tượng của sự vô ý thức. Cả tội lỗi và nghiệp quả chung quy đều là biểu tượng của sự vô ý thức. Chừng nào bạn không nhận biết về sự vô ý thức của mình thì bạn còn lặp lại tội của mình, lặp lại cuộc đời khổ sở của mình. Chỉ khi người ta ý thức, nhận biết, tỉnh táo một cách toàn bộ thì người ta sẽ không phạm tội lặp đi lặp lại nữa, tức là cũng sẽ không còn luân hồi nữa.

Bạn càng sống trong nhận biết nhiều bao nhiêu thì khả năng dừng cái vòng luân hồi: đầu thai – phạm lỗi – chết – đầu thai trở lại… càng mau chóng bấy nhiêu. Phật (Phật giáo) hay Jesus (Kito giáo), Mohammed (Hồi giáo) hay Krishna (Jaina giáo) hay Mahavira (Hindu giáo), Lão Tử (Đạo giáo), Osho (không tôn giáo nào)… Họ đều là những người đã thức tỉnh, đã sống trong nhận thức toàn bộ và cái chết của họ cũng như đời sống của họ đã trở thành những di sản quý giá nhất cho nhân loại. Di sản ấy chẳng liên quan gì tới những xá lợi, những bản kinh thánh, những hoạt động của họ trong quá khứ, nhưng di sản đó là những tinh thần mà con người muôn thế kỉ luôn hằng tìm kiếm và khát khao: Tinh thần sống trong nhận biết và tỉnh thức. Người sống trong tinh thần ấy sẽ chẳng bao giờ làm điều gì gây tội hay làm hại người khác lẫn chính mình mà ngược lại, mọi hoạt động của họ luôn và chỉ luôn đầy ắp tình yêu, từ bi, sự khoan dung, bình an và trí huệ.

Đừng nghĩ luân hồi là thuyết chỉ dành cho các tôn giáo của phương Đông (Phật giáo, Jaina giáo, Hindu giáo) và cũng đừng nghĩ luân hồi chỉ là việc đầu thai chuyển kiếp. Không, luân hồi chỉ là cái vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại mãi trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động của chính bạn mỗi ngày. Bạn luân hồi sự vô ý thức của mình mỗi khi bạn tức giận, ghen tị, phán xét, thù hằn, tham lam… của chúng ta. Và đây cũng chính là những gì mà các tôn giáo phương Tây gọi là tội lỗi (Kito giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo).

Đừng cho rằng chỉ người các tôn giáo này mới có tội và cần học cách vượt lên trên tội lỗi. Mọi người mọi tôn giáo đều có vô vàn tội lỗi trong đời, không chỉ một đời này mà nhiều đời khác, cách duy nhất để dừng mọi tội lỗi, để cứu bản thân, để vượt lên trên tội lỗi, ấy là bạn phải sống một cách im lặng, ý thức và nhận biết.

Khi sống trong tỉnh thức, bạn sẽ có khả năng thấy lại rất nhiều lỗi lầm của mình, tội lỗi của mình, nghiệp mình đã gây ra. Tin tôi đi, khi thấy chúng, bạn sẽ không muốn lặp lại chúng đâu. Nỗ lực thoát ra khỏi sự vô ý thức, thoát ra khỏi cái “đà” rất lớn của bánh xe tội lỗi, luân hồi chính là ý nghĩa của mọi tôn giáo, của tâm linh. Tinh thần sống ý thức này chính là thứ mà bạn phải đạt tới trước tiên và sau đó, khi đã có nó rồi thì sẽ trở thành di sản quý giá nhất bạn có thể để lại cho nhân loại.

Như một người xỉn rượu, khoảnh khắc anh ta có chút thoát khỏi cơn say và thấy đau đầu chóng mặt, thấy quay cuồng tâm trí, ruột gan quặn lên từng hồi, nếu như anh ta còn nhớ những điều khủng khiếp anh ta đã gây ra trong cơn say thế thì anh ta sẽ có xu hướng thuyết phục bản thân rằng “Rượu thật tệ, mình thật tệ, mình sẽ không say xỉn nữa, không uống rượu nữa”. Nhưng rồi sau đó rất nhanh anh ta lại chìm vào những cơn say khác, ấy là khi cái đà quá lớn của hàng ngàn kiếp sống trong vô thức đã chiến thắng một khoảnh khắc của nhận thức.

Như một người chồng trong cơn tức giận đánh đập vợ mình hay một người vợ trong cơn tức giận đánh đòn con mình hay ngay sau khoảnh khắc bạn vô tình phán xét, nói xấu ai đó và người đó ngay sau lưng… bạn thấy xấu hổ vô cùng, thấy tệ hại, thấy ăn năn thậm chí là đau xót, thế rồi bạn sẽ tự nhủ “mình sẽ không làm vậy nữa, điều đó không đúng”. Nhưng sau đó khi cơn giận tràn tới bạn lại mất kiểm soát, lại vũ phu, lại trừng phạt, lại nói xấu… thế thì bạn không học được gì từ những lỗi lầm của mình trước đây một chút nào.

*

Tôi đã sống trong im lặng và soi xét những hành động của bản thân mình với tất cả sự cầu thị và tỉnh táo mà tôi có. Tôi đã thấy những tội lỗi của mình, những vô thức của mình, đó là lý do tôi không muốn lặp lại chúng một chút nào. Không một ai trong tỉnh táo nhìn thấy cái lỗi của mình mà lại còn tiếp tục lặp lại nó cả. Người ta chỉ có thể lặp nó một hành động tội lỗi trong vô thức mà thôi.

Khoảnh khắc tôi và anh chàng Zak bên trên gặp nhau, giới thiệu tên và làm quen, tôi thầm nghĩ “Ồ, lại là một Zac nữa sao? Thú vị thật”. Cậu bạn đang đi thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh mà tôi nhắc bên trên, cậu ấy cũng tên là Zac. Dạo này tôi toàn gặp những người trùng tên thật là thú vị. Ví dụ có một ngày kia tôi nói chuyện với hai người bạn cùng tên David và họ cùng là những đạo diễn phim dù một người Mỹ và một người Úc, một người sống ở Sài Gòn và một người ở Bali. Lúc phát hiện ra điều ấy tôi nghĩ: “Chẳng lẽ ai tên David cũng là đạo diễn sao?” Chỉ là một suy nghĩ hài hước nhưng quả thật khi càng chú ý tên người khác nhiều hơn, tôi càng nhận ra cuộc đời có những sự kiện rất kì lạ liên quan tới những cái tên. Có những cái tên bạn vừa nghe đã cảm mến nhưng cũng có những cái tên mà nghe bao nhiêu vẫn cứ thấy xa lạ. Ví dụ tôi có anh bạn tên Kurt – đây là một tên mà tôi không thấy tí cảm xúc nào, ngược lại như cái tên Gary, không hiểu sao vừa nghe tôi đã thấy quý quý. Chút xíu sẽ kể thêm về anh bạn Gary này.

Mới đầu tôi thấy không hào hứng lắm về cái sự kiện anh bạn mới tên Zak (lúc mới nghe tôi tưởng là Zac vì phát âm khá giống nhau) vì nó khiến tôi nhớ tới cậu bạn Zac, tôi không muốn có hai thằng bạn như Zac vì một Zac thôi tôi thấy… đủ rồi. Dạo này tôi không thích bất cứ gì lặp lại trong đời mình, kể cả một cái tên.

Tất nhiên tôi không nói với Zak điều này làm gì cả, chúng tôi nói về đủ thứ khác và thật sự ăn ý thế nên trước khi Zak trở lại văn phòng làm việc, chúng tôi đổi facebook với nhau.

Vài ngày sau đó chúng tôi lại gặp nhau, lần này là cố tình, trong một tiệm cafe P. khác gần hồ con rùa nơi rợp bóng mát những cây cổ thụ rất to và rất xanh. Đây là tiệm cafe mà tôi thường ngồi mỗi buổi sáng khi còn làm việc cho hãng phim. Mỗi buổi sáng tôi bắt xe bus từ Bình Thạnh, xe dừng ngay đầu Trần Cao Vân và tôi đi bộ vài bước tới quán càfe này, vừa nhâm nhi cafe vừa đọc sách trước khi đi bộ thêm vài trăm mét, ngang qua bảo tàng chiến tranh để tới khu văn phòng co-working Toong tuyệt đẹp. Tôi luôn là một người may mắn khi được sống và làm việc ở những nơi tuyệt đẹp như thế.

Buổi cà phê hôm ấy chúng tôi lại nói chuyện say sưa về rất nhiều chủ đề, từ văn hoá qua chính trị sang giáo dục, nhảy sang tôn giáo và vòng về du lịch giải trí. Chúng tôi đồng ý với nhau rằng có những thứ nhỏ bé ở nơi chúng ta sống mà ta thường không trân trọng gì cả, thậm chí phớt lờ đi cho tới khi chúng ta đi đến sống ở những vùng đất khác và tiếc nuối nhận ra chúng ta đã bỏ lỡ những gì khi còn ở quê nhà.

Tôi kể cho Zak nghe về những thứ bé nhỏ ở Việt Nam mà tôi trân quý như những món trái cây đa dạng ngọt lành hay những món ăn dân dã bình dị, những thứ này như một phần cuộc sống của tôi mà dù đi bất cứ đất nước nào tôi cũng không nguôi thương nhớ. Và thường cũng chỉ khi sống đâu đó bên ngoài Việt Nam thì tôi mới cảm thấy trân trọng vô cùng những quả ổi, quả mận, quả măng cụt, vú sữa cho đến bánh xèo, nem nướng, bò nhúng dấm, canh chua hay đôi khi là rau muống luộc. Vâng, thời ở Philipines cả ngày lẫn đêm tôi mơ về rau muống luộc chấm mắm chua ngọt và những lát cá kho thơm đậm đà. Nghĩ tới bỗng dưng lại thấy thèm. Giờ đây khi nhận ra tầm quan trọng của những thứ mộc mạc ấy, tôi yêu mến đất nước mình hơn và chẳng còn ham muốn đi bất cứ nơi đâu sống lâu dài cả.

Zak rất đồng tình, nó kể cho tôi nghe về việc khi còn sống ở Mỹ, trên khắp các khu phố, nhà ga đâu đâu cũng có các nghệ sĩ đường phố chơi nhạc cụ, hát, nhảy hay các trò nghệ thuật khác như vẽ, ảo thuật. Nó nói rằng lúc còn ở Mỹ thì thấy điều đó là bình thường, chẳng có gì đặc biệt nhưng khi đi các nơi, đặc biệt Châu Á và nhất là Việt Nam thì mới thấy quả thực đó chẳng phải điều bình thường như nó từng nghĩ, nhưng là một món quà vô giá. Tôi đồng ý.

Thật tuyệt làm sao khi người ta có thể thưởng thức nghệ thuật ở khắp mọi nơi, thay vì chỉ trong các bảo tàng, nhà triễn lãm hay các buổi biểu diễn trong nhà. Thật tuyệt làm sao khi ta có thể thấy cách người khác thực hiện những công việc nghệ thuật đầy đam mê và đẹp đẽ.

Zak hỏi tôi: “Nhưng tại sao ở đây lại chẳng thấy các nghệ sĩ đường phố?” Tôi im lặng trong một khoảnh khắc, tự mình thở dài và giải thích cho nó những lý do mà tôi nghiên cứu và tìm hiểu được. Nghe xong đến lượt Zak cũng thở dài.

Nghệ thuật là một món bình dân xa xỉ 

Bạn có biết tại sao nghệ thuật là thứ “xa xỉ” ở Việt Nam? Trước tiên là vì chúng ta đã từng rất nghèo và rất khổ. Lịch sử hàng ngàn năm liên tục chiến tranh và nghèo túng đã khiến người ta bận tâm đến cơm áo gạo tiền, súng đạn và sự sinh tồn nhiều hơn là những thứ đem lại niềm vui và giá trị tinh thần kiểu các môn nghệ thuật. Nghệ thuật trong thời gian ấy nếu có cũng là để phục vụ những mục đích cụ thể và khi nghệ thuật có mục đích, nó mất đi cái hồn của nó. Nếu bạn có đọc các tác phẩm văn học kinh điển của văn học Việt Nam và còn nhớ những “Đời thừa” bên cạnh Chí Phèo, chị Dậu thì bạn sẽ hiểu. Người hoạt động nghệ thuật khao khát thoát khỏi cái bóng ám ảnh của cơm áo gạo tiền để sáng tạo, để tự do bay bổng, để “thoát ly thực tại” nhưng cái đói cái nghèo chẳng tha một ai cả. Giới văn nghệ sĩ trong quá khứ vì đói nghèo mà phải “bán linh hồn” mình để đổi lấy cơm lấy gạo nuôi đàn con nheo nhóc. Giới văn nghệ sĩ ngày nay tuy không còn đói nghèo nhưng những sợi xích kìm hãm sáng tạo thì vẫn còn y nguyên. Nghệ thuật ngày nay không đơn thuần là nghệ thuật thuần tuý, nó là nghệ thuật nhuốm mùi “kinh tế thị trường”: mùi hư danh, mùi tham vọng, mùi tiền, mùi quyền lực và đủ thứ mùi khác.

Có những lý do mà những xã hội phong kiến, đặc biệt những xã hội theo Khổng giáo không ủng hộ nghệ thuật. Vì nghệ thuật là tự do, là giải phóng, là tiếng lòng được cất lên theo những cách khác nhau. Những xã hội Khổng giáo phong kiến không muốn cho bất cứ ai tự do cả, nó cũng chẳng muốn ai được giải phóng, được cất lên tiếng nói của mình. Quân không được phép nói khi vua không cho phép, trò không được phép nói nếu không được ý của thầy, con không được làm khác ý cha mẹ, vợ đừng mong làm gì mà không qua ý của chồng… cứ thế mà xã hội Khổng giáo trong quá khứ bóp chẹt tự do, bóp chẹt quyền được thổ lộ ý kiến hay tâm tư của mọi tầng lớp con người trong xã hội. Tất nhiên nghệ thuật cũng nằm trong số những thứ bị kiểm soát, bị bóp chẹt bởi vì nó là cách để con người “thoát ly thực tại”, “thổ lộ tiếng lòng”, hay kiến tạo nên những giấc mộng mơ hồ về cuộc sống tự do hạnh phúc. Nghệ thuật là công cụ phục vụ cho khát vọng tự do của con người và tất nhiên nó là công cụ nguy hiểm nên nó cần bị “quản lý”. Một khi bị quản lý, nghệ thuật không còn là nghệ thuật nữa. Nó không còn thuần tuý sáng tạo, không còn tự do, không còn mấy ý nghĩa như nó đáng là.

Trong quá khứ, những bài vè, câu đối, bài hát dân gian là cách thường dân bộc lộ khát khao, mong muốn và suy nghĩ của họ. Nó an toàn vì chẳng ai biết nó bắt đầu từ ai và từ khi nào. Mọi người dùng nó như một phương tiện để truyền bá tư tưởng mà không sợ bị bắt bớ. Ở các phương Tây, nghệ thuật được ủng hộ và khuyến khích nên các nghệ sĩ rất can đảm và được tự do sáng tạo. Một xã hội càng tự do thì các hình thức hoạt động nghệ thuật sẽ càng phong phú.

Tất nhiên ngoài ca nhạc thì nghệ thuật còn gồm rất rất nhiều bộ môn khác nhưng hát là thứ dễ truyền đạt và dễ cảm nhận nên nó thường được xem trọng hơn, ưu ái hơn các bộ môn khác như là vẽ, làm văn, làm thơ, thiết kế sáng tạo…

*

Để đánh giá “sức khoẻ cơ bắp” của một quốc gia thì chỉ cần nhìn vào kinh tế của quốc gia đó. Để đánh giá “tính cách” của một quốc gia thì nhìn vào văn hoá của nó. Nhưng để đánh giá “tâm hồn” của một quốc gia thì người ta phải nhìn vào mảng nghệ thuật của quốc gia đó đang ở đâu, trong tình trạng như thế nào.

Một quốc gia có tâm hồn nghệ thuật, ưa chuộng nghệ thuật, tôn trọng nghệ thuật thì rất dễ thấy nghệ thuật ở khắp mọi nơi trong cuộc sống, từ bức tường cũ được sơn phết những hình thù đẹp đẽ, những toà nhà được thiết kế với cá tính riêng biệt cho tới những nghệ sĩ đường phố hạnh phúc phô bày tài năng của họ trên mọi nẻo đường phố: người vẽ, người chơi nhạc, người nặn tượng, người làm ảo thuật, người nhảy múa… sẽ ở khắp mọi nơi. Người ta làm mọi thứ theo cách “nghệ thuật” nhất: từ nấu ăn, phục vụ, bán kem hay kể cả quét rác cũng có thể trở nên một môn nghệ thuật. Ở đất nước tôn trọng nghệ thuật, người nghệ sĩ rất được tôn trọng, họ được đảm bảo cho có thể sống với chính tài năng của mình. Còn một xã hội không tôn trọng nghệ thuật thì sao? Tất nhiên là ngược lại. Nó sẽ rất hạn chế dạy người ta các môn học về nghệ thuật hay sáng tạo, người nghệ sĩ sẽ phải chật vật để sống, thậm chí còn bị xem thường hơn so với những công việc khác. Nghệ sĩ đường phố là thứ hiếm hoi và kể cả khi một đứa trẻ bộc lộ năng khiếu nghệ thuật bằng cách vẽ khắp mọi nơi, nó có khả năng bị… cho ăn đòn bởi vì trong mắt người lớn ở xã hội này: nghệ thuật là thứ… vớ vẩn hoặc chỉ dành riêng cho bọn… rỗi hơi vô công rồi nghề.

Để tôi nói cho bạn, nghệ thuật không vớ vẩn đâu và càng không chỉ dành cho những kẻ rỗi hơi vô công rồi nghề. Nghệ thuật là một gia vị cho cuộc sống mà nếu như bạn có nó, cuộc đời bạn sẽ trở nên đậm đà hơn, thơm ngon hơn rất nhiều.

Nghệ thuật cũng không chỉ dành cho một vài nghệ sĩ nhưng là một món quà dành cho tất cả mọi người, bất kể người ấy có là tổng thống Mỹ hay là một thầy giáo nghèo vùng quê xơ xác. Nó là món quà cho nhân loại trong mọi thế kỉ, mọi vùng đất, mọi nền văn hoá và tất nhiên, nó cũng là món quà làm thay đổi đời bạn nữa, nếu như bạn học cách để cảm và yêu nó.

Tiền bạc vật chất là thứ giúp cuộc sống bạn giàu có hơn bên ngoài. Nghệ thuật là thứ làm giàu cho bạn từ bên trong. Nó không chỉ giúp bạn làm cuộc sống của mình đáng sống hơn, nó còn biến bạn trở thành một công cụ, một “partner” cho Thượng đế, để giúp Ngài một tay trong công cuộc sáng tạo thế giới này đẹp hơn, đáng sống hơn mỗi ngày.

 

Nghệ thuật là cây cầu vồng xuất hiện trong khoảnh khắc để đưa bạn từ thế giới vật chất sang thế giới tâm linh 

Có một mối liên quan rất mỏng nhưng rất sâu sắc giữa thế giới nghệ thuật và thế giới tâm linh. Nghệ thuật được xem như một trong những cây cầu đưa nhân loại tiến gần hơn đến cõi linh thiêng, nơi mà bạn có thể gọi là Thiên đường hay Niết Bàn, tuỳ vào tôn giáo của bạn.

Kito giáo với gốc rễ văn hoá Phương Tây đã rất ủng hộ nghệ thuật. Hội thánh Roma đã là người tài trợ cho rất nhiều công trình nghệ thuật của nhân loại. Song song đó mỗi khi chinh phục quốc gia nào dưới chiêu bài Thánh Chiến, Hội thánh đều thu gom hết những tác phẩm nghệ thuật của nơi ấy mang về cất giữ, đồng thời ra lệnh tàn phá những công trình nghệ thuật, kiến trúc mà họ không thể lấy đi. Sở dĩ như vậy vì họ biết được có một thứ quyền năng rất mạnh bên trong các tác phẩm nghệ thuật nói riêng và lĩnh vực nghệ thuật nói chung. Ngược lại Phương Đông với điển hình là Phật giáo thì không khuyến khích nghệ thuật, Phật chống lại những thú vui tiêu khiển đàn ca múa nhạc vì cho rằng đó là thứ đưa con người vào nhiều mê đắm hơn, nhiều vô thức hơn. Tất nhiên điều này cũng có cái lý của nó, như đã nói, nghệ thuật chỉ là một cái cầu. Với những ai còn ở bên này sông thì cầu là cần thiết và hữu ích. Nhưng với những ai đã qua tới bờ bên kia sông thì không còn cần tới cầu nữa, thế thì cầu giống như một công cụ làm sao nhãng người ta khỏi việc tiếp tục đi xa hơn về phía trước, có thể hiểu đại khái như vậy về cách tiếp cận khác nhau của hai tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Nhưng mà này, tất cả những điều tôi đang nói ở đây là quan điểm cá nhân, góc nhìn của tôi, từ những gì tôi nghiên cứu và đồng tình, nó không phải là chân lý và cũng chẳng đại diện cho chân lý. Bạn có thể đọc, có thể đồng tình hoặc không đều tốt, nhưng đừng quá nghiêm trọng hoá những điều này nhé. Tôi rất quan tâm tôn giáo nên tìm đọc khá nhiều những cuốn sách về tôn giáo, góc nhìn của tôi có thể khác bạn, hãy chấp nhận điều đó cũng như tôi sẽ chấp nhận góc nhìn của bạn. Tôi không cố thay đổi suy nghĩ của ai nhưng nếu bạn đang dành thời gian quý bái của bạn để đọc những điều này, tôi thành thật cảm ơn bạn.

Trở lại chút, Phật từng là hoàng tử, ông ấy được bao phủ bởi mọi thể loại đàn ca múa nhạc lẫn nghệ thuật, kinh sách, triết lý. Khi đã chán ngán mọi thứ, ông ấy từ bỏ tất cả để lên đường tìm đạo và rồi nhận ra chỉ có con đường buông bỏ mọi thứ mới có thể dẫn người ta tới đạo vĩnh hằng. Kể cả việc buông bỏ lòng tham vật chất hay lòng tham về thơ ca nghệ thuật. Chúng là một, đều là lòng tham nhưng cho những đối tượng khác nhau. Chúng ta, những con người thời đại ngày nay, chúng ta còn rất xa mới chạm tới những gì Phật từng có, vậy thì việc chán ngán mọi thứ và buông bỏ mọi thứ là điều hơi… xa tầm tay. Vậy nên, trước khi chán ngán nghệ thuật, hãy học cách dùng nó sao cho nó trở thành một nhân tố hay một món quà giúp đời bạn đẹp hơn, giàu có hơn, đậm đà hơn.

 

Vậy nghệ thuật làm giàu cuộc sống của bạn như thế nào?

Người bình thường chỉ ăn đồ ăn, thực phẩm, nhưng người có tố chất nghệ sĩ sẽ biết cách để ăn cả ánh bình minh hay nhấm nháp những chiều hoàng hôn đỏ lửa trên bầu trời. Họ biết cách nhâm nhi ánh trăng mát lành và dùng trời sao lấp lánh như tấm chăn ấm áp thả hồn vào giấc mộng. Người bình thường nhìn hoa thì thấy hoa nhưng một nghệ sĩ sẽ nhìn hoa với tất cả những nhân cách, tính tình đỏng đảnh của một nàng công chúa. Người ấy sẽ nâng niu đoá hoa như bảo vật của thế gian, thưởng thức thứ mùi hương thơm nhẹ tinh khiết của bảo vật ấy như một món tráng miệng ngon lành. Người thường nghe tiếng chim cũng chẳng mấy bận tâm nhưng người nghệ sĩ nghe tiếng chim và cảm thấy như cả một dàn đồng ca đang chơi những bản nhạc tuyệt diệu nhất. Người thường nhìn rác như rác, người nghệ sĩ có thể thổi hồn vào trong những đống rác và biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật khiến người khác trầm trồ. Người thường chỉ sở hữu những thứ họ có, người nghệ sĩ sở hữu mọi tạo tác sinh đẹp của vũ trụ, từ dòng duối nhỏ, chiếc lá vàng rơi, một bụi hoa dại cho tới tận mặt trăng bàng bạc và mặt trời hoàng kim rực rỡ. Người bình thường chỉ thấy cái đẹp trong thứ đồ đẹp hay trong cô gái đẹp, những người có tố chất nghệ sĩ là những người có thể thấy cái đẹp trong mọi thứ và mọi người. Một cô gái xấu trong mắt người nghệ sĩ cũng có thể hoá thành xinh đẹp diễm lệ. Bạn đã thấy nghệ thuật trang điểm, hoá trang chưa? Đấy là mặt ngoài của nghệ thuật, mặt bên trong cần người có tâm hồn mới có thể biến cô gái xấu trở nên xinh đẹp. Ví dụ một cô gái tuy xấu xí nhưng cô ấy có tấm chân tình, có sự ngây thơ, có khướu hài hước, có đôi tay khéo léo, có sự khiêm nhường… những thứ ấy có thể biến một con người trở nên đẹp.

Thượng đế là Đấng Sáng Tạo hay Đấng Kinh Tế?

Bất cứ ai có khả năng làm bộc lộ cái đẹp bên trong những thứ bình thường nhất, người ấy là một nghệ sĩ. Theo cách hiểu này, mọi người đều là những nghệ sĩ tiềm năng và nhiệm vụ của họ là phải tìm cách bộc lộ khả năng ấy, thế thì một cuộc đời mới không bị nghèo nàn hay bị phí hoài.

Thượng đế đã ban cho con người món quà vô giá nhất, không chỉ là mọi thứ trong cuộc sống tuyệt đẹp ngoài kia, nhưng là khả năng sáng tạo, khả năng làm ra mọi thứ từ đôi tay và khối óc của mình. Để rồi chúng ta có thể cảm nghiệm niềm vui sống thông qua quá trình lao động và kết quả sáng tạo của mình. Hãy chứng tỏ mình là một người con xứng đáng thông qua việc trân trọng mọi thứ Thượng đế dành cho chúng ta, đặc biệt là khả năng sáng tạo.

Câu nói nổi tiếng “Thượng đế tạo ra con người dưới cùng hình ảnh ngài” thật ra là một hiểu lầm. Cách hiểu đúng là “Thượng đế đã tạo ra con người dưới cùng một khả năng như Ngài: khả năng sáng tạo.”

Bạn gọi Thượng đế là Đấng Sáng Tạo, bạn đâu gọi Ngài là Đấng Kinh Tế. Vậy tại sao bạn lại chỉ quan tâm về tính kinh tế (tiền bạc) trong mọi thứ xung quanh lẫn mọi điều bạn làm? Tính vô tư ở đâu? Tính sáng tạo ở đâu? Tính thơ ở đâu? Tính nghệ thuật ở đâu?

Đừng trồng một loại cây chỉ vì tính kinh tế. Bạn đang giết tính sáng tạo của Thượng đế đấy.
Đừng nuôi một vài loài vật chỉ vì tính kinh tế. Cũng như vậy với mọi thứ khác: đừng kết hôn vì kinh tế, đừng theo đuổi một công việc vì tính kinh tế, đừng đánh đổi những giây phút quý giá của cuộc đời bạn chỉ vì tính kinh tế, đừng kết bạn chỉ vì những lợi ích kinh tế của mối quan hệ đó… Tính kinh tế quả thật giết chết sự đa dạng, sự độc nhất, sự sáng tạo của Thượng đế, nó giết chết cuộc sống của bạn từ bên trong.

Có một câu chuyện cười tôi từng đọc ở đâu đó: “Một con lợn trên đường tới lò mổ cùng với người chủ trại chăn nuôi. Nó kêu lên eng éc “Tôi chưa muốn chết. Xin hãy cho tôi sống.” Người chủ đáp “Chỗ thịt núc ních của mày sẽ mang lại cho tao ít nhất 100 đô la.” Lợn ta nghe vậy thì tức giận lắm: “Cái gì? Tôi mà chỉ đáng giá 100 đô la sao? Ông có điên không đấy. Nhìn tôi đây này, nhìn bốn cái đùi béo tròn này đi, ông phải được ít nhất 150 đô la.“
Ông chủ lấy lời khuyên của con lợn và ra giá với tay đồ tể: “150 đô la vì con lợn này không chỉ béo ngẫy, nó còn rất thông minh.”
Tay đồ tể đồng ý cái giá 150 đô vì mùa này thịt lợn khá khan hiếm sau cơn dịch bệnh. Lợn ta khi biết mình được bán với giá 150 đô thì vô cùng mãn nguyện. Nó cười khoái trá “Ông thấy chưa? Làm kinh tế thì phải thông minh chứ!” Với nụ cười tới tận mang tai, lợn ta quên béng mất mình đang trong lò mổ.”

Một câu chuyện vui nhưng đủ để chúng ta suy nghĩ về cuộc đời mình, rằng chúng ta có đang trả giá cho chính cuộc sống của mình trên đường đến cái chết hay không?

 

Tiền không thánh thiêng và cũng không bẩn thỉu. Nó chỉ là công cụ.

Trong nhiều tôn giáo, tiền đại diện cho thứ bẩn thỉu, tà đạo, ma quỷ nhưng trong hầu hết các nền văn hoá, một cách chính thức, tiền đang được tôn thờ như thể tất cả niềm vui, mục tiêu, ý nghĩa cuộc sống đều chỉ là tiền mà thôi.

Tôi xem lại bộ phim về Hoàng tử tội phạm: tay hề khét tiếng Joker và rất thích câu nói của anh ta khi châm lửa đốt chết số tiền mình cướp được, anh ta nói: “Chúng mày là tội phạm đầu sỏ nhưng chúng mày chỉ quan tâm đến tiền mà thôi. Thành phố này xứng đáng một loại tội phạm đẳng cấp hơn.”

Tôi sẽ viết lại câu này một chút rằng: “Bạn là những nghệ sĩ đích thực, những người có khả năng sáng tạo nên mọi thứ, vậy mà bạn lại chỉ quan tâm đến việc làm ra tiền thôi? Thế giới này cần một “bạn” đẳng cấp hơn. Cuộc đời bạn xứng đáng một “người chủ” đẳng cấp hơn.”

Tiền là công cụ cũng hệt như nghệ thuật, là những phương tiện giúp đời sống con người đẹp hơn, giàu hơn, chất lượng hơn. Nhưng khoảnh khắc người ta hi sinh chính bản thân cuộc sống cho tiền, thế thì công cụ đã trở thành ông chủ.

Tôi hay theo dõi những trang facebook về nghệ thuật, như là ‘make it all art’… những trang này thường xuyên chia sẻ những ý tưởng của mọi người, tác phẩm của mọi thể loại nghệ sĩ khắp nơi trên thế giới, rất đáng xem. Theo dõi một trang này giúp bạn mở mắt mình ra, mở đầu mình ra và cả mở tim nữa. Nó đáng gía 100 trang tin tức vụn vặt thông thường khác. Nó cho bạn những giây phút thiền định. Nó làm giàu đời sống tâm linh của bạn bằng những khoảnh khắc quý giá khi bạn nhìn vào một sản phẩm sáng tạo và chỉ biết ồ lên thích thú không nói thành lời. Thật đấy. Để tôi giải thích thêm:

Tính tâm linh của những cái “WOW”

Một lần nọ tôi thấy người ta chia sẻ những tờ tiền đã được các “nghệ sĩ” trang trí lại bằng những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Không chỉ “Ồ” lên thích thú mà tôi còn thầm ước một ngày nào đó, các tác phẩm nghệ thuật sẽ được in trên đồng tiền thay vì những gương mặt già nua cau có của các chính trị gia.
Cách này không chỉ giúp bản thân nghệ thuật lan truyền đi khắp nơi nhanh hơn, mạnh hơn mà còn giúp khơi dậy tâm hồn nghệ sĩ trong mọi người nữa.
Và nghệ thuật là thứ nên được lan truyền nhất, vì nó là cây cầu kết nối thế giới vật chất với thế giới phi-vật-chất, hay còn lại là thế giới tâm linh.
Trong nghệ thuật đích thực, người ta tan biến, vật chất tan biến, chỉ cái đẹp thuần khiết còn lại.
Trong nghệ thuật thuần khiết: tâm trí tan biến, chỉ tâm hồn còn lại.
Khi tâm trí tan biến đi, dù một khoảnh khắc thôi, ấy là thiền, là tâm linh, là Thượng đế hiển lộ!
Cái khoảnh khắc bạn thấy những hình ảnh này, nếu một cảm giác gì đó như là “Ồ” hay “Wow” khởi lên trong bạn, khoảnh khắc đó bạn không suy nghĩ, không tính toán, không muộn phiền quá khứ tương lai, chỉ “wow”, bất cứ khoảnh khắc nào bạn “wow” lên thì đó là khoảnh khắc bạn sống ở hiện tại. Đó là thiền.
Nghệ thuật mang cho người ta những cái “wow” thuần khiết như vậy. Bạn đơn giản cảm nhận, ngạc nhiên và thích thú. Cái wow của vật chất luôn biến thành tham muốn, đó không phải cái wow thực.
Chỉ nghệ thuật mới mang lại cái “wow” thực. Người ta “wow” mà không bận tâm cái “wow” có nghĩa gì.
Tâm linh là khi cái “wow” chủ ý này mất đi và bạn đơn giản “wow” vào mọi thứ, trong mọi khoảnh khắc. Bạn wow khi nắng đẹp, mây bay. Bạn wow khi chim hót, gió thổi. Bạn wow khi hoa hồng nở rộ ngát hương và cả khi mưa xuống bứt cánh hoa rơi vào mặt đất…
Vâng, cái “wow” chính là âm thanh của âm linh, của Thượng đế. Người ta có thể wow mà không cần phát ra tiếng wow nhưng vẫn biết là người ta đang wow.
Người ta có thể nhận ra Thượng đế tràn ngập khắp nơi nơi, không cần ai chứng minh hay xác nhận nhưng vẫn biết đó chính là Thượng đế.

Nghệ thuật làm mạnh cho trái tim và làm tan biến đi tâm trí

Dạo này tôi cũng bắt đầu trở lại việc vẽ chân dung của những gương mặt vừa quen vừa lạ mà tôi vô tình nhìn thấy. Tôi từng vẽ trước đây khi còn nhỏ, tôi vẽ lại những gương mặt xinh  đẹp trong các bộ truyện tranh mình đọc: Nữ hoàng Ai Cập, Nhánh cỏ hoang, Bá tước tiểu thư… Năm lớp 7 vì rất yêu mến cô giáo chủ nhiệm nên tôi cũng đã vẽ chân dung của cô lên giấy, dán lên tấm bìa cứng rồi gắn thêm hoa khô để tặng cô nữa. Tôi đã từng thích vẽ như thế nhưng sau này quên béng đi cho tới một ngày cách đây khỏang một tháng, tôi nói chuyện với một người bạn, anh ấy gửi tôi một tấm hình khi anh ấy cố tỏ ra “ngầu” dù vô cùng buồn ngủ. Hình ảnh ấy dễ thương quá nên tôi vớ lấy cây bút mực ngay đó và vẽ lại khuôn mặt ấy. Chỉ vài phút xong tấm chân dung bằng bút mực, tôi gửi nó cho anh chàng và chính anh ấy cũng ngạc nhiên về khả năng vẽ của tôi. Như thể đám rơm khô được châm mồi lửa, từ ngày ấy trở đi tôi vẽ liên tục những khuôn mặt khác nữa, tất cả bằng bút mực, có tấm thấy đẹp có tấm thấy… ghê nhưng hơn hết, tôi tìm ra được một sở thích, một năng lực mới của bản thân mình. Hơn thế, tôi còn phát hiện ra “tính thiền” trong việc vẽ nữa. Đây mới là thứ quý giá nhất.

Trước giờ tôi đọc sách nói về nghệ thuật và thường đọc những ý như là “Trong nghệ thuật đích thực, người nghệ sĩ tan biến đi và trở thành chính tác phẩm của mình. Người vũ công trở thành điệu vũ, người ca sĩ trở thành bài ca, người nhạc sĩ cũng như tan ra trong bài nhạc mình biết. Khoảnh khắc ấy, cái tôi không tồn tại, ham muốn không tồn tại, lo lắng không tồn tại và nó chính là những khoảnh khắc tinh khiết nhất, trong suốt nhất mà từ sự tinh khiết đó, nghệ thuật mới có thể nở hoa.”

Bất cứ khoảnh khắc nào khi tâm trí không còn lại, khi bạn quên đi tất cả quá khứ và tương lai nhưng chỉ hiện diện trong hiện tại và hiện tại đó bạn cũng chẳng cảm thấy sự hiện diện của chính mình, khoảnh khắc ấy chính là thiền định, là tất cả ý nghĩa của việc sống thiền. Bạn thiền trong mọi hoạt động của bạn trong đời sống.

Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới dù cho bản nhạc, bức hoạ hay tác phẩm điêu khắc… đều là những tác phẩm được tạo ra khi người nghệ sĩ “thiền”, tức là khi họ hoàn toàn chìm đắm trong công việc sáng tạo, trong thế giới riêng của họ – nơi mà thế giới bên ngoài chợt tan biến đi như chưa từng tồn tại.

Bạn đã từng vẽ một cách tự phát bao giờ chưa? Vẽ chỉ vì vẽ, chẳng vì điểm số hay thi thố, chẳng phải để ai đánh giá, chẳng phải để bán tranh nuôi miệng. Bạn vẽ chỉ đơn thuần vì bạn có một năng lượng bên trong muốn bộc thoát ra ngoài và vẽ là một cách để giải toả năng lượng ấy? Tôi vẽ trong tâm thế như vậy. Mỗi bức chân dung tôi vẽ mất 3 đến 5 phút, tuy chẳng chuyên nghiệp hay đẹp đẽ gì nhưng trong vài phút ngắn ngủi ấy tôi cảm thấy thời gian thật sự dừng lại. Tôi cảm nhận rất rõ cái cảm giác tập trung đến độ như thế giới bên ngoài chẳng tồn tại chút nào, kể cả quá khứ hay tương lai cũng như chẳng còn tồn tại. Thậm chí thực tại cũng không quan trọng luôn bởi vì khi bạn tập trung sâu sắc, tâm trí ngừng hoạt động kéo theo tất cả mọi sự khác trên đời cũng chẳng còn hoạt động chút nào.

Đó cũng là lý do tại sao các môn nghệ thuật như nặn tượng, điêu khắc, vẽ, làm vườn, nhảy múa, chơi nhạc cụ… đang ngày càng trở nên thịnh hành như một liệu pháp tâm lý giúp người ta sống bình tĩnh hơn, chậm hơn lẫn sâu hơn. Nghệ thuật quả thật là một phương thuốc cho tâm hồn. Nó không chỉ giúp bạn gỉai toả bớt đi những năng lượng xấu mà còn lấp đầy bạn bằng những nguồn năng lượng khác nữa. Nguồn năng lượng này luôn có sẵn đầy ắp trong vũ trụ và sẵn sàng làm đầy tràn bạn, nhưng chỉ khi bạn sẵn sàng đón nhận mà thôi. Để đón nhận nguồn năng lượng này, bạn phải trống rỗng.

Giống như khi bạn nằm ngủ và mơ, tâm trí vẫn hoạt động, những suy nghĩ ấy biến thành mơ của bạn. Tỉnh dậy sau giấc ngủ mơ bạn thường cảm thấy lờ phờ, không khoẻ khoắn. Nhưng nếu bạn có thể ngủ một giấc không mơ, một giấc ngủ thật sâu thì dù chỉ mười phút thôi nhưng bạn tỉnh dậy và vẫn cảm thấy tràn đầy năng lượng, vô cùng tỉnh táo và khoẻ khoắn. Năng lượng này ở đâu ra? Nó là cùng thứ năng lượng luôn có sẵn trong vũ trụ chỉ chờ đầu óc bạn trống rỗng thì sẽ tràn vào khắp cơ thể bạn. Đây cũng chính là ý nghĩa của thiền. Thiền nhân ngồi im, không làm gì, chỉ giữ cho đầu óc tỉnh táo và trống rỗng, không suy nghĩ, thế thì sau mỗi buổi thiền họ luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng dù cho họ ngủ rất ít, ăn rất ít và cả vận động ít chăng nữa. Thiền là nghệ thuật làm trống rỗng bản thân bạn để vũ trụ (hay Thượng đế) lấp đầy bạn bằng nguồn năng lượng thiêng liêng. Hiểu đơn giản là thế.

 

Khi nghệ thuật bị nhuốm màu “kinh tế”

Nhưng cũng có những khi “nghệ thuật không thiêng liêng”, ấy là khi nó trở thành công cụ cho người ta phô trương bản ngã hoặc lợi dụng cái đẹp của nghệ thuật vào những mục đích ám muội.

Từ khi thích vẽ, tôi tính đi tìm một lớp dạy vẽ chuyên nghiệp để học và tôi cũng chỉ biết duy nhất một lớp học vẽ trong thành phố bé nhỏ này. Kì lạ. Cái ngày tôi tính đi đến đó đăng kí thì facebook tôi ngập tràn một màn “bóc phốt” mà nạn nhân lẫn thủ phạm chính là những người mệnh danh thầy giáo vẽ đó. Ai đó gom lại những tin nhắn mà họ “gạ tình” những cô học sinh bằng đủ thứ ngôn từ lãng mạn, thơ không ra thơ, văn không ra văn. Tôi đọc những dòng tin nhắn mà chỉ thấy… chán đời vì cái sự lơ mơ lộn xộn. Nếu ví những dòng văn thơ họ viết là một giấc mơ thì tôi chẳng nghi ngờ hay chần chừ gì mà không gọi chúng là ác mộng. Đọc những tin nhắn đó, tôi thở dài, thế là không học vẽ ở đây được rồi. Tôi không quan tâm chuyện họ thích học sinh, nó là bình thường thôi. Chuyện họ “dê xồm” chăng nữa tôi cũng chẳng bận tâm vì tôi đây đâu phải cỏ non, tôi là cáo già đấy. Dê mà gặp cáo thì dê chỉ có thành lẩu, tôi không ngán chuyện ấy, nhưng cái ngán là nhìn cách “người thầy” nói chuyện văn vẻ một cách vớ vẩn như thế, tôi mất hết cảm hứng học vẽ. Kể cả họ là giáo viên vẽ, không phải giáo viên văn nhưng vì tôi là một người viết nên đọc những dòng tin nhắn ấy tôi  cứ cảm thấy… dơ dơ. Tôi không thích những thứ dơ dáy nên thôi, bỏ ý định học vẽ chuyên nghiệp vậy.

Và đây không phải lần đầu tiên tôi thấy cái xấu trong những người tự nhận mình là làm việc với cái đẹp, tạo ra cái đẹp. Nghệ thuật được mệnh danh là cái đẹp vì nhiều nguyên do nhưng trước khi đẹp, nó phải sạch đã. Tức là người nghệ sĩ phải có khả năng bộc lộ sự nhạy cảm, tinh tế, ý định của mình một cách thuần khiết nhất, chứ không chỉ dùng cái đẹp của nghệ thuật làm vỏ bọc che đậy cái chưa đẹp của bản thân mình.

Khi tôi thấy những tấm ảnh của Ray lần đầu tiên, tôi rất ấn tượng vì những tấm ảnh bộc lộ một chất nghệ sĩ rất phong lưu, thế rồi tôi đồng ý gặp và thế rồi thất vọng toàn tập. Không hiểu sao đa phần mọi người Pháp tôi gặp đều cứ cho chung một cảm giác rất gỉa dối. Họ có thể trông phong lưu, nghệ sĩ, sạch sẽ trên những tấm hình nhưng cuộc đời thật của họ thì luôn là một mớ hổ lốn, luộm thuộm, bầy hầy. Và vị sếp cũ của tôi, anh người Pháp gốc Việt, may quá anh rất sạch sẽ gọn gàng, anh nói với chúng tôi khi cả nhóm cùng xem một bộ phim nổi tiếng về cuộc sống giới trẻ của Pháp. Tôi hỏi anh: “Cái này là trên phim thôi hay ngoài đời bọn nó cũng bầy hầy vầy hả anh?” Anh ấy đáp: “Ngoài đời tụi nó cũng như vậy đấy.” Tôi tin anh vì dường như mọi người Pháp tôi gặp đều có những cái “bầy hầy” rất riêng như thế. Tôi dần không thích gặp người Pháp chút nào, kể cả chỉ một buổi hẹn đi ăn tối. Tôi không hề biết Ray là người Pháp nên hôm ấy đồng ý gặp. Tôi hứng thú với dự án nghệ thuật của anh chàng, tạm dịch tên là “Đừng phán xét quá vội vàng”. Anh ta tâm đắc với cái thông điệp của dự án đến nỗi còn xăm cả câu ấy lên tay mình. Anh ta cứ luôn miệng nói với tôi về sự xấu xí của việc phán xét, rằng con người nên sống chậm lại, quan sát kĩ hơn, đừng nên phán xét vì mọi sự phán xét vội vàng đều sau cả. Tôi nghe chỉ ậm ừ và có phần thấy mệt mỏi vì Ray nói nhiều quá, tôi chưa từng gặp người đàn ông nào nói nhiều như vậy. Thật đau đầu.

Anh chàng rất thích tôi, thậm chí còn rủ tôi qua Pháp ở lại trong căn biệt thự trắng muốt có hồ bơi rộng bao la và tầm nhìn ra cả một khu vườn rộng lớn với bờ biển xanh rì phía xa. Quả thực đó là một căn biệt thự rất đẹp. Ray nói nếu tôi qua đó, tôi có thể ở lại bao lâu tuỳ ý. Tôi chẳng hứng thú gì lắm nhưng cũng cảm ơn đáp lễ. Ray liên tục rủ tôi đi ăn tối, đi uống, đi chơi nhưng tôi thì liên tục từ chối do chẳng thích gì anh chàng này.

Lý do Ray thích tôi là vì tôi có thể nói chuyện với anh ta về mọi chủ đề, đặc biệt chủ đề nghệ thuật. Thật ra anh ta nói là chính, tôi chỉ cho những nhận xét khi cần và những nhận xét của tôi ghi điểm anh ta rất nhiều. Lý do thứ hai là Ray mê mẩn… mái tóc của tôi. Anh ta luôn miệng khen “đây là mái tóc đẹp nhất, khoẻ nhất, tự nhiên nhất mà tao gặp trong đời” bởi vì anh chàng làm chức vụ khá cao trong ngành tóc ở Pháp rất nhiều năm, thường xuyên tiếp xúc với đủ loại nghệ sĩ, người nổi tiếng mà họ thì đổi kiểu tóc có khi mỗi ngày chứ đừng nói mỗi tuần. Thế nên việc kiếm ra ai không làm gì mái tóc của họ trong một tháng đã hiếm, huống hồ tóc tôi nhiều năm trời không hề đụng chút hoá chất hay tạo kiểu gì. Ray thường “xin phép” vuốt tóc tôi và lần nào cũng trầm trồ không ngớt. Anh chàng còn nói “Tao muốn cầu hôn bộ tóc của mày, được không?” Tôi đáp “Được chứ, mày hỏi ý của nó đi, nhưng hỏi ý từng sợi tóc một nhé. Nếu tất cả chúng đồng ý thì được”. Ray cười ầm ầm. Tôi hay làm nó cười ầm ầm vì tôi là người hài hước và cũng chính nhờ sự hài hước này mà anh chàng khoái tôi tợn hơn nữa. Ví dụ khi nó nói nhiều quá, tôi bảo “Mày im đi một lát được không?” Chàng ta im thật nhưng không phải cái im của buông xuôi mà là cái im của kìm nén. Nó nhìn tôi chằm chằm không chợp mắt, tôi cũng nhìn lại. Khi đã mỏi mỏi mắt, tôi lên tiếng trước, bảo “Ai lên tiếng trước thì…”. Tôi chưa kịp hoàn thành câu nói, Ray đã cười ầm lên, nó nghĩ là nó thắng, nó nghĩ là tôi nói “Ai lên tiếng trước thì thua” và hiển nhiên tôi thua vì tôi lên tiếng trước. Nhưng không, tôi đã nói rằng “Ai lên tiếng trước thì… thắng” làm cho Ray đang cười bỗng khựng lại “Cái gì cơ?” và khi hiểu ra nó lại ôm bụng cười ngặt nghẽo, cười chảy nước mắt.

Vâng bạn ạ, hài hước và giao tiếp là hai trong số nghệ thuật sống rất quan trọng. Khả năng hài hước khiến mọi người gần nhau hơn. Bất cứ ai có thể khiến người khác cười nhiều thì đều được yêu mến vô cùng. Hài hước là một phần của giao tiếp nhưng giao tiếp thì rất rộng, nó khiến bạn trở nên dễ mến kể cả khi bạn không làm người kia cười. Ví dụ như khi tôi và Ray đang ngồi trong nhà hàng món ăn đường phố trên đường Thủ Khoa Huân gần chợ Bến Thành. Ray trò chuyện với một ông già người Úc đi uống bia một mình. Tôi mặc kệ hai người họ vì quá mải mê ngắm mặt trăng đêm đó sao mà quá sáng, qúa tròn trịa, trong suốt và rất gần, cứ như thể bạn leo lên một tào nhà cao cao là có thể bắt được cả trăng bằng tay mình. Tôi ngắm nhìn trăng mê mải quá bỗng Ray vỗ vai tôi, trong lúc đưa tay chỉ một toà nhà đối diện và nói: “Sao người ta lại có thể xây một toà nhà xấu xí đến thế nhĩ?” Ông già người Úc góp vui “Xấu thật chứ. Tao cũng đếch hiểu luôn.” Tôi nhìn cả hai bọn họ với nét mặt nghiêm túc nhất và lắc đầu: “Hai người nhìn coi, mặt trăng ngay kia đẹp đến vậy, to tròn sáng rõ đến vậy, gần đến vậy. Vậy mà hai người không một chút chú ý đến nó, lại chú ý đến căn nhà xấu xí đó sao? Hai người có bình thường không đấy?” Thế là cả hai cười và đồng tình “Ừ đúng là trăng đẹp quá nhĩ?”

Thật ra trong mắt họ, tôi mới là cái đứa không bình thường. Nhưng bạn ạ, nghệ thuật đơn giản là cái đẹp và cái đẹp ở khắp mọi nơi nếu như bạn chịu khó mở mắt, mở tâm hồn mình ra để mà cảm nhận, mà chiêm ngưỡng thay vì chỉ dùng cái đầu để suy nghĩ, phán xét.

Bạn có để ý không? Khi bạn cảm nhận thứ gì bằng trái tim, trái tim không bao giờ phán xét, kể cả khi thứ bạn nhìn chẳng lấy gì làm đặc biệt. Trái tim luôn cảm thấy ngạc nhiên về trân quý mọi sự, như đứa trẻ lần nào thấy bướm cũng ngạc nhiên và đuổi theo bướm, chẳng bận tâm mình làm vậy để làm gì.

Nhưng khi bạn bắt đầu phán xét thế thì bạn phải dùng cái đầu. Bạn sẽ phải phân tích theo nhị nguyên: đúng và sai, xấu và đẹp, có ích và vô ích. Cái đầu thì luôn luôn phán xét. Phán xét là đôi mắt mở ra chỉ để nhìn vào cái xấu và kết luận mọi thứ chỉ bằng những cái xấu mà cái đầu nhìn thấy. Ví dụ bất kể một người tốt bao nhiêu lần nhưng nếu cái đầu thấy người đó làm việc xấu một lần thế thì nó sẽ kết luận người ấy có bản chất là xấu, rằng cái tốt chỉ là giả dối, đóng kịch hay đạo đức giả.

Bạn đã bao giờ thử phán xét mà không có năng lượng xấu chưa? Đó là điều không thể vì bản thân phán xét luôn và luôn nhìn vào cái xấu, cái chưa đẹp, chưa tốt, nó đầy ắp suy nghĩ và nhận xét.

Để cảm nhận nghệ thuật, bạn phải vứt bỏ cái đầu phán xét. Bạn phải nhìn và cảm nhận mọi thứ bằng trái tim. Và cũng chỉ có nghệ thuật đích thực mới có thể khiến người ta mở cả trái tim ra cảm nhận bởi vì “thứ gì xuất phát từ trái tim sẽ đi tới trái tim”. Nghệ thuật là ngôn ngữ của trái tim.

Có câu nói rất hay về sự khác biệt giữa nghệ thuật và tâm trí. Người nghệ sĩ đại diện cho nghệ thuật. Nhà phê bình nghệ thuật đại diện cho tâm trí. Câu nói hay ấy nói rằng: “Chỉ những người không thể sáng tạo nghệ thuật mới trở thành nhà phê bình nghệ thuật”. Câu này đơn giản nghĩa là: để trở thành nhà phán xét, nhà phân tích, nhà phê bình thì dễ dàng hơn trở thành nghệ sĩ rất nhiều. Bạn dễ dàng bảo người khác vẽ xấu nhưng bạn có thể tự vẽ không? Kể cả vẽ một bức tranh xấu như họ?

Ai đó hỏi Picasso rằng: “Tranh của ông trông không hợp lý chút nào cả.”

Rất thông minh, ông ấy đáp: “Thế giới này có hợp lý đâu, tại sao tranh của tôi phải có lý?”

Bạn có thể thấy rõ rằng người hỏi đó là người dùng tâm trí chứ không phải trái tim khi chiêm ngắm các bức tranh của Picasso và Picasso là một trong những biểu tượng hội hoạ của thế giới chẳng phải vì nó đẹp nhưng bởi vì nó được vẽ trong trạng thái ông ấy hoàn toàn vô trí, tức là vẽ bằng trái tim, không phải cái đầu. Một tác phẩm nghệ thuật được ra đời bởi trái tim mà không phải cái đầu, đó là nghệ thuật đích thực, nó là cầu nối cho con người từ thế giới vật chất qua thế giới tâm linh.

*

Cái ngày Zac đến Sài Gòn để đón ba mẹ nó từ Mỹ qua, nó mang theo một điếu cỏ và rủ tôi hút cùng. Được thôi vì thứ lá thuốc này tôi thử nhiều lần mà chẳng lần nào cảm thấy “high” cả. Cỏ không có tác dụng với tôi do tôi thường xuyên thiền định và đã nâng ý thức của mình lên tới điểm cỏ khó chạm tới. Vậy nên tôi hút cho vui và thực chất là để chụp vài tấm ảnh hay hay. Tôi có sở thích chụp lại mọi thứ trong đời mình và gửi nó cho Ray khi anh chàng cứ liên tục nhắn tin hỏi tôi đang làm gì, có rảnh đi chơi không.

Trở lại cái anh chàng Ray, anh ta thích tôi nhiều hơn tôi thích anh ấy. Không chỉ thích tôi, thích tóc của tôi, anh ta còn cực kì khoái chiếc nón phù thuỷ trắng mà tôi thiết kế nữa. Anh chàng năn nỉ tôi cho mượn chiếc nón để bỏ vào dự án nghệ thuật của anh ấy. Tôi từ chối. Anh chàng dùng mọi chiêu bài để năn nỉ “Bộ ảnh sẽ được trưng bày ở Pháp và khắp Châu Âu, có thể trên toàn thế giới nữa.” Tôi đáp “Không”. “Tao sẽ đề tên mày dưới bộ ảnh cùng lời cảm ơn. Cách này là tao quảng bá tên tuổi mày đấy.” Tôi nói “Không”. Anh chàng tung chiêu bài cuối: “Mày đúng là người Việt Nam. Thôi được rồi. Mày muốn bao nhiêu?” Tôi giận thật sự. Giận điên lên. Cái gì mà “đúng là người Việt Nam”, cái gì mà “mày muốn bao nhiêu”, từng lời nói đó thể hiện cho tôi thấy rõ anh ta là loại người gì, loại “Pháp”. Bất kể loại “Pháp” nghĩa là gì, tôi không thích. Và khi tôi nói “Không”, nó đơn thuần nghĩa là “Không”. Tôi nén giận, đáp: “Nó không phải vấn đề tiền bạc. Tao đơn giản là không thích và không cần bất cứ loại lợi ích nào mà mày vừa đề cập hết. Chiếc nón này là thương hiệu cá nhân và tao sẽ không để nó xuất hiện ở nơi mà tao không thích, bất kể đó là một dự án nghệ thuật cấp quốc tế.”

Anh chàng khá lì lợm, vẫn cứ thuyết phục tôi thêm vài lần, nhờ tôi đặt làm giùm một chiếc khác, mời tôi tham gia vào trong bộ ảnh cùng nếu tôi không muốn “rời” chiếc nón… Tôi từ chối tất cả. Và bạn biết đấy, khi bạn từ chối một người đàn ông quá nhiều lần, anh ta sẽ cảm thấy có chút tổn thương. Khi bị tổn thương, một cách vô thức mọi người có xu hướng làm tổn thương ngược lại người kia dù cho đó là đàn ông hay phụ nữ.

Tôi không chỉ từ chối Ray về chiếc nón hay tham gia bộ ảnh, tôi còn từ chối những lời mời đi ăn uống và đặc biệt khi gặp nhau tôi còn từ chối tiếp xúc quá gần với anh chàng vì anh ta đầy mùi… thuốc lá. Tôi không thích mùi thuốc lá qúa đậm và nhất là không thích nhìn một bộ răng nhuốm màu khói thuốc, rất ghê. Thế nên mỗi khi Ray cứ cố lại gần tôi một chút tôi lại lấy cớ “mùi thuốc lá” để đẩy anh chàng ra xa hơn. Đó là lý do của việc xảy ra sau này.

Khi Ray thấy tôi hút cỏ (là do tôi gửi anh ta tấm hình vì tôi thấy tấm hình ấy khá đẹp với làn khỏi bay lên rồi thu lại theo kiểu chụp bounce), anh ta đã rất ngạc nhiên, có phần sửng sốt và sau đó là một tràng phán xét tôi kiểu “Em hút thuốc sao? Thật không thể tin được. Anh không ngờ em là con người như vậy” (hoặc cũng có thể dịch mày-tao đều không khác gì). Con người gì chứ? Một điếu lá thuốc biến tôi thành người xấu hay sao? Nếu vậy thì ừ tôi là người xấu đấy. Rồi sao? Khoảnh khắc nghe Ray nói như vậy, tôi chỉ thấy buồn cười làm sao cho cái phương châm sống “Không phán xét vội vàng” của anh chàng.

Trong mắt tôi, anh chàng là chúa phán xét, phán xét tất cả mọi thứ, mọi người nhưng luôn miệng dùng cái dự án rất ngầu của mình làm bình phong rằng mình ghét phán xét. Thật giả dối. Tất nhiên trong mắt anh chàng thì câu chuyện có thể khác, có lẽ anh ta tưởng tôi là thiên thần Gabriel nhưng hoá ra tôi là Luci. Nhưng tôi có bao giờ giấu diếm gì đâu? Chỉ là người quá bận nói thì sẽ không có khả năng nghe một chút nào nữa. Và khi người ta không nghe mà chỉ nói, làm sao người ta biết tôi là ai? Thế rồi người ta đắp vào tôi cả đống hình ảnh mà người ta tưởng tượng ra, khi sự tưởng tượng ấy bị tan vỡ, tự dưng tôi bị biến thành người giả dối sao? Sao kì cục vậy? Thôi bỏ đi. Cuộc đời này quá ngắn ngủi để mà bận tâm về việc người khác mơ gì, tưởng tượng gì, mong đợi gì từ bạn. Bạn sống ở trên đời không phải để hoàn thành kì vọng của ai và cũng không ai tồn tại trên đời này để hoàn thành kì vọng của bạn. Đó là sự thực.

Đây chỉ là một ví dụ cho bạn phân biệt về sự khác biệt giữa nghệ thuật thực sự với nghệ thuật vỏ bọc. Nghệ sĩ là người có thể mang cả chất nghệ thuật vào cuộc sống của mình, chứ không chỉ đơn thuần là làm một công việc hay một dự án là xong, là đủ gọi là nghệ sĩ.

 

Sống một cách nghệ thuật, chính là nghệ thuật sống đỉnh cao

Tôi không phải người hoạt động nghệ thuật nhưng có thể nói tôi sống một cuộc sống khá nghệ thuật. Cụ thể là mọi việc tôi làm trong đời sống đều có liên quan chút gì đó tới nghệ thuật, tức cái đẹp. Nó thường khiến người khác phải “Ồ” lên. Ví dụ đôi giày da của tôi khiến những người yêu thích giày da “ồ” lên một cái “ồ” nho nhỏ. Quần áo tôi mặc hay chiếc nón phù thuỷ trắng tôi hay mang cũng thường xuyên khiến người khác phải “Ồ” lên bất kể tôi đi dạo ở Sài Gòn hay ở Bali. Căn nhà tôi ở với khu vườn xinh xinh và gian phòng trên cao đầy ánh sáng cũng thường xuyên khiến những người bạn ghé thăm phải trầm trồ vì sự “độc lạ” của nó. Cách tôi gửi những bưu phẩm, những cuốn sách (thời kì đầu tiên: gói bằng tay, đính hoa khô, thiệp cảm ơn ghi tay) hay khi tôi tổ chức các workshop phù thuỷ thường khiến họ phải “Ồ” lên một chút. Rồi khi tôi “cầu hôn” anh bạn trai cũ trong toilet bằng cặp bàn chải đánh răng khiến anh ấy phải “Ồ” suốt mấy tháng trời. Ngay cả chiếc xe cub tôi thường dùng để đi lại cũng là đối tượng bàn tán của mọi nhân viên giữ xe ở mọi nơi tôi tới vì sự độc lạ của nó… Chẳng biết từ bao giờ, chất nghệ thuật cứ thấm vào cuộc sống của tôi một cách tự nhiên như thể đó là một tính cách của tôi vậy. Không gò ép, không gồng gượng chút nào.

Nhiều lý do khiến tôi sống nghệ thuật: bố tôi là một trong số các lý do: bố hay nuôi tóc dài rồi cột lại, bố viết chữ tay rất bay bổng uốn lượn, bố thích trồng các loại hoa xung quanh nhà… Thêm việc tôi thích theo dõi các fanpage quốc tế về nghệ thuật và sáng tạo từ khi facebook xuất hiện. Thật là một phúc lành. Bằng việc xem những ngôi nhà phong cách phương Tây xinh đẹp với những chiếc đèn bàn ấm áp, những chiếc tách trà đủ màu sắc, những ô cửa sổ đầy hoa, những khu vườn xanh mát… tất cả những thứ này cứ đi vào tâm hồn tôi một cách từ từ chậm rãi và trở thành một phần đời tôi từ hồi nào không hay. Tôi muốn có cuộc sống xinh đẹp như những gì tôi thấy và tôi quả thực đã tạo ra cuộc sống xinh đẹp ấy cho chính mình.

Ngày xưa tôi chỉ theo dõi các fanpage về sáng tạo, nghệ thuật; ngày nay tôi theo dõi nhiều trang hơn, kể cả những trang hay chia sẻ những điều hài hước ở khắp thế giới lẫn những câu quote ý nghĩa. Đó là cách tôi tự học Anh Văn và đang giúp những bạn trong Học viện Anh ngữ Thần chú của mình học Anh văn. Trước đây tôi chỉ theo dõi nhưng giờ tôi bắt đầu comment ý kiến của mình sau những bài đăng nữa và bằng cách này tôi có khá nhiều người muốn kết bạn với tôi từ khắp nơi trên thế giới. Có người quan tâm về “bí ẩn đàng sau những cái tên”, có người muốn tôi chỉ họ cách thiền định, có người thích tôi vì tôi quá hài hước.

Một lần nọ có một trang chia sẻ một câu quote rất vui, đại loại “Cuộc đời thì ngắn thế, yêu thật mãnh liệt cho chết mẹ mấy đứa mà bạn yêu đi”, tôi thả icon cười thật lớn và ngạc nhiên trong số hàng ngàn cảm xúc, chỉ có hơn chục người cùng thả icon cười giống tôi, còn lại chỉ “like” hoặc “sad”. Tôi nhận ra ngay chục người đó là những người có cùng “tần số” với mình. Tự dưng tôi nảy ra một ý định: bữa giờ mọi người làm quen với tôi nhiều, lần này tôi sẽ thử làm quen với ai đó xem sao. Nghĩ vậy nên tôi vào xem 10 người cùng thả icon “laugh” đó. Trong số đó tầm bảy người phụ nữ (tôi không giỏi nói chuyện với phụ nữ nên bỏ qua) và ba người đàn ông. Tôi chọn một thanh niên trong số ba người đàn ông đó vì anh ta tên C. Gary. Tôi thích cái tên này (ai xem loạt chương trình thực tế Running Man của Hàn Quốc sẽ biết Gary: anh chàng rapper đáng yêu và dễ mến kinh khủng). Tôi thích cái tên Gary từ sau chương trình ấy nên thấy có cảm tình với chàng Gary này. Tôi vào trang cá nhân của anh ấy và quả thật tôi đã không nhìn lầm, Gary là một người hài hước kinh khủng. Anh ấy thường share rất nhiều hình ảnh và quote vui từ các trang khác. Tôi “like” cả đống thứ mà Gary chia sẻ trên tường. Trong đó có thứ đáng yêu đến nỗi tôi phải tải về máy để còn share lại cho các bạn trong Học viện Anh ngữ của mình. Ví dụ như là:

  “- Ôi cô ấy thật xinh đẹp. Tiếc là cô ấy có bạn trai rồi.

– Mạnh dạn lên anh bạn, hãy đến nói với cô ấy sự thật rằng cô ấy rất xinh đẹp và cô ấy xứng đáng có hai bạn trai.”

Dịch ra tiếng Việt thì dài nhưng tiếng Anh thì ngắn gọn thôi, chỉ hai dòng thoại mà tôi cười nguyên cả buổi. Sau khi “rắc” một chút “like” thì tôi out và chẳng bất ngờ chút nào khi sáng hôm sau tôi nhận được lời mời kết bạn từ Gary cùng những tin nhắn làm quen của anh ấy. Hà hà. Tất nhiên tôi nhận lời, không quên giải thích tại sao tôi tìm ra anh vì tôi tin rằng chúng tôi có chung một loại “năng lượng hài hước” như nhau.

Thế là chúng tôi giữ liên lạc từ ấy, Gary rất thích nói chuyện với tôi và lần nào cũng chốt hạ bằng câu “thật tuyệt vời khi được quen biết em”. Chúng tôi nhắn tin gần như mỗi ngày – như những người bạn thôi vì thú thật với bạn, tôi vẫn chưa thể quên chàng-thơ của mình: J. Chúng tôi nói chuyện mỗi ngày nhưng chỉ hỏi thăm về cuộc sống, tôi chẳng biết gì về công việc của Gary cả cho tới hôm nay. Tôi thức giấc, chơi với hai bạn chim cu, uống tách cafe ấm nóng trong sân vườn của mình và nhận được tin nhắn từ một người anh làm trong nhà xuất bản. Anh ấy nói rằng rất muốn tôi hợp tác xuất bản một cuốn sách về thiền nếu tôi đồng ý. Và anh ấy nói thêm rằng anh rất thích bài viết “wow” của tôi. Tôi không nhớ nên hỏi anh ‘bài wow nào?’ và anh bảo “cái bài về nghệ thuật tạo ra những cái wow và những wow đó chính là thiền định, là tâm linh”. Tôi “ồ” lên. Đó chỉ là một vài câu bình luận ngắn tôi chia sẻ sau khi thấy những tờ tiền được trang trí lại quá nghệ thuật, quá đẹp. Một ý tưởng loé qua, tự dưng tôi muốn viết nhiều hơn về tầm quan trọng của nghệ thuật và mối quan hệ nghệ thuật với thiền định trong cuộc sống.

*

Tôi bắt tay viết bài viết này khi vừa nhận được tin nhắn của Gary “Ở đây đang mưa đẹp quá. Em có thích mưa không?” Tôi nói với Gary rằng mình thích mưa và thích cả nắng vì cả hai cùng đẹp, cùng thơ và cùng làm cho nhau trở nên “đầy đặn”. Tôi hỏi “Này Gary, trước giờ em chưa hỏi, anh làm công việc gì nhĩ? Có thể chia sẻ không nếu anh không phiền?”

Gary đáp: “Ồ tất nhiên là không phiền. Anh là một cuốn sách mở. Em có thể hỏi anh bất cứ điều gì, vào bất cứ lúc nào. Anh là người viết lời bài hát và một nhà thơ. Anh yêu mọi thể loại âm nhạc, văn học, hài kịch và nói chung mọi lĩnh vực nghệ thuật khác.”

Tôi chẳng biết nói gì, chỉ biết “Wow”. Chẳng phải đây là cuộc hội thoại hoàn hảo trước khi tôi bắt đầu viết một bài về nghệ thuật sao? Thượng đế thật tuyệt vời. Cuộc sống thật tuyệt vời. Luật vũ trụ, nghiệp quả, nhân duyên cũng thật tuyệt vời làm sao.

*

Để tôi cho bạn vài ví dụ khi bạn “sống nghệ thuật”, tức là để nghệ thuật lan toả trong từng hành động của bạn mỗi ngày, từ việc ăn, việc nói, việc nghỉ ngơi… bất cứ gì cũng có thể trở thành nghệ thuật cả. Và nghệ thuật sẽ khiến cuộc sống của bạn đẹp hơn rất nhiều, thơm ngon hơn rất nhiều.

Gary là một người viết lời nhạc, một nhà thơ nên khi anh ấy nói chuyện với tôi thì lời của anh ấy cũng như thơ vậy. Tôi bị biến thành “nàng thơ” của anh chàng và đây là vài dòng tin nhắn tôi muốn chia sẻ với bạn để thấy cuộc sống khi đầy chất thơ thì sẽ ngọt ngào như thế nào:

“You have a great sense of humor. I think you have a beautiful heart and a beautiful spirit. At least that’s how it feels already. You are beautiful of course, but I see your beauty has many layers and dimensions to it. Not just physical.

Your presence alone strengthens my belief in magic and love and just good energy period. Words can’t really describe how amazing I think you are. Just know I’m here anytime if you ever need anything at all.

I can feel your vibes and energy through your pictures alone. Beautiful. Thanks for thinking of me. You truly enrich my experience of life on Earth.

I think you are truly amazing. The force of the entire universe is with you. Including me.

A wizard. A yogi. An author. An artist. A musician. You are somewhat of a revolutionary. I’m blown away by you. and that is so cool. No pun intended.”

Thì đấy, khi một người nói chuyện với bạn bằng ngôn ngữ của thơ ca, của trái tim lẫn cảm xúc thì bạn sẽ rất dễ nhận ra và bị “lây”. Nghệ thuật là thứ dễ gây lân lan, vì nó là cảm xúc thuần khiết. Tôi không chỉ có khả năng sống thơ, tôi cũng thường khiến người khác “lây” cái việc sống thơ của mình khá nhiều lần.

Tôi đáp với Gary: “I’m just a happy girl. I am noone really. Meditation is the light. It melts me from Snow to Water to Vapor. I’m Vapor now. Exist but not exist.”

Gary nói: “Oh my God I love how you talk too. So deep àn poetic and wise.”

Thật sự, ngôn từ và giao tiếp là một trong những môn nghệ thuật tuyệt vời của cuộc sống. Tôi đã sống trong tinh thần thơ ca nghệ thuật như thế này từ rất lâu rồi. Tôi cũng đã thưởng thức không biết bao nhiêu lời nói ngọt ngào kiểu này từ các chàng trai, kể cả các quý ông. Dần dà tôi tôn trọng và thưởng thức chúng, biết ơn nữa nhưng không một chút gì lấy đó làm điều để tự hào, tự cao hay tự ái (tự yêu bản thân thái quá). Vì lời nói, dù hay đến đâu cũng sẽ có lúc bạn trở nên đầy tràn, chán ngán với nó. Sẽ tới lúc bạn chỉ mong cầu một người đọc được mọi tâm ý của bạn mà chẳng cần phải nói ra. Tôi từng tìm được người đó nhưng rồi cũng chẳng giữ được và lý do là trong những giây phút “mất kiểm soát” tôi đã quên việc vận dụng lời theo cách anh ấy muốn.

Giây phút tôi nhận ra lời là vô nghĩa, tôi trở nên im lặng và rồi tìm ra cái đẹp tuyệt trần của sự im lặng. Càng im lặng tôi càng nhìn thấy những vẻ đẹp ẩn sâu trong cuộc sống và càng trân quý cuộc sống nhiều hơn. Trân quý cuộc sống và sự im lặng bao nhiêu thì tôi lại chán ghét sự ồn ào nhiều bấy nhiêu.

Đây chính là nghĩa của Phật khi nói rằng nghệ thuật làm phân tâm người ta khỏi con đường tầm đạo.

Lời chính là nghệ thuật, nó có thể biến đời thành ngọt ngào đẹp đẽ, nhưng sự im lặng mới là thứ đưa người ta đến chân lý, đến đạo vĩnh hằng. Một ngày nào đó khi bạn như tôi chán ngấy lời, bạn sẽ học cách thưởng thức sự im lặng. Một ngày nào đó khi bạn chán ngấy cái đẹp của thế giới bên ngoài, bạn sẽ khao khát đi tìm cái đẹp bên trong. Cái đẹp bên trong ấy là tâm linh, là đạo. Còn cái đẹp bên ngoài chính là những gì giác quan chúng ta thấy được, cảm nhận được trong thế giới này. Nghệ thuật chính là phương cách thể hiện cái đẹp của thế giới cho chúng ta, những người còn đang mải mê đi tìm cái đẹp.

Cho nên, hãy sống nghệ thuật, hãy vận dụng nghệ thuật để làm đầy trái tim bạn bằng vẻ đẹp của cuộc sống, của thế giới bên ngoài này trước đi. Rồi sẽ tới một điểm khi thế giới bên ngoài đã đủ đầy, bạn sẽ chán ngán mà đi vào bên trong và chỉ có những thứ bên trong mới làm thoả cơn khát cái đẹp muôn đời của bạn.

*

Con người được sinh ra với ba cơn khát chính theo cấp bậc từ thấp lên cao: Cơn khát vật chất – Cơn khát tinh thần và Cơn khát tâm linh.

Đô ăn, tiền, sự giàu sang, kể cả danh vọng là những thứ giúp thoả mãn cơn khát vật chất của bạn, cấp độ thân thể lẫn tâm trí.

Cái đẹp, nghệ thuật, tình yêu là thứ giúp thoả cơn khát tinh thần, tức cơn khát của trái tim.

Thiền định, sự giải thoát, giác ngộ là thứ giúp giải toả cơn khát tâm linh – cơn khát của linh hồn.

Trong Kito giáo thường nhắc tới “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra và nước ấy chảy tới những đâu thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên: Halleluja. Halleluja.” Nước này đại diện cho thứ giải toả cơn khát của linh hồn bạn. Kito giáo rất giỏi trong việc vận dụng mọi yếu tố nghệ thuật vào các buổi lễ: từ âm nhạc, ca hát: mọi lời kinh cầu đều được phổ nhạc; rồi quần áo trang phục của linh mục lẫn người đi lễ nhà thờ đều rất được chú ý quan tâm. Rồi nghệ thuật vẽ, điêu khắc, cắm hoa, bài trí… mọi thứ đều được tính toán và cân đo đong đếm cẩn thận. Mỗi nhà thờ đều theo một kết cấu bài trí chung nhưng cũng mỗi nhà thờ đều có nét cá tính riêng độc đáo về trang trí, hoạ tiết, thiết kế. Thật thú vị.

Kito giáo cho rằng nghệ thuật có thể là chiếc cầu đưa bạn tiếp cận một thế giới khác. Phật giáo cho rằng nghệ thuật là thứ cản trở bạn tiếp cận thế giới khác? Ai đúng ai sai? Thật ra chẳng có gì đúng cũng chẳng có ai sai. Theo cách tiếp cận của tôi, theo sở thích “hoà hợp” mọi quan điểm của tôi thì hai cách nhìn của hai tôn giáo này bổ sung cho nhau, làm hoàn thiện nhau một cách tuyệt vời.

Ồ tất nhiên đây là góc nhìn của tôi, hãy đọc tham khảo và dùng trái tim để quyết định bạn đồng tình hay không, chứ không cần phán xét đúng sai bằng đôi mắt của nhà phê bình nghệ thuật, bạn nhé.

Đây là cách nhìn của tôi về Nghệ thuật:

Nghệ thuật là cây cầu giữa thế giới vật chất và tâm linh như thế nào?

Nó quả thực là cây cầu đó, nhưng là cầu vồng. Bạn thấy cầu vồng chứ: sự kết hợp hoàn hảo và tinh tế của nắng và mưa, tia ánh sáng và hơi nước. Bạn đã từng thấy ai bước trên cầu vồng chưa? Rõ là chưa vì nó không có thật. Một thứ vừa có thật vừa không có thật, tuỳ vào cách nhìn của bạn về nó.

Nghệ thuật cũng vậy.

Hãy thử nghĩ về cơn đói. Khi một người nghèo với cái bụng đói quặn lên, run rẩy. Liệu người đó sẽ ăn bất cứ gì trên bàn ăn hay người đó sẽ nhịn cho đến khi được phục vụ món sushi cá hồi? Tất nhiên người đó phải nhét đầy cái bụng mình cho nó hết đói đã. Người đó thậm chí còn chẳng biết rằng trên đời có những người mà việc ăn uống của họ không phải để thoả mãn vị giác, nhưng là để no tất cả các giác quan khác nữa.

Người Nhật với tiêu biểu là món sushi và sashimi, được thế giới coi như một biểu tượng trong nghệ thuật ăn uống. Người Nhật làm mọi thứ với một tinh thần nghệ thuật rất cao, từ việc ăn cho đến cả uống trà, tất cả đều đượm một tinh thần nghệ thuật bậc thầy. Khi người ta giàu có và văn minh hơn mức vật chất trung bình của xã hội thì người ta sẽ càng ngày càng chú trọng vào các yếu tố nghệ thuật, tinh thần.

Một nước giàu có luôn xem trọng nghệ thuật hơn các nước nghèo đói. Một người giàu có cũng thường có điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật nhiều hơn và nhờ đó mà nâng cao khướu thẩm mĩ cùng phong cách sống của họ ngày càng tinh tế, điệu nghệ. Nhưng giàu-nghèo không phải lý do. Lý do nằm ở việc khi người ta có điều kiện thì người ta sẽ chọn “nuôi dưỡng” cơn đói nào: cơn đói của tâm trí hay cơn đói của tâm hồn?

Khi người ta giàu về vật chất, người ta sẽ bận tâm tới những nhu cầu cao cấp hơn. Người giàu sẽ ủng hộ dùng tiền thuế để xây nhà hát, nhà triễn lãm, trung tâm văn hoá nghệ thuật. Người nghèo chỉ muốn tất cả tiền thuế để xây thêm trường học, bệnh viện, nhà tình thương-tình nghĩa… mà thôi. Ai cũng có lý do của họ.

Một người no đủ vật chất sẽ bắt đầu hướng tới tinh thần. Một người no đủ về tinh thần sẽ bắt đầu hướng về tâm linh. Đây là ba tầng trong kim tự tháp nhu cầu của con người muôn thời đại.

Tiền bạc vật chất nếu được sử dụng đúng cách có thể khiến cuộc sống con người trở nên đủ đầy, toàn vẹn, sâu sắc hơn. Nó sẽ hướng người ta tới thế giới của cái đẹp, của nghệ thuật. Thế rồi nghệ thuật nếu được sử dụng đúng cách sẽ đưa con người vượt lên trên tất cả, hướng tới một thế giới mà luôn được mọi tôn giáo đề cập tới: nơi người ta sẽ không đói khát bao giờ, nơi chỉ có an yên phúc lành tràn ngập, nơi chỉ có tình yêu và tình yêu vĩnh hằng…

Tôi sẽ giải thích cái cách mà nghệ thuật đưa tôi tới thế giới ấy, đúng hơn là một thoáng nhìn về thế giới ấy.

Ngày xưa tôi bận tâm về tiền bạc nhiều. Tôi rất thích kinh doanh và làm gì cũng chỉ mong nó sinh nhiều lợi nhuận. Khi đời sống vật chất tương đối đảm bảo, kết hợp một tinh thần sống đơn giản, tôi bắt đầu hướng bản thân theo nghệ thuật. Bây giờ thì việc tôi làm mang tính nghệ thuật nhiều hơn, kể cả khi nó là việc kinh doanh, nó cũng mang tính nghệ thuật sáng tạo. Ví dụ tôi sẽ không xuất bản sách chừng nào cuốn sách đó không mang đủ ba tính: thực tế, thơ ca lẫn thiền. Việc tôi làm mỗi ngày cũng đầy ắp tinh thần nghệ thuật: buổi sáng tôi uống cafe nghe chim hót, đọc sách; buổi trưa viết sách, dạy hai chú chim tập bay; chiều tập chơi đàn, vẽ, tập yoga… Cái hay ở chỗ khi bạn làm việc trong tinh thần nghệ thuật thì dần dà nó đều sinh lợi theo cái cách mà chính bạn cũng không ngờ. Nghệ thuật làm giàu cuộc sống bạn theo cách đẹp hơn, thơ hơn kinh doanh rất nhiều.

Để bạn dễ hình dung, tôi tạm chia khả năng cảm thụ nghệ thuật làm ba bậc.

Bậc một cho người mới “nhập môn” là khi bạn chỉ thấy cái đẹp khi có nghệ sĩ phô bày tác phẩm sáng tạo của họ. Ví dụ bạn chỉ thấy một cô gái là đẹp sau khi cô ấy đã được trang điểm. Bạn chỉ thấy mặt trăng đẹp khi đọc thơ ai đó tả về trăng. Bạn chỉ thấy hoa sen đẹp khi ai đó vẽ chúng trên vải và trưng bày trong phòng triễn lãm. Bạn chỉ thấy âm nhạc là hay khi nó đi kèm với lời hát hay.

Bậc hai khi khả năng cảm thụ nghệ thuật, cảm nhận cái đẹp của bạn được nâng lên. Bạn bắt đầu chuyển qua nghe nhạc giao hưởng, nhạc không lời vì biết rằng âm nhạc đó thuần khiết hơn, lời hát chỉ là thứ trang trí nhất thời. Bạn bắt đầu mê mẩn ánh trăng và ngắm nhìn trăng vào những ngày trăng tròn thật đẹp. Bạn bắt đầu yêu quý vẻ đẹp của hoa sen đến nỗi tất cả vẻ đẹp của hoa khác đều bị lu mờ trước hoa sen. Bạn nhìn hoa sen theo cách không một ai khác nhìn ra: sự thanh tao của nó, vẻ đẹp của những giọt sương đọng trên cánh hoa hay trên tàu lá. Bạn cũng có thể cho rằng hoa sen mới xứng đáng là nữ hoàng, không phải hoa hồng. Bạn bắt đầu nhìn những cô gái với đôi mắt của một nghệ sĩ trang điểm: ai cũng có thể trở nên xinh đẹp như hoa hậu, chỉ cần biết tìm một “phù thuỷ hoá trang”. Đây là cấp bậc thứ hai của nghệ thuật. Theo tôi, những nghệ sĩ còn nhiều cái tôi và nhấn mạnh phong cách cá nhân thường ở cấp độ này.

Thế rồi có một cấp độ thứ ba của nghệ thuật: cấp độ tâm linh. Khi cái tôi và tâm trí phân biệt của người nghệ sĩ lẫn người thưởng thức nghệ thuật tan biến đi, chỉ còn một trái tim vô tư thuần khiết và một đôi mắt trong veo luôn trầm trồ kinh ngạc trước cuộc triễn lãm nghệ thuật lớn nhất trên đời: chính là Thế giới này, Trái đất này, Cuộc sống này. Cấp độ tâm linh này xảy ra khi người ta bắt đầu nhận ra: Thượng đế chính là nghệ sĩ tài ba nhất và công trình sáng tạo của Ngài, tức cuộc sống này là tác phẩm sáng tạo tuyệt hảo nhất.

Thế thì người ta trân trọng vẻ đẹp trong bất cứ loại hoa nào người ta thấy, từ hoa sen, hoa hồng, hoa cúc, hoa ly, hoa vạn thọ hay kể cả bông hoa dại. Người ta yêu tất cả, không phân biệt.

Thế thì người ta nhận ra âm nhạc nguyên bản nhất không hẳn là nhạc không lời, nhưng là những âm thanh trong cuộc sống: tiếng lá reo rì rào trong gió, tiếng chim hót rả rích trong lùm cây, tiếng dế kêu ngoài sân một buổi tối mùa hè, tiếng nước chảy róc rách từ trong khe suối… Tất cả những âm thanh đó đều trở thành âm nhạc, âm nhạc tuyệt vời nhất. Cuộc sống người ta trở nên được bao quanh bởi âm nhạc, từ sáng tới tối.

Thế thì người ta không còn bận tâm bình luận người này đẹp hay xấu, người kia ngoại hình ra sao. Người ta đơn giản tôn trọng sự khác biệt của tất cả mọi người và thậm chí còn nhìn thấy cái đẹp ở khắp mọi nơi người ta để tâm tới. Một cô nàng bán cá ngoài chợ dù bao quanh bởi những mùi tanh của cá nhưng cô ấy vẫn luôn có nụ cười thật đẹp, thật tươi. Một cô bán đi thu gom rác có giọng nói sao mà ngọt ngào trầm ấm. Một cô hàng xóm có khướu hài hước ăn đứt mọi danh hài nhưng trước đây bạn chẳng để ý bao giờ…

Thế thì người ta bắt đầu thấy cái đẹp trong mọi sự, mọi người, mọi nơi. Rồi người ta cũng thấy sự hoàn hảo trong mọi tình huống. Khi thuận lợi – có cái đẹp. Khi khó khăn – có cái đẹp. Trong nụ cười có cái đẹp; trong nước mắt có cái đẹp. Trong nắng vàng có cái đẹp, trong cơn mưa xám cũng có cái đẹp. Trong sum họp có cái đẹp và trong chia ly cũng có cái đẹp. Cái đẹp và sự hoàn mỹ bao trùm lên mọi tạo vật, trong mọi hoàn cảnh. Sự sống này là một công trình nghệ thuật kì vĩ, đẹp tuyệt vời. Mà không chỉ sự sống mới đẹp đâu. Cái chết cũng đẹp nữa. Một người già qua đời hay thậm chí người trẻ qua đời cũng không phải chuyện để mà khóc than. Vì mọi sự xảy ra đều đáng xảy ra. Hoa mười giờ nở vài tiếng rồi tàn và nó đẹp. Hoa hồng nở một vài ngày rồi tàn và nó đẹp. Hoa anh đào, hoa mai chỉ nở một lần trong một năm, vẫn đẹp. Chỉ có hoa nhựa không bao giờ tàn, không bao giờ heó, không bao giờ chết… là không đẹp.

Sống có cái đẹp của sống. Chết có cái đẹp của chết.

Âm nhạc có cái đẹp của âm và sự im lặng cũng có cái đẹp của nó.

Khoảnh khắc bạn nhìn ra cái đẹp ở khắp mọi nơi trong cuộc sống và trân trọng chúng với tất cả lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ, lòng cảm mến. Đấy là bạn đã dùng nghệ thuật thành công như một cái cầu, một cái thang dẫn bạn đến thế giới tâm linh.

Nghệ thuật phô bày cho bạn cái đẹp của thế giới bên ngoài.

Thiền, tức là im lặng, cảm nhận mọi thứ với trái tim rộng mở, cái đầu trống rỗng không phân biệt – là thứ sẽ mang cho bạn đôi mắt để nhìn thấy cái đẹp của thế giới bên trong. Thứ mà tôn gíao gọi là tâm thức của bạn.

Thiền theo cách hiểu đơn giản là nghệ thuật lau sạch tâm trí và nhờ đó lau luôn những bụi bặm đang bám trên con mắt thứ ba của bạn. Khi con mắt này không còn đóng bụi, bạn sẽ nhìn thấy Niết bàn, thấy Thượng đế, thấy Luân hồi, thấy Đạo, thấy Chân lý. Nói đơn giản hơn nữa: thấy phúc lạc và bình an.

Tôi đã sử dụng nghệ thuật thành công như một cây cầu nâng nhận thức của mình về cuộc sống. Cuốn sách này là nỗ lực của tôi để mong bạn cũng có thể bắt đầu quan tâm tới nghệ thuật, tới cái đẹp, tới tâm linh và thiền sau khi thế giới vật chất không còn làm thoả cơn khát của bạn nữa.

*

Tôi có ý định tự xuất bản cuốn sách này với cái tên “Và tôi thấy luân hồi…” mong muốn nó sẽ là một cuốn sách của đủ ba yếu tố: tính logic thực tế, tính thơ ca và cả tính tâm linh. Dù không có áp lực xuất bản cũng không có kì vọng gì, nhưng nếu cuốn sách này tới tay bạn, nó thật là một bất ngờ lớn cho chính bản thân tôi, về cách vũ trụ và cuộc sống vận hành. Về cách khi ta buông bỏ mọi tham vọng và áp lực, mọi thứ xảy đến mới trôi chảy trơn tru và đầy tính thơ ca làm sao.

Tôi cũng có ý định viết một cuốn sách tiếng Anh với tên Sweet Philosophy: triết học ngọt ngào và ôi trời, tự dưng vừa nghĩ ra: nếu Gary có thể cùng tôi biến cuốn sách “ngọt ngào” này thành một cuốn sách triết lý dạng thơ, thế thì còn gì tuyệt bằng?

Tôi thật sự muốn “giả kim thuật” ý tưởng về triết học khô khan bằng cách làm mềm nó, làm thơ nó, biến nó thành những hành động cụ thể trong đời sống thường ngày giúp cho đời bạn ngọt lành hơn, xinh đẹp và ý nghĩa hơn.

Triết học của tôi về nghệ thuật là: “Đừng sống một cuộc đời chỉ để làm việc, trả hoá đơn và chết. Nhưng hãy làm giàu cho cuộc sống của bạn từ bên trong bằng những hoạt động nghệ thuật nữa. Và cũng đừng chỉ là khán giả ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật của người khác. Hãy tạo ra tác phẩm nghệ thuật của riêng bạn để khám phá quyền năng sáng tạo của chính mình. Và sau rốt, hãy biến chính đời bạn thành một tác phẩm nghệ thuật rồi chia sẻ nó. Làm sao cho khi bạn rời khỏi cuộc đời, thế giới này nhờ bạn mà trở nên xinh đẹp thêm một chút. Tại sao không?”

Cảm ơn vì bạn đã đọc cái bài dài dằng dặc từ chiến tranh tới văn hoá, rồi lan qua nghệ thuật, “lấn” tới tôn giáo, chèn chút học thuyết tâm linh này. Eo ôi nghĩ lại thấy hết hồn chim én thật (Tại sao lại chim én thì đừng hỏi nha). Nhưng như đã nói, khi người viết trong tập trung và trống rỗng, người viết bỗng nhiên tan ra và biến mất, chữ nghĩa ý tứ cứ thế tuôn ra như dòng suối không gì ngăn cản được, mà cũng chẳng có ai để cản. Mọi bài viết của tôi đều như thế. Tôi viết mà cứ như ai đó đang viết. Viết về chuyện của chính mình mà cứ như chuyện của người nào đó khác. Đôi khi bản thân đọc lại và chẳng tin được chính mình đã viết ra những dòng này. Bài này được hoàn thành trong hai ngày từ sáng hôm qua tới bây giờ đã là chiều của hôm sau. Bây giờ là 1:30PM và cả ngày nay tôi chưa ăn một chút gì cả nhưng chẳng hề thấy đói hay mệt. Đấy chính là minh chứng thực tế cho đoạn “Khi người ta trống rỗng, Thượng đế (hay vũ trụ) sẽ lấp đầy người ta bởi những nguồn năng lượng linh thiêng”.

Càng ngày tôi càng sống nhiều khoảnh khắc trống rỗng tuyệt vời như vậy. Cuốn sách này không gì khác hơn là nỗ lực của tôi giúp bạn cũng tự làm trống rỗng bản thân mình nhiều hơn. Thế nhé!

Namaste

Phi Tuyết, 11/2/2020

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *